9 địa điểm du lịch Quảng Ninh – Cập nhật 2019

Đăng ngày 25/01/2024

Với hàng nghìn đảo đá lớn nhỏ cùng Vịnh Hạ Long nổi tiếng lung linh huyền ảo Quảng Ninh từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách xa gần. Không chỉ gây ấn tượng bởi núi non hùng vĩ, Hạ Long còn đem đến cảm giác bình yên, dễ chịu khi hòa mình vào thiên nhiên, trở thành một phần của thế giới tự nhiên. Cùng Loca điểm qua 9 điểm du lịch Quảng Ninh nổi bật trên mảnh đất này!

1. Trà Cổ – Móng Cái

Biển Trà Cổ

Nằm cách Móng Cái 9km, Trà Cổ là bãi biển dài nhất Việt Nam với chiều dài khoảng hơn 17km, hình vành khuyên, trải từ Mũi Gót phía Bắc đến Mũi Ngọc ở phía Nam. Đây là bãi biển đầu tiên các bạn chạm phải khi bắt đầu bằng nét bút chữ S trên bản đồ Việt Nam.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-1

Do cách xa các thành phố, khu công nghiệp, bến cảng nên Trà Cổ có khí hậu mát mẻ, không gian tĩnh mịch và còn mang đậm nét hoang sơ với bãi cát trắng mịn, trải dài phẳng lặng trong nền nước biển xanh biếc bốn mùa, được đắm mình trong những buổi chiều yên lặng, được thả hồn ngắm hoàng hôn xuống mà không sợ những ồn ào của cuộc sống, những bộn bề của đô thị náo nhiệt và sẽ tìm được cảm giác thoải mái ngay cả trong những ngày nắng nóng nhất.

Quanh bãi biển Trà Cổ các bạn có thể đến thăm rất nhiều địa danh du lịch như: Nhà thờ Trà Cổ, đình Trà Cổ. Ngoài ra, nếu đến Trà Cổ vào cuối tháng 5 đầu tháng 6 các bạn còn có thể tham gia lễ hội đình Trà Cổ. Đây cũng là một trong những lễ hội tưng bừng và lớn nhất của ngư dân miền biển ở khu vực miền Bắc.

Đình Trà Cổ

Đình Trà Cổ được dựng từ thời Hậu Lê trên vùng đất phía Nam phường Trà Cổ (thành phố Móng Cái, Quảng Ninh).

dia-diem-du-lich-quang-ninh-2

Đình thờ 6 vị Thành Hoàng làng đã có công lập nên xã Trà Cổ xưa. Truyền rằng Trà Cổ tổ Đồ Sơn – Những người dân Đồ Sơn xưa đã đến nơi này – Họ là những ngư dân, là những người lính ra trấn giữ mảnh đất này của Tổ quốc và ở lại sinh cơ lập nghiệp, lập nên làng chài Trà Cổ. Hàng ngàn năm qua đi, người dân Trà Cổ vẫn còn giữ nguyên nền nếp của người dân vùng biển Đồ Sơn.

Mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình Trà Cổ hoàn toàn mang đậm chất văn hóa của người Việt, không hề pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa. Trong đình có nhiều bức cửa võng trạm trổ tinh xảo được sơn son thếp vàng. Những hình ảnh cách điệu về Tứ Linh, về thần tiên, về con người…

Đình Trà Cổ như một cột mốc khẳng định chủ quyền văn hóa của Việt Nam. Trải qua gần sáu trăm năm thăng trầm của đất nước, không ít cơn binh lửa can qua nhưng đình vẫn giữ nguyên dáng vẻ và phong cách như xưa.

Lễ hội đình Trà Cổ diễn ra vào 30/5 – 6/6 Âm lịch hàng năm.

Nhà thờ Trà Cổ

Được xây dựng năm 1880, nhà thờ Trà Cổ là nhà thờ lớn nhất vùng Đông Bắc Việt Nam, dù bị tàn phá bởi chiến tranh nhưng vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính của mình qua từng đường nét kiến trúc, những bức phù điêu… Đây là nơi để ngư dân vùng biển đến làm lễ vào những ngày chủ nhật hay ngày lễ, cầu mong cho những chiếc thuyền ra khơi luôn bình an trở về.

Mũi Sa Vĩ

Cách nhà thờ không xa là mũi Sa Vĩ, nét bút đầu tiên trên bản đồ đất nước. Mũi Sa Vĩ còn gọi là mũi Gót là mũi đất ở cực Đông Bắc Việt Nam. Ở đây có đài kỷ niệm để đánh dấu địa đầu Đông Bắc hình 3 ngọn thông vươn thẳng lên trời, trên có trích câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương. Đến Cà Mau rừng đước”, bên cạnh là cột mốc ghi dấu chiều dài 3.260km từ Móng Cái cho tới Cà Mau.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-3Đứng ở mũi Sa Vĩ phóng tầm mắt ra xa có thể chiêm ngưỡng được vẻ đẹp hình lưỡi liềm của bờ biển Trà Cổ dài 17km và phía Bắc là cửa sông Bắc Luân đổ ra biển rộng khoảng 5km nhìn ra hòn Dâu Gót đối diện Trung Quốc. Tuy cực Đông của Việt Nam ở tận mũi Điện (Phú Yên), nhưng mũi Sa Vĩ ở Trà Cổ là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền Bắc. Bởi vậy, khoảnh khắc bình minh ở Sa Vĩ luôn được đón chờ và mang đến cảm xúc dâng trào cho những người dân đất Việt.

Cùng với Lũng Cú – địa đầu cực Bắc, A Pa Chải ở phía cực Tây, mũi Cà Mau – địa đầu cực Nam và mũi Điện ở cực Đông, đặt chân đến mũi Sa Vĩ cũng là đích đến của nhiều người đam mê chinh phục.

Vị trí

Trà Cổ nằm ở cực Đông Bắc đất nước thuộc tỉnh Quảnh Ninh, kề sát biên giới Trung Quốc, cách thành phố Móng Cái và cửa khẩu Móng Cái 8-9 km.

2. Bảo tàng Quảng Ninh

Bảo tàng – thư viện Quảng Ninh nằm trên đường bao biển phường Hồng Hà, được đánh giá là một trong những công trình có kiến trúc độc đáo, không gian đẹp cùng với nhiều hiện vật có giá trị, nội dung trưng bày phong phú và còn là điểm tham quan mới hấp dẫn của Quảng Ninh.

Thời gian mở cửa bảo tàng – thư viện Quảng Ninh

Mở cửa các ngày trong tuần trừ thứ Hai và các ngày Lễ, Tết

  • Sáng từ 8h00 đến 11h30.
  • Chiều mở từ 13h30 đến 17h00.

Giá vé tham quan

Áp dụng từ ngày 1/3/2015

  • Đối với người lớn: 30.000 VNĐ/ lần/ người.
  • Học sinh, sinh viên, học viên: 15.000 VNĐ/ lần/ người.
  • Đối với trẻ em: 10.000 VNĐ/ lần/ người.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-4

Vị trí

Bảo tàng Quảng Ninh nằm ở khu quần thể các công trình văn hóa thuộc phường Hồng Hải (TP Hạ Long, cạnh Quảng trường 30 Tháng 10).

3. Đền Cửa Ông

Đền Cửa Ông tọa lạc trên một ngọn đồi trông ra vịnh Bái Tử Long, thuộc thành phố Cẩm Phả. Đền thờ hai vị tướng anh hùng của dân tộc, đó là: Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng (con thứ 3 của Trần Hưng Đạo) – một vị tướng tài ba, đã có công đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông, trấn ải vùng Đông Bắc và Hoàng Cần, một tướng lĩnh người địa phương có công dẹp giặc.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-5

Đền Cửa Ông được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, gồm 3 khu: Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành quần thể kiến trúc hình chân vạc trông ra vịnh Bái Tử Long. Trong chiến tranh, đền Trung và đền Hạ đã bị phá hủy, ngày nay đền Hạ đã được phục hồi.

Đây là ngôi đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Tại đây có 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao được các nghệ nhân chạm trổ công phu, tỉ mỉ, sắc nét. Đó là tượng Trần Hưng Đạo, tượng Thánh Mẫu (phu nhân Trần Hưng Đạo), hai công chúa (con gái Trần Hưng Đạo), Trần Quốc Tảng, Trần Anh Tông, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão, Lê Phu Trần, Đỗ Khắc Chung… và một số câu đối, đồ thờ tự khác.

Từ lâu, đền Cửa Ông đã nổi tiếng linh thiêng không chỉ đối với nhân dân Quảng Ninh, mà nhân dân các tỉnh trong nước cũng tìm đến dâng hương, trẩy hội. Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra từ ngày 2/1 âm lịch và kéo dài đến hết xuân.

Khu di tích này đã được Bộ Văn hoá, Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận xếp hạng khu di tích lịch sử Quốc gia và trở thành điểm du lịch tâm linh, hướng về cội nguồn không chỉ của người dân Quảng Ninh mà của đông đảo du khách trong, ngoài nước.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-6Vị trí

Đền Cửa Ông nằm trên một ngọn đồi ở phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

4. Biển đảo Vân Đồn

Nằm cách thành phố Hạ Long khoảng 50km, cách Cửa Ông 7km, Vân Ðồn được biết đến là một quần thể biển đảo kỳ thú với hơn 600 đảo lớn nhỏ nối liền nhau tạo thành một chiến lũy chắn giữa biển Đông.

Với địa hình vừa có núi đá, vừa có núi đất, bên trên là những cánh rừng nguyên sinh, dưới là những bãi cát trắng mịn, hình cánh cung, dốc thoải ra biển tạo nên những bãi tắm hết sức lý tưởng như: bãi tắm Ngọc Vừng, bãi tắm  Sơn Hào, Quan Lạn, Minh Châu (trên đảo Quan Lạn), bãi tắm trên đảo Cô Tô… và nhiều hang động kỳ ảo. Vân Đồn được nhiều người ví là vịnh Hạ Long thứ hai của Quảng Ninh.

Đến với Vân Đồn, các bạn không chỉ được thả hồn với vẻ đẹp của tạo hóa, của thiên nhiên mà còn được tham quan đời sống của ngư dân và được thưởng thức các loại hải sản tươi sống của dân bản địa.

Bãi Dài

Một bãi biển đẹp hoang sơ ở vịnh bái Tử Long với điểm nhấn là cây cầu tàu bằng gỗ rất lý tưởng để chụp ảnh. Ngoài các nhà hàng, khách sạn, nơi đây còn có nhiều hoạt động thể thao trên biển như bóng chuyền, chèo thuyền kayak, lái xe máy nước và cả những trò chơi giải trí như hát karaoke tập thể, tennis…

dia-diem-du-lich-quang-ninh-7Từ đây cũng có thể khởi hành bằng xuồng ra thăm Vịnh Bái Tử Long hay các hòn đảo với hệ sinh thái rừng, biển phong phú như Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu hay tới thăm chùa Cái Bầu – một trong hai thiền viện Phật giáo ở Quảng Ninh.

Chùa Cái Bầu

dia-diem-du-lich-quang-ninh-8

Nằm gần khu du lịch Bãi Dài – Vân Đồn, chùa Cái Bầu (hay còn được gọi là Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm) còn là địa điểm tâm linh mà người dân nơi đây và cả du khách tới chiêm bái và vãn cảnh. Chùa có vị trí khá đẹp với lưng tựa vào dãy núi, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long.

Đảo Ngọc Vừng

Đảo Ngọc Vừng là một hòn đảo lớn, nằm giữa hai đảo đá nhỏ là Hòn Nét và đảo Phượng Hoàng thuộc huyện Vân Đồn, nơi đây có đầy đủ những điều kiện tự nhiên thuận lợi như: sông hồ, biển, bến cảng, đồng bằng… Cùng với Quan Lạn, Cô Tô, Ngọc Vừng cũng có bãi cát trắng trải dài nhiều km, nước biển trong xanh, hoang sơ và yên tĩnh. Với dân số chỉ hơn 1.000 người, cư dân trên đảo là một đại gia đình. Người dân trên đảo chân chất và thân thiện.

5. Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thế giới

Nhắc đến quê hương, tôi thường nghĩ đến vịnh Hạ Long với vẻ đẹp non nước hữu tình, và là một trong những di sản thiên nhiên của thế giới được UNESCO công nhận.

Hạ Long nằm ở phần bờ phía Tây của vịnh Bắc Bộ thuộc khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, nơi đây có 1969 hòn đảo lớn nhỏ trong đó có những hòn đảo với những bãi tắm và hang động đẹp, là địa điểm du lịch nổi tiếng.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-9

Theo du thuyền tham quan trên vịnh, Hạ Long hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh thủy mặc khổng lồ với hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khỏe khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động.

Các đảo trên vịnh có nhiều hình dáng khác nhau rất đẹp mắt, không đảo nào giống đảo nào như: Hòn Đầu Người giống hình ai đó đang hướng về đất liền; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước – hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá – hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi – hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước – hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất – hòn Lư Hương…

6. Non thiêng Yên Tử

Những ngày cuối năm gió lạnh, chúng tôi lên xe đi Yên Tử, quyết định chóng vánh nhưng cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các chị em trong khu trọ. Sau khoảng 4 tiếng trên xe ô tô, chúng tôi cũng đến được Yên Tử. Sau khi thống nhất ý kiến, chúng tôi quyết định leo bộ lên đỉnh Yên Tử (chùa Đồng) và sẽ đi xuống bằng cáp treo.

Hành trình thăm Yên Tử của chúng tôi, bắt đầu từ suối Giải Oan với cây cầu nối hai bờ suối. Tương truyền khi vua Trần Nhân Tông quyết định lên Yên Tử tu hành, cung tần mỹ nữ tìm lên núi để khuyên người trở về nhưng không được nên đắm mình xuống suối tự vẫn. Vua cho lập chùa Giải Oan để thờ.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-10

Từ suối Giải Oan lên Yên Tử khá đẹp, những bậc đá được xếp cẩn thận nhưng dốc và cao nhưng vẫn không ngăn được bước chân khám phá tìm về miền đất Phật. Càng đi lên khung cảnh càng đẹp trong lớp sương mờ ảo là đại ngàn cây xanh, không khí trong lành, dễ chịu. Điểm đến tiếp theo là chùa Hoa Yên, đây là ngôi chùa to nhất nên còn được gọi là chùa Cả. Chùa vốn được khởi dựng từ thời nhà Lý, lấy tên là Phù Vân, nơi đây có cây đại cổ thụ 700 năm tuổi, quanh năm không ra lá, ra hoa, chỉ có rêu phong phủ kín thân.

Dọc đường đi lên chùa Đồng còn có một số điểm tham quan như tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân… khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc và thiền viện Trúc Lâm Yên.

Phía trên độ cao 700m là chùa Vân Tiêu lẩn khuất trong mây bên triền núi. Từ chùa Vân Tiêu đi lên chùa Đồng, đường đi càng ngày càng mưa và gió lạnh, dốc đá thẳng đứng hết lớp này đến lớp khác nhưng không vì thế mà chúng tôi chùn bước. May lên đến chùa Đồng thì mưa tạnh hẳn, mọi người thắp hương lễ bái rồi ngắm nhìn quang cảnh nơi đây. Từ trên cao nhìn xuống ẩn khuất là núi non trùng điệp giăng sương mờ.

Sau một hồi nghỉ ngơi, vãn cảnh núi non, chúng tôi rời chùa Đồng để xuống núi, như được tiếp thêm sức mạnh không ai trong chúng tôi cần sự hỗ trợ từ cáp treo nữa mà tiếp tục leo bộ xuống núi trong lòng thư thái đến lạ.

Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm từ ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-11

Lễ khai mạc Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như: Lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm; văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm tôn kính; lễ khai ấn “Dấu Thiêng chùa Đồng” đầu năm và các hoạt động văn hóa dân gian như múa Lân, biểu diễn võ thuật cổ truyền, các trò chơi dân gian tưng bừng, nhộn nhịp.

7. Đảo Tuần Châu

Theo con đường trải bê tông dài khoảng 2km, khá đẹp và rộng rãi chúng tôi đến với đảo ngọc Tuần Châu vào những ngày cuối tháng 6 tiết trời oi bức. Nằm ở phía Tây Nam của thành phố Hạ Long, đảo Tuần Châu được kiến tạo bởi những ngọn đồi thoai thoải. Nơi đây vừa có biển vừa có nhiều hoạt động vui chơi giải trí khác.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-12

Theo lịch trình đã định, chúng tôi ghé đảo Tuần Châu một ngày rồi sáng sớm hôm sau lên phà ra đảo Cát Bà. Trong thời gian một ngày ở Tuần Châu, chúng tôi được tham gia rất nhiều hoạt động vui chơi thú vị như: chơi game đua xe, ném bóng rổ, xem trình diễn nhạc nước… nhưng trò chơi mà chúng tôi thích nhất là bắn súng sơn, mặc dù là con gái, nhưng đây lại là trò chơi khiến tôi cảm thấy rất kích thích. Trước khi bắt đầu trận đấu, chúng tôi được hướng dẫn các kỹ thuật bắn súng, các hành động cá nhân trong chiến đấu như đi khom, lăn, lê, bò trườn, vượt chướng ngại vật…. Sau đó vận dụng tất cả những gì được học, chúng tôi dùng một khẩu súng đặc biệt để bắn những viên đạn sơn nhiều màu sắc vào đối thủ, đội nào bị trúng đạn nhiều nhất sẽ bị thua. Lần đầu tiên tham gia trò chơi này, chúng tôi cảm thấy thật bỡ ngỡ, nhưng càng tham gia lại càng thấy thích. Tuy thua cuộc, nhưng đứa nào cũng cảm thấy vui, và rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân.

Theo chị hướng dẫn viên giới thiệu, tại đây còn có nhiều hoạt động dưới nước khác như: Mô tô trượt nước tốc độ cao; ca nô kéo dù, lướt ván; câu cá trên biển Hạ Long; chèo thuyền; khinh khí cầu tham quan vịnh Hạ Long… mà chúng tôi không có thời gian tham gia. Hi vọng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có dịp quay lại đây để tham gia hết những trò chơi nơi đây.

Thời gian đến

Đến Tuần Châu đẹp nhất là khoảng từ tháng 4 đến tháng 10, tuy nhiên nên đi vào giữa tuần nếu không các bạn sẽ phải chen lấn xô đẩycũng như mất thêm một khoảng chi phí cho việc tăng giá dịch vụ vào cuối tuần.

Các bạn nên ở Tuần Châu một ngày, sau đó đi tham quan vịnh Hạ Long hoặc sang đảo Cát Bà cũng rất thú vị.

Vị trí

Khu du lịch đảo Tuần Châu thuộc phường Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh), có đường bộ dài 2km nối vào đất liền. Tuần Châu cách bến tàu du lịch Bãi Cháy 4km (cách cầu Bãi Cháy khoảng 8km).

8. Đảo Quan Lạn

Trong ấn tượng của Dolly, đảo Quan Lạn thuộc quần đảo Bái Tử Long (Quảng Ninh), là một hòn đảo đẹp, hoang sơ, hội tụ nhiều yếu tố thích hợp cho những ai có nhu cầu nghỉ dưỡng rời xa sự xô bồ của phố thị.

Bãi biển đẹp

Đảo Quan Lạn có ba bãi biển lớn, đều đẹp như nhau với bờ biển dài và các dãy núi hình cánh cung ôm quanh tạo nên “bức tường thành” ngăn sóng gió từ biển khơi.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-13

Bãi Minh Châu dài khoảng 1,5km là một bãi biển riêng đẹp nổi tiếng, chỉ cách bãi tắm Quan Lạn 15km. Cát ở đây trắng muốt, đi không dính chân, bãi biển nằm trong vịnh nên nước lặng và trong, sóng vừa phải nên rất thích hơp cho trẻ em và phụ nữ cũng như cho những người muốn tập bơi ngoài biển. Tại bãi tắm Minh Châu các bạn có thể vui chơi tham quan tại đảo, ngắm biển về đêm và thưởng thức những hương vị đặc sản của biển khơi.

Một điều rất thú vị:  Quan Lạn nằm gần bến cảng, gần khu trung tâm nên có nhiều nhà nghỉ và tập trung các dịch vụ du lịch: Như đốt lửa trại và ăn BBQ hải sản nướng….

Bãi biển Sơn Hào nằm ở giữa đảo, là một trong những bãi tắm đẹp khi Dolly đi du lịch đảo Quan Lạn vào mùa hè, với vẻ đẹp hoang sơ bãi cát trắng dài mịn, nước trong xanh, những con sóng vỗ rì rào, êm dịu. Buổi chiều thả mình theo làn nước trong mát, ngắm nhìn những em bé tung tăng nô đùa thật yên bình. Duy chỉ có một điều làm Dolly không thích, đó là Sơn Hào là bãi tắm của resort vì thế nếu không thuê phòng ở đây thì khi vào tắm bãi này các bạn sẽ mất thêm tiền phí.

Hải đăng Quan Lạn

Trước đây đảo Quan Lạn là nơi cập đỗ của rất nhiều thuyền buôn đến từ khắp nơi trên thế giới. Vì thế, người Pháp đã cho xây dựng ở đây ngọn hải đăng nhằm xác định vị trí và tọa độ cho các tàu buôn. Đây là ngọn hải đăng được đánh giá là cổ xưa nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Ngọn hải đăng này có thể chiếu xa trong vòng bán kính 40km tạo thành những luồng sáng nhấp nháy liên tục như một vì sao, nếu đi dạo biển vào buổi tối, các bạn có thể dễ dàng thấy được ánh sáng kỳ ảo này.

Đình – Chùa Quan Lạn

Quan Lạn là mảnh đất gắn liền với truyền thống lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Nơi đây có rất nhiều đình, chùa nổi tiếng.

Đình Quan Lạn

Đình Quan Lạn tựa thế năm ngọn núi cao tạo thành hình ngũ nhạc, đình thờ Thành Hoàng làng, các vị tiên công có công lập ấp dựng làng, sau đó thờ Trần Khánh Dư, vị tướng đã có công lớn trong trận đành đoàn thuyền lương giặc Nguyên – Mông. Ngoài ra, đình còn thờ cả Dương Khổng Lộ và “tứ vị thánh nương” là những vị thần được truyền tụng thường che chở cho những người đi biển.

Chùa Quan Lạn

Chùa nằm bên cạnh đình Quan Lạn (hay còn gọi Linh Quang tự), theo hướng Đông Nam. Chùa thờ Phật, công chúa Liễu Hạnh và cụ Hậu. Tương truyền cụ Hậu là một bà lão ở Quan Lạn không chồng con, sinh thời hiền lành, phúc đức, chăm chỉ làm ăn để dành một số tiền của. Cụ đã dâng toàn bộ tài sản của mình cho nhà chùa. Dân làng đã tạc tượng cụ Hậu để tưởng nhớ, hiện là bức tượng dân gian khá đặc sắc còn lưu giữ và thờ trong chùa.

Miếu Quan Lạn

Ở Quan Lạn có bốn ngôi miếu, đó là miếu Cao Sơn, miếu Đức Ông, miếu Sao Ơn và miếu Đồng Hồ. Miếu Sao Ơn, miếu Đức Ông và miếu Đồng Hồ là nơi thờ ba anh em tướng lĩnh họ Phạm đã tham gia chiến đấu trong trận đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII, các ông hy sinh ngay trên vùng biển Quan Lạn, xác trôi dạt vào bờ ở ba nơi: Sao Ơn, Đồng Hồ, bến Đình như vị trí miếu thờ ba ông ngày nay.

Miếu Cao Sơn thờ thần núi, một vị thần mà người dân trong đảo tôn sùng, họ cho rằng nhờ có vị thần này che chở mà đời sống của họ được ấm êm, no đủ.

9. Đảo Cô Tô

Khác với những gì bạn thường nghe kể về hòn đảo hoang sơ, thưa thớt, thị trấn Cô Tô bây giờ cũng sầm uất và đông đúc hơn cách đây chục năm, những ngôi nhà cao tầng, những con đường xi măng trải dài, sạch sẽ.

dia-diem-du-lich-quang-ninh-14

Ở Cô Tô, đi hướng nào cũng gặp biển. Trước đây đảo rất vắng vẻ và hoang sơ nhưng từ hồi điện về với huyện đảo này, thì lúc nào cũng đông khách du lịch tới nghỉ dưỡng, nơi đây còn nổi tiếng với hàng loạt bãi biển đẹp như bãi Tàu Đắm, Hồng Vàn, Vàn Chải, Bắc Vàn, Vòm Si, Vụng Ông Viên và bãi nằm giữa đảo Cô Tô lớn và Cô Tô con. Tuy nhiên, đẹp nhất phải kể đến bãi Hồng Vàn với cát biển trắng mịn trải dài cả cây số, biển sạch và phẳng lì, mặt nước hầu như không có sóng và trong như một tấm gương khổng lồ.

Sau ba ngày tận hưởng không khí trong lành trên đảo, chúng tôi ra về mà lòng còn lưu luyến, Cô Tô không chỉ quyến rũ bởi cảnh đẹp mà còn ở sự thật thà, mến khách của chính những người dân nơi đây, hẹn gặp lại Cô Tô trong những ngày gần nhất!

Vị trí

Cô Tô là một quần đảo nằm ở phía Đông của đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *