20 đặc sản Hội An – Quảng Nam – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Không chỉ được biết đến bởi thiên đường nghỉ dưỡng giữa biển khơi và cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, Quảng Nam còn được biết đến với những món ẩm thực tươi ngon tung hoành ngang dọc đất nước. Những món ăn mà đi đâu cũng được nhắc đến như: mỳ Quảng, cao lầu, bánh tráng dập,… đều khiến con người miền Trung tự hào bởi hương vị đặc trưng thơm ngon, sắc thái hương vị riêng biệt khiến người “lỡ” ăn rồi khó lòng rời chân khỏi vùng đất này.

20 món đặc sản Quảng Nam – Hội An sau đây sẽ là những món ăn tiêu biểu, gợi ý thú vị cho du khách!

1. Chè bắp Cẩm Nam

Lần vừa rồi đi Hội An, mình được ăn món chè bắp Cẩm Nam rất ngon, cũng thấy may mắn vì mình vô tình thành người sành ẩm thực Hội An vì có người nói “chưa ăn chén chè bắp Cẩm Nam coi như chưa biết hết Hội An”. Chè bắp có quanh năm nhưng ngọt ngon nhất vào tầm tháng 3 đến tháng 9 Âm lịch là mùa bắp rộ trong năm mang theo hương vị rất khó quên.

Ở Hội An có nhiều nới bán chè bắp nhưng ngon và nhiều ấn tượng nhất là chè bắp ở phường Cẩm Nam. Bắp được trồng trên những bãi bồi nhiều phù sa vùng rốn lũ cách phường Cẩm Nam một nhánh sông cạn. Bắp Cẩm Nam không lớn nhưng lại ngon có tiếng bởi vì hạt căng mẩy và dẻo ngọt.

Chè Bắp Cẩm Nam

Nguyên liệu nấu chè chỉ có bắp, đường kính và bột năng. Bắp để nấu chè là loại bắp non vẫn còn ngậm sữa, khi mới bẻ về đem lột vỏ và nấu chè ngay chứ không để qua ngày vì sẽ mất ngọt. Người ta rứa sạch bắp, để ráo nước rồi bào lấy hạt. Mình thấy dao để bào dài, mỏng và có vẻ rất sắc vì bào bắp rất “ngọt”.
Nấu bắp bào vừa sôi thì cho đường kính vào, đun nhỏ lửa để đường thấm mà bắp không nhão bởi bắp sữa nên chè thường chín nhanh. Khi chè vừa chín tới thì bỏ thêm bột năng để nồi chè sánh dẻo, ngon mắt hơn.

Mình có hỏi bí quyết của cô chủ quán thì ngoài nguyên liệu là bắp tươi thì ở đây không cho thêm gạo nếp hoặc đỗ xanh chan nước dừa như nhiều nơi vì như vậy sẽ mất đi mùi thơm ngọt tự nhiên của bắp Cẩm Nam. Chè bắp ngậm sữa ăn rất bùi, béo và không hề ngán.

Mình đến Hội An vào sau Tết nên tiết trời se se, được thưởng thức chén chè bắp mới nấu nóng hổi, thơm lừng. Vừa ăn vừa nhìn ngắm những hàng quán chè bắp chạy dài ở phường Cẩm Nam, trông ra sông Hoài với những bãi bắp xanh ngút bên kia bờ thấy như đang mang cả hương vị tháng Giêng vào lòng.

Địa chỉ: Các bạn đến Hội An, cứ hỏi về phường Cẩm Nam ven sông Hoài. Đến đây có cực nhiều hàng quán chè bắp, bánh đập, hến xào để lựa chọn, có quán Bà Già ở thôn 1 thì phải rất có tiếng và đông người ăn lắm.

2. Món láp – Đặc sản Quảng Nam độc đáo của người Ve

Ở các xã biên giới Đắc P’ree, Đắc Pring, huyện Nam Giang, Quảng Nam, có một món ăn truyền thống phổ biến được sử dụng trong các dịp hội hè, đám cưới, ma chay hay đón khách quý ở xa tới của đồng bào người Ve ở đây có tên là món láp, hơi giống món tái của người Kinh, ăn rất ngon và bổ.

Món láp được chế biến từ nhiều loại thịt như thịt gà, bò, lợn nhưng người Ve chủ yếu làm món láp bằng thịt gà vì gà sẵn có, thịt thơm và lại bổ nữa. Công đoạn chế biến cùng những bí quyết riêng biệt của những người chế biến là yếu tố làm nên hương vị độc đáo đặc biệt của món láp này.

Món láp người Ve chủ yếu làm từ thịt gà

Sau khi làm sạch gà, người ta hơ lửa nhẹ cho gà khô máu chứ không luộc, rồi bằm thật nhuyễn thịt tươi, trộn các loại gia vị gồm lá chua rừng hoặc chanh, bột bắp rang, lá ngò gai, bột tiêu rừng và các loại ớt, gừng, gia vị cho hợp khẩu vị là xong.

Thịt gà khi ăn thấy giòn, ngọt, thơm, mang vị cay của ớt, gừng; vị chua của lá rừng; mùi thơm của ngò gai, hạt tiêu hòa với nhau tạo nên hương vị rất hấp dẫn. Người ta thưởng thức món láp với rượu Tà Vạt, là một loại rượu đặc sản của người Ve nên ngon càng thêm đậm đà.

3. Bánh ú tro Hội An

Lần trước đến Đà Nẵng, Hương được ăn món bánh ú tro (giống bánh gio ngoài Bắc) nhưng nằm trong buffet ăn sáng của khách sạn. Vì rất ấn tượng nên mới lân la hỏi chuyện anh phục vụ thì biết tên với gốc gác của nó, thì ra đây là đặc sản của Hội An, vào dịp Tết Đoan Ngọ thì mùa làm bánh ú tro lại rộn ràng. Biết là ở khách sạn không thể chuẩn chỉnh được nên đến Hội An, rất may mắn vì Hương nhớ hôm đó là tầm 2/5 Âm nên mới được thấy cảnh tấp nập mua sắm bánh trái ở đây, nếu đến không trúng dịp thì rất khó tìm được bánh ú tro ở Hội An đó.

Bánh ú tro Hội An được làm từ nguyên liệu là gạo nếp nhưng Hương phải công nhận là họ làm rất khéo léo, có hương vị riêng, khi thành bánh thì nhìn vỏ bánh trong, xanh màu lá, mềm dẻo mà lại giòn sật bởi ngay từ khâu chọn nếp cho đến cách gạn nước tro, cách gói cho đến cả cách luộc bánh người ta đều làm tỉ mỉ, kỹ càng. Nếp ngon là loại nếp tháng 3 mới gặt, hột mẩy, chắc, ít lẫn gạo tẻ, đem đãi sạch rồi ngâm với nước tro được đốt từ thân cây mè. Đổ tro vào chậu nước khuấy đều đến khi tro thấm nước và chìm xuống thì chắt lấy nước trong ở trên, lọc thật kỹ. Sau đó mới cho gạo nếp vào ngâm trong ba ngày đêm, vớt ra vo lại với nước sạch rồi đổ ra rổ cho ráo nước.

Người Hội An gói bánh bằng lá kè tại các núi ở Huế, đây chính là bí quyết để bánh ú tro của họ đặc sắc. Gói bánh cũng phải thật khéo léo, không phải ai cũng gói được vì phải gói làm sao để khi bóc ra bánh có nhiều góc. Người ta phải cho gạo vào lòng chiếc lá thật gọn gàng, rồi quấn và bẻ mép lá ở hai đầu bánh thật khít, đều và cân đối, dây lạt buộc bánh cũng không quá chặt để khi hạt gạo nếp có thể nở ra và chín đều.

Bánh ú tro luộc chín thường có màu vàng ươm của gạo nếp ngâm tro, màu lá kè xanh vàng rất bắt mắt. Nếu ăn ngọt thì chấm bánh với đường cát, cắn một miếng mà thấy thanh mát vô cùng.

4. Cá chuồn kho mít non Quảng Nam

Mình là người ngoài Bắc nên thường chỉ ăn mít chín, vào vùng biển Quảng Nam công tác mới biết rằng mít non cũng được chế biến thành những món ăn rất ngon. Đặc biệt nhất là món mít non kho với cá chuồn là một loại cá có rất nhiều ở Quảng Nam mỗi dịp hè đến. Đồ ăn của vùng biển thường là những món mộc mạc nhưng rất thấm vị.

Từ lâu người xứ Quảng đã có câu: “Ai về nhắn với nậu nguồn. Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên” bởi mít nón và cá chuồn là món ăn rất thân thiết với mỗi gia đình. Cứ vào đúng mùa thì ở các chợ ở Quảng Nam lại tràn ngập cá chuồn. Cá chuồn có cặp cánh dài đến tận đuôi ăn ngon mà rẻ lại có thể chế biến thành nhiều món như kho, nướng, chiên, nấu canh hay ăn gỏi đều rất thích.

Người ta nói nhựa mít dùng để khử mùi tanh của cá chuồn và giúp thịt cá trở nên thơm bùi hơn. Để chế biến món này thì đầu tiên là đem cá chuồn làm sạch ruột rồi ướp với củ nén (họ hàng với củ hành) đập dập, nghệ tươi, hành tím, ớt, hạt nêm, tiêu, nước mắm. Ướp khoảng 10 phút rồi đổ nước ngập cá, kho cho đến khi cá ngấm thì cho mít non đã được luộc chín và cắt miếng vuông cỡ bao diêm vào. Sau đó người ta đun lửa liu riu để nước kho cá ngấm vào miếng mít là được.

Đi vào đây một thời gian, sinh sống cùng người miền Trung lam lũ, ăn những món ăn đậm chất dân dã làm từ những nguyên liệu sẵn có mà thành đặc sản Quảng Nam đặc sắc của họ mình mới thấy khâm phục nghị lực cũng như cách sống của một vùng quê nghèo lam lũ.

5. Bánh canh Hội An

Bánh canh là món ăn hầu như vào tỉnh nào miền Trung các bạn cũng thấy, đây là món ăn dân dã rất phổ biến của người dân ở đây. Đến Hội An, các bạn sẽ thấy rất nhiều loại bánh canh hấp dẫn được nấu với giò heo, cá lóc, chả cá… sợi bánh canh thì trong veo, thơm dẻo rất khác biệt.

Người Hội An chọn lúa cũ từ vụ trước xay xát thành bột để đổ khuôn, còn lấy gạo lúa mới để làm sợi bánh canh cho dẻo và thơm, gạo vo kỹ nhiều lần đem ngâm nước khoảng 1 giờ rồi vớt ra xay trên cối đá đến khi mịn và không dính tay. Cho bột gạo ướt vào túi vải, treo lên để ráo nước rồi nhào đến khi bột dẻo, kết thành khối (người ở đây gọi là bột tới). Tiếp theo, người ta cho bột tới lên mâm gỗ, dùng đoạn ống tre cán thành miếng mỏng dàn đều ra rồi lấy dao cắt bột thành từng sợi vừa phải. Đem luộc sợi bánh khi chín tới thì vớt nhanh rồi thả vào chậu nước nguội để các sợi bánh không dính vào nhau, rồi vớt ra để ráo nước.

Bánh canh Hội An có nhiều loại, mình giới thiệu với các bạn mấy món đặc sắc là bánh canh giò heo, bánh canh cá tràu đồng và bánh canh cua, mỗi loại lại có cách chế biến nước dùng khác nhau:
Để nấu bánh canh chân giò thì phải chọn giò lớn vừa phải, thịt chắc trần qua nước sôi trước khi nấu. Ngoài ra, khi nấu phải vớt kỹ bọt thì nước dùng mới trong. Đến khi thịt giò mềm thì mới cho sợi bánh vào, nếm cho vừa miệng.

Riêng món bánh canh với cá tràu đồng thì thường được nấu vào mùa mưa. Người ta chỉ chọn những con cá bằng cổ tay, đánh vảy, làm sạch ruột rồi hấp cá chín tới thì đem lọc thịt nạc ra khỏi xương. Giã nhuyễn xương cá để nấu nước dùng; riêng phần thịt cá đem ướp cùng gia vị rồi chiên bằng dầu phộng phi hành tỏi. Cho sợi bánh vào nồi nước dùng, đợi đến chín thì múc ra bát to, rải các miếng cá đã chiên lên trên rất bắt mắt và ngon miệng.

Một trong những món ngon khác là bánh canh cua – một món ăn được kết hợp giữa thịt nạc cua, chả cá, trứng cút, nấm rơm… và nước dùng được nấu từ xương heo. Món này thường thì người ta chỉ dùng để đãi khách hoặc sum họp gia đình vì làm rất công phu.

Đến Hội An, các bạn có thể được thưởng thức những món bánh canh quen thuộc nhưng được biến tấu theo phong cách mới lạ, dễ ăn và hương vị cũng rất độc đáo nữa nhé. Ở Hội An có khá nhiều quán bánh canh nhưng ngon, đặc sắc và nổi tiếng nhất là bánh canh Bà Quýt ở đường Phan Châu Trinh (gần quán bánh mì Phượng), một con hẻm bánh nhỏ nhưng vô cùng đông người ăn, các bạn tham khảo nhé!

6. Cháo mắt cá cờ Quảng Nam

Có một đặc sản thượng hạng ở vùng Quảng Nam, Đà Nẵng mà không phải ai cũng biết đó là món cháo mắt cá cờ – món ăn mà dân miền biển ở đây chỉ dùng để thiết đãi khách quý, bạn bè. Mình may mắn được ăn một lần khi về Tam Hải lấy tư liệu rồi cứ ấn tượng mãi.

Lúc mới nghe đến cá cờ, mình nghĩ là con cá nhỏ xíu mà hồi nhỏ hay đi câu ở con mương gần nhà nhưng mà không phải. Cá cờ sống ở biển phải dài đến 3m, được xem là loài cá di chuyển nhanh nhất đại dương với đôi mắt cực sáng và vũ khí là cái mỏ dài như thanh kiếm rất lợi hại.

Người miền biển chế biến cá cờ thành nhiều món ngon như nấu canh chua, nướng, hấp, nấu cháo, lòng trộn đều rất ngon. Mình mới được ăn món cháo nấu bằng mắt của cá cờ và thấy đặc sắc lắm, mắt cá cờ rất to, cỡ phải bằng cái chén. Bà con ở đấy nói món này rất bổ và có lẽ là ăn gì bổ nấy nên còn giúp cho mắt của bà con ngư dân sáng hơn khi hành nghề trên biển ban đêm.

Cô chủ nhà cho mình ở nhờ chỉ cho cách chế biến món này bằng chất giọng Quảng Nam đặc sệt nhưng dễ thương đầy hào hứng. Đầu tiên là mua mắt cá về rửa sạch, ngâm trong nước gừng 10 phút rồi vớt ra để ráo. Sau đó là phi dầu lạc với hành tím rồi cho mắt cá cờ vào đảo và nêm gia vị vừa ăn, nhất định là phải có thêm vài lát ớt chín cho chung. Xào một lát thì cho nước dùng vào nấu với gạo nếp hay gạo tẻ thơm cũng được cùng đỗ xanh. Đến khi cháo sôi thì đun nhỏ lửa. Nếm thấy cháo chín và vừa ăn thì múc ra bát, mỗi bát đều có 1 hoặc 2 con mắt cá cờ, rải thêm ít tiêu bột và rau mùi, rau răm, hành lá lên là ăn ngay được.

Bát cháo mắt cá nhìn không thôi đã đủ thấy hấp dẫn lắm rồi. Dù được múc ra tô lớn nhưng mình cũng “dày mặt” làm đến 2 tô. Cái vị dai dai, bùi ngậy làm mình cứ vấn vương mãi, mình viết chia sẻ này trong lúc đang nhớ cái nắng gió của xứ Quảng da diết dù không sinh ra ở đó, chúc các bạn có dịp may mắn bắt gặp và thưởng thức món ăn tuyệt đỉnh này nhé!

7. Mít hông Tam Kỳ

Trong thời gian công tác tại các tỉnh miền Trung, mình có cơ hội được ở Tam Kỳ vài ngày. Ở đây mình phát hiện ra một món gọi là mít hông được đám học sinh, sinh viên rất thích – một đặc sản Quảng Nam rất chất, ngon có tiếng của thành phố này.

Mới nhìn đĩa mít hông sẽ thấy có mấy múi mít chín vàng với đậu phộng và dừa tươi đã nạo rắc lên trên trông hơi giống món xôi mít mình hay ăn. Ăn mít hông lúc nóng rất ngon, thơm, ngọt béo bùi ấn tượng.

Lân la hồi lâu mình cũng hỏi được cách chế biến món này. Đầu tiên là chọn những trái mít phải già hoặc gần chín rồi lấy dao xắt chuối (người ở đây gọi thế, mình cũng không biết tả thế nào) gọt vỏ, lấy lá chuối khô hoặc lá mướp chùi nhựa, xé miếng, tách múi. Sau đó, dùng dao rạch từng múi mít để bóc lấy hạt và lớp vỏ lụa ra ngoài không được rách.

Nhân bỏ trong múi mít được làm bằng đậu xanh với hạt mít luộc chín xay nát trộn các loại gia vị như tiêu bột, mì chính, muối hầm, rau ngò tàu… tùy ước lượng của từng người, đây chính là yếu tố quyết định chất lượng của món mít hông. Sau khi trộn cho các loại gia vị cho thấm đều thì lấy xoong đổ dầu lạc phi hành tỏi cho thơm rồi cho nhân vào xào khoảng năm phút là được. Nhân nguội thì dùng muỗng xúc cho vào từng múi mít. Cuối cùng là sắp xếp những múi mít vào xửng và hấp cách thuỷ chừng ba mươi phút cho chín. Khi sắp mít hông vào đĩa, người ta rắc lên trên lạc rang giã giập, dừa nạo rất hấp dẫn.

Mặc dù mình không quá thích ăn vặt nhưng lần đầu tiên được ăn mít hông cảm thấy rất thích, mùi thơm nồng của mít hòa với vị béo bùi của dừa, đậu phộng thật đặc biệt.

Địa chỉ ăn mít hông Tam Kỳ

Theo mình được biết thì hiện nay ở Tam Kỳ có 3 quán lớn là quán Mít hông bà Bắc (ở gần Cầu, đường Ngô Quyền), quán trên Trường Xuân và quán bên hông nhà văn hóa Thanh Niên đường Huỳnh Thúc Kháng (đây là quán mình ăn nè, anh chủ nhiệt tình lắm) lúc nào cũng thấy đông người tấp nập.

8. Xôi đậu đen Quảng Nam

Xôi đậu đen là món mà ít nhất chúng mình đã từng ăn 1 lần trong đời rồi, có vẻ như cũng chẳng xa lạ gì nhưng có lần được ăn xôi đậu đen của người Quảng Nam, Hương mới biết món xôi này quen thuộc nhưng còn ngon hơn những gì mình nghĩ, phảng phất những nét chân chất rất mộc mạc của người dân xứ Quảng, một món không thể thiếu trong mâm cơm cúng của họ.

Nếu như ngoài Bắc của Hương thì có vẻ xôi gấc 3 tầng được xem là công phu và độc đáo lắm rồi, thì đến Quảng Nam họ lại tự hào với loại xôi đậu đen còn công phu hơn thế. Xôi đậu đen của người Quảng Nam trông lạ vì không giống loại xôi xới ra đĩa tròn tròn mà có hình vuông, màu đen thơm lừng mùi gừng.

Bà cô làm xôi mách rằng để nấu xôi thì cần chuẩn bị gạo nếp ngon, đường, đậu đen, gừng già, hạt vừng. Nấu gạo nếp lên là việc quan trọng nhất vì phải canh nước sao cho xôi không khô, không nhão để khi đổ đường vào không bị quá cứng hoặc quá nhão không đẹp và cũng không ngon.

Đậu đen đem ngâm qua đêm rồi nấu chín, một phần nước để ngâm gạo nên khi đồ lên xôi sẽ có màu tím sẫm. Có một mẹo nhỏ khi làm món xôi này là dùng đặc sản đường bát của Quảng Nam. Đường được nấu tan chảy rồi lọc sạch rồi cho đậu đen và gừng già đập nhỏ sào trên lửa nhỏ để đường ngấm vào hạt đậu. Đem trộn xôi nếp với đậu đen đã sên đường rồi hấp tiếp khoảng 5 phút nữa. Cuối cùng đem đổ hỗn hợp vào khuôn đã thoa một lớp dầu lạc chống dính rồi dùng lá chuối sạch ép xôi chặt lại rồi rắc vừng đã rang chín lên trên để khay bánh trông đẹp và hấp dẫn hơn.

Khi ăn người ta lấy dao cắt thành từng thanh dài khá là lạ, thoạt nhìn qua giống món kẹo hay bánh ngọt nào đó, xôi có vị ngọt nhưng thanh và ăn không hề ngán vì có vị gừng, gạo nếp dẻo thơm. Đến Quảng Nam được thưởng thức món này, Hương nghĩ đây là một điều thật may mắn.

9. Bánh tổ Quảng Nam

Trong những món ăn ngày Tết của người Quảng Nam cũng như trong những mâm lễ cúng gia tiên ngày Tết cổ truyền thì không thể thiếu bánh tổ – thứ bánh đặc sản, bình dân nhưng hương vị lại hấp dẫn khi thưởng thức.

Bánh tổ được làm từ hai nguyên liệu chính là nếp và đường nhưng để bánh ngon, có vị ngọt thanh thì phải dùng những nguyên liệu hảo hạng nhất. Gạo nếp dẻo và thơm được vo sạch, phơi khô ráo rồi xay hoặc giã mịn như bột. Đường phải là loại đường bát nấu từ đường mía theo cách cổ truyền của Quảng Nam. Đường thắng kỹ, cho vào vài lát gừng, nấu đến khi dậy mùi thơm của gừng rồi đem lọc. Trộn đường và bột nếp với nhau, đánh thật kỹ. Quan trọng nhất là phải cho lượng bột đường làm sao để khi đã trở thành bánh thì không bị đặc cũng không bị nhão.

Bột sau khi đánh nhuyễn sẽ được đổ vào đài làm bằng lá chuối rồi được đặt vào chiếc rọ làm bằng nan tre vót mỏng; tiếp đến là đem vào lò hấp cách thủy đến khi dùng đũa đâm vào bánh mà bột không trào ra là được. Bánh chín thì nhanh tay vớt ra và rắc lên bề mặt ít mè đã rang chín rồi mang ra phơi nắng đôi ba hôm để làm khô bánh.

Thường thì không ai gọi là cái hay chiếc bánh tổ, mà sẽ gọi là ổ bánh tổ. Bề ngoài bánh nhìn như một chiếc bát, được bọc bằng lớp lá chuối dày có màu trắng, ngà, cà phê sữa, hoặc đen tùy từng loại và lượng đường dùng để làm nguyên liệu chế biến. Mùi thơm của bánh tổ chính là hương gừng quyện trong hương vị bánh. Một điều đặc biệt là bánh tổ có thể để được lâu, ăn dần trong cả tháng.

Khi ăn, người ta có thể dùng dao bản to cắt bánh ra thành từng lát hình cánh cung rồi bày ra đĩa. Người dân Quảng Nam cắt bánh rất nghệ, họ dùng một sợi dây cước, một đầu cước ngậm miệng, một đầu cầm tay, xắn ngang ổ bánh tổ đang cầm trên tay kia thoăn thoắt.

Ngày nay, chỉ cần ra chợ ở Quảng Nam trong những ngày giáp Tết sẽ thấy bánh tổ được bày bán nhiều vô cùng. Bánh tổ vừa dẻo vừa ngọt, nên người Quảng thường hay nói vui với nhau là cho ông Táo ăn bánh tổ thì khi lên trời chầu, giọng ông sẽ ngọt, dẻo và báo cáo chuyện trần gian trong một năm qua suôn sẻ.

10. Rượu tà vạt món quà của núi rừng Trường Sơn

Rượu tà vạt (tavak) là một loại rượu còn gọi là “rượu trời” của dân tộc CơTu rất nổi tiếng và phổ biến ở Quảng Nam có màu trắng đục, vị hơi ngọt và mát lạnh và đặc biệt không hề phải chưng cất như các loại rượu khác.

Cây tà vạt phải trồng khoảng trên 10 năm mới khai thác được, sau khi khai thác tầm 7 năm thì cây sẽ chết. Loại cây này giống cây dừa nhưng thân thì to hơn, buồng có nhiều nhánh nhỏ và có nhiều quả nhỏ như quả cau mọc chi chít trên nhánh rất thích mắt. Người ta có 2 cách để lấy rượu từ cây tà vạt là dùng dao cắt cuống của buồng quả hoặc đục phần cổ hũ ở nhánh cây lúc nó ra đọt mới, cách này thì cho rượu ngon tuyệt nhưng ít ai làm vì sau đó cây sẽ chết ngay.

Rượu tà vạt được lấy nhiều tầm từ tháng tư Dương lịch. Đầu tiên người ta phải làm sạch khu vực quanh cây rồi lập giàn để bắc lên chỗ lấy rượu vì cây tà vạt khá cao (tầm 6 – 7m). Xong đó thì lấy chày đập nhẹ quanh cuống của những nhánh có buồng quả to tầm nửa tiếng, cứ 3 – 5 ngày lại đập để cây tiết ra nhiều nước rồi lấy dao tách hết quả, chỉ để lại phần thân buồng. Chặt cuống buồng cũng phải đúng cách vì việc lấy nước cây là một bí quyết của người bản địa mà không phải ai cũng làm được. Người ta hứng nước tà vạt bằng ống giang rửa sạch rồi bỏ thêm vỏ cây chuồn đập mềm rồi cho vào để lên men rượu. Rượu tà vạt rất thơm, rất ngon và cũng rất bổ dưỡng.

Xã A Ting, huyện Đông Giang là thủ phủ tà vạt của Quảng Nam, nếu có may mắn thấy loại rượu này thì các bạn đừng ngần ngại thưởng cho mình một ly, Bon tin đây sẽ là một mùi vị rất khó quên trong đời. Nếu đi qua tỉnh lộ ĐT 604, nếu tinh ý các bạn sẽ gặp một căn chòi dựng tạm ven đường của một ông cụ tóc bạc râu bạc thì đó là 1 điều may mắn vì đó là ông Gói – ông già Tà Vạt của núi rừng Trường Sơn đó, dừng chân lại uống ly rượu với ông cụ và nghe những câu chuyện thú vị về vùng cao này với Bon là một kỷ niệm đẹp.

11. Trái loòng boong ngọt thơm hương vị Quảng Nam

Trái loòng boong (hay bòn bon, boòng boong, lòn bon… mỗi vùng gọi bằng một tên nên Hương không rõ nữa) còn có tên gọi đẹp hơn là trái nam trân, phụng quân là một loại trái cây đặc sản rất nổi tiếng của Quảng Nam, có nhiều nhất ở huyện Đại Lộc và huyện Tiên Phước, đã có thương hiệu trên cả nước rồi.

Thực ra thì ở một vài tỉnh miền Trung và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng có nhiều nhưng trái loòng boong ở Quảng Nam là trái được được nhắc trong một truyền thuyết thi vị về chúa Nguyễn. Vua Gia Long lúc còn lận đận gây dựng cơ nghiệp, trong một lần bị nhà Tây Sơn rượt đuổi phải bỏ chạy vào vùng rừng núi hoang dã phía Tây thuộc huyện Đại Lộc, Quảng Nam. Đang cơn đói khát, gặp rừng loòng boong, cả quân lẫn chúa đều hái lấy trái ăn, qua được cơn đói khát. Khi dựng được cơ nghiệp, vua Gia Long đã không quên hương vị thơm ngọt của thứ trái cây cứu “chúa” trong lúc nguy nan, bèn ban cho trái loòng boong xứ Quảng Nam cái tên đẹp là Nam Trân, tức quả quý như ngọc ở phương Nam.

Vỏ của trái loòng boong có màu vàng nhạt, ruột màu trắng gồm nhiều múi nhỏ và vị ngọt lịm. Loại trái cây này thường bán nhiều tại một số chợ vùng quê Quảng Nam vào tháng 7 – 10 Dương lịch.

Bí kíp chọn mua trái loòng boong từ những người sành ăn, Hương bật mí cho các bạn: Không phải cứ quả to là ngon đâu mà loại ngon là quả vừa, không lớn, không nhỏ, chỉ to tầm ngón tay cái, vỏ màu vàng nhạt, núm cuống căng tròn. Khi bóc lớp vỏ ngoài, bên trong lộ ra năm múi dính chặt vào nhau màu trắng trong, mọng nước, thơm lừng. Ngoài Hà Nội đến mùa Hương cũng thấy bán (chắc là do các tỉnh trong chuyển ra) nhưng ăn có vị chua ngọt chứ không đượm như ở Quảng Nam. Nếu đến Quảng Nam trúng mùa loòng boong thì thật tuyệt!

12. Bánh su sê Hội An

Bánh su sê hay còn được gọi là bánh phu thê chính là loại bánh các bạn hay thấy trong các đám cưới hỏi với ý nghĩa nhắn nhủ các đôi vợ chồng sống chung thủy bên nhau, đây là một đặc sản mà đến Hội An các bạn sẽ dễ dàng bắt gặp trên nhiều con phố, một món ăn chơi dân dã nhưng cũng không thể thiếu trong mâm cỗ mỗi dịp lễ Tết của người Quảng Nam.

Làm bánh su sê không khó nhưng lại mất nhiều công đoạn và thời gian. Nhân bánh được làm từ đậu xanh và dừa. Đậu xanh được ngâm trong nước cho mềm, đãi sạch vỏ rồi hấp chín. Khi đậu xanh nguội thì đem tán nhuyễn, cho đường vào rồi bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi đặc quánh lại không dính tay là được. Để thêm vị thơm ngon, người ta còn cho thêm vào một chút nước hoa bưởi. Dừa thì được nạo thành sợi, trụng qua nước sôi với chút muối để sợi dừa giòn dai.

Công đoạn quan trọng nhất là nấu bột làm vỏ bánh. Bột được hòa với nước theo một tỉ lệ, cho đường vào khuấy tan. Tiếp đến cho dừa đã trụng sơ qua vào rồi để lên bếp nấu với lửa nhỏ, khuấy đều tay cho đến khi bột sánh lại dạng nửa sống nửa chín có thể chảy thành dòng chứ không đặc là được.

Điểm đặc biệt của những chiếc bánh su sê Hội An chính là những chiếc khuôn vuông nhỏ xinh làm từ lá dừa tươi, không giống với bánh hình tròn dẹt gói bằng giấy kính ở trong Nam hay ngoài Bắc nên nhìn rất đẹp mắt. Đầu tiên, người ta đổ một lớp mỏng bột đã nấu với dừa vào khuôn rồi cho nhân đậu xanh vào và đổ tiếp một lớp bột nữa lên trên rồi đem đi hấp chín.

Khi hấp bánh phải thật khéo để bột bị sống cũng không được quá chín sẽ mất vị dai giòn. Hấp bánh đến khi thấy bột trong vắt, nổi lên màu vàng óng của phần nhân ở giữa là được. Bánh sau khi hấp chín thì lấy ra để nguội, rồi lấy nắp khuôn đậy lên trên.

Khi ăn bánh su sê, các bạn sẽ thấy ngay vị chủ đạo dai dai của bột, sần sật của dừa, đậu xanh ngọt và thơm mùi nước hoa bưởi và lá dừa nữa. Đi qua những sạp bán bánh su sê ở Hội An, hãy thử ghé qua nếm thử loại bánh su sê khác biệt này nhé.

Địa chỉ bán bánh su sê:

Hội An có nhiều hàng bán su sê ven đường nhưng có địa chỉ này khá nổi tiếng là quán bánh ít gai – su sê số 134 đường Nguyễn Thái Học, thành phố Hội An các bạn có thể tham khảo.

13. Bánh bao bánh vạc Hội An

Bánh bao bánh vạc là món ăn rất phổ biến trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn ở khu phố cổ Hội An. Vì có hình dáng nhỏ nhắn, xinh xắn lại có màu trắng giống như những đoá hoa hồng nên bánh bao bánh vạc còn có tên gọi rất hoa mĩ là white rose (hoa hồng trắng). Bánh bao, bánh vạc là hai loại bánh khác nhau nhưng có mặt trong cùng một đĩa bánh và chung một loại nước chấm đặc biệt: Không mặn, không nhạt và có hương thơm, vị ngọt của thịt tôm.

Nguyên liệu chính để chế biến bánh bao, bánh vạc phải là gạo lúa mới, thơm dẻo và được thực hiện qua rất nhiều công đoạn tỉ mẩn, công phu. Gạo sau khi xay xong phải lọc với nước nhiều lần (khoảng trên dưới 20 lần) để chọn được loại bột bánh ngon, trắng nhưng không được dùng chất tẩy hoặc hàn the.

Nhân bánh bao được chế biến từ tôm tươi xay nhuyễn trộn muối, tiêu, hành và một vài loại gia vị khác. Còn nhân bánh vạc thì thêm một số nguyên liệu như là: Nấm mèo, giá hột, lá hành, thịt heo… được thái mỏng và xào chín. Nhân của cả hai loại bánh này đều được bọc bởi một lớp bột bánh mỏng mịn và hấp cách thủy khoảng 15 là chín. Bánh vạc nhìn giống như quai vạc còn bánh bao trông như một bông hồng nhỏ. Xếp bánh ra đĩa cũng phải thật tinh tế: bánh vạc xếp ở dưới hoặc xung quanh, bên trên là bánh bao ở giữ nhìn rất đẹp mắt.

Ở Hội An bây giờ chỉ có 1 nhà ở đường Hai Bà Trưng là vẫn sản xuất loại bánh này để cung cấp cho các nhà hàng, quán ăn nhưng muốn ăn món này thì hầu như đến nhà hàng nào trong khu phố cổ cũng đều có cả.

Địa chỉ tham khảo

Quán Hoa Hồng Trắng: Số 533 đường Hai Bà Trưng, Hội An, bán từ 7 giờ sáng đến 10 giờ tối. Đây chính là lò bánh bao, bánh vạc của Hội An, rất nổi tiếng. nếu đi muộn có thể sẽ bị hết bánh bao đó.

14. Cao lầu Hội An

Từ trước đến nay, cao lầu vẫn được xem là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của Hội An. Món ăn này dã từng được tạp chí Huffington Post – tạp chí điện tử khổng lồ của Mỹ ca ngợi là kho tàng ẩm thực vĩ đại của Việt Nam”.

Thoạt nhìn thì cao lầu có vẻ giống mì nhưng lại không phải, nguồn gốc của cao lầu đến nay vẫn chưa thể xác định được. Nhiều người cho rằng đây là món ăn có nguồn gốc từ người Hoa, người thì nói nó giống mì udon của Nhật Bản. Có câu chuyện vui về cái tên cao lầu vì xưa kia Hội An là nơi giao thương buôn bán nên rất nhiều các quán ăn. Phong cách thiết kế quán xá trước kia là phải ngồi trên tầng 2 bởi vậy muốn ăn các doanh nhân phải leo lên lầu, từ đó sinh ra cái tên cao lầu.

Cao lầu quan trọng nhất là sợi mì, muốn sợi mì ngon thì phải chọn loại gạo thật chất lượng để tạo nên độ giòn, khô dẻo đặc trưng. Gạo đem ngâm vào nước tro rồi xay thành bột rồi hấp qua nhiều lần lửa mới cứng và có màu vàng tự nhiên. Nhân cao lầu là thịt xá xíu, trộn với tép mỡ làm bằng sợi mì chiên trước đây là làm bằng da heo chiên giòn, ăn với sợi cao lầu, rau sống, xì dầu, tương ớt. Khi ăn cao lầu sẽ thấy ngay được cái sần sật của sợi mì, vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống và tép mỡ tan trong miệng.

Chế biến cao lầu nghe thì tưởng đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ dàng, món ăn này ẩn chứa nhiều bí quyết làm nghề khó được khám phá. Có người kể rằng, ngày xưa người ta phải ra tận đảo Cù Lao Chàm lấy củi đốt thành tro đem về ngâm với nước giếng Bá Lễ ở Hội An thì mới chế biến được ra những sợi cao lầu ngon như ý muốn.

Địa chỉ ăn cao lầu:

Mặc dù ở các tỉnh miền Trung, cao lầu là món ăn khá phổ biến nhưng ngon và chuẩn vị nhất thì phải ăn ở Hội An.

  • Khu chợ ngã tư giếng nước, đầu đường Trần Phú, đối diện chùa Ông, các quán dọc sông Hoài.
  • Buổi sáng có thể đến khu Thái Phiên- khu vực người dân địa phương hay ăn sáng
  • Buổi tối có thể đến quán mỳ quảng ông Hai, cũng có bán cao lầu.

15. Bánh dừa Quảng Nam

Bánh dừa Quảng Nam là một trong những món đặc sản nổi tiếng của vùng Trung Bộ, một thứ quà được rất nhiều người lựa chọn để mang về làm quà mỗi lần có dịp ghé chơi miền Trung.

Dừa là loại cây rất quen thuộc với người Việt Nam nhất là dân miền biển và miền sông nước. Quả dừa cũng có rất nhiều lợi ích, nước dừa mát, cùi dừa thì tùy từng vùng miền sẽ có những cách biến tấu riêng để thành những món đặc sản như kẹo dừa, bánh tráng dừa, thạch dừa, rượu dừa, người Quảng Nam thì tự hào với hai món bánh dừa là bánh dừa dẻo và bánh dừa nướng đều được làm từ dừa tươi, bột nếp và đường trắng độc đáo đầy hấp dẫn. Bánh dừa nướng có hương vị và nét độc đáo riêng khác hẳn với bánh dừa dẻo; nếu bánh dừa dẻo có màu trắng tinh thì bánh dừa nướng lại có sắc vàng nâu óng ả đều thơm lừng mùi dừa đặc trưng

Thưởng thức những chiếc bánh dừa ngọt ngào thơm ngậy cùng với ngụm chè xanh thơm ngát sẽ làm thấy sảng khoái lên nhiều. Nếu có dịp ghé qua, các bạn hãy mua về một ít để làm quà cho người thân nhé.

Thương hiệu bánh dừa nổi tiếng nhất hiện này là bánh dừa Thái Bình, bánh dừa nướng có rất nhiều ở trong các khu chợ Đà Nẵng, Quảng Nam hoặc các siêu thị đặc sản miền Trung ở Đà Nẵng như Thiên Phú, Đại Lộc Phát, Ba Miền, 61 Hải Phòng…

16. Bê thui Cầu Mống

Một trong những đặc sản ẩm thực nức tiếng của vùng Quảng Nam – Đà Nẵng là món bê thui Cầu Mống, nó nổi danh đến mức mà nhiều nhà hàng ở các tỉnh khác cũng lấy tên “bê thui Cầu Mống” để đặt tên cho món bê thui của quán mình; nhưng muốn ăn bê thui ngon đúng điệu, đúng chất nhất thì chỉ có thể đến chính địa danh Cầu Mống là một ngôi làng nhỏ nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc địa bàn xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Con bê được thui ở đây phải vừa đủ, tầm khoảng 30 – 35 kg để thịt không bị nhão. Sau khi cắt tiết và lấy lòng ra khỏi bê thì cho sả, lá chanh vào bụng rồi dùng dây thép khâu lại, lấy thanh sắt dài xiên dọc thân, cuối cùng gác cả con bê ngang qua ngọn lửa rơm rạ hoặc than đang đỏ để thui. Nghệ thuật thui bê gần như là một bí truyền ở đây và hiện không còn nhiều người làm được đúng chuẩn. Dù được thui bằng rơm rạ hay than củi đi nữa nhưng miếng thịt bê khi đưa ra khỏi lò phải đạt đủ hai tầng thịt tái, chín rõ rệt, còn bì thì phải chín đến độ trong suốt, không những thế còn phải đạt độ giòn mềm vừa phải. Chính những yêu cầu khắt khe này mới khiến cho món bê thui Cầu Mống khác biệt với bê thui nơi khác.

Có dịp ngang qua Cầu Mống, có thể các bạn sẽ ngạc nhiên khi trên con đường Quốc lộ có đến hàng chục quán bê thui với nhiều đùi bê treo lúc lắc trước hiên bắt mắt lắm. Mỗi khi có khách, chủ quán cắt một vạc thịt ra và xắt từng lát mỏng, thấy rõ hai tầng thịt chín, tái trông rất hấp dẫn.

Đặc biệt, bê thui ngon hay không lại còn phụ thuộc vào nước chấm và rau sống ăn kèm. Mắm chấm phải là loại mắm nêm nguyên chất, được chế biến từ những làng chài nổi tiếng ven biển. Mắm đem về thêm đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cùng ít gừng và mè rang thơm. Rau ăn kèm với bê thui thì rất phong phú, bao gồm loại rau đặc trưng được trồng tại vùng Trà Quế – Hội An như: Tía tô, xà lách, cải non ăn kèm với khế chua, chuối chát xắt lát mỏng, ngò thơm, húng quế và giá đỗ…

Một cách thưởng thức bê rất phổ biến là cuốn với bánh tráng. Trải miếng bánh tráng ra, đặt lên vài lát thịt bê thui, cuốn chung với rau sống, chấm nước mắm nêm pha ớt tỏi rất ngon.

Địa chỉ tham khảo

Có điều kiện các bạn nên đến đoạn Quốc lộ 1A đoạn Cầu Mống, Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam là chuẩn vị nhất, ở đây có quán Mười khá có tiếng

Ở Đà Nẵng cũng có một vài địa chỉ cho bạn nào muốn ăn thử món này:

  • Bê thui bà Ngọc: Số 228 Đống Đa, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày từ 8 giờ sáng đến 10 giờ tối, bán cả nem lụi, bò lá lốt, bánh xèo nhưng bê thui không quá đặc sắc.
  • Bê thui Cầu Mống Ngọc Lan: Số 895 Ngô Quyền, quận Sơn Trà. Quán bán từ 9 giờ sáng đến 10 rưỡi tối, theo nhận xét của nhiều người là ngon, quán cũng có lâu rồi.
  • Bê thui Cầu Mống: Số 100 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê. Quán bán từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, giá bình dân, nước chấm ngon nhưng hơi chật và xa trung tâm.
  • Bê thui Cầu Mống Cường Thịnh: Số 99 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu.
  • Bê thui Cầu Mống Huynh Đệ: Số 14B Phạm Văn Đồng (gần bùng binh sông hàn), quận Sơn Trà.

17. Cơm gà Hội An

Cơm gà Hội An đã dư nổi tiếng rồi, có lần mình đọc được bài báo nói về nhận xét của Lonely Plane (một tạp chí du lịch cực nổi tiếng trên thế giới): “Một món ăn đậm đà hương vị, một điều gì đó khiến những người yêu thích món gà phải ghé thử một lần”. Cá nhân mình thì thấy đấy là một nhận xét không quá chút nào. Nếu đến Đà Nẵng – Hội An, các bạn nhớ đừng quên món này.

Chỉ đơn giản với nguyên liệu chính là cơm nấu với gà luộc nhưng do cách chế biến theo gu của người miền Trung nên hương vị của món này rất đặc sắc. Gạo nấu lên rất thơm, gà là loại gà ta được chăn thả nên thịt cực chắc, ngọt và giòn. Để làm món này thì phải luộc chín gà luộc chín rồi từng miếng thịt lại được xé chỉ và bóp với hành tây, tiêu, muối và rau răm cho ngấm thế nên mùi vị rất đậm đà; còn nước luộc gà thì dùng để nấu cơm nên hạt cơm sẽ căng tròn, vàng nhẹ, và có vị ngòn ngọt. Với người ở vùng Tam Kỳ – Quảng Nam và Đà Nẵng thì thịt gà còn được chặt thành từng miếng vừa phải, chiên vàng giòn ăn cùng rất chất. Ăn kèm với cơm gà là đu đủ muối chua kết hợp với tương ớt và xì dầu, ngon càng thêm ngon.

Cơm gà theo mình là một niềm tự hào của ẩm thực vùng đất này, một món ăn dễ nịnh cả những người khó tính. Đến Đà Nẵng dạo chơi, vào Hội An ngắm phố cổ ăn miếng cơm gà mới thấy khó quên hương vị này biết bao.

Địa chỉ ăn cơm gà:

Ở Hội An:

Cơm gà được bán nhiều trên các ngã phố, tập trung nhiều nhất ở đường ven sông Hoài, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Lê Lợi… với các quán cơm và gánh cơm nổi tiếng như: Cơm gà bà Buội, cơm gà bà Nga, cơm gà bà Minh, cơm gà kiệt Cika…

Ở Đà Nẵng:

  • Cơm gà Hồng Ngọc: Số 193 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày từ 8:00 AM – 9:00 PM, quán này trước đây khá nổi, nhưng dạo gần đây nhận được nhiều review không tốt, mình mới ăn thì thấy cơm bình thường, không tương xứng với giá tiền, không muốn nói là đắt.
  • Quán A Hải – Cơm gà xối mỡ: Số 96 Phan Chu Trinh, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày từ 8:00 Am – 10:00 PM, quán này mình hay ăn, 50k/phần cơm, chọn cơm đùi hoặc cơm cánh đều ngon, cơm hơi khô nhưng mà cái này là điểm chung hay sao á, ở Hội An cũng thấy khô khô vậy. Chủ quán và nhân viên đều nhiệt tình, chuyên nghiệp.
  • Cơm gà, cao lầu Tú Tài: Số 62 Hải Phòng, quận Thanh Khê, bán cả ngày từ 8:00 AM – 8:00 PM. Quán này luôn đông khách trong số dãy dài cơm gà đoạn ngã 4 Hải Phong – Nguyễn Thị Minh Khai, cơm gà rất ngon nhất là gà roti.
  • Cơm gà Hin Mập: Số 132 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, bán từ 5:00 PM – 1:00 AM, giá hơi cao nhưng cơm ngon và phục vụ nhanh, ở đây còn có cả mì xíu, cơm sườn, cơm dương châu nữa.
  • Khu ẩm thực Phạm Hồng Thái: Phạm Hồng Thái, quận Hải Châu, Đà Nẵng.
  • Cơm gà 9 Ly: Số 31 – 33 – 35 Ngô Văn Sở, quận Liên Chiểu, bán cả ngày từ 9:00 AM – 10:00 PM
  • Cơm gà bà Ký Tam Kỳ: Số 79 Trưng Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

18. Cá chuồn nướng Núi Thành

Cá chuồn có nhiều ở vùng biển Nam Trung Bộ, đặc biệt nhiều ở vùng biển Quảng Nam, là đặc trưng của văn hóa ẩm thực xứ Quảng, nhất là người khu bãi Rạng, Tam Quang, Núi Thành thì ai ai cũng quen thuộc với món cá chuồn xanh nướng cuốn với rau sống chấm nước mắm ớt đến là hấp dẫn.

Cá chuồn xuất hiện nhiều ở các chợ hải sản tầm tháng 3 đến tháng 5 Âm lịch với nhiều loại như chuồn lộng, chuồn gành, chuồn khơi, chuồn ốc mít, chuồn cánh gián, chuồn cồ…; trong đó, cá chuồn xanh là ngon và đắt nhất bởi đặc điểm da xanh, bụng trắng, thịt cá bùi và ngọt. Cá chuồn được chế biến thành nhiều món như canh cá chuồn nấu bí đỏ hoặc rau muốn, rau cải, cá chuồn kho mít non, các chuồn dồn nghệ, củ nén đem rán đặc biệt nhất là cá chuồn nướng là món ngon khó cưỡng với rất nhiều người khi đến du lịch Quảng Nam. Những quán ăn dọc bãi Rạng, quán nào cũng có món cá chuồn nướng cuốn bánh tráng này

Để làm cá chuồn nướng, người ta mổ bụng, làm sạch ruột cá rồi đem phơi nắng nhẹ cho hơi quắt lại mới đem ướp với sả ớt, sau đó nướng trên than hồng. Khi cá đã được nướng vàng ươm trên bếp thì rưới lên cá một ít dầu được được phi củ nén (họ hàng với củ hành) cho thơm rồi lại cho lên bếp và nướng tiếp.

Cầm hẳn con cá trên tay, bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống, ớt xanh, tuyệt vời hơn nếu cuốn cá chuồn nướng trong bánh tráng với rau sống chấm nước mắm ớt mới thấy thịt cá chuồn đặc biệt, không giống với bất kỳ món cá nướng nào khác.

Kinh nghiệm: Không chỉ nổi tiếng với món cá chuồn, bãi Rạng cũng là một bãi biển đẹp và yên tĩnh, nếu có điều kiện các bạn có thể đến đây du lịch. Dể không bị “chém” hoặc bị chủ quán “treo đầu cá chuồn ốc mít tính tiền cá chuồn xanh” thì các bạn nên đề nghị được xem và chọn cá ở thùng trước khi nướng, thịt cá không khô mà mềm, bùi và có vị ngọt. Cá chuồn xanh thường dài chỉ khoảng 20cm và điểm khác biệt rõ rệt nhất chính là ở màu da xanh đặc trưng như chính tên gọi, thường không bán theo cân mà bán theo con, tầm 10 ngàn 1 con.

19. Mì Quảng

Vào khu Quảng Nam – Đà Nẵng, Hương chắc chắn một trong số những món ăn dễ dàng bắt gặp nhất chính là mì Quảng. Món này phổ biến như kiểu phở ở Hà Nội hay hủ tiếu ở Sài Gòn ấy, hầu như ở con phố nào cũng đều có cả. Vào đây rồi thì phải ăn thử cho biết, đặc sản mà, nhất là lại nghe được câu thơ mời chào hay lắm:

“Thương nhau múc bát chè xanh
Làm tô mì Quảng mời anh xơi cùng”

Sợi mì Quảng trông gần giống như sợi phở nhưng to hơn, được làm từ lá bánh tráng thái sợi phủ lên ít dầu lạc phi củ nén tạo mùi thơm và sợi mì không dính vào nhau. Nhân thì nhiều loại lắm: Gà, tôm, thịt, trứng, bò, sứa, cá lóc… mình ăn nhân gì thì gọi để họ cho vào bát luôn. Ngoài ra còn những thứ bất di bất dịch, tức là mình cứ ăn mì Quảng là phải có thêm bánh tráng nướng, ớt xanh, chanh, lạc rang và đĩa rau sống đi kèm. Ở Quảng Nam, người ta phải lấy rau ở làng Trà Quế. Cô chủ quán còn kể rau sống đúng mì Quảng thì phải kết hợp đến 9 loại liền nhưng hầu như bây giờ chắc không được như thế, Hương thấy có mấy loại là rau cải con, hung lủi, quế xanh, rau xà lách, hoa chuối thái mỏng.

Tô mì Quảng nhìn rất bắt mắt và có nhiều nét riêng biệt. Hương để ý cô chủ quán làm thì đầu tiên là cho mấy loại rau sống vào tô, tiếp đến là mì sợi rồi cho nhân tôm, gà, thịt, cá, cua các loại tùy khách gọi rồi chan nước dùng lên, cuối cùng là cho hành lá, rau mùi, lạc rang, bánh tráng ớt, chanh thái mỏng lên trên cùng. Nước dùng mì ở đây thơm mùi tôm hầm xương lợn, ăn rất ngọt và đậm đà tuy nhiên lượng nước chan lên mì ít lắm, không để ngập lên sợi mì đâu.

Nhìn tô mỳ bốc khói với những con tôm đỏ mọng, lòng đỏ trứng vàng ươm kết hợp với màu xanh tươi mát của rau sống và hành hoa, chưa ăn Hương đã thấy ngon tuyệt rồi. Mì Quảng phổ biến như thế nhưng cũng kén người ăn, nhất là người ngoài Bắc, quen ăn phở, bún, mì ngập nước rồi nên có thể sẽ ăn không quen, Hương báo trước rồi nhé.

Một vài địa chỉ ăn mì Quảng

Đến Quảng Nam, các bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán mì Quảng nằm dọc trên tuyến đường quốc lộ 1A luôn đông đúc như: Quán mì gà Bình Nguyên (huyện Thăng Bình), quán mì gà Kỳ Lý (thành phố Tam Kỳ), quán mì tôm cua Cây Trâm (huyện Núi Thành), quán mì bò Cẩm Hà (thành phố Hội An)

Còn khi đến Hội An, thì hàng nào cũng có, chỉ khác nhau ở chỗ chuẩn và cực chuẩn thôi. Có một vài địa chỉ như:

  • Buổi sáng và trưa: Ăn mì gà trên đường Lý Thường Kiệt.
  • Buổi trưa: Mì gà và mì thịt heo, trứng ở Cẩm Hà, đường lên làng gốm Thanh Hà.
  • Buổi tối sau 7 giờ: Mì gà ông Hai, đường Nguyễn Duy Hiệu.

Nếu ở Đà Nẵng thì có thể ăn ở:

  • Quán mì Quảng bà Mua: Số 19 Trần Bình Trọng hoặc số 231 Đống Đa, mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối, còn nhiều quán bà Mua nữa, Hương không nhớ hết được nhưng chắc vì có thương hiệu nên gặp nhiều lắm.
  • Quán mì Quảng bà Ngân: Số 108 Đống Đa, lô 22A Phan Thanh Tài
  • Quán mì Quảng bà Lữ: Số 126 Hàm Nghi, số 32 Nguyễn Văn Linh, số 27 Huỳnh Thúc Kháng.
  • Quán mì Quảng bà Vị: Số 55 Trưng Nữ Vương, số 60 Ngũ Hành Sơn, số 166 Lê Đình Dương. Mì Quảng bà Vị có tiếng từ lâu rồi.
  • Quán mì Quảng 1A: Số 1 Hải Phòng. Quán này cũng nổi tiếng, nhiều người tìm đến, chắc vì thế nên giá cao.

20. Cháo lươn xanh Quảng Nam

Chào các bạn, Hương đây. Hôm nay Hương giới thiệu cho các bạn một món hấp dẫn cực nhưng nói trước là món này Hương chưa được ăn ở đây nhé (biểu cảm cry) là món cháo lươn xanh còn gọi là cháo lươn gạo si nổi tiếng ở làng Bình Định, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, đặc sản dân dã này có từ bao đời rồi.

Món lươn xanh được nấu bằng gạo si là một giống lúa địa phương có từ xưa, dẻo, thơm và có vị ngọt bùi đặc biệt. Gạo sau khi vo được nấu loãng với đậu xanh xay nhỏ. Lươn đồng rửa sạch, bỏ ruột, chặt từng khúc nhỏ bằng ngón tay, trộn đều với sả thái mỏng, dầu lạc, lạc, tiêu, hành, ớt rồi om lên bằng nồi đất đậy lá chuối non. Cháo múc lên phải thật nóng rồi cho lươn om vàng vào, ăn kèm với rau cải xanh thái mỏng như sợi bún (vậy nên mới gọi là cháo lươn xanh đó) và đĩa ngò tây, hành lá, rau răm và bánh tráng giòn.

Người xứ Quảng thường có hai cách ăn: Một số người thì bỏ rau cải và các loại rau khác cùng với bánh tráng bẻ nhỏ, cho vào tô cháo vừa thổi vừa xúc từng thìa; số khác thì bỏ các cọng cải xanh vào từng thìa cháo để thấy đủ vị cay, bùi, béo của rau, lạc, lươn… Nhưng nói chung lại là đều phải ăn nóng, thỉnh thoảng cắn thêm miếng ớt xanh thêm thơm nồng, nghĩ đến mà thèm. Một bát cháo lươn gạo si nhấp cùng chén rượu gạo chính hiệu ngon, bổ mà sảng khoái tinh thần vô cùng nên người Quảng Nam mới có câu ca:

“Gạo si mà nấu cháo lươn
Trai mà không biết uổng đời làm trai”.

Hương tìm thông tin về quán ăn ngon ở làng Bình Định thì đâu cũng ca ngợi quán của chị Trương Thị Cẩm ở thôn 4 đến nỗi mà có nhiều người tham quan đập Phước Hà, một thắng cảnh nhân tạo của địa phương cách đó tầm 5km vẫn phải ghé lại quán của chị để thưởng thức món cháo này. Hương chưa được ăn nên không biết thực hư thế nào, nếu gặp dịp thì các bạn ăn thử rồi kể Hương nghe với nhé.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *