14 đặc sản Quảng Bình – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Đồng Hới – được mệnh danh là thành phố hoa hồng không chỉ cuốn hút bởi vẻ đẹp của những bãi biển xanh biếc, những lễ hội bơi trải truyền thống, đây còn là vùng đất cuốn hút hàng triệu khách du lịch hàng năm.

Song song với du lịch, ẩm thực là phần không thể thiếu khi nói đến vùng đất này. Những món ăn ngon với những cái tên vô cùng độc đáo đã làm nên nét riêng cho Quảng Bình. Loca xin giới thiệu 14 món đặc sản Quảng Bình cho thực khách khi đến nơi này.

1. Lạ miệng món bánh khoái Đồng Hới

Nhắc đến ẩm thực của thành phố hoa hồng mang tên Đồng Hới, người ta sẽ nghĩ ngay đến một món đặc sản mang cái tên vô cùng độc đáo mang tên bánh khoái. Mình là một tín đồ của các loại bánh chiên nên món ăn này đã mê hoặc được mình ngay từ lần đầu thưởng thức, không những bánh ngon mà nước chấm bánh ăn kèm cũng rất đậm đà và “nịnh miệng”. Các bạn cùng tìm hiểu về món ăn độc đáo này nhé.

Về cơ bản, bánh khoái có nhiều nét giống bánh xèo ở miền Nam, còn mình thấy bánh cũng khá giống bánh gối ở ngoài Bắc (nhưng nhân không có miến nên mình thích hơn nhiều). Bánh khá to, phần vỏ bánh giòn, cách chế biến cũng cầu kỳ hơn và đặc biệt, bát nước chấm được pha chế theo nhiều hương vị khác nhau.

Đĩa bánh khoái nóng hổi đầy hấp dẫn

Để làm được những mẻ bánh khoái ngon thì người chế biến phải thật khéo léo, từ pha chế bột, chiên bánh, đến chọn các loại gia vị cho vào bánh và nước chấm. Bột làm bánh nên chọn loại gạo ngon, xay nhuyễn, hòa với nước tạo thành hỗn hợp lỏng. Ngoài ra, người ta có thể hòa thêm một ít bột ngô để bánh khi chiên được giòn và thơm; cũng có nơi thêm trứng gà hoặc trứng vịt, bột nghệ để bánh có màu sắc đẹp và giàu dinh dưỡng hơn, ăn ngậy hơn.

Tiếp đến là làm nhân bánh gồm thịt nạc heo băm nhỏ ướp gia vị, tôm bóc vỏ có sơ chế qua, giá đỗ. Nước chấm (hay được gọi là nước lèo) cũng là một thành phần quan trọng của món ăn, mỗi quán khác nhau thì cách thức chế biến cũng khác nhau. Mình nghe nói, có nơi người ta làm nước chấm rất kỳ công, bát nước chấm được làm từ thịt nạc heo, cà chua, thơm (dứa), thậm chí có chút bánh quy và lạc rang. Thưởng thức bánh khoái không thể thiếu rau sống gồm dưa leo, khế, quả vả, chuối chát và bát ruốc tôm…

Ăn bánh khoái Quảng Bình ở đâu ngon?

Theo mình được biết thì món bánh khoái thường được bán vào buổi chiều và buổi tối, các bạn muốn ăn thì có thể tham khảo một số địa chỉ như:

  • Quán bánh khoái Tứ Quý: Số 17 đường Cô Tám, phường Hải Đình, Đồng Hới, Quảng Bình. Mình rất thích quán này, nghe nói quán cũng là một trong những quán bánh khoái nổi tiếng của Quảng Bình. Nhân bánh ngon, thịt heo trong nhân ăn bùi và thơm, giá thì không bị quá nát nên vẫn giữ được độ giòn và mát. Nước chấm ăn vừa miệng, quả vả ăn kèm cũng rất hợp vị. Giá cả cao hơn so với những chỗ khác một chút.

Ngoài ra, các bạn cũng thử thưởng thức một số quán bánh khoái bình dân ở Đồng Hới như:

  • Quán Cô Năm: Số 13 Trần Hưng Đạo, thành phố Đồng Hới
  • Quán Ly Ly: Số 11A Cô Tám, thành phố Đồng Hới. Quán chuyên về nem lụi và bún thịt nướng, nhưng mình nghe nói bánh khoái ở quán cũng rất ngon.

2. Béo ngậy sò huyết Sông Roòn

Quảng Bình có nguồn hải sản rất phong phú, trong đó nổi bật phải kể đến sò huyết bắt ở sông Roòn. Theo mình cảm nhận thì sò huyết ở đây khá to, thịt chắc và thơm. Các bạn cùng tìm hiểu về món ăn này nhé.

Sông Roòn thuộc địa phận huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được bắt nguồn từ núi Động Mưa (thuộc lũy Hoành Sơn), chảy xuống xã Quảng Châu, qua thị trấn Ba Đồn thì đổ ra cửa Cảnh Dương (hay còn gọi là cửa Ròn). Con sông này nổi tiếng với loài sò huyết hảo hạng và đặc biệt thơm ngon. Chỉ ở khúc sông này mới có sò huyết ngon như vậy vì đây là nơi giao hòa giữa hai dòng nước ngọt tinh khiết (chảy từ đập Vực Tròn về) và dòng nước mặn chảy từ biển Đông lên.

Những con sò huyết sông Roòn béo mọng

Những con sò huyết sông Roòn béo mọng

Ở những quán hàng ở Quản Bình, món ăn không chỉ ngon bởi chất lượng sò mà còn nhờ cách chế biến, các món gia vị đi kèm, đặc biệt là nước chấm được làm từ nước tương trộn mù tạt, uống kèm chai rượu men riềng pha bột sắn dây. Trước khi chế biến, người ta đem sò ngâm cùng nước vo gạo hoặc nước muối ớt pha loãng sao cho sò nhả hết sạch bùn đất, hơn nữa phải dùng bàn chải cọ sạch vỏ ngoài, rồi mới rửa lại bằng nước sạch. Sau đó, người ta đem chần sò huyết qua nước sôi sao cho không quá chín để món sò giữ được dòng huyết với phần thịt còn đỏ tươi.

Miếng thịt sò ngọt và mát, hòa quyện với vị chua của nộm đu đủ và giá đỗ ăn kèm, thêm chút vị cay nồng của gừng, vị chát của nộm bắp chuối, vị nồng của nước chấm mù tạt và đặc biệt là rượu men riềng pha bột sắn dây, các bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của món quà mà thiên nhiên ban tặng cho xứ Quảng Châu.

Ăn sò huyết sông Roòn ở đâu ngon?

Các bạn có thể đến chợ Cảnh Dương gần cầu sông Roòn để tìm mua sò huyết tươi, hay cũng có thể tham khảo một số nhà hàng gần biển Nhật Lệ, trung tâm thành phố Đồng Hới, tại đây cũng phục vụ món sò huyết rất ngon.

  • Nhà hàng Quốc Dũng: Bãi tắm Quang Phú biển Nhật Lệ, đường Trương Pháp, thành phố Đồng Hới. Nhà hàng khá gần biển nên các bạn có thể tới ăn sau khi vui chơi trên bãi biển. Sò huyết ở đây khá tươi, tuy nhiên hơi nhỏ một chút, bù lại, hương vị tươi ngon và rất ngọt thịt của món sò này sẽ khiến bạn hài lòng.
  • Nhà hàng Hải Yến: Bãi tắm Quang Phú, đường Trương Pháp, thành phố Đồng Hới.
  • Nhà hàng nổi Phố Biển: Đường Quách Xuân Kỳ, thành phố Đồng Hới.

3. Ấm lòng bát cháo hàu Quảng Bình

Từ lâu, thị trấn Quán Hàu (cách trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng chưa đầy 10km) đã nổi danh với các món ăn chế biến từ con hàu lấy từ sông Nhật Lệ. Người ta cho rằng, hàu sống trên con sông này nhiều hơn và ăn ngon hơn hàu được bắt từ những khúc sông khác.

Hàu nơi đây có nhiều bởi nơi này là điểm giao hòa giữa hai dòng nước mặn và ngọt. Hàu thường bám chặt, sinh sôi trên những bãi đá rộng lớn hay tại các chân trụ cầu đã cũ nát. Người ta có thể chế biến hàu thành nhiều món ngon khác nhau nhưng có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là món cháo hàu.

Để chế biến những tô cháo ngon, người ta đem hàu xào với các gia vị như hành, ớt, tiêu cùng muối, bột ngọt. Chỉ cần có khách gọi, chủ quán sẽ lấy cháo để một nồi riêng, cho thêm lửa đun lên rồi bỏ hàu xào vào, nêm thêm nước và các loại gia vị, rau thơm cho vừa miệng. Nếu các bạn có dịp ghé quá thị trấn Quán Hàu, Quảng Bình thì đừng quên thưởng thức món cháo hấp dẫn này nhé.

Ăn cháo hàu ở đâu ngon?

Các bạn có thể đến thị trấn Quan Hàu, cách cầu Nhật Lệ – trung tâm thành phố Đồng Hới khoảng 9km để thưởng thức món cháo hàu cũng như những món ăn hấp dẫn khác từ hàu. Mình xin đưa ra một số nhà hàng bán cháo hàu ngon cho các bạn cùng tham khảo:

  • Nhà hàng Nghệ Tám: Tiểu khu 5, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Cháo ở đây ăn khá ngon, gạo được giã vừa phải nên ăn rất mịn, cháo thơm mùi hàu, thịt hàu được xào cũng vừa miệng, dai và đậm đà.
  • Nhà hàng Hoa Hường: Tiểu khu 4, thị trấn Quán Hàu, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình.
  • Quán Thùy Dương: Đường Phan Bội Châu, thành phố Đồng Hới.

4. Chung vui bên đĩa ốc ruốc Quảng Bình

Ốc ruốc là một loại ốc đẹp với những hoa văn trên thân thường dùng làm đồ mỹ nghệ, hay các loại vòng đeo; không chỉ vậy, đây cũng là một món ăn vô cùng thú vị, đặc biệt hấp dấn giới trẻ xứ Quảng Châu. Tuy trông những con ốc ruốc có vẻ nhỏ nhưng nếu đã thử một lần thưởng thức thì chắc các bạn sẽ bị hấp dẫn bởi cái thú vị của món ốc này.

Ốc ruốc không cần luộc như các loại ốc bình thường mà chúng được nêm muối, bột ngọt, lá chanh, ớt, cho thêm nước vào để xào nhanh với dầu ăn là chín. Người đầu bếp cần phải biết cách làm thật khéo nếu không muốn ốc bị teo hết thịt, vừa khó để nhể, lại mất đi độ giòn và ngọt.

Nếu các bạn muốn thưởng thức món ốc ruốc thú vị này thì các bạn nên đến Quảng Bình vào khoảng thời gian từ tháng hai đến tháng 4 dương lịch hàng năm – mùa ốc ruốc duy nhất trong năm. Vào khoảng thời gian khác không có ốc ruốc, các bạn lưu ý nhé.

Ăn ốc ruốc ở đâu ngon?

Các bạn có thể tham khảo một số địa chỉ có bán ốc ruốc Quảng Bình:

  • Quán Phương Hà: Tiểu khu 15, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới. Ốc được bán nhiều nên các bạn có thể nhể đến mỏi tay luôn. gia vị nêm nếm ở đây ăn cũng vừa miệng.
  • Quán ốc ngon: Số 45 Ngô Quyền, thành phố Đồng Hới. Đây là quán ngoài trời nên có không gian thoáng đãng, thích hợp cho những buổi tụ tập bạn bè.
  • Quán dì Thái: Tiểu khu 15, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới.

5. Rượu cần của người Ma Coong

Từ lâu, rượu cần đã đi vào đời sống sinh hoạt của những người Ma Coong sinh sống vùng Thượng Trạch, Bố Trạch như một nét văn hóa đặc sắc. Mình chưa có dịp được thưởng thức rượu cần Ma Coong, tuy mới chỉ được nghe người dân giới thiệu nhưng mình muốn giới thiệu đến các bạn món quà dân dã này. Nếu bạn đến đúng vào dịp lễ hội đập trống của người Ma Coong (15 và 16 tháng Giêng, âm lịch hàng năm) thì các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức.

Người Ma Coong ở Quảng Bình cũng có phong tục làm và uống rượu cần trong những dịp trọng đại, tuy nhiên cách chế biến và nghi lễ uống rượu đã trở thành nét bản sắc văn hóa riêng, độc đáo của người bản xứ. Rượu cần Ma Coong có hương vị thơm dịu hòa lẫn chút cay nồng, không đậm như rượu đế. Để có được hũ rượu cần thơm ngon dâng cúng trong những ngày lễ thì người làm rượu rất chú trọng tới nguyên liệu làm rượu, men rượu, cần uống và ché rượu. Bởi lẽ đó, ché rượu như vật quý giá trong gia tài của người Ma Coong. Mỗi một ché rượu có hình bầu dục giống cái chum, nhưng nhỏ hơn, màu đen nâu, láng bóng.

Đặc biệt, men rượu cần khác men rượu bình thường bởi nó được tinh chế từ thân, lá rễ của mười loại cây rừng như mít, dong, riềng… đem nấu cô đặc lại thành các giọt nước tinh chất, trộn với bột nếp tạo thành hòn men. Cũng do kinh nghiệm làm men rượu cần ít được truyền ra ngoài nên chỉ số ít phụ nữ trong cộng đồng người Ma Coong mới làm được.

Khi làm men rượu, người Ma Coong phải kiêng kị một số điều như: Phải chọn hướng ánh sáng mặt trời khi lấy nguyên liệu; người làm men phải kiêng kị nhiều thứ trong ba ngày, ba đêm (không sát sinh, không tắm, không đưa lửa qua suối…). Người dân bản địa cho rằng, nếu như ai làm men mà vi phạm những điều cấm kỵ này thì men không còn tác dụng, và chính người làm men đó cũng sẽ không còn được làm men nữa.

Rượu cần được làm bởi các nguyên liệu lấy từ sắn, ngô, gạo, nếp rẫy, và những sản phẩm do chính tay người Ma Coong làm ra. Dù là từ nguyên liệu nào, thì gạo nếp vẫn được bà con thường sử dụng nhiều nhất bởi vì nó cho sản phẩm thơm ngon, đậm đà và đặc biệt là cho ra nhiều rượu nhất.

Người Ma Coong sau khi nấu chín nguyên liệu thì đem rải ra nong cho nguội rồi trộn đều với hòn men, đùm kín bỏ vào gùi từ ba đến bốn ngày, cho đến khi có mùi thơm và nước cốt chảy ra thì trộn với vỏ trấu rồi bỏ vào hũ rượu có sẵn, đặt một lớp lá chuối lên trên, lấy tro bếp rây nhỏ, trộn với nước làm thành một chiếc nắp bịt kín miệng bình. Rượu ngâm sau một tuần có thể dùng được hoặc để càng lâu càng ngon.

6. Dai mềm bánh bèo tôm chấy Đồng Hới

Trong những chuyến khám phá thành phố Đồng Hới, các bạn không nên bỏ lỡ món bánh bèo. Không chỉ với hương vị thơm ngon, bánh còn hấp dẫn người ăn bởi cách sắp xếp khéo léo, những chiếc bánh tròn đều tăm tắp được xếp thành hình bông hoa, thịt tôm rải lên trên vàng ươm, trông thật bắt mắt.

Bản thân những người con Đồng Hới luôn tự hào rằng nơi đây chính là quê hương của món bánh bèo, dù đi bất kỳ nơi đâu thì bánh bèo nơi đây vẫn là ngon và đúng chất nhất. Chính vì vậy, các bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này khi có dịp ghé qua nơi này nhé. Ở Đồng Hới, không khó để kiếm một quán bánh bèo, các hàng đều là quán bình dân và đa số người dân sẽ ăn ở quán “ruột” của mình.

Để làm được những chiếc bánh đều nhau thì chủ quán thường có những chiếc khuôn bằng nhôm, mỗi khuôn có nhiều ô tròn. Bột sau khi hòa vào nước, sẽ đổ vào khuôn đang được bắt trên bếp, đun nhỏ lửa cho đến lúc bánh chín thì nhấc ra. Phần nhân bánh được làm từ tôm biển tươi, người ta đem luộc qua rồi bóc vỏ, giã nhỏ cho xào ngấm với gia vị, đổ vào bát lớn rồi xúc ra rải đều trên từng chiếc bánh trong đĩa.

Ngoài ra, khi ăn không thể thiếu hai bát nước mắm pha loãng, một bát không ớt và một bát có ớt tùy theo khẩu vị người ăn. Khi ăn, các bạn nên dùng thìa múc nước mắm đổ đều lên trên từng chiếc bánh và từ từ thưởng thức. Gần đây, người dân Đồng Hới còn biến tấu thành món bánh bèo đế dày. Bánh bèo đế dày vẫn có đầy đủ tôm, tóp mỡ, được làm từ bột gạo, song bánh được đúc từ khuôn có hoa văn và dày hơn bánh thông thường rất nhiều. Ăn bánh đế dày, các bạn sẽ cảm thấy nhanh no hơn.

Ăn bánh bèo Đồng Hới ở đâu ngon?

Mình rất thích món này nên cũng tranh thủ đi ăn được vài quán, nhìn chung hương vị các quán không có nhiều sự khác biệt vầ hương vị lẫn chất lượng, tất cả đều thơm ngon và rất dễ ăn.

  • Quán cô Vân: Số 80 Lê Thành Đồng, thành phố Đồng Hới.
  • Quán dì Tiếp: Số 27 Lê Thành Đồng, thành phố Đồng Hới.
  • Quán Tứ Quý: Số 17 Cô Tám, thành phố Đồng Hới.
  • Quán cô Nhơn: Đường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới.

7. Cá nghéo bao tử quý hiếm ở Quảng Bình

Cá nghéo thực ra là cá mập hay cá nhám bao tử. Vì là cá bao tử lại hiếm khi bắt được nên cá nghéo có thể nói là vô giá, không bao giờ được bán ra thị trường mà chỉ dành để ngư phủ nấu cháo ăn bồi dưỡng, nấu lẩu thết đãi người thân và bạn bè cùng thưởng thức.

Ngư dân Quảng Bình kể rằng, loại cá này cho thịt rất ngon, gan béo, da hơi nhám (nên còn được gọi là cá nhám) và tanh nhưng khi cạo hết lớp da bằng nước sôi thì cá không còn tanh nữa, thay vào đó là thịt trắng như bông, nhìn rất bắt mắt.

Cá nghéo có thể được dùng làm gỏi ăn với nước lèo, rau sống, để nhâm nhi với ly rượu bên bàn nhậu. Bên cạnh đó, người ta còn kho cá nghéo với nghệ, mật, gừng ăn để bồi bổ sức khỏe. Cá nghéo ngon nhất là con nặng cỡ 1 đến 2 cân. Mỗi cá mẹ có ít nhất là 2, thậm chí nhiều nhất có thể có 9 đến 10 cá con trong bụng. Những ngư dân quen với nghề có thể nhìn bụng cá mẹ mà đoán số lượng cá em có trong đó. Người ta sẽ mổ cá mẹ để lấy cá em ra, khi ăn, người ta nhúng sơ cá em vào nước nóng già rồi nhẹ nhàng cạo cho hết lớp nhám bên ngoài để cá bớt tanh. Điều quan trọng là không nên để lâu trong nước sôi và cạo mạnh, như thế sẽ bong mất lớp da, ăn sẽ mất ngon.

Người ta lọc thịt hai bên mình cá để làm lẩu, còn đầu, xương và lòng cá cho vào nồi nấu cháo. Thịt cá được thái mỏng như thịt bò, ướp gia vị và mắm muối cho đậm đà, ướp trước khi cho nấu lẩu khoảng nửa giờ. Nước lẩu có thể dùng nước ăn bình thường, nếu có điều kiện thì dùng nước dừa nạo hoặc vài chai xá xị thì tuyệt ngon. Người ta nấu nước sôi, cho cà chua và trái thơm làm nước chan bún ăn với lẩu. Khi ăn, người ta nhúng cá vào nước lẩu, chỉ cần nhúng tái rồi cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm nước mắm ớt tỏi nhâm nhi cùng chén rượu nồng. Thịt cá nghéo thơm, săn chắc như thịt bò chứ không mềm nhẽo như các loại cá khác. Hết cá rồi thì người ta tiếp tục dùng bún chan nước lẩu ăn cho chắc dạ.

Đến Quảng Bình, nếu may mắn thì các bạn có thể sẽ được thưởng thức món cá nghéo, đặc biệt là món lẩu cá nghéo vô cùng hấp dẫn và bổ dưỡng.

8. Mắm lẹp dân dã của vùng đất Quảng Bình

Cá lẹp là một loại cá con nhỏ, mình lép kẹp đúng như tên gọi vốn có của nó. Đây là loại cá thân mềm do bộ xương hom không cứng, thịt nhão vì nhiều mỡ. Cá lẹp tuy béo nhưng khi kho nấu thường thịt cá sẽ nhanh rời ra cùng mỡ tan trong nước khiến nước kho đục, ăn không còn mùi vị gì. Chính bởi đặc tính của loại cá này nên những người sành ăn đã dùng cá lẹp muối làm mắm và nướng tươi trên than lò để trở thành một món ăn ngon đi vào ca dao:

“Mắm lẹp mà kẹp rau mưng

Ông ăn to miếng, mụ (bà) trừng mắt lên”

Muối mắm lẹp không cần nhiều công đoạn như các loại mắm khác.  Người ta thường gọi việc muối mắm lẹp là mắm xổi, tức là một thứ cá trộn muối, ép vài ba hôm là đã có thể ra thành phẩm. Mắm lẹp thường ăn cùng rau mưng – một loại rau rừng, thân cây to, mọc ngay các bờ sông, suối, khe núi, ăn có vị chát. Đôi khi, mắm lẹp cũng được dùng để ăn kèm cơm trắng cũng rất ngon.

Mua mắm lẹp Quảng Bình ở đâu?

Các bạn có thể tìm thấy mắm lẹp ở các chợ Quảng Bình như chợ Đồng Hới, chợ Ga, chợ Bắc Lý, chợ Hoàn Lão, chợ Ba Đồn, chợ Tréo, chợ Quán Hàu…

9. Ruốc tháng sáu – sản vật quý hiếm của Quảng Bình

Ở Quảng Bình có con ruốc rất ngon và độc đáo, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Người miền Bắc thường gọi con ruốc là con moi, còn người trong Nam thì lại gọi là con khuyếc. Con ruốc thuộc loại nhuyễn thể. “Ruốc tháng sáu” ở vùng cửa biển Nhật Lệ là ngon nhất nên người ta mới có câu nói: “Ruốc tháng sáu là máu rồng”. Đây là một cách nói ẩn dụ chỉ sự quý hiếm của ruốc tháng sáu, bởi ít khi ruốc tràn về trong tháng sáu, mà ruốc vào thời gian này là thơm ngon nhất. Ruốc tháng sáu làm ra đỏ như máu rồng nên không chỉ ngon quý về chất, mà còn đẹp về màu sắc.

Đặc biệt đối với ngư dân Đồng Hới, cứ năm nào tháng sáu có ruốc thì năm đó được mùa cá, nhất là loại cá dùng làm nước mắm tuyệt vời mang tên “cá nục mộng”. Tùy theo luồng ruốc đi trên biển mà ngư dân có các loại lưới để đánh bắt phù hợp. Ví dụ: ruốc đánh bắt từ mành dã thì gọi là ruốc dã (hay giạ), ruốc đánh bắt từ kéo lưới bằng cách đi bộ dọc ven bờ thì gọi là ruốc kéo, ruốc đánh bắt bằng cách lặn xuống đáy biển dùng lưới nhỏ mà vớt thì được gọi là ruốc lặn, còn loại ruốc đánh bắt từ loại vó ở ngoài khơi gọi là ruốc “te”.

Mâm cơm xứ Quảng với món ruốc khô

Mâm cơm xứ Quảng với món ruốc khô

Ruốc tươi thường được chế biến ra thành ruốc ăn, hay gọi là ruốc quết, qua những công đoạn đơn giản. Người ta muối ruốc vào vại, chum bằng muối mặn thì ruốc để được lâu, khỏi sợ hỏng; còn nếu muốn ăn vội thì chỉ cho muối nhạt thì ruốc sẽ ngon và ngọt hơn, tuy nhiên thời gian bảo quản sẽ ngắn. Khi muối xong,người ta để vại một đêm hoặc một buổi, rồi đem vắt kiệt con ruốc thành bột vo tròn như bã bột sắn.

Với xác ruốc vắt được xát nhỏ ra nong, nia rồi phơi khô, phơi cả nước ruốc vắt được. Tuy nhiên, người làm cần chú ý sao cho sạch cát. Vì vậy trước khi vắt ruốc muối thành nắm để phơi, thường người ta sẽ chao cho sạch cát rồi mới vắt. Đồng thời với nước ruốc đã gạn, thì lọc hết cát, vừa phơi vừa giữ tránh bụi bặm. Người dân nơi đây còn dùng kính đậy giúp xác ruốc phơi được sạch sẽ, lại giúp tăng độ nhiệt.

Ruốc phơi khô lại bỏ vào các vại nước ruốc, khuấy đều rồi tiếp tục phơi nắng. Sáng sớm hàng ngày thì đảo một lần đến khi ruốc dậy mùi thơm là ăn được. Ruốc nhạt thường được dùng như thức ăn ngay mà không cần nấu nướng, còn ruốc mặn thì có thể để hàng năm, dùng thay bột ngọt trong nấu nướng cũng rất ngon.

Mua ruốc Quảng Bình ở đâu?

Các bạn có thể tìm mua ruốc ở các chợ lớn của Quảng Bình như chợ Đồng Hới, chợ Bắc Lý, chợ Ga, chợ Hoàn Lão, chợ Ba Đồn, chợ Tréo, chợ Quán Hàu… Các sản phẩm từ ruốc rất ngon, tiêu biểu như ruốc khô (con moi khô), mắm ruốc. Các bạn lưu ý là mắm ruốc sẽ không được mang lên máy bay, vì vậy trước khi mua các bạn hãy cân nhắc nhé.

10. Ngọt bùi khoai deo Quảng Bình

Khoai lang là món ăn dân dã và rất quen thuộc đối với người Việt Nam, khoai lang thường được chế biến thành nhiều món như khoai nướng, súp khoai, khoai chiên… Ở Quảng Bình có một món ăn độc đáo chế biến từ khoai lang là khoai deo, mình cũng nghe nói về món ăn này rất nhiều nên cũng mua về làm quà cho mọi người, ăn cũng khá thơm ngon, mỗi tội khoai deo khá dai nên ăn rất nhanh mỏi miệng.

Khoai deo được chế biến rất đơn giản và không tốn nhiều công sức. Nói đơn giản nhưng để có khoai deo ngon thì phải có bí quyết riêng của mỗi người chế biến. Theo người dân ở đây chia sẻ, khoai lang sau khi thu hoạch về không nên làm ngay mà phải chất đống một thời gian để khoai được ráo nước, nhưng không được để đến khi mọc mầm (khoai mọc mầm ăn rất độc). Khi khoai bớt tươi, bề ngoài củ không còn căng mọng và sáng màu thì đem rửa sạch rồi luộc chín.

Sau đó bóc vỏ những củ khoai luộc, người ta sẽ thái lát mỏng và đem phơi dưới trời nắng thật to từ 7 đến 9 ngày là có khoai lang deo. Lát khoai deo ngon phải có màu cánh gián, khi ăn thấy dẻo, ngọt và thơm mùi khoai đặc trưng. Những ngày thời tiết se lạnh, thưởng thức khoai deo bên tách trà nóng rất thú vị.

Khoai deo Quảng Bình tuy mộc mạc, dân dã nhưng với những người con Quảng Bình xa xứ, khoai deo là món quà quê thân thương. Nếu các bạn có dịp ghé qua Quảng Bình thì đừng quên

Mua khoai deo Quảng Bình ở đâu?

Muốn chọn khoai ngon thì hãy lựa những bao bì có ghi rõ nơi sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng, bao bì có thể quan sát được tình trạng bên trong của sản phầm. Khoai có màu vàng cam hoặc màu men cánh gián, khô ráo và rời nhau, bề mặt khoai láng bóng. Bây giờ nhiều cơ sở sản xuất hiện đại đã đóng khoai dẻo vào túi hút chân không nên có thể bảo quản được dễ dàng hơn. Các bạn có thể tham khảo một số địa chỉ mua khoai dẻo ở Quảng Bình như:

  • Hợp tác xã chế biến khoai deo Hải Ninh: Tân Định, xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh.
  • Đại lý khoai đeo tại Đồng Hới: Số 173 Hai Bà Trưng, thành phố Đồng Hới.
  • Các chợ ở Quảng Bình: Chợ Đồng Hới, chợ Ga, chợ Bắc Lý, chợ Hoàn Lão, chợ Ba Đồn, chợ Tréo, chợ Quán Hàu… và các siêu thị ở Quảng Bình.

11. Đậm đà hương vị bánh xèo Quảng Hòa

Quảng Hòa (tên gọi trước đây là làng Hòa Ninh) là một xã thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nằm ở vùng Nam huyện Quảng Trạch. Nơi đây vốn nổi tiếng với món bánh xèo làm bằng gạo đỏ thơm bùi, ăn kèm với đủ món như cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và không thể thiếu nước chấm.

Đĩa nộm ăn kèm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ làm giá là loại đậu đỏ, hạt khá to. Gạo làm bánh là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn gọi là gạo đỏ, gạo lứt). Gạo được xay hai lần cho đến khi thật mịn. Xay xong, người ta bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo trước khi tráng bằng khuôn.

Loại bếp chuyên làm bánh có thể tráng một lúc được nhiều khuôn (có bếp lớn, có thể tráng được 6 khuôn một lúc). Bếp già lửa, người ta mới bỏ khuôn lên thì bánh mới nở dậy. Khi khuôn đủ nóng, người ta dùng muôi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Thường thì chỉ cần tráng đến khuôn thứ ba thì bánh khuôn đầu đã chín tới, cứ lần lượt làm như thế.

Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) không già nhưng cũng không quá non. Sau khi hái đem gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ, sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con “cá chuối” nhúng qua bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi sao cho gia tăng hương vị. Khi ăn, người ta lấy bánh xèo cuốn rau sống, thêm nộm và cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.

Bánh xèo ăn ngon nhất vào lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó, nhất là vào những ngày mát trời thì ăn càng tuyệt. Các bạn đừng bỏ lỡ món ăn thú vị này nhé.

Ăn bánh xèo Quảng Hòa ở đâu ngon?

Các bạn nên đến xã Quảng Hòa, Quảng Bình để ăn bánh xèo đúng chất nhất. Ở Quảng Hòa có nhiều hàng bánh xèo, các bạn có thể tham khảo một số quán như:

  • Quán dì Hoa: Thôn Thanh Tân, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch. Bánh xèo ở đây ăn vừa miệng, nộm cũng ngon, vị chua dịu nên ăn với bánh xèo rất hợp, không gây cảm giác ngán. Tuy nhiên, lúc mình ăn thì quán lại hết mất cá chuối.
  • Quán o Định: Xóm 2, thôn Vĩnh Phú, xã Quảng Hòa, huyện Quảng Trạch.

12. Ấm bụng với tô bánh canh Quảng Bình

Bánh canh là một món ăn bình dân, khá phổ biến ở Quảng Bình, vì vậy các bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một quán bánh canh trên vùng đất này. Không thể so sánh quán bánh canh này ngon hơn quán kia, cũng như các quán hàng khác, người dân Quảng Bình sẽ tìm cho mình một quán “ruột” tùy theo khẩu vị của mình.

Nguyên liệu chính tạo nên hương vị cho nước dùng của món bánh canh Quảng Bình là sườn heo và tôm tươi. Phần bánh canh được làm từ bột gạo thơm, dẻo hạt và trắng tinh. Gạo được đem xay mịn, nhào thành bột, lọc qua túi vải rồi treo lên cho khô để qua một đêm cho ráo hết nước, sau đó mới cán mỏng rồi xắt thành từng sợi vừa ăn. Một điểm độc đáo là dù không dùng phụ gia nhưng sợi bánh vẫn trắng tinh, dai và giòn, có độ ngọt của gạo; điều này đòi hỏi kinh nghiệm lâu năm của người ngâm bột gạo.

Sau khi ướp gia vị phần sườn và tôm, cũng có thể là cá, người ta trần sườn qua nước sôi rồi xào với tôm và hành phi, cho chín mềm. Cá thì chọn loại cá quả, loại cá to vừa phải, mình có màu xanh đen, thịt săn chắc và thơm. Tôm là loại sống ở đầm vì như vậy tôm mới cho thịt đậm đà, đặc biệt là không tanh.

Độ ngon của bánh canh quyết định bởi nước dùng. Thông thường nước dùng của món bánh canh được hầm từ xương heo và sườn, nhưng nước dùng làm bánh canh Quảng Bình còn tổng hợp từ xương, tôm, cá. Vì thế nồi nước dùng ở đây có vị ngọt thanh chứ không hề béo ngậy, cũng không hề cảm giác có vị tanh của cá. Có nơi còn cho thêm một chén nước mắm ớt pha chế để làm cho hương vị món ăn thêm tuyệt vời hơn. Các bạn hãy một lần thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé.

Ăn bánh canh Quảng Bình ở đâu ngon?

Bánh canh Quảng Bình cũng là một món ăn phổ biến, các bạn có thể dễ dàng tìm cho mình một quán ăn. Mỗi quán khác nhau sẽ làm bánh canh theo một phong cách khác nhau và hương vị có sự thay đổi nhiều, các bạn có thể tìm quán nào đông khách ghé qua hay có thể tham khảo một số địa chỉ này nhé

  • Quán Bà Hồng: Số 51 đường Nguyễn Hữu Cảnh, thành phố Đồng Hới. Mình thấy nhiều người khen quán ngon nên cũng ghé vào ăn thử. Nước dùng của bánh canh ngọt thanh và khá thơm, còn phần bánh canh thì cắt sợi hơi to, giá kể làm nhỏ đi chút thì mình sẽ thích hơn.
  • Quán O Hạnh: Số 4 Lê Thành Đồng, thành phố Đồng Hới. Mình chưa có dịp ăn nhưng được đứa bạn mách ăn ở đây, nếu có dịp các bạn cũng thử xem thế nào nhé.

13. Độc đáo món chắt chắt ăn kèm bánh tráng

Chắt chắt (hay dắt dắt) là loài nhuyễn thể có họ hàng với ngao, hến; chúng rất giàu chất đạm và bổ dưỡng. Thịt chắt chắt xào ăn kèm bánh tráng là món ăn bình dân ở Quảng Trị nhưng được nhiều người ưa thích, món đặc sản này có nguồn gốc từ làng Mai Xá, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị.

Chắt chắt sống chủ yếu ở vùng nước lợ, tuy có vẻ ngoài giống con hến nhưng nhỏ hơn, thường xuất hiện nhiều vào mùa hè. Chắt sống ở nước lợ, ẩn mình lẫn trong cát; ở nơi sâu người ta dùng cào, đứng trên thuyền để xúc; ở nơi cạn có thể xắn quần ngang đầu gối dùng tay là có thể cào được.

Chắt chắt mang về ngâm nước gạo để chúng nhả hết cát ra, tiếp đó người ta cho vào rổ rồi chà thật mạnh cho sạch lớp bùn bám ngoài phần vỏ, sau đó cho vào nồi luộc chín, khi luộc dùng đũa đảo mạnh tay để chúng mở hết vỏ, lộ phần ruột ra ngoài. Sau khi luộc, người ta vớt chắt chắt ra rổ thưa, cho vào chậu nước đãi lấy ruột. Nước luộc dùng để nấu canh ăn rất ngọt và mát. Người dân ven sông Thạch Hãn có món canh rau muống nấu với chắt chắt trộn gừng và ớt tươi ăn rất hấp dẫn.

Ngoài nấu canh, nấu cháo, người ta còn có thể chế biến thành món chắt chắt xào rất tuyệt. Sau khi đãi, để ruột chắt chắt ra rá cho ráo, bắc chảo phi hành mỡ, đổ chắt chắt vào trộn đều, nêm thêm chút gia vị như: muối, tiêu, rau thơm thái nhỏ để gia tăng hương vị. Người dân nơi đây thường dùng chắt chắt xào kèm với bánh tráng (bánh đa), ăn rất ngon. Ai đã từng thưởng thức món chắt chắt xúc bánh tráng của người dân ven dòng sông Thạch Hãn, sẽ không thể quên được hương vị ngọt ngào của món ăn dân dã này.

14. Đặc sản đẻn biển Quảng Bình – độc đáo mà bổ dưỡng

Nếu ai đã có dịp về Quảng Bình hẳn sẽ được giới thiệu các món ngon từ đẻn biển (một loài rắn biển) và cảm thấy háo hức tò mò với vị lạ, vị ngon và sự bổ dưỡng của nó. Đẻn biển là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1-2m, có vảy, mình vằn, da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Chúng gồm nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai… đều có thể chế biến thành món ăn phục vụ thực khách.

Đẻn biển được chế biến thành các món khác nhau như: Cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc… nhưng được biết đến nhiều nhất ở thành phố này là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) được người ta đồn rằng rất bổ dưỡng. Để có thể lấy được tiết đẻn, người ta sẽ treo ngược con đẻn lên một cành cây, cắt phần đuôi cho tiết chảy vào một cái chai có sẵn rượu trắng. Rượu đang trong vắt trở nên tím dần, rồi chuyển hẳn thành màu hồng đỏ. Rượu tiết đẻn thơm và chữa được bệnh nhức xương.

Ngoài rượu đẻn thì ram đẻn cũng là một món cực ngon được chế biến từ đẻn biển. Thịt của đẻn chứa nhiều protid và acid amin. Những con đẻn được làm sạch, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, băm nhuyễn rồi trộn đều gia vị. Sau đó, người ta cuốn thành từng chiếc ram nhỏ, bắc lên chảo rán đều. Khi ấy, thịt đẻn sẽ tỏa ra một thứ mùi thơm thật cuốn hút. Điều đặc biệt của món ăn này còn nằm ở bánh tráng (bánh đa). Chỉ có bánh tráng được làm ở mảnh đất Quảng Bình thì mới có độ dẻo dai và khi rán, khiến cho ram đẻn mới trở nên vàng giòn, thơm ngon hơn.

Nếu có dịp về quê hương Quảng Bình, các bạn hãy tìm đến đặc sản đẻn biển để thưởng thức hương vị biển cả cũng như phong cách ẩm thực đầy cuốn hút của xứ Quảng Châu.

Ăn đẻn biển Quảng Bình ở đâu?

Đợt mình nghỉ dưỡng ở biển Nhật Lệ có để ý các nhà hàng ven biển có phục vụ rất nhiều món hải sản đa dạng, trong đó có cả đẻn biển. Các bạn có thể tham khảo một số nhà hàng bên bãi biển Nhật Lệ như:

  • Nhà hàng khách sạn Hải Yến: Đường Trương Pháp, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.
  • Nhà hàng nổi Biển Đông, đường Trương Pháp, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *