8 đặc sản Hậu Giang – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Luôn được nhắc đến với các món ăn dân dã miền sông nước, Hậu Giang là mảnh đất của những nụ cười và những con người đôn hậu, khoáng đạt. Tại đây những món ăn luôn để lại cho du khách sự “lạ” bởi hương vị hấp dẫn đến mê người.
Vậy những món đặc sản Hậu Giang nổi tiếng đó là những gì? Xem và lưu lại cho mình và gia đình cùng tham khaỏ nhé!

1. Bánh xèo bông điên điển

Nhắc đến bông điên điển là nhắc đến dòng kênh Xà No nước xanh chảy ngang qua lòng thành phố này, nơi bắt nguồn từ tiếng Khmer là Sok Snor có nghĩa là xóm cây điên điển. Đây là loại cây có hoa vàng nở rộ vào mùa lũ, thường được dùng làm dưa, nấu canh, làm nhân bánh cho vị ngọt đặc biệt.

Sau khi hái bông điển điển về, bạn đem rửa sạch rồi để ráo nước trước khi chế biến. Củ sắn gọt sạch, cắt sợi nhuyễn, vắt bỏ nước cho khô. Bột làm bánh xèo được chọn là bột gạo.

Người dân miền Tây thường hay vắt nước cốt dừa khô để trộn chung với bột. Bột pha nước sao cho khi nhúng chiếc đũa vào là có thể nhấc lên bột nhỏ chậm từng giọt là đạt yêu cầu. Muốn bột ngon, người ta còn quấy thêm một trứng vịt vào cùng, rồi đào nghệ ngoài vườn giã nhuyễn vắt lấy nước cho vào bột tạo màu vàng tươi vô cùng đặc trưng. Người ta cũng cắt nhuyễn hành lá thả vào, nêm muối, bột ngọt để tăng thêm vị đậm đà của bánh.

Thịt heo cắt nhỏ bỏ xào chín, nêm vừa miệng rồi mới xúc ra bát. Tiếp đó, bắt chảo lên bếp để chiên bánh, thoa đều mỡ rồi múc từng chén bột đổ nhanh tay vào sao cho nghe thấy tiếng xèo xèo vui tai, và đó cũng là lí do dân gian vẫn gọi bánh chiên này là bánh xèo.

Để bánh xèo bông điên điển ngon thì người chiên bánh phải có kinh nghiệm để chiên sao cho vỏ bánh mỏng mà giòn, không khét. Vỏ bánh khi chín thì cho nhân thịt, củ sắn và một chút bông điên điển vào rồi úp nửa bánh lại. Tiếp đó, người ta đập nắp lại để hơi nóng làm cho nhân củ sắn và bông điển điển vừa chín là ngon. Khi bỏ ra ăn thì cần nhẹ tay lấy bánh bỏ ra đĩa, xếp cách nhau bởi những miếng lá chuối xiêm nhỏ.

2. Bún gỏi dà Hậu Giang

Nghe tên bún gỏi dà có thể nhiều người sẽ thấy khá lạ lẫm, nhưng thực tế loại bún này cũng khá giống bún mắm thường gặp ở nhiều địa phương khác.

Tuy nói bún gỏi dà giống bún mắm, nhưng thực tế vị của nó lại hoàn toàn khác nhau xa. Hai loại bún này về bản chất đều có chung nguyên liệu là mắm cá, (mắm cá linh). Bún gỏi già thường phải nấu chung với me thì mới cho ra vị nước lèo chua ngọt hấp dẫn, mà ăn lại không hề cảm thấy ngán chút nào.

Thông thường, bún gỏi dà thường ăn chung với các loại tép như tép bạc, tép lột, tôm sú lột thì là ngon nhất. Tất cả những con tép đỏ au sau đó đều được lột vỏ kỹ trông sẽ trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết.

Bún gỏi dà chua ngọt có thể ăn ghém cùng với rau muống và bông chuối bào, và không thể thiếu hẹ. Nếu không có cọng hẹ thì bát bún gỏi dà coi như mất hẳn đi vị ngon cần có. Bên cạnh đó, không thể thiếu được bát nước cốt mắm cá linh nguyên chất thơm và đậm đà. Nếu có dịp về Mỹ Tho, bạn nhớ đừng quên thử thưởng thức món bún gỏi dà đặc biệt này.

3. Khóm Cầu Đúc

Trải qua hơn một trăm năm, cây khóm (còn được gọi là cây dứa) – đặc sản của vùng Cầu Đúc, là loại cây trồng chủ lực của người dân xã Hỏa Tiến, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, nay đã trở thành đặc sản có trên thị trường cả nước.

Nếu bạn về Hỏa Tiến vào mùa thu hoạch khóm trái vụ, bạn sẽ được chứng kiến một khung cảnh nhộn nhịp của bà con nơi đây. Tuy được trồng nhiều, nhưng chỉ có khóm ở đây mới có giá trị bởi khóm ở vùng Xà Phiên – Long Mỹ, Giồng Riềng – Kiên Giang thì vị rất chua. Theo người dân địa phương, có thể do đất Hỏa Tiến vừa bị nhiễm mặn, nhiễm phèn, nên lại phù hợp với giống khóm này, nên nó có vị ngọt thanh đặc trưng hơn khóm các nơi khác.

Vùng đất nhiễm mặn, phèn nơi đây vốn chỉ trồng được ba loại cây là khóm, tràm và mía; mía thì giá không ổn định, cây tràm thì phải chục năm mới thu hoạch được, riêng cây khóm thì lại dễ trồng. Theo kinh nghiệm cho thấy, cứ vào đầu vụ thì người dân thường rải phân lạnh, ốp gốc đầy. Từ khóm Cầu Đúc, người dân nơi đây đã sáng tạo ra các món đặc sản đa dạng, phong phú như khóm ăn sống tráng miệng, mứt khóm, gà hấp khóm, lagu khóm… không chỉ độc đáo mà còn rất ngon miệng.

4. Cháo lòng Cái Tắc

Nếu bạn đã từng tới Hậu Giang, chắc chắn khi đi ngang qua chợ Cái Tắc thì hãy ăn thử một bát cháo lòng cho biết đặc sản nơi đây ngon miệng đến mức nào. Thường các quán cháo lòng Cái Tắc mở cửa từ sáng sớm đến tận tối khuya. Nếu bạn đến từ phương xa thì hãy chọn nơi đây làm điểm dừng chân, ăn bát cháo cho ấm bụng rồi hãy tiếp tục cuộc hành trình.

Nhìn bát cháo được bưng ra bàn, thực khách như cảm thấy say mê đắm đuối trong một bát cháo rất “hào phóng” các loại tim, gan, lưỡi, cật… được nấu lỏng chứ không đặc như các nơi khác.

Cháo lòng là một món điểm tâm bình dân phổ thông của người miền Tây. Bát cháo lòng nơi này khá ngon, nhưng thương hiệu lại chưa được phổ biến rộng rãi. Cháo lòng Cái Tắc (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) xuất hiện từ hơn ba chục năm nay.

Cháo cũng được làm từ gạo, tim, gan, phèo, phổi, thịt lợn nạc nhưng lại có một hương vị đậm đà, thơm ngon. Những miếng lòng trong tô cháo thường được cắt dày, khi ăn sẽ cảm thấy vị ngọt của động vật xen lẫn vị chát, đắng, ngọt, giòn của rau đắng biển, rau má, bắp chuối và giá sống.

Cháo lòng Cái Tắc ngon ở nước chấm, đó là nước mắm nhĩ với vài lát ớt tươi hay ớt ngâm dấm, và một ít nước cốt chanh. Trên các bàn của quán ăn thông thường đều có đĩa bánh củ cải để bạn có thể xé bánh, cho vào bát ăn thêm.

Người dân địa phương thường ăn cháo chung với bún sợi nhỏ. Bạn hãy tưởng tượng cảnh ngồi húp từng thìa cháo, nhai mấy miếng lòng chấm với nước mắm chua cay kèm các loại rau ghém…

Chỉ cần bạn ghé một quán cháo ở ngay chợ Cái Tắc, tuy món ăn này đã có ở khắp miền Tây nhưng chỉ khi được ngồi ăn trong một quán cũ kỹ, ám khói thì bạn mới cảm nhận được trọn vẹn hương vị thơm ngon của cháo nơi này.

5. Bưởi Năm Roi trà Phú Hữu

Bưởi Năm Roi trà Phú Hữu là những loại đặc sản được trồng nhiều ở địa phận xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tuy vậy, bưởi nơi này rất khác với loại bưởi Năm Roi dây được trồng nhiều ở Phong Hòa, Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Bưởi năm roi trà Phú Hữu thường cho trái to, núm xổm cao, da sần màu hơi vàng, cuống trái lớn, phần lá nhỏ có hình trái tim, múi bưởi khi chín trông rất đầy đặn, và đặc biệt là không có hạt; màu vàng mỡ gà, vị ngọt thoảng chua thanh, mọng nước, không đắng. Khi ăn, bạn có thể chấm bưởi Năm Roi với muối ớt, muối tiêu sọ thật cay khi đó bạn sẽ cảm nhận vị ngọt xen lẫn vị chua rất dịu.

Bưởi Năm Roi dây thường cho trái ở ngoài chót nhánh, còn bưởi Năm Roi trà vùng này thì có trái tập trung ở thân cây. Ngoài ra, bưởi Năm Roi dây có trái thường  nhỏ hơn, núm gom nhọn, da bóng màu xanh, cuống nhỏ; còn bưởi nơi này khi chín múi rất đầy đặn, không hạt.

Bưởi Năm Roi trà luôn cho trái lớn, vỏ vàng đẹp và có giá trị cao. Bên cạnh đó, loại rượu bưởi nổi tiếng mang tên ghép với tên địa phương Phú Hữu cũng rất được ưa chuộng.

Ngày nay, người dân địa phương trồng rất nhiều bưởi Năm Roi trà do đây là giống cây trồng tập trung, dễ đầu tư kỹ thuật, trái chất lượng cao… phù hợp không chỉ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa mà còn để xuất khẩu.

6. Cá thác lác Hậu Giang

Thác lác là một loại cá phổ biến ở lưu vực sông Cửu Long, nhưng chỉ thực sự được nhiều người biết đến khi có sự xuất hiện của cá thác lác cườm (hay có tên gọi khác là thác lác còm, đặc điểm nhận dạng là có chấm tròn như hạt cườm dọc theo vảy bụng).

Thác lác thường nặng chừng 40g/con và xuất hiện nhiều ở các địa phương như Vị Thủy, Long Mỹ, và thị xã Vị Thanh, trong đó nổi bật nhất là món thác lác chiên sả ớt. Để làm món ăn này, đầu tiên bạn phải đánh sạch vẩy, khứa nhẹ chéo theo chiều ngang hai bên thân cá, rồi ướp muối, bột ngọt, sả ớt băm nhuyễn. Khi đã thấm chừng mười phút, bỏ cá vào chảo nhiều dầu chiên đến khi dậy mùi thơm là được.

Món ăn cá thác lác ngon và đúng cách thường rất đơn giản: tách thịt cá khỏi xương sống, gắp từng miếng nhỏ rồi chấm nước mắm ớt, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của cá, khi nhai sẽ nhận được vị ngọt của thịt cá lan khắp đầu lưỡi.

Ngoài ra vẫn còn có một số món ăn được làm từ việc cạo cá thác lác thành bột dai mang tên cá thác lác tơ hồng. Sau khi chặt đầu cá, bạn cầm nghiêng dao tách miếng cá khỏi bộ xương, cạo một đường lấy sạch thịt cá khỏi da rồi cho vào bát đã chế nước muối, lăn rồi trộn đều với giò sống cùng một ít gia vị đem vò thành từng viên tròn. Cho mì sợi vào xửng, hấp chín, chiên vàng là đã có thể thưởng thức được.

7. Quýt đường Long Trị

Giống như nhiều loại đặc sản khác, quýt đường cũng là một loại trái cây nổi tiếng lâu đời của vùng đất Long Trị, Hậu Giang. Quýt đường thường cho trái to, vỏ mỏng, mọng nước, vị ngọt thanh, thơm và để được lâu, đặc biệt được nhiều người ưa chuộng.

Cây quýt đường có mặt ở xã Long Trị, huyện Long Mỹ từ năm 1947, đến nay được nhân rộng thành những vườn cây trái bạt ngàn, luôn cho nhiều trái bởi địa hình nơi đây nằm ven sông Cái Lớn nên được phù sa bồi đắp. Nhiều năm nay, người dân thường xuyên đưa cây quýt đường Long Trị góp mặt nhiều nơi, trong nhiều hội chợ và loại trái cây này đã chinh phục được cả những khách hàng khó tính, dần trở thành một thương hiệu của nơi đây với người dân xứ Bắc.

Quýt đường Long Trị được trồng theo phương pháp ghép cành dễ dàng cho trái chỉ trong 3 năm, nhưng tuổi thọ lại thường ngắn. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn cây quýt đường nơi đây được các nhà vườn trồng rộng rãi theo phương pháp ươm hạt, cho trái sau 5-7 năm nhưng khi đã cho trái thì cây quýt lại tuổi thọ kéo dài đến 30-50 năm.

Thường cây quýt đường cho thu hoạch vào thời gian tháng 7-10 âm, nhưng nhờ tận dụng được ứng dụng của tiến bộ của khoa học kỹ thuật nên cây cho trái vào được cả dịp Tết.

8. Đọt choại Hậu Giang

Ở vùng nước ngọt nhiễm phèn nhẹ như vùng Vị Thanh, Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) là nơi có sự hiện diện của choại – một loại rau có lá non xoăn tít như loài cuốn chiếu cuộn mình này, dù có hơi nhớt nhưng có vị ngọt thơm, tưởng đơn giản mà ăn rồi mới biết “đã bị nghiện” món ăn này.

Đến Vị Thanh, nếu bạn ghé vào nhà hàng nào đó cũng sẽ được thưởng thức một vài món làm từ đọt choại vườn như đọt choại nhúng lẩu cá ngát, cá hồi… nhưng như vậy có lẽ cũng chưa đủ. Chỉ cần lần theo những bụi tre, liếp dừa, trong các vườn cây tạp dọc mé sông, bạn sẽ bắt gặp choại mọc chen trong đó. Dọc quốc lộ 61 từ thành phố Vị Thanh đến ngã ba Cái Tắc và ở huyện Long Mỹ là những nơi có nhiều loại choại vườn xanh nõn, tươi non thường thấy.

Ở các gia đình, món đọt choại đơn giản nhất là ăn sống, trộn nước mắm giấm tỏi ớt, hoặc đơn giản nữa thì luộc chấm nước tương, nước cá, nước thịt kho hay mắm nêm cũng đều ngon miệng vô cùng. Khi luộc đọt choại bạn đừng quên giữ lại nước luộc. Nước này chỉ cần cho thêm chút muối, bột ngọt thì sẽ trở thành món canh nóng hấp dẫn, ấm bụng sau bữa cơm. Ngon miệng hơn là khi bạn ăn sống hoặc luộc đọt choại với cá thác lác cườm (một loại đặc sản Hậu Giang) chiên, cá rô chiên, hoặc cá lóc nướng trui sẽ ngon vô cùng.

Đọt choại giòn mềm có tác dụng làm giảm bớt sức nóng của miếng cá chiên tạo nên một hương vị khó diễn tả. Ngoài ra, người ta còn dùng đọt choại xào tép. Mớ tép bạc sau khi rửa sạch, lột bỏ vỏ xào chung với đọt choại, nếm vừa ăn là có một bữa ăn nhanh, ngon và an toàn.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *