Phân tích bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu

Đăng ngày 25/01/2024

Một con thuyền ra khơi không thể dạt theo những con sóng. Một cánh chim trên bầu trời không thể bị cuốn theo những cơn sóng vô định. Và một con người không thể tồn tại mà không có lí tưởng. Ở mỗi thời đại, con người mang trong mình lí tưởng khác nhau và có cách riêng để thể hiện ngọn lửa đam mê của mình. Là ngọn cờ đầu của thi ca cách mạng, Tố Hữu thể hiện niềm say mê lí tưởng và khát khao được chiến đấu, hi sinh cho cách mạng trên tinh thần lạc quan của người thanh niên cộng sản.

Nhà thơ Sóng Hồng từng nói: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp nhất”. Và có lẽ đặt bài thơ vào hoàn cảnh mà nó ra đời ta mới có thể “ thấu thị” những cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình. Bài thơ ra đời vào cuộc cách mạng dân tộc dân chủ do Đảng cộng sản lãnh đạo nhân dân thực hiện để đấu tranh giành độc lập. Với trái tim hai mươi tuổi căng đầy sự sống, Tố Hữu đã đến với cách mạng bằng niềm phấn khích của người vừa tìm thấy con đường lí tưởng của đời mình. Nhân vật trữ tình hiện lên trong bài là người chiến sĩ trẻ tuổi với quan niệm cao đẹp về lí tưởng sống, lí tưởng cộng sản.

Hai tiếng “Từ ấy” vang lên trong nhan đề bài thơ như một tấm bản lề khép mở: khép lại quá khứ và mở ra tương lai. Quá khứ là bóng đêm tối tăm, mù mịt khiến cho con người đặc biệt lớp thanh niên rơi vào tâm trạng bế tắc, chán chường, người thì đến với thế giới tưởng tượng để trốn tránh hiện thực hoặc tìm quên bằng những cách của riêng mình. Nó dễ đưa con người ta tới bước đường lạc lối, tới ngã rẽ bơ vơ giữa dòng đời:

Chọn một dòng hay để nước trôi xuôi
Ta đi ngơ ngác trong cuộc đời.

Nhưng “Từ ấy” nhà thơ đã tìm đượcc lối đi cho mình khi giác ngộ lí tưởng cộng sản. “ Từ ấy” trở thành một nốt ngân cao vút đánh dấu mốc son quan trọng trong cuộc đời tác giả, như một hồi chuông đánh thức bao lớp thanh niên lúc bấy giờ.

Mở đầu bài thơ là tiếng reo ca hân hoan, nồng nhiệt của một tâm hồn trẻ khao khát lẽ sống bắt gặp lí tưởng cộng sản:

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim

Giây phút ấy được nhà thơ diễn tả bằng hình ảnh, từ ngữ và giọng điệu cao đẹp, trong sáng, reo vang. Lí tưởng cách mạng được ví như một nguồn sáng mới làm bừng sáng tâm hồn nhà thơ. Nguồn sáng ấy không phải là ánh thu vàng nhẹ hay ánh xuân dịu dàng mà là ánh sáng vừa rực rỡ vừa tinh khôi của một ngày nắng hạ. Nó bắt nguồn từ “ mặt trời chân lí”. Nếu mặt trời của thiên nhiên ban phát cho nhân gian ánh sáng, hơi ấm của sự sống thì Đảng cũng là nguồn sáng kì diệu tỏa lan tư tưởng đúng đắn, thuận lòng người, là tiếng chuông báo hiệu tương lai tươi sáng hơn. Ánh sáng của chân lí thần kì ấy xóa tan lớp mây mù dày đặc trong lòng người chiến sĩ, mở đường cho tia nắng chói rọi qua tim. Nó khiến bao tháng ngày “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời” được trả lời, dẫn dắt.

Hai câu thơ sau với bút pháp trữ tình lãng mạn cùng hình ảnh so sánh đã diễn tả cụ thể niềm vui sướng vô hạn của nhà thơ trong buổi đầu đến với lí tưởng cộng sản:

Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Đó là một khu vườn, một thế giới tràn đầy sức sống với hương sắc của các loài hoa, vẻ tươi xanh của cây lá, âm thanh rộn rã của tiếng chim hót. Hình ảnh thơ khiến ta liên tưởng tới vườn xuân trẻ trung căng tràn sức sốngtrong những câu thơ của Xuân Diệu:

 Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si

Nếu Xuân Diệu vẽ lên vườn tình của lứa đôi nồng thắm thì thơ Tố Hữu là khu vườn của tình say mê lí tưởng, niềm khát khao được hòa nhập, được cống hiến. Hương thơm của lí tưởng cùng tiếng chim của lẽ yêu đời cứ trào dâng, cứ rộn ràng mãi trong tâm trí người thanh niên giàu nhiệt huyết. Lời thơ như sự phát hiện bất ngờ về một vùng đất mới – nơi sự sống đang sinh sôi nảy nở. Mặt trời chân lí như đổ ngập ánh nắng làm tốt tươi một vườn hồn.

Song “mặt trời chân lí” không chỉ đem lại cho người thanh niên nguồn sức sống mà với Tố Hữu lí tưởng còn là nguồn sáng làm rực rỡ lên một lẽ sống và một cách sống ở đời. Đó là yêu thương, là đùm bọc, là sẻ chia:

 Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với muôn nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.

Khác với nhân sinh quan của nhà thơ lãng mạn cùng thời “Ta là một là riêng là duy nhất/ Không có ai bè bạn nổi cùng ta”, người thanh niên cộng sản Tố Hữu đã hòa cái tôi nhỏ bé, yếu đuối như “cây sậy ven đường” của mình vào cái ta chung rộng lớn của quần chúng nhân dân cần lao. Nhà thơ nguyện “buộc”, nguyện gắn kết cuộc đời mình với cuộc đời của người nhân dân lao động Việt Nam, nguyện cùng họ trèo lái con thuyền tự do, dân chủ cập bến. Dường như Tố Hữu đã nhận ra cái nhỏ bé của mình trong cái rộng lớn của đất trời, cái hữu hạn của bản thân trước cái vô hạn của dòng đời. Bằng việc sử dụng hai động từ “buộc” và “ trang trải”, Tố Hữu thể hiện tinh thần đoàn kết, tình cảm nồng thắm chan hòa với nhân dân. Nhà thơ muốn thấu hiểu, san sẻ nỗi khổ của mọi người, muốn dùng ngọn lửa trong trái tim mình sưởi ấm trái tim của những con người đang ngày đêm lam lũ cực khổ, muốn khắp nơi trên Trái Đất này tràn ngập yêu thương.

Cùng với sự thay đổi nhận thức cuộc sống, nhà thơ dường như nhận ra trách nhiệm của mình với cuộc đời, với cách mạng:

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ

Chân dung của thi sĩ vẫn tiếp tục hiện lên trong hình ảnh một con ngưởi ở giữa mọi người và của mọi người dân lao khổ: “là con của vạn nhà, của bạn kiếp phôi pha, của vạn đàn em nhỏ không áo cơm…”. Nhưng nhà thơ không đứng trên, không đứng ngoài những kiếp lầm than ấy để lắng nghe những âm thanh của nó dội lên trong lòng mình. Bởi ông đã coi mình là người của đại gia đình những con người cực khổ, là ruột thịt máu mủ, là con em của họ. Tố Hữu nguyện sẽ đứng vào hàng ngũ của những người “than bụi lầy bùn” để đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng. Lời thơ đặc biệt xót xa khi nói về “vạn đầu em nhỏ không áo cơm cù bất cù bơ” tựa con chim non rũ cánh đi tìm tổ bơ vơ, tựa cánh hoa yếu ớt dạt trôi theo cơn sóng cuồn cuộn của cuộc đời. Cùng với đó động từ “là” nhắc lại vang lên âm hưởng mạnh mẽ lắng đọng khiến ta thêm yêu mến chàng trai trẻ yêu người, yêu đời này.

Bài thơ “Từ ấy” như tiếng hát hân hoan của người thanh niên, một người chiến sĩ chân chính luôn tuôn trào trong mình mạch nguồn của lí tưởng cách mạng. Đọc bài thơ, người đọc cảm nhận được Tố Hữu trong buổi đầu đến với cách mạng rất nồng nhiệt, tiếp nhận ánh sáng lí tưởng Đảng và có một sự nhận thức toàn diện về nhân sinh quan, thế giới quan. Thi sĩ Xuân Diệu dường như cảm nhận được mạch ngầm của cảm xúc tuôn trào trong từng vần thơ của Tố Hữu: “Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác có nhiều máu huyết hơn, thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: cách mạng, giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho người lao khổ”.

Nguyễn Thúy Huyền

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *