Cảm nhận về nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” của Kim Lân.

Đăng ngày 25/01/2024

Văn là đời. Chuyện văn là chuyện đời. Qua một cảnh ngộ, một tình huống, một nỗi lòng của nhân vật, nhà văn muốn mang đến cho bạn đọc những vấn đề nhân sinh. “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Tất cả những gì nhà văn muốn gửi gắm có chăng đều được sáng ngời qua nhân vật Tràng- một gã nông dân nghèo, thô kệch nhưng nhân hậu và luôn giàu khát khao sống.

Tôi nhớ nhà thơ Buy-phông ở đâu đó từ nhận định: “Phong cách chính là người”. quả thật vậy. Kim Lân là con người mang đậm cốt cách dân tộc. Đó là lí do vì sao văn ông luôn chanm chứa một mùi quê hương, giản dị, hồn hậu, dân dã như chính cuộc đời bụi bặm hàng ngày của những người dân thuần phác. Tô Hoài cũng từng nhận xét Kim Lân là “nhà văn một lòng đi về với đất, với người, với những gì thuần hậu, nguyên thủy của làng quê Việt Nam”. Với tư cách là một nhà văn, ông không chen lấn ai và cũng không phải đỏ mặt với bất kỳ người nào. Kim Lân giống như một loại đồ cổ quý hiếm cất giữ trong đó nhiều bụi vàng văn hoá thẳm sâu của nền văn minh sông Hồng.Và thực tế, các tác phẩm của ông đã minh chứng rõ nét nhất cho điều đó.

“Vợ nhặt” là một truyện ngắn xuất sắc có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, Kim Lân viết ngay sau cách mạng tháng Tám, nhưng bị mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (1954), tác giả dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết truyện ngắn. Ta đã từng bắt gặp một ông Hai trong “Làng”, một con người đậm chất “Kim Lân”, đậm chất làng quê. Nhân vật Tràng trong “Vợ nhặt” cũng là một con người như thế.

Có thể nói, Kim Lân đã rất tài tình khi “đặt nhân vật kề bên nanh vuốt của cái chết” (Nguyễn Đăng Mạnh). Bối cảnh là một xóm ngụ cư những năm nạn đói năm 1945. Khi mà cái chết hiện lên thành hình những người chết “nằm còng queo, nằm ngổn ngang, đi lại dật dờ”, cái chết vẩn lên thành mùi “ẩm thối của rác rưởi, mùi gây của xác người. mùi khét lẹt khi đốt đống rấm”. Cái chết hiện hình trong cả những âm thanh người hờ khóc tỉ tê, tiếng quạ trên cành cây gạo… Thậm chí là trong cả màu “xanh xám”, gợi cái cảm giác “heo hút, ngăn ngắt”, lạnh lẽo trong cảm nhận của mỗi người. Đặc biệt hơn cả là cảm quan hiện thực sắc sảo của nhà văn khi miêu tả “những người sống đi lại dật dờ như những bóng ma”. Ta thấy ở đó rùng rợn một bức tranh mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mỏng manh, cõi âm nhập nhòa trong cõi dương, trần gian mấp mé miệng vực của âm phủ.

Giữa cái nền ấy xuất hiện anh cu Tràng. Như bao nhân vật khác trong truyện ngắn Kim Lân, Tràng là một gã nông dân “khố rách áo ôm”. Hắn sống với mẹ già trong một “cái nhà vắng teo, đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Đã nghèo, nhưng bên trong nhà còn bừa bãi, lộn xộn: một tấm phên rách, những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất, mấy cái quần rách như tổ đỉa vắt khươm mươi niên, cái ang nước khô cong, đống rác mùn không buồn quét… Kim Lân đã thật tài tình khi chọn lọc một loạt những chi tiết đắt giá làm nổi bật tình cảnh éo le nhà Tràng, chắt chiu từng “hạt bụi vàng” làm nên “bông hồng vàng” danh giá.
Tràng không có người yêu, nói một cách hóm hỉnh, Tràng “ế vợ”. Không chỉ bởi nhà hắn nghèo, cái đáng nói ở chỗ hắn là một gã ngờ nghệch, thô kệch và hết sức xấu xí. “Hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, quai hàm bạnh ra, cái đầu chọc nhẵn cứ chúi về phía trước”. Đã vậy, hắn còn hay lẩm bẩm một mình. Cuộc đời của một người đàn ông còn gì éo le hơn thế? Nam Cao cũng từng gửi nỗi niềm tâm sự ấy trong lời nói của Chí Phèo, giãi bày nỗi bất hạnh của giới trượng phu: “Tỉnh dậy, hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Đói rét, ốm đau và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau” (Chí Phèo).

Tôi nhớ Thạch Lam từng nói: Cái đẹp nằm trong cuộc sống, “cái đẹp len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, cái đẹp ở những chỗ không ai ngờ tới, cái đẹp tiềm tàng che lấp sự vật”. Và quả thật như vậy. Bề ngoài đói rách, khó ưa không có nghĩa là tâm hồn héo úa. Đến người đàn bà xấu “ma chê quỷ hờn” như Thị Nở còn có lúc động lòng thương đối với một con quỷ mất hết tính người, huống chi Tràng? Và ta nhận thấy khuất lấp đằng sau cái vẻ ngờ nghệch, thô kệch của hắn là một trái tim nóng bỏng yêu thương, một tấm lòng nhân hậu vô bờ cho người, cho đời.

Sở dĩ tôi có thể chắc chắn được như thế là bởi giữa cái năm “đói mòn đói mỏi” ấy (Bằng Việt), đến cái ăn cái mặc của mình Tràng còn không lo được, nhưng hắn lại sẵn sàng dang rộng đôi bàn tay của mình để cưu mang, giúp đỡ một người phụ nữ hoàn toàn xa lạ, lại thêm cái tính “Chao chát, cong cớn, chỏng lỏn”. Nói một cách công bằng, Tràng không hề có chủ ý muốn cưới người “vợ nhặt”, tất cả chỉ là bông đùa. Một lời mời chào xã giao (“muốn ăn cơm trắng mấy giò này, lại đây mà đẩy xe bò với anh nì!), một lời hứa hẹn xuông, một lời rủ rê “chưa chính thức”. Thế là có vợ thật.

Ban đầu hẵn xông xênh bỏ hẳn tiền túi ra mua một chập bốn bát bánh đúc cho người đàn bà khốn khổ kia. Rồi từ một câu nói tầm phơ tầm phào: “này đùa chứ có về ở với tớ một nhà cho vui”. Ấy vậy mà người “vợ nhặt” đồng ý thật. Hắn cũng đã thấy “chợn” bởi hắn lo sợ cho tương lai, đến bản thân mình còn không nuôi nổi mình huống chi cưu mang người khác? Tôi nghĩ, nếu lúc này gã đàn ông kia bỏ mặc người “vợ nhặt” thì cũng là dễ hiểu. Nhưng tình người trong gã thì chắc mất mát đi nhiều lắm, và Tràng cũng chẳng khác một thứ “bèo bọt” là bao. Nhưng rồi hắn đã “Chậc, kệ!”. Cái tặc lưỡi ấy nghe có vẻ bất cẩn, vô tâm và nguội lạnh quá. Nhưng thực chất đằng sau cái vẻ bỗ bã, tạm bợ ấy luôn nóng bỏng một tình yêu thương vô bờ. Đến nỗi, dẫu cho có biết bao đôi mắt đang nhìn chằm chằm vào đôi tình nhân mới “cưới”, họ rì rầm, bàn tán, chê bai: “chao ôi, thời buổi nào còn rước cái của nợ ấy về, có nuôi nổi nhau sống qua ngày không?”. Nhưng Tràng vẫn mặc kệ, giờ đây với hắn chỉ còn “tình nghĩa với người đàn bà đi kế bên”, hắn “tủm tỉm cười, hai mắt sáng lấp lánh”… Đó chính là niềm hạnh phúc vô bờ Tràng hằng ao ước bấy lâu. Có được nó, hắn sẵn sàng từ bỏ tất cả.

Nảy nở từ một trò đùa nhưng bên trong thực chất là một cái mầm nghiêm túc xây đắp hạnh phúc. Trên đường về, còn bao nhiêu tiền hắn dồn hết vào ba việc: đãi người vợ một bữa cơm, mua cho vợ cái thúng đựng mấy đồ lặt vặt và mua lấy ba hào dầu. Hai hành động đầu tiên nghe có vẻ thiết thực. Nhưng hành động thứ ba xem chừng xa xỉ, bởi lẽ không có đèn dầu, cuộc sống vẫn tốt, Hơn nữa, giữa cái thời buổi chết dần chết mòn vì đói ấy ai lại thèm để tâm đến chút ánh sáng nhỏ nhoi? Nhưng Tràng thì không thế, Dẫu cho có “nhặt” được vợ giữa đường giữa chợ như nhặt một cái rơm, cái rác nhưng không vì thế mà hắn thấy kinh thường người đàn bà đi kế bên. “Vợ mới vợ miếc thì cũng phải sớm sủa cái chứ chẳng nhẽ chư tối mà đã rúc ngay vào?”. Ngọn đèn dầu chính là minh chứng cho trái tim nhân hậu, tấm lòng trân trọng của mình đối với một người đàn bà nghèo khổ. Ngọn đèn đã thắp lên tình yêu, hạnh phúc cho cặp vợ chồng son.

Đã là người, ai chẳng có bản năng ham sống? Nhưng tôi thấy ở Tràng, đó không chỉ là bản năng, đó còn là khát vọng. Khát khao sống, khát khao hạnh phúc. Hành động nhặt vợ chính là một biểu hiện như thế. Không khao khát, làm sao hắn dám dẫn một người dàn bà không tên không tuổi về làm vợ? Nhất là ở buổi sáng hôm sau, khi mặt trời lên cao bằng con sào, hưởng đêm trăng mật đầu tiên, lòng hắn thấy “êm ái, lửng lơ” lạ thường. Tràng thấy như không tin vào mắt mình. Ra là hắn đã có vợ đấy ư? Cái hạnh phúc nó tìm đến bất ngờ quá mà chưa kịp cảm nhận. Thấy mẹ và vợ đang cần cù quét tước, dọn dẹp nhà cửa, hắn thấy “thấm thía, cảm động”, như thêm “gắn bó với cái nhà hắn hơn”. “Một nguồn vui sướng, phấn chấn tràn ngập trong lòng” Ngôi nhà mà hắn đã từng gắn bó rất lâu, giờ đây đã thực sự trở thành tổ ấm nhờ bóng dáng người vợ hiền lành kia.

“Nhà”- chỉ một từ ấy thôi nhưng vô cùng ý nghĩa. “Nhà” không đồng nghĩ với “bình yên”, nhưng chúng ta ai cũng mong nó gắn với “bình yên” dẫu phải đánh đổi mọi thứ. Và Tràng cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Khao khát hạnh phúc lớn lao thúc giục hắn có ý nghĩ muốn làm một cái gì đó cho tổ ấm của mình. Quả thật, người vợ luôn có ý nghĩa đối với mỗi người chồng. Như một nhà vĩ nhân xua từng nói: “Tôi sẵn sàng đánh đổi toàn bộ sự nghiệp nếu biết ở đâu đó trong ngôi nhà kia, có một người vợ luộn chờ tôi về ăn bữa tối”.

Khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc, và giờ đây Tràng đã có được. Ai bảo cứ Rô-mê-ô và Ju-li-ét mới là tình yêu? Dẫu cho người đàn ông kia có thô kệch, nghèo nàn, dẫu cho người đàn bà kia có rách nát “như tổ đỉa” thì đó vẫn là tình yêu. Họ vẫn lo lắng, quan tâm nhau, tôn trọng nhau đó thôi. Người có khao khát hạnh phúc xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Chính niềm khao khát cháy bỏng ấy đã xua tan đi mọi “u tối, hốc hác, bủng beo” của cuộc sống bụi bặm, xua đi cái lạnh lẽo của nạn đói tử thần năm 1945.

Xây dựng thành công nhân vật Tràng, Nhà văn đã vận dụng thành công đặc trưng thể loại truyện ngắn: Cốt truyện đơn giản nhưng nhiều chi tiết nghệ thuật sắc nét, đa nghĩa. Bút pháp miêu tả tâm lý tài tình, bắt nhạy từng chuyển biến trong tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ cá thể hóa cao độ mang đến sự giản dị, gần gũi của làng quê Việt Nam… Qua “vỏ mỏng” nhưng Kim Lân đã dựng được một lớp “lõi dày” cho tác phẩm. Hình tượng nhân vật Tràng chính là tấm chìa khóa mở ra tư tưởng của toàn bộ câu chuyện, nhà văn như muốn nói: Dẫu cho hoàn cảnh có đè nén, có “bèo bọt hóa” con người, nhưng con người vẫn không chịu làm kiếp bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn làm Người. Những người đói, họ không nghĩ đến cái đói mà nghĩ đến cái sống. Xuất thân trong cái cảnh chết chóc nhưng sự sống vẫn kiên định chống chọi. “Sự sống chưa bao giờ chán nản” (Xuân Diệu), sự sống vươn lên trên cái chết, sự sống chiến thắng cái chết. Đó chính là thông điệp nhân sinh sâu sắc nhất mà Kim Lân muốn mang đến cho chúng ta qua nhân vật Tràng.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên từng nói: “Thời gian có thể phủ bụi một số thứ, Nhưng có những thứu càng rời xa thời gian, càng sáng, càng đẹp”. Tôi cho rằng “Vợ nhặt” của Kim Lân là một tác phẩm như thế. Ra đời cách đây gần nửa thế kỉ nhưng sức sống của nó vẫn sẽ tồn tại đến muôn đời.

Hoàng Hà Anh

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *