Phân tích nhân vật “Bà cụ Tứ” trong Vợ Nhặt của Kim Lân

Đăng ngày 25/01/2024

Tôi nhớ từng đọc đâu đó một câu nói, rằng: “Người mẹ nắm lấy tay con mình chỉ một lúc, nhưng trái tim mẹ dành cho con là vĩnh viễn”. Tận tới khi đọc “Vợ nhặt”- Kim Lân, tôi mới thấu hết được ý nghĩa của nó, và xúc động vô vàn bởi hình ảnh của người mẹ Việt Nam: bà cụ Tứ, người mẹ dù nghèo khổ và thiếu thốn, song chưa từng thiếu những lo lắng cho con, và cả những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn cho con trai của mình.

Độc giả biết tới “Vợ nhặt” là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân, viết về đề tài người nông dân trong những năm 1945, khi mà cái đói đang hoành hành. Ngòi bút tinh tế của nhà văn lách sâu vào từng ngõ ngách của nông thôn Việt những năm 45, tìm đến nhà bà cụ Tứ, để rồi khám phá ra những vẻ đẹp tâm hồn của những con người đang bị cái đói làm cho nhân hình trở nên xơ xác… Bà cụ Tứ là một điển hình cho vẻ đẹp truyền thống của người mẹ Việt Nam: một bà mẹ thiếu thốn, đói khổ, nhưng từng chút một vẫn yêu thương, chăm lo và tin tưởng vào cuộc sống của con.

Năm 1945, cái đói tràn về, bao phủ lên từng mái nhà người dân Việt, nhà bà cụ Tứ cũng không ngoại lệ. Người mẹ già tảo tần không xuất hiện từ đầu câu chuyện, nhưng ngay từ những phút giây bà xuất hiện, đều khiến người đọc không khỏi xúc động: “Ngoài đầu ngõ có tiếng người húng hắng ho, một bà lão từ ngoài rặng tre lọng khọng đi vào”. Từ tiếng ho húng hắng, từ dáng đi còng còng lom khom, người ta nghĩ ngay tới một bà cụ đã từng cả đời vất vả cơ cực, nhưng cho tới những phút tuổi già, bà vẫn không tránh khỏi những lam lũ tủi cực. Mỗi ngày, đều tới tận tối mịt mới về nhà… cuộc đời ấy, rồi sẽ còn đói khổ bao lâu nữa? “Cuộc đời cực khổ dài đằng đẵng” khoác lên cho bà cụ một vẻ ngoài già nua tới đáng thương: đôi mắt hoe nhoèn, dáng đi “lập cập”, bà mặc một chiếc áo đã “ rách bợt”… Chỉ vơi một vài chi tiết nhỏ, Kim Lân đã gợi lên trong ta bao thương cảm dành cho người mẹ nghèo già nua đến xơ xác, đến nhói lòng.

Nhưng bên trong vẻ ngoài có phần xấu xí ấy, là một trái tim tuyệt đẹp – trái tim ngập tràn yêu thương dành cho con, một tấm lòng luôn đầy ắp tình thương, nỗi niềm lo lắng cho cuộc đời con. Khi Tràng dẫn về một người vợ nhặt, cũng là lúc lòng người mẹ dâng lên bao tủi hờn. Người “cảm thấy ai oán xót thương cho số phận đứa con mình”, bởi từ số phận đớn khổ của người chồng đã khuất, của đứa con gái út, bà dự cảm một điều không lành trong tương lai. Bởi, cái đói cận kề, và “biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”, “vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”… Hàng bao nhiêu câu hỏi cứ thường trực trong đầu bà lão trước người vơ nhặt của người con; âu cũng chỉ xuất phát từ những lo lắng của một người mẹ cho đứa con trai của mình, trước một bước ngoặt cuộc đời, hơn nữa lại trong một hoàn cảnh éo le như thế. Nỗi lo ấy có khi đã hóa thành hai dòng nước mắt rỉ uống từ đôi mắt kèm nhèm của bà cụ. Thương con, bà thương cả người con dâu mới về, “Năm nay đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá…” Có lẽ, bởi bà hiểu lời động viên thân mật là điều người con dâu cần nhất lúc bấy giờ, bà luôn thương yêu và thấu hiểu cho tấm lòng của con cái như vậy. Không một đám cưới, không có nổi vài ba mâm cỗ, nhưng ngày đầu tiên về nhà chồng, trái tim của người vợ nhặt có lẽ đã luôn đầy ắp bởi tình yêu thương và nỗi lo lắng của người mẹ già nghèo khó, bởi những lời tâm sự chân thành của người mẹ từng trải, hiểu đời, hiểu người.

Trong suốt câu chuyện, người mẹ già nua còn hiện lên với dáng vẻ của một bà tiên hiền từ, nhân hậu. Từng giọng nói, cử chỉ, hành động của người đầy tinh tế, từ cách bà “khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói”, rồi lại “hạ thấp giọng xuống thân mật”, cách gọi nàng dâu ngay từ lần nói chuyện đầu tiên là “con” để tỏ ý chấp thuận; cả trong cách bà động viên các con trong cảnh túng quẫn, những lời xót xa buồn tủi thay cho số phận đắng cay của những đứa con trong gia đình… Câu chuyện kết thúc, tới ba lần, bà cụ Tứ rơi nước mắt, có khi của nỗi lo lắng băn khoăn, có khi của lòng thương xót vô ngần, cũng có khi là của tình người nhân hậu. Nhà văn Nam Cao từng cho rằng: “Nước mắt là một tấm kính biến hình vũ trụ”. Qua giọt nước mắt trong suốt của bà cụ Tứ, ta thấy được cả một trái tim người mẹ – kì quan vĩ đại nhất của thế giới bao la.

Đối với nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân còn để người đọc phát hiện thấy một vẻ đẹp đặc biệt mà không phải bất cứ người mẹ nào cũng có được, đó là niềm lạc quan, là niềm tin tưởng vào một tương lai, có lẽ sẽ tươi sáng hơn cho những đứa con của bà cụ. Bởi vậy, mà trong cái mừng, cái tủi, cái lo lắng, lòng bà cụ vẫn nhen lên chút niềm vui nho nhỏ, một niềm vui bà gắng gượng kéo dậy để giúp Tràng và vợ anh cảm thấy nhẹ lòng hơn đôi chút. Bà mẹ mừng vui trong những ý nghĩ tươi sáng về tương lai, những dự định bà đã ấp ủ: “Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà …” vui mừng khi sắp xếp, dọn dẹp lại nhà cửa: “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xắn đi thu dọn, quét tước nhà cửa”, thậm chí trong bữa cơm ngày đói với cháo, với muối, với rau chuối “trông thật thảm hại”, bà cụ vẫn ăn rất ngon miệng, vẫn vui mừng, vẫn pha trò để không khí gia đình thêm đầm ấm, vẫn đon đả múc cháo cho con dâu… Cho đến khi cái cảm giác đầm ấm lúc ban đầu không thể kéo dài không khí tươi mới như những phút ban đầu được nữa lúc nồi cháo cám được bưng ra, như để tránh đi những tủi hổ lại một lần nữa gợn lên trong lòng, bà vẫn gắng an ủi những đứa con của mình bằng cách “cắm đầu ăn cho xong lần: cháo cám đấy… làng này nhiều nhà còn không có cám mà ăn”… Sự thật phũ phàng luôn tiến tới gần hòng dập tắt những ánh hi vọng nhỏ nhoi dần nhen lên trong những con người khốn khổ, song với bà cụ Tứ, nó mãi mãi chẳng thể làm được; bởi lẽ khát khao ấy được bắt rễ từ một cội chắc chắn: tình thương. Chính trái tim trìu mến bà cụ dành cho con là nơi sản sinh ra dũng khí, giúp bà có thể vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, tiếp tự ước mơ, tiếp tục khát vong; và truyền thổi vào tâm hồn người con niềm tin yêu mãnh liệt, vào một ngày mai tươi sáng hơn. Sống cho con trai, sống cho bản thân và sống cho cả cuộc đời; ở người mẹ này, người ta không chỉ thấy một tình yêu thương con thiết tha, mà còn có một tình yêu đời sâu sắc, với cái nhìn trìu mến đầy thương yêu với sự đời.

Ngòi bút độc đáo của Kim Lân đã lách sâu vào từng ngõ nhỏ trong tâm hồn nhân vật, dựng lên một bức tranh tâm hồn, bức tranh chân dung của bà cụ Tứ – một người mẹ trong nghèo khó vẫn ánh lên những phẩm chất sáng ngời. Xây dựng được tình huống truyện độc đáo, những chi tiết miêu tả tinh tế từng diễn biến trong tâm lí nhân vật, cách kể chuyện tự nhiên, chân thực… Kim Lân đã khéo léo lồng ghép vào trong hình tượng nhân vật bà cụ Tứ những thông điệp sâu sắc mang tinh thần nhân đạo của cả tác phẩm: “Ý nghĩa của truyện: trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm để mà vui, để mà hi vọng… Khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người” (Kim Lân – 1985)

Thật quả không ngoa khi cho rằng “Vợ nhăt” là một kiệt tác, bởi những ý nghĩa sâu sắc mà tác phẩm để lại, và bởi những hình tượng nhân vật còn sống mãi cho tới tận ngày hôm nay, như hình ảnh bà cụ Tứ…

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *