Phân tích bài thơ “Thương vợ” của Trần Tế Xương.

Đăng ngày 25/01/2024

Một nửa thế giới là phụ nữa. Song, nửa còn lại chưa chắc đã thấu hiểu hết tâm tư, tình cảm của họ. Không chỉ cần cù, chăm chỉ, người phụ nữ Việt Nam còn có một tấm lòng thủy chung son sắt, đức hy sinh cao cả. Viết về mảng đề tài này, không thể không kể đến Tú Xương với bài thơ “Thương vợ”. Nhẹ nhàng mà sâu sắc, tác giả thực đã mang đến những đồng cảm sâu sắc nơi độc giả.

Có thể thấy qua các sáng tác của Tú Xương một sự tài tình trong cách thể hiện tác phẩm, một tấm lòng nồng nàn suốt đời dành cho người, cho dân tộc. Xuân Diệu xếp Tú Xương thứ 5 sau ba thi hào dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Đoàn Thị Điểm. Ðặng Thai Mai khen Tú Xương là “Thầy Tú biết cười”. Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ, suy tôn ông là “bậc thần thơ thánh chữ” như Nguyễn Công Hoan thì mới xứng đáng với thi tài của một tâm hồn đầy nhân bản, một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu thủy chung nơi ông.

Văn chương toàn những “trang hoa, tờ hoa” thế nhưng ai biết rằng Tú Xương từng có một cuộc đời vô cùng bất hạnh. Ông cưới vợ rất sớm, bà Phạm Thị Mẫn, một cô gái quê, có với nhau 8 người con – 6 trai và 2 gái. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học của ông lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú quán xuyến. Bà được xem là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa: tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình… Chính bà đã gợi cảm hứng cho Tú Xương viết bài thơ này, như một lời thú nhận, cũng là bài ca ca ngợi đức hạnh tuyệt đẹp của người vợ nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói riêng.

Mở đầu bài thơ, tác giả hé lộ hoàn cảnh gia đình và công việc của người vợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.

Ngay cụm từ đầu tiên đã cuốn hút người đọc nhiều suy ngẫm. Ta hiểu người vợ làm công việc “buôn bán”. Cái đáng khâm phục ở chỗ, bà làm “quanh năm”, nghĩa là thường xuyên như một thói quen không thể phá bỏ. Chi tiết gợi đến sự tần tảo sớm hôm “một nắng hai sương”, cần cù lao động nuôi gia đình. Nhưng điều đáng nói hơn là nơi “buôn bán” của bà không phải ở chợ mà là ở “mom sông”. “Mom sông” trước hết gợi ra cái thế chông chênh, nhỏ bé. Không phải “ven sông, bờ sông” mà là “mom sông”- cái nơi có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Hơn nữa, cụm từ còn gợi cho ta cái cảm giác heo hút, lạnh lẽo, vắng vẻ. Điều đó cho thấy sẽ có rất ít khách tới mua hàng của bà. Thế nhưng số ngày người vợ, người mẹ đi làm là “quanh năm”, đủ để thấu rõ được sự cần cù, chịu thương chịu khó, cũng là sự bền bỉ, dẻo dai, kiên trì của bà. Sâu xa hơn, ta còn thấy đằng sau đó là một niềm tin, niềm hy vọng không bao giờ vơi cạn trong trái tim người phụ nữa. Bởi nếu để cho cái tuyệt vọng, “cùng đường tuyệt lộ” tìm đến mình, làm sao bà có thể kiên trì đi làm suốt “quanh năm”?

Câu thơ thứ hai là lời bộc bạch chân thành từ phía tác giả. Ông cho thấy mục đích quan trọng nhất, cũng là động lực to lớn thúc đẩy sự bền bỉ của người vợ, đó là gia đình: “Nuôi đủ năm con với một chồng”. Không phải ai khác mà chính là người vợ, chỉ mình người vợ tàn tảo sớm hôm nuôi gia đình. Cách sử dụng số điểm “năm con, một chồng” như thể nhà thơ đang liệt kê sức nặng đè lên đôi vai nhỏ bé của vợ mình. Đó cũng chính là nỗi hổ thẹn của nhà thơ khi không giúp ích được cho gia đình, đành ngậm ngùi để người phụ nữ vất vả dầm mưa dãi nắng. Nếu nhìn kĩ ở “bề sau, bề sâu, bề xa” có thể thấy toàn bộ câu thơ dồn đọng ý nghĩa trong từ “đủ”. Một thân một mình nuôi chồng, nuôi con nhưng bà vẫn có thể nuôi ‘đủ”. Câu thơ vang lên như một lời trách mình, nhưng cũng là lời biết ơn to lớn đối với công lao của người vợ.

Đến những câu thơ tiếp theo, ta càng thấm thía hơn nỗi khổ cùng sự bền bỉ trước những khó khăn trong cuộc đời mình:

Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Có người nói thơ ca Tú Xương đậm cốt cách dân tộc. Tôi cho rằng ý kiến đó hoàn toàn đúng. Trong câu thơ trên, tác giả đã thật tài tình khi gửi gắm hình ảnh người vợ trong hình tượng “con cò”. Từ cổ chí kim, cánh cò luôn là hiện thân của những người phụ nữ càn mẫn, chăm chỉ, giàu đức hi sinh:

Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

Người vợ trong thơ Tú Xương cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Bằng lối nói đảo ngữ, đặt tính từ láy “lặn lội, eo sèo” lên đầu câu, tác giả như muốn nhấn mạnh những gian truân, vất vả, thử thách trên bước đường đời. Tác giả gọi là “thân cò” thay vì “con cò” cũng là có dụng ý nghệ thuật riêng của mình. Đó là cụm từ chỉ chung cho hết thảy phụ nữ Việt. “Quãng vắng, buổi đò đông” như gợi đến những không gian vắng vẻ, heo hút, lạnh lẽo càng tô đậm hình ảnh lẻ loi của người phụ nữ. Có thể nói, không gian mở ra rộng lớn, choáng ngợp, lại lặng thinh đến nhàm chán. Nổi bật trên cái nền ấy là bóng cò nhỏ nhoi, gầy guộc lặn lội kiếm ăn. Toàn không gian như đang muốn nuốt chửng cái thân xác yếu mềm ấy. Nhưng đặt trong tình thế đối lập với hoàn cảnh, nhà thơ như muốn nói với độc giả cái bản lĩnh, cái cứng cỏi dám đối đầu, chống chọi, vượt lên trên mọi nghịch cảnh, để sống cho mình, sống cho chồng, cho con của người phụ nữ Việt.

Trần Tế Xương đã tạc riêng hình ảnh vợ mình. Khi nhìn ngắm, chúng ta thấy rung rinh, ẩn hiện biết bao hình hài, dường nét chung của vạn triệu bà mẹ, người chị Việt Nam ngày ấy cũng như bây giờ. Những bà mẹ, người chị gian nan, vất vả hơn nhiều những “con cò, con vạc” thuở xưa và cũng bản lĩnh chu đáo, đủ đầy nhân hậu chẳng kém gì người xưa.

Dòng suy nghĩ tiếp tuc miên man, tuôn tràn dưới ngòi bút đa tài của nhà thơ, mỗi câu mỗi chữ là một giọt nước mắt nhỏ xuống cho cuộc đời người phụ nữ khổ cực:

Một duyên, hai nợ âu dành phận
Năm nắng mười mưa dám quản công.

Lại thêm một lối nói đầy ám ảnh phong vị dân gian nữa xuất hiện trong thơ tác giả. Cách đếm số “Một…hai…” đã quá quen thuộc trong những câu ca dao dân ca xưa. Điều này không những giúp cho thơ Tú Xương vẫn nằm trong văn mạch dân tộc mà còn nhấn mạnh những cốt cách, phẩm chất kia không phải của riêng một người nào, cũng không phải của toàn bộ thế giới. Đó chỉ có thể là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam mà thôi.

Qua từng câu từng chữ như thấm đượm lời tâm sự của nhà thơ về cuộc ngộ duyên của mình với vợ. Họ đến với nhau bởi cái duyên, nhưng rốt cuộc lại trở thành cái “nợ”, “một duyên” nhưng lại có đến “hai nợ”. Câu thơ chứa chan cái ngậm ngùi cho cuộc hôn nhân “duyên thì ít mà nợ thì nhiều”. Ba chữ “âu đành phận” vang lên như một sự bất lực. Duyên đã nối, tình đã se, biết làm thế nào? Đó cũng chính là niềm tự trào của nhà thơ cho sự bất lực của mình. Để ý thấy rằng, cái “duyên nợ” trong ca dao xưa được Tú Xương tài tình tách thành “một duyên hai nợ”, gợi ra sự ngăn cách, không gắn bó, cũng như bà Tú chỉ có thể “buôn bán ở mom sông một mình” mà ông Tú không còn cách nào đỡ đần dù chỉ một phần. Câu thơ tiếp theo lại là một lời ca ngợi, niềm trân trọng vô bờ đối với vẻ đẹp, nhân cách người phụ nữ. Phép đảo ngữ “năm nắng mười mưa” đảo lên đầu câu một lần nữa nhấn mạnh sự tần tảo của bà Tú. Vất vả là thế, cực nhọc là thế, nhưng có bao giờ bà kể công? Với người phụ nữ ấy, hi sinh thân mình cho gia đình không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là niềm hạnh phúc vô bờ trong lòng người vợ, người mẹ Việt Nam. Thế nên với bà, chút công lao ấy không hề đáng khoe khoang, kể công một chút nào. Hình tượng bà Tú vì lẽ đó càng cao cả, quý giá hơn rất nhiều.

Kết thúc bài thơ, Tú Xương không thể cầm lòng mình trước những hy sinh vĩ đại của người vợ mà phải thốt lên rằng:

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không!

Câu thơ mang chút bóng dáng của lối than thân trách phận rất giản dị, niềm nã của lối nói trong ca dao xưa. Đến đây không nuột nà ý nhị nữa, mà có phần thô nháp, xù xì. Song nghe vẫn lọt tai, không làm cho nhau phật ý. Bởi vì, bước đi trữ tình của nhà thơ đã tới đích. Tình cảm yêu thương, trân trọng, bao dung đã đến độ chín muồi. Ngôn ngữ thơ chuyển sang dòng trào lộng, hóm hỉnh, để đùa vui, để chòng ghẹo nhau, nhích lại gần nhau hơn. “Cha mẹ thói đời…” Nghĩa hiển ngôn là lời bà Tú trách chồng, trách thiên hạ, nhưng là trách yêu, những tiếng hờn dỗi có duyên thầm. Nghĩa hàm ẩn – đây mới là nghĩa thực – là tiếng lòng của nhà thơ ăn năn, tự thẹn, xấu hổ vì… mình đã nhiều lần có lỗi với người vợ. Cả tình thơ, lẫn lời thơ rất dân tộc, rất Tú Xương, bất ngờ và thú vị. Cụ Trần Thanh Mại kế rằng: “Khi nghe ông Tú đọc hết hai câu cuối, bà Tú khẽ đưa mắt, nguýt yêu ông, cười tình, tỏ ý khiêm tốn, không nhận công lao. Trong đôi mắt bà, thoắt sáng lên niềm tự hào, tự đắc chính đáng. Có lẽ đây là cái giây phút người đàn bà vất vả, cực nhọc suốt cuộc đời thấy hạnh phúc nhất, sung sướng nhất… Nhà nghiên cứu văn học kết luận: “Bà Tú không phải chỉ là một người đàn bà. Bà còn là một vị thiên thần trời sai xuống, không phải để giúp ông Vị Xuyên trên bước đường danh lợi, mà để cho nước Việt Nam một nhà đại thi hào”.

Dọc suốt bài thơ, ta thấy một nỗi buồn tủi, trách thân trách phận của nhà thơ vì không thể đỡ đần được cho bà Tú. Nhưng đằng sau những dòng thơ tự trào ấy, ta còn thấy một trái tim nóng rẫy tình yêu, như có nước mắt chảy nơi đầu ngọn bút. Bất lực vì không thể giúp đỡ bà bằng những hành động cụ thể, Tú Xương đã gửi gắm tất cả tâm sự qua trang thơ hai mặt phẳng. Tôi cho rằng đó không chỉ là tình thương mà còn hàm chứ một tình yêu vĩ đại đối với một nửa của mình. Lời thơ mộc mạc, giản dị đậm phong vị ca dao, hình ảnh chọn lọc, phép đảo ngữ được sử dụng tài tình. Nhà thơ đã thực sự góp vào kho tàng văn học Việt Nam một kiệt tác mà có lẽ đến ngàn đời sau vẫn đủ sức lay động trái tim độc giả.

Hoàng Hà Anh

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *