Có lẽ bất kỳ ai đến với mảnh đất Long An đều sẽ ngẩn ngơ trước vẻ đẹp thanh bình, trong lành của vùng đất này. Không chỉ sở hữu một hệ thống sông rạch chằng chịt mà còn có nền khí hậu ôn hòa quanh năm, các điểm du lịch Long An từ lâu đã trở thành lựa chọn tuyệt vời cho những chuyến dạo chơi, khám phá của du khách.
Phụ lục
1. Nhà trăm cột – tuyệt phẩm kiến trúc Long An
Nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng, cách thành phố Tân An, tỉnh Long An chừng 50 km, di tích nhà trăm cột là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của tỉnh Long An còn được lưu giữ gần như nguyên vẹn tới ngày nay.
Nhà trăm cột được ông Trần Văn Hoa khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước năm 1903 bởi một nhóm thợ tài hoa từ làng Mỹ Xuyên – làng chạm khắc mộc nổi tiếng của Thừa Thiên – Huế thực hiện bằng chất liệu chủ yếu là các loại gỗ quý như cẩm lai, mun…
Gọi là nhà trăm cột nhưng ngôi nhà này có tới 120 cột với 64 cột vuông và 56 cột tròn, mang dấu ấn phong cách kiến trúc kinh thành Huế. Với diện tích 882m2, nhà trăm cột tọa lạc trên một khu vườn rộng 4.044m2, chính diện quay về hướng sông Vàm Cỏ Đông. Nhà hoàn toàn bằng gỗ (cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật), mái lợp ngói âm dương, nền nhà bằng đá tảng cao 0,9m, mặt nền lát gạch Tàu lục giác.
Vị trí
Nhà trăm cột tọa lạc tại ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước tỉnh Long An, cách thị trấn Cần Đước 10km về hướng Đông.
2. Núi Đất – Long An
Núi Đất là ngọn núi hình thành không do quy luật vận động, biến đổi của thiên nhiên mà bằng chính sức người nên công trình ấy trở thành “độc nhất vô nhị” của vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây chính là những ngọn núi giả được những tù nhân chính trị thời Ngô Đình Diệm đắp từ những năm 1957 – 1960, nằm trong kế hoạch chấn chỉnh địa lý hành chính và xây dựng tỉnh Kiến Tường ở Mộc Hóa.
Núi Đất – Long An
Từ xa nhìn đến, Núi Đất như hòn non bộ khổng lồ nổi lên giữa một hồ nước trong xanh, êm đềm và thơ mộng. Nối liền Núi Đất với bờ là chiếc cầu bằng xi măng cách điệu uốn cong, mềm mại. Khu Núi Đất chia làm ba tiểu đảo: Tiểu đảo 1 có núi lớn cao khoảng 10m, núi nhỏ cao 5m với nhiều tảng đá ong rêu phong theo thời gian, xen lẫn trong những cây cổ thụ tỏa bóng mát rượi, có đường lên xuống bằng các bậc đá. Xung quanh núi là những lối đi bằng đất được kè đá men theo mép nước đảm bảo độ an toàn cho khách du ngoạn. Tiểu đảo 2 là một ngọn núi nhỏ cũng được đắp bằng đất nối liền với tiểu đảo 1 bằng cây cầu dài nhỏ.
Vị trí
Núi Đất nằm ngay trung tâm thị trấn Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.
3. Đến Long An thăm các di tích lịch sử Quốc gia
Vàm Nhựt Tảo
Là nơi giao hội giữa sông Vàm Cỏ Đông và sông Nhựt Tảo, Vàm Nhựt Tảo là một vùng sông nước phẳng lặng hiền hòa thuộc xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An.
Nơi đây gắn liền với người anh hùng Nguyễn Trung Trực, người đã chỉ huy cuộc tấn công làm chìm tàu L’ Espérance của Pháp vào ngày 10 tháng 12 năm 1861. Những hiện vật của con tàu này đang được trưng bày tại bảo tàng Long An. 135 năm sau ngày Nguyễn Trung Trực đánh chìm tàu L’ Espérance, Vàm Nhựt Tảo đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích Quốc gia năm 1996 bởi những giá trị, ý nghĩa sâu sắc chứa đựng trong đó.
Đồn Rạch Cát
Đồn Rạch Cát tọa lạc tại vị trí ba mặt sông rất đẹp, là nơi hai con sông Vàm Cỏ và Rạch Cát cùng đổ vào sông Soài Rạp.
Đồn Rạch Cát là một pháo đài kiên cố, kiến trúc độc đáo, được thực dân Pháp xây dựng nhằm án ngữ con đường từ biển Đông vào Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là một pháo đài quân sự vào loại lớn nhất, nhì Việt Nam do thực dân Pháp xây dựng ở nước ta từ năm 1903 và hoàn thành năm 1910 tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước. Đứng bên cạnh những khẩu pháo 105mm trên nắp hầm ta có thể ngắm nhìn cảnh đẹp của vùng ven biển (sông Soài Rạp), xa xa là một phần đất xanh thẳm giống như một hòn đảo nhỏ trang điểm cho những dòng sông xa mờ…
Khu di tích lịch sử Bình Thành
Bình Thành là vùng đất có địa hình phức tạp thuộc huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.Trong kháng chiến chống Pháp, khu vực Bình Thành là căn cứ của Tỉnh ủy Chợ Lớn và khu 7 với tên gọi “Quân khu Đông Thành”. Trong kháng chiến chống Mỹ, Tỉnh ủy Long An và các cơ quan trực thuộc đã trú tại căn cứ Bình Thành để lãnh đạo phong trào cách mạng tỉnh nhà đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngã tư Đức Hòa
Ngã tư Đức Hòa tọa lạc tại điểm giao nhau giữa Tỉnh lộ 824 và Tỉnh lộ 825 thuộc trung tâm thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Khu vực ngã tư Đức Hòa là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử quan trọng trong nhiều thời kỳ lịch sử, là niềm tự hào của người dân Đức Hòa nói riêng và của nhân dân Việt Nam nói chung trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đến đây du khách sẽ được tham quan tượng đài đồng chí Võ Văn Tần, phòng trưng bày hiện vật, hình ảnh, nhà dinh quận Đức Hòa, hệ thống lô cốt, căn cứ bảo vệ của sư đoàn 25 ngụy và chi khu Đức Hòa, khu công viên cây xanh… tham quan tìm hiểu lịch sử địa phưong, dâng hương tưởng niệm để ôn lại truyền thống hào hùng của dân tộc.
Ngã tư Rạch Kiến
Ngã tư Rạch Kiến là giao lộ 18 và 19 tại trung tâm xã Long Hòa, huyện Cần Đước. Nơi đây, trong không gian khoảng 1km2, đây đó những sân bay dã chiến, bãi pháo, câu lạc bộ sĩ quan, khu trại quân sự … của căn cứ Mỹ gợi lại một thời gian khổ và hào hùng trên vành đai diệt Mỹ, Rạch Kiến – một thế trận chiến tranh nhân dân độc đáo thể hiện ý chí và sáng tạo của Đảng bộ và quân dân địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức
Cách thành phố Tân An 3,5km về phía Tây, lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một trong những kiến trúc lăng mộ cổ nhất ở Long An còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Đây là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như: cổng, lăng mộ, đền thờ Kiến Xương Quận Công Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần khai quốc của triều Nguyễn.
Chùa Tôn Thạnh
Chùa Tôn Thạnh nằm cạnh Tỉnh lộ 835 thuộc ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tổng diện tích khu vực chùa là 34.410m2, trong đó diện tích chùa là 940m2. Chùa Tôn Thạnh được thiền sư Viên Ngộ sáng lập và xây dựng 1808, ban đầu có tên là Lan Nhã, đây là ngôi chùa cổ nhất Long An.
Chùa Nổi Cổ Sơn Tự
Chùa Nổi – Cổ Sơn tự được xây dựng đầu thế kỷ XX, tọa lạc tại ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, cách thành phố Tân An khoảng 100km về phía Tây Nam.
4. Cụm di tích Bình Tả – Long An
Được các nhà sử học người Pháp phát hiện từ năm 1910, trải qua bao thăng trầm, cụm di tích khảo cổ Bình Tả (gồm 3 di tích nhỏ là Gò Đồn, Gò Xoài, Gò Năm Tước, thuộc nền văn hóa Óc Eo) đã chứng tỏ được giá trị văn hóa lịch sử của nó; là tư liệu quý để khẳng định một thời vàng son của vương quốc Phù Nam
Di tích Gò Đồn: Là loại kiến trúc đền tháp xây bằng gạch, toàn bộ kiến trúc trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất, chỗ gần mặt đất nhất là 0,4m. Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật bằng đá như tượng thần Dravapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (Phúc thần), nhiều vật thờ như Linga, Yoni, máng dẫn nước thiêng (Somasutra), bàn nghiền hương liệu (Pesani), mi cửa chạm trỗ hoa văn thực vật, trụ đá chạm hoa văn thực vật… và nhiều đồ gốm cổ. Trong hố thờ trung tâm của di tích sâu khoảng 3m còn có một linh vật (Yoni) đã vỡ và nhiều viên đá cuội, được đoán định là đá thờ. Với kiểu dáng kiến trúc và những linh vật được phát hiện trong lòng di tích, di tích Gò Đồn được nhìn nhận có đặc trưng của một kiến trúc đền thờ quy mô lớn thuộc Ấn Độ giáo, theo truyền thống văn hóa Óc Eo .
Di tích Gò Xoài: Là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20m, nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất rắn chắc và phức tạp, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (ba- dan), sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng…
Di tích Gò Năm Tước: Là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, phần trên của kiến trúc đã bị mất nhưng ở phần nền móng còn giữ được những đặc điểm của kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo như bình đồ hình chữ nhật bẻ góc nhiều lần và cân xứng nhau qua trục Bắc – Nam, các đường móng gạch rất thẳng, mặt chính của kiến trúc có tam quan hình bán nguyệt hướng về phía Đông… là cơ sở để nhận định rằng đây là một kiến trúc đền thờ Ấn Độ giáo.
Vị trí
Khu di tích khảo cổ học Bình Tả thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, nằm về hướng Đông Bắc thành phố Tân An.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →