10 đặc sản Cà Mau – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Chuột đồng chiên sả ớt, bánh tâm, cá rô chiên… là những món không thể bỏ qua trong bản đồ ẩm thực cần khám phá cho du khách đến với mũi Cà Mau. Đặc sản Cà Mau rất phong phú với những món ăn say lòng du khách được làm từ sản vật địa phương đặc trưng.
Những món ăn nơi này vừa lạ vừa ngon đầy vẻ hoang sơ đượm tình xứ sở, cùng Loca khám phá những ẩm thực độc đáo đó qua bài viết sau nhé!

1. Ốc móng tay chúa nướng mỡ hành

Cuối tuần thường là lúc bạn nhàn rỗi và có thời gian ngồi ở các nhà hàng, quán ăn ở trung tâm thành phố Cà Mau để vừa hàn huyên vừa nghe những tiếng xèo xèo vang lên từ bếp than hồng và thưởng thức mùi thơm phức lan ra từ món ốc móng tay chúa nướng mỡ hành.

Mặc dù chỉ mới xuất hiện ở một số quán hải sản tươi sống ở Cà Mau cách đây không lâu, ốc móng tay chúa lại được nhiều thực khách ưa chuộng bởi thịt ốc ngọt, ăn có cảm giác giòn chứ không dai. Đặc biệt, nếu khi chế biến mà ốc còn sống thì thịt rất thơm ngọt. Ốc móng tay chúa thường có kích cỡ khá lớn. Đây là loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, sống ở vùng biển cạn, có giá trị kinh tế cao; là loại thực phẩm bổ dưỡng, có nhiều khoáng chất như canxi, sắt… Điều không thể bỏ qua là ở loài ốc này lại có vị ngon, ngọt nên rất hợp khẩu vị của nhiều thực khách.

Ốc móng tay nướng mỡ hành phải là loại ốc còn tươi sống. Trước khi nướng, cần rửa sạch ốc và xếp trên bếp than hồng. Nướng đến khi vỏ của ốc được tách ra, thịt chuyển sang màu trắng thì lúc đó thịt đã chín đều. Khi nướng sắp chín, bạn cần rưới thêm một ít mỡ hành vào cho ốc thêm thơm béo hơn. Khi ăn, bạn phải chấm muối tiêu chanh, ăn kèm theo rau răm, dưa leo, quế… thì mới cảm nhận được sự đặc biệt không có gì sánh bằng được của món ăn này.

Bên cạnh nướng mỡ hành, ốc móng tay chúa còn có thể chế biến thành hấp gừng, hấp tỏi, xào sa tế, hấp với lá tía tô, nướng chao… cũng vẫn giữ được nguyên vẹn hương vị đặc trưng của chúng.

Ở Cà Mau, nếu bạn muốn thưởng thức món ăn này thì hãy tìm đến các quán hải sản tươi sống như quán Xuân Hà ở phường 5 hoặc quán Nhóc Nhách ở phường 1, Tp. Cà Mau.

2. Cua đá rang muối Cà Mau

Là một loài sinh sống ở môi trường nước mặn, thông thường loài cua đá sống trầm mình dưới ao đầm nuôi tôm, sông rạch và ở các cửa sông ăn thông ra biển. Đây được coi là một trong loại đặc sản có giá trị ở Cà Mau.

Nếu bạn đến Cà Mau và muốn ăn cua biển thì có lẽ bất cứ quán ăn, nhà hàng nào cũng có. Có điều nếu bạn muốn ăn cua đá thì phải đến đúng quán mới được. Tại các quán nghêu, sò, ốc thường chỉ bán cua đá đã qua ướp đá, nhưng các quán hải sản Thằng Bờm, Nhóc Nhách, Xuân Hà… ở Tp. Cà Mau đều có bán cua đá sống và nguyên con.

Khi đến đây, thực khách có thể tự tay lựa chọn những con cua đá to, chắc thịt để nhà bếp chế biến. Giá bán cua đá tùy theo kích cỡ lớn nhỏ, dao động trong khoảng trên dưới 200.000 đồng/kg.

Cua đá không to như cua biển, hình dáng nhìn hao hao như cua đồng. Vì gọi là cua đá nên càng cua đá cứng như đá, không dễ dàng lấy phần thịt bên trong nếu không có chày để đập hoặc dùng kềm kẹp cho vỡ ra.

Cua đá có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là món cua đá rang muối. Khi rang xong, cua đá sẽ chuyển sang màu đỏ, thịt có màu trắng, mềm, hơi dai nhưng thơm và ăn có vị ngọt. Cua đá thường được ăn kèm với rau răm và chấm với muối tiêu chanh.

3. Bánh tằm Cà Mau

Được mệnh danh là món ăn chơi khá thông dụng vùng đồng bằng sông Cửu Long, bánh tằm dễ làm và cũng dễ ăn, thường làm để phục vụ gia đình trong những lúc nhàn rỗi.

Để làm bánh tằm, người ta trộn đều bột năng và bột gạo, đun nước sôi chầm chậm, vừa dùng đũa đảo nhẹ rồi dùng tay nhúng đầu nhồi bột thành khối mịn dẻo để se giữa hai lòng bàn tay thành sợi dài theo mong muốn. Sau đó, đem hấp chừng vài phút là sợi bánh sẽ trở nên trong đục, tức là bánh chín.

Để có món bánh tằm cay, người dân Cà Mau đã khéo léo kết hợp giữa bánh tằm với món cà ri gà. Bột cà ri được hình thành từ nhiều hương liệu như đại hồi, đinh hương, hạt mùi khô, bột nghệ, quế chi, ớt khô rang cho thơm rồi nghiền thành bột mịn trộn chung với nhau. Người ta dùng bột cà ri này để nấu với gà làm thành món cà ri gà có mùi đặc trưng, hấp dẫn.

Đến quán bánh tằm cay, bạn sẽ được dọn ra một dĩa bánh tằm với một phần thịt gà, mề gà và huyết gà cùng nước cà ri sền sệt. Bạn cũng có thể gọi cho riêng mình cái phao câu gà nếu muốn.

Thưởng thức món này cũng đơn giản. Bạn chỉ cần cho giá sống và lá rau quế vào dĩa bánh tằm, trộn cho nước cà ri thấm đều rồi gắp miếng thịt gà chấm vào dĩa muối ớt đã nặn sẵn miếng chanh. Cho chầm chậm vào miệng, nhai, bạn sẽ cảm nhận được vị cay của cà ri ở nơi đầu lưỡi.

4. Mật ong rừng U Minh Hạ

Nếu như vùng miệt biển được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tôm khô Rạch Gốc, thì vùng rừng sông nước U Minh Hạ lại có một đặc sản quý giá mang đậm hương rừng tràm là mật ong.

Mật ong rừng U Minh chính hiệu trông rất đặc quánh, có màu vàng cam nhưng lại trong suốt, vị ngọt thanh và dịu, đặc biệt có mùi hoa tràm rất đặc trưng

Ngày nay, mật ong rừng U Minh được nhiều người biết đến như một loại thực phẩm chức năng giúp hỗ trợ trị bệnh, bồi dưỡng cơ thể, tăng cường sức khỏe đề kháng.

Khi kết hợp mật ong với các loại thức uống như chanh hay cam thì hương vị tạo được không chỉ ngon mà khó có gì có thể so sánh được. Hiện nay, mật ong rừng U Minh đã được chứng nhận thương hiệu tập thể và được người tiêu dùng lựa chọn làm quà biếu sang trọng, bổ dưỡng và chất lượng.

5. Rùa rang muối Cà Mau

Rùa là một loại động vật hoang dã ở vùng rừng ngập mặn mũi Cà Mau. Chúng có nhiều loại, ví dụ rùa vàng, rùa nắp, rùa quạ, rùa hôi, rùa dém… nhưng ăn ngon nhất là rùa vàng, sau đó là rùa nắp, hoặc không thì ăn rùa quạ cũng không đến nỗi. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bạn là đừng ăn rùa hôi hay rùa dém vì đúng như cái tên của nó, chỉ cần ngửi mùi là thấy không muốn đánh chén rồi.

Trước đây, rùa sống trong tự nhiên rất nhiều nên người dân Cà Mau có thể tha hồ săn bắt đem ra chợ bán. Thời gian gần đây, để bảo vệ động vật hoang dã khỏi bị tuyệt chủng nên các hoạt động săn bắt, buôn bán rùa tự nhiên đều bị cấm; hiện chỉ cho phép buôn bán rùa nuôi (giống như việc nuôi tôm, cua, sò huyết hay nghêu).

Nếu biết cách chế biến có thể làm được rất nhiều món ăn ngon miệng và bổ dưỡng từ rùa, tuy vậy, ngon nhất vẫn là món rùa rang muối, dễ làm, dễ tìm gia vị, và bạn sẽ được thưởng thức cách ăn dân dã rất tài tình của người dân xứ Cà Mau.

Rùa rang muối chấm muối tiêu chanh hoặc muối ớt kèm với rau răm là tuyệt vời nhất. Chỉ cần bạn đưa cay bằng một vài ly rượu nếp trắng thì sẽ cảm nhận được hương vị thơm giòn, béo ngậy của thịt rùa, vị cay của rau răm, rau húng, vị cay nồng nhưng hơi ngọt của rượu nếp.

Thưởng thức món rùa rang muối để thêm khâm phục người dân Cà Mau thời khai hoang lập ấp đã tạo ra cách hoàn hảo trong việc tận hưởng những sản vật trời cho có một không hai ở vùng đất mũi của Tổ Quốc.

6. Dưa bồn bồn Cà Mau

Từ lâu, thương hiệu bồn bồn Cà Mau đã trở thành nét đặc trưng khác biệt trong hệ thống ẩm thực của đất mũi, góp phần làm giàu thêm văn hóa ẩm thực vốn đã đa dạng của vùng đất này.

Từ một loại cây dại mọc trên ruộng, đến nay bồn bồn đã phát triển ngày càng nhiều trên đất phù sa Cà Mau, trở thành người bạn thân thiết của nông dân. Dọc con đường từ thành phố Cà Mau về các huyện thị, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những chòi lá đơn sơ nằm ven đường, che mưa che nắng cho người nông dân bán bồn bồn mọc lên từ đất của mình.

Một trong những đặc sản dân dã đặc biệt chỉ có ở Cà Mau Bồn chính là bồn bồn tươi. Người ta có thể chế biến nó thành rất nhiều món ăn như bồn bồn trộn gỏi, bồn bồn xào tôm, dưa bồn bồn chấm cá kho tộ, hoặc dùng để ăn tươi như một loại rau thông thường.

Có thể nói, người Cà Mau tự hào khi bồn bồn là một loại rau sạch, lớn lên từ phù sa nên có thể ăn tươi để tận hưởng tọn vẹn vị ngọt và giòn rụm của loại rau này. Món dưa bồn bồn có thể là món ăn được yêu thích nhất của người địa phương cũng như của khách phương xa.

Để làm món dưa này, người ta đem bồn bồn về bóc vỏ, lấy phần củ hũ và thân non đem ngâm với nước muối có pha sẵn gia vị, muốn trong vòng một tuần hoặc 10 ngày là bạn đã có món dưa bồn bồn ngon lành.

Dưa bồn bồn thường được ăn với cá đồng kho tộ, không hề thua kém các loại sơn hào hải vị, mang đậm chất dân dã, gắn liền với vùng cực cuối của dải đất Việt Nam.

7. Tôm tít Cà Mau

Khi ra thăm Cà Mau, những người từ đất liền thường sẽ được nhận một món quà đặc biệt đó là tôm tít. Thịt tôm tít không những thơm ngon, ngọt, mà lại còn đậm đà hương biển, khác xa với mùi vị của các loại tôm sú và tôm hùm.

Để có một bữa tiệc tôm tít hấp dẫn không hề khó. Trước hết, bạn cần phải có rượu ngon và chọn được những con tôm tươi còn nhảy. Cũng như những loại tôm khác, tôm tít càng lớn càng có giá trị, đặc biệt những loại từ 250g trở nên mới thật sự là “đẳng cấp”

Chế biến tôm tít không cần cầu kỳ, đơn giản chỉ cần hấp, luộc hoặc nướng đem chấm muối tiêu chanh hoặc nước mắm me cũng đã đủ níu chân thực khách mọi miền.

Tôm luộc xong, người ta đặt nguyên con lên đĩa và dùng dao cắt từng khoanh cho dễ bóc vỏ. Còn nếu nướng, phải quạt cho than hồng, luôn trở đều tôm sao cho vỏ của chúng vừa chín vàng, tỏa mùi thơm phức là được. Tuy nhiên, ăn tôm ngon nhất là khi dùng tay bóc vỏ, lấy thêm miếng rau thơm và nhai để cảm nhận sự dai dai, ngọt lịm qua đầu lưỡi. Nếu là tôm nhỏ thì bạn cứ để nguyên con ăn rất giòn.

Với những người khéo tay và có “tâm hồn” ăn uống thì còn bày cách ép mỏng những con tôm tít đem phơi khô để được một món ngon dùng để đãi khách hoặc biếu bạn bè.

8. Chả trứng mực Đất Mũi

Từ lâu, dân gian đã truyền tụng một câu ca dao “Câu mực tuy cực mà vui/ Khoái ăn trứng mực, lui cui câu hoài”, nghe thôi bạn cũng đã thấy tò mò.

Trứng mực là món gì mà lại có sức hấp dẫn, quyến rũ những người đánh cá đến mức hình thành nên hẳn một câu ca dao để trẻ con vùng U Minh thuộc lòng và ca hát suốt ngày như vậy. Ai là người sáng chế món ăn này đến nay cũng không ai rõ. Tuy vậy, dân câu mực vẫn cứ “lui cui câu hoài” để có thể đáp ứng nhu cầu “khoái ăn trứng mực” của bản thân cũng như của những thực khách đến đây.

Đầu tiên, trứng mực đem chiên thành chả sẽ có màu vàng rộm như chả quế, đẹp mắt và có mùi thơm đặc trưng. Sau đó, đem cắt chả thành từng lát chừng ngón tay, bày ra cùng rau thơm và bánh tráng.

Khi ăn, bạn sẽ cuốn từng cuốn lát chả cùng rau thơm, chấm nước mắm nhĩ hoặc muối tiêu chanh. Đây là món đặc sản mà người ăn vừa có thể cảm nhận được sự mềm mại của rau, sự dai mềm của bánh tráng, dẻo xốp, béo bùi của trứng mực, mà không bất kỳ món ăn nào trùng lặp.

Thông thường những miếng chả trứng mực đặc biệt này chỉ để người dân quê biển nơi đây đãi khách phương xa. Bởi đây là món quà quý gửi tặng những ai sống xa quê hương kiếm sống, khi ăn thì ai cũng sẽ ngậm ngùi thương nhớ quê nhà. Nếu bạn có dịp về xứ biển Cà Mau, hãy nhớ ăn chả trứng mực – một món ngon chỉ có ở vùng Đất Mũi.

9. Lẩu mắm U Minh

Lẩu mắm (tức là mắm kho cho vào lẩu) là một món ăn dân dã không thể thiếu của người Nam Bộ nói chung và U Minh nói riêng. Theo những người cao tuổi đất này, món mắm kho có từ hàng trăm năm trước, từ trong quá trình khai khẩn đất U Minh. Ban đầu thì người Việt kho, chưng mắm theo cách làm của người Khmer, về sau biến tấu thành món lẩu ăn theo kiểu người Hoa

Nguyên liệu chính của món lẩu mắm U Minh là mắm sặc (phải là mắm ngon). Mắm được lược kỹ xương, nêm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi bỏ vào lẩu. Để lẩu dậy mùi người ta còn cho thêm một ít lá sả băm mịn và phần gốc sả đập dập.

Để nước lẩu có vị béo, thơm và sánh thì bạn nên cho thêm ít sữa bò thay đường. Lẩu mắm hợp với nhiều loại thịt hay cá, nhưng lẩu mắm U Minh thì phải được nấu với cá đồng. Ngon nhất là lươn, cá rô mề, cá lóc bự hoặc cá trê trắng.

Ngoài cá, bạn còn có thể bổ sung thêm thịt cua đồng, ốc lác, thịt ba rọi. Thú vị hơn cả là khi ăn món lẩu mắm bạn sẽ được thưởng thức các loại rau như bông súng, đọt nhãn lồng, ngò gai, ngò om, cải xanh, rau muống, rau ngổ, đậu rồng, kèo nèo, rau đắng, càng cua, bông so đũa, cà phổi, bắp chuối… Ngoài ra còn có đọt choại, loại rau rừng chỉ có ở rừng tràm U Minh.

Lẩu mắm từ lâu đã trở thành một món ăn không thể thiếu ở nhiều nhà hàng sang trọng. Nguyên tắc chế biến thì giống nhau, nhưng mỗi nơi lại có sự khác biệt bởi việc sử dụng loại cá nào và rau nào ăn kèm cho hợp với phong vị của quê hương.

Mới đây nhất, lẩu mắm đã được vinh danh là 1 trong 50 món ăn đặc sản nổi tiếng thuộc nhiều vùng miền trong nước do trung tâm sách kỉ lục thực hiện năm 2012.

10. Ba khía Rạch Gốc

Từ lâu ba khía Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã trở thành sản vật nổi tiếng của vùng đất cực Nam Tổ quốc, hội tụ tinh túy mà con nước và môi trường sống dưới những cánh rừng mắm, rừng đước nơi đây mang lại.

Ba khía thuộc họ cua, mai ba khía giống mai cua nhưng có hình vuông thay vì hình oval; trên mai có ba gạch khuyết nên gọi là ba khía để dễ phân biệt với những loài cua khác. Tuy là loài ăn tạp nhưng lại thích lá cây, đặc biệt vùng Rạch Gốc có nhiều cây đước, cây mắm nên khi chúng ăn lá của những loại cây này thì gạch có màu đỏ được gọi là gạch son chứ không xanh hoặc đen như ở những nơi khác.

Ba khía sau khi bắt xong, rửa sạch và muối ngay tại chỗ. Cho muối thấm khoảng 5 đến 7 ngày đêm là ăn được. Muối ba khía không nên muối mặn quá, và không nên nhạt quá. Nếu mặn thì thịt sẽ xẵng lại, nếu nhạt thì thịt mau bủng, ăn mất ngon.

Bên cạnh đó, ba khía còn được chế biến bằng cách luộc sả ăn cùng với nước chấm. Nước chấm được chế biến đơn giản nhưng đặc biệt, bao gồm sả băm nhuyễn, trộn chung với cơm mẻ, cho ớt vào tạo vị cay rồi bỏ thêm chút gia vị nêm vừa ăn. Với cách ăn này, thịt của ba khía rất ngọt thơm do hòa với hơi cay của ớt, sả và vị chua, nồng của cơm mẻ.

Ba khía luộc ăn cùng với nước chấm là một món ăn không thể quên đối với du khách khi tới vùng đất mũi Cà Mau này.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *