9 địa điểm du lịch Vĩnh Phúc [2016]

Đăng ngày 25/01/2024
Thiên nhiên ưu đãi cho du lịch Vĩnh Phúc nhiều cảnh quan và danh thắng kỳ thú như Tây Thiên, khu nghỉ mát Tam Đảo, đền thờ Hai Bà Trưng, tháp Bình Sơn, … là nơi để phát triển các loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát. Cùng Loca điểm qua 9 địa danh nổi tiếng khi đến với du lịch Vĩnh Phúc nhé!

1. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Đường lên Thiền Viện khúc khuỷu, quanh co, bốn bề mây bay, không khí trong lành, khung cảnh thanh tịnh. Từ dưới chân núi nhìn lên, thiền viện thấp thoáng giữa ngàn cây như mở rộng con đường thiền dẫn con người trầm mình thế giới tâm linh.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, cùng với Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Tương truyền khoảng thế kỷ thứ 3, có một vị hòa thượng tên là Khương Tăng Hội dừng chân ở đây, dựng chùa truyền giáo, vì thế nơi đây là cái nôi của Phật giáo Việt Nam.

Theo ghi chép trong chùa thì Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng trên nền chùa Thiên Ân cổ xưa, bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (gồm chùa Tây Thiên, đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, đền Cô, đền Cậu, đền Thõng, thác Bạc).

Vị trí: Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Đền thờ Hai Bà Trưng – Hồn thiêng sông Hát

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Hai Bà Trưng nên đền thờ Hai Bà đã được lập ở nhiều tỉnh thành, tuy nhiên quy mô và lâu đời nhất phải kể đến đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, Mê Linh, bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà thời thơ ấu đến khi phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định Đô.

Đến đền thờ Hai Bà Trưng vào những ngày cuối tháng 6, không gian nơi đây thật bình yên và thanh tịnh, vì đi không phải ngày lễ hội nên đền khá vắng khách tham quan. Theo lời của anh hướng dẫn viên thì đền được xây dựng nằm trên lưng con voi trắng quỳ chầu một hồ nước thiêng, hiện trong khuôn viên vẫn còn vết tích như ao mắt voi, vòi voi và hồ ao bàng tức ao voi Bà Trưng (nghe nói bên ao này trước đây có cây bàng rất lớn, thủa bình sinh hai Bà thường cho voi tắm ở đây), cạnh đó là đường kéo quân của hai Bà xưa kia chạy vòng trước đền.

Phía trước đền là sân rộng được lát bằng đá phiến. Giữa sân có dựng hòn đá khắc lời thề của Hai Bà Trưng khi làm lễ tế cờ, hai bên sân là 18 cỗ voi đá đặt ngay ngắn, thành hai hàng hai bên hướng vào giữa sân, tượng trưng cho voi của 18 đời vua Hùng. Trong đền còn có khu đền thờ thân mẫu Hai Bà, thờ ông Thi Sách, nhà lưu niệm…

Vị trí: Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh.

3. Tháp Bình Sơn

Nằm trong tuyến du lịch tâm linh tham quan quanh thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (cách thiền viện 20km), tháp Bình Sơn nằm cạnh chùa Vĩnh Khánh hay còn gọi là tháp Then là ngọn tháp tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần ở Việt Nam và là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến nay.

Tháp Bình Sơn (xã Tam Sơn, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) tương truyền có 15 tầng, theo kể lại thì trên nóc tháp còn có một hình khối búp hoa sen chưa nở bằng đất nung. Trải qua nhiều thế kỷ, tháp đã bị nghiêng lệch, sụt lở một số chỗ và đã được trùng tu năm 1972 kiến trúc vẫn giữ nguyên, nhưng nay chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ vì phần chóp của tháp đã bị vỡ, có tổng độ cao là 16m.

Gần tháp Bình Sơn có một vũng nước được bao bọc bằng bờ gạch, mà ngày nay người ta thường gọi là giếng. Tương truyền thì đất của giếng là một ngôi tháp, được gọi là tháp Xanh. Một đêm nọ, dân xung quanh chợt nghe một tiếng ầm lớn, rồi từ phía cây tháp vọt lên một luồng sáng ngũ sắc. Mọi người chạy ra thì cây tháp đã biến mất, nơi vị trí cây tháp tụt xuống thành cái giếng hình tựa bàn chân khổng lồ, gót quay về phía Tây Nam.

Vị trí: Tháp nằm ở trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh (chùa Then) thuộc thôn Bình Sơn, xã Tam Sơn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

4. Đền Phú Đa – Vĩnh Tường

Đền Phú Đa được xây dựng trên cánh đồng xóm Giềng, xã Phú Hoa, huyện Tiên Phong, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Đền có thờ “Lãng Phương hầu Nguyễn Danh Thường, nguyên là Tiên phong đặc tiến, tham mưu trung quân Đô Đốc phủ, phụ quốc Thượng tướng quân, Khâm sai kiểm sát thất thành”. Thời Lê – Trịnh, vì có công lao to lớn trong xây dựng đất nước, ông được dựng đền thờ để tưởng nhớ công lao. Trải qua thời gian và nhiều biến cố, nhưng đền Phú Đa vẫn nguyên vẹn và chưa phải tôn tạo lần nào.

Đền Phú Đa có kiến trúc truyền thống gồm: cổng đền, đại bái, từ đường được xây dựng theo hình chữ “Tam”. Cổng đền và Đại bái thông với nhau với một khoảng sân và liên tiếp sau đó là Từ đường. Do vị trí thấp hay chịu ảnh hướng mưa lũ, đền đã được gia cố nền móng bằng đá thành gò cao hình nón vững chắc chống lụt. Rãnh thoát nước nằm giữa đại bái và từ đường được lát ba bề bằng đá xanh hình chữ U giúp nước thoát nhanh chống ngập lụt và xói mòn. Với sự công phu tỉ mỉ đó mà đền Phú Đa sừng sững giữa đất trời bao năm qua không cần tôn tạo. Đền có 2 toà tả, hữu mạc, phần lớn kiến trúc đền Phú Đa đều được bào trơn, đóng bén, gia cố kỹ càng.

Vị trí: Đền Phú Đa thuộc xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền nằm cách chân đê sông Hồng khoảng 200m.

5. Làng gốm Hương Canh

Theo sử sách thì làng gốm Hương Canh thuộc thôn Đại Đồng, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã có cách đây khoảng bốn trăm năm, lúc tưởng như bị mai một… đến gần đây, làng nghề mới dần được phục hồi.

Trước đây làng gốm Hương Canh chủ yếu tập trung vào làm sản xuất các loại đồ sành gốm phục vụ cho sinh hoạt như vại, chum, ấm đun nước, chĩnh, chậu, lọ… thời đó đồ gốm là vật dụng chủ yếu trong các gia đình nông thôn Việt Nam. Dần dà, đồ gốm bị thay thế bởi các sản phẩm từ nhựa, nhôm… có giá thành rẻ, nhẹ và mẫu mã đẹp.

Để mưu sinh kiếm sống người làng Hương Canh đã chuyển sang sản xuất gạch, ngói nhưng chỉ một thời gian khi nguyên liệu làm ngói dần cạn kiệt, làng nghề lại gặp giai đoạn khó khăn.

Vị trí: Làng gốm Hương Canh thuộc địa phận thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nằm dọc theo quốc lộ 2A và đường sắt Hà Nội – Lào Cai, cách Hà Nội khoảng 45 km.

6. Hồ Đại Lải

Xa chốn đô thị dọc theo Quốc lộ 2, tôi đến với hồ Đại Lải (thuộc xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc), cách Hà Nội khoảng 50km, đây là nơi nghỉ mát cuối tuần sau những ngày làm việc căng thẳng rất lý tưởng.

Con đường vào hồ Đại Lải tương đối thoáng mát với rừng cây xanh rợp bóng hai bên đường, lẫn trong đó là các khu nhà nghỉ và nhà hàng với đặc sản gà đồi và thịt trâu.

Dừng chân ngắm cảnh trước mắt, hồ Đại Lải như một viên ngọc quý, giữa chập chùng đồi núi, rừng cây là mặt nước hồ trong xanh, phẳng lặng như tấm gương soi bóng mây trời và dãy núi Tam Đảo hùng vĩ.Tản bộ quanh hồ cũng thú vị vô cùng, giữa rừng cây bát ngát là những khách sạn, khu nghỉ dưỡng, những bãi tắm rộng thoai thoải và nhiều dịch vụ vui chơi giải trí. Thấp thoáng trên mặt hồ là hòn đảo nổi có tên gọi là đảo Chim… Sau 15 phút đi canô là có mặt trên đảo Chim, theo con đường lát gạch chúng tôi đi tham quan đảo, phong cảnh nơi đây khá thanh bình, yên tĩnh với những rừng thông, rừng tre đan xen, dưới tán rừng là những đôi nam nữ tay trong tay đi dạo, những cặp đôi đến để chụp ảnh cưới… ngôi chùa Linh Thông nổi bật với kiến trúc mang đậm phong cách truyền thống….

Vị trí: Hồ Đại Lải là một hồ nước nhân tạo nằm trên địa bàn hai xã Ngọc Thanh và Cao Minh của thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, cách trung tâm thành phố Vĩnh Yên khoảng 25km và cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc. Từ sân bay Quốc tế Nội Bài rẽ sang quốc lộ 2A qua Xuân Hoà tới khu du lịch Đại Lải khoảng 20km.

7. Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức

Những ngày đầu xuân, mọi người thường tìm về chốn tâm linh để cầu mong may mắn, sức khỏe đó là một nét văn hóa tín ngưỡng đã ăn sâu vào đời sống tinh thần mỗi người, còn với chúng mình đến Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (thuộc xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) để tìm kiếm sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Theo sử sách ghi lại thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức thuộc dòng thiền viện chính tông được được sáng lập bởi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thiền viện được tôn tạo trên nền móng chùa Kim Tôn, ngôi chùa cổ đã có trên 700 năm, trên một địa thế đẹp tựa núi nhìn sông, được bao quanh bởi 3 quả núi như chiếc ngai vàng bao bọc. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp với không gian cao xanh, tĩnh mịch… đứng từ chính điện Dolly có thể nhìn thấy dòng sông Lô uốn lượn, dưới chân núi là hồ Bò Lạc xanh biếc lung linh bóng núi…

Với sự phát triển không ngừng của phật giáo và nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và du khách gần xa, Thiện viện là nơi tâm linh linh thiêng mà các phật tử lui đến để hòa mình trong không khí tâm tĩnh của ngôi Thiền viện bên cạnh dòng sông Lô.

Vị trí: Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức thuộc xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

8. Chùa Hà Tiên

Theo quốc lộ 2B lên thị trấn Tam Đảo, chúng tôi có dịp dừng chân ghé lại ngôi chùa mang dáng vẻ thâm trầm, cổ kính có tên là chùa Hà Tiên hay còn gọi là chùa Hà (tọa lạc trên đồi Hà, thuộc phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).

Theo ghi chép trong chùa thì chùa được xây dựng vào năm Quý Mùi (1703), chùa vừa thờ Phật, vừa thờ bà Thánh mẫu Năng Thị Tiêu. Đặc biệt đây còn là nơi lưu dấu của chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm chùa.

Qua cổng Tam quan từ phía Đông Nam tới tả hữu môn, vòng quanh hành lang đến Tam Bảo, kiến trúc không gian nơi đây mô phỏng tòa Bảo tháp 3 tầng. Từ sân lên đến hiên chùa, đi qua 9 bậc thềm, gọi là cửu trùng. Trên nóc chùa là hình “Lưỡng long triều nguyệt” với mái chùa uốn cong 4 góc. Phía sau là nhà thờ tổ, đối xứng hai bên có nhà tiếp khách và phòng trưng bày. Ngoài ra trong khuôn viên chùa còn có các công trình khác bao gồm: thư viện, trai đường, vườn tháp, dưới chân đồi phía Nam có giếng Hà – là nơi Bác Hồ đã ngồi nghỉ vào năm 1961 khi người ghé qua chùa….

Khu di tích chùa Hà Tiên hiện nay đã được trùng tu và tái tạo với tổng điện tích gần 6ha. Có dịp lên vùng Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, các bạn nên dành chút thời gian ghé qua thăm ngôi chùa với nhiều dấu ấn này nhé.

Vị trí: Chùa Hà Tiên (thường được gọi là chùa Hà), thuộc xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Chùa nằm ngay bên Quốc lộ 2B từ thành phố Vĩnh Yên lên khu nghỉ mát Tam Đảo.

9. Chùa Am

Chùa Am nằm ở cổng Đông của làng Quan Tử, trên một gò gọi là gò Am được xây dựng vào năm 1696, sau 15 năm thì hoàn thành.

Chùa có diện tích khoảng 1899m2 gồm Cổng tam quan, cổng chùa chính, tòa tiền đường và hai tòa chính điện. Qua cổng tam quan là khu vực chính của chùa, hiện nay dấu vết tam quan xưa vẫn còn lưu lại nơi đây. Giữa sân chùa là cây hương đá khắc dòng chữ “Hương chúc bảo đài”. Cuối sân ngoại là cổng chính, hai bên có cổng phụ là hai bức cánh phong, có hai cột trụ cao, thân cột có khắc câu đối nhưng hiện nay đã bị mờ một nửa nhưng nghe các cụ cao niên trong làng kể thì đây là câu đối mà các nhà khoa bảng xưa làm để ca ngợi cảnh chùa.

Khu chùa chính gồm ba tòa xây theo kiểu chữ “Tam”: Bái đường là tòa có kiến trúc đẹp và lớn nhất gồm năm gian hai chái với hai tầng mái tạo cảm giác cao ráo, thoáng đãng. Mái chùa cong cong nhìn từ xa giống như ba lớp cánh sen đang tỏa ra. Chính điện gồm hai tòa, mỗi tòa có 3 gian. Trong chùa có 31 pho tượng Phật được trạm khắc tinh xảo, phong phú về kiểu dáng và kích thước, thể hiện rõ chức năng và vị trí của mình.

Với những giá trị lịch sử và văn hóa đa dạng, cùng với đền thờ Trần Nguyên Hãn, đền thờ Đỗ Khắc Chung… chùa Am đã và đang là điểm đến tâm linh hấp dẫn ở vùng đất văn hiến này.

Vị trí: Chùa Am thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *