Phụ lục
Danh mục
- Chuẩn bị cho chuyến đi
- Cách đi đến Tây Thiên – Tam Đảo
- Một số thông tin về giá dịch vụ
- Lịch trình du lịch Tây Thiên – Tam Đảo 2 ngày 1 đêm
Chuẩn bị cho chuyến đi
Phương tiện: Các bạn có thể di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc xe buýt (đường dài và xe buýt theo chặng), nhưng trước khi khởi hành các bạn nhớ đổ đầy bình xăng, lắp gương và mang theo vài dụng cụ sửa chữa xe nhé. Đường lên Tam Đảo rất dốc và nhiều khúc cua hiểm, các bạn kiểm tra phanh xe cẩn thận. Nhớ mang theo các giấy tờ tùy thân (đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, bằng lái xe).
Trang phục: Gọn gàng, thoải mái, dép lê để lội suối, giày thể thao để tiện cho việc leo núi, kính mắt và khẩu trang, mang theo chiếc áo khoác mỏng vì ở Tam Đảo không khí loãng và lạnh hơn bên dưới chân núi.
Đồ ăn trưa và một số vật dụng khác: Trước khi đi Dolly còn chuẩn bị thêm chút đồ ăn trưa và nước uống. Các bạn có thể mang theo khăn ướt và giấy ăn, dầu gió, quạt giấy, kem chống nắng, thuốc chống muỗi, vắt…
Đặt phòng khách sạn: Vì Dolly lên Tây Thiên trước rồi mới qua Tam Đảo nên sợ về muộn, vì thế Dolly đặt phòng khách sạn trước khi lên cho yên tâm.
Cách đi đến Tây Thiên – Tam Đảo
Có nhiều cách đi từ Hà Nội đến Khu du lịch Tây Thiên tuy nhiên con đường quen thuộc nhất là đi theo Quốc lộ 2 đến thị xã Vĩnh Yên rồi theo đường đi Tam Đảo, đến ngã ba thì có điểm chỉ rẽ trái đi chùa Tây Thiên, đi thẳng là đi Tam Đảo (cách Tây Thiên khoảng 10km).
Đến bến xe chùa Tây Thiên đi thẳng là vào đền Thỏng, rẽ phải là sang thiền viện Trúc Lâm.
À, còn một điều mình rất thích ở Tam Đảo đó là khi xuống dốc ở Tam Đảo, thích nhất là cảm giác xe tự chạy mà không cần phải nổ máy. Nhưng tránh đi vào những ngày lễ và cuối tuần nhé, vì lúc đó rất đông người lên Tam Đảo vì thế rất hay bị tắc đường nên nếu có muốn xe tự trôi cũng chẳng được.
Một số thông tin về giá vé, giá dịch vụ ở Tây Thiên
(Tại thời điểm cập nhật năm 2015)
Thời gian và Giá đi cáp treo Tây Thiên
- Thời gian vận hành từ 7h đến 17h30 các ngày trong tuần
- Giá vé cáp treo
Vé khứ hồi
- Người lớn 200.000 VNĐ/người.
- Trẻ em 140.000 VNĐ/người.
Vé một chiều
- Người lớn 130.000 VNĐ/người.
- Trẻ em 80.000 VNĐ/người.
Giá xe điện ở Tây Thiên: 20.000VNĐ/người/lượt.
Lịch trình khám phá Tam Đảo 2 ngày 1 đêm
Ngày thứ nhất: Đi từ Hà Nội đến Tây Thiên, Tam Đảo
Buổi sáng
5h30: Dolly bắt đầu xuất phát từ Nguyễn Chí Thanh để đến Tây Thiên theo cung đường Nội Bài – Thành phố Vĩnh Yên – Tam Đảo. Mất khoảng 2 tiếng Dolly mới có mặt tại bãi gửi xe gần cổng Tam Quan.
Sau khi gửi xe, điểm đầu tiên Dolly ghé thăm là đền Thỏng (đền Trình) để làm lễ dâng hương báo cáo với thần linh thổ địa về sự viếng thăm của mình. Rời đền Trình, Dolly bắt đầu hành trình lên đền đền Thượng là nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Có hai cách để lên đền Thượng đó là:
- Đi bằng cáp treo: Vừa nhanh lại được ngắm cảnh đẹp từ trên cao.
- Đi bộ theo đường núi hoặc qua suối: (đường suối rất trơn, dễ ngã nhưng được thử cảm giác vượt suối rất thích :P)
Sau một hồi thảo luận, Dolly và bạn đồng hành quyết định chọn đường này để thử cảm giác “trèo đèo, lội suối”. Ngay từ khi rời đền Trình, Dolly đã gặp rất nhiều người mời chào thuê dép, bán gậy hay gánh đồ giúp và chỉ đường lên đền Thượng. Vì không biết đường đi, nên Dolly quyết định thuê một chị người địa phương dẫn đường lên núi. Theo chân chị dẫn đường, Dolly đi bộ men theo những con suối và các lối mòn ngay bên bờ suối để đến những điểm tham quan nổi tiếng như thác Bạc, đền Cô, đền Cậu, đền Thượng Tây Thiên…
Điều Dolly thích nhất đó là đi men theo con suối, cảm giác đầu tiên khi chạm chân xuống dòng suối là mát lạnh đến tê người, nước suối trong vắt chảy qua những tảng đá lớn nhỏ muôn hình vạn trạng. Có những tảng đá trơn trượt rất khó đi, nhiều khi phải xách dép, phải bò, mím mười đầu ngón chân, ngón tay vào đá để di chuyển. Quả thật có đi mới thấy Tây Thiên đẹp như tranh, giữa bên là rừng núi, một bên là suối chảy róc rách, lẩn khuất giữa núi rừng nguyên sơn là những ngôi đền, am tự…
Sau hơn 3 tiếng đồng hồ lội suối, leo núi, cuối cùng Dolly cũng tới được đền Thượng, đây là nơi thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, vị thần chủ của Tây Thiên và nữ chúa vùng đất Tam Đảo. Tương truyền bà được sinh ra từ khí thiêng của ngọn Tam Đảo, kết duyên cùng Hùng Chiêu Vương thứ 7 và đã có công giúp vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa. Sau đó bà được phong là “Tam Đảo Sơn Trụ Đại Vương Thượng Đẳng Phúc Thần” và danh vị Quốc Mẫu Tây Thiên. Đền thờ nằm ở lưng chừng núi Thạch Bàn, từ đây Dolly có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh núi rừng Tây Thiên kỳ vĩ.
Buổi trưa
Dolly quyết định nghỉ chân để ăn trưa, lấy sức xuống núi. Dọc đường đền Thượng cũng có nhiều quán ăn, nếu các bạn không chuẩn bị đồ ăn thì có thể ăn ở đây, dĩ nhiên giá cả cũng đắt hơn so với ở ngoài rồi.
Buổi chiều
Dolly xuống núi và tham quan Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước. Thiền viện nằm ở độ cao 300 m so với mực nước biển. Phía trước là cánh đồng rộng, phía sau là rừng thông u tịch. Thiền viện gồm: Tam Quan, ngôi Chánh Điện, nhà Tổ, thất của Hòa thượng viện chủ, nhà khách ni, trai đường, nhà trưng bày… Các công trình nơi đây đều mang dấu ấn của những ngôi chùa đương đại. Không gian trong chùa thoáng mát, thanh tịnh khiến cho Dolly cảm thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm đi phần nào.
Sau khi nghỉ ngơi và vãn cảnh chùa, 17h Dolly lên đường đến khu du lịch Tam Đảo, đường từ Tây Thiên lên Tam Đảo tương đối gần, chỉ khoảng 10 km là đến. Tuy nhiên đường lên Tam Đảo rất dốc với nhiều đoạn cua ngoằn nghèo, vì thế nếu các bạn đi xe máy thì nên cẩn thận nhé. Tuy đường đi nguy hiểm là thế nhưng bù lại khung cảnh rất đẹp và thoáng đãng, giữa một bên là núi rừng và một bên vực thẳm bạt ngàn cây.
Lên đến Tam Đảo 1 (thấy mọi người bảo thế), Dolly vào khách sạn để check in phòng đã đặt từ trước. Sau khi nghỉ ngơi, Dolly ghé thăm nhà thờ cổ, mặc dù không phải lần đầu tiên đến nhà thờ cổ này, nhưng lần nào lên Tam Đảo chơi, Dolly đều muốn ghé lên đây đầu tiên để hít thờ không khí trong lành, ngắm nhìn thị trấn từ trên cao và để cho mình một chút hoài niệm. Nhà thờ cổ Tam Đảo là một trong những công trình kiến trúc mà người Pháp đã xây còn nguyên vẹn nhất cho đến bây giờ. Nhà thờ cổ uy nghĩ, sừng sững với tháp chuông cao vợi trên nền bờ kè đá, với những bậc thang in dấu cùng thời gian. Các vòng cửa rộng đã nhuốm màu rêu phong, cổ kính.
Bữa tối đầu tiên ở Tam Đảo của Dolly là ngon su su xào và thịt lớn nướng… đặc sản của vùng này. Sau khi ăn xong, chúng tôi đi dạo loanh quanh trong thị trấn không gian yên tĩnh, trời se lạnh, những quán café, karaoke… im lìm lặng lẽ, những quán hàng bắp, khoai lang nướng thơm lừng.
Ngày thứ hai: Khám phá Tam Đảo, trờ về Hà Nội
Sáng sớm ở Tam Đảo thật thú vị, cả thị trấn chìm trong sương mờ, se lạnh, không gian yên tĩnh, êm đềm chứ không ồn ào, náo nhiệt tiếng còi xe như ở thành phố.
Đi dọc theo những con đường dốc nghiêng, dốc đứng, hai bên đường thấp thoáng mây bay, chỗ nào cũng thấy giàn su su xanh mát mắt. Chúng mình ra khu chợ thị trấn để ăn sáng, ở đây có rất nhiều quán ăn, nhà hàng, sau khi lựa chọn một hồi, Dolly quyết định ăn bát bún chả.
Sau khi ăn sáng xong, Dolly bắt đầu xuất phát để lên đỉnh Thiên Nhị nơi có đền thờ Bà Chúa Mẫu Thượng Ngàn. Đường lên đền thờ rất đẹp và lên thơ, những con đường lát đá uốn lượn, hai bên đường là rừng trúc xanh mát, mọc thẳng tắp, cao chót vót khiến Dolly cảm thấy như đang lạc vào rừng trúc trong phim “Thập diện mai phục” vậy. Tương truyền, Bà Chúa Mẫu Thượng Ngàn là con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cạnh đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn là Tứ phủ Thánh Cô, là những người có nhiệm vụ trong coi kho vàng, núi bạc của đất nước, có biệt tài chữa được bách bệnh cho dân chúng. Vì thế vào các ngày lễ, cuối tuần ở Đền Bà Chúa Mẫu thường có lễ hầu đồng hết sức trang trọng.
Rời đền Bà Chúa, Dolly leo lên đỉnh núi Thiên Nhị để đến Tháp truyền hình Tam Đảo ở độ cao 1.375m, đường lên tháp là những bậc đá cheo leo, rêu phong ẩm ướt, càng lên cao, sương mù càng dày đặc. Nhưng không vì thế ngăn cảnh được cảm giác muốn chinh phục đỉnh núi. Từ trên đỉnh núi phóng tầm mắt thị trấn Tam Đảo như bị thu nhỏ lại, nằm gọn trong một thung lũng xanh tươi, ẩn hiện giữa những rừng cây là những mái nhà mọc san sát bên nhau.
Sau khi nghỉ ngơi lấy sức, Dolly lại tiếp tục quay về trung tâm thị trấn, thực đơn cho ngày thứ hai là cơm lam và thịt gà đồi nướng với ngọn su su (ngọn su su ở đây ăn rất ngon, ngọt mà mềm ăn hoài không biết chán).
Buổi chiều
Dolly và bạn đồng hành đi tham quan thác Bạc, từ trung tâm thị trấn, rẽ phải theo lối mòn, Dolly đi sâu xuống thung lũng, từ xa đã nghe văng vẳng tiếng thác đổ, những dòng nước trắng xóa, ánh bạc phản chiếu ánh mặt trời, mát lạnh. Đứng bên dòng thác Bác, những giọt nước li ti bắn lên người mát lạnh như gột rửa hết những ưu tư, phiền não, những lo toan hàng ngày cảm giác thật thư thái, thanh thản.
Mặc dù đến Tam Đảo nhiều lần cùng gia đình, nhưng đối với Dolly Tam Đảo như một phần ký ức, một niềm mong đợi được lên đây, được ngắm nhìn và hít thở bầu không khí trong trẻo và thưởng thức những món ăn đặc sản quyến rũ đến lạ kỳ.