3 địa điểm du lịch Bạc Liêu [2016]

Đăng ngày 25/01/2024

Đến với các điểm du lịch Bạc Liêu bạn sẽ được thỏa sức ngắm nhìn những khung cảnh thiên nhiên với bãi cát dài trắng mênh mông, núi non trùng điệp, cánh rừng tràm bạt ngàn,… Không chỉ thể, Bạc Liêu còn hút khách du lịch không chỉ bởi những giai thoại “công tử Bạc Liêu đốt tiền” năm nào mà còn là con người và khung cảnh thú vị khó cưỡng.

1. Vườn chim Bạc Liêu

Vườn chim Bạc Liêu có diện tích rộng 107ha đã thu hút rất nhiều loài chim như cò trắng, cò xanh, quắm trắng, còng cọc, điên điển, vạc, diệc, giang sen …và nhiều loài chim chưa rõ tên chen chúc làm tổ trong những vạt rừng rậm rạp, cỏ dại chằng chịt.

Vườn chim Bạc Liêu

Hệ thực vật sân chim Bạc Liêu hiện có 181 loài. Đặc trưng của rừng tự nhiên với các loài cây chà là, cóc, tra, giá, mắm… Đó là sinh cảnh chính đóng vai trò chủ yếu đối với đời sống, nơi cư trú làm tổ, sinh sản của các loài chim hoang dã. Hệ động vật có 150 loài, gồm động vật phiêu sinh, động vật đáy, cá ếch nhái, động vật có vú, bò sát. Đặc biệt, trong 9 loài thú ở sân chim Bạc Liêu thì có 2 loài động vật quý hiếm là mèo cá, cầy hương (chồn đen).

Quần thể chim hoang dã ở sân chim Bạc Liêu có số lượng cá thể rất cao, bao gồm cả một loài sắp bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Theo điều tra thống kê, sân chim Bạc Liêu là nơi cư trú của khoảng 60 ngàn cá thể. Trong sách đỏ Việt Nam, sân chim Bạc Liêu hiện có những loài như: cò lạo Ấn Độ, đuôi cụt bụng đỏ, giang sen, cốc đế nhỏ, sả sung… Ba loài chim quý hiếm là bồ nông chân xám, cò cổ rắn hay thường gọi là chim điên điển và cò quắm.

Vị trí

Vườn chim Bạc Liêu thuộc xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, cách thành phố Bạc Liêu 6km về phía Nam.

2. Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Tại Bạc Liêu có khu vườn nhãn cổ đến nay đã trên trăm tuổi. Đây là vườn nhãn đặc biệt nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, là niềm tự hào của người dân địa phương và còn là điểm thu hút khách phương xa đến tham quan.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu rộng khoảng 230 ha bởi thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho nơi đây những vùng đất màu mỡ, tạo điều kiện cho giống nhãn cổ phát triển sum xuê hơn cả trăm năm nay với những cây gốc to hơn 2 người ôm không xuể, tán lá rộng mát, tạo nên không gian thanh bình.

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu

Nơi đây nổi tiếng với 2 giống nhãn Su-bic và Tu-huýt có giống từ Trung Quốc. Giống Su-bíc cho trái to, vỏ mỏng, cơm dày, rất thơm và ngọt, còn giống Tu-huýt trái nhỏ, hạt nhỏ, nhưng cơm dày, vị ngọt. Vườn nhãn thu hút, to và cao nhất vùng là của gia đình ông Trương Kiết tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành. Tại đây có một cây nhãn do cụ Trương Hưng trồng đầu tiên, giờ trở thành cây nhãn cổ thụ gốc to 2 người ôm không giáp. Ông Trương Kiết xem cây nhãn “tổ” này như là báu vật của ông bà để lại, hàng ngày ra vào chăm sóc chu đáo.

Vị trí

Vườn nhãn cổ Bạc Liêu chạy dài trên 11km đi qua 2 xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông, thuộc thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

3. Khám phá nhà công tử Bạc Liêu

Nhà công tử Bạc Liêu được xây dựng vào khoảng năm 1919, lúc đó “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy khoảng 19, 20 tuổi. Ngôi nhà do kỹ sư người Pháp thiết kế và tất cả vật liệu để xây dựng đều được đưa từ bên Pháp qua. Hầu hết mọi vật liệu xây dựng, từ thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí đến ốc vít đều có khắc chữ “P” chìm, như minh chứng nguồn gốc xuất xứ của nó tại thủ đô Paris hoa lệ. Ngoài tên gọi nhà công tử Bạc Liêu, căn biệt thự còn được dân địa phương quen gọi là nhà Lớn. Sau khi hoàn thành, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất ở Nam kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.

Cấu trúc ngôi nhà theo phong cách phương Tây vào đầu thế kỷ XIX – Đây là phong cách kiến trúc hiện đại nhất của phương Tây lúc bấy giờ, nó được kết hợp với phong thủy phương Đông. Ngôi nhà gồm một tầng trệt một lầu, trang trí bằng nhiều đường viền chỉ và hoa văn nổi, gồm 4 phòng và 4 đại sảnh được bao quanh bằng lối hành lang rộng rãi làm cho ngôi nhà luôn mát mẽ và thông thoáng.

Giai thoại công tử Bạc Liêu
Công tử nghĩa đen là con quan, nhưng với Ba Huy, từ này còn mang ý nghĩa khác, nặng về chơi trội, chơi ngông, không ai đủ sức xài tiền như Ba Huy, vì thế, về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy. Từ đó “Công tử Bạc Liêu” trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không ai có thể tranh chấp.

Thú chơi xe

Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Huy đi vào các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Việc này là một sự kiện đặc biệt, Ba Huy đi đến đâu tá điền ùn ùn kéo đến xem, vì cả đời họ chưa được nhìn thấy xe hơi, ca nô bao giờ. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại.

Thuê người Pháp làm công

Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri, chồng bà Tư Nhớt, một người trong gia tộc Trần Trinh. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội Đồng Trạch, dưới quyền ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưởng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ “mẫu quốc” qua làm mướn cho bên vợ, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước.

Thú mê võ

Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nửa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Ba Huy không học võ Tây hay võ ta mà học võ Xiêm. Ông đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò, là em út của ông.

Người Việt đầu tiên sở hữu máy bay

Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại.

Thú vui di chuyển

Ba Huy sinh hoạt cực kỳ sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, cây “can”…

Giao tranh Hắc – Bạch công tử

Bạch công tử là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng khi đó, da trắng nên được gọi Bạch công tử để phân biệt với Ba Huy. Cùng nổi tiếng ăn chơi, Bạch công tử và Hắc công tử trở thành kỳ phùng địch thủ.

Vị trí

Hiện nay nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13-15 Điện Biên Phủ, phường 3, thành phố Bạc Liêu.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *