Kinh nghiệm du lịch chùa Yên Tử – Quảng Ninh – Cập nhật 2016

Đăng ngày 25/01/2024

Vùng đất Yên Tử – Quảng Ninh vốn được coi như “Đất tổ của Phật giáo Việt Nam”. Không chỉ nổi tiếng là một vùng đất linh thiêng, Yên Tử còn là một danh thắng đẹp được nhiều người biết đến. Khu di tích danh thắng Yên Tử bao gồm một hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, nằm rải rác từ dốc Đỏ đến núi Yên Tử.

Các bạn có thể lên núi Yên Tử bằng hai cách:

  • Theo đường cáp treo vượt quãng đường trên 1,2km lên tới độ cao 400m gần chùa Hoa Yên.
  • Cách thứ hai là theo đường đi bộ dài hơn 6km đã được gia cố bởi hàng nghìn bậc đá xếp, len lỏi theo lối mòn vượt qua bạt ngàn cây cỏ, dưới tán rừng trúc, rừng thông.

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan đến chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu và một số điểm tham quan như tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử….

Thời điểm thích hợp hành hương đến Yên Tử

Đến Yên Tử, các bạn có thể đi vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thông thường mọi người đến Yên Tử vào 2 mùa chính:

  • Từ 1/1 đến hết tháng Ba âm lịch đây là mùa lễ hội Yên Tử (Chính hội bắt đầu từ 10/1 âm lịch nhưng kể từ ngày 1 Tết nơi đây đã rất đông người về hành hương, lễ Phật).
  • Hai ngày 30/4, 1/5 dương lịch trở đi hầu hết là khách du lịch đến tham quan thắng cảnh.

Nếu mục đích là đi Lễ thì các bạn nên chọn sang tháng Hai âm lịch đi cho đỡ đông. Còn nếu chỉ đi vãn cảnh thì các bạn có thể đi bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Mùa lễ hội:

Trong mùa lễ hội vào những ngày thứ Sáu, thứ Bảy và Chủ nhật nơi đây rất đông nên mọi người thường phải xếp hàng chờ cáp treo hay có khi bị tắc đường (mất ít nhất vài tiếng đồng hồ), vì thế nếu có thể thì bạn nên sắp xếp đi vào những ngày khác trong tuần. Riêng ngày thứ Bảy sau rằm tháng Giêng có lẽ bạn không nên đi, vì thông thường ngày đó là ngày đông nhất trong năm. Rất nhiều người đã không thể lên đến chùa Đồng hoặc thậm chí bị lỡ hành trình cho chuyến đi của mình.

Nếu quyết định đi cáp treo, các bạn nên bố trí thời gian đến Yên Tử vào buổi trưa tầm 12h đến 13h để tránh phải xếp hàng chờ đợi, các bạn vẫn lên chùa Đồng rồi xuống kịp trước khi trời tối.

Ngoài mùa lễ hội:

Ngoài mùa lễ hội khách đến Yên Tử cũng rất đông, chủ yếu là khách Hàn Quốc và khách miền Nam. Các bạn có thể đến vào buổi nào cũng được nhưng phải xuống núi sớm vì cáp treo nghỉ sớm, khoảng 17h đến 18h chiều.

Lưu ý thời gian chạy cáp treo:

Mùa lễ hội cáp treo thường chạy từ lúc 5h sáng đến 20h tối mới dừng còn ngoài mùa lễ hội sáng khoảng 7h mới bắt đầu chạy cho đến 18h chiều.

Phương tiện đi lại

Đi từ Hà Nội đến Yên Tử

Xe khách

Hầu như các xe khách từ Hà Nội đi Hạ Long đều có qua Yên Tử. Các bạn cứ re Bến xe Mỹ Đình bắt xe đi Móng Cái đến đền Trình bảo nhà xe cho xuống rồi đi Yên Tử. Nếu không biết bạn cứ nhắc bác tài cho xuống Yên Tử là được.

Hàng ngày đều có các chuyến xe đi Hạ Long, Móng Cái từ bến xe Mỹ Đình, các xe này đều chạy qua Yên Tử như Kumho Việt Thanh, Đức Phúc và nhiều nhà xe khác, cứ khoảng 30 phút lại có một chuyến. Thời gian đi từ Hà Nội đến Yên Tử mất khoảng 4 tiếng, các bạn nên đi từ sáng sớm. Các bạn nhớ dặn bác tài cho xuống đền Trình, ban quản lý di tích Yên Tử (cùng một chỗ), từ đền Trình bắt xe ôm vào chân núi Yên Tử (khoảng cách từ đó đến chân núi gần 12km).

Ngoài ra công ty Vận tải Hà Nội cũng có tổ chức những chuyến xe chạy thẳng tới Yên Tử nhưng không thường xuyên. Vào mùa lễ hội xe chạy liên tục hàng ngày, ngày thường xe chỉ chạy vào Chủ nhật.

Các bạn có thể liên hệ trực tiếp để hỏi về thời gian xe chạy:

  • Văn phòng giao dịch 1: Số 1 Vương Thừa Vũ, Thanh Xuân, Hà Nội; điện thoại: 043 565 4898
  • Văn phòng giao dịch 2: Số 32 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại: 043 976 3999.
  • Văn phòng giao dịch 3: Số 124 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội; điện thoại:043 754 6593.

Phương tiện cá nhân

Từ Hà Nội

Các bạn xuất phát từ trung tâm Hà Nội, đi theo hướng cầu Chương Dương – Nguyễn Văn Cừ – Thành phố Bắc Ninh, rồi rẽ vào đường Quốc lộ18 đi theo lộ trình Cẩm Phả, Chí Linh, Đông Triều, Uông Bí rồi tới đền Trình – Yên Tử. Tại đền Trình, các bạn có thể hãy dừng chân vào thắp nén hương hoặc đi lên núi luôn.

Từ Hải Phòng đi Yên Tử

Các bạn sẽ đi đường qua thị trấn Núi Đèo, vào đường 10 rồi rẽ trái đi ngược lại đường 18 khoảng 2km là tới đoạn rẽ vào Yên Tử.

Tham quan Yên Tử

Bản đồ yên Tử

Bản đồ tham quan Yên Tử

Nếu bạn quyết định leo bộ, tính từ bãi đỗ xe dưới chân núi hành trình của bạn như sau:

Từ bãi đỗ xe các bạn đi thẳng khoảng 300m sẽ đến suối Giải Oan, con suối linh thiêng tại Yên Tử, nơi xưa kia hàng trăm cung tần mỹ nữ đã trầm mình tại đây tỏ lòng trung với vua Trần Nhân Tông khi ngài lên Yên Tử tu hành. Đến suối, ở bên trái có một Đàn Tràng (theo cách gọi của những người dân nơi đây). Sau đó sẽ tới chùa Giải Oan rồi các bạn sẽ tiếp tục leo qua đường Tùng cổ hơn 700 năm tuổi để đến Tháp tổ – nơi lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sau đó tiếp tục qua dốc Dây Diều đến chùa Hoa Yên, ngôi chùa chính của Yên Tử, nơi ngày xưa Phật Hoàng tu hành và giảng đạo. Tiếp tục hành trình về hướng tay phải bạn sẽ gặp chùa Một Mái ở phía trên.

Đi theo đường chính khoảng vài chục mét thì có đường leo tiếp đến chùa Bảo Sái. Leo tiếp qua khu dịch vụ của người dân ở đây, là đến tượng đá An Kỳ Sinh (một vị đạo sỹ nổi tiếng dưới thời Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc, từng qua đỉnh Yên Tử tìm cây thuốc để luyện linh đan trường sinh bất lão rồi hóa đá). Ngay sau đó các bạn sẽ tới Quảng trường Phật Hoàng Trần Nhân Tông nơi đặt pho tượng Phật Hoàng nặng 138 tấn. Đi khoảng 300m nữa thì tới chùa Đồng.

Lưu ý: Đường lên chùa Đồng dốc đá rất cheo leo, nhưng nếu các bạn đi con đường bên phải (ngay sau tượng Phật Hoàng lên thì đi rất dễ đi vì độ dốc thoải, bậc đá thấp. Tuy đường đi có dài hơn một chút nhưng rất dễ đi và an toàn đặc biệt đối với người lớn tuổi hoặc người ít leo trèo). Sau khi thắp hương, lễ Phật tại chùa Đồng; các bạn sẽ tiếp tục cuộc hành trình xuống núi.

Bạn nhớ đi hướng tay phải xuống để qua chùa Vân Tiêu và tiếp tục hành trình xuống chân núi Yên Tử.

Thời gian dự tính: Phụ thuộc vào sức khỏe và thời gian dừng thắp hương và thời gian đi (vào mùa lễ hội rất đông nên sẽ mất nhiều thời gian hơn), nhưng thông thường thì mất từ 6 đến 8 tiếng để hoàn thành cuộc hành trình.

Nếu đi cáp treo, hành trình của các bạn sẽ như sau:

Đến bãi đỗ xe các bạn đi thẳng qua cầu Giải Oan, lên chùa Giải Oan. Thắp hương xong các bạn  không leo lên núi mà đi xuống theo con đường bên phải chùa để đến ga 1 cáp treo. Nếu các bạn vội không thể qua chùa Giải Oan thì sau khi gửi xe bạn không đi thẳng mà rẽ trái luôn để vào nhà ga 1 cáp treo.

Lên đến ga 2, các bạn đi hướng tay phải để qua Tháp Tổ rồi lên chùa Hoa Yên. Sau đó bạn đi về phía tay phải để lên ga 3 cáp treo. Trên đường đi các bạn thấy chùa Một Mái ở phía trên, lên thắp hương rồi tiếp tục đi xuống ga 3 để lên cáp treo tới ga 4. Đi khoảng 200m đến tượng An kỳ Sinh rồi đến Quảng trường Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Tiếp tục hành trình lên chùa Đồng và xuống núi. Như vậy đi bằng cáp treo bạn sẽ không vào được chùa Bảo Sái và chùa Vân Tiêu.

Thời gian dự tính: Hành trình đi bằng cáp treo sẽ mất khoảng 4 giờ.

Dịch vụ

Hiện nay, dịch vụ ở Yên tử rất phát triển và chia thành 2 khu vực chính: Một ở cạnh chùa Hoa Yên trên lưng núi và ở dưới chân núi, dọc đường đi là các quán nhỏ bán quà bánh và đồ lưu niệm. Càng lên cao, hàng hóa càng đắt hơn do khâu vận chuyển khó khăn.

Ở Chân núi có rất nhiều nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng các bạn có thể thuê phòng hoặc thuê lều để ngủ qua đêm giá cũng khá hợp lý, ở chân núi không gian khá rộng và yên tĩnh.

Ăn uồng thì dưới chân núi có khu dịch vụ với nhiều nhà hàng bán đầy đủ đồ ăn hoặc các bạn có thể ăn ở chợ Yên Tử. Một món đặc sản của Yên Tử các bạn nên ăn đó là măng trúc, có nhiều cách chế biến, đơn giản nhất là luộc ăn với muối vừng.

Trầu một lá Yên Tử

Trầu một lá có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Các bạn nên chọn mua những chỗ bán có địa chỉ rõ ràng để đảm bảo chất lượng. Các bạn có thể mua ở ga 2 cáp treo – điểm bán chính thức của Hội chữ thập đỏ hoặc điện thoại số: 0120 559 8596 (chị Phương) để được tư vấn cụ thể.

Canh gà rượu Bâu

Canh gà rượu Bâu là đặc sản nổi tiếng của Yên Tử. Rượu Bâu là loại rượu được lên men bằng lá cây rừng của người dân tộc quanh núi Yên Tử. Canh gà được nấu với gừng và rượu Bâu còn là món ăn chữa cảm lạnh rất tốt.

Lưu ý

Trang phục

Trang phục mùa đông

Thời tiết trên Yên Tử thường lạnh và có gió rét vào mùa đông, vì thế các bạn nên mang theo áo khoác thể thao hoặc áo phao thật ấm, không thấm mồ hôi và quan trọng nhất nó vẫn phải nhẹ nhàng để lúc nóng cởi ra cất vào balô đeo không nặng; tốt nhất là các bạn nên buộc áo ở ngang thắt lưng cho gọn. Bạn nên hiểu là leo lên Yên Tử, việc cởi áo ra, mặc áo vào là thường xuyên vì khi leo thì nóng, khi dừng lại nghỉ thì lạnh cho nên tuyệt đối không mặc những loại áo mà không thể cởi được ở chỗ đông người. Bạn cũng nên mang theo một bộ đồ dự phòng để dưới xe để thay vì leo núi mùa lễ hội thường rất dễ bị bẩn, hay bị ướt; tạo cảm giác khó chịu cho người mặc và sẽ khiến bạn trông nhếch nhác.

Đừng mặc quần jeans hoặc đồ chật vì rất khó leo núi. Bạn nên mặc đồ co giãn thoải mái hoặc quần thể thao, không thấm mồ hôi.

Trang phục mùa hè:

Bạn hãy lựa chọn theo 2 tiêu chí: Gọn và nhẹ. Vì đây là nơi linh thiêng nên các bạn nên mặc trang phục nghiêm túc, lịch sự; không được mặc quần áo hay váy quá ngắn, mang tính chất phản cảm.

Bạn nên mang theo một chiếc ô để phòng khi trời nắng to hay những cơn mưa bất chợt.

Giày leo núi:

Tốt nhất là nên có một đôi giày leo núi, hoặc giày ba-ta có độ bám tốt và thoải mái khi đi lại. Đường leo Yên Tử hầu hết là bậc thang đá rất đẹp và sạch sẽ nhưng việc đi đường dài sẽ dẫn đến đau chân.

Tuyệt đối không nên mang giày cao gót vì bạn sẽ chẳng thể leo núi và đi bộ một cách thoải mái với đôi giày này. Giày da, giày hiệu đắt tiền cũng không nên mang vì việc leo núi và đi đường dài sẽ làm hỏng giày của bạn.

Tư trang:

Nên khoác một chiếc balo nhỏ hoặc vừa, gọn và phải nhẹ; cũng có thể là túi đeo được qua vai để đựng ít đồ thật sự cần thiết. Đừng mang túi xách tay vì có thể sẽ rất mỏi. Nếu đi đông, nên chia đều mỗi người mang một ít đồ.

Lưu ý khác

Nước uống

Bạn chắc chắn cần nước, mồ hôi của bạn sẽ nhễ nhại khi leo và đồng nghĩa với việc cơ thể mất đi một lượng nước lớn. Một người uống chỉ cần mang theo khoảng 1 lít là đủ, còn đi cáp treo thì bạn chỉ cần mang nửa lít.

Đồ ăn

Vào mùa lễ hội, người dân bán rất nhiều đồ ăn, thức uống và quà vặt nên bạn có thể mua một cách dễ dàng. Kể cả ngoài mùa lễ hội, dọc đường người dân cũng bán nhưng chỉ bán ở những chỗ mà hành trình đi bộ và đi cáp trùng nhau. Nếu đi không phải mùa lễ hội thì bạn nên chuẩn bị thức ăn từ trước, đề phòng trường hợp không tìm được nơi bán hàng. Nên mang thức ăn số lượng vừa phải và nên chọn những loại dễ bảo quản. Cẩn thận

Gậy leo núi

Nếu đi bộ thì bạn có thể cần mua gậy còn nếu đi cáp treo thì tuyệt nhiên không mua. Người ta không cho phép bạn mang gậy vào cáp treo, nếu thực sự cần thì khi ra khỏi cũng có thể dễ dàng mua gậy một cách nhanh chóng.

Sóng điện thoại

Ở trên đỉnh núi vẫn có thể bắt được sóng điện thoại, vì vậy bạn vẫn có thể yên tâm chụp những bức ảnh đẹp rồi tải ngay lên facebook cho bạn bè và người thân cùng xem.

Giữ vệ sinh cảnh quan

Dọc đường có nhiều thùng rác, bạn nên bỏ rác đúng nơi quy định hoặc nhét vào balo để mang xuống chân núi bỏ vào thùng.

Mua vé cáp treo

Nếu đi vào dịp lễ hội, các bạn nên mua vé cáp treo 2 chiều luôn nếu có dự định đi cáp lượt về. (bao tiền??)

Mua sắm

Trong lễ hội có rất nhiều người bán lá, cây thuốc tươi, nếu biết chắc chắn thì các bạn hãy mua còn chỉ nghe những người đi cùng, những người trên đường nói với nhau hay giới thiệu, khen hay thì bạn đừng nên mua kẻo bị mắc vào cò mồi, mất tiền oan. Không nên mua đồ linh tinh khi bạn không biết sẽ phải làm gì với nó hay tặng nó cho ai. Việc xách theo hành lý cồng kềnh, lỉnh kỉnh sẽ lấy đi của bạn nhiều năng lượng, sẽ nhanh đuối sức hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *