Cách Hà Nội khoảng 80km về phía Tây Bắc, du lịch Tam Đảo được ví như Đà Lạt, Sa Pa do khí hậu ôn hòa quanh năm mát mẻ là địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần của gia đình và bạn bè sau những ngày làm việc mệt mỏi. Tam Đảo do 3 ngọn núi cao nhất hợp thành: núi Thạch Bàn nằm chính giữa, núi Thiên Thị và núi Phù Nghĩa (có nơi gọi là Máng Chỉ).
Phụ lục
Thời điểm thích hợp để du lịch Tam Đảo
Các bạn có thể đi Tam Đảo mọi mùa trong năm:
- Mùa xuân: Là mùa lễ hội ở Tây Thiên. Đến với Tam Đảo vào dịp này, ngoài việc cầu may, cầu tài lộc; các bạn còn có thể hòa mình vào không khí lễ hội đầu xuân với rất nhiều hoạt động văn hóa đặc trưng.
- Mùa hè: Là mùa nghỉ mát và là cũng là thời điểm thích hợp để đi du lịch. Vào dịp cuối hè, sau khi đã tham gia nhiều chương trình tham quan du lịch biển dài ngày thì đây là lúc lên Tam Đảo để tận hưởng cảm giác thanh bình trước thắng cảnh núi rừng kỳ vĩ.
- Mùa thu và mùa đông: Đây là lúc công việc khá gấp rút cho việc tổng kết cuối năm và cũng là lúc thời tiết đã chuyển lạnh. Không còn gì thích hợp hơn việc dành ra ngày cuối tuần của mình để lên Tam Đảo hít thở không khí trong lành của núi rừng, thoát khỏi sự mệt mỏi của cuộc sống hàng ngày để có thể trở lại làm việc với một năng suất cao nhất.
Điểm tham quan nổi bật khi đi du lịch Tam Đảo
Núi Tam Đảo
Núi có 3 đỉnh nổi lên như 3 hòn đảo: Đỉnh giữa có tên Bàn Thạch cao 1.388m; bên trái là đỉnh Thiên Nhị (chợ trời) cao 1.375m, trên có tháp truyền hình cao 93m, bên phải là đỉnh Phù Nghĩa cao 1.400m.
Thông thường, để thực hiện chinh phục 3 ngọn núi này, các bạn cần lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị vật dụng leo núi.
Lưu ý: Rừng Tam Đảo là rừng mưa nhiệt đới nên thời gian thích hợp để trekking ở Tam Đảo là vào mùa khô từ tháng 9 tới tháng 4 năm sau, thời tiết khô ráo, mát mẻ, tránh được vắt và nhiều loại côn trùng khác. Ngoài ra, việc phòng chống vắt bằng các thuốc chuyên dụng hay trang bị tất chống vắt là khá cần thiết. Cần xin phép ban quản lý rừng quốc gia Tam Đảo để được vào rừng và cắm trại trên núi.
Cắm trại qua đêm trên đỉnh Tam Đảo (thường là đỉnh thứ 2), các bạn sẽ được chiêm ngưỡng bình minh tuyệt đẹp nơi đây với mặt trời ban sáng lấp ló giữa biển mây tạo một cảm giác bồng bềnh và mênh mông ngút ngàn. Tuy nhiên, nếu cắm trại qua đêm, các bạn phải chuẩn bị lều trại, dây thừng, tấm trải, túi ngủ, dao đi rừng, bật lửa, nến đốt, nồi, siêu đun nước… để có một chuyến đi an toàn.
Vì cung đường leo núi còn khá hoang sơ, nhiều đoạn chưa thành đường mòn, lại có rừng rậm rạp bao phủ, nên rất dễ bị lạc đường, bởi vậy nếu trong đoàn không có ai biết đường nhất thiết phải có hướng dẫn viên (là người địa phương) dẫn đường.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn
Ðền Bà Chúa Thượng Ngàn nằm trên đường đi lên đỉnh Thiên Nhị. Ngôi đền là nơi lưu giữ một truyền thuyết đẹp cùng với khung cảnh mộng mơ của thị trấn.
Bà chúa Thượng Ngàn (hay còn gọi là Lâm Cung thánh mẫu, mẫu Thượng Ngàn) là một trong ba vị mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình chùa của người Việt, chủ yếu ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Theo truyền thuyết, bà là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Thánh) và công chúa Mỵ Nương, tên là La Bình. Khi Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp, tránh nguy nhiểm, dạy người dân cách dựng nhà, săn bắn, trồng trọt, chăn nuôi…
Thác Bạc
Từ trung tâm thị trấn Tam Đảo, rẽ phải theo lối mòn, hút xuống thung lũng sâu dẫn xuống thác Bạc.
Đường dẫn xuống thác Bạc không quá dài nhưng cheo leo dựng đứng được thiết kế bằng những bậc tam cấp lót đá xanh. Do đường mở trong núi, một bên núi một bên vực nên thành đường có tay vịn, có một vài điểm để các bạn dừng nghỉ chân. Hiện nay, dọc đường xuống thác, nhất là vào những ngày cuối tuần khách đến tham quan chật cả đường đi. Cũng dọc con đường này, có rất nhiều hàng nước, các bạn có thể dừng chân nghỉ bất cứ lúc nào.
Nhà thờ cổ Tam Đảo – Cổng trời Tam Đảo
Từ thị trấn Tam Đảo các bạn đi thẳng lên nhà thờ thời Pháp được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên cạnh con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị, là công trình kiến trúc duy nhất còn lại trong toàn bộ các công trình từ thời Pháp thuộc, là điểm đến lý tưởng cho các bạn trẻ ưa chụp ảnh mỗi khi lên Tam Đảo.
Từ nhà thờ rẽ trái là tới cổng trời. Ðứng trên cổng trời nhìn xuống, cả thị trấn Tam Ðảo mờ mờ ảo ảo trong những làn sương chợt đến chợt đi đẹp lạ lùng.
Vườn Quốc gia Tam Đảo
Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80km, rộng 10–15 km chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75km về phía Bắc.
Hiện vườn Quốc gia Tam Đảo đang có một số tuyến du lịch cho du khách như sau:
- Tour du lịch xem chim tại vườn Quốc gia Tam Đảo
- Vườn Quốc gia Tam Đảo – Rốn Rồng – Rừng Thông – Bãi đá Mom Cày – Hồ Xạ Hương
- Vườn Quốc gia Tam Đảo – Trường Rừng – Rốn Rồng – Trung tâm cứu hộ gấu
- Vườn Quốc gia Tam Đảo – Thị trấn Tam Đảo – Thăm 3 đỉnh núi
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Trên đường từ Tam Đảo trở về Hà Nội, bạn có thể ghé thăm Thiền viện Trúc Lâm nổi tiếng bởi vẻ đẹp văn hóa tâm linh, nằm giữa núi non phong cảnh hữu tình. Tất cả các hiện vật, tranh tượng, phù điêu trên vách tháp chuông, tháp trống trong và ngoài chánh điện đều ẩn chứa những tích xưa thiền sử thu hút khách du lịch tham quan. Bạn hãy dành chút thời gian tới thăm Thiền viện Trúc Lâm để chiêm bái, thành kính mong tài lộc may mắn, đến với gia đình, bạn bè.
Phương tiện di chuyển
Tam Đảo cách Hà Nội khoảng 80km theo đường Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Đường khá đẹp và dễ đi nên các bạn hoàn toàn có thể yên tâm trong việc đi lại, chỉ có một đoạn leo núi lên Tam Đảo thì phải cẩn thận hơn vì đường lên dốc và nhiều khúc cua.
Đi bằng xe máy mất tầm 2 tiếng.
Các bạn đi đường Phạm Văn Đồng tới chân cầu Thăng Long. Lưu ý xe máy không được phép lên cầu nên bạn cần rẽ phải vào làn đường dành cho xe máy (trước cổng khu công nghiệp Nam Thăng Long – Ciputra) rồi thẳng theo con đường nhỏ dưới chân cầu để qua bên kia sông-> Theo hướng Nội Bài qua trạm kiểm soát giao thông, khi có biển chỉ dẫn cách Nội Bài 2km thì rẽ trái vào Quốc lộ 2 (theo hướng biển báo chỉ đường đi thành phố Vĩnh Yên).
Theo Quốc lộ 2 đi Vĩnh Yên, bạn đi khoảng 20km, đến đoạn cuối thành phố Vĩnh Yên thì rẽ phải vào Quốc lộ 2B. Cuối đường Quốc lộ 2B là lối vào Tam Đảo, từ đây đường đi dốc, các khúc cua tay áo, các bạn nên gài số 1 (2) cho xe máy ở các đoạn lên dốc để tránh xe bị chết máy dọc đường, bấm còi và nên bật đèn pha đối với các đoạn khuất tầm nhìn hoặc đoạn có sương mù che phủ (vì khi lên cao sẽ có sương mù che mất lối đi và khuất tầm nhìn)
Lưu ý: Nhớ mang theo giấy tờ đầy đủ, xe có lắp gương chiếu hậu, kiểm tra phanh trước, sau và thực hiện việc lái xe an toàn trên suốt chặng đường đi (đặc biệt các đoạn dốc cua).
Đi bằng ô tô
Từ Hà Nội đi theo hướng Hà Nội – Nội Bài (qua cầu Thăng Long). Đến ngã tư qua soát vé để vào Ninh Bình thì rẽ trái để đi cao tốc Lào Cai. Sau khi nhập vào cao tốc, đoạn rẽ xuống đầu tiên là khu công nghiệp Bình Xuyên thì bỏ qua đi thẳng đến đoạn xuống thứ 2 (lối xuống Vĩnh Yên). Tại đây có bảng hướng dẫn cụ thể đường đi Tam Đảo (đi theo Quốc lộ 2B có dải phân cách, đến gần sân golf, đường nhỏ hơn và phải leo dốc tầm 12km để lên thị trấn Tam Đảo).
Đi bằng xe buýt
Đi bằng xe buýt đường dài: Xe Neway chạy lúc 6h30 tại số 32 Nguyễn Công Trứ, quận Hai Bà Trưng hoặc lúc 7h tại số 122 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Chuyến về Hà Nội từ Tam Đảo lúc 15 – 16h chiều. Vé xe bán ngay tại điểm bắt xe hoặc bạn có thể gọi điện để đặt vé theo số: 043 565 4898. Có dịch vụ gửi xe miễn phí tại các điểm đón khách.
Đi bằng xe buýt tuyến ngắn từ Hà Nội:
- Bắt xe 07 ở điểm trung chuyển Cầu Giấy, hoặc đi xe 58 từ trung chuyển Long Biên đến Mê Linh Plaza.
- Tại Mê Linh Plaza, các bạn bắt xe buýt VP01(Vĩnh Yên – Bắc Thăng Long Nội Bài), cứ 20 phút lại có 1 chuyến xe, xe đi đến bến xe mới Vĩnh Yên.
- Từ bến xe mới Vĩnh Yên, bắt tiếp xe buýt VP07 (Vĩnh Yên – Tam Đảo), bạn nói với tài xế cho xuống chỗ để lên Tam Đảo.
- Từ đây, bắt tiếp xe ôm để đến trung tâm Tam Đảo (cách khoảng 17km).
Đi bằng xe khách, taxi
- Từ bến xe Mỹ Đình, các bạn có thể bắt xe khách đi Vĩnh Yên (có khá nhiều xe đi tuyến này).
- Từ bến xe Vĩnh Yên, bắt taxi đi Tam Đảo (chi phí taxi từ Vĩnh Yên lên Tam Đảo khoảng 350.000 vnđ/chiều). (Các hãng taxi tam đảo?)
Lưu ý:
- Nếu di chuyển bằng xe máy thì nên để các bạn nam lái xe vì đường lên Tam Đảo tương đối dốc và nhiều khúc cua tay áo. Dolly cũng bị xòe ở đây một lần rồi, mà không chỉ có mình Dolly, ngay chỗ Dolly ngã cũng có 2 xe máy khác cũng bị trong sáng hôm đấy.
- Còn nếu đi bằng phương tiện công cộng thì các bạn nên đi xe bus đường dài lên thẳng Tam Đảo (tránh việc phải chuyển tuyến nhiều lần, hay chi phí taxi và xe ôm đắt đỏ).
Dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ ở du lịch Tam Đảo
Tam Đảo có rất nhiều khách sạn và nhà nghỉ với mức giá cạnh tranh. Các bạn yên tâm là rất dễ tìm khách sạn ở đây và chất lượng dịch vụ cũng khá ổn. Tuy nhiên, vào các ngày nghỉ lễ và các ngày cuối tuần (đặc biệt mùa hè, thời tiết nóng nực) giá phòng có thể bị đẩy lên khá cao và có thể bị “cháy” phòng; vì vậy các bạn cần phải đặt phòng trước.
Nếu đi đông người và tiết kiệm chi phí, các bạn có thể lựa chọn nhà nghỉ Tư Phương. Nhà nghỉ này nằm ở trên cao, có tầm nhìn khắp cả thị trấn, phòng ốc ở đây khá rộng rãi, có chỗ ngủ cho tập thể. Các bạn cũng có thể đặt cơm ở đây theo yêu cầu, giá cả cũng hợp lý. Đặc biệt, ở đây sân trước, vườn sau, thích hợp cho việc đốt lửa trại, giao lưu tập thể.
Còn nếu lựa chọn cho gia đình một kỳ nghỉ thoải mái và ấm cúng tại Tam Đảo, bạn có thể lựa chọn phương án thuê biệt thự riêng biệt của tư nhân ở (tham khảo Tam Đảo Villa, SĐT: 0211 382 4138) khá đẹp, yên tĩnh, riêng biệt và có trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên khu biệt thự tư nhân thì không ở giữa trung tâm, khoảng 1km đi bộ và chi phí ăn ở tương đối cao nhưng bù lại rất tiện cho sinh hoạt gia đình: có sân vườn cho trẻ con chơi, có chỗ ăn uống ngoài trời cho cả gia đình…
Bạn cũng có thể tham khảo một số khách sạn sau đây:
- Khách sạn tòa báo nhân dân: nằm ở gần trung tâm Tam Đảo. Giá phòng thường dao động từ 440.000VNĐ đến 1.000.000 VNĐ.
- Tam Đảo Belvedere Resort: nằm ở phía dưới cách khá xa trung tâm Tam Đảo, tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 30 ha.
- Khách sạn Thế Giới Xanh – Green World từ lâu đã là địa chỉ nổi tiếng cho du khách Tam Đảo.
Ngoài ra, trên thị trấn Tam Đảo cũng có rất nhiều khách sạn, nhà nghỉ với quy mô nhỏ hơn và giá thấp hơn như khách sạn Suối Bạc, khách sạn Anh Đào, khách sạn Sao Mai, khách sạn Hạ Long, khách sạn Mỹ Linh…
Dịch vụ ăn uống
Ở Tam Đảo, dịch vụ ăn uống rất đa dạng nhưng giá luôn dao động nên các bạn cần phải hỏi giá trước khi quyết định mua hay sử dụng dịch vụ. Nếu có thể bạn nên mang thêm đồ ăn nhẹ và nước uống theo.
Về quán ăn ngon ở Tam Đảo, các bạn có thể chọn nhà hàng Hải Đăng, nhà hàng Phương Nam, quán (nhà hàng) Phương Thảo (nhà tròn nằm cạnh bể bơi, bạn cứ hỏi người dân nơi đây, Tam Đảo khá bé nên rất dễ tìm), quán Phương Thảo này được cộng đồng mạng đánh giá “ăn ở đây đảm bảo rẻ nhất, đồ lại tươi, chế biến chuẩn, bà chủ quán thì cực nhiệt tình và tốt bụng.
Bạn cũng có thể dùng bữa ngay tại khách sạn mình đang lưu trú (nếu có dịch vụ) hay có thể đi quán ở khu chợ Tam Đảo, vừa thưởng ngoạn thắng cảnh Tam Đảo lại vừa tìm cho mình một nhà hàng, quán ăn thú vị (Đặc biệt các bạn nhớ ăn thử gà nướng giấy bạc nơi đây, rất ngon).
Những món ăn đặc sản ở Tam Đảo:
- Rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa
- Bánh cuốn Tam Đảo
- Ngọn Su su
- Lợn đồi nướng xiên
- Dứa Tam Dương
- Thịt tái bò kiến đốt
- Nem chua Vĩnh Yên
- Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường
- Cá thính Lập Thạch
- Đặc sản gà đồi – heo cắp nách
Di chuyển ở Tam Đảo
Từ trung tâm thị trấn Tam Đảo, các bạn có thể đi xe ôm, xe điện, thuê xe máy hoặc thuê xe jeep để đến các địa điểm tham quan rồi từ đó đi bộ lên chùa, thác…
Dịch vụ khác
- Tắm bể bơi: Bạn có thể đi bơi tại bể bơi công cộng ở Tam Đảo, bể bơi này nằm lưng chừng núi nên khung cảnh rất lãng mạn.
- Chơi golf: Dịch vụ sân golf nằm trong khu resort Tam Đảo, dưới chân núi Tam Đảo.
Lịch trình tham khảo – Du lịch Tam Đảo 2 ngày
Ngày thứ nhất: Đi từ Hà Nội đến Tam Đảo
Buổi sáng:
Bạn nên khởi hành sớm từ Hà Nội, bắt đầu đi lúc 6 đến 7 giờ sáng để kịp lên Tam Đảo vào buổi trưa. Đến nơi, bạn tìm cho mình quán ăn thích hợp rồi tìm phòng khách sạn, nhà nghỉ để nghỉ ngơi. Nếu đi đúng mùa cao điểm du lịch, bạn nên đặt phòng từ trước, tránh trường hợp “cháy” phòng.
Buổi chiều:
Bạn bắt đầu chuyến tham quan của mình tại Thác Bạc. Suối Thác Bạc cách không xa thị trấn Tam Đảo nên bạn có thể đi bộ đến, vừa đi vừa khám phá và thưởng ngoạn cảnh sắc núi rừng Tam Đảo. Nên nhớ mang theo giày thể thao hay chí ít là giày đế bệt đi đi lại, leo trèo cho thoải mái và an toàn. Sau đó, bạn về thị trấn Tam Đảo tham gia các dịch vụ tắm suối hoặc tắm ở bể bơi và các trò chơi tại khu du lịch Tam Đảo.
Buổi tối:
Bạn có thể ăn tối tại nơi mình lưu trú nếu có dịch vụ phục vụ hay đi ra ngoài, tự tìm những quán ăn mình thích. Ăn tối xong, bạn có thể tự do khám phá thị trấn Tam Đảo khi về đêm, nhớ đừng về khách sạn quá muộn.
Ngày thứ hai: Khám phá Tam Đảo rồi trở về Hà Nội
Buổi sáng:
Bạn nên dậy sớm một chút để có thêm thời gian thưởng ngoạn cảnh sắc Tam Đảo. Sau khi ăn sáng đầy đủ, bạn chuẩn bị cho một thử thách mới đó là: leo bộ lên 1400 bậc đá đứng trên đỉnh Thiên Nhị, dưới chân ngọn tháp truyền hình cao 100m. Cuộc du ngoạn này cũng sẽ mất cả buổi sáng của bạn, bạn sẽ về thị trấn kịp vào buổi trưa để ăn trưa và nghỉ ngơi.
Buổi trưa:
Bạn tìm nhà hàng rồi ăn trưa, sau đó quay trở lại khách sạn để nghỉ ngơi lấy sức cho chuyến du ngoạn buổi chiều.
Buổi chiều:
Bạn ký trả phòng khách sạn, nhận lại giấy tờ rồi sắp xếp hành lý mang theo. Bạn sẽ leo lên 200 bậc đá để lên đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn. Đây là ngôi đền lưu giữ những giá trị truyền thống về văn hóa và tín ngưỡng từ xa xưa. Dọc đường đi, khung cảnh rừng núi sẽ rất đẹp, hãy tranh thủ chụp một vài kiểu ảnh lưu niệm chuyến đi này. Nên lưu ý thời gian, tầm 4 giờ chiều là bạn chuẩn bị trở về Hà Nội, bạn sẽ về kịp lúc 6 giờ tối.
Một số lưu ý khi du lịch Tam Đảo:
- Giá cả ở đây luôn có sự thay đổi, hãy hỏi giá trước khi mua hàng hóa hay sử dụng dịch vụ.
- Từ trung tâm cứu hộ gấu Tam Đảo và sân golf Tam Đảo lên thị trấn là đoạn dốc khá dài (khoảng 12km); vì thế nếu gặp ngày mưa cần đi xe cẩn thận, tay lái yếu không nên cầm lái.
- Không nên đi xe tay ga bởi kinh nghiệm cho thấy các xe tay ga phanh nhiều, dễ nóng máy dẫn đến mất phanh rất nguy hiểm.
- Cần mang áo khoác nhẹ, quần dài khi lên Tam Đảo vì nhiệt độ về đêm khá thấp.
- Tam Đảo có rất nhiều cảnh đẹp, hãy sạc pin thiết bị chụp ảnh đầy đủ và mang theo thẻ nhớ dự phòng trước khi du ngoạn để có thể lưu giữ được nhiều cảnh đẹp nơi đây.
- Nơi đây có nhiều côn trùng và các loại sinh vật phức tạp, nếu đi rừng thì nên mặc quần áo dài. Nên nhớ mang theo thuốc chống côn trùng đốt.
- Ở đây có khá nhiều rùa được bày bán, hầu hết toàn là rùa tai đỏ. Rùa tai đỏ là một loài sinh vật gây nguy hại cho hệ sinh thái và đặc biệt là có khả năng truyền bệnh cho người. Tuyệt đối không mua rùa tai đỏ về nuôi.
- Không nên mua mật ong ở đây bởi hầu hết đều là mật ong làm giả hoặc toàn thu hoạch từ những con ong được người dân cho ăn đường.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →