Không khó để tìm một món quà hay ho tặng người thân khi ghé An Giang. Chính vì đây là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc cư trú như: Chăm, Khmer, Hoa, Việt,.. với nền văn hóa đa dạng nên mang đậm bản sắc riêng và có sức cuốn hút mạnh mẽ. Đặc sản An Giang tiêu biểu bao gồm:
Mục lục bài viết
- 1. Khô rắn nướng An Phú
- 2. Cốm dẹp An Giang
- 3. Tung lò mò An Giang
- 4. Bò cạp Bảy Núi
- 5. Bún cá Long Xuyên
- 6. Gỏi sầu đâu
- 7. Dưa xoài Cù Lao Giêng
- 8. Mắm Châu Đốc
- 9. Cơm nị – cà púa của dân tộc Chăm Châu Giang
- 10. Bánh canh Vĩnh Trung
- 11. Quả trúc vùng Thất Sơn
- 12. Cháo bò Tri Tôn
- 13. Chè thốt nốt An Giang
- 14. Bọ rầy Bảy Núi
- 15. Bò leo núi Tân Châu
- 16. Bánh phồng cá linh
- 17. Bánh Chăm
- 18. Xôi xiêm Châu Đốc
- 19. Bánh bò thốt nốt Châu Đốc
- 20. Xôi phồng Chợ Mới
1. Khô rắn nướng An Phú
Hôm nay chúng mình cùng tìm hiểu về món rắn khô của An Giang nhé. Bạn nào sợ rắn thì cũng không lo vì món ăn này cực ngon, ngon đến nỗi mà các bạn chỉ muốn ăn hoài và quên mất nó được làm từ… rắn.
Ở An Giang, có nhiều loại thịt khô như khô cá sặc rằn, khô cá lóc, khô cá chạch… nổi tiếng nhất là khô rắn ở xã Vĩnh Hội Đông (thuộc huyện An Phú, An Giang). Khô rắn nơi đây nổi tiếng khắp cả vùng và là thức quà cho người thân, bạn bè.
Thường thì vào mùa nước nổi, rắn ở đây nhiều vô số kể, không chỉ cư dân vùng biên mà cả người dân Campuchia cũng theo nhau săn rắn. Để bảo quản lâu hơn thịt rắn, nhiều chủ vựa rắn đã sáng tạo ra cách làm sạch rắn rồi đem phơi khô. Rắn được chọn chế biến khô thường là rắn nước, rắn bông súng, ri voi, ri cá…
Lúc đầu, người ta chỉ làm để ăn, sau đó thì giới thiệu đến nhiều người nếm thử và hầu hết họ đều thấy khô rắn rất ngon và lạ miệng.
Để làm khô rắn, trước hết phải lọc lấy phần thịt và xương rắn riêng biệt chỉ để lại thịt rắn. Mang thịt rắn đi ướp một ít muối, gia vị vào thịt rắn sau đó đem ép mỏng và phơi qua vài lần nắng (ít nhất là trong ba ngày) để thịt rắn khô hơn. Tuy nhiên để thịt khô rắn ngon thì việc phơi phải đảm bảo kỹ thuật để thân ngoài của rắn tuy ráo hẳn, nhưng bên trong thịt vẫn phải còn tươi. Trong quá trình phơi, thịt sẽ rút bớt nước, bớt mùi tanh và chín ở dạng tái.
Khô rắn phải được nướng trên lửa than liu riu mới ngon. Khi nướng, lửa cần vừa phải để hơi nóng làm thịt chín cả trong lẫn ngoài, tỏa mùi thơm ngọt tự nhiên. Khi thịt chuyển sang màu vàng, mùi thơm bốc lên là có thể ăn được.
Các bạn nên dùng khô rắn kèm với dưa leo, xoài sống, cóc non và chấm với tương ớt và cảm nhận món đặc sản mà chỉ ở những nơi miền sông nước như An Giang mới có.
Ngoài món nướng, các bạn có thể chế biến thành gỏi bằng cách xé nhỏ miếng khô đã chín, trộn với bưởi hoặc dưa leo, với nước tương và ớt vừa ăn, có thể cho thêm ít rau mùi cắt nhuyễn trộn chung để tạo mùi. Còn nếu các bạn thích ăn béo thì còn có thể cho khô rắn (đã được ướp nước mắm trước đó) vào chảo dầu để chiên phồng lên.
Ăn khô rắn ở đâu?
Xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú, tỉnh An Giang là nơi chuyên sản xuất khô rắn; các bạn muốn thưởng thức món ăn này thì hãy ghé qua nhé.
2. Cốm dẹp An Giang
Nghề giã cốm dẹp từ xưa đã là nghề truyền thống ở nhiều làng làm nghề nông của đồng bào Kh’mer Tây Nam Bộ. Với người Kh’mer, đặc sản cốm dẹp còn gắn với lễ hội Ooc-om-boc nổi tiếng (lễ cúng trăng vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm).
Cứ mỗi độ thu về, khi những hạt lúa nếp đầu mùa vừa ngậm sữa căng hạt là lúc thích hợp để người dân địa phương gặt về làm cốm. Thóc nếp được sàng sảy cẩn thận, đem ngâm nước một đêm, tiếp đó phơi khô dưới nắng, sau đó rang chín rồi giã dẹp.
Khác với món cốm đặc sản Hà Nội, cốm An Giang không có màu xanh mát mà là màu trắng ngà.
Theo kinh nghiệm được truyền lại, muốn mẻ cốm dẻo và ngon thì phải rang trong những chiếc om, hay nồi đất làm thủ công. Rang cốm cũng phải khéo, rang quá lâu thì nếp cứng, còn rang nhanh quá thì nếp sẽ sống, khi giã cốm dễ bị nhão.
Lúc giã cốm thì hai người đứng đối diện bên cối, một tay cầm chày, một tay cầm cây gạt, cứ thế vừa giã vừa gạt đến khi hạt nếp dính chày rớt xuống cối. Nếp sau khi giã dẹp được đổ ra nia sàng sảy cho hết trấu rồi cho vào bao kín.
Nghề giã cốm dẹp từ xưa đã là nghề truyền thống ở nhiều làng làm nghề nông của đồng bào Kh’mer Tây Nam Bộ. Đặc sản cốm dẹp cũng thường gắn với lễ hội Ooc-om-boc (lễ cúng trăng vào rằm tháng 10 âm lịch hàng năm).
Với người Khmer, cốm dẹp là món ăn hấp dẫn đầu mùa, là phẩm vật dâng tế thần linh và trời đất. Khi ăn, chỉ cần có cốm dẹp và cơm dừa rám nạo nhuyễn, cho một ít đường cát hoặc đường thốt nốt, một chút nước dừa tươi lên trộn đều, để chừng một giờ để cốm dẻo là có thể ăn được.
Mua cốm dẹp An Giang ở đâu?
Các bạn có thể hỏi món cốm dẹp nếu đến An Giang đúng mùa thu. Sau đây là một địa chỉ dành cho các bạn tham khảo; nếu biết thêm nơi bán nữa thì hãy chia sẻ để mọi người cùng biết.
Xôi phồng Kim Hương – bà Hồng Thu: thị trấn Chợ Mới, An Giang.
3. Tung lò mò An Giang
Người Chăm ở An Giang có một món ăn rất ấn tượng có tên là “Tung lò mò”, tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là một món ngon độc đáo của đồng bào Chăm ở vùng đất An Giang – những người vốn không ăn thịt lợn mà chỉ ăn thịt bò.
“Tung lò mò” hấp dẫn người ăn từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu đến cách chế biến. Thịt bò nạc (thường là thịt lọc xương, nếu có thịt đùi thì là ngon nhất) khi mua về thì lọc bỏ hết gân, rửa sạch cắt mỏng, ướp muối, đường cát trắng, một ít phụ gia và thính (cơm nguội).
Vỏ của “Tung lò mò” chính là ruột bò được lộn mặt trái; cạo rồi rửa nước muối sạch và lộn lại mặt phải; phơi đến khi hơi se mặt rồi đem nhồi thịt ướp vào. Cuối cùng, người ta dùng dây mềm thắt thành từng khúc dài khoảng ba đốt tay, đem phơi chừng 3 nắng là có thể ăn được.
Tung lò mò ngon nhất vẫn là khi đã được phơi 1 – 2 tháng cho thật khô, thịt kết chặt lại. Thưởng thức món này có hai cách, hoặc là nướng hoặc là chiên, cũng giống như lạp xưởng của người Hoa, món này phải ăn nóng mới ngon. Khi ăn “Tung lò mò” phải kèm theo rau sống, chuối chát và chấm muối tiêu vắt chanh thì mới cảm nhận được hương vị độc đáo
Mua Tung lò mò ở đâu?
Mặc dù đây là món ăn của người Chăm nhưng người Kinh đã học được cách chế biến và nó đã trở nên phổ biến ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.
Các bạn có thể ghé qua tiệm Dũng Thảo (số 67 Trần Hưng Đạo, huyện Tri Tôn) – đây là một địa chỉ chất lượng để bạn mua đặc sản về làm quà.
4. Bò cạp Bảy Núi
Miền đất An Giang có nhiều đặc sản độc đáo, trong đó có món bọ cạp vùng Thất Sơn vô cùng nổi tiếng.
Đến đây, bạn sẽ có dịp nhìn thấy những con bò cạp được bán đầy đường (người địa phương thường gọi là “bù kẹp”), to và đen nhánh bò lổn ngổn trong chậu, lúc nào cũng giơ cái đuôi nhọn hoắt và hai càng to kềnh lên như muốn đe dọa mọi người.
Để săn được những con bò cạp thế này, người thợ săn chỉ cần lên núi với một cây cuốc, một cây kẹp và một cái xô. Sau khi lật tảng đá sang một bên, nhìn miệng hang rồi thò kẹp vào là bắt được bò cạp.
Khi bắt chúng về thì cho vào chậu vài ngày để cho “sạch bụng”, rửa sạch rồi cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Chỉ trong chốc lát, bò cạp chín, bốc mùi thơm phức khiến người ăn tò mò.
Khi ăn bò cạp, các bạn nên dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo, vài cọng ngò, và chấm với muối tiêu chanh (hoặc nước tương). Nếu bạn đủ can đảm thì sao lại không nếm thử món ăn thú vị này.
Theo nhiều người tiết lộ, phần bụng của bò cạp là ngon nhất vì ngoài vị của cỏ cây thuốc đọng lại trong bao tử của chúng, thì còn có vị béo bùi đặc trưng mà côn trùng khác không có.
Bọ cạp còn được lấy để ngâm rượu, rượu bọ cạp có giá trị dược tính rất cao; vì thế, những người Kh’mer địa phương thường dùng bò cạp chiên với rượu ngâm bò cạp, vừa chữa được chứng đau lưng, nhức mỏi, đau khớp lại rất ngon miệng.
Mua bọ cạp ở đâu?
Bạn có thể tìm mua bọ cạp ở chợ Tịnh Biên, Châu Đốc. Tại đây, ngoài bọ cạp, bạn có thể tìm được nhiều loài côn trùng độc khác.
5. Bún cá Long Xuyên
Nếu có dịp ghé thăm thành phố Long Xuyên thì các bạn đừng quên thưởng thức món đặc sản hấp dẫn mang tên: bún cá Long Xuyên.
Để nấu bún cá ngon, đầu tiên phải chọn cá lóc tự nhiên (khác cá lóc nuôi) để nấu nước lèo. Khi cá chín thì vớt ra, đầu cá để riêng, thịt cá thì tách lọc hết xương, để ra từng miếng, xào sơ qua với nghệ để khử tanh.
Bún được bày trí trong bát rau nhút bẻ cọng, rau muống bào và thêm ít bắp chuối thái, ăn kèm là một đầu cá lóc nóng hổi, bát nước mắm me. Ăn bún cá Long Xuyên ngon miệng nhất là khi trời gần tối, được thưởng thức tô bún nóng hổi khi đói bụng thì còn gì bằng.
Ăn bún cá Long Xuyên ở đâu ngon?
Ở thành phố Long Xuyên, có rất nhiều nơi bán món bún cá nhưng nhiều và ngon nhất vẫn là dọc theo đường Lê Lợi. Cứ khoảng 12h trưa hàng ngày là các quán bún cá đã được dọn ra bán đến gần 9h tối.
Các quán bún cá ngon nằm trên đường Lê Lợi, quanh hồ Nguyễn Du ở thành phố Long Xuyên. Các quán ở đây có hương vị không khác biệt nhau là mấy, các bạn cứ lựa quán nào đông khách là vô nha.
6. Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu (hay còn gọi là cây xoan) – một loài cây hoang dã, mọc nhiều ở các tỉnh An Giang và Kiên Giang. Đây là loại cây có thân cao và thẳng, không kén đất nên rất dễ trồng. Lá sầu đâu có màu xanh, mới ăn thì đắng, một lúc lâu sau thì cảm thấy ngọt dịu ở cổ; hoa thì ít đắng hơn và có hương thơm.
Trên thực tế có hai loại cây sầu đâu:
- Cây sầu đâu có lá một lần kép, hoa màu trắng, lá và hoa ăn được; đặc biệt lá có nhiều thành phần dược tính, ăn rất tốt cho sức khỏe.
- Cây sầu đâu có lá hai lần kép, hoa màu tím, lá không ăn được vì rất độc.
Trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch năm sau, cây sầu đâu sẽ thay lá và ra hoa – là lúc người dân hái lá sầu đâu (đọt non lẫn nụ hoa) để ăn và để bán. Nếu có dịp ghé chợ Tri Tôn (Châu Đốc, An Giang) vào thời điểm này, bạn có thể mua được từng bó lá, hay hoa sầu đâu về làm quà.
Đây là đặc sản của vùng Bảy Núi, nếu bạn mới ăn lá sầu đâu lần đầu thì sẽ thấy vị đắng, nhưng nếu chịu khó nhai bạn sẽ cảm nhận được dần vị ngọt chảy xuống cuống họng. Người ta thường chế biến lá sầu đâu bằng cách trộn với khô sặt rằn, xoài sống và dưa leo. Ngoài ra cũng có thể trộn với thịt ba rọi và tôm.
Thưởng thức món này rất đơn giản, các bạn chỉ cần chấm với mắm me là có thể ăn được luôn. Hương vị độc đáo của món ăn này là sự kết hợp của vị béo từ thịt, vị ngọt của tôm, vị chua của me chín hòa lẫn vị đắng xen lẫn ngọt của lá sầu đâu. Gấu tin rằng các bạn sẽ nhớ mãi hương vị đặc trưng của loại cây được trồng ở vùng Thất Sơn huyền bí này.
Ăn gỏi lá sầu đâu ở đâu?
Lá sầu đâu được người dân An Giang thu hoạch vào khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 3 âm lịch. Vì gỏi sầu đâu rất phổ biến tại An Giang nên bạn có thể hỏi các nhà hàng tại đây về món ăn này.
Đặc biệt, tại huyện Tân Châu – An Giang; người ta thu hoạch rất nhiều lá sầu đâu để chế biến đặc sản, phục vụ du khách.
7. Dưa xoài Cù Lao Giêng
Gấu xin chào các bạn! Chắc các bạn cũng không xa lạ gì với món dưa xoài hấp dẫn, chỉ cần nghĩ tới thôi là cũng khiến nước miếng ứa ra rồi. Hôm nay mình sẽ tìm hiểu về món dưa xoài có nguồn gốc từ cù lao Giêng – An Giang.
Dưa xoài có nguồn gốc từ cù lao Giêng, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang – nơi quanh năm có hoa trái tươi tốt. Trước đây, cứ đến mùa xoài non rụng la liệt dưới gốc, người dân không khỏi xót xa trước hàng tấn xoài non phải đem bỏ. Một ngày nọ, ông Nguyễn Hoàng Liệt (xã Bình Phước Xuân, Chợ Mới, An Giang) đem xoài non ngâm với nước đường, ăn thấy ngon nên ông mới làm thêm để đem bán cho bà con… Món dưa xoài được ra đời từ đó.
Để làm dưa xoài, người ta chọn những quả xoài non và nhỏ chừng ngón chân cái rồi đem gọt vỏ, xẻ đôi hoặc xẻ tư; bỏ hạt rồi cho vào nước ngâm. Sau đó, đem xoài đi rửa sạch, ngâm muối rồi đem xả một lần nữa trước khi ướp nước đường thắng cùng ớt giã.
Khi xoài đã được ướp xong thì cho vào túi ni lông, cột chặt miệng, đặt trong thùng xốp có nước đá. Sở dĩ dưa xoài ở cù lao Giêng thơm ngon là vì miếng xoài được ướp gia vị đúng liều lượng; đặc biệt, người ta có bí quyết không sử dụng phèn chua hoặc hàn the nhưng vẫn tạo độ giòn nên không gây hại cho sức khỏe.
Hiện nay, dưa xoài cũng đã được bày bán phổ biến, các bạn có thễ dễ dàng mua được tại nơi mình sống. Gấu ghé qua An Giang và dừng chân tại một quán ăn ven đường, thật bất ngờ khi dưa xoài trở thành món khai vị tại đây. Món này được phục vụ miễn phí trong khi chờ đợi món chính được dọn lên. Ăn dưa xoài trước bữa ăn sẽ khiến vị giác được kích thích, các bạn sẽ cảm thấy ngon miệng hơn rất nhiều trong suốt bữa ăn. Độ giòn của từng miếng xoài kết hợp với đủ vị chua, chay, mặn, ngọt khiến ai cũng khao khát, chỉ cần nghĩ tới thôi là ứa nước miếng. Nếu các bạn muốn thưởng thức dưa xoài đậm đà hơn thì có thể chấm vào đĩa muối ớt.
Mua dưa xoài ở đâu?
Dưa xoài có bán rất nhiều ngay tại cù lao Giêng; nếu không có dịp đến với An Giang thì các bạn cũng có thể tìm mua tại chợ hoặc siêu thị gần nhà.
Một số nhãn hiệu dưa xoài uy tín để các bạn tham khảo, nhìn chung thì chất lượng của các hãng không có sự khác biệt nhiều:
- Dưa xoài Hương Giang
- Dưa xoài Trường Giang
8. Mắm Châu Đốc
Mắm Châu Đốc là sản phẩm của người dân Nam Bộ trong thời gian khai hoang lập ấp nơi đây. Thuở ấy, vùng đồng bằng sông Cửu Long đất rộng người thưa, nguồn tôm cá rất dồi dào; nhất là vào mùa nước nổi thì tôm cá ăn không hết nên họ đã tìm ra cách chế biến để sử dụng dần, đó là phơi khô tạo ra món ăn phòng khi mưa gió hoặc khi hiếm cá. Từ đó, mắm Châu Đốc trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng.
Mắm Châu Đốc có nhiều loại như mắm cá lóc, mắm cá sặc, mắm cá trèn, mắm cá linh… mỗi loại mang một nét đặc trưng riêng. Cá được làm sạch vẩy, cho vào khạp (giống cái lu), trộn đều muối, đậy kín sau vài tháng lấy ra trộn với thính (nguyên liệu được chế biến từ gạo rang thật vàng, xay nhuyễn rồi chao đường, ủ lại từ 3 đến 6 tháng). Lúc này cá muối đã trở thành con mắm.
Theo kinh nghiệm trong nghề chế biến mắm của người Châu Đốc thời xưa, cá trước khi chế biến bắt buộc phải được rửa sạch bằng nước sông, không dùng nước mưa hay nước nào khác mới đảm bảo ngon; còn khi chao mắm chỉ được chao bằng đường thốt nốt thì mắm mới có hương vị thơm ngon đặc trưng chính hiệu mắm Châu Đốc.
Mua mắm Châu Đốc ở đâu?
Các bạn có thể tìm thấy rất nhiều loại mắm được bán tại chợ Châu Đốc, mỗi loại đều có một nét đặc trưng riêng và được bán với giá hết sức phải chăng. Nếu muốn mang về làm quà thì các bạn hãy nhờ người bán hàng gói lại cẩn thận.
Chợ Châu Đốc nằm ở đường Bạch Đằng, Châu Phú A, huyện Châu Đốc, tỉnh An Giang.
9. Cơm nị – cà púa của dân tộc Chăm Châu Giang
Dân tộc Chăm Châu Giang (Châu Đốc, An Giang) có nhiều món đặc sản thu hút khách du lịch, trong đó có hai món ăn đặc biệt là cơm nị và cà púa. Hai món ăn này thường không thể tách rời nhau và tạo nên một hương vị thơm ngon, hấp dẫn.
Cơm nị đòi hỏi người nấu phải khéo léo từ khâu chuẩn đến khâu chế biến, trình bày món ăn. Gạo ngon được lựa chọn kỹ càng, đem vo với muối rồi xả sạch. Tiếp đó, người ta đổ gạo ra rổ lớn, lắc cho bớt nước và để ráo. Người ta xào bơ cùng nụ đinh hương, quế cho dậy mùi rồi đổ gạo vào xào cho thấm. Xào gạo xong thì trộn cùng bột hạt điều rang sẵn; sau đó đổ gạo vào hỗn hợp nước (gồm muối, đường, bột ngọt, cà ri đã quấy đều) rồi mới đem đi nấu. Khi cơm gần chín thì rưới nước cốt dừa hoặc sữa vào nồi rồi nấu tới khi chín hẳn. Để tăng khẩu vị lạ hơn, người Chăm Châu Giang còn cho thêm nho khô trộn cùng cơm.
Cà púa là món ăn được người Chăm chế biến từ thịt bò. Người ta khử mùi thịt bò bằng cách đổ rượu và gừng vào để cà púa ngon hơn. Tiếp đến là chọn quả dừa bánh tẻ, nạo sợi nhỏ; một nửa để thắng nước cốt dừa còn một nửa thì đem rang vàng. Sau đó bắc chảo nóng rồi cho thịt bò vào xào cùng dừa khô, cà ri sao cho vừa miệng. Khi thịt bò thấm đều thì rưới nước cốt dừa rồi hầm cho thịt mềm. Cuối cùng đem trộn đều thịt bò với dừa nạo, hành củ, rắc đậu phộng rang giòn lên trên
Món cơm nị – cà púa phải qua những công đoạn cầu kỳ như vậy mới được hoàn thành đấy. Sẽ thật là một thiếu sót lớn nếu các bạn ghé qua An Giang mà không thưởng thức món ăn này.
Ăn cơm nị – cà púa ở đâu?
Cơm nị – cà púa là món ăn của cộng đồng người Chăm sống tại An Giang, giờ đây nó đã phổ biến khắp khu vực tỉnh. Các bạn có thể hỏi những nhà hàng ở vùng Châu Đốc về món ăn này nhé.
10. Bánh canh Vĩnh Trung
Đến vùng Bảy Núi, An Giang; bạn hãy dành chút thời gian để thưởng thức món đặc sản dân dã nổi tiếng phố núi Tịnh Biên mang tên: bánh canh Vĩnh Trung.
Điều đặc biệt, bánh canh được chế biến từ chính hạt gạo Nàng Nhen (Gạo Neang Nhen) – thứ gạo đặc sản của người Kh’mer Nam Bộ. Đây cũng là món ăn do cô Neang Oanh Na sáng tạo ra nên món bánh canh này cũng có tên là bánh canh Neang.
Bánh canh Neang có điểm khác biệt so với các loại bánh canh bởi cọng bánh không tròn mà lại dẹt và rất dẻo dai. Nước súp được ninh nhừ từ xương lợn, xương gà, cá đồng, tôm hòa quyện, thấm đậm ớt cay, ngò gai, lá hành đã tạo ra hương vị đậm đà khó quên. Bên cạnh đó, bánh canh Neang còn độc đáo ở chỗ nước mắm chấm đặc chế đậm đà.
Để thỏa mãn khẩu vị của nhiều người, hàng loạt món bánh canh cá, tôm, canh gà và nay là bánh canh thập cẩm cá tôm, giò heo, gà đã lần lượt được chế biến ra. Món bánh canh ngon và lạ miệng này được bán với mức giá phải chăng nên sớm được các hàng quán ở Vĩnh Trung phổ biến thành món ăn đại trà phục vụ du khách và người dân bản địa. Sau một thời gian, món bánh canh Neang được gọi chung bằng cái tên là bánh canh Vĩnh Trung.
Ăn bánh canh Vĩnh Trung ở đâu?
Đến với xã vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, An Giang; các bạn hãy ghé qua chợ Vĩnh Trung để thưởng thức món bánh canh độc đáo nơi đây. Không khó để tìm thấy hàng quán bán món ăn phổ biến này; tuy nhiên, Gấu đã có dịp ăn tại quán Út Oanh Na và thấy rất ổn, các bạn cũng nên tham khảo nhé.
Địa chỉ bánh canh Vĩnh Trung Út Oanh Na: Các bạn đi qua chợ Vĩnh Trung chừng 300m, quán nằm ngay bên tay phải.
11. Quả trúc vùng Thất Sơn
Ngày nay, cây trúc đã không còn phổ biến tại vùng Thất Sơn, An Giang; chỉ còn một số ít nhà vẫn bảo tồn được cây trúc. Vì vậy, các bạn hoàn toàn có thể đến tham quan và chiêm ngưỡng cây trúc, thưởng thức những món chế biến từ lá và trái trúc nhưng không được mua về.
Cây trúc gần giống cây chanh, cây cho quả có lớp vỏ xù xì và nước cốt chua hơn nước chanh. Bên cạnh đó, lá trúc cũng to hơn lá chanh, mùi nồng hơn lá chanh và vị cũng gắt hơn. Lá và quả trúc còn là những nguyên liệu đặc biệt và rất quan trọng trong một số món đặc sản vùng An Giang.
Về sóc Tà Hu, ấp Tô Thuận và xã Núi Tô (Tri Tôn) hiện còn có một số nhà còn bảo tồn cây trúc bởi cây này hiện không dễ tìm. Nhiều năm gần đây, khi phong trào chơi cây cảnh phát triển, nhiều người đã săn lùng cây trúc cổ thụ khiến cho giống cây này chỉ còn lại những cây nhỏ.
Ở sóc Tà Hu, có lẽ chỉ còn nhà ông Chau Runl là còn giữ được cây trúc độ 10 năm tuổi. Người đàn ông này vẫn lưu giữ cây trúc với lý do dùng làm thuốc và cho bà con trong sóc nấu các món ăn truyền thống.
Trước đây trong xóm này, nhiều gia đình thường trồng vài cây trúc trước sân để lấy quả hoặc lá nấu ăn. Chỉ cần bứt một lá trúc rồi vò nhẹ đưa lên mũi ngửi bạn sẽ cảm nhận được hương trúc thơm ngây ngất.
Ăn đặc sản chế biến từ trúc ở đâu?
Nhà hàng Bảo Giang 2 có món gà hấp lá trúc, nhà hàng năm tại Đường Trần Hưng Đạo, phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Ngoài ra, các bạn cũng có thể về sóc Tà Hu, ấp Tô Thuận và xã Núi Tô (Tri Tôn) để chiêm ngưỡng và thưởng thức đặc sản được chế biến từ lá và trái trúc do người dân địa phương chế biến.
12. Cháo bò Tri Tôn
Nếu về miền Tây, các bạn đừng quên thử qua các món cháo; đặc biệt là món cháo bò vùng Tri Tôn hoặc Tịnh Biên (An Giang) – những nơi có đàn bò đông nhất tỉnh, đa phần là bò bản địa nên thịt ngon, nhiều nạc.
Để có một bát cháo bò ngon phải chọn được thịt bò bản địa (bò nuôi tại vùng Bảy Núi), đặc biệt bộ lòng phải làm thật kỹ và sạch. Cháo muốn ngon thì phải được nấu trên bếp than hồng; bộ lòng luộc chín phải để riêng ra.
Các bạn nên ăn chậm rãi để có thể cảm nhận được rõ vị ngon của món ăn này. Ngoài ra, các bạn hãy thử gắp ít lá lách chấm vào bát nước mắm gừng, hay miếng gan bùi và lát tiết luộc vừa mềm vừa ngọt.
Để hương vị thêm đậm đà, bạn có thể dùng kèm với giá đỗ và rau thơm, đặc biệt là trái trúc, một loại trái đặc hữu của vùng Tịnh Biên và Tri Tôn, bề ngoài trông giống như trái chanh nhưng trái trúc nồng, the hơn nhiều.
Ăn cháo bò Tri Tôn ở đâu?
Các bạn muốn thưởng thức cháo bò thì hãy ghé qua thị trấn Tri Tôn hoặc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ở mỗi nơi, cháo bò lại mang một hương vị đặc trưng khác nhau.
13. Chè thốt nốt An Giang
Trái thốt nốt có lẽ là một món xa lạ với nhiều bạn nên hôm nay mình xin phép giới thiệu một món ăn được chế biến từ nó: Chè thốt nốt An Giang. Bạn nào chưa từng ăn thì cũng nên thử cho biết nhé, đảm bảo nghiền luôn; tiện thể được du lịch vùng đất An Giang giàu đẹp nữa.
Những tán cây thốt nốt chính là hình ảnh gắn bó với người miền Tây từ bao đời nay; người dân nơi đây làm ra được nhiều món từ trái thốt nốt như nước thốt nốt ướp lạnh, đường thốt nốt, bánh bò thốt nốt và các món chè độc đáo khác, đặc biệt là chè thốt nốt nước cốt dừa.
Nhìn bề ngoài thì quả thốt nốt trông giống quả dừa nhưng nếu nhìn xa thì màu tím của vỏ trái sẽ khiến bạn liên tưởng đến trái măng cụt, bên trong có nhiều múi. Để nấu chè thốt nốt, người ta phải tách lấy vỏ ngoài bọc múi thốt nốt để lấy phần cơm dẻo trong suốt của quả.
Nấu chè thốt nốt cũng đơn giản, chỉ cần nấu tan đường thốt nốt để lấy vị ngọt, đem khuấy cùng nước cốt dừa để được một thứ hỗn hợp sền sệt rồi cho cùi thốt nốt vào là được cốc chè thơm ngon.
Chè thốt nốt sẽ ngon hơn khi dùng lạnh và kèm một chút thạch dừa. Lần đầu tiên được ăn trái thốt nốt, Gấu thấy rất ngon và đã chén liền một lúc 3 cốc trước khi lên đường. Kết quả là no căng đến tối khỏi ăn cơm.
Hiện nay, món chè thốt nốt đã trở nên phổ biến; các bạn có thể thấy món ăn này được bán ở bất cứ đâu nhưng cái cảm giác được ngồi dưới một ngôi nhà mái lá đơn sơ, thưởng thức sự mát lạnh của chè thốt nốt ở chính miền đất An Giang – quê hương của nó thì tuyệt hơn nhiều.
Các bạn có thể tìm thấy món chè này ở bất cứ đâu khi đến An Giang.
14. Bọ rầy Bảy Núi
Nếu các bạn chưa từng biết loài bọ rầy thì chắc chắn khi nghe đến món bọ rầy cũng đã cảm thấy “sợ hãi không muốn ăn” chút nào. Với người dân sinh sống ở vùng Bảy Núi, An Giang thì bọ rầy lại là món ăn “độc chiêu hút khách” của nhiều quán nhậu.
Cứ vào cơn mưa đầu mùa, khi mà cây rừng đâm chồi nảy lộc thì cũng là thời điểm loài bọ rầy sinh sôi.
Bọ rầy giống bọ hung, to cỡ ngón tay cái, màu nâu cánh gián, thân ngắn, bộ chân rất cứng nhưng thân mềm và tròn. Để chế biến món ăn này hoàn toàn không khó. Đầu tiên, ngắt bỏ cánh cứng rồi rửa sạch, moi ruột, rửa sạch bằng nước muối pha loãng. Sau đó để bọ rầy cho ráo, đem chiên hoặc xào.
Ngoài ra, một món ăn được chế biến từ bọ rầy khác mà các bạn có thể tham khảo, đó là dồn thịt ba chỉ băm nhuyễn hay nhét thêm đậu phộng đem chiên giòn. Món bọ rầy chiên giòn thường được ăn kèm với rau sống, cà chua cắt lát, cải xà lách, rồi chấm với tương ớt, muối ớt chanh.
Mua bọ rầy ở đâu?
Loại côn trùng này được bày bán nhiều ở các chợ Nhà Bàng, chợ Văn Giáo, An Hảo hay chợ thị trấn Tịnh Biên và các chợ miền núi huyện Tri Tôn.
15. Bò leo núi Tân Châu
“Bò leo núi” lâu nay đã trở thành món ăn nổi tiếng độc đáo tại Tân Châu, An Giang. Sở dĩ độc đáo bởi cách tẩm ướp, chế biến món này không hề giống món bò nướng trong ẩm thực người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long.
Mới nghe chắc hẳn bạn sẽ nghĩ đây là giống bò được nuôi ở vùng núi, thịt rắn chắc; nhưng thực tế chúng vẫn chỉ là thịt bò được bán tại chợ thông thường, chỉ khác biệt ở cách chế biến.
Miếng thịt được cắt dày hơn so với các món bò nướng khác. Thịt được ướp bằng hỗn hợp trứng gà tươi khuấy đều, còn vỉ nướng thì được làm bằng gang; có một hình tròn nhô lên ở giữa vỉ hình quả núi nên người ta gọi món ăn này là “bò leo núi”.
Trước khi ăn, người ta cho một miếng mỡ lợn to lên trên bếp than hồng, sau đó phết lên một ít bơ vàng lên thịt bò, trứng và bơ hòa quyện thấm dần vào miếng thịt tạo nên hương thơm ngọt lịm. Điều đặc biệt là dù có để miếng thịt trên bếp bao lâu thì thịt cũng vẫn không bị dai, cứng mà luôn mềm mại, ăn rất vừa miệng.
Sau khi thịt được nướng xong, người ăn dùng kèm với bánh tráng và rau sống, chuối chát… rồi chấm với chao hoặc mắm pro-hốc*.
Đây là món ăn kết hợp giữa văn hóa ẩm thực của người Kinh và người Kh’mer Nam Bộ. Sẽ thật là đáng tiếc nếu như bạn ghé qua vùng đất này mà không thưởng thức món “bò leo núi”.
(*Mắm pro-hốc: Hay còn gọi là mắm bò hóc, mắm prahok; một loại mắm được làm từ cá nước ngọt bởi người Kh’mer Nam Bộ)
Ăn bò leo núi ở đâu?
Các bạn có thể hỏi những quán ăn tại miệt Tân Châu, An Giang về món bò leo núi. Các bạn có thể hỏi người dân địa phương về những quán có bán món ăn này.
16. Bánh phồng cá linh
Các bạn chắc đã quá quen thuộc với bánh phồng tôm rồi nhỉ, thế còn bánh phồng… cá linh thì sao; nó là một đặc sản nổi tiếng tại An Giang đấy.
Cá linh là một đặc sản dẫn dã của người dân miền Tây. Mỗi năm, cá linh chỉ xuất hiện một lần vào mùa lũ từ cuối tháng 8 cho đến tháng 11. Đầu mùa chính là thời điểm cá ngon nhất bởi khi đó cá chưa quá lớn nên xương chưa cứng, bụng cá có mỡ nên ăn rất béo. Cá linh có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như đem kho lạt, kho khô, kho mía, kho bứa, làm chả, nấu canh chua bông điên điển… và được chế biến thành bánh phồng.
Để làm ra những chiếc bánh phồng ngon, người ta phải chọn con cá linh non còn tươi; cắt đầu đuôi, moi bỏ ruột, rửa sạch rồi để ráo nước rồi mới cho vào cối giã nhuyễn. Cá linh được trộn vói lòng trắng trứng và bột mỳ ngang theo tỷ lệ nhất định, nêm các loại gia vị tỏi, hành, bột ngọt, nước mắm, muối đặc biệt là tiêu sọ trộn đều. Cuối cùng, người ta đem gói kín như bánh tét, cho vào bọc nylon bịt kín, hấp cách thuỷ rồi đem ra để nguội, dùng dao cắt từng lát mỏng phơi khô khoảng bốn nắng là được.
Khi ăn, các bạn chỉ cần bắc chảo nóng lên và cho từng miếng bánh phồng vào chiên như bánh phồng tôm. Các bạn cũng nên lưu ý chiên vừa đủ chín, tức là bánh ngả vàng là gắp ra luôn, để cháy quá ăn sẽ mất ngon và không tốt cho sức khỏe.
Mua bánh phồng cá linh ở đâu?
Cá linh chỉ xuất hiện đầu mùa lũ, từ tháng 8 đến tháng 11; nếu bạn đến An Giang vào đúng thời điểm này sẽ mua được những mẻ bánh phồng tươi mới. Các bạn có thể tìm mua tại chợ Tịnh Biên, An Giang.
Cô Út Gái ở chợ Tịnh Biên, An Giang chuyên làm bánh phồng cá linh chia sẻ: năm nào cá linh hiếm, có người dùng bột mì ngang nhiều hơn hoặc trộn thêm thịt cá cóc, nên bánh nướng ra không xốp, không nở.
17. Bánh Chăm
Các bạn đã bao giờ ăn bánh Chăm chưa?
Đến huyện An Phú, các bạn sẽ thấy những chiếc bánh màu vàng mỡ gà có hình dáng kỳ lạ, đó là bánh “ha nàm căn” và bánh “cô ăm” – hai loại bánh dân dã của dân tộc Chăm ở An Giang.
Để làm bánh “ha nàm căn”, người ta dùng bột mì trộn với trứng vịt, đánh đều tay cùng đường thốt nốt. Sau đó, đặt chảo nhôm dày lên bếp lửa cháy đỏ rực; đợi chảo nóng thì phết một lớp dầu, rồi đổ hỗn hợp bột trên vào, rắc thêm lớp mè rang thơm và đậy kín lại bằng chiếc nắp đất nung nhỏ.
5 phút sau khi bánh chín, người ta xúc chiếc bánh có hình tròn cỡ lòng bàn tay, chóp nhọn theo núm nắp vung ra mâm.
Còn bánh “cô ăm” thì được làm bằng bột gạo xay nhuyễn trộn với đường thốt nốt, cũng đem nướng như bánh “ha nàm căn”. Khi bánh chín, có màu trắng, ăn không béo.
Thưởng thức bánh Chăm dân dã như một cách gợi nhớ thời ấu thơ của mình với những chiếc bánh quê của người Kinh ở miền Tây Nam Bộ.
Ăn bánh Chăm ở đâu?
Làng Chăm Đa Phước, xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang là nơi dân tộc Chăm sinh sống. Bạn có thể tìm thấy món bánh Chăm ở đây.
18. Xôi xiêm Châu Đốc
Có nguồn gốc từ Thái Lan, xôi Xiêm được du nhập vào miền Tây Nam Bộ từ những năm 70 bởi một người Thái gốc Việt. Món xôi này có vị ngọt, béo ngậy, mùi thơm rất lạ, vì thế nó nhanh chóng trở thành một món ăn được nhiều người ưa chuộng và là một trong những món ăn đặc sắc của vùng Châu Đốc, An Giang.
Xôi Xiêm chế biến không phức tạp nhưng cần có kinh nghiệm chế biến cùng sự khéo léo, nhất là nguyên liệu phải đảm bảo là gạo nếp Thái, bột mỳ, trứng vịt và đường thốt nốt.
Gạo nếp đem vo sạch, để ráo rồi lấy một phên lá chuối đặt vào xửng hấp bằng tre, nhôm hoặc inox rồi đồ trong khoảng 1 giờ. Nếu muốn xôi có vị thơm ngọt thì người nấu sẽ cho lá dứa vào trong nồi nước.
Để làm nước sốt cho xôi; người ta sẽ đập trứng trong tô sứ, thêm một chút bột mỳ, nước dừa tươi và đường thốt nốt, đánh tan đều rồi bỏ vào hấp cách thuỷ khoảng 30 phút. Pha một chút nước dừa tươi với bột năng, ít sầu riêng để chế biến nước cốt dừa.
Khi ăn xôi Xiêm, người ta xới xôi ra đĩa và rưới nước sốt và cốt dừa lên trên. Nếu món xôi chín tới, nước sốt có vị ngọt, ngậy không béo, có mùi thơm đặc trưng thì món xôi đó đã thành công.
Ăn xôi Xiêm ở đâu?
Xôi Xiêm hiện nay được bán nhiều ở chợ Châu Đốc và trở thành một món quà sáng quen thuộc của người dân nơi đây. Các bạn muốn thưởng thức món xôi này thì chỉ cần đến chợ Châu Đốc là có thể tìm thấy.
19. Bánh bò thốt nốt Châu Đốc
Đến với Châu Đốc, ngoài những đặc sản mắm làm nên thương hiệu của vùng thì nơi đây còn nổi tiếng với món bánh bò thốt nốt khiến ai ăn cũng phải gật gù khen ngon.
Theo kinh nghiệm của người bán bánh địa phương, để làm ra ổ bánh bò ngon khá là kỳ công và phải tuân thủ theo đúng quy trình.
Trước tiên, gạo phải là gạo nàng Nhen cũ, xay thành bột; rồi đem mài trái thốt nốt già chín, gạn lấy bột. Đường thốt nốt nên chọn loại đường tán, không lẫn tạp chất. Cho hỗn hợp trên vào thau trộn đều cùng ít nước với tỷ lệ vừa đủ, ủ kín qua đêm. Người ta cho thêm một ít nước cơm rượu vào để bột lên men nhanh, khi hấp chín, bánh xốp mới thơm ngon.
Sau đó, người ta dùng vá đổ bột vào khuôn tròn hay vuông, hấp chừng 20 phút; khi bánh chín thì rắc một ít dừa nạo và dùng “lá soong” – loại lá đặc biệt ở vùng Châu Đốc, hoặc lá chuối xiêm gói bánh lại là xong.
Khi ăn, các bạn sẽ cảm nhận được vị xốp của bánh, ngọt béo của đường và nước cốt dừa, hòa lẫn mùi thơm đặc trưng của đường thốt nốt.
Bánh chỉ sử dụng được trong ngày, nếu để tủ lạnh thì các bạn có thể bảo quản cả tuần. Khi ăn thì chỉ cần đem ra hấp nóng là có thể dùng được luôn.
Mua bánh bò thốt nốt ở đâu?
Bánh bò là một món ăn phổ biến tại vùng An Giang; các bạn có thể tìm mua bánh bò ở chợ Châu Đốc, An Giang.
20. Xôi phồng Chợ Mới
Bữa ghé qua An Giang, mình vô chợ Mới xem có gì ngon không, ăn cho đỡ đói. Tình cờ, mình phát hiện ra một món, chính xác là một quả trông kỳ cục lắm; hỏi người bán hàng mới biết đây là: xôi phồng – đặc sản chợ Mới An Giang.
Ai chưa có dịp được thưởng thức thì mình cùng tìm hiểu một chút về món ăn này nhé.
Xôi nếp được người ta chiên cho nở phồng lên sẽ được món xôi phồng; tuy chỉ là món ăn chơi nhưng lại không thể thiếu trong mỗi dịp lễ Tết của người dân An Giang.
Đậu và nếp được hấp chín như nấu xôi truyền thống rồi được giã nhuyễn, cho thêm chút dầu ăn vào để chống dính và tạo độ bóng. Sau khi giã xong, người ta cho xôi vào khay hoặc quấn lại thành cuộn tròn để bảo quản trong tủ lạnh.
Khi ăn, chỉ cần cắt từng khoanh vừa ăn rồi chiên với dầu nóng tới khi xôi phồng to, ngả màu vàng ươm là được. Công đoạn này cũng rất quan trọng, nếu chiên hơi quá tay một xíu là mất ngon, lại còn không tốt cho sức khỏe nữa.
Xôi phồng Chợ Mới có thể chấm với tương ớt, xì dầu hoặc ăn không cần nêm nếm. Người ta thường dùng kèm với gà quay để món ăn thêm phần đậm đà. Gấu thực sự đã ăn rất nhiều mà không hề thấy ngán, vì xôi là món “tủ” mà.
Các bạn tham quan An Giang thì nên ghé qua chợ Mới thưởng thức món xôi phồng nhé, vừa ngon lành lại vừa no lâu.
Ăn xôi phồng ở đâu?
Các bạn hãy ghé qua quán xôi phồng Kim Hương – bà Hồng Thu: thị trấn Chợ Mới, An Giang. Mình ăn ở quán này và thấy khá ngon, các bạn cũng tham khảo nhé.
Bạn nào biết ở đâu bán xôi phồng ngon hơn thì hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!