13 đặc sản Bạc Liêu – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Bạc Liêu không chỉ nổi tiếng với những chàng công tử đốt tiền để “tán” gái, sân vườn rộng lớn hay nhà cổ Tòa tham biện, vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long này còn sở hữu nền ẩm thực phong phú và tươi ngon, bổ dưỡng vô cùng. Nhiều du khách khi đến đây đều say mê khám phá với những món ăn lạ tai, lạ mắt, lạ vị chắc chắn sẽ để lại đầy ấn tượng và khó quên sau này. 10 đặc sản Bạc Liêu sau đây là những món tiêu biểu không thể bỏ qua khi đến vùng đất phương Nam!

1. Bánh tằm bì Bạc Liêu

Để làm được món bánh tằm bì hoàn hảo đòi hỏi nhiều công đoạn và công sức của người đầu bếp. Đầu tiên, để có được những sợi bánh tằm trắng phau, mềm mịn, phải trải qua hàng loạt công đoạn như xay gạo, lấy bột đem nấu chín rồi cho vào cối ép bằng tay, sau đó đem hấp mới có được những vỉ bánh thơm ngon.

Tiếp đến, để có bì ngon, bạn phải chọn da heo và thịt đem luộc trước khi băm nhỏ thành sợi, mịn và đều, rồi mới trộn chung với thính và ít gia vị gia giảm đi kèm. Riêng nước mắm chan phải là thứ nước phải đảm bảo vừa chua, cay, mặn, ngọt.

Còn rau cho món ăn này nhất thiết phải có xà lách, húng, giá đỗ và dưa leo đã được cắt nhỏ. Đặc biệt, một đĩa bánh tằm bì ngon không thể thiếu nước sốt dừa có màu trắng sữa, vừa béo ngậy vừa thơm đậm và vừa miệng người ăn.

Trong địa phương, một số người còn thường hay ra đồng hái rau mơ – một loại lá nhỏ, dài, màu xanh đậm, cho vào cối đâm nhuyễn vắt lấy nước, sau đó hòa chung với bột trước khi chế biến thành bánh.

Trước kia, bánh tằm thường được người dân làm bằng tay nên gọi là “bánh tằm xe tay”, khi ăn với nhân tôm rồi chan nước cốt dừa.

Tham khảo thêm:

  • Chợ Ngan Dừa, Thị trấn Ngan Dừa, Huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.
  • Quán cà phê trong khuôn viên nhà công tử Bạc Liêu, số 15 Điện Biên Phủ, Phường 3, Tp. Bạc Liêu.
  • Nhà khách số I Hùng Vương, Đường Nguyễn Tất Thành.

2. Nhãn da bò Bạc Liêu

Nếu như miền Bắc nổi tiếng với cam xã Đoài, vải thiều Thanh Hà ở Hải Dương; miền Đông Nam Bộ có nho Phan Thiết, thì miền Tây Nam Bộ lại nổi danh với nhãn da bò Bạc Liêu, chỉ cần ăn một lần là nhớ mãi.

Từ những buổi đầu di cư lập nghiệp, nhãn da bò (có nguồn gốc từ Trung Quốc) đã được người Hoa đem qua Việt Nam nhân giống và có mặt ở Bạc Liêu cho đến nay. Cây nhãn da bò càng nhiều năm tuổi thì cho trái càng nhiều, dày cơm và hương vị thơm ngọt hơn.

Hàng năm, mỗi khi mùa mưa đến, những vườn nhãn lại nặng trĩu quả như để đón Tết Trung Thu. Bề ngoài, nhãn da bò trông vàng óng ánh, vỏ mỏng, láng bong và có vị ngọt thanh. Đến tham quan vườn nhãn, bạn có thể thưởng thức những trái nhãn thơm ngọt, và tận hưởng không khí miệt vườn thanh bình, yên tĩnh.

Đi dưới những tán lá xum xuê trong vườn nhãn ở xứ Bạc Liêu vào những ngày trái chín, bạn sẽ thấy từng chùm nhãn trĩu cành đong đưa theo chiều gió, cũng như ngắm cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của người dân nơi đây.

3. Năn bộp Bạc Liêu

Trong ẩm thực mùa mưa ở miền Tây Nam Bộ, món năn bộp không thể không được nhắc đến như một đặc sản nổi tiếng. Đây là một loại thực phẩm lấy từ cỏ năn ngọt mọc hoang trên những cánh đồng ngập mặn ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… được thu hái và ăn sống như một loại rau hay chế biến nhiều món ăn.

Cây cỏ năn bộp có ba phần gồm đọt năn, chồi non và củ năn đều được sử dụng để làm món ăn. Phổ biến nhất là đọt năn mọc ở gần gốc, có màu vàng nâu xỉn vì nhiễm phèn nhưng khi bóc lấy phần non thì có màu trắng ngà, nhẹ như xốp. Bên cạnh đột năn, những đoạn chồi non, hay còn gọi là mần năn, thường rất được sếu đầu đỏ ăn. Cuối cùng là củ năn, khi cây năn chết thì đến mùa mưa năm sau mới mọc lên thành cây mới.

Người dân miệt vườn miền Tây khéo léo có thể chế biến thành những món ăn dân dã đến lạ thường từ ba bộ phận kể trên. Những đọt năn sau khi bóc tách hết vỏ để làm rau ăn sống, trộn gỏi, xào, nấu canh, nhúng lẩu, làm dưa… món nào cũng ngon và hấp dẫn.

Đặc sắc và đúng điệu của món ngon là rau năn ăn sống với cá rô đồng rán giòn, cá lóc nướng trui hoặc cá trê nướng dầm nước mắm gừng thì tuyệt không gì bằng. Ngoài ra, mầm năn được dùng để xào thịt trâu, nghêu, hến, tép bạc, thịt chuột đồng… Để thưởng thức món mầm năn, người ta xào để to lửa, đảo nhanh cho mầm năn vừa chín tái thì khi ăn sẽ có độ giòn ngọt. Còn củ năn bộp, đào lên đem rửa sạch để ăn hoặc ủ đến khi mọc mầm để lấy muối dưa chua – một món ăn được người dân miền Tây Nam Bộ vô cùng ưa thích. Dưa năn bộp có thể muối xổi, trộn dấm đường tỏi ớt và chút muối ăn để khoảng 30 phút là dùng được.

Nhờ có mùa mưa đã tạo nên sự phong phú của nhiều sản vật ngon từ động vật cũng như thực vật ở miền Tây Nam Bộ này. Dù là ai đi chăng nữa, khi đến đây đều mong muốn được thưởng thức những món ngon dân dã từ cây năn bộp đặc biệt này.

4. Cá kèo kho dưa cải

Cá kèo là loại cá sinh sản ở vùng nước mặn, sinh sống nhiều nhất là ở hai vùng Cà Mau và Bạc Liêu. Cứ vào mùa mưa, gặp con nước rong thì cá tràn vô bờ hoặc các sông rạch nổi đầu như trái mù u.

Dù không phải là loài quý hiếm, cá kèo đôi khi còn được coi là món ăn của người nghèo như trong câu ca dao dân gian truyền miệng “Dưa leo chấm cá bóng kèo/ Bởi con nhà nghèo mới học nor-mal (tức là học sư phạm)”.

Nhưng trong một vài năm trở lại đây, cá kèo đã lên ngôi và trở thành một đặc sản không thể thiếu của miền Tây. Cá kèo tuy nhỏ nhưng ít xương, thịt ngọt nên có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn như cá kèo kho mắm, nấu cháo, nấu canh chua, kho lạt, nướng muối ớt… Ngoài ra, cá kèo kho dưa cải cũng là một trong những món vừa ngon, vừa lạ miệng, hợp với khẩu vị của những người đồng bằng.

Để làm được món ăn này, cần chọn được những con cá còn tươi rói cho vào rổ rồi dùng lá sả hoặc lá gừng chà xát cho bớt nhớt. Tiếp đó là cắt bỏ đuôi và miệng cá nhưng không cần bỏ ruột. Sau đó đem rửa sạch rồi ướp chung với chút nước mắm hòn, bột nêm, tiêu, tỏi cho thấm đều vào thịt cá.

Dưa cải thì chọn những bẹ có màu vàng sậm rồi rửa sạch, cắt nhỏ bằng ngón tay rồi cho vào chảo xào với mỡ hoặc dầu ăn. Khi dưa cải chín mềm thì mới cho thêm nước và sau đó mới cho cá kèo vào. Khi kho cần để lửa nhỏ vì thịt cá chín rất nhanh, chỉ chừng vài ba phút là đã có một món ăn mộc mạc, dân dã nhưng đậm đà khó quên.

Thưởng thức cá kèo kho dưa cải, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngọt nguyên sơ của cá và vị chua thanh, nồng nhẹ của dưa cải, không những không ngán mà còn kích thích tiêu hóa và khiến bạn luôn thèm ăn.

Món kho này lúc ăn với cơm còn nóng, kèm thêm cải bách thảo, xà lách son và dưa leo thì bạn sẽ cảm nhận được vị mặn, ngọt của cá và vị chua giòn của dưa cải. Ở một vài quán ăn ở vùng Bảy Núi (An Giang), người ta còn rắc lên chảo cá lúc mới kho xong một ít lá trúc cắt nhuyễn và điểm thêm vài quả ớt hiểm màu đỏ tươi khiến cho đĩa cá bắt mắt hơn, mùi vị quyền rũ khiến ai nấy cũng háo hức muốn ngồi ăn ngay lập tức.

5. Canh dưa Bạc Liêu

Nếu có dịp đi Gành Hào (huyện Đông Hải, Bạc Liêu), bạn sẽ dễ dàng có cơ hội được thưởng thức món canh dưa cải thật lạ và cũng thật ngon. Đây là dưa cải muối nguyên cây, được cắt khúc nấu với cá đối – loại cá mà con nào con nấy mập ú, bụng căng đầy trứng, vì vậy vị béo của cá đối hơn hẳn vị béo của thịt ba rọi.

Bên cạnh đó, vị ngọt của thịt cá cũng hơn hẳn vị ngọt của thịt lợn bình thường. Ngoài ra, với một bụng cá đầy trứng cho vị bùi béo thì chắc chắn bạn sẽ không cảm thấy ngán khi ăn. Nếu dưa cải muối đã hấp dẫn như vậy, thì canh dưa nấu theo kiểu Bắc còn nổi tiếng hơn nhiều.

Cải được chọn làm dưa đem về tách từng bẹ, bỏ lõi, phơi vài ba nắng khi vừa héo thì đem cắt khúc, rửa sạch. Sau đó, bạn cho cải và gốc hành lá vào nước pha muối nén chặt, đậy lá chuối, úp chiếc đĩa to hoặc một hòn đá đã được rửa sạch nén không cho cải trồi lên mặt nước.

Đợi chừng ba hôm bạn giở ra thì thấy cải đã chuyển sang màu vàng đẹp mắt và có mùi chua thơm đặc trưng. Vớt cải ra, cho vào chảo xào cho thấm với nội tạng bò, hành tím lột vỏ nhưng để nguyên củ cùng hành tây cắt lát, cà chua cắt và một số gia vị khác.

Sau đó, bạn cho hỗn hợp này vào nồi, đổ nhiều nước, nêm gia vị đến khi nước sôi thì giảm lửa. Khi ninh càng lâu thì dưa cải và thịt bò càng nhừ mà không hề nát. Khi ăn, chỉ cần gắp một đũa dưa cải lẫn thịt bò cho vào miệng để cảm nhận vị chua của dưa cải, cà chua, vị ngọt béo của thịt bò hòa lẫn vào nhau.

Nếu bạn muốn món canh dưa này trở nên cao cấp hơn hãy dùng nạc, nạm gầu, lá sách… thì vị ngon của thịt bò sẽ hoàn toàn khác biệt. Cho miếng thịt bò vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được sự mềm mại của thịt nạc, giòn của những miếng gầu, lá sách, vị dai của gân bò.

Tuyệt vời hơn là nhúng vào tô canh rồi chấm vào bát nước mắm ớt trước khi cho vào miệng nhai. Lúc này đây, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn vị ngọt béo chua của thịt bò, vừa gân vừa nạc, vừa mỡ vừa mềm đủ mùi vị cà chua, hành tím và dưa cải lâng lâng trong vị mặn ngọt của gia vị trong từng miếng ăn.

Món canh dưa chỉ cần được ăn trong những ngày nóng nực sẽ khiến bạn có cảm giác sảng khoái, khỏe khoắn hơn rất nhiều. Còn khi bạn thưởng thức vào những ngày mưa gió thì hơi nóng của món ăn sẽ khiến bạn ấm miệng, ấm lòng hơn rất nhiều.

6. Cá kèo nấu giấm

Cá kèo là một sản phẩm đặc trưng của vùng đất Bạc Liêu, nơi nổi danh với nhiều loài thủy sản phong phú. Từ cá kèo, người dân nơi đây còn có thể chế biến thành rất nhiều món ngon, tiêu biểu trong đó phải kể đến là cá kèo kho tộ, cá kèo kho rau răm, cá kèo nướng muối ớt…; đặc biệt, món canh cá kèo nấu giấm là đặc sản của Bạc Liêu, tuy đơn giản nhưng cũng không phải hoàn toàn dễ làm.

Để làm món cá kèo nấu giấm, cá kèo phải được làm sạch nhớt, cắt bỏ vây, đuôi, cắt đôi hoặc để nguyên con tùy theo khẩu vị của từng người. Rau om thì rửa sạch, cắt khúc. Gừng cắt chỉ và ớt cắt lát.

Sau đó, cho khoảng nửa lít nước vào nồi nấu sôi, sau đó thả cá kèo vào, nêm hạt nêm từ thịt thăn và xương ống, muối, đường nêm vừa ăn là đủ. Khi cá chín, bạn cho giấm, ngò om, gừng và vài lát ớt sừng vào nồi.

Canh cá kèo nấu giấm ăn ngon khi dùng nóng với cơm trắng kèm nước mắm chấm ngon. Ngoài ra, người dân địa phương nơi đây cũng có một vài mẹo vặt khi chế biến món ăn này. Đầu tiên là cho cá kèo vào túi lưới chà với tro bếp, muối hoặc giấm cho sạch nhớt. Thứ nữa là không dùng nồi nhôm để nấu các món ăn có giấm vì nó không có lợi cho sức khỏe.

7. Mắm cá chốt Bạc Liêu

Mỗi dịp Tết đến, khi thịt, cá, bánh tét, bánh chưng bạn ăn mãi cũng bắt đầu thấy ngán thì hũ mắm cá chốt chính là “cây chốt” để đổi vị cho gia đình bạn. Mắm cá chốt không những thơm ngon, không mặn mà còn có độ dai của sớ cá và vị sần sật của trứng cá, tạo nên một cảm giác thích thú khi ăn.

Ở vùng Bạc Liêu, Châu Đốc cá chốt luôn có đầy sông, chỉ cần vung một chài là đã bắt được không biết bao nhiêu cơ man cá. Riêng ở vùng Châu Đốc, người ta chỉ cần dùng mồi thơm để nhử là chúng đã bu lại, đầu nổi lên, râu nhô lên mặt nước tua tủa. Chỉ cần một tiếng đồng hồ đánh bắt cá chốt là cũng đã đủ làm một khạp nhỏ mắm.

Để có hũ mắm hấp dẫn, cá chốt khi bắt về thì đem ngâm nước lạnh chừng hai tiếng đồng hồ, chặt hai ngạnh to dính ở đầu rồi bỏ ruột, rửa sạch, phơi nắng ngoài trời cho vừa ráo, cho vào ướp muối, đặc biệt muối cá chốt phải là muối rang hết nổ.

Theo kinh nghiệm của bà con địa phương, mắm cá chốt ngon là khi trộn đều cá với ly rượu đế, đường, thính, muối rang, tất cả cho vào hũ ém chặt lại, chờ lên men từ 7 – 10 ngày là dùng được. Mắm ngon hay dở là ở muối và rượu.

Khi cá lên men thì thường chứa hơi nước, vì vậy trước khi ăn, bạn cần ép cho bớt nước thì mới ngon. Mắm cá chốt thường dùng để ăn sống, cứ một con mắm thì một miếng ăn. Đĩa mắm cá chốt thường được ăn chung với riềng, ớt, gừng, bên cạnh là đĩa rau, chuối chát, khế.

Bên cạnh đó, mắm cá chốt còn dùng để ăn với cơm nguội, hay khoai lang cũng không kém phần hấp dẫn. Hiện nay, cá chốt đã không còn nhiều như xưa, nhưng món kho hay nấu canh chua cá chốt cho đến mắm chế biến từ loài cá này đã trở thành đặc sản hấp dẫn với người sành ăn; còn những người đi làm xa thì thường tìm ăn cho bằng được mắm cá chốt như một cách nhớ về quê nhà.

8. Ba khía Bạc Liêu

Là một loại cua theo cách gọi của người Việt, ba khía có hình thù giống cua đồng, nhưng nhỏ hơn và sống chủ yếu ở vùng nước mặn. Ba khía là món ăn khá phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của đồng bào Khmer, sau đó được người Kinh học theo cách làm và lâu dần thì trở thành một đặc sản nổi tiếng như hiện nay.

Nếu bạn nhìn thấy ba khía thì thật khó có thể phân biệt chúng là cua hay ba khía bởi hình dáng đặc biệt của chúng giống cua đồng. Tuy nhiên, ba khía thường nhỏ hơn và sống chủ yếu ở các vùng nước mặn. Trước đây, nó là món ăn của người bình dân, sau này trở thành món ăn đặc sản tiêu biểu của Bạc Liêu.

Ba khía có nhiều cách chế biến nhưng quen thuộc nhất là ba khía muối. Khi ăn, người ta xé nhỏ ba khía đem trộn đều với đường cát, ớt, tỏi, bột ngọt, nước chanh để tăng vị ngọt của nó hoặc có thể không trộn bất cứ gia vị nào. Bạn có thể ăn cơm cùng ba khía muối mà không sợ vị đậm đà khác lạ thay đổi.

Ở xứ Bạc Liêu, đàn ông có thể lai rai với ba khía luộc là có thể ngồi trò chuyện đến khuya. Ngoài ra, người ta còn có thể làm gỏi ba khía để người ăn có thể thưởng thức thêm.

9. Bún bò cay Bạc Liêu

Xứ biển Bạc Liêu lâu nay được biết đến với những món đặc sản của đại dương nổi tiếng như lẩu cá khoai, cháo cá khoai, sò huyết, cua gạch son luộc chấm muối tiêu chanh, ốc lác luộc chấm cơm mẻ sả ớt… Chừng ấy thứ đặc sản cũng đủ để tô vẽ đậm nét cho sự đa dạng của nền ẩm thực Bạc Liêu vốn đã dân dã, mộc mạc, thưởng thức một lần thì đều khó quên, trong đó có món bún bò cay.

Bún bò Bạc Liêu chỉ gồm thịt bò và sa tế chứ không cho mắm ruốc đặc trưng như bún bò Huế. Đặc trưng nổi bật của bát bún bò nơi đây nằm trong một chữ: cay. Một bát bún bò cay đạt chuẩn ngoài hương và vị thì phải có những lát thịt bò cắt dày và to gần bằng ba ngón tay cùng một chén muối hột giã với ớt đỏ, kèm vài lát chanh.

Tuy nguyên liệu chỉ có thịt bò và sa tế, nhưng để nấu được bún bò Bạc Liêu thì không phải ai cũng làm được, mà mỗi nơi đều làm theo một cách riêng biệt, độc đáo. Nhìn bát bún bốc khói nghi ngút đặt trước mặt, bạn sẽ nhận thấy những sợi bún trắng tinh cùng miếng thịt bỏ lẫn trong cái nền màu vàng sẫm bắt mắt đó. Thêm nữa, màu đỏ của nước bún là nguyên chất, do được nấu nhiều với ớt tươi, chứ không hề pha phẩm màu tạo đỏ.

Khi ăn, người ta thường nhặt vài lá rau thơm cho vào bát, vắt chanh rồi trộn đều lên. Cứ khi gặp thịt bò thì gắp ra chấm muối ớt và cứ thế vừa xuýt xoa vì cay, vừa đỏ mặt vì nóng, những hương vị đặc trưng hấp dẫn bạn.

Ăn xong bát bún bò là lúc bạn đã hoàn toàn thỏa mãn trong vị cay, vị giòn, dai, bùi béo của thịt bò và vị chua của chanh, hấp dẫn và sảng khoái cả người.

10. Mắm chua Vĩnh Hưng – Bạc Liêu

Ở vùng tháp cổ Vĩnh Hưng (ấp Trung Hưng 1, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi) có một đặc sản mà những người sành mắm sẽ không bỏ qua, đó là mắm chua, được đông đảo du khách gần xa khen ngợi. Mắm chua được làm từ cá sặt, cá rô, cá lóc nhỏ chừng hai đến ba ngón tay, cùng các gia vị như muối, đường, thính, rượu, riềng, tỏi, ớt.

Có nhiều nguyên liệu được chế biến từ mắm, và mỗi nơi cũng thường có những cách làm mắm, cách chế biến khác nhau, ví dụ nước mắm Cà Mau khác với mắm Châu Đốc hay nước mắm của người Kinh khác với nước mắm bồ-hóc của người Khmer

Mắm chua có mùi rất thơm, khi ăn còn thấy nguyên vẹn hình con cá xương đã mềm nên hoàn toàn không lo bị hóc. Là món ăn dân dã, được ăn kèm cùng vài trái bần, ổi, hay khế, chuối chát, me xanh, mấy lát dưa leo… Nếu ai thích ăn cay thì cho thêm vài trái ớt vào nữa là đủ bộ.

Khi thưởng thức, cảm giác được cắn nguyên con cá, gắp thêm rau, vài lát ớt rồi và thêm chút cơm, bạn sẽ tận hưởng được trọn vẹn vị mặn của muối, vị chua của mắm từ thịt tới xương cùng vị chát, chua thanh của các loại quả. Dù bạn chưa ăn quen thì cũng chỉ đôi ba lần nếm xong là đã lại nhớ nhung đến hương vị nồng nàn, đặc trưng. Tuy nhiên, mắm chua lại không để được lâu như các mắm mặn khác, thay vào đó, loại mắm chỉ ăn được trong vòng 10 – 15 ngày, hoặc lâu hơn một chút nếu giữ trong tủ lạnh.

Ở vùng đất Vĩnh Hưng này, nghề làm mắm chua vốn đã có truyền thống lâu đời, nhưng chủ yếu chỉ là để ăn trong gia đình nên ít được biết đến. Mắm chua Vĩnh Hưng không chỉ dễ ăn, ngon mà đơn giản có thể là món quà biếu cho người thân, cho bạn bè đầy ý nghĩa.

Nếu có dịp ghé đến Bạc Liêu, bạn có thể mua mắm chua Vĩnh Hưng ở trên đường Võ Thị Sáu, gần đoạn công ty máy tính Lý Hưng với giá cả trên dưới 70.000đ một lít.

11. Đuông Chà Là Bạc Liêu

Nếu như ở Bến Tre, bạn có thể dễ dàng thưởng thức đuông dừa, thì khi đặt chân đến xứ Bạc Liêu bạn hoàn toàn có cơ hội tận hưởng trọn vẹn hương vị đặc biệt của đuông chà là. Cả hai loài này đều được mệnh danh là “đệ nhất đặc sản phương Nam” và cũng là một trong những sản vật Nam Bộ tiến cống cho vua chúa triều Nguyễn trước kia.

Thực tế, đuông chà là không phải gì lạ mà chính là ấu trùng của kiến dương – loại côn trùng có cánh – thường phát triển béo múp vào độ tháng 10 – 12 âm lịch, trở thành món ngon cho những ai sành ăn. Đuông trong thân cây chà là được biết là loại đuông to nhất, béo tròn nhất nên không có gì lạ lùng khi chúng trở thành món ăn nổi tiếng, nhưng để bắt chúng thì lại không dễ dàng vì chà là nhiều gai.

Người ta có thể chế biến đuông chà là thành nhiều món ăn hấp dẫn như đuông luộc nước dừa, cháo đuông, đuông chiên đậu phộng, đuông nướng lửa than hồng; nhưng phổ biến nhất là đuông chà là lăn bột chiên bơ. Khi ăn, thường chấm đuông chà là với nước tương hoặc nước mắm tỏi, ớt. Bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngọt của đuông chà là, vị giòn của bột và bơ thơm cùng vị mặn của nước mắm tạo nên một đặc sản có tiếng.

Vì vậy đuông được liệt vào “siêu hạng”, vượt lên trên tất cả các sơn hào hải vị khác. Bản thân loài đuông ăn sạch bởi nó chỉ ăn chất béo, mầm non, là những gì ngon lành nhất của cây dừa hay cây chà là. Bởi vậy, thưởng thức món đuông không đơn thuần chỉ là ăn một con sâu, mà là ăn những gì tinh túy nhất của cây dừa, cây chà là.

12. Cốn xại, xá bấu Bạc Liêu

Thoạt đầu nghe món ăn này bạn sẽ thấy lạ tai nhưng thực ra đây là món rau cải muối (giống như dưa muối) và củ cải muối thông thường. Vì là món ăn của người Hoa nên quá trình chế biến có chút khác biệt với những món muối khác của người Kinh.

Cốn xại được làm từ rau cải tươi non, đem phơi héo rồi trộn với muối hột, đường, rượu, riềng. Cứ để như vậy sau khoảng hai tuần thì ăn được.

Còn xá bấu thì cách làm lại đơn giản hơn. Chỉ cần mua củ cải về đem rửa sạch, cắt thành từng miếng rồi đem phơi khô. Sau đó cho các gia vị đường, bột ngũ vị hương, rượu rồi trộn đều với củ cải khô. Sau đó chờ đến khi thấy đường tan, thấm hết vào củ cải là ăn được.

Hai món ăn cồn xại, xá bấu vừa có vị chua vừa có vị ngọt, không những cay mà còn dậy mùi thơm phức. Bạn có thể ăn món này cùng với cơm hay cháo cũng đều ngon, mà cũng ngon khi ăn cùng với bánh tét chiên, bánh phồng tôm, cá khô, thịt khô…

Bên cạnh đó, cốn xại còn được dùng để làm gỏi với củ kiệu, thịt luộc thái mỏng, tôm đồng luộc lột vỏ hoặc tôm khô và chấm nước mắm chua ăn cũng vô cùng tuyệt vời.

Người Hoa ở Bạc Liêu từ lâu đã sử dụng cốn xại và xá bấu vào trong bữa ăn hàng ngày và được coi là món ăn đặc sản mang đậm tính truyền thống của người Hoa.

Ngày nay, cốn xại và xá bấu đều đã được đóng hộp để dễ dàng cho khách phương xa mua về làm quà. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình người Hoa, người ta vẫn giữ nguyên phong tục làm cốn xại, xá bấu để ăn vào dịp lễ Tết. Làm cốn xại, xá bấu không chỉ để ăn mà còn thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ nơi đây và trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người.

13. Bánh củ cải Bạc Liêu

Nếu bạn có dịp dạo chơi Bạc Liêu, đừng quên ghé qua các chợ để thưởng thức món bánh củ cải đặc trưng. Bánh thanh đạm và lạ vị do có sự kết hợp của bột mì, củ cải với nhân bánh đơn giản, hợp khẩu vị cho nhiều người.

Bánh củ cải Bạc Liêu được biết đến là có nguồn gốc từ người Hoa. Vỏ ngoài làm bằng bột mì trắng pha với bột củ cải trắng nghiền nhuyễn, cán mỏng ra như bánh ướt. Nhân bánh gồm tôm khô nhỏ hoặc tép bạc đất lột vỏ, đập dập, cùng ít thịt nạc bằm với vài hạt đậu xanh hột hấp. Tất cả hỗn hợp nhân đem xào chín, nếm vừa miệng, đặt vào phần vỏ bánh cuốn lại như các loại bánh tráng thông thường.

Hành lá cắt hột lựu, phi nhanh qua mỡ lợn sao cho hành lá phải giữ được màu xanh cơ bản. Sau đó, vớt hành phi ra để chừng ba phút cho ráo mỡ, rắc đều lên đĩa bánh. Khi dọn bánh ra đĩa, người ta rưới mỡ hành lên trên thật hấp dẫn.

Bánh củ cải dùng kèm với nước mắm pha nhạt cùng chanh, đường, tỏi, ớt. Bánh được ăn kèm với rau thơm, rau giấp cá, húng nhủi, húng cây, quế và ít xà lách. Đặc trưng của món bánh này là thơm, hăng và đặc biệt có vị ngọt của tôm đất. Bánh củ cải đặc biệt thích hợp cho bạn ăn sáng hoặc ăn chiều.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *