6 địa điểm du lịch Cần Thơ [2019]

Đăng ngày 25/01/2024

Cần Thơ – Một thành phố lớn nhất khu vực Miền Tây Đồng Bằng Nam Bộ, còn có tên gọi khác là Tây Đô – thủ đô của miền Tây. Đây là điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn khám phá khu vực miền Tây sông nước. Loca sẽ giới thiệu bạn một số điểm du lịch Cần Thơ vô cùng hút khách, đây là danh sách các địa điểm tham quan đẹp, thơ mộng cũng như những thắng cảnh bạn nên đến một lần trong đời.

1. Bến Ninh Kiều – Điểm du lịch Cần Thơ

Đã từ lâu, những con người Cần Thơ luôn tự hào và kiêu hãnh mỗi khi nhắc đến Ninh Kiều – nơi bờ sông nhìn ra dòng Hậu Giang hiền hòa, thơ mộng. Du khách một lần đến với thành phố trung tâm miền Tây này dù bận bịu vẫn không bỏ qua cơ hội tìm đến đây để ngắm nhịp sống trên ghe xuồng sôi động, những chiếc tàu tấp nập chuyên chở trái ngon vật lạ của vùng đất phía Nam Tổ quốc.

Bến Ninh Kiều

Dọc bến Ninh Kiều là công viên Ninh Kiều, với hàng dài những ghế đá kê dọc bến sông, từng cơn gió mát lành từ dòng Hậu Giang khiến du khách thấy thư thái. Đứng trên bến nhìn sang xóm Chài và hướng cồn Ấu ở đầu vàm sẽ thấy một dải cù lao mập mờ cây lá, tạo niềm rung cảm dạt dào. Ngược lại nếu đứng từ bên kia xóm Chài nhìn sang sẽ thấy toàn cảnh Ninh Kiều và phố sá rực rỡ ánh đèn soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp lánh như rắc ánh vàng thật lung linh tuyệt đẹp giữa trời nước bao la.

Bến Ninh Kiều là đầu mối giao thông trọng yếu về cả du lịch và thương mại. Tại bến có hệ thống ghe tàu chuyên phục vụ du lịch đến các điểm tham quan: Khu du lịch sinh thái Phù Sa, chợ nổi Cái Răng, làng du lịch Mỹ Khánh. Ngoài các điểm trên bạn cũng có thể dạo một vòng sông Hậu đến bất cứ đâu bạn muốn.

Vị trí

Bến Ninh Kiều nằm bên hữu ngạn sông Hậu, ngay ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ, gần trung tâm thành phố Cần Thơ, đường Hai Bà Trưng, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

2. Chùa Nam Nhã

Nam Nhã Đường là một trong rất ít những quần thể kiến trúc di tích cổ còn lại ở thủ phủ miền Nam. Nằm lọt thỏm trong những rặng cây xanh nhiều năm tuổi, ngôi chùa theo thiền phái Minh Sư này cũng chính là điểm tham quan cho những ai cần sự thanh tĩnh.

Chùa Nam Nhã lúc được thành lập có tên là Nam Nhã Đường. Đó là một tiệm thuốc Bắc do học trò của cụ thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa là ông Nguyễn Giác Nguyên đứng ra xây dựng vừa là cơ sở kinh doanh vừa là nơi hỗ trợ tài lực cho phong trào yêu nước của các sĩ phu trong phong trào Đông Du. Sau này được đồi tên là chùa Minh Sư theo tên của một vị sư hay còn gọi là chùa Nam Nhã.


Ngày nay, chùa Nam Nhã được du khách viếng thăm không chỉ riêng về vẻ cổ kính, trang nghiêm nơi cõi Phật, mà nơi đây còn gợi nhớ lại những hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước thời kháng chiến chống Pháp. Chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1991. Ai một lần đến với Cần Thơ chắc không thể bỏ lỡ cơ hội ghé thăm chùa Nam Nhã – di tích lịch sử đáng nhớ này.

Vị trí

Chùa Nam Nhã tọa lạc số 612 đường Cách Mạng Tháng Tám thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ.

3. Chùa Ông

Chùa Ông – còn có tên Quảng Triệu hội quán – là ngôi chùa cổ hiếm hoi của thành phố Cần Thơ giữ được nguyên hiện trạng từ ngày lập chùa. Công trình 114 tuổi mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc Hoa này được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993.

Chùa Ông nổi bật với kiến trúc, màu sắc rực rỡ được trang trí bằng những hình nhân bằng sành sứ tái hiện những điển tích, truyền thuyết Trung Hoa như Bát Tiên quá hải, chuyện Tam Quốc Chí… trên bờ nóc và hai bên cổng tam quan.

Trong chính điện chùa Ông thờ Quan Thánh Đế Quân (Quan Công) trong Tam quốc chí của lịch sử Trung Quốc nên người dân gọi ngôi chùa là chùa Ông. Theo tín ngưỡng cùa người Hoa, Quan Thánh Đế Quân là vị thần rất linh thiêng và tượng trưng cho nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ngoài ra trong chùa còn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị thần bảo hộ của những ngư dân trên biển và phật bà Quan Âm tượng trưng cho tình yêu thương bao la đối với nhân loại.

Trong những năm chiến tranh, chùa là nơi tá túc của rất nhiều cư dân nghèo chạy loạn không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Chùa Ông là một công trình kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa được bảo tồn khá tốt, được đông đảo người dân yêu quí trân trọng giữ gìn, đây cũng là nơi thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước viếng thăm.

Lễ hội tiêu biểu nhất của chùa Ông là lễ đấu đèn được tổ chức 10 năm một lần vừa quyên góp tiền giúp các cơ sở từ thiện, xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi trong thành phố. Mọi người đều có thể tham gia để được sở hữu chiếc đèn mình yêu thích. Theo quan niệm của người Hoa, sở hữu chiếc đèn lồng là tượng trưng cho sự may mắn, thành đạt, hạnh phúc.

Vị trí

Chùa Ông nằm ở số 32, đường Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

4. Nhà cổ Bình Thủy

Có một điểm tham quan ở Cần Thơ, du khách có dịp về đòng bằng sông Cửu Long không nên bỏ qua là ngôi nhà cổ Bình Thủy của gia đình họ Dương xây từ năm 1870.

Đến nhà cổ Bình Thủy, du khách còn có thể đàm đạo với gia chủ để hiểu thêm những điều lý thú khác như vị trí trong bữa ăn của một gia đình xưa như thế nào, hòn non bộ vì sao xây trước cửa lớn; kích cỡ non bộ cùng tỉ lệ đá và nước theo nghiêm luật nào? Làm thế nào để phước vô họa ra và thể hiện được khát vọng của gia chủ về một giang san thái bình, gia đạo an vui, cốt cách hướng thiện.

Nhà cổ dòng họ Dương là một trong những ngôi nhà cổ ở Nam Bộ còn lại tương đối nguyên vẹn. Đây là một công trình kiến trúc có giá trị, giữ được cái hồn dân tộc trong không gian thờ cúng, trong sử dụng hoa văn, hoạ tiết trang trí. Ngôi nhà này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2009.

Vị trí

Nhà cổ Bình Thủy ở số 26/1A đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, thành phố Cần Thơ.

5. Vườn cò Bằng Lăng

Có dịp đến Cần Thơ, bạn đừng quên đến vườn cò Bằng Lăng, một trong những sân chim đáng được bảo tồn của đồng bằng sông Cửu Long, để trải lòng mình trước bức tranh thiên nhiên yên bình và hiểu hết ý nghĩa lời của người xưa: “Đất lành, chim đậu”.

Thời gian ngắm cảnh vườn cò đẹp nhất là vào lúc 5 giờ chiều, đây là thời điểm cò tìm về tổ. Cò bay từng đàn lớn nhỏ vui như đi trẩy hội. Chúng hạ cánh ngược với hướng gió, chúng chao cánh, lượn qua lượn lại rồi sà xuống trên những cành tre, cành trúc la đà, đong đưa theo gió, rối rít gọi đàn… Bạn có thể leo lên một chòi dựng trên cột bêtông cao khoảng 10 mét ở một bên của khu vườn làm chỗ đứng rất tốt để chụp ảnh quang cảnh đẹp lúc cò về tổ.

Vị trí

Vườn cò Bằng Lăng thuộc ấp Thới Bình, xã Thới Thuận, huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố khoảng 60km.

6. Về Cần Thơ đi chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng là một trong những điểm tham quan hấp dẫn nhất ở Cần Thơ. Đây là một nét văn hóa rất đặc sắc ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long, thu hút rất nhiều du khách. Nếu đặt chân tới xứ “Gạo trắng nước trong” Cần Thơ mà không đi chợ nổi Cái Răng thì coi như đã bỏ đi cơ hội khám phá một đặc trưng của vùng sông nước Hậu Giang.

Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chợ hoạt động tấp nập từ tờ mờ sáng với nhiều loại thuyền bè lớn nhỏ. Người buôn bán nhóm họp bằng xuồng. Người đi mua cũng bằng… xuồng. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa cơ man nào là ghe thuyền, mặc dù vậy vẫn rất hiếm khi có một vụ va quệt nào xảy ra.

Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Những ghe bầu lớn thường chuyên thu mua trái cây để chở đi các nơi, kể cả sang Campuchia và Trung Quốc. Lại cũng có những chiếc ghe bầu chở các mặt hàng khác cung cấp cho bà con miệt vườn: Xăng dầu, muối mắm, thuốc tây, bánh kẹo và nhu yếu phẩm.

Điều cuốn hút du khách hơn cả chính là việc vừa thăm chợ nổi vừa được thưởng thức các sản vật vùng sông nước ngay trên chính các ghe hàng của người dân nơi đây bằng tình cảm nồng ấm, trìu mến của người miền Tây.

Vị trí

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 5km đường bộ.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *