Không chỉ là vương quốc của dừa sáp, Trà Vinh còn nổi tiếng với những món ăn ngon khó cưỡng, hấp dẫn bất kỳ vị khách nào bước chân đến đây. Những món ăn ở đây mang đầy vẻ thanh tao, dân dã và đậm bản sắc vùng Tây Nam Bộ khó có thể tìm được ở những đô thị sầm uất.
Mang hương vị đặc trưng giao thoa của 3 dân tộc: Kinh, Khơ Me, Hoa, 12 đặc sản Trà Vinh sau đây sẽ khiến du khách mê mẩn.
Phụ lục
1. Cháo cá khoai Trà Vinh
Nếu bạn về thăm vùng quê ven biển của tỉnh Trà Vinh, rất nhiều món ăn hải sản phong phú và bổ dưỡng của vùng mà bạn không nên bỏ qua. Trong đó, có một món ăn mang hương vị độc đáo mà cách chế biến lại hoàn toàn đơn giản, đó là cháo cá khoai.
Cá khoai là loài sống chủ yếu vùng nước mặn, nước lợ ở cửa sông, thường bơi thành từng đàn. Loại cá này có mình tròn, thon dài giống như củ khoai lang, đặc biệt không có vẩy, riêng phần lưng và đuôi thì có màu xanh đen, miệng rộng, thịt trắng trong, xương mềm và trong suốt.
Mùa cá khoai thường bắt đầu từ tháng chạp của năm này kéo dài đến hết tháng tư, tháng năm âm lịch của năm sau. Vào những ngày sương mù cũng là thời điểm cá khoai xuất hiện đông đúc nhất. Cá khoai ngày nay đã trở thành một món ăn quen thuộc của người dân ven biển, một đặc sản có mặt rộng rãi trong các nhà hàng, được nhiều thực khách thưởng thức bởi vị ngọt mát mà bát cháo cá khoai có được.
Để có được một nồi cháo cá khoai ngon thì công đoạn chọn được cá tươi, mang đỏ, toàn thân trong suốt, vây ánh hồng tự nhiên rất quan trọng. Nếu là cá khoai vây đen, bụng to, thịt xỉn đục tức là cá đã bị ươn hoặc được tẩm chất bảo quản nên khi ăn sẽ không ngon.
Cá khoai được chọn đem rửa sạch bằng nước muối pha loãng, móc mang, bỏ đầu, bỏ ruột, giữ lại dạ dày vì ăn chúng rất giòn, béo. Đặc biệt, không được mổ bụng cá để tránh cá bị nát khi chế biến. Sau khi rửa sạch cá, đem cắt cá thành hai hoặc ba khúc tùy kích cỡ cá nhỏ hay lớn, tẩm ướp gia vị với nước mắm, bột ngọt, tỏi, ớt băm nhỏ.
Cho một ít gạo trắng đun sôi đến nhừ, nếm vừa ăn, rồi cho cá đã ướp gia vị vào nồi đun sôi lên, vớt bọt, bỏ hành lá, tiêu vào là đã có được một nồi cháo cá khoai thơm ngon, bổ dưỡng. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, khi cho cá vào nồi cháo tuyệt đối không nên khuấy hay đảo chiều để cá không bị nát. Cháo cá khoai ăn mát, bổ, lành tính, giải nhiệt, nhuận tràng. Khi ăn từng miếng cháo sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi, mặn mòi của biển, thơm nồng của hành và tiêu, vị cay của ớt… được hòa quyện vào nhau để trở thành món ăn đậm đà của vùng biển Trà Vinh đặc trưng này.
2. Chù ụ rang me Trà Vinh
Ở vùng biển Ba Động Duyên Hải, Trà Vinh luôn có một lượng lớn du khách đến thăm bởi vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó. Bờ biển nơi đây trải dài với nhiều động cát đẹp, những hàng dương vi vu gió thổi hấp dẫn với du khách bốn phương.
Nếu bạn có dịp về với vùng biển này, bên cạnh việc tắm biển và tận hưởng nguồn nước biển mát lạnh của vùng biển này, hãy tranh thủ tận hưởng nguồn hải sản tươi sống đặc biệt nơi đây, trong đó không thể không kể đến món chù ụ rang me.
Chù ụ được bắt về đem làm sạch, bỏ vào chảo dầu, hành, tỏi đập dập; cho nước cốt me và nếm cho vừa miệng sao cho có vị chua ngọt là được. Món ăn này chỉ cần làm trong 10 – 15 phút là được, khi đó món ăn có mùi thơm ngọt ngào. Thịt chù ụ ăn rất chắc, vỏ thường giòn, còn nước me thấm vào từng xớ thịt, đã ăn là ghiền. Giống như các loài tám cẳng hai càng khác, thịt chù ụ chứa rất nhiều canxi, đặc biệt là phần vỏ nên nhiều người khi ăn thường nhai luôn để có thêm canxi nguyên chất cho cơ thể.
Nhìn món chù ụ rang me nổi bật với màu xanh của rau cải, màu đỏ của chù ụ và màu nâu của nước me trông thật bắt mắt, chỉ nhìn vào thôi là ai cũng có cảm giác thèm và muốn ăn ngay lập tức.
Ngoài ra, chù ụ rang me còn có thể để ăn với cơm như một món ăn lý tưởng cho những gia đình bạn nếu đi du lịch, mùi vị lạ và ngon của món ăn này sẽ giúp bạn cảm thấy thú vị hơn rất nhiều.
3. Bánh ú Đa Lộc
Bánh ú ở Đa Lộc nổi tiếng có nguồn gốc ở ấp Hương Phụ, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh. Bánh có truyền thống lâu đời và đã trở thành một món ăn quen thuộc của người dân địa phương nơi đây. Để có một chiếc bánh ú ngon miệng và đẹp mắt thì đòi hỏi người làm phải tỉ mẩn, khéo léo.
Đầu tiên, các nguyên liệu chính để làm bánh ú cần phải chuẩn bị đó là hạt nếp mộc mạc, lá ngót để giúp bánh có màu xanh tự nhiên, lòng đỏ trứng của hột vịt muối, thịt mỡ và nhân bánh thì được làm từ đậu xanh nấu chín, nghiền nhuyễn.
Người dân Đa Lộc thường chọn lá chuối để gói bánh ú bởi hình dáng và màu sắc của bánh có vai trò rất quan trọng, giúp cho bánh trở nên nổi tiếng hơn. Đặc biệt, kỹ thuật gói bánh không hề đơn giản, đòi hỏi phải đạt chuẩn từ hình khối lẫn các góc cạnh, làm sao cho bánh thật khít, đều và cân đối.
Nhờ có bàn tay khéo léo của người làm bánh cùng những thứ nguyên liệu chọn lọc rất kỹ giúp cho bánh ú khi luộc chín vớt ra có màu xanh lá, bánh dẻo quánh, trên da bánh có chút xanh phớt chỉ cần cắn một miếng cũng đủ để cảm nhận mùi thơm đặc trưng của loại bánh đặc trưng cho thôn quê này.
Bánh ú Đa Lộc được nhiều người du khách miền Tây và thành phố Hồ Chí Minh cũng như người dân lân cận tìm đến mua về ăn và làm quà tặng khi có dịp về thăm Trà Vinh.
Đến Trà Vinh, bạn có thể ghé qua lò bánh Việt Sang, ấp Hương Phụ, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh là mua được loại bánh đặc sản này.
4. Bún suông Trà Vinh
Tên gọi món bún suông (suông tôm) xuất phát từ chả tôm tươi ngon, mềm mịn được tạo hình như những con đuông, một loài bề ngoài có hình dạng như con sâu. Tôm khi mua về, đem lột bỏ vỏ, ướp với mắm ngon rồi lau khô, cho vào máy xay, thêm ít hạt tiêu để chả tôm thơm ngon hơn. Tiếp đó, cho chả tôm vào trong bao ni lông, cắt một đầu nhỏ để nặn suông vào nồi nước dùng đang sôi, hoặc chiên sơ suông rồi mới cho vào nồi nước lèo khi ăn.
Để tạo nên sự hấp dẫn cho bún suông không thể bỏ qua nước lèo đúng chất Trà Vinh được nấu từ xương lợn ninh. Nước lèo có màu nâu đậm chứ không trong, bởi đã được thêm một ít me và tương hạt để tạo vị ngọt thanh và thoảng hương thơm của tương hấp dẫn.
Công đoạn đầu tiên để làm bún suông chính là đun nước lèo. Xương lợn dem rửa sạch cho vào nồi nước sôi luộc khoảng 3 phút, rồi vớt ra rửa lại với nước lạnh cho sạch. Tiếp tục cho xương lợn vào nồi, thêm tôm khô, củ cải gọt vỏ cắt khoanh tròn, đun sôi, hớt bỏ bọt rồi đun chừng 2 tiếng.
Tiếp đến là bóc bỏ vỏ tôm, rút chỉ đen, ngâm với nước muối pha loãng khoảng 15 phút rồi rửa lại cho sạch, để ráo nước. Các nguyên liệu tỏi, hành khô đem bóc vỏ, băm sơ; tôm ướp nước mắm rồi cho vào máy xay mịn hoặc băm nhuyễn tôm rồi mới trộn đều với tỏi, hành khô đã băm nhỏ. Cho hỗn hợp trên vào tủ đông để khoảng hai giờ đồng hồ; sau đó lấy ra dùng thìa quết nhuyễn để tôm được dai rồi mới cho vào túi nilon sạch, cắt đầu bao.
Riêng thịt ba chỉ thì đem rửa sạch và cho vào nồi luộc chín. Nước dùng sau khi đã ninh xương mềm đem lọc lấy phần nước hầm, cho thêm me và tương hạt. Khi nước dùng sôi, người ta dùng tay nặn phần tôm trong túi nilon vào nồi nước dùng, rồi đun khoảng 5 – 10 phút cho đến khi tôm chín, nổi lên trên bề mặt.
Thưởng thức bún suông bằng cách xếp bún vào bát, thêm ít lát thịt ba chỉ, chan nước dùng và cho phần chả tôm vào, rắc đều hành lá, rau mùi, thái nhỏ lên bề mặt, trộn đều lên dùng nóng là bạn đã được thưởng thức bát bún suông thơm ngon không nơi nào có được.
5. Nước mắm rươi Trà Vinh
Chuyện xưa kể rằng trong thời gian bôn tẩu tới vùng đất này, chúa Nguyễn Ánh được người dân địa phương dâng lên món nước mắm đặc sản này và được Chúa khen ngợi. Từ đó, nước mắm rươi còn được gọi bằng cái tên là “nước mắm ngự”.
Rươi là loài sống dưới mặt đất ở các vùng nước mặn, ngập mặn, cập theo sông rạch hay các khu bãi bồi ven biển. Con rươi nhỏ chừng cây diêm quẹt, thân mềm nhũn. Khi còn sống, chúng mang màu máu tươi và trong suốt.
Hàng năm, rươi thường thoát khỏi nơi cư trú vào mùa gió chướng, khi nước dâng cao ngập cả bờ (khoảng từ tháng 11 hay cuối tháng chạp âm lịch là lúc nước dâng cao đến đỉnh điểm). Khi đó, chúng thường quyện vào nhau, trôi từng dòng dày đặc trên mặt nước, dọc theo những con sông, rạch miền biển. Người dân nơi đây chỉ cần dùng vợt bọc bằng vải mùng là đã có thể hứng hay vớt rươi.
Rươi sinh sản trong tự nhiên nên không cần mất công nuôi dưỡng. Tuy nhiên, khi chế biến rươi thành nước mắm thì lại trở thành thứ nước mắm có giá trị thơm ngon vào hàng bậc nhất, một loại nước mắm cao cấp, cung cấp nhiều đạm bổ dưỡng và hấp dẫn.
Để chế biến mắm rươi, cần tuân thủ theo công thức đơn giản của ngư dân địa phương. Trung bình cứ một đôi rươi tính bằng 40 lít khi mới vớt lên, pha 8 lít muối hạt to cùng với 20 lít nước lã, ủ trong lu hoặc trong mái dầm, sau đó đem phơi nắng khoảng 10 đến 15 ngày, khi rươi chuyển sang màu vàng sậm, hàm lượng đạm cao, hương vị ngai ngái nồng nàn là được.
6. Bánh tét cốm dẹp Trà Vinh
Trà Vinh là vùng đất của những ngôi chùa Khmer, những lễ hội truyền thống và cả một nền ẩm thực đa sắc màu. Cũng nhờ có sự cộng cư của các dân tộc Kinh – Hoa – Khmer mới tạo nên một văn hóa ẩm thực Trà Vinh phong phú, đa dạng và vô cùng đặc trưng. Ở đó cũng có một loại bánh được kết tinh giữa sự tư duy sáng tạo và sự giao thoa văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây mang tên bánh tét cốm dẹp.
Để làm bánh này cần có các nguyên liệu đặc biệt từ cốm dẹp – nguyên liệu truyền thống của người Khmer, dân dã và mộc mạc được nhiều người ưa chuộng. Quá trình làm nên loại bánh này cũng vô cùng phức tạp. Nguyên liệu và kỹ thuật là hai khâu quan trọng trong quá trình tạo nên những chiếc bánh cốm dẹp nhiều người ưa thích này. Nguyên liệu chuẩn bị phải tốt cộng với kỹ thuật gói và nấu bánh thật sự khéo léo, và không thiếu những bí quyết riêng thì mới có được bánh tét cốm dẹp dẻo thơm, dễ ăn.
Cốm dẹp sau khi đem về nhà, cho vào chảo rang trên lửa nhỏ, dùng một đôi đũa tre to bản đảo đều các hạt nếp đến khi rang chín thì bỏ vào cối đồng hay cối đá giã đều, đến khi vỏ hạt nếp bong ra, rồi cho vào nia sàng, sảy sạch vỏ trấu là có được cốm dẹp – nguyên liệu chủ yếu của bánh này.
Giống các loại bánh tét truyền thống, bánh tét cốm dẹp có nhân thường là đậu xanh, đãi vỏ, nấu nhừ, để nguội, thêm đường và va ni để tạo mùi thơm rồi mới đem lên bếp xào, trộn đều cho thật ráo. Sau đó đổ hỗn hợp trên vào mâm, dùng tay vò nhân sao cho vừa bằng nửa cổ tay; tuy nhiên cần tránh gói bánh bằng tay trần vì khi có mùi thì bánh sẽ khó để được lâu.
Người ta thường dùng lá chuối xiêm hoặc lá lùng để gói bánh tét cốm dẹp. Đầu tiên, trải lá chuối rồi cho cốm dẹp kèm với nhân vào trong, đem gói lại giống như đòn bánh tét thường thấy, nhưng kích cỡ sẽ nhỏ hơn. Một bí quyết để bánh tét không dính vào lá khi nấu, thì người làm phải nhúng sơ bánh qua nước cốt dừa thêm một lần nữa rồi mới gói lại như vậy bánh sẽ không dính lá và có vị béo thơm khi nấu chín.
Sau đó, dùng dây lát hay dây lùng buộc bánh lại vừa tay, không chặt cũng không lỏng quá để tránh bánh bị ép hay bị bở. Đòn bánh tét cốm dẹp đẹp mắt khi nhìn bề ngoài không quá to hoặc quá nhỏ. Khi gói xong, người ta buộc bánh lại thành từng cặp một để ăn dần; hoặc gói tròn chục để buôn bán hay làm quà.
Bánh được gói xong thì cho vào nồi hấp cách thủy khoảng nửa giờ đồng hồ và chín hoàn toàn bởi hơi nước nóng. Sau khi chín, mở đòn bánh ra bạn sẽ cảm nhận được hương thơm ngào ngạt của nếp, vị béo thơm của nước cốt dừa, vị bùi của đậu xanh và hương thơm đặc trưng của vani khiến ai ăn bánh tét này cũng đều không ngán.
Bánh tét cốm dẹp thường được bà con Khmer dùng thay cơm, ăn điểm tâm, hoặc tráng miệng sau các buổi ăn chính. Do bánh nhỏ gọn nên cũng vô cùng tiện để làm quà cho khách phương xa. Bánh có thể để bảo quản vài ngày sau khi chín ở nhiệt độ bình thường, hoặc vài tuần nếu để trong tủ lạnh.
7. Bánh canh Bến Có
Về Trà Vinh, bạn đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món bánh canh Bến Có ở xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Bánh canh nơi đây mềm, thơm vị thịt, lòng heo, khi ăn thường dùng kèm ớt hiểm cay tạo nên hương vị khó quên.
Bánh canh Bến Có chế biến từ gạo lúa mùa (cũng ngon như gạo móng chim, nanh chồn, nàng thơm…) và phải là gạo cũ đã để được ít nhất sáu tháng. Bởi nếu chọn gạo mới còn dẻ thì bánh canh khi mới làm ra sẽ dính cục. Mỗi con bánh canh thường lớn hơn cọng bún và có độ dài vừa phải.
Phần quan trọng làm nên ấn tượng cho món bánh canh và cũng là hương vị chủ yếu của món ăn này chính là nước lèo (hay nước dùng). Nước dùng được nấu từ xương heo, lòng heo với nước cốt tôm đến khi xương ra hết chất ngọt trong tuỷ là được.
Bánh canh khi ăn kèm rau giá sống đã được bỏ trước vào bát, phủ bánh canh lên trên, tiếp đó là thịt, lòng heo (bộ tim, gan, cật, lá lách, phèo non…). Sau đó, rưới nước lèo nóng bốc khói lên rồi mới cho hành lá cùng ít tiêu vào.
Khi ăn, chanh với ớt hiểm xanh thường cho kèm theo bát bánh canh. Nước chấm là mắm nguyên chất thơm ngon hoặc muối ớt nêm vừa miệng. Những quán bán bánh canh ở vùng Bến Có luôn đông khách bởi bánh canh Bến Có đã trở thành thương hiệu trong lòng người Trà Vinh và bạn bè khắp nơi.
8. Bánh tét Trà Cuôn
Được xem là món bánh đặc sản của Trà Vinh, chỉ cần đi qua vùng trung tâm thị xã Trà Vinh ra quốc lộ 53 là đến vùng huyện Duyên Hải, nơi bánh tét Trà Cuôn nổi tiêng lâu nay. Bánh tét vùng này có nguồn gốc lâu đời, xuất phát từ đôi bàn tay khéo léo của bà Thạch Thị Lý – một người dân tộc Khmer ở xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang.
Để làm được bánh tét ngon phải trải qua nhiều công đoạn không hề đơn giản. Từ việc mang nếp đi vo chừng khoảng năm nước, để ráo, trộn đều với nước lá rau ngót để tạo màu và có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, để đòn bánh tét ăn có vị ngon thì các nguyên liệu từ thịt, mỡ, đậu xanh (trừ lòng đỏ trứng vịt muối) đều được tẩm ướp các loại gia vị gồm hành lá, muối, đường, bột ngọt…
Để có được đòn bánh tét chắc nịch, dẻo ngọt và để được lâu ngày thì người làm phải chọn tỉ mẩn trong việc chọn lá gói, lấy màu tự nhiên cho nếp sáp đến làm nhân, gói và nấu bánh. Trước tiên, phải chọn những tàu lá chuối tươi, khổ rộng vừa phải, không rách, đem phơi nắng cho hơi rám màu, lau kỹ và xếp gọn gàng. Khi gói cần chọn loại nếp sáp địa phương ngon thuần nhất thì mới có độ dẻo phù hợp, không được có lẫn gạo hay các loại nếp tạp khác, đãi sạch để ráo, trộn đều với nước cốt lá rau ngót.
Đậu xanh làm nhân bánh thì phải chọn loại hạt to, tròn đều, đãi sạch vỏ, đem nấu chín, làm mìn rồi pha thêm hương vị tạo mùi. Mỡ lợn thì chọn loại dày dưới da, thịt và mỡ được sắt thành thỏi dài vuông cạnh, tẩm ướp gia vị hành lá, muối, đường… Ngoài ra, người dân trong vùng thường cho thêm trứng muối để bánh tét hấp dẫn khẩu vị thực khách hơn.
Bánh tét Trà Cuôn có 3 kích cỡ, loại nhỏ có trọng lượng 900g, loại trung là 1.2kg và loại lớn có trọng lượng 1.5kg. Sở hữu hương vị khá đặc trưng như vậy nên bánh tét Trà Cuôn đến nay vẫn nổi tiếng trên khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và ở cả thành phố Hồ Chí Minh.
9. Bún nước lèo Trà Vinh
Đến đất Trà Vinh, bạn hãy tận dụng thời gian trải nghiệm cho bằng được bát bún nước lèo để thưởng thức từ vị ngọt mặn trong từng sợi bún trắng, mềm cho đến những miếng thịt cá lóc, và vài miếng bánh cống (hay còn gọi là bánh giá) giòn.
Bún nước lèo là một món ăn dân dã thường được những nguời nông dân lam lũ ăn trong những buổi sáng. Từ những gánh hàng bên vệ đường đơn giản, với đôi quang gánh, một bên để cái trã lớn (tức nồi đất) chứa nước lèo được ủ nóng bằng trấu; bên còn lại đựng bún, bát, đũa, giấm, muối ớt, rau ghém… cũng đã đủ để phục vụ bất kỳ ai muốn thưởng thức món ăn này.
Một bát bún nước lèo dân dã ngon từ sợi bún làm từ loại gạo lúa mùa dai và ngọt; rau ghém phải có giá đỗ sống, bắp chuối (để cả vỏ đỏ bên ngoài) và hẹ hương (những cọng nhỏ nhưng giòn và ngọt nồng). Các loại rau ghém sạch này đặc biệt đều được trồng theo phương pháp truyền thống, tuyệt nhiên không bón phân hóa học.
Tiếp theo phải kể đến là nước lèo chan bún được nấu bằng mắm prò-hốc, tạo ra vị mặn nồng nàn, thơm lựng mũi cho người ăn. Khi mắm rã hết trong nồi nước sôi thì hớt bọt nhiều lần rồi mới cho thịt cá lóc nghiền nhỏ, ướp sả ớt cùng gia vị khác vào nồi.
Khi chuẩn bị bát cho thực khách, đầu tiên người bán xé rời từng cọng bún cho vào bát, rải rau ghém lên trên, chan nước lèo nóng hổi, nặn chanh (hoặc chan giấm), cho miếng muối ớt (không dùng nước mắm vì sẽ khiến tô bún bị “chua”) cho vào bát rồi trộn đều trước khi ăn. Một bát nước lèo có thịt cá lóc rỉa, thịt heo quay vàng ruộm, bánh giá nóng giòn, vài miếng tiết heo tưởng đơn giản nhưng nếu bạn đã ăn một bát thì sẽ còn muốn ăn thêm để thưởng thức hương vị đã thấm vào từng sợi bún, hòa tan trong nước lèo thơm ngon.
Đến Trà Vinh, bạn có thể thưởng thức những bát bún ấy tại những phum, sóc xa xôi, hoặc trong một “sạp” bên trái chợ Trà Vinh.
10. Trái quách Trà Vinh
Là loại cây cao khoảng 7 – 10m, cây quách có lá nhỏ, dễ trồng trên vùng đất không ngập nước, khoảng 4 năm sau khi trồng thì sẽ cho trái. Trái quách có dạng hình tròn, da cám, khi chín ruột thường có màu đen và bên trong có nhiều hột nhỏ bằng đầu đũa ăn.
Trồng cây quách có một đặc điểm là khi trái chín sẽ tự rụng, nên người trồng không cần phải trèo lên hái. Mặc dù rơi từ trên cao xuống xong trái quách khi vừa chớm chín còn rắn nên không dập vỡ. Hàng năm, vào tháng Giêng, tháng Chạp là mùa trái quách chín. Khi vừa chín tới, trái quách có một hương thơm đặc biệt quyến rũ với nhiều người.
Trái quách bề ngoài trông như một quả bưởi chai, da mốc nhưng có hương vị ngọt chua thanh, hương thơm ngào ngạt đặc trưng. Khi trái chín rục thì vỏ chuyển sang màu bạc trắng, mềm, chỉ cầm dao xẻ nhẹ là đã thấy bên trong có những hột nhỏ li ti màu tím.
Sau đó, dùng muỗng nhỏ múc ruột quách cho vào ly, bỏ thêm đường, sữa cùng nước đá bào là có một cốc nước giải khát lạ miệng không nơi nào có thể giống. Khi cho vào miệng thưởng thức thì bạn sẽ cảm thấy lưỡi tê dần đi, phảng phất một mùi thơm đặc trưng, vị ngọt của đường, vị béo của sữa vô cùng dễ chịu. Quách có thể ăn non bằng cách đập dập, cạy lấy phần cơm bên trong đem chấm muối ớt, ăn vị chát, chua giống như ổi xanh.
Bên cạnh món nước giải khát nói trên, những người sành quách thường không bỏ qua món rượu quách – một loại rượu mà gần như nhà nào trồng quách ở Trà Vinh cũng có một thẩu rượu. Mỗi khi có dịp đặc biệt hay khách quý, người thân đến thăm thì rượu quách lại được đem ra mời và lai rai câu chuyện. Thứ rượu đặc sản này không những thơm ngon, mà còn là vị thuốc bổ tuyệt vời, giúp người uống cường gân cốt, bổ thận, nhuận tràng…
Để có rượu quách, người ta dùng rượu gạo hoặc nếp để ngâm. Sau đó chọn các trái chín tròn trịa, vỏ ngoài không có vết xước hay thủng sâu. Lấy ruột quách đem ngâm cùng với rượu, hoặc có thể bổ trái quách làm những miếng vừa rồi mới cho vào chum rượu, hoặc dùng dao khoét vài lỗ trên trái quách rồi ngâm nguyên trái với rượu. Dù ngâm bằng cách chế biến nào đi nữa thì rượu ngon và đạt cũng phải trong, vẹn nguyên mùi thơm của quách.
Ngày nay, cây quách chỉ còn trồng rải rác trong các phum sóc trên giồng đất của người Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, xong Trà Vinh vẫn được coi là nơi trồng nhiều nhất. Người dân nơi đây rất tự hào về một loại trái cây mát lành, một đặc sản độc đáo làm phong phú cho kho trái cây nức tiếng nơi miệt vườn Trà Vinh này.
11. Cháo ám Trà Vinh
Ở Việt Nam, mỗi vùng miền, địa phương đều sở hữu những món ăn độc đáo. Nếu đến Trà Vinh, bạn sẽ được mời thưởng thức món cháo ám nổi tiếng một thời. Cháo ám thực ra chính là cháo cá lóc (hay gọi là cá quả ở miền Bắc), đặc biệt, cá lóc thì ở đâu cũng có.
Từ năm 1930, nhiều người dân ở xứ Trà Vinh đã có cơ hội được biết đến món cháo ám của bà Năm Biết, bà thường ngồi trước cửa một tiềm cà phê để bán. Ngày nay, bạn có thể tìm thấy các hàng quán cháo ám trong chợ Châu Thành, hấp dẫn không kém cháo ám bà Năm Biết khi xưa.
Dù vậy, nồi cháo ám bà Năm Biết được chế biến rất công phu, đủ gia vị cần thiết đến mức nếu bạn là người khó tính, kén ăn nhưng đã thưởng thức một lần thì cũng phải khen ngon.
Để nấu cháo ám, người ta lựa con cá lớn, mập, cắt ra từng khứa rồi đem luộc, sau đó đem rỉa thành từng miếng nhỏ bằng ngón tay trước khi xào với mỡ hành. Sử dụng ngay chính nước luộc cá để nấu cháo trong nồi đất lớn. Khi nấu, người ta thường bỏ vào củ hành nướng, tôm khô, khô mực nướng vì vậy nước cháo rất ngọt và thơm. Trứng cá thường được để riêng, làm nhuyễn rồi mới đổ vào nồi; khi chín chúng nổi lên vàng óng trên mặt nồi.
Khi ăn bạn sẽ thấy cháo ngon lạ, hương vị đặc biệt và ăn không thấy chán cùng các thứ gia vị như mắm nêm ngon pha dịu, tương hột, tương ớt (ớt bỏ hạt băm nhuyễn xào với tỏi), đậu phộng rang giã nhỏ. Ngoài ra, phải có giá đỗ nhúng, hành, ngò cắt nhỏ, rau sống cắt nhuyễn, bánh tráng mè nướng giòn thì mới đúng chất nhất.
Thưởng thức bát cháo được múc ra bốc hơi thơm đến lạ lùng, cuốn hút. Dù rằng các tỉnh miền Trung và Biên Hòa, Tây Ninh đều có nấu. nhưng cháo Trà Vinh thực sự mới là đứng đầu.
12. Dừa sáp Trà Vinh
Dừa sáp, hay còn gọi là dừa đặc ruột, là loại cây được trồng tại giồng Cây Xanh từ năm 1960, cách thị trấn Cầu Kè chừng 4km. Bề ngoài nhìn dừa sáp cũng chỉ giống dừa thường nhưng khác ở chỗ cơm dừa rất dày, có khi chiếm gần hết phần ruột, phần nước dừa thì sệt lại như keo. Thêm nữa, cơm dừa sáp thường mềm và dẻo như bột quánh lại.
Dừa thường khi lột vỏ gõ nghe tưng tưng, còn dừa sáp thì phải dùng sống dao gõ để nghe tiếng cọc cọc. Thông thường một buồng dừa có 12 trái, trong đó chỉ có khoảng 4-5 trái dừa sáp, thậm chí có thể không có trái nào. Dừa sáp ăn ngon nhất thì phải nạo ra để làm sinh tố. Cho thêm ít đường, sữa, đá bào vào và thưởng thức thì bạn sẽ cảm nhận được hết vị ngon của nó.
Theo nhiều du khách có kinh nghiệm thưởng thức, ngay khi hút hết ngụm đầu tiên của món sinh tố dừa sáp này bạn sẽ cảm thấy đầu lưỡi tê đi vì vị mát, cuống họng cảm nhận vị ngọt lịm, còn mũi thì như nức ra vì mùi thơm ngào ngạt thơm ngon này.
Tại Trà Vinh, bạn có thể bắt gặp nhiều hàng bán dừa sáp ở Cầu Kè bằng việc nhìn thấy những trái dừa được treo lủng lẳng như để làm hiệu. Khi mua dừa, bạn hãy nhớ quan sát hình dáng bên ngoài của dừa để chọn. Có một cách chắc chắn là bạn có thể nói chủ quán bổ luôn cho bạn, nếu bên trong ruột dày, phần sáp xốp như bánh kem, phần cùi còn ngậm nước sền sệt như thạch thì đó là dừa sáp chuẩn.
Ngày nay, dừa sáp đã được nhân ra quanh khu vực thị trấn Cầu Kè ra các vùng mới như Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Phong Thạnh… Tại thị trấn Cầu Kè hiện còn 2 sạp bán dừa sáp quanh năm, một trên đường 30/4 ngay gần trung tâm văn hoá thể thao huyện và một ở trên đường Trần Phú, đoạn gần UBND huyện.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →