Phân tích bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm

Đăng ngày 25/01/2024

Đất nước – hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta; vừa cao cả, trang trọng; vừa xiết bao gần gũi. Hình tượng Đất Nước đã khơi nguồn cho bao hồn thơ cất cánh.

“Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm cũng nằm trong dòng chảy dào dạt ấy và có phần đầy đủ hơn cả khi thống nhất được cội nguồn đất nước và tư tưởng đất nước của nhân dân.

Giản dị như một lẽ tự nhiên, bài thơ mở đầu với khát khao tìm hiểu đất nước có tự bao giờ:

“Khi ta lớn lên Đất Nước có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…”

Khi xưa, đất nước gắn với những huyền thoại, truyền thuyết, với những vương triều hùng mạnh. Ngày nay, Nguyễn Khoa Điềm về lại hành trình trong sự quen thuộc, gần gũi. Có cái xa xăm của lịch sử nhưng gần gũi với kí ức ấu thơ. Đó là cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ kể con nghe; cái ấm áp của những hình ảnh dưới mái nhà Việt, với “miếng trầu” thắm đỏ bà ăn, cây tre ngàn đời đánh giặc và nghĩa tình mẹ cha đằm thắm. “Cội nguồn” không gì khác là gia đình thân thuộc, ấm cúng.

Những câu thơ nhẹ nhàng, ấm áp, bay bổng trong đời và hòa trộn trong ca dao, cổ tích để làm nên điệu hồn êm ái. Đó là sự tích trầu cau “Miếng trầu nên dâu nhà người”, là sự tích cậu bé làng Gióng lên ba tuổi nhổ tre mà phá giặc, là lời ca dao “Muối gừng” ân nghĩa thủy chung. Đất nước hiện lên nên thơ, bay bổng và mĩ lệ dưới con mắt tinh tế của Nguyễn Khoa Điềm.

Đất Nước còn là chiều rộng không gian địa lí – cách nhìn có lẽ không phải là mới mẻ.

Ngày xưa, Nguyễn Đình Thi viết:

“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn.”

Đó là không gia rất dài, rất rộng, rất cao mang tầm vóc sử thi tráng lệ.

Với Nguyễn Khoa Điềm:
“Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm mát
Đất Nước là nơi ta hẹn hò
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở”

Đất nước là “nơi anh đến trường” – cuộc sống học tập, “nơi em tắm mát” – cuộc sống sinh hoạt và góc đời thiếu nữ, là “nơi ta hẹn hò” – thắp lửa tình yêu, “nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” – ghi dấu kỉ niệm con người. Đó cũng là một không gian giàu có, trù phú, bao la, đẹp và rộng: “Con chim phượng hoàng bay ngang hòn núi bạc – Con cá ngư ông móng nước ngoài khơi”. Nó gần với con người lắm, chiếc khăn ấy là lời hát tha thiết trong đêm tương tư “Khăn thương nhớ ai – Khăn rơi xuống đất”, gắn với lời hát điệu hò của câu huê tình xứ Bình Trị Thiên tự buổi nào.

Đất nước đồng thời là chiều dài thời gian lịch sử:

“Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng”
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ.”

4000 năm lịch sử đã trở thành thiêng liêng với những trang sử chói lọi của cha ông:

“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập.”
(Bình Ngô đại cáo-Nguyễn Trãi)

Đến:

“Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
(Mùa xuân nho nhỏ-Thanh Hải)

Sau này Chế lan Viên viết:

“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm!
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
– Chưa đâu! Cả trong những ngày đẹp nhất
Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc,
Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn,
Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc.
Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…”

Đến Nguyễn Khoa Điềm, đó là thời gian đằng đẵng, không gian mênh mông. Đó là truyền thuyết về bọc trăm trứng, với nơi chim về, rồng ở, và ngày giỗ Tổ thiêng liêng. Đó là kết quả trước tưởng tượng bay bổng của tâm hồn đầy khát vọng, đẹp một cách gần gũi và mơ mộng, bay bổng và mĩ lệ,…mà dường như trước và sau Nguyễn Khoa Điềm chưa ai nói được như thế.

Đất nước cũng đi vào chiều sâu trong sự riêng tư đời người:

“Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình sứ xở
Làm lên Đất Nước muôn đời…”

Khi hai đứa “cầm tay” thì đất nước “hài hòa nồng thắm”, ta “cầm tay mọi người” thì “vẹn tròn, to lớn”. Đất nước mang tình yêu lứa đôi, tình đồng đội quê hương và còn là “cốt nhục tình thâm”, Đất Nước là “máu xương” của ta. Đất nước được nhìn từ cái chung đến cái riêng, cá nhân đến cộng đồng, từ xa đến gần, từ bề rộng về bề sâu, từ cái hữu hình đến cái vô hình. Một cách sắp xếp tự nhiên, chặt chẽ và đượm lí, đượm tình.

Tiếp sau đó là tư tưởng đất nước của nhân dân. Một loạt những câu thơ tự do với biên giới thơ mở rộng. Nhịp thơ chậm lại, mang không khí tâm tình trò chuyện. Nghệ thuật liệt kê và cách điệp lại cấu trúc nhấn mạnh ý thơ và liền mạch.

Lời thơ, giọng thơ sôi nổi, thiết tha và tràn đầy nhiệt huyết, khẳng định những đóng góp của nhân dân trong việc làm ra đất nước. Đó là núi Vọng Phu – những năm tháng chờ đợi chung thủy sừng sững giữa trời. Đó là núi bút non nghiêng xây đắp bởi lòng hiếu học của những tháng năm miệt mài đèn sách và hàng loạt các địa danh “Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”, với niềm tự hào vời vợi trong lời ca ngợi non sông gấm vóc, “non kỳ thủy tú”. Con người cùng bao vật vô tri khác đã “hóa thân cho dáng hình xứ sở” và với tác giả đó là niềm yêu kính trước công lao to lớn của nhân dân, xây đắp “hình sông thế núi”.

Khẳng định đất nước là của nhân dân đồng thời là lời yêu cầu tình yêu đất nước, thức tỉnh lòng tự hào và tinh thần dân tộc trong mỗi người. “Em ơi em” là lời gọi ngọt ngào, tha thiết, trìu mến, đầy thủ thỉ tâm tình. Vậy là nói về những điều lớn lao mà không hề sáo rỗng. Nhân dân là ai? Là những người “con gái, con trai” bằng tuổi chúng ta, và người ra trận, kẻ ở lại, có những anh hùng “cả anh và em đều nhớ” nhưng cũng có những anh hùng vô danh “Không ai nhớ mặt đặt tên – Nhưng họ đã làm ra đất nước”. “Họ đã sống và chết – Giản dị và bình tâm”, lời thơ giống như một nén hương tận tâm còn vương khói thắp lên cho nhân dân, dân tộc.

Trong suốt bốn nghìn năm đất nước, nhân dân ta truyền giữ hạt lúa, truyền từng ngọn lửa, truyền giọng nói, với những tên xã, tên làng, đắp đập be bờ chống giặc ngoại xâm. Các giá trị vật chất luôn đi kèm văn hóa tinh thần, cả kiến quốc và vệ quốc. Những câu thơ gợi nhắc tới: tiểu đội xe không kính, những cô gái mở đường, anh giải phóng quân:

“Em là cô gái hay nàng tiên?
Em có tuổi hay không có tuổi?”
Hoặc :
“Hoan hô anh giải phóng quân
Kính chào Anh,con người đẹp nhất!”

Tác giả đã chọn tư liệu văn hóa dân tộc trong ca dao, thể hiện cảm xúc, ý nghĩ. Hiện lên rõ mồn một là chân dung tinh thần của nhân dân. Tâm hồn dân tộc gửi vào trong dân gian gian nay trở thành chiều sâu văn hóa. Nhìn ở cả chiều dài, chiều rộng và chiều sâu đều thấy được vai trò của nhân dân vừa làm ra vừa bảo vệ. Cho nên “Đất Nước này là đất nước của nhân dân”.

“Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là bản nhạc mang âm hưởng dân gian hóa trong điệu hồn kháng chiến, là lời thúc giục tình yêu nước cho mỗi thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *