14 đặc sản Phú Quốc – Kiên Giang – Cập nhật 2024

Đăng ngày 25/01/2024

Với gió biển mát dịu cùng với các bãi biển cát trắng tiếp giáp với nước biển xanh trong vắt như pha lê làm cho đảo Phú Quốc – Kiên Giang thực sự trở thành một thiên đường của những người yêu nắng. Tại đây nguồn hải sản phong phú đã được bàn tay của người dân đảo tạo thành những món ăn siêu cuốn hút, trứ danh Phú Quốc.

Có rất nhiều món ăn thú vị nhưng Loca xin giới thiệu đến bạn một số món đặc sản Phú Quốc hấp dẫn nhất định phải thưởng thức một lần khi đến với vùng đảo “thần tiên” này!

1. Răng mực chiên nước mắm

Khám phá vẻ đẹp thập cảnh Hà Tiên có lẽ chưa đủ, chỉ khi được thưởng thức bộ sưu tập đặc sản nơi này rồi thì chuyến du lịch của chúng ta mới trọn vẹn. Một trong những món ăn mà Tuấn Anh tin rằng chỉ nghe tên thôi các bạn sẽ thấy tò mò…, đó là món răng mực, đặc sản của vùng ven biển này.

Răng mực chiên nước mắm vàng ruộm

Răng mực đem luộc chiên hay xào thì Tuấn Anh sẽ tiết lộ với các bạn ở phần dưới. Trước tiên, Tuấn Anh sẽ nói qua để các bạn hình dung răng mực là gì. Thực ra, răng mực chính là cục tròn nhỏ ở trên phần đầu mực mà chúng ta hay nhầm tưởng đó là mắt mực hay miệng mực. Từ bộ phận đó, người dân địa phương đã có thể chế biến thành nhiều món ăn chơi ngon miệng như nướng, xào bơ tỏi, chiên bột, xào sa tế, xào hành…, trong đó răng mực chiên nước mắm là độc đáo vào hàng nhất nhì.

Thế nên mới nói các bạn chớ nên coi thường chiếc răng mực nhỏ bằng đầu ngón tay, bởi khi chúng được ướp nước mắm và chiên giòn thì các bạn sẽ khó lòng cưỡng lại mùi thơm hấp dẫn của món ăn này. Cách chế biến có vẻ không khó, bởi các bạn chỉ cần rửa sạch răng mực trước khi tẩm ướp gia vị, rồi cho răng mực lên chảo, chiên nước mắm đã pha sẵn đến khi răng mực chuyển sang màu vàng thì vớt ra và thưởng thức.

Các bạn có thể ăn kèm răng mực chiên nước mắm với tương ớt, còn gì thú vị hơn khi chấm từng chiếc răng mực vào bát tương ớt rồi cho vào miệng ăn, cảm nhận vị giòn, ngọt của răng mực, vị cay của tương ớt, hòa trộn cùng hương thơm nhẹ của nước mắm.

Hy vọng rằng, nếu có dịp ra Hà Tiên thì các bạn hãy một lần tìm đến món ăn thú vị, ngon miệng và đặc biệt ăn không thấy ngán này.

2. Nước mắm Phú Quốc

Nếu các bạn có người nhà hoặc bản thân hay đi du lịch thì chắc các bạn đã từng nghe đến tên các loại nước mắm nổi tiếng, trong đó có nước mắm Phú Quốc. Hôm nay, Tuấn Anh sẽ giới thiệu với các bạn về đặc sản Phú Quốc này.

Nước mắm Phú Quốc, một trong các loại nước mắm nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới, được sản xuất tại Phú Quốc với nguyên liệu là những con cá cơm nhỏ. Đến nay, nước mắm Phú Quốc đã có truyền thống trên 200 năm. Nước mắm thường được sản xuất trong thùng gỗ lớn, có vai trò như một thùng lên men trong ngành sản xuất rượu bia, tuy nhiên thời gian lên men thì dài hơn, có khi lên đến một năm.

Cơ sở chưng cất nước mắm ở Phú Quốc

Trước kia, người ta làm thùng đựng nước mắm bằng cây bời lời, vì cây này mềm nên khi niền vào thì không có chỗ hở. Hiện nay loại cây này khá khó kiếm nên người ta dùng cây vên vên và chai thay thế.

Về nguyên liệu để làm mắm mà Tuấn Anh đã nhắc ở trên, đó là cá cơm. Thường thì loại cá nào cũng có thể dùng để làm nước mắm được, nhưng ở Phú Quốc, người ta chỉ sử dụng duy nhất cá cơm làm nguyên liệu. Cá cơm có nhiều loại: sọc tiêu, phấn chì, cơm đỏ, cơm lép, sọc phấn, cơm than… nhưng loại cho nước mắm ngon nhất phải kể đến là cá cơm sọc tiêu và cá cơm than.

Để làm mắm, người ta trộn 2 hoặc 3 phần cá với 1 phần muối rồi để đến một năm. Theo kinh nghiệm người dân địa phương chia sẻ, càng để lâu thì hàm lượng đạm càng cao, nhưng nước mắm sẽ ít thơm và màu bị sậm hơn. Một vài hộ làm mắm còn chôn thùng ủ đến vài ba năm, lúc đó màu nước mắm chuyển thành đen nên được gọi là nước mắm lú, có tác dụng để chữa bệnh.

Hiện nay, trên thị trường có một số loại mắm làm từ cá ươn, thời gian ủ nhanh hơn, tuy nhiên, nước mắm lại không thơm và màu không bắt mắt, tất nhiên là hương vị sẽ chả sánh được với nước mắm Phú Quốc chính hiệu rồi.

Nếu các bạn muốn mua một chai nước mắm Phú Quốc, hãy ghé vào các cửa hàng, siêu thị trên cả nước nhé; nếu có dịp đi đến Phú Quốc thì có thể mua nước mắm Phú Quốc chính hiệu ngay tại các cơ sở nước mắm tại đây, khi mua hãy yêu cầu nhân viên đóng gói cẩn thận để mang lên máy bay.

3. Nấm tràm Phú Quốc

Không biết các bạn đã đi Phú Quốc thì cảm nhận ra sao về mảnh đất cực Nam của đất nước này? Riêng Tuấn Anh thì thực sự bị ấn tượng bởi phong cảnh hoang sơ nhưng tươi đẹp của chốn này, cùng các đặc sản như nước mắm, hồ tiêu hay nấm tràm.

Từ dãy núi Hàm Ninh, rừng tràm phía Bắc đảo được tạo nên từ những vùng trũng do sông Cửa Cạn chảy qua, với nhánh sông đổ ra phía Tây tại làng chài Cửa Cạn, nơi được biết đến có nấm tràm phát triển mạnh. Nấm tràm nơi đây có tai căng tròn, màu nâu và có viền màu trắng sữa.

Nấm tràm Phú Quốc tươi ngon đầu mùa mưa

Người dân địa phương hái nấm tràm về, gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân nấm, rửa sạch, luộc chín, ngâm nước lạnh hoặc phi tỏi với dầu ăn cho thơm, rồi cho vào xào, nêm muối, cất vào tủ lạnh để dùng dần. Có một cách khác là phơi nấm khi trời nắng, cũng là cách chế biến giúp nấm được lâu hơn. Tuy nhiên, nấm khô ăn thường không thơm và không ngon bằng nấm tươi.

Ngoài ra, để nấm khô bớt vị đắng thì các bạn phải rửa thật kỹ cho sạch cát rồi luộc vài lần nước trước khi chế biến. Nấm tươi luộc nhiều lần thì khi nấu sẽ bớt đắng. Tuy nhiên, dù có làm cách nào thì nấm tràm cũng không hết chất đắng độc đáo vốn có của nó được.

Ở Phú Quốc, nếu các bạn ghé qua các nhà hàng sẽ thấy người ta trữ nấm trong tủ đông lạnh để bán cho khách ra thăm đảo. Ngoài ra, các chợ huyện đảo cũng bán cả thúng nấm nếu các bạn có nhu cầu. Từ nấm tràm, người ta có thể chế biến thành các món ăn hoặc nấu với hải sản như tôm, cá, mực; nấm khô thì đem xào với bào ngư hoặc hải sâm hoặc nấu nấm tràm với thịt gà, thịt lợn và trứng.

Một trong những cách chế biến nên món ăn ngon, đó là cho nấm tươi vào nồi có gà giò đã được luộc chín tới, sẽ tạo ra món súp nấm nóng hổi, đặc biệt. Thịt gà xé nhỏ chấm ăn cùng muối ớt.

Bên cạnh đó, các món nấm tràm xào tép bạc, thịt ba chỉ, tôm, mực cũng khá hấp dẫn. Ở xứ biển đảo Phú Quốc, mỗi khi bắt được cá rựa hoặc cá nhồng, người dân sẽ lấy thịt làm chả cá nấu với nấm. Trước khi múc ra bát, người ta đập một vài quả trứng vịt vào, sẽ khiến vị đắng của nấm hòa vào vị ngọt của cá rựa, cá nhồng và vị béo của trứng, khiến người ăn cảm giác lạ miệng.

4. Rượu sim Phú Quốc

Nhắc đến cây sim là chúng ta lại nhớ đến thứ quả vặt gắn với thời ấu thơ của mỗi người. Không khó để bắt gặp cây sim ở vùng đồng bằng, nhưng nếu ra Phú Quốc, các bạn sẽ thấy loại cây này có những đặc điểm riêng. Cây sim có 2 loại: Hồng sim và tiểu sim. Cả hai loại đều có lá mặt dưới màu trắng, có lông; quả khi chín có màu tím đen. Theo người dân đảo chia sẻ, họ chỉ dùng hồng sim làm rượu, chứ ít khi dùng tiểu sim.

Dừng chân mua một chai rượu sim về làm quà, Tuấn Anh đã tranh thủ hỏi chị chủ quán cách làm rượu sim (với hy vọng có thể mua sim về tự làm). Chị bán hàng cũng khá niềm nở và bộc bạch rằng, làm rượu sim không khó. Quả sim hái về được rửa sạch, chọn quả chín mọng, xay nhuyễn và ủ lên men với đường cát theo một tỷ lệ nhất định (tỷ lệ này được giữ bí mật để sản phẩm được tốt nhất) trong môi trường hiếm khí từ 40 đến 45 ngày. Khi sản phẩm lên men hoàn chỉnh thì sẽ có màu hồng, uống có vị cay chua ngọt như rượu vang nho với nồng độ rất nhẹ, khoảng 11,5%.

Đến lúc này thì Tuấn Anh nghĩ các bạn sẽ tò mò rượu sim có tác dụng gì đúng không? Rượu sim có khá nhiều tác dụng tốt, đặc biệt quả sim có thể trị bệnh nhức mỏi hiệu quả. Rượu sim thương hiệu Phú Quốc được coi là dược tửu, có tác dụng dễ tiêu hoá và tăng cường sinh lực.

Trước khi về, chị bán hàng còn nói nhỏ với Tuấn Anh rằng, hãy lưu ý để không mua phải rượu sim giả: Rượu gồm sim tươi ngâm trực tiếp với rượu, cây sim (thân, rễ lá) ngâm rượu vì rượu sim truyền thống là loại rượu lên men tự nhiên từ quả sim.

Những năm gần đây, rượu sim đã trở thành đặc sản quen thuộc của Phú Quốc, nơi mà ai đã từng đến đều không bỏ lỡ việc mua về làm quà. Ở Phú Quốc hiện có một số gia đình sản xuất rượu sim cung cấp cho thị trường và được đăng ký nhãn hiệu chất lượng, nổi tiếng trong đó là rượu sim Bảy Gáo.

Mua rượu sim Phú Quốc ở đâu ngon?

Các bạn có thể tham khảo cơ sở rượu sim Bảy Gáo như Tuấn Anh đã đề cập ở trên. Rượu sim ở đây khá nổi tiếng ở Phú Quốc, rượu với sắc đỏ hồng đặc trưng trông rất bắt mắt, nếu tinh có thể ngửi được cả mùi sim hài hòa với men rượu. Rượu có thể dùng thay rượu vang nho, dùng khai vị trong bữa tiệc cũng rất phù hợp.

Cơ sở sản xuất rượu sim Bảy Gáo: Số 124 đường 30/4, khu phố 1, thị trấn Đông Dương, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

5. Sò huyết nướng Kiên Giang

Nếu các bạn từng nghe đến câu ca dao “Chưa ăn sò huyết, chưa biết Hà Tiên” thì chớ nên nghi ngờ gì nhé. Bởi một lẽ Tuấn Anh đã từng đến Hà Tiên, và đúng là sò huyết nơi đây ngon nổi tiếng. Sò ở đây thường to và tròn; vỏ có nhiều lằn khía chạy dọc thân, chỉ cần dùng tay tách vỏ ra là thấy bên trong thịt đỏ hồng với nhiều gạch vàng bắt mắt.

Khi đi bộ ra bãi sò, Tuấn Anh có dịp chứng kiến người dân miền biển bắt sò. Họ bắt sò thả từ trên thuyền xuống, hai tay cầm thúng đẩy tới, hai chân dậm nhẹ trên mặt bùn sục sạo kiếm sò. Khi đạp trúng sò, họ lắc nhẹ bàn chân, dùng ngón chân quặt chặt rồi đưa lên thật chậm, thò bàn tay xuống bắt sò qua kẽ ngón chân rồi cho vào thúng. Các thao tác lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhịp nhàng khiến Tuấn Anh càng thêm khâm phục họ vô cùng.

Để thưởng thức sò thì các bạn cần ra đến các thuyền đã có sẵn bếp lò, vỉ nướng, gia vị, rau tươi và rượu đế gạo chính hiệu đặc trưng của Hà Tiên. Khi lò than đỏ lửa, các bạn đặt vỉ nướng lên, cho tay vào thùng đựng sò đã nhả sạch bùn (tùy khẩu vị ăn của bạn) chọn từng con bỏ lên vỉ, gắp rau thơm, xà lách cho vào bát. Sò huyết trên vỉ khi vừa chín tới sẽ há vỏ tuôn nước, các bạn chỉ cần dùng muỗng lấy phần thịt khỏi vỏ sò, trút phần thịt bên trong lẫn nước vào bát, cho ít muối tiêu, chanh rồi thưởng thức.

Các bạn sẽ thấy hấp dẫn ngay từ đầu lưỡi khi hưởng thức sò huyết nướng, cái dai của thịt sò, vị ngọt, mặn của nước từ thân sò, cùng mùi rong biển hòa quyện với mùi rau thơm, vị chua của chanh và vị cay nồng của rượu đế, dễ dàng khiến bạn ngất ngây với thứ đặc sản nổi tiếng này.

6. Bánh tét mật cật Phú Quốc

Dù đã đến Phú Quốc vài lần song chưa khi nào Tuấn Anh quên ghé chợ Dương Đông, một ngôi chợ có cá biển ngon và tươi sống, để mua bánh tét mật cật, thứ bánh đặc sản đã được địa phương đăng ký độc quyền.

Ở các nơi khác, người ta dùng lá mật cật để chằm nón lá, không biết vì sao người dân nơi đây lại dùng để gói bánh tét, thành đòn hình tam giác. Mật cật là loại cây có lá xòe như lá cọ, mọc nhiều trên dãy núi cao và dài nhất huyện đảo Phú Quốc mang tên Hàm Ninh.

Đầu tiên, lá mật cật được phơi đến độ hơi héo để cọng và lá mềm, không rách khi gói. Sau đó đem rửa lá, lau sạch, bôi một lớp dầu ở ngoài.

Gói bánh tét bằng lá mật cật không hề dễ vì lá hẹp, phải gói thật khéo. Thêm nữa, bánh ngon cũng nhờ kỹ thuật buộc dây. Nếu buộc chặt thì bánh không chín đều, buộc lỏng thì bánh sẽ nhão, ăn mất ngon. Một điều khác biệt đã tạo nên thứ bánh không giống bất cứ loại bánh nào trên đất liền, đó là bánh dài khoảng 30cm và được gói theo hình tam giác đẹp mắt.

Bánh tét mật cật làm từ nếp được lọc kỹ, không lẫn gạo. Nếp được nhuộm màu xanh ngọc bích bằng nước cốt lá bồ ngót và nước cốt lá dứa. Đậu xanh cà, nấu nhừ cùng thịt mỡ dùng làm nhân. Tuy cách gói, cách buộc bánh đã có sự khác biệt, nhưng nhân bánh cũng được tạo ra từ nếp, nhân đậu xanh, thịt heo như bánh tét thông thường.

Khi ăn thử, Tuấn Anh cảm thấy khá tuyệt vời vì gạo quyện với nhân đậu xanh ngọt bùi, thịt mỡ thơm béo, lá dứa thơm; ăn bánh giúp giải nhiệt, ngừa và trị mụn nhọt nhờ có nước cốt lá bồ ngót.

Mua bánh tét mật cật ở đâu ngon?

Hãy ra chợ Phú Quốc, Tuấn Anh sẽ chỉ cho bạn mua bánh tét mật cật ở hai bên cửa chợ Dương Đông, nơi những cụ già ở tuổi “thất thập cổ lai hi” còn ngồi bán là đảm bảo ngon. Trong đó, một cụ tên là Lê Thị Thảo, đã gần 90 tuổi, người ngồi bên cạnh là cụ Nguyễn Thị Liễu, độ tuổi gần với cụ Thảo.

Người dân nơi đây cho biết hai cụ là sui gia của nhau nên các cụ không những thân tình với khách mà còn thân tình với cả nhau. Hai cụ đã bán bánh tét mật cật tại chợ Dương Đông trên 20 năm, nhưng đều không rõ ai là “thủy tổ” của món ăn này.

Chợ Dương Đông: Thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang.

7. Bánh canh chả ghẹ Hà Tiên

Nếu có dịp ra Hà Tiên, bạn chớ bỏ qua chợ đêm Đông Hồ, nơi có nhiều hàng quán với các món ăn đa dạng. Một trong các món Tuấn Anh đã thử ngay khi đặt chân đến Hà Tiên, đó là bánh canh chả ghẹ.

Tuy đi khá nhiều nơi, nhưng Tuấn Anh thấy rằng món ăn này không phổ biến trong thực đơn của nhiều nhà hàng cho lắm. Thêm nữa, tên món ăn có vẻ lạ. Có lẽ chỉ những vùng ven biển mới làm nên món chả ghẹ, bởi ở đó ghẹ tươi khi mới vừa đánh bắt, thịt còn săn chắc và rất ngọt khi chế biến.

Bánh canh chả ghẹ ở đây không khác các loại bánh canh khác, có điều chế biến với ghẹ thì phải nêm gia vị phù hợp với loại thực phẩm này. Thế nên nước dùng của bánh canh chả ghẹ ở xứ đảo này cũng khá đặc trưng, đậm đà phong vị miền biển.

Một điều đặc biệt nữa mà Tuấn Anh thấy, đó là người chế biến ở đảo thường cho tôm khô, thịt và đầu cá thu vào nồi nước dùng, nên nước dùng có vị thơm, ngọt và mặn mà hương vị biển. Tiếp đến là chả cá thì được làm từ thịt cá thu và cá ảo (loài cá nhỏ và vụn vặt được lọc riêng với những con cá lớn sau khi đánh bắt về).

Thịt cá thu tươi được nạo ra, để lẫn cùng thịt cá ảo, nêm gia vị tiêu, tỏi, hành, nước mắm…, trộn càng đều thì chả càng thấm, ăn càng ngon. Sau đó cho hỗn hợp này vào cối quết nhuyễn để chả dai hơn, tiếp đó cho thêm ít mỡ rồi vo tròn thành từng viên to cỡ ngón chân cái, đem hấp chín.

Ghẹ luộc chín, gỡ lấy thịt. Khi ăn, cho bánh canh vào bát, chan nước dùng, cho một ít chả, thịt ghẹ, một hoặc hai quả trứng cút, ngò gai cắt nhuyễn, tỏi phi, ớt bằm, nước mắm… lên trên sẽ khiến bát bánh canh bắt mắt hơn.

Thưởng thức bánh canh chả ghẹ như khiến Tuấn Anh cảm nhận trọn vẹn hương vị đặc trưng của món ăn này, bổ dưỡng với thực phẩm có nguồn gốc từ miền biển này. Nếu có dịp đến Hà Tiên, hãy thử bánh canh chả ghẹ vì món ăn này được bán phổ biến cả đêm lẫn ngày.

Ăn bánh canh chả ghẹ ở đâu ngon?

Các bạn có thể thưởng thức bánh canh chả ghẹ ở chợ đêm Hà Tiên, nước dùng bánh canh rất ngon và béo, ngoài ra chả ghẹ cũng thơm, dai mềm và đậm mùi ghẹ biển. Nếu thích thì các bạn có thể gọi thêm một con ghẹ để ăn cùng.

Quán bánh canh ghẹ: Chợ đêm Hà Tiên, phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, Kiên Giang.

8. Lạ miệng bún cá Kiên Giang

Ở Tây Nam Bộ có hai thương hiệu bún cá nổi tiếng, đó là bún cá Châu Đốc (An Giang) và bún cá Kiên Giang. Nhưng xét cho cùng thì Tuấn Anh thấy, bún cá Kiên Giang hấp dẫn hơn nhờ phần thịt cá trắng tinh, mềm dai và nước dùng ngọt đượm.

Trong dịp đến Kiên Giang, Tuấn Anh đã đi tản bộ trong buổi của ngày cuối trước khi kết thúc chuyến du lịch tại đây. Sau khi đã thấm mệt, Tuấn Anh quyết định ngồi ngắm cảnh biển trong khí hậu mát mẻ và dùng một tô bún cá thơm ngon như lưu giữ lại nét đặc trưng của vùng biển này.

Nếu như bún cá miền Trung được chế biến từ cá biển, thì bún cá Kiên Giang lại sử dụng cá lóc béo tròn trên các dòng sông, đồng ruộng ở đây. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, cá lóc chọn loại có lớp da trên thân màu đen, phần bụng trắng, cỡ vừa để nấu thì thịt chúng mới thơm, ngọt chứ không mềm và bở như cá nuôi.

Để làm được bát bún cá cũng cần lắm công đoạn. Đầu tiên là làm sạch cá, luộc chín, gỡ riêng thịt, xương cho vào cối giã nát, tiếp đó là cho vào túi lưới thả vào nồi ninh chung với các loại cá nhỏ để lấy nước dùng. Đây chính là bí quyết mà Tuấn Anh được người dân chia sẻ về cách để có nồi nước dùng có vị ngọt thanh tự nhiên.

Bát bún cá hấp dẫn là nhờ phần trứng cá vàng ươm nổi trên bề mặt. Nếu vào mùa cá không có trứng, người nấu sẽ lấy lòng đỏ trứng pha với tôm tươi băm nhuyễn, đánh tơi rồi hấp chín, giúp món ăn bắt mắt, ngon miệng hơn.

Một bát bún cá dân dã giống như một bức tranh quê hài hòa giữa sắc và vị. Màu trắng của cá, của bún được điểm xuyết thêm màu đỏ của tôm, vàng của trứng, sắc xanh của hành lá…, chừng đó đã đủ để bạn phải thưởng thức ngay. Tuy nhiên, Tuấn Anh khuyên bạn nên ăn kèm cùng đĩa rau sống, bát nước mắm ớt nguyên chất đậm đà thì bát bún cá mới hoàn hảo nhất.

Ăn bún cá Kiên Giang ở đâu ngon?

Hiện nay, có nhiều quán bún cá trên các phố ở Rạch Giá, Hà Tiên hay vùng lân cận. Giá cả mỗi bát khá phải chăng nên bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức khi đã đến Kiên Giang nhé.

Bún cá Hai Tầm: Số 6 Phan Bội Châu, phường Vĩnh Thanh Vân, thành phố Rạch Giá, Kiên Giang.

9. Tiết canh cua độc đáo Phú Quốc

Nếu là người sành ăn hoặc hay đi du lịch trải nghiệm, chắc hẳn bạn sẽ không lạ gì món tiết canh cua. Do chưa có cơ hội đi nhiều nơi, nên Tuấn Anh chỉ biết đến tiết canh lợn, tiết canh vịt, tiết canh gà… chứ chưa có dịp ăn tiết canh cua.

Món ăn này nghe tên đã thấy lạ, vậy mà không hiểu sao nó lại là đặc sản của người dân miền biển. Trước ngày đi du lịch Kiên Giang, trong đầu Tuấn Anh hiện lên nhiều câu hỏi về món ăn này, nào là tiết canh cua ra đời từ đâu, con cua bé thế thì bao nhiêu tiết mới đủ hay cắt tiết cua như nào…

Ngồi trên thuyền ra đảo, Tuấn Anh được một anh người địa phương kể về truyền thuyết gắn với món tiết canh cua được ngư dân xứ biển truyền tai: Trong những chuyến đi biển dài ngày của ngư dân Cà Mau, khi nước ngọt dùng để uống trên thuyền cạn mà thuyền không kịp trở về hoặc ghé đảo hòn Khoai để lấy nước. Lúc này, mọi người thường bẻ càng cua, hứng lấy chất dịch bên trong để uống. Từ đó phát hiện ra rằng, vị hơi mặn lẫn ngọt trong càng cua dễ uống hơn nước biển, và không hề tanh như nhiều người vẫn tưởng.

Về sau, với bàn tay khéo léo của con người, món ăn từ chất dịch này trong cơ thể của cua đã được chế biến để cho ra đời món tiết canh cua. Đến nay, món ăn mang hương vị riêng của đảo Ngọc này đã xuất hiện trong thực đơn bàn nhậu của người dân miền biển Phú Quốc.

Sau khi đã thỏa mãn sự tò mò của mình, Tuấn Anh vẫn thắc mắc cách làm món tiết canh cua nên quyết tâm tìm ra câu trả lời. Ghé vào quán nhậu dọc đường, Tuấn Anh được anh chủ quán trêu đùa vui là đi học làm tiết canh cua để về đất liền mở quán à. Nói như vậy, nhưng anh vẫn kể cho Tuấn Anh nghe về món ăn này.

Để làm tiết canh cua không hề đơn giản. Đầu tiên là chỉ chọn cua biển làm tiết canh, càng con có gạch thì đĩa tiết canh cua càng ngon, ngọt và đủ chất. Anh bảo, phải dùng ba đến bốn con cua loại lớn thì mới đủ tiết làm ra một đĩa tiết canh cua loại thường.

Ngoài ra, anh nói rằng, tiết cua không thể hãm được như tiết canh vịt, tiết canh lợn nên phải chuẩn bị trước phần nguyên liệu từ một con cua khác. Cua được luộc sơ, cho chút rượu đế vào khi luộc để thịt cua thơm. Khi cua chín, gỡ lấy từng miếng nạc cua, cho vào đĩa để nguội, trộn gia vị đủ ăn, cho thêm ngò gai, tía tô, rau húng cắt nhuyễn và lá quếvào để giảm vị nồng của cua.

Chuẩn bị xong phần nguyên liệutrên thì mới cắt tiết cua. Cua sống đem rửa sạch, dùng dây buộc chặt bốn chiếc ngoe lại thành một chụm, dùng kéo sắc cắt thật ngọt một lượt. Tiết cua màu trắng từ những chiếc chân chảy thẳng xuống đĩa thịt cua để sẵn, ban đầu là những vòi nhỏ, về sau cứ rỉ ra đến hết.

Ở con cua có gạch, người ta sẽ lấy phần gạch ở mu cua cho vào đĩa sau khi lấy tiết cua. Khi tiết đông sẽ có phần nước nổi lên bề mặt, bạn phải khéo léo lấy muỗng hớt ra cho thật khô, rồi rắc ngò rí, đậu phộng rang giã nhỏ lên.

Tiết cua đông lại không khác gì rau câu nên món ăn tuy khá lạ miệng,nhưng phần thịt cua mềm lẫn với tiết cua cùng vị ngọt béo của gạch cua cho ta một hỗn hợp mặn, ngọt khiến Tuấn Anh hình dung đến việc ăn cua luộc trên bãi biển.

Tiết canh cua được ăn chung với bánh tráng như các loại tiết canh khác, kèm thêm rau mùi tàu, rau dấp cá, khế chua, chuối chát rất hợp và ngon.

10. Còi biên mai Phú Quốc

Đến Phú Quốc, ngoài việc ngắm vẻ đẹp nguyên sơ của vùng biển đảo này, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn với những cái tên khá lạ và mùi vị khiến ai cũng phải nhớ, trong đó có món còi biên mai.

Khi nghe còi biên mai, Tuấn Anh cảm thấy rất lạ và không biết món ăn này nhìn thế nào. Về sau thì Tuấn Anh biết rằng, còi biên mai thật ra là hai lớp cơ thịt nối liền hai mảnh của sò biên mai. Nếu là sò huyết thông thường ở đất liền thì vẫn có hai bộ phận còi nhưng nhỏ như tăm tre, của còi biên mai thì lớn bằng đồng xu và lớp thịt dày hơn nửa ngón tay. Sò biên mai tuy to mà thịt nhão, ăn không ngon, mọi tinh túy của nó tập trung vào hai cái còi.

Có nhiều cách chế biến còi biên mai như xào với nấm đông cô, nấm rơm, củ hành cùng cải bẹ xanh. Nếu là người sành ăn muốn thưởng thức hương vị nguyên sơ của biển cả, món còi biên mai nướng muối ớt là lựa chọn hàng đầu. Vị mặn của muối, vị cay xé lưỡi của ớt khiến vị ngọt của còi biên mai càng nổi trội. Chế biến còi biên mai nướng muối ớt giúp món ăn ngon hơn, và cũng là cách duy nhất giữ được độ dai và giòn của còi biên mai.

Nhìn đĩa còi biên mai được ướp muối, ớt đỏ tươi; bạn chỉ việc dùng sống lá dừa xâu chúng lại và nướng trên bếp than đỏ rực. Theo dân nhậu xứ đảo chia sẻ, món ăn này giúp giải cơn say và khiến bạn cảm thấy khỏe khoắn hơn sau những chuyến lênh đênh trên biển đảo.

Ăn còi biên mai Phú Quốc ở đâu?

Nếu có dịp du lịch Phú Quốc, các bạn đừng bỏ lỡ món đặc sản hấp dẫn còi biên mai, các quán nhỏ ven bãi biển Hàm Ninh, bãi Ghềnh Dầu, bãi Sao… đều có phục vụ món này, nhìn chung chất lượng và mức giá không có nhiều khác biệt, nhưng các bạn nên thương lượng về giá trước khi ăn để tránh trường hợp chặt chém.

11. Ngọt ngào bánh thốt nốt chùa Hang

Đến chùa Hang, Tuấn Anh hay bắt gặp hình ảnh các em nhỏ người Khmer ở đây mời mua một loại bánh đặc sản, được đặt trong những chiếc rổ tre xinh xắn, về sau mới biết đó là bánh thốt nốt, một đặc sản của vùng. Đây là loại bánh dân dã của người Khmer Nam Bộ, nay là đặc sản của vùng mà chỉ bà con người Khmer mới làm ra được.

Bánh thốt nốt của người Khmer hay được bán ở chùa Hang – Kiên Lương, là sản phẩm của sự tinh tế, sự kết hợp hài hòa từ các nguyên liệu đặc sản đặc trưng của địa phương.

Cách làm bánh thốt nốt tương tự làm bánh bò của phụ nữ Nam Bộ. Từ các nguyên liệu chính là bột gạo, đường cát, nước dừa… nhưng bánh thốt nốt có thêm nguyên liệu từ trái thốt nốt già. Trái thốt nốt được chà nhuyễn, lấy nước trộn vào bột gạo làm bánh. Bột phải được làm từ các loại gạo ngon, có thể là gạo lúa mùa để bột có độ dẻo thơm.

Tiếp đó, cho đường cát và muối để tạo vị ngọt vừa đủ cho bánh, nước cốt dừa tạo vị béo. Bánh có màu tự nhiên bởi trái thốt nốt có màu vàng sáp. Bánh được gói trong lá chuối, hình chữ nhật, có rắc sợi dừa lên trên. Bánh đem hấp trên xửng, đến khi tỏa ra mùi thơm thì mở nắp. Đặc biệt, bánh để càng nguội ăn càng ngon.

Bánh thốt nốt đã có mặt tại các kỳ ẩm thực dân gian hoặc lễ hội ẩm thực lớn trong cả nước. Đến chùa Hang – hòn Phụ Tử, bạn có thể mua vài chục cái về làm quà… như một cách giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phổ biến một loại sản phẩm độc đáo đến mọi thực khách gần xa.

Chùa Hang ở đâu?

Chùa Hang tọa lạc tại xã An Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Nếu các bạn có ý định tham quan chùa Hang thì nên chủ động lựa chọn những bộ trang phục kín đáo, lịch sự nhé. Bánh thốt nốt được bày bán rất nhiều quanh khu vực chùa Hang, bánh có vị ngọt đậm, thơm mùi mật đường thốt nốt.

12. Chả trứng cá ngát đậm đà hương vị biển

Nếu ra hòn Nghệ, hòn Tre hay hòn Lại Sơn thuộc biển đảo Kiên Giang, Tuấn Anh khuyên bạn chớ quên thưởng thức món chả trứng cá ngát độc đáo của vùng. Cá ngát là loài cá da trơn tựa cá trê nhưng kích cỡ khá to, sống ở vùng nước lợ và mặn quanh năm; xuất hiện nhiều nhất vào mùa đông và mùa xuân. Thịt cá ngon nhưng trứng của chúng thì còn ngon hơn.

Vào mùa sinh sản, một con cá ngát cái trưởng thành thường mang trong mình hai buồng trứng to chứa hàng ngàn trứng nhỏ, lớn cỡ hạt đậu xanh. Ngư dân vùng biển thường dùng trứng cá ngát tươi để kho hoặc nấu chung với cá. Còn người sành ăn thì chế biến trứng cá thành món chả vừa béo, vừa ngon, mùi vị đặc trưng không gì sánh kịp.

Để món chả trứng vàng ruộm, vừa dai vừa giòn, người ta thường cho thêm gia vị và quấy đều rồi mới bắc chảo lên, chiên nhỏ lửa. Nếu bạn cầu kỳ hơn thì cho thêm bột năng, bún, hành củ và tỏi phi vào tô trứng cá, trộn đều trước khi chiên là được.

Chả trứng cá ngát ngon nhất là khi ăn kèm với rau thơm, dưa leo, xoài xanh hoặc các loại rau rừng như đọt xoài, đọt bứa… chấm nước sốt hoặc nước mắm tỏi chua cay. Trứng cá ngát không phải lúc nào cũng có, nếu muốn thưởng thức, bạn phải đặt trước với bà con ngư dân mới có trứng tươi.

13. Dẻo thơm xôi Hà Tiên

Nhắc đến Hà Tiên, Tuấn Anh thường nghe kể về một món ăn giản dị nhưng hương vị thơm ngon đặc trưng khó nơi nào sánh được, đó là xôi Hà Tiên. Đó là lí do khi ra Hà Tiên, Tuấn Anh cũng như nhiều người hay tìm đến thưởng thức bằng được món xôi dân dã này vào bữa sáng. Xôi Hà Tiên không chỉ ngon mà còn đẹp bởi màu óng ánh và vị thơm của nếp, vị béo của dừa.

Xôi Hà Tiên có hai loại: xôi mặn và xôi ngọt – đều được nấu khéo léo. Người Hà Tiên thường dùng loại nếp ngon để nấu nên khi xôi chín tới đã tỏa mùi thơm nồng khắp nơi. Cách nấu xôi của người Hà Tiên phần nào cũng giống cách nấu xôi của các vùng khác, nhất là ở khu vực miền Tây.

Để xôi ngon, từ khâu ngâm gạo đến khi thêm nước cốt dừa đều không có bí quyết nào đặc biệt. Thế nhưng, chính cách làm kỹ lưỡng và cẩn thận của người Hà Tiên đã khiến món xôi nếp bình dị thêm thơm ngon. Nếu như xôi mặn Hà Tiên chỉ có tôm khô giã rắc lên trên nhưng vị đậm đà đến lạ lùng, thì xôi ngọt lại chỉ gồm xôi xoài hay xôi hột gà.

Để có xôi xoài, người ta rắc lên mặt xôi trắng lớp đậu xanh cà đã giã nhuyễn và rang vàng, đến lớp xoài chín mềm đã cắt thành từng lát nhỏ mỏng. Còn với món xôi hột gà thì hương vị độc đáo theo kiểu khác. Ngoài lòng đỏ trứng gà, người ta còn sử dụng cơm sầu riêng với độ dẻo vừa thơm, rất ngậy.

Để làm món xôi hột gà thì đòi hỏi cầu kỳ hơn xôi xoài. Từ lòng trắng trứng gà, cơm sầu riêng nấu chung với bột gạo và đường để tạo thành hỗn hợp sệt ngọt thơm, vàng ươm. Khi dùng xôi, người ta rưới nước sốt này lên xôi và trên mặt xôi có rắc thêm một ít dừa sợi bào (đã xào chung với đường thốt nốt). Chính hương vị độc đáo và hoàn hảo của món xôi đã mang lại nét đặc trưng riêng biệt của riêng người Hà Tiên mà chẳng nơi nào có được. Có lẽ sự trộn lẫn hương vị độc đáo này chỉ Hà Tiên mới có.

Một lí do khác khiến xôi Hà Tiên khi chín thường thơm, là bởi được nấu từ nếp thơm. Người phụ nữ Hà Tiên có tiếng là nấu xôi khéo, mỗi hạt nếp chín luôn có màu trắng ngà bóng lưỡng, chỉ nhìn đã thấy kích thích thị giác và tạo cảm giác thèm ăn nơi đầu lưỡi.

Chỉ cần cầm gói xôi Hà Tiên nhỏ gọn trong lòng bàn tay và thưởng thức thì Tuấn Anh tin rằng bạn sẽ lấy thêm một gói nữa, để tận hưởng cảm giác vừa ăn vừa xuýt xoa thưởng thức vị ngon của món xôi dân dã này.

14. Lẩu chua sả nghệ cá nhám giàu

Cá nhám giàu là một loài cá nhám (cá mập nhỏ) màu trắng, có ở vùng biển Hà Tiên (Kiên Giang). Loại cá này không được bán nhiều ngoài chợ, chỉ đủ cung cấp cho các nhà hàng lớn hay khách hàng đặt trước. Người Hà Tiên đã khéo léo chế biến ra các món ăn bổ dưỡng, ngon miệng. Nhưng theo Tuấn Anh, món ngon nhất là cá nhám giàu nấu canh chua sả nghệ.

Canh chua cá nhám giàu phải có sả băm nhuyễn ướp chung với nghệ, cách làm này mang cung cách ẩm thực Kinh – Khmer, giúp khử mùi tanh cá biển.

Bắc nồi lên bếp, đun sôi khoảng dưới 10 phút thì cho bạc hà, giá, khóm, cà chua, đậu bắp, bắp cải, măng tươi… vào và nêm chút đường. Nếu không có măng chua, me tươi, me muối thì người ta có thể cho nước cốt chanh . Nồi cá khi sôi thêm thì múc ra bát, rắc rau thái nhỏ và mấy lát ớt sừng vào.

Lẩu canh chua sả nghệ cá nhám giàu thường ăn kèm với đĩa bún trắng tươi, rau muống và nước mắm ớt cay. Món lẩu này là sự kết hợp hài hòa giữa vị chua chủ lực của món lẩu, hương vị đặc trưng của sả và nghệ tạo cho người ăn ấn tượng khó quên, nhất là làm tiêu tan hơi men của rượu.

Vào ngày lễ Tết, giá cá nhám giàu khá cao vì từ lâu, người Hà Tiên tin rằng cá nhám giàu là một loại cá “tâm linh”. Chữ “giàu” trong “cá nhám giàu” sẽ giúp họ làm ăn phát đạt khi ăn món này trong những ngày đầu năm mới.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *