11 đặc sản Vĩnh Long – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Nhắc đến Vĩnh Long, vùng đất được ưu ái với những miệt vườn xanh mướt trĩu quả lênh đênh trên dòng nước trong suốt đầy thơ mộng có lẽ không ít ai có thể cầm lòng được với những món ăn được chế biến bởi bàn tay tài hoa và sự sáng tạo trong ẩm thực miền Tây.

Vậy những món ăn đặc sắc đó là gì? Bạn đã được thưởng thức chưa?

Loca xin giới thiệu 9 món  đặc sản Vĩnh Long tiêu biểu không thể chối từ khi đến vùng đất này.

1. Ốc lác hấp lá gừng

Là một món ngon dân dã, ốc lác hấp lá gừng non không những dễ làm mà còn dễ dàng tìm nguyên liệu. Nếu bạn ngại tìm mua thì hãy chịu khó mò vớt trong mương vườn, trên ruộng là có ngay những rổ ốc lác loại bằng đầu ngón chân cái. Đem ngâm chúng trong nước vo gạo chừng vài tiếng đồng hồ, hoặc ngâm trong nước sạch chừng 24 giờ để ốc nhả cặn. Sau đó đem rửa sạch ốc rồi cho vào nồi luộc chín với ít lá sả, bưởi, ổi cho thơm.

Khi ốc chín thì vớt ra rổ, lau khô mình ốc. Lấy phần thịt ốc đem thái hạt lựu nhỏ và để riêng, còn thịt nạc vai thì băm nhuyễn, nấm rơm ngâm nở rồi cũng thái nhỏ. Riêng gừng một phần thái chỉ ngâm nước, phần còn lại giã nhỏ, với lá gừng thì cũng rửa sạch để ráo.

Tiếp theo, bạn trộn thịt ốc với một chút nước gừng và các gia vị như hạt tiêu, bột ngọt, ớt băm nhỏ, nấm hương, nạc vai, bún tàu. Sau đó nhồi nhân cho dẻo rồi để ngấm chừng 10 phút.

Đặt lá gừng ngang miệng ốc, nhồi nhân vào bên trong sao cho đầy ngang miệng ốc, thoa đều mặt nhân cho mịn rồi mới xếp ốc vào lồng hấp cách thuỷ khoảng 15 phút là đủ. Khi ốc nhồi chín, bạn lấy ra bày vào đĩa, rắc gừng thái chỉ, ớt tỉa. Để ăn được cũng chưa dễ, cần phải cầm hai đầu lá gừng kéo thịt nhồi ra, ăn nóng chấm nhồi ốc với nước mắm chua cay để tận hưởng mùi thơm đặc trưng của ốc với lá gừng non, vừa lạ vừa ngon mà cũng hấp dẫn vô cùng.

2. Cá lăng nấu ngót

Vùng đất Vĩnh Long có một món ăn bình dân và đặc biệt dễ làm mang tên cá lăng nấu ngót. Bạn có thể ăn kèm cùng dưa leo, rau sống, ngó sen, dưa bồn bồn hay bông súng bóp dấm để chấm đều rất tuyệt vời. Thường cá lăng nấu ngót phù hợp nhất khi ăn nóng cùng cơm hoặc bún.

Để làm món cá lăng nấu ngót, đầu tiên bạn chọn mua cá lăng nghệ tươi, loại này có bán ở các chợ miền Tây, rửa sạch, cắt làm ba khúc (đầu, bụng, đuôi) riêng biệt rồi để ráo, sau đó ướp muối, tiêu khoảng 20 phút cho cá ngấm đều gia vị là được. Các loại cần tây, hành lá cũng rửa sạch, cắt khúc; riêng cà chua thì thái miếng nhỏ.

Tiếp đến, bạn bắc nồi lên bếp cho nóng, đổ dầu hoặc mỡ vào và phi hành củ. Tùy theo lượng người ăn mà bạn đổ nước lạnh vào nồi cho phù hợp, tránh nhiều quá sẽ làm nhạt canh, còn ít quá thì lại không đủ thưởng thức. Sau đó bạn đun thật sôi rồi thả cá đã tẩm ướp gia vị vào và nếm gia vị nước mắm, muối, bột ngọt vừa miệng.

Khi cá chín và sôi lại lần nữa thì bạn mới cho cà chua, cần tây vào vì chúng rất nhanh chín và dễ nát. Để đủ gia vị thì bạn nên vắt chanh để vị chua của chanh, kết hợp cùng vị ngọt của cá và các loại gia vị khác sẽ mang đến cho bạn một món ăn ngon miệng, mang đậm hương vị đồng quê.

3. Cam xoàn Vĩnh Long

Ở vùng Trà Ôn có một đặc sản rất nổi tiếng có tên là cam xoàn, một loại cùng họ với cam mật, đặc biệt dễ trồng. Cây xoàn thường sinh trưởng và phát triển mạnh, thích nghi với những vùng đất cao ráo, dễ thoát nước.

Bổ trái cam xoàn, bạn sẽ thấy ruột cam bên trong có màu vàng, vị ngọt thanh hơn quít, trái to hơn, thông thường cây từ 3 năm tuổi trở lên sẽ cho trái quanh năm. Đặc biệt, cam xoàn có tác dụng giúp tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường thể lực, và làm cho làn da của bạn trắng mịn hơn. Vì vậy, loại trái cây này vô cùng thích hợp cho mọi gia đình, đặc biệt là cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Là giống cây ăn trái được trồng nhiều và lâu đời ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cam xoàn được trồng nhiều tại hai huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) và huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Hiện nay, diện tích trồng cây cam xoàn ở vùng Trà Ôn tập trung ở các xã Thiện Mỹ, Tân Mỹ, Thới Hòa, Vĩnh Xuân. Còn tại huyện Long Mỹ thì chủ yếu tập trung tại hai xã Long Trị và Long Trị A.

Cây cam xoàn là loại cây chắc khoẻ, cho trái vỏ mỏng và có những vòng xoáy như đồng tiền. Đặc điểm của cam xoàn bạn cần lưu tâm, đó là thường trái càng nhỏ thì vị càng ngọt thanh, có mùi thơm nhẹ, múi dẽ hơn so với các loại cam sành, cam mật khác.

Đến vùng đất này, ngoài việc lựa chọn cam sành, bưởi Năm Roi, măng cụt, chôm chôm, xoài cát… thì cam xoàn có thể là thức quả được mua về làm quà. Cam xoàn thường được bán với giá cả phải chăng, xuất hiện tại chợ Trà Ôn hoặc sạp trái cây nhỏ ven đường.

Đặc điểm, để chọn đúng loại cam thì bạn cần nhớ dưới đít trái cam xoàn chính gốc luôn có dấu tròn như đồng xu và hơi lõm.

4. Cá cháy Trà Ôn

Khi những ngọn gió chướng thổi qua dòng sông Hậu bao la, khiến cho những bông xoài nhú quả xanh non bung nở, và đó cũng là lúc từng đàn cá cháy xuất hiện trên dòng sông. Cá cháy là đặc sản của vùng đất nhỏ nằm bên sông Hậu, xã Tích Thiện (Trà Ôn – Vĩnh Long), là vùng gặp nhau giữa nước trong và nước lợ. Loài cá này có nhiều xương nhưng thịt lại rất ngon, một số con cá cái thậm chí còn mang cặp trứng to khoang bụng (trứng cá ăn rất bổ, béo).

Nếu không biết về cá cháy bạn sẽ nghĩ mình bị người bán qua mặt, bởi giống cá cháy này chỉ cần vừa rời khỏi mặt nước là đã chết ngay, nên dù người bắt có cẩn trọng thả nó ngay tức khắc vào ghe đầy nước cũng không cứu được. Nếu bạn muốn mua được cá ngon thì cũng phải thức dậy sớm trước khi mặt trời mọc khi những tiếng rao cá cháy vang trên sông.

Thưởng thức cá cháy có nhiều cách, có thể là cá được kho mặn trên bếp lửa riu riu để xương cá mềm nhừ. Cá kho là món ăn dài ngày trong các gia đình, hoặc có thể dùng làm quà tặng cho người thân, bạn bè ở nơi xa.

Ngoài cá cháy kho mặn, bạn có thể nấu canh chua với bạc hà (dọc mùng), đậu bắp, giá, bông điên điển hoặc rim cả con trên một nồi có lót lớp mía ở phía dưới. Bên cạnh đó, cá cháy nấu cháo cũng rất đậm đà và ngon miệng. Khi cháo nhừ thì cho nguyên con cá cháy đã làm sạch vẩy vào nồi, đun sôi đến khi cá chín thì gắp ra gỡ thịt, bỏ xương. Bạn có thể thưởng thức cháo cá cháy với rau tần ô (cải cúc), rau đắng đất, xà lách, chút lá gừng non cắt nhuyễn.

Trứng cá cháy cũng là một món ăn rất hấp dẫn và khó quên với nhiều người. Không hẳn vì vị béo không ngậy, mà còn ở hương vị thơm ngon khiến bạn không muốn đứng dậy khi chưa được thưởng thức.

Ngoài ra, nếu bạn có dịp thưởng thức gỏi cá cháy cầu kỳ với đủ các loại rau ghém, rau thơm, chuối chát, khế chua để cuốn chung với thịt cá cháy thì cũng tuyệt vời không kém.

Ngoài việc nói đến sự ngon lành bổ béo của trứng cá và thịt cá cháy, bạn sẽ thấy thú vị hơn nếu được thưởng thức món xoài xanh băm nhỏ thả vào nồi canh cá đang sôi. Chất chua của xoài sẽ tăng thêm độ hương nồng của miếng cá và chùm trứng, giúp bạn dễ ăn, dễ nhớ hơn rất nhiều.

5. Cá tai tượng chiên xù

Người dân Vĩnh Long không ai lạ lẫm gì với món cá tai tượng chiên xù nguyên con. Nhìn từng con cá vừa được gắp từ chảo dầu vàng ruộm ra với bánh tráng, bún tươi, rau sống và chén nước chấm chua ngọt khiến bạn chỉ muốn ngay lập tức thưởng thức chứ không phải nghĩ ngợi gì hết.

Cá tai tượng – loài ca có mặt ở khắp đồng bằng sông Cửu Long – được coi là ngon nhất ở riêng Vĩnh Long và trở thành đặc sản cá nước ngọt cũng bởi cách chế biến đặc biệt của món ăn này. Món cá tai tượng chiên xù đã trở thành món ăn đại diện cho ẩm thực Vĩnh Long. Cứ đến bất kỳ điểm du lịch vườn nào ở vùng cù lao An Bình, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức món ăn này, dù trong bữa ăn có nhiều sơn hào hải vị khác.

Cá tai tượng thịt dai, thơm, phù hợp cho món cuốn bánh tráng. Đầu tiên, bạn bóc tách lấy thịt cá, cho vào bánh tráng, xếp rau thơm, bún, rau sống và cuộn lại rồi chấm vào bát nước chấm. Món ăn này sở dĩ ngon là bởi vị ngọt thịt của loài cá cộng với lớp da giòn kết hợp với các loại rau, bún tươi và nước chấm chanh tỏi ớt. Và như một quy luật tự nhiên, dần dần món ăn này đã được giới thiệu đứng đầu danh sách các món dễ ăn và phù hợp với nhiều người.

Khi cá tai tượng được dọn ra bàn, bạn sẽ nhìn thấy con cá còn nguyên vẹn, lớp da vàng ươm, dựng nằm đứng giữa chiếc đĩa hình hột xoài đã được xếp đầy đủ các loại rau xanh tươi, trông rất bắt mắt. Đầu tiên, bạn dùng đũa tách miếng cá còn nóng hổi đặt vào tấm bánh tráng mỏng rồi chậm rãi đặt lên đó nào là rau thơm, rau quế, những sợi bún trắng tinh… tất cả gói lại rồi chấm cuốn bánh vào bát nước mắm chua ngọt có màu hổ phách, cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được tiếng cá giòn ở trong miệng. Bên cạnh đó là những sợi bún mềm, vị the của rau thơm lẫn vị ngọt của cá, vị mặn mà chua ngọt của nước chấm. Nếu chỉ nhìn ban đầu, bạn sẽ thấy những miếng vây lưng cá tưởng cứng nhưng khi dùng thử, nhiều thực khách đều cảm thấy thích thú bởi vây cá cũng giòn rụm xen lẫn miếng thịt cá béo ngọt khi nhai. Vì vậy, món cá tai tượng chiên xù luôn hấp dẫn những thực khách trong nước và nước ngoài lựa chọn thưởng thức.

6. Khoai lang Vĩnh Long

Nếu như bình thường, chúng ta chỉ ăn khoai lang luộc không cũng đã cảm thấy ngon ngọt và bùi; nhưng người dân miền Nam thì lại sáng tạo hơn trong việc chế biến ra món khoai lang luộc chấm với mắm sống hấp dẫn, tuyệt vời mà nguyên liệu để làm thì lại vô cùng dễ kiếm và gần gũi.

Khoai lang hấp hoặc luộc chín rồi nguội, cắt thành từng miếng nhỏ; dừa khô nạo cơm, thêm muối mè, đậu phộng, rau sống, rau thơm đã được rửa sạch. Trước kia, khoai lang mắm sống là món ăn mà những nhà nghèo thường ăn, còn hiện nay đã trở thành đặc sản của vùng đất này.

Khi ăn, bạn dùng lá cách cuốn lấy từng miếng khoai lang, dừa nạo, rau thơm và chấm cùng mắm sẽ cảm thấy vị ngon khó tả. Một bánh cuốn với hương vị bùi, bở, ngọt của khoai, và rau, vị béo của dừa hòa quyện cùng vị mắm mặn đặc trưng khiến bạn chỉ muốn ăn thêm nữa.

Bên cạnh những món luộc, chiên, nướng, hầm, sấy, nấu cà ri… thì người dân nơi đây còn ăn khoai lang với mắm sống hoặc ba khía, lạ hơn nữa là món khoai luộc cuốn lá cách chấm với nước mắm chua. Đầu tiên, bạn chọn những củ khoai lang nguyên vẹn, rửa sạch rồi cho vào nồi hấp hoặc luộc đến khi khoai chín nứt vỏ (nhớ cho thêm chút muối). Dừa khô nạo lấy cơm, thêm chút muối mè và đậu phộng tạo thêm mùi vị.

Khi ăn, bạn dùng đọt lá cách cuốn từng miếng khoai lang, dừa nạo, rau thơm vào cùng nhau rồi chấm nước mắm chua. Món ăn dân dã này ngon ở cách pha chế nước chấm và chọn rau sống (thường là tía tô, quế, húng đất); còn nước chấm là nuớc mắm nhỉ pha thêm đường, ớt, chanh sao cho chua và cay đủ ăn.

Thưởng thức món khoai luộc chấm mắm chua lúc đói thì bạn mới cảm nhận được hết hương vị đậm đà của món ăn này, từ chính vị ngọt bùi của khoai, vị chua cay của nước chấm sẽ giúp bạn ăn hoài không thấy ngán.
Món ăn hấp dẫn này bạn có thể tìm thấy ở các vùng chuyên canh khoai lang phía Bắc quốc lộ 1A thuộc huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

7. Thanh trà Vĩnh Long

Ở Vĩnh Long, thanh trà thường được trồng khá nhiều, tập trung từ ấp Đông Hưng cho tới ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa (thuộc xã Đông Thành, huyện Bình Minh). Nếu bạn đến đây trong mùa thu hoạch, bạn sẽ thấy thú vị khi nhìn thấy những trái thanh trà này ẩn hiện của những chòm lá dày.

Thanh trà thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, cũng không kém bưởi Năm Roi là bao. Bạn hãy thử nhìn những chùm quả tròn vàng ươm lúc tháng Giêng, tháng Ba thì chắc chắn bạn sẽ kìm lòng mà không mua vài ký về làm quà.

Thanh trà thường có hai loại: trái chua và trái ngọt. Trái chua thì vỏ cứng, ăn giòn; còn trái ngọt thì có vỏ mềm. Trước khi ăn thanh trà, bạn cần phải nắn hoặc xoa đều tay cho trái mềm để dễ dàng lột bỏ vỏ. Nếu trái chua thì bạn có thể chấm muối ớt ăn cùng, còn nếu dằm đường và nước đá đập thì chỉ cần bóc bỏ vỏ là đã có loại nước giải khát chua ngọt trong những ngày hè oi bức.

Trong khi đó, món thanh trà dầm đường đá hiện nay chính là nước giải khát hữu hiệu nhất. Còn gì tuyệt vời hơn khi đang ở giữa tiết trời nắng mà có lại có một ly thanh trà, bạn sẽ cảm thấy sự tươi mát sâu tận cõi lòng và khoan khoái ngay lập tức.

Ngoài ra, thanh trà còn có thể để làm mứt, dù có lích kích đôi chút nhưng cũng là món ăn chơi được nhiều người yêu thích. Bên cạnh đó, vị chua của thanh trà khác với me hay cơm mẻ đôi khi cũng chính là sự đổi món khi những người nội trợ thích tăng vị cho món canh chua cá lóc, cá ngát hay kho cá rô, cá bông lau hấp dẫn.

8. Cá lóc nướng trui Vĩnh Long

Người dân vùng sông nước nơi đây hàng ngày luôn cặm cụi với công việc đồng áng, phát cỏ, trồng cây, làm đồng… Để bắt cá lên khỏi ruộng thì nướng là dễ nhất, vì vậy món cá nướng trui đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy, và món ăn này đã chinh phục được biết bao thực khách xa gần.

Cá lóc nướng trui là món cá nướng mà không bao giờ để cá lên vỉ, dù cho bên dưới hừng hực than hồng. Nướng cá lóc thì phải biết cách nướng lửa rơm, nếu nướng kiểu khác thì miếng cá sẽ mất thơm, không còn hương vị cá nướng trui cơ bản nữa.

Tiếp đến, bạn chẻ một que tre tươi, chuốt nhọn một đầu xiên suốt từ miệng đến đuôi cá, cắm thẳng xuống đất, phủ rơm khô trùm kín lên cá rồi châm lửa đốt. Điều đặc biệt, cái khéo và cũng là tay nghề của người nướng cá đòi hỏi ở chỗ dù nướng bao nhiêu con thì tất cả đều chín một lượt, vẩy cá cháy đều đặn, mùi thơm quyến rũ bốc lên.

Sau đó, bạn nhổ dần từng con cá đem đặt vào đĩa, một tay giữ nhẹ đầu cá, tay kia cầm đũa xẻ dọc lưng cá từ đầu xuống đuôi, tách đôi, trải ra. Nhìn miếng thịt cá trắng bóng, thơm lừng, bộ lòng cá cũng được kéo ra, rồi cho ngay vào bát nước mắm tỏi ớt dằm me chín. Ngồi bên cạnh một rổ rau tươi nhiều chủng loại, xẻ cá và thưởng thức chúng thì thật tuyệt vời.

Nướng cá nghe thì nghĩ dễ nhưng nướng được ngon mới là quan trọng! Người nướng cá cần phải tính trước lượng cá nhiều hay ít, lớn nhỏ cỡ nào và xem thời tiết để liệu tính hướng phủ rơm, lượng rơm phủ sao cho cá đủ chín và ngọn lửa không tạt ra ngoài. Làm sao để rơm cháy vừa hết thì cũng là lúc cá vừa chín đến nơi. Cá chín quá thì hết ngọt, còn chưa chín tới thì cá sẽ nhão có mùi tanh, nếu chất nhiều rơm quá thì cá cháy khét, còn nếu rơm thiếu thì cá sẽ có khúc này sống khúc kia chín… cũng không hẳn là ngon.

Cá lóc nướng trui ngon nhất là ăn kèm với bún, bánh tráng nhúng nước, rau thơm. Tất cả các loại kể trên đem đặt lên bánh tráng, gắp miếng cá đặt vào giữa lớp rau xanh cuốn lại rồi chấm nước mắm. Nước mắm cũng là nước mắm tỏi ớt, chanh đường, giấm hoặc nước mắm dầm me. Đó cũng là lí do nhiều người thích cá lóc nướng trui dân dã, bởi vì cá nướng hơn cá chiên ở chỗ nó vẫn giữ được mùi thơm riêng biệt, đáp ứng khẩu vị của mỗi người.

9. Chuột đồng nướng Vĩnh Long

Hàng năm cứ vào mùa khô ở miền Tây thì tiết trời lại oi nồng, tuy vậy, chỉ sau những cuộc đi săn, khi vào núp dưới bóng râm là lúc người dân nơi đây thưởng thức ngay món chuột đồng nướng. Nơi đây đã có sẵn củi rơm, rau, trái trên bờ ruộng, mương vườn, món ăn này sẽ làm họ quên đi cảm giác nhọc nhằn.

Thường từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch là bắt đầu vào mùa chuột đồng kiếm ăn dồi dào nên con nào cũng béo ú, lông mượt vàng. Khi vào mùa thu hoạch lúa thường niên, người dân gặt thường dùng cách cắt lúa theo kiểu xoay cù, rồi bao lưới dí bắt chuột. Khi những cánh đồng khô, người dân thường dẫn chó đi đào hang săn bắt.

Chuột chọn để nướng phải còn sống, mập béo. Sau khi giết, người ta hay phủ rơm lên thui lông chuột (là rơm khô, vừa đủ thui trụi lông chuột thì mới giữ nguyên được mùi vị của thịt). Sau đó đem cắt đầu, lột da, bỏ lòng (nhưng nhớ chừa lại gan), móc bỏ bộ phận bài tiết và hạch ở bẹn của hai đùi sau và rửa thật sạch. Bạn cần phải làm thật kỹ, nếu không muốn thịt khai và hôi mùi chuột. Sau đó, bạn dùng tre hoặc trúc chẻ que làm gắp nướng. Dưới sức nóng của than củi, thì từng thớ thịt chuột sẽ tươm mỡ và cháy xèo xuống dưới bếp than củi tạo nên những tiếng lép bép vui tai.
Khi ăn chuột nướng thì cần phải có rau răm để cản mùi tanh, và góp phần làm tăng mùi thơm của thịt. Ngoài ra, bạn cũng cần có thêm lát chuối chát, khế và các loại rau mùi khác cùng xoài cắt lát để ăn kèm với thịt.

Với những người biết nhậu thì thưởng thức chuột đồng không thể thiếu đi thứ men cay đặc biệt được. Thịt chuột đồng thơm phức, trắng như thịt gà và mềm như thịt thỏ, thật khó tả được hương vị của nó, vừa ngọt đậm vừa thơm ngon. Món chuột gắp nướng này thậm chí còn tuyệt vời hơn cả vì giữ được vị ngọt của thịt tươi và mùi thơm đặc trưng không lẫn lộn với các loại thực phẩm khác.

Bên cạnh đó, chuột đồng còn được người dân miền Tây quay lu (hay còn gọi là nướng lu). Đây là một món ăn ngon và dễ làm. Sau khi làm sạch lông chuột thì gài vào móc sắt, móc vào miệng lu rồi đậy kín nắp. Mỗi đợt quay chừng 45 phút, tuy nhiên, cứ 30 phút thì giở nắp lu, trở bề chờ chuột quay cho chín đều.

Chừng 10 phút sau thì mùi thịt đồng quê thơm lừng tỏa ra là lúc bạn có thể thưởng thức chúng. Vừa khi thịt chín tới thì phết một lớp nước sốt khiến cả mặt trong và ngoài trở nên bóng lưỡng, vàng tươm trước khi ăn.

10. Bưởi Năm Roi Vĩnh Long

Ở vùng đất Vĩnh Long, bưởi là một trong những cây trồng phổ biến được trồng tập trung chuyên canh như vùng bưởi Bình Minh nổi tiếng hay trồng xen với các loại cây ăn trái khác. Hàng năm, tổng sản lượng bưởi của vùng lên tới trên 70 ngàn tấn, với nhiều chủng loại giống như bưởi Năm Roi, bưởi Da xanh, bưởi lông…, đáng kể nhất phải là bưởi Năm Roi Bình Minh. Đây là giống bưởi ngon nổi tiếng có mặt ở vùng đồng bằng sống Cửu Long, liên tục nhiều năm được bình chọn là giống bưởi ngon tại các hội thi trái ngon.

Bưởi Năm Roi có dạng giống quả lê hoặc hơi tròn, vỏ ngoài dầy và có màu xanh hơi vàng, khi chín bưởi có màu vàng, trên vỏ nổi nhiều tuyến dầu, bề mặt vỏ thì nhám trở nên mỏng hơn. Khi bổ bưởi Năm Roi ra, bạn sẽ nhìn thấy bên trong là các múi lớn, tép có màu hơi vàng trong mọng đầy nước. Loại bưởi này đặc biệt có hương vị ngọt thanh chứ không hề the đắng như nhiều loại bưởi khác. Hột thì không có hoặc chỉ là dạng lép, một vài hột thì có nhiều cạnh màu hơi vàng.

Hiện nay vùng bưởi Năm Roi Mỹ Hoà, Bình Minh cũng đang được trồng và chăm sóc theo tiêu chuần kỹ lưỡng và chờ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn EuGap. Điểm tiến bộ là nhà vườn Vĩnh Long đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt chú trọng trong khâu xử lý ra hoa cho trái mùa nghịch.

11. Đuông dừa

Là ấu trùng dạng sâu của một số loại bọ cánh cứng, đuông sinh sống bên trong ngọn của cây chà là dại, dừa, cau, đủng đỉnh – những loại cây thường có nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là tỉnh Bến Tre. Đuông được sử dụng để làm nhiều món đặc sản hấp dẫn, phổ biến trong hệ thống ẩm thực Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Hàng năm, vào mùa mưa, những con bọ rầy bắt đầu đục khoét vào ngọn dừa để sinh trứng. Khi nở thành ấu trùng, chúng bắt đầu ăn hủ dừa đến khi cây dừa héo úa là lúc con đuông dừa đã to béo. Khi đó, người dân chỉ cần đốn hạ cây dừa là có thể bắt đuông đem về chế biến thành đuông dừa chiên bơ thơm nức, béo ngậy, khi ăn một lần rồi muốn ăn thêm lần nữa.

Đuông dừa khi nướng ăn thường kèm với các loại rau sống xà lách, càng cua, húng quế… Khi ăn, người ta chỉ cần cuốn đuông đã nướng với các loại rau, chấm vào chén mắm me chua rồi thưởng thức. Vị chua của me, hương thơm nồng của các loại rau, cùng vị béo bùi đặc trưng của đuông, khiến người ăn thích mê khi thưởng thức.

Tương truyền, đuông dừa nướng lửa than ở Nam Bộ đã được tiến cống cung đình triều Nguyễn, dưới thời Hoàng thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Nam Phương. Nhiều chuyên gia ẩm thực đã ví ấu trùng đuông dừa với “sơn dương trùng” mà Từ Hy Thái Hậu dùng để thết đãi các sứ thần phương Tây.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *