Giữa nền văn hóa của ba dân tộc: Khmer – Kinh – Hoa, Sóc Trăng mang những nét giao thoa tuyệt vời về ẩm thực tạo nên nên nền ẩm thực không nơi nào có được. Về đây bạn không thể không nhắc đến những món đặc sản Sóc Trăng rất hấp dẫn: bánh pía, bánh cóng, bún nước lèo,… Chuyên mục này Loca sẽ tổng hợp những đặc sản nổi tiếng của vùng đất này:
Mục lục bài viết
1. Bánh cóng Sóc Trăng
Là một món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng, bánh cóng còn có tên gọi khác là bánh cống, bánh sầy hoặc sài cá nại (theo tiếng Khmer). Ngày nay, bánh cóng đã được phổ biến ra nhiều khu vực khác thuộc miền Tây Nam Bộ.
Bánh cóng là món ăn do người Kinh Nam Bộ sáng chế ra. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi bánh phát sinh từ chiếc cóng, một dụng cụ bằng kim loại có hình nón cụt, không rỉ, miệng loe và có cán cầm để chiên. Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng; nhân bánh thì từ thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím cắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp.
Bánh cóng hiện nay được bán ở nhiều nơi nhưng nổi tiếng nhất là bánh cóng Đại Tâm, thuộc huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Bánh nơi này có độ giòn, xốp vừa phải, rất thơm và có màu vàng ươm rất bắt mắt.
Nguyên liệu chính để làm bánh cóng gồm có bột gạo, nước cốt dừa, đậu xanh, thịt heo, tép đất, tất cả đem tẩm với gia vị đã được chế biến qua bàn tay khéo léo của những người thợ vùng Đại Tâm. Và chính từ đó, món ăn này đã trở nên hấp dẫn và trở thành một món ăn nổi tiếng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bánh cóng được ăn kèm với các loại rau sống, đem chấm với nước mắm có đủ vị mặn, chua, ngọt, cay kèm với củ cải trắng và cà rốt cắt nhỏ. Bánh cóng khi mới chiên ngả sang màu vàng thì vớt ra rồi cắt thành từng miếng, đem gói với lá cải xanh, lá lụa non, xà lách, rau thơm. Khi ăn, bạn có thể chấm với nước mắm chua ngọt, tạo nên sự độc đáo, đậm đà khó lẫn với bất cứ món ăn nào khác.
Thưởng thức bánh cóng xong, thật không có gì sai khi nhiều người nhận định rằng, bánh cóng không chỉ là một đặc sản Sóc Trăng nổi tiếng, nó còn là loại bánh ngon nhất đất Việt Nam.
2. Mè láo Sóc Trăng
Đến Sóc Trăng, bạn sẽ được người dân nơi đây khoản đãi món bánh mè láo – một món ăn đặc biệt do người Hoa ở Sóc Trăng sáng tạo ra. Giống như bánh pía, bánh mè láo từ lâu đã trở thành một thú vui tao nhã, nét văn hóa đặc trưng của người dân Sóc Trăng. Mỗi khi có khách quý đến chơi nhà, bạn sẽ được gia chủ thiết đãi vài viên mè láo cùng trà nóng để trò chuyện.
Là món ăn truyền thống, mè láo thường có mặt trong các dịp lễ tết Trung thu, tết Nguyên Đán. Để tạo nên những viên bánh này thì chỉ cần khoai môn, bột nếp và không thể thiếu mè, đường.
Món này được làm từ khoai môn, gọt vỏ, bào mỏng, quết nhuyễn, cán mỏng rồi đem phơi nắng chừng ba ngày. Miếng khoai môn này được cắt thành những lát nhỏ hình chữ nhật, rồi lăn vào bột nếp, chiên trong chảo dầu sôi. Chiên nóng xong, người ta vớt ra trộn vào nước đường đã thắng thành kẹo rồi mới lăn vào mè rang chín. Cũng bởi vì ruột bên trong tơi xốp nên mè láo rất giòn, có vị ngọt của đường và hương thơm của mè chín.
Những viên bánh mè láo trông khá nhỏ bé, chỉ mới cầm thôi đã tháy hương thơm của mùi hạt mè rang chín như làm tăng thêm sự tò mò cho những ai lần đầu thưởng thức. Bánh mè láo đã xuất hiện trên mảnh đất Sóc Trăng cũng bởi những người Hoa sinh sống nơi đây khi họ đến định cư, sinh sống đã mang theo những đặc sản quê hương như một cách làm phong phú thêm nền văn hóa ẩm thực của tỉnh Sóc Trăng.
Ngày nay, bánh mè láo đã được bày bán nhiều ở Sóc Trăng và được đông đảo du khách tìm đến thưởng thức và mua về làm quà.
3. Bún nước lèo Sóc Trăng
Nếu như với các loại bún nước lèo của miền Tây như bún nước lèo Trà Vinh, Kiên Giang, bún cá Châu Đốc thường được chế biến từ mắm cá linh, mắm cá sặc nổi danh thì bún nước lèo Sóc Trăng được chế biến từ mắm bò hóc – loại mắm đặc biệt của người Khmer. Đây là loại mắm đặc trưng về mùi vị, màu sắc, nhưng cách chế biến nước lèo của món bún này lại vô cùng đơn giản, là một trong những đặc sản Sóc Trăng không thể bỏ qua của khách du lịch.
Thực tế, người ta chỉ cần nấu mắm với nước sôi là đủ. Khi thịt mắm rã hết thì lọc bỏ xương, phần nước được cho lại vào nồi, thêm gia vị là dùng được. Nước lèo đơn giản chỉ có thế nhưng để hương vị chuẩn của món ăn hấp dẫn thực khách thì không thể thiếu ngải bún, một loại gia vị có nguồn gốc từ Campuchia, tạo ra thứ hương vị “bí ẩn” khiến nồi nước lèo có mùi vị đặc trưng.
Chỉ cần nghe đến cái tên bún nước lèo thì nhiều người đã không muốn thử ăn. Nhưng nước lèo của bún này được nấu theo phương pháp riêng nên trong vắt, không có cặn. Nước lèo lại dậy mùi thơm vị cá lóc đồng, sả và nhiều loại gia vị khác.
Bún trước khi cho vào tô phải được trụng qua nước sôi, thêm tôm, thịt cá, thịt heo quay… rồi chan ngập trong nước lèo. Món bún này khi ăn cùng đĩa rau sống các loại như bắp chuối, húng thơm, húng quế, hẹ, giá sống…
Ngoài ra, bạn có thể vắt thêm chanh, cho ớt tươi vào bát bún và trộn đều. Từ vị thơm dịu của cá cùng với vị mặn của nước mắm như làm tôn lên cảm giác ngọt của tôm cá, giòn béo của thịt quay và dịu của nước lèo rất khác bún bò Huế hay phở thông thường của các vùng.
Nhìn bát bún được bê ra có mùi thơm của sả, ngải bún, chút mặn của mắm và chút giòn của thịt heo quay, chút hăng của rau thơm… khiến ai cũng thấy ấm lòng.
4. Bún gỏi dà Sóc Trăng
Dù ai nghe đến cái tên bún gỏi dà này cũng có chung một thắc mắc và không biết được món ăn trông như thế nào. Với người sành ăn, bún gỏi dà có nguồn gốc từ gỏi cuốn, về sau được biến tấu bằng cách cho tất cả các nguyên liệu đó vào một bát, trộn đều với nước chấm gỏi rồi ăn như và (lùa) cơm. Nhưng người Nam phát âm từ “và” thành “dà” dẫn đến ra đời tên gọi của món ăn này.
Bún gỏi dà gồm các nguyên liệu chính cũng như các thành phần trong món gỏi cuốn thông thường, đó là bún tươi, rau sống, giá đỗ, thịt ba rọi, tôm, đậu phộng, tương xay và một số phụ liệu khác như sườn non, nước dùng.
Nước dùng của món bún gỏi dà được ninh từ xương heo, chế thêm vào đó nước me chua và tương hạt thơm. Bát bún gỏi ngon với những con tôm đỏ au, thịt ba rọi, giá đỗ, sườn non, rau xanh, đậu phộng rang và tương rắc bên trên, cùng nước dùng xâm xấp đã quá đủ để làm bạn mê đắm.
Bún gỏi dà, một đặc sản Sóc Trăng, khi ăn cần cho thêm tương ớt, vắt chanh vào mới được coi là đúng điệu. Nhìn từng miếng bún dai mềm cùng nước dùng ngọt thanh tạo nên một món ăn hấp dẫn, làm xiêu lòng cả những người khó tính nhất. Điều quan trọng nhất là phải biết cách chế biến gia giảm, làm cho các nguyên liệu hài hòa với nhau để nước dùng trong, ngọt và đậm đà.
Từ lâu, người dân địa phương đã lưu truyền hai câu ca để nói về món bún dân dã này, đó là “Mỹ Xuyên có bún gỏi dà, dùng qua sẽ thấy đậm đà quê hương”.
5. Bánh ống Sóc Trăng
Từ lâu, bánh ống đã trở thành món ăn vặt quen thuộc đối với người dân Khmer. Đây không chỉ là thứ quà vặt khiến trẻ con yêu thích, mà còn là bữa sáng, bữa nhẹ buổi chiều dành cho người lớn. Người Sóc Trăng dù có đi đâu về đâu cũng luôn luôn nhớ về món ăn ngon lành như một kỉ niệm đẹp của tuổi thơ đã trôi qua.
Khuôn bánh ống Sóc Trăng đơn giản chỉ là một cái ống hình trụ được làm bằng nhôm, dài khoảng 15cm. Ở giữa khuôn thường là que tre có một đầu được gắn miếng thiếc hình tròn dùng làm đáy. Khi chế biến, người ta đặt khuôn lên trên nắp nồi (trong nồi có chứa nước) rồi đổ bột vào ống như chưng cách thủy.
Bánh ống làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn đều với màu của lá dứa, đường và nước cốt dừa. Quan trọng hơn, món bánh này được hấp cách thủy trong ống tre hoặc ống nhôm nên từ đó có tên là bánh ống. Hiếm có loại bánh nào chín nhanh như bánh ống, chỉ hai phút là đã xong mẻ bánh. Khi bánh chín thường có màu xanh mát của lá dứa, nhìn ngon mắt, bên trên lại được rắc dừa nạo và muối vừng trông vô cùng hấp dẫn.
Bánh ống phải ăn ngay lúc nóng mới ngon. Khi đó, bột gạo mịn, dẻo quyện với mùi thơm của lá dứa và vị béo dừa nạo, vị bùi của muối vừng tạo thành những mùi vị đặc biệt khó quên. Mặc dù bánh ống không phổ biến như các loại bánh khác của người miền Tây, nhưng nó vẫn tồn tại trong đời sống hàng ngày của người dân nơi đây.
6. Cháo lòng Bưng Cóc
Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng không xa, vùng đất Bưng Cóc nằm trên con đường dẫn tới Bạc Liêu là nơi có đông người dân Khmer tập trung sinh sống. Bưng có nghĩa là ao đìa hay vùng đất thấp; còn Cóc thì được Việt hóa từ tiếng Khmer và mang nghĩa là nhỏ.
Vì vậy không khó hiểu khi Bưng Cóc trước kia là vùng đất có rất nhiều ao, đìa nhỏ. Ở đây, vào mỗi sáng trước khi lên rẫy tỉa đậu trồng hành hay ra đồng cày cấy thì người dân địa phương lại hay nấu món cháo lòng để lót dạ.
Cháo được nấu bằng gạo ngon cùng với cật, tim, gan, phèo, phổi, lá mía của heo. Ngoài ra người nấu còn cho thêm bao tử, cuống họng, cuống phổi… vào nồi cháo. Tuy nhiên, nét độc đáo của món cháo lòng Bưng Cóc chính là ở món dồi heo được chế biến để ăn kèm.
Dồi được làm từ ruột heo nhồi tiết heo, tương, mỡ chài, thịt heo băm nhuyễn, cùng một ít đậu xanh đãi sạch vỏ rang vàng, tiêu hột nướng than, thêm chút bột ngọt, nước mắm. Sau khi nhồi xong, dùng chỉ buộc hai đầu lại rồi đem hấp với nước dừa tươi.
Khi ăn với cháo, dồi được nướng lại trên bếp than cho nóng và thơm lừng để người ăn cảm nhận được vị ngon của món ăn hấp dẫn này.
7. Bò nướng ngói Mỹ Xuyên
Bò nướng xẻng lâu nay được xem là một đặc sản Sóc Trăng nổi tiếng. Không như những nơi khác, thịt bò được nướng trên miếng ngói làm bằng đất sét nung. Ở đây, ngói lại chính là một miếng kim loại bằng inox như một chiếc xẻng trắng sáng.
Khi thưởng thức món ăn này, người bán sẽ bưng ra cho bạn một miếng ngói bằng kim loại, sạch sẽ, láng bóng, một bát mỡ lợn, một đĩa thịt bò đã được tẩm ướp gia vị sẵn, có rắc đậu phộng lên trên. Bên cạnh đó là một đĩa bánh tráng và một đĩa bún. Đĩa rau sống đầy đủ các loại khế, chuối, rau thơm, rau diếp cá… đều đã được cắt ra và xếp trên đĩa gọn gàng đẹp mắt.
Trước khi ăn, bạn hãy đợi miếng xẻng nóng hẳn rồi múc vài muỗng mỡ lợn xối lên trên. Một chén mỡ nhỏ được đặt ngay đầu của xẻng để hứng phần nước mỡ chảy xuống. Sau đó, bạn lần lượt gắp từng miếng thịt bò để lên trên xẻng, thỉnh thoảng xối mỡ lên trên, trở thịt qua lại cho đến khi thịt chín là được.
Tiếp đó, bạn lấy một miếng bánh tráng gói những nguyên liệu nói trên cùng với miếng thịt bò đang nóng, cuộn tròn rồi chấm mắm nêm. Khi ăn cuộn bò nướng, bạn sẽ cảm giác khá thú vị khi được thưởng thức vị ngọt của thịt, vị béo của mỡ, đậu phộng; vị chát của chuối, vị chua của khế, vị mặn cay và thơm của mắm nêm… mang hương vị mặn nồng tuyệt vời.
Khi đến Sóc Trăng, bạn hãy đừng quên tới Mỹ Xuyên để thưởng thức món ăn thơm ngon đặc biệt và cũng có một không hai như này.
8. Hủ tiếu cá nước trong
Sóc Trăng xưa nay nổi tiếng bởi nhiều món ăn ngon, nhưng ít ai nhắc đến món hủ tiếu cá như một đặc sản của địa phương này. Dù vậy, nhiều du khách khi đến đây đều mong muốn có dịp thưởng thức món hủ tiếu cá một lần như để thỏa mãn phát hiện thú vị này.
Một bát hủ tiếu cá bao gồm hủ tiếu, cá, mực và cật lợn, thường ăn kèm với xà lách giòn, giá đỗ và rau cần. Món hủ tiếu cá ngon ở chỗ nước dùng trong được hầm từ xương heo suốt đêm. Muốn nước dùng trong thì nồi nấu phải tuyệt đối không được dính dầu, mỡ.
Theo chia sẻ của người dân địa phương Sóc Trăng, món hủ tiếu cá nơi đây chỉ dùng cá chẽm, cắt lấy phần thịt; tôm, mực phải tươi; cật heo phải giòn, ngon bằng cách ngâm nước đá cho nở; riêng hủ tiếu thì làm bằng bột gạo lúa mùa phải đúng điệu.
Nhìn bát hủ tiếu cá nóng hổi lên bàn, bạn sẽ thấy nước trong bát vô cùng trong veo. Khi môi chạm vào muỗng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của nước lèo, khi cắn miếng cật heo thì bạn sẽ cảm nhận được vị bùi béo, nhưng lại giòn. Khi cho miếng cá chẻm vào, từng miếng thịt cá chắc, béo ngọt xen lẫn vị cay nhẹ của tiêu sẽ khiến bạn không thể bỏ qua.
Dù bạn là ai, khi thưởng thức món ăn ngon này bạn sẽ “thấm đượm” được vị ngọt bùi của tôm, mực cùng những sợi hủ tiếu, khi ăn dậy mùi thơm ngon, hấp dẫn.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!