14 đặc sản Đồng Tháp – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Đến với Đồng Tháp Mười bạn không chỉ được hưởng vẻ đẹp của hồ sen bạt ngàn, vườn cò sân chim hoang sơ, miệt vườn đặc sắc, bông điên điển trong mùa nước nổi,.. Hơn thế nữa là những món ăn đặc sắc đầy hương vị đồng quê của những bài tay khéo léo người dân nơi đây sẽ lôi cuốn đến từng phút giây khi nghĩ về Đồng Tháp Mười.

14 đặc sản Đồng Tháp dưới đây sẽ mang bạn đến gần hơn với nét văn hóa, ẩm thực độc đáo đó.

1. Lẩu cá linh bông điên điển

Từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, khi mùa nước nổi của Đồng Tháp bắt đầu thì thường sẽ xuất hiện nhiều cá linh, vào đầu mùa cũng chính là lúc cá ngon nhất, xương không cứng do chưa quá lớn, bụng cá có mỡ nên ăn rất béo. Cá linh được coi là đặc sản của mùa nước nổi và cũng là mùa mà những bông hoa điên điển nở vàng khoe sắc rực rỡ khắp cả mé sông. Hoa điên điển có hương vị đặc biệt, giòn, thơm, bùi, béo lại nồng đượm hương.

Cá linh được chế biến theo cách nào cũng vẫn thơm ngon và hấp dẫn, dù là cá đầu mùa hay cuối mùa. Tiêu biểu phải kế đến như cá linh tẩm bột chiên giòn, cá linh kho mắm ruốc, kho mía, kho khóm, canh chua cá linh, hay để làm mắm; trong đó lẩu cá linh bông điên điển là một món ăn bình dị, đặc sản nổi tiếng, và là niềm tự hào của người dân miền Tây khi nước lũ về.

Bên cạnh nồi nước lẩu bốc khói là đĩa cá linh tươi, đĩa bông điên điển cùng các loại rau muống, rau nhút… Cá linh thường nhanh chín nên khi nào bắt đầu ăn thì bạn mới cho cá vào nồi nước lẩu đang sôi, đợi đến khi nước sôi thì cho các loại rau vào và thưởng thức.

Thông thường, bún tươi và cơm trắng là hai món ăn kèm với món lẩu này. Dĩ nhiên một bát nước mắm ớt nguyên chất ăn kèm thì không thể thiếu. Ngay từ màu sắc, hương thơm, vị chua thanh của nước dùng đã khiến cho món lẩu cá linh hoa điên điển hấp dẫn người ăn ngay tức khắc. Bên cạnh đó, thịt cá béo ngọt ăn kèm với nước mắm nguyên chất sẽ giúp cho món lẩu này trở nên đậm đà hơn rất nhiều.

Để món cá linh nấu lẩu tươi ngon hơn, bạn phải chọn được những con tươi mang về móc ruột, làm sạch, để ráo nước, rồi ướp với tỏi, ớt, đường, muối trong 10 phút. Tiếp đó, bạn chặt một quả dừa tươi đổ nước vào nồi lẩu để nấu, cho thêm chút mắm, me dầm lấy nước chua rồi nếm sao cho vừa miệng là được.

Sau đó, bạn cho tỏi phi thơm cùng ít tóp mỡ, rau ngò gai và nấu cho sôi nhẹ. Cũng bởi cá linh mềm và mau chín nên những người có kinh nghiệm chỉ đổ cá vào nồi khi gần ăn; sau đó nhúng hoa điên điển để giữ độ giòn và ngọt từ hoa.

Nếu như nhhững con cá linh mập ú, bụng đầy mỡ thì bạn có thể mang nướng trên bếp than đến khi thịt cá vừa ngọt vừa béo vừa cho hương thơm đặc trưng. Cá linh to có thể dùng làm mắm và mắm cá linh ở các vùng Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ là nổi tiếng nhất nhì khu vực.

2. Chuột đồng, chuột cống nhum Cao Lãnh

Nếu chỉ là nghe nói đến chuột thôi thì hẳn nhiều người có thể sẽ tặc lưỡi, lắc đầu vì không phải món ăn khoái khẩu của họ. Nhưng nếu bạn đã đến Cao Lãnh mà không thưởng thức món ăn này thì như là chưa đến đây. Chỉ cần bạn nghĩ thịt chuột đồng, chuột cống nhum nơi đây như những món thịt ếch, thịt gà như ở những vùng khác thôi, bởi chúng cũng nổi tiếng và phổ biến.

Mỗi khi gặt xong, người dân nơi đây thường quây đuổi chuột trên gò, giăng lưới để bắt. Chính những người khai hoang một thời của đồng bằng sông Cửu Long này cũng chính là những người bắt chuột vô cùng thiện nghệ. Chứng kiến quang cảnh đuổi bắt chuột trên đồng vô cùng nhộn nhịp, người đốt rơm, người hun khói, có khi bắt làm thịt chuột ngay giữa cánh đồng. Còn nếu bắt được chuột cống nhum – một loại chuột to sống đơn độc trên gò đất cao thì xem như gặp may.

Thật không sai khi nói rằng ẩm thực đất phương Nam mang đậm dấu ấn đặc trưng sâu sắc của thời mở đất. Đặc biệt, thịt chuột ở Cao Lãnh, Đồng Tháp được những người sành ăn đánh giá là một trong những đặc sản “độc chiêu” của miền Tây với các món thịt chuột quay lu, chuột nướng, chuột hấp cơm…

Chuột nơi này to như chuột cống ở các vùng đô thị, chỉ khác là lông chuột đồng màu vàng nâu. Loài này thường sống thành từng đàn trong những hang thông nhau dưới đất, tinh khôn và khả năng sinh sản mạnh mẽ. Nhờ khả năng sinh sản mạnh này nên nếu bạn ăn thịt chuột đồng nhiều ngày thì sẽ giúp cho thận khí, tinh tuỷ đầy đủ, không đau lưng, hết mỏi gối, tóc đen. Thịt chuột đồng đực có vị ngọt chát, hơi ấm, không độc, có thể để chữa trị các chứng gẫy xương, phong lửa…

Chuột có nhiều cách chế biến như xào lăn, xé phay, nướng, xối mỡ, chiên rôti, luộc cơm mẻ, bằm nhỏ xào sả ớt gói với rau sống và bánh tráng…; mỗi món mang một hương vị khác nhau. Thông thường, người ta hay ướp tỏi và rượu đơn giản trước khi nướng chuột tươi trên than hồng đến khi chín vàng là được. Nướng xong thì cho vào đĩa có lót sẵn rau răm, rau thơm, chấm với nước mắm dầm xoài hoặc muối tiêu chanh thì ngon phải biết.

Còn nếu bạn cầu kỳ hơn thì có thể làm món chuột quay lu. Chuột được làm sạch, ướp hỗn hợp hơn chục loại gia vị khác nhau rồi cho vào lu quay đến khi chín thì quết thêm mật ong phía ngoài. Khi chuột vàng dậy và phồng lên là được.

Thịt chuột nướng lu là một món ăn ngon và thơm. Càng ngon hơn khi được ăn với rau càng cua trộn giấm và cà chua, nhâm nhi với rượu thuốc hoặc mật ong thì cũng hấp dẫn vô cùng.

3. Cá lóc nướng trui cuốn lá sen

Đất phương Nam, nơi không chỉ cuốn hút người đến bởi sự đa dạng về phong cảnh, mà đơn giản bởi sự tinh tế, đậm đà trong từng món ăn, khẩu vị và trong cả sự kết hợp thú vị giữa những sản vật địa phương với cách chế biến đơn giản, không kém phần khéo léo của người dân nơi đây.

Còn Đồng Tháp lại vốn nổi tiếng là vùng đất trồng nhiều sen, nên để tìm được những chiếc lá sen non ở đây không khó. Lá sen non sáng sớm còn ngậm sương, bạn phải cuốn chặt lại rồi mới được cắt sát vào cuốn lá.

Dạo gần đây xuất hiện một món ăn mới, thu hút đông đảo khách phương xa đến với Đồng Tháp, đó là món cá lóc nướng trui cuốn lá sen non rồi chấm nước mắm me.

Cá lóc bắt được từ các ao, đầm, lạch thường chỉ nặng khoảng hơn nửa kg, mình không mập béo quá; tuy vậy, thịt cá lại vô cùng chắc nịch, ngọt và ít xương. Cá lóc khi bắt lên phải còn tươi, đem làm sạch rồi nướng khéo trên bếp than đỏ lửa sao cho cá chín đều, không bị khét, lớp da bên ngoài còn nguyên vẹn như để bọc lấy thịt cá trắng tươi bên trong. Khi cá chín tới, bạn chỉ cần xẻ cá làm đôi, rắc hạt đậu phộng rang giòn lên trên, rồi rưới thêm chút hành mỡ lên mặt lớp thịt trắng giúp tăng độ thơm của thịt cá, sau đó dọn ra ăn ngay.

Bên cạnh đó, nước chấm cũng vô cùng quan trọng, nó quyết định sự ngon miệng và đậm đà của một món ăn. Nước mắm pha với đường, tỏi, ớt và me không chỉ vừa ăn, mà còn đậm đặc vừa đủ, bạn có thể chấm ngập con cá mà vẫn vừa miệng.

Tiếp đến, bạn dùng một lá sen non đã được tách cánh lá ra, đặt vào một ít rau diếp cá, rau húng cay, một lát dưa chuột, khế chua, một vài cọng giá trắng, ít bún tươi rồi gắp một gắp thịt cá trắng tươi đặt vào, chỉ cần cuốn gọn lại là bạn đã được một cuốn cá lóc nướng trui cuốn lá sen. Việc còn lại chỉ còn chấm vào bát nước mắm me và thưởng thức món ăn này.

Cũng bởi sự hòa trộn của nhiều vị chát, thơm, ngọt, chua, mặn… của lá sen non, rau thơm, gia vị, cá tươi và bát nước chấm tuyệt vời… đã giúp cho món ăn ngon hơn, đáng nhớ hơn như một nét ẩm thực đặc trưng, đậm đà hương vị quê hương.

4. Dồi lươn rim nước cốt dừa

Dồi lươn là món ăn khoái khẩu của người dân vùng Đồng Tháp Mười, mang hương vị đặc trưng của nước dừa, hành và đậu phộng rất hấp dẫn. Lươn thì thường ở chợ nào cũng có, thậm chí tại các chợ cóc vẫn bày bán rất nhiều. Bí quyết khi mua lươn là chọn những con bụng vàng, lưng đen, còn sống. Tuy vậy, cần tránh mua lươn chết bởi một số chất chuyển hóa thành độc tính, ăn vào rất nguy hiểm cho cơ thể.

Để chế biến món dồi lươn, trước hết người ta phải làm cho lươn chết rồi dùng tro hoặc cám tuốt sạch nhớt, mổ moi bỏ ruột rồi rửa sạch. Sau đó, dùng dao sắc cắt phần thịt ở phía cổ lươn nhưng không làm đứt rời da lươn để đảm bảo da được liền từ đầu tới đuôi.

Thịt lươn đem băm nhuyễn rồi trộn với thịt nạc, nấm mèo, bún tàu (các nguyên liệu này cũng phải băm nhuyễn trước) cùng đường, nước mắm, tiêu nguyên hạt. Sau đó mức từng thìa nhỏ hỗn hợp thịt băm cho vào đầy da thân lươn đã lột trước đó (cũng giống như cách làm dồi lợn, dồi chó thông thường). Tiếp tục dồn thịt rồi đặt vào nồi, lấy củ hành tây lột bỏ vỏ lụa, cắt làm tư nếu là hành nhỏ, hoặc làm tám nếu là hành to xếp đầy đủ lên trên.

Đổ nước cốt dừa ngập thân lươn rồi đun lửa liu riu. Khi nước cốt dừa sôi thêm vài lượt thì bạn nêm gia vị, đường, nước mắm cho vừa ăn, khi xong thì múc ra đĩa rắc lạc rang đã giã giập lên trên. Món dồi lươn rim nước cốt dừa ăn cùng bánh mỳ, bún hoặc làm món mồi thì đều ngon như nhau.

Món lươn không chỉ thơm ngon mà còn là một trong những món ăn bổ dưỡng, dù ít người muốn làm do khâu sơ chế khá cầu kỳ. Bạn hãy thử món dồi lươn rim nước cốt dừa với rượu mạnh, chắc chắn sẽ cảm thấy khó có thể nào quên.

5. Tắc kè xào lăn Đồng Tháp

Vùng Đồng Tháp Mười vốn bao la mà lại còn là địa danh với nhiều tắc kè, rắn mối sinh sống. Có thể nói ở vùng này thì những món ăn lạ lẫm như chuột, rắn, tắc kè đều được chế biến thành các món ăn hấp dẫn du khách. Đặc biệt, các món ăn này đều ngon, độc đáo và được nhiều người biết đến cả công thức chế biến.

Tắc kè xào lăn là một trong những món ăn phổ biến của nhân dân ở đây. Tắc kè bị bắt đem chặt bỏ đầu, nhúng nước sôi và cạo cho sạch lớp vẩy.

Trước khi ướp, bạn chặt tắc kè ra từng mếng đem ướp với đại hồi, tiểu hồi; rồi bạn bắc chảo phi mỡ tỏi, đổ thịt tắc kè vào xào cho săn lại; vắt nước cốt dừa vào xâm xấp miếng thịt, chụm lửa cho thịt hoà quyện với gia vị và nước cốt, tuyệt đối tránh để lửa nóng quá sẽ mất đi vị ngon đặc trưng.

Thịt tắc kè thơm ngon lạ lùng, phần đuôi thì béo ngậy với mỡ và xương sụn, có tác dụng rất tốt giúp bồi bổ cho lục phủ, ngũ tạng. Đặc biệt, nếu có thêm rượu đế nhâm nhi thì không còn gì tuyệt bằng.

Món thịt tắc kè xào lăn không chỉ thơm ngon lạ lùng, bạn sẽ cảm nhận được vị béo ngậy, thơm ngọt mà món ăn này mang lại. Đặc biệt, phần đuôi tắc kè là nơi tập trung nhiều mỡ và sụn rất ngon và không nên bị bỏ qua.

6. Chuột xào sả ớt Đồng Tháp

Hàng năm, từ tháng 10 đến khoảng tháng 3 âm lịch là mùa chuột đồng kiếm ăn nên con nào cũng mập mạp, tròn trĩnh, và cũng là thời điểm hoạt động săn chuột ở vùng Đồng Tháp lại trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Nếu đã có dịp về Đồng Tháp, mà bạn không thưởng thức các món ăn đặc sắc như chuột xào sả ớt thì thật là lỡ dịp tốt.

Chuột đồng thường gồm hai loại: chuột cơm và chuột cống nhum. Chuột cơm trông nhỏ con, lông vàng như màu lúa chín; còn chuột cống nhum thì to con hơn, lông đen, trọng lượng nặng gấp 3-4 lần chuột cơm. Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, món thịt chuột thời gian gần đây đã dần trở thành đặc sản hấp dẫn.

Chuột săn về thả vào chảo nước sôi, lột sạch cho lộ lớp thịt chuột trắng phau đem treo lên cho ráo nước, chặt bỏ đầu, đuôi, chân…

Sau đó, chặt thịt chuột thành từng miếng vừa miệng, đem ướp tỏi, bột ngọt, đường, muối, ngũ vị hương, nước tương chừng 5 phút cho thấm. Tiếp theo, bắc chảo lên bếp, cho mỡ, phi tỏi thật thơm, đổ sả ớt đã giã nhuyễn vào và xào liên tục đến khi se lại thì cho thịt vào đảo đều tay. Khi thịt chín thì múc ra đĩa, rắc tiêu, đậu phộng. Nên ăn lúc thịt còn nóng thì mới ngon miệng.

Miếng thịt chuột thơm ngon cùng hương thơm của sả và vị cay nồng của ớt khiến bạn đã ăn một lần là nhớ mãi.

7. Bánh phồng tôm Sa Giang

Nhắc đến đặc sản miền Tây, bạn khó lòng có thể bỏ qua bánh phồng tôm Sa Giang, đặc sản của vùng Đồng Tháp, nơi hàng năm, sông Tiền đã cung cấp cho Sa Đéc một lượng tôm cá – nguyên liệu chính của bánh phồng tôm nổi tiếng khắp nơi này.

Từ các loài tôm nước ngọt như tôm tích, tép mòng, tép ròng… đã trở thành bánh phồng tôm Sa Giang dưới bàn tay chế biến khéo léo của người dân địa phương, tất cả đã tạo thành một sản phẩm truyền thống đặc trưng của Đồng Tháp.

Bánh phồng tôm được làm từ bột, thịt tôm xay nhuyễn và hạt tiêu giã nhỏ. Đầu tiên, trộn các nguyên liệu với nhau rồi nhồi vào trong những chiếc túi vải dạng hình ống dài. Sau khi hấp chín, đem cắt thành từng lát tròn mỏng rồi phơi khô. Khi ăn thì chiên giòn với dầu nóng, bánh sẽ nở to ra, có độ giòn, xốp và béo ngậy. Nhìn những chiếc bánh tròn vành vạnh ngả màu vàng, khi ăn bạn sẽ thấy hương vị nồng thơm, đậm đà văn hoá ẩm thực của dân tộc.

Vào dịp lễ, Tết, tiệc tùng… thì những đĩa bánh phồng tôm lại có dịp xuất hiện một cách trang trọng trên mâm cỗ. Bánh phồng tôm Sa Giang ở xứ Sa Đéc ngày nay đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, có mặt ở khắp mọi nơi và là một mặt hàng thực phẩm xuất khẩu rất được ưa chuộng ở nước ngoài.

8. Hủ tiếu Sa Đéc

Vùng Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp là một trong những nơi nền văn minh miệt vườn của vùng đất Nam Bộ được hình thành từ rất sớm. Nơi đây hiện vẫn còn lưu giữ khá nhiều nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long Giang. Trong đó không thể không nói đến ẩm thực Sa Đéc – dấu ấn văn hóa về truyền thống của vùng đất Nam Bộ độc đáo này.

Sa Đéc có nhiều món ăn ngon được nhiều người lưu truyền qua thời gian như lẩu bò, hủ tiếu Sa Đéc, nem, chả lụa… Mặc dù không được nổi tiếng như hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu Sa Đéc vẫn sở hữu một giá trị đặc biệt trong lòng những người sành ăn khó giải thích.

Sợi bánh hủ tiếu Sa Đéc vừa phải, mềm nhưng không bở, không dai, vị không chua, đặc biệt là thơm mùi gạo mới và có màu trắng tươi như sữa. Nước lèo hủ tiếu cũng được nấu khá công phu với xương lợn, phải đun rồi hớt bọt sủi thì nước lèo mới trong và có hương vị độc đáo, và đây cũng được coi là một bí quyết nấu nước lèo của người dân địa phương.

Ngoài ra, hủ tiếu Sa Đéc còn cần tới các nguyên liệu quan trọng khác là thịt nạc băm, thịt nạc nguyên miếng dày, chả vàng, tim, gan… còn nóng ấm; đặc biệt không thiếu hành lá xắt nhuyễn, mấy cọng ngò như để điểm xuyết cho bát hủ tiếu Sa Đéc. Với sự hiện diện của “tăng xại” – cải xắt nhỏ được ướp hương vị đặc trưng của người Hoa, bát hủ tiêu trở nên nổi bật hơn, thơm ngon hơn hẳn các loại hủ tiêu khác. Đặt cạnh bát hủ tiếu thường có đĩa giò cháo quẩy, rau tươi (giá đỗ, hẹ cắt đôi, cần tây và xà lách), xì dầu, lọ ớt sừng trâu ngâm giấm.

Trước năm 1975, vùng Sa Đéc có các quán hủ tiếu nổi tiếng là quán chú Cá, Chí Thành, Lãnh Nam (trên đường Trần Hưng Đạo). Còn hiện nay, hủ tiếu Sa Đéc được bán ở gần trại hòm Sáu Lâu (đường Trần Phú) là bình dân và ngon hơn cả; khu vực cầu Đình, cầu Đốt cũng bán món hủ tiêu đặc trưng này.

Tuy vậy, quán chị Dậu ở đường Nguyễn Tất Thành, nơi có cây vú sữa, qua cầu ván bắc ngang con kênh được coi là ngon nhất. Hủ tiếu quán này được nhiều người tìm đến thưởng thức vì xương ninh mềm, nước lèo ngọt xương.

9. Dồi rắn Đồng Tháp

Hàng năm cứ vào mùa nước nổi, khi phù sa bồi đắp cho những cánh đồng, khi những bông điên điển bắt đầu ươm vàng thì cũng chính là lúc nhiều sản vật đặc trưng cho vùng Đồng Tháp chiêm trũng bắt đầu xuất hiện, thú vị nhất là các món ngon từ ruộng đồng với những dư vị khó quên như dồi rắn.

Dồi rắn là món ăn rất đặc biệt, bởi đơn giản không phải bạn muốn là có thể ăn được, kể cả bạn có nhiều tiền đi nữa. Thêm nữa, chỉ mùa nước nổi mới có món ăn này, cùng với thứ hương vị lạ lùng không giống bất kỳ món ăn nào và cũng bởi đó là món dành chỉ dành để thết đãi bạn chí cốt, thâm giao lắm nên món ăn càng trở nên đặc biệt hơn.

Khi thưởng thức món đặc sản này, bạn sẽ cảm nhận được cái tình trong món ăn. Cũng giống như chuột và cá, rắn ở vùng Đồng Tháp Mười nhiều vô kể, thời điểm mùa nước nổi thì các loại là rắn hổ, rắn ri voi, rắn hổ hành đến rắn bông súng, rắn nước lại kéo về. Tuy nhiên, món dồi rắn ngon nhất là làm từ rắn bông súng và rắn nước. Hai loài này rất dễ bắt, chỉ bằng cách đặt dớn, kéo lưới, ủ mô…

Vào mùa này, thịt rắn mềm đến tận xương và thơm ngọt. Để chế biến thịt rắn cũng không quá khó. Rắn khi được bắt về bỏ thui hoặc trụng nước nóng cho chúng tróc vảy, rút ruột, rửa sạch bụng để ráo nước rồi mới lột da. Tiếp đến, bạn băm nhuyễn thịt rắn, nêm chút gia vị, tiêu, bột ngọt vừa miệng. Sau đó, cho tất cả phần nguyên liệu này dồn vào phần da rắn đến khi căng tròn, dùng dây buộc kín hai đầu hoặc có thể phân thành từng đoạn bằng cách buộc thắt từng đoạn.

Dồi rắn dù là đem hấp, chiên hoặc nướng thì cũng mang đến cho bạn những trải nghiệm thú vị khi được thưởng thức món ăn này, cho dù cách chế biến không giống nhau. Đặc biệt hơn, món này chỉ cần ăn kèm với các loại rau sống, tía tô, xà lách, hoặc gỏi bông điên điển nữa là đạt mức hoàn hảo về ẩm thực sông nước.

10. Cơm hấp lá sen Đồng Tháp

Là một món cơm nấu bằng gạo huyết rồng cùng hột sen hấp chín và muối mè, cơm hấp lá sen là một món được gói gọn gàng trong những chiếc lá sen, vừa ăn cho 2 tới 4 người. Dường như sự kết hợp hài hòa giữa tôm, hạt sen, cà rốt, lạp xưởng… nên dễ dàng khiến những người ai thưởng thức cảm thấy thú vị.

Để chuẩn bị món cơm này đòi hỏi người làm phải rất công phu và mất nhiều thời gian mới có thể nấu được. Người ta thường chọn gạo loại hạt trong, nhỏ, dài, cần được vo sạch và để ráo nước. Sau đó đem trộn gạo với một ít muối, bột ngọt rồi rang sơ qua gạo trước khi nấu. Riêng hạt sen sau khi lấy hết tim sen thì rửa sạch và nấu chín rồi mới vớt hạt sen ra để riêng.

Trước hết, cho nước luộc sen vào nồi gạo đã rang và nấu chín như cách nấu cơm bình thường ở các miền. Hạt cơm chỉ ngon khi chín đều và phải hơi ráo, không được quá nhão hay nát. Sau khi nấu cơm chín thì xới ra, để nguội và đánh tơi thành từng hạt.
Sau đó hấp chín tôm tươi, bóc bỏ vỏ rồi đem thái hạt lựu. Các loại lạp xưởng, xá xíu, ngó sen, cà rốt… đều được thái hạt lựu. Toàn bộ hỗn hợp đó cho xào chín cùng loại đậu Hà Lan rồi nêm gia vị cho vừa miệng. Tiếp đến, bạn cho cơm và hạt sen cùng các nguyên liệu đã chế biến trên vào mâm hoặc khay lớn rồi trộn đều.

Trộn xong, bạn hãy chọn những chiếc lá sen hơi già (thường có màu xanh thẫm) nhưng phải còn nguyên vẹn và không bị rách. Lá sen rửa sạch xong thì chần qua nước sôi cho héo, rồi lau khô, xếp lá ra mâm.

Tiếp theo, bạn cho cơm vào giữa lá sen, cầm đều các mép lá và gói lại cho vào xửng hấp chín chừng năm, bảy phút là được. Món ăn được mang ra sẽ có màu sắc hài hòa của nguyên liệu, gia vị đậm đà cùng hương sen hấp dẫn… như đến cho người ăn cảm giác lạ miệng. Bạn nhai càng kĩ sẽ cảm thấy có vị ngọt và bùi nhờ tinh chất hột sen và mè tan hòa trong nước bọt.

Còn nếu bạn muốn làm món cơm rang nóng thì hãy cho thịt, lạp xường, hạt sen, trứng… gói vào trong lá sen. Lúc này bạn sẽ cảm nhận được hương thơm của cơm rang trộn cùng hương sen phảng phất khiến bạn khó lòng quên được món ăn hấp dẫn này. Mỗi thực khách khi ăn đều có thể cảm nhận được cả mùa thu qua hương thơm của lá sen già, sợi rơm nếp và vị thơm ngạt ngào của món ăn tuyệt vời này.

11. Chuột đồng Đồng Tháp

Nếu bạn đã đi khắp Nam Bộ vào mùa nước nổi thì chắc chắn đã nhìn thấy những hàng quán bán món thịt chuột đồng ở dọc đường, chỉ nghe đến chuột thôi cũng đã thấy ghê nhưng gần như ai cũng tò mò muốn thử một lần cho biết. Chuột thì có nhiều loại, nhưng phải là chuột sống ngoài đồng, ăn lúa thì mới dùng để quay, rán được vì loại này có thịt thơm, không hôi. Dù có thể nhìn những chú chuột béo múp míp khi chín vàng nhưng không phải ai cũng dám thử.

Một trong những món ăn đặc sắc nhất của vùng đất Đồng Tháp chiêm trũng này chính là món thịt chuột. Món ăn này từ lâu đã trở nên thân quen đến mức đi vào trong câu ca dân gian “Có chuột nào ngon bằng chuột Cao Lãnh/ Có gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” được nhiều người truyền tai nhau là vậy.

Thịt chuột ở Cao Lãnh, Đồng Tháp đến nay vẫn được những người trong giới sành ăn đánh giá là một đặc sản được liệt vào hàng “độc chiêu” của miền Tây với các món thịt chuột quay lu, chuột nướng, chuột hấp cơm… độc đáo và ngon miệng.

Chuột khi bắt về thì được làm sạch ruột, cắt móng, tẩm ướp gia vị trong 15 phút, rồi móc từng con một cho vào lu tùy kích cỡ– hay còn gọi là mái đầm – thường mỗi mẻ sẽ quay được khoảng từ 8 – 30 con. Khi quay chuột người làm phải vừa trở tay, thêm mỡ, nước gia vị, quay trong khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng.

Món thịt chuột ăn béo, thịt thơm ngon như thịt nai rừng, đặc biệt trở nên ngon hơn khi bạn ăn kèm với muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo.

Đến vùng này, những hàng thịt chuột quay lu luôn đông khách, nhất là vào mùa lúa thì chuột đồng trở thành món đặc sản. Khoảng 8h sáng thì các cửa hàng mới bắt đầu bắc lò nướng chuột.

12. Cá lóc nướng cuốn lá sen

Là loài có tập tính sống ở tầng nước giữa và nước mặt, cá lóc bông thường ăn các loại cá, cua, ếch, nhái trong vùng nước mặt của nó. Cá lóc bông to cỡ bắp tay, khi chế biến ăn thì ngon miệng vô cùng. Cá lóc nướng trui rơm là một trong số các món được những người sành ăn nơi đây yêu thích, nhưng ở chốn Đồng Tháp Mười thì món dân dã kết hợp giữa cá lóc và sen mới được coi là đệ nhất đặc sản.

Lá sen chọn loại non vừa nhú khỏi mặt nước, cuộn tròn chưa kịp xòe, bởi đó mới là lá ngon nhất và được dùng để cuốn với cá lóc nướng. Lá sen non hái vào rửa sạch, cuốn thịt lóc nướng vẫn còn vương mùi rơm khói bên trong, rồi chấm qua bát nước mắm ngọt, hoặc ăn không cần chấm cũng vẫn ngon, bởi khi đó bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt dai trên từng thớ thịt, một chút thanh nhẹ kèm vị chát của lá sen non

Thưởng thức từng miếng cá lóc nướng, bạn sẽ thấy được dư vị thanh mát khiến bạn cứ nhấn nhá mãi hết đọt sen này đến miếng cá khác mà không hề ngán. Được ăn cá lóc nướng cuốn lá sen trong khung cảnh hương đồng gió nội đầy thi vị thật khiến con người ta cảm thấy mãn nguyện.

Nếu bạn được lai rai món cá lóc bông nướng trui cuốn lá sen non tại nơi đây thì đó là kỷ niệm đáng nhớ cho bản thân, để khi rời nơi đây, cứ nhìn thấy ở đâu có lá sen non là bạn sẽ lại chợt nhớ tới cá lóc bông này.

13. Ốc lác treo giàn bếp Đồng Tháp

Hiện nay, phong trào mua ốc lác về nuôi đã được nhiều hộ ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò tập trung thực hiện. Cách nuôi rất đơn giản, bởi chỉ cần vùi những con ốc lác xuống dưới lớp đất mỏng, chỉ sau 3 đến 4 tháng là đã có thể thu hoạch được với giá cả thường cao gấp đôi ốc thường.

Thịt ốc lác thường có màu vàng, giòn và ngọt chứ không mềm như thịt ốc bươu. Từ con ốc lác, người ta có thể chế biến thành các món đơn giản như luộc lá ổi hoặc hấp xả chấm nước mắm tỏi ớt; cầu kỳ hơn như nấu cari xả ớt, xào mặn xả ớt…

Để làm ốc lác treo giàn bếp thì người làm phải lấy loại to, mình ốc màu xám và theo kinh nghiệm thì cứ chọn ốc lác là ngon nhất. Bất cứ mùa nào cũng vậy, người ta bắt ốc đem về rửa sạch, đựng trong những chiếc giỏ đan bằng tre rồi treo chỗ cao trên giàn bếp. Loại ốc này treo giàn bếp 4-5 tháng mà chúng vẫn sống tốt, mập ra, béo ngậy lên do hàng ngày khi nấu cơm khói xông vào giỏ đựng ốc, ốc ngửi khói xông lên là đúng món đặc sản khoái khẩu của người dân chốn vùng quê này.

Khi chế biến món ăn, người ta đem rửa sạch hết bụi bặm bên ngoài của ốc, đổ ốc vào một nồi chứa hỗn hợp khuấy đều bởi 4-5 trứng gà hoặc vịt (tuỳ theo lượng ốc) và sữa. Khi ốc đã uống hết nước hỗn hợp trên sau độ 20 phút, bắt từng con vặt đít cho vào nồi đã có sẵn một lớp sả, muối và ít nước, đun chừng mười phút khi ốc đã há miệng. Sau khi nước sôi, bạn bưng nồi ốc đảo đi đảo lại vài lần cho đều rồi đặt lại lên bếp chừng vài phút là ốc chín.

Thưởng thức ốc lác treo giàn bếp phải chậm rãi thì bạn mới có thể cảm nhận được hết vị ngon, vị mềm của thịt ốc, xen lẫn vị ngọt và cay của ớt, vị thơm nồng của sả. Nếu đến Đồng Tháp mà bạn đã từng có dịp thử món ốc treo giàn bếp, chắc chắn, hương vị đặc trưng của nó sẽ khiến bạn khó có thể quên được.

14. Nem Lai Vung

Nhắc đến huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) là nhắc đến món đặc sản đi kèm tên gọi của địa phương lâu đời này, đó chính là nem Lai Vung. Thực ra nghề làm nem thì đâu đâu cũng có và cũng với công thức, nguyên liệu ấy, chỉ khác là hương vị đặc trưng qua cách làm nem chua của người dân địa phương đặc biệt đến mức hiếm có nơi nào giống. Và người dân nơi đây có quyền tự hào về một món ăn dân dã có thương hiệu nổi tiếng lâu nay.

Nem được coi là một đặc sản mà mọi người có thể thưởng thức ở mọi nơi, mọi lúc, dù là ăn ngay trên chuyến đi hay ăn trong những bữa ăn dân dã của gia đình hay được bày ở các bữa tiệc sang trọng.

Hàng năm, cứ vào thời điểm “vía Bà” (từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch), sẽ là lúc nghề làm nem vào mùa, rất đông khách từ mọi nơi đến đây mua về. Du khách nếu một khi đã đến Đồng Tháp thường đều nghĩ tới việc mua vài chục nem về làm quà cho người thân hay để biếu bạn bè.

Trước kia, nem Lai Vung chỉ sản xuất tập trung ở xã Tân Thành, tuy nhiên hiện nay xã Long Hậu và thị trấn Lai Vung được coi là nơi thu hút đông khách tìm đến mua nem, do hai địa phương này nằm dọc theo Quốc lộ 80, tuyến đường chính các xe lưu thông qua lại về các tỉnh miền Tây.

Theo thông tin được nhiều người kể lại thì nem đã có từ những năm trước giải phóng, do một người phụ nữ tên là Tư Mặn ở ấp Tân Khánh, xã Tân Thành sáng tạo ra. Ban đầu, bà làm nem là để phục vụ trong các dịp cưới xin, tiệc cỗ ở địa phương, sau đó bà con trong vùng ăn thấy ngon nên mới học nghề và đem ra chợ bán. Và nay, món ăn chơi cho vui đó lại rất hút khách và được nhiều người ở mọi độ tuổi yêu thích.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, đã xuất hiện một số hộ bán nhỏ nem lẻ, về sau do việc buôn bán nem nhờ buôn bán truyền miệng theo xe đò, phà miền Tây đến nhiều nơi thì nem Lai Vung trở thành mặt hàng bình dân được ưa chuộng và và trở thành nét đặc sắc trong ẩm thực Đồng Tháp.

Đến nay, có hàng chục lò nem có tiếng như Năm Thơ, cô Hoàng, Chiến Ngoan, Ba Liêm, Út Thẳng, Tư Minh… được mở để phục vụ nhu cầu mua sắm nem Lai Vung của nhiều người.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *