20 đặc sản Đà Lạt – Lâm Đồng – Cập nhật 2024

Đăng ngày 25/01/2024

Không đâu trên đất nước lại được thiên nhiên ưu ái như Đà Lạt, đây là vùng đất rất thích hợp để trồng những loại cây, hoa quý. Chính vì thế mà Đà Lạt được mệnh danh là xứ sở của các loại hoa quả, tự hào vì là nơi có tận 3 đặc sản được công nhận vào Top Đặc Sản Quà Tặng Việt Nam, những món đặc sản Đà Lạt sẽ khiến thực khách sôi sục không chịu ngồi yên mỗi khi thời tiết chuyển đông vào buổi tối.

20 món đặc sản Đà Lạt dưới đây sẽ là món quà cho du khách thưởng thức vị ngon của cuộc sống khi đến với Đà Lạt.

1. Bánh tráng nướng Đà Lạt

Là một fan trung thành của quà vặt vỉa hè nên đến Đà Lạt, bạn sẽ chết mê chết mệt với bánh tráng nướng ở đây. Thực ra ở Hà Nội cũng thấy bán nhưng chắc chắn  là không chuẩn vị bằng.

Bánh tráng nướng có thành phần chính là bánh tráng và trứng gà, trông khá giống món pizza thường thấy, thế nên nó còn được gọi bằng cái tên đáng yêu là “pizza Việt Nam”. Chế biến bánh tráng nướng cũng không cầu kỳ. Đầu tiên là trải bánh tráng lên vỉ nướng, đánh tơi trứng gà với hành lá, tép khô, ngày nay người ta cho trộn thêm cả pate, phô mai, bò khô xé nhỏ nữa rồi dàn đều lên mặt bánh. Khi nướng phải xoay tròn chiếc bánh trên vỉ nướng để bánh chín giòn mà không bị cháy. Khi phần trứng trên mặt bánh chín vàng và dậy mùi là được.

Những chiếc bánh tráng Đà Lạt chính hiệu thường rất mỏng, ăn giòn rụm, nhiều nhân nhưng không bị ngán. Thường thì các quán bánh tráng ở đây chỉ bắt đầu phục vụ từ 3 giờ chiều. Đây là khung giờ lý tưởng vì trong cái tiết trời chiều tối Đà Lạt se se, được ngồi bên bếp than hồng ngửi mùi thơm và ăn miêng bánh tráng nướng nóng hổi sẽ thấy một Đà Lạt gần gũi và thật khó quên.

Địa chỉ ăn bánh tráng nướng

Món này rất phổ biến ở Đà Lạt, đến đâu các bạn cũng gặp, một vài quán ngon gồm:

  • Khu ăn vặt chợ Đà Lạt: Tại đây có một số chỗ bán bánh tráng nướng khá ngon và rẻ, cũng tiện cho đi ăn nhiều món ăn vặt khác.
  • Bánh tráng nướng số 61 Nguyễn Văn Trỗi, Tp. Đà Lạt: Bán từ 4h chiều – 9h tối, bánh tráng cực kỳ ngon, nếu đi buổi tối chì chỉ có thể đi bộ, quán rất đông nên phải chờ lâu, cô chủ quán này hơi bá đạo một tý, tính cô hơi thất thường, không ngoan hay không đàng hoàng thì dễ bị cô cáu lắm. Hehe, nhưng mà bù lại thì chất lượng bánh khỏi phải nói, toàn nguyên liệu xịn, nhân bánh thì nhiều thôi rồi.
  • Quán bánh tráng nướng Dì Đình – Ngã ba Hoàng Diệu – Trần Nhật Duật: Quán lề đường, bán lúc 2h – 6h chiều, đông khách, cũng ngon, có nhiều loại bánh tráng
  • Quán bánh tráng nướng số 54 Nguyễn Văn Trỗi: Bán từ 3h chiều – 10h đêm, bánh tráng nướng này được đánh giá là ngon, đầy đủ hương vị
  • Quán bánh tráng nướng Cô Hoa số 56 Thông Thiên Học: Bán từ 5h – 9h30 tối. Quán rộng và thoải mái, chủ quán nhiệt tình.

2. Cà phê chồn

Nhắc đến café chồn, có lẽ ban đầu bạn sẽ không mấy thiện cảm mặc dù nó là một loại café đắt và hảo hạng. Nhưng thử xong bạn sẽ hiểu, không phải tự nhiên café chồn lại có đẳng cấp trên thế giới như thế.

Cà phê chồn vốn đặc biệt hơn các loại café thông thường bởi những hạt cà phê phải qua một quá trình nhai gặm của chồn, nhờ các enzym men tiêu hóa trong dạ dày của chúng bào mòn rồi lại thải ra, các hạt café này được rửa sạch rồi mới được xay ra, chính điều này góp phần tạo nên một hương vị đặc trưng của loại cà phê này.

Đến Đà Lạt, thưởng thức café chồn, thấy dễ dàng cảm nhận được vị bùi của đất, vị ngái, hương rừng dìu dịu thêm vào đó là vị thơm nồng đậm đà của cà phê hòa lẫn với nhau tạo một cảm giác thoải mái khó tả.

Café chồn thiên nhiên không nhiều. Ở Đà Lạt chỉ có một cơ sở nuôi chồn để sản xuất cà phê chồn của luật sư Nguyễn Quốc Minh đó là trang trại cà phê chồn Trại Hầm nằm trong một thung lũng hẹp thuộc phường 10, TP Đà Lạt, trước cửa trang trại là quán café chồn. Đến đây các bạn sẽ được tận mắt thấy các hạt café chồn nguyên chất, được xem quy trình xay và pha chế để thưởng thức một ly cafe khá trọn vẹn.

3. Rượu vang Đà Lạt

Trong những đặc sản của Đà Lạt, rượu vang là loại khá phổ biến và được ưa chuộng nhất. Bên cạnh việc dùng để thưởng thức, rượu vang Đà Lạt còn được dùng làm quà biếu, quà tặng phổ biến dùng trong các dịp lễ tết hay khi cần.

Nhờ nguồn trái cây phong phú, dồi dào, rượu vang đã ra đời và trở nên thương hiệu ở thành phố Đà Lạt. Để sản xuất rượu vang Đà Lạt cũng cần tuân thủ quy trì với nhiều công đoạn; mỗi công đoạn lại có các yêu cầu riêng biệt, phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật thì mới chất lượng. Đầu tiên là chọn các nguyên liệu tươi, trái cây có độ chín đem làm sạch và vắt nước, rồi lên men, ép nước, lọc nước, làm mịn, ủ rượu; cuối cùng là pha trộn để có hương vị đặc trưng và đóng gói. Tuân thủ quy trình là một việc, nhưng để làm nên sản phẩm rượu ngon thì lại là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và tỉ mỉ, chính xác trong từng bước. Tùy từng loại rượu để có thời gian ủ ra thành phẩm, có thể vài tháng hoặc vài năm.

Hiện nay, rượu vang Đà Lạt rất đa dạng về chủng loại, trong đó có hai loại rượu chính là rượu vang đỏ và rượu vang trắng Đà Lạt. Nếu như rượu vang đỏ có hương nồng và màu sắc khá bắt mắt, thì rượu vang trắng lại có dư vị thanh ngọt tinh tế hơn.Trong cái se lạnh của miền cao nguyên, nhấp ngụm rượu vang ấm nồng cũng đủ làm tăng thêm dư vị cho cuộc sống. Các bạn có thể thưởng thức vang Đà Lạt ở bất cứ đâu nhưng muốn thấy hết sự nồng nàn của loại rượu này thì chắc chỉ tại phố núi mới đủ bồi hồi.

Địa chỉ mua vang Đà Lạt:

  • Showroom Vang Đà Lạt: Số 3 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tp. Đà Lạt
  • Showroom Vang Beco: Ki ôt số 1, khu Hòa Bình, Tp. Đà Lạt
  • Showroom vang Vĩnh Tiến: Số 1 Lê Hồng Phong, Tp. Đà Lạt.

4. Xắp xắp Đà Lạt

Mỗi lần đến Đà Lạt công tác là tôi lại tranh thủ những khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi khám phá cảnh đẹp và món ngon của xứ sở sương mù này. Ẩm thực Đà Lạt rất phong phú và thú vị, ngay cả cái tên cũng gợi cho người ta sự tò mò ghê gớm. Trong số các món ăn đường phố rất chất ở đây, có một món tên gọi “Xắp xắp”, đặc trưng đến nỗi mà anh bạn người gốc Đà Lạt của tôi bảo nếu đến đây mà chưa ăn thì quả là một điều thiếu sót lớn.

Thoạt nhìn thì xắp xắp khá giống khô bò trong Sài Gòn (người Bắc gọi là nộm bò khô) nên tôi thấy hơi thất vọng nhưng đến khi ngôi ăn tôi mới hiểu vì sao mà các vỉa hè của các quán xắp xắp lại chật kín người như vậy. Xắp xắp Đà Lạt cũng được chế biến từ đu đủ, khô bò, phổi bò, gan heo, rau thơm, ớt và nước chan. Đu đủ thì phải chọn trái xanh thì sợi mới giòn, cạo vỏ và mủ ra hết đem rửa sạch mới bào thành những sợi mỏng dài. Khô bò, phổi bò phải rim ngũ vị cho khô lại, cắt hoặc xé nhỏ ra. Nước chan xắp xắp Đà Lạt được làm từ nước me có độ chua dịu vừa phải, không quá ngọt hay cay nên có nét đặc trưng riêng. Tôi đoán điều làm nên sự khác biệt của món này một phần ở nước chan vì ăn không chua nhiều như ở Sài Gòn và không đậm đà và cay quá như khô bò của người Đà Nẵng.Thực ra xắp xắp là tên gọi dân dã mà những người bán hàng rong ở đây đặt theo cách sắp xếp các nguyên liệu vào dĩa bán cho khách. Đầu tiên là cho đu đủ bào ở dưới cùng, thịt bò lên trên rồi thêm chút rau húng quế cho thơm, chan nước mắm ớt chua ngọt lên, trước khi ăn thì trộn đều cho thấm. Buổi chiều Đà Lạt se lạnh, ngồi bên hồ Xuân Hương với đĩa xắp xắp thơm phức, nghĩ lại lời nói của anh bạn tôi mới thấy thấm, có lẽ không chỉ bởi mùi vị mà cả không gian và tiết trời Đà Lạt mới làm cho xắp xắp ở đây ấn tượng đến thế.

Xắp xắp là món ăn vặt rất phổ biến ở Đà Lạt, nhưng tròn vị nhất, các bạn phải đến các quán vỉa hè quanh hồ Xuân Hương mới cảm nhận được.

5. Củ phê-nôn Đà Lạt

Cùng sú kẹp nách, củ phê-nôn Đà Lạt được xếp vào hàng những nguyên liệu đặc biệt, mặc dù xuất hiện không lâu nhưng đây là loại rau rất được ưa chuộng. Củ phê-nôn dùng để chế biến các món ăn, và làm vị thuốc với nhiều công dụng như giảm viêm, ngăn ngừa tổn thương gan do hóa chất chống ung thư…

Củ phê – nôn còn gọi là củ hồi có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, có cùng họ với thì là nên lá phê-nôn nhìn trông khá giống lá thì là, củ thì hơi giống củ hành tây, có mùi thơm gần tương tự nhưng dịu hơn mùi của lá thì là.

Phê-nôn dùng để xào nấu chung với đậu trắng, hoặc kết hợp với một số loại rau khác để làm món rau trộn, hoặc dùng nấu súp và các món rau củ hầm. Những món ăn được chế biến có củ phê-nôn thường mang hương vị đặc biệt và được coi như một loại nguyên liệu đẳng cấp. Chính bởi sự đặc biệt này mà thường thì những món ăn cao cấp mang hương vị hay cách chế biến theo nghệ thuật ẩm thực phương Tây mới sử dụng được củ phê-nôn

Nếu muốn thấy củ phê – nôn, các bạn có thể qua chợ Đà Lạt hoặc hỏi một vài nhà vườn trồng rau. Nếu muốn ăn các món làm từ phê – nôn thì có thể qua các nhà hàng hoặc khách sạn gần chợ Đà Lạt.

6. Nem nướng Đà Lạt

Hôm nay miền Bắc lạnh đón đợt lạnh đầu tiên (có vẻ không liên quan lắm nhỉ) tự nhiên thấy nhớ nem nướng Đà Lạt quay quắt. Trong tiết trời cũng se se thế này của phố núi ấy, đánh chén no nê những xiên nem nướng nóng hổi, thơm phức, nghĩ lại cũng thấy dạ dày mình ấm lên bao nhiêu. (Hehe)

Thực ra nem nướng có ở nhiều nơi, Hà Nội, Khánh Hòa, Sài Gòn đều có nhưng với mình thì nem nướng Đà Lạt có hương vị rất riêng và “thấm” lâu nhất. Chế biến nem nướng Đà Lạt cũng không khác biệt nhiều so với chế biến nem nướng của các vùng khác đâu, cũng được làm từ thịt lợn tươi xay nhuyễn với gia vị gồm nước mắm ngon, đường, bột nêm, tỏi đem trộn với ít mỡ chài thái nhỏ, vo viên rồi xiên que đem đi nướn

Thú vị nhất là được ngồi cạnh bếp than hồng, chỉ cần nghe tiếng xèo xèo của thịt tươi đang chín cũng rồi mùi thịt chín thơm lan tỏa làm mình kích thích kinh khủng. Khi nem vàng đều các mặt thì mang ra, ăn ngay và luôn.

Nem nướng được ăn kèm với rau sống, đồ chua, dưa leo cuộn bằng bánh tráng rồi chấm với nước chấm đặc biệt. Mình coi đây là điểm nhấn ấn tượng nhất của món nem này. Nước chấm được chế biến từ tương hột xay nhuyễn, pha với một ít nước hầm từ xương lợn rồi nếm với nước mắm cho vừa ăn, cho thêm vừng rang vàng thơm là tuyệt cú mèo luôn.

Ăn nem nướng ở đâu?

Ở Đà Lạt rất dễ tìm các quán nem nướng vì có khá nhiều nơi phục vụ món này, nhưng mình hay đến quán nem nướng Bà Hùng vì nước chấm ở đây là đặc biệt nhất, ngon khó sánh được. Đây cũng là quán nổi danh khắp phố núi, hầu như ai sành nem nướng cũng biết quán này. Quán nằm ở số 254 Phan Đình Phùng, bán từ 11 giờ trưa đến 9 giờ tối.

Còn một vài nơi nữa:

  • Nem nướng Bà Nghĩa: Số 4 Bùi Thị Xuân, mở cửa từ 9 giờ đến 22 giờ. Mặc dù bà Nghĩa là người đầu tiên mang món này từ Khánh Hòa vào đây nhưng quán này bị chê nhiều, ăn không ngon lắm, thái độ phục vụ hơi chán, đắt nữa.
  • Nem nướng Đà Lạt: Số 28 Phạm Ngũ Lão, bán từ 10 giờ sáng đến 9 rưỡi tối. Nước chấm không được ngon lắm nhưng rẻ, 1 phần được nhiều, quán này không gian cũng thoải mái.
  • Quán Trang: Số 48 Tăng Bạt Hổ, bán từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối.
  • Nem nướng Ngọc Thuyền: Số 164 Nguyễn Công Trứ, mở cửa từ 9h – 21h. Quán nằm hơi xa trung tâm nhưng được cái nem ngon, rau có vẻ sạch sẽ.
  • Nem nướng Út Huệ: Số 1 Chi Lăng, bán từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối, cũng được đánh giá là một quán nem khá ngon, giá bình dân.
  • Quán nem nướng Ninh Hòa Ngọc Tiên: Số 2/2 Trần Quý Cáp. Quán này giá cả bình dân cũng rất ngon, ngoài nem nướng còn phục vụ nhiều món nữa.

7. Trà atiso Đà Lạt

Trà Atiso ở Đà Lạt rất nổi tiếng và phổ biến nên thường được mọi người đến đây tìm mua về, không những có vị thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe.

Cây Atiso có nguồn gốc từ Địa Trung Hải, là một loại dược phẩm quý, được người Pháp mang vào Việt Nam và được trồng nhiều ở Đà Lạt bởi khí hậu vô cùng thích hợp. Cây Atiso dùng được cả lá, rễ và hoa; được phơi khô để làm trà. Trà Atiso có mùi thơm thanh, có vị đắng đặc biệt không giống với những loại trà khác nhưng lại rất tốt cho gan, kích thích tiêu hóa…

Chế biến trà Atiso không quá phức tạp nhưng lại phải tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật trong toàn quy trình để mọi tinh chất quý trong Atiso được giữ lại với hàm lượng cao nhất. Sau khi thu hoạch Atiso tươi, người ta đem về làm héo để giữ được tối đa tinh chất của nó, rồi mang đi vò, sấy khô, phân loại thành phẩm nguyên liệu. Từ thành phẩm phân loại này sẽ đem trộn với trà theo tỉ lệ nhất định để tạo ra trà Atiso.

Ngoài làm trà, hoa và cây Atiso non còn dùng để làm thuốc và nấu canh cũng rất ngon và bổ dưỡng cho sức khỏe. Nếu đến Đà Lạt các bạn nên mua một vài hộp trà Atiso bởi những công dụng tuyệt vời, hơn nữa đóng gói cũng không cồng kềnh, rất lý tưởng để làm quà cho chuyến đi Đà Lạt của mình đó

Địa chỉ mua trà atiso

Tại chợ Đà Lạt có bán rất nhiều cây lá rẻ đặc biệt là hoa Atiso. Một vài địa chỉ mua trà Atiso, trà Ô long ở Đà Lạt:

  • Trà cà phê Lễ Ký: Số 21 khu Hòa Bình, Đà Lạt.
  • Trà cà phê Hoa Lâm: Số 49 – 51 Phan Bội Châu, Đà Lạt.
  • Trà Vĩnh Tiến: Số 39 – 41 Phạm Ngọc Thạch, Đà Lạt.
  • Trà Atisô Đất Việt: Số 1C Nguyễn Khuyến, Đà Lạt.

8. Chả ram bắp

Cũng giống như bánh mì xíu mại, sữa đậu nành, xắp xắp, bánh tráng… chả ram bắp cũng là một đặc sản góp phần làm cho ẩm thực Đà Lạt níu chân những ai từng đến thành phố nhộn nhịp nhưng bình dân này. Người Đà Lạt thanh lịch và nhẹ nhàng nên món ăn ở đây cũng có gì đó khá tao nhã. Chả ram bắp thơm nồng chứa đựng vị ngọt thanh đạm bình dị của bắp non thật khó chối từ.

Chế biến chả ram bắp không quá cầu kì nhưng đòi hỏi sự cẩn thận trong quá trình làm. Bắp tươi hái về đem bào, ướp gia vị rồi lấy bánh tráng cuốn lại đem chiên vàng. Chả ram bắp khi chín có mùi thơm lạ vừa có vị thơm của chả giò vừa có mùi thơm ngậy, bùi bùi của bắp non chín.

Chả ram bắp được ăn kèm cùng rau sống, rau thơm và một loại nước chấm đặc biệt, thoạt nhìn thì hơi giống nước chấm nem lụi ở Huế, Đà Nẵng nhưng mùi vị nhẹ nhàng hơn. Nước chấm ở đây được chế biến khá đơn giản nhưng lại tinh tế, được làm từ một phần nước dùng với đậu phộng xay nhuyễn với ít đồ chua và ớt tươi xay…

Chả ram bắp Đà Lạt có hương vị rất riêng, khi ăn thấy vị cay nồng của ớt, vị bùi của đậu phộng và thơm ngọt của bắp ngon khỏi nói luôn. Một lời khuyên cho các bạn là tốt nhất đừng quên ăn món này khi đến Đà Lạt, đây là món rất được teen Đà Lạt ưa chuộng, và rất có thể khi ăn xong, bạn sẽ phải thêm món này vào danh sách những món nhất định phải thử lần nữa nếu có dịp quay lại Đà Lạt đó.

Địa chỉ ăn chả ram bắp

Chả ram bắp tập trung nhiều ở khu Nguyễn Công Trứ, Bùi Thị Xuân (Ngã Năm Đại Học), có rất nhiều quán chả ram bắp ở đây. Có một vài quán các bạn có thể tham khảo:

  • Quán chả ram bắp Tân Long: Số 63 Bùi Thị Xuân, quán này nổi tiếng nhất ở Đà Lạt với chả ram và nem nướng, bán từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Cả ram thơm, ngoài giòn, trong dẻo, quán nhỏ nhưng có chỗ để xe máy và xe du lịch thoải mái.
  • Quán chả ram bắp Hảo: Nằm ở hẻm bên hông trường Nguyễn Trãi, đường Bùi Thị Xuân, chả ở đây rẻ nhưng không được giòn.

9. Bánh mỳ xíu mại Đà Lạt

Bánh mì chắc không thể quen thuộc hơn với người Việt Nam – 1 trong số những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới cơ mà. Bánh mì pate, bánh mì chả, thịt, bánh mì trứng, xúc xích đủ loại… Nếu đến Đà Lạt, các bạn còn được thưởng thức một món bánh nữa là bánh mì xíu mại, là một đặc sản làm cho rất nhiều người tò mò, sức hút của nó ở đây cực lớn.

Xíu mại ở Đà Lạt được làm từ thịt nạc băm nhuyễn quết rất khéo, ướp với gia vị, hành tỏi, ớt, dẻo vừa phải, hương vị nhẹ nhàng, thường thì xíu mại ở đây thường nhỏ hơn nhiều những nơi khác. Nước xíu mại được ninh từ xương lợn và nước ngọt thanh từ thịt nạc viên, thái thêm ít hành lá để trang trí sẽ đủ cả sắc hương vị. Dùng xíu mại với bánh mỳ, thêm sa tế để xíu mại có màu đỏ và cay. Ngoài ra có thể dùng thêm giá và rau mùi sẽ hấp dẫn hơn nữa.

Không giống nhiều loại bánh mì khác là bỏ nhân xíu mại vào giữa ổ bánh mì rồi ăn, ở đây người ta thường ăn theo kiểu bẻ một miếng bánh mì nhỏ, chấm vào nước dùng, chờ bánh ngậm đủ nước rồi cho vào miệng sẽ thấy ngay vị ngọt của xương, mùi thơm của gia vị, đặc biệt là ớt cay nồng hòa quyện lại. Còn một điều đặ biệt là xíu mại ở đây được làm hoàn toàn bằng thịt nạc nên dai ngọt, đậm đà và ít ngán.

Trong tiết trời Đà Lạt se lạnh, các bạn hãy thử thưởng thức một chén xíu mại ăn kèm bánh mì để thấy được phần nào cái chất rất riêng của ẩm thực phố núi.

Địa chỉ bánh mì xíu mại Đà Lạt:

Bánh mì xíu mại ở Đà Lạt rất phổ biến, ở các con phố hay khu chợ đều có nhưng nổi tiếng nhất là quán bánh mì xíu mại góc nga ba Trần Nhật Duật – Hoàng Diệu, thành phố Đà Lạt: Quán vỉa hè, chỉ mở cửa từ 6 giờ đến 9 giớ sáng nhưng bánh mì ở đây là chất nhất Đà Lạt, là ơi dân địa phương hay ăn, bánh mì giòn rụm, xíu mại và nước chấm ngon, còn có xíu mại chả, xíu mại da heo, điểm cộng nữa là đồ ăn khá rẻ.

Ngoài ra còn có:

  • Bánh mì xíu mại BH: Số 16A Nguyễn Chí Thanh, thành phố Đà Lạt, bán từ 7 giờ sáng đên 10 giờ tối.
    Bánh mì xíu mại đường Thông Thiên Học, Đà Lạt, bán từ 6 rưỡi đến 11 giờ trưa, quán nhỏ nhưng có võ, xíu mại cay.
  • Quán bánh mì ở hẻm giữa 231 và 235 Phan Đình Phùng, Đà Lạt (ngay ngã ba chùa, bên cạnh Thế Giới Di Động), bán buổi chiều tối.

10. Bánh ướt lòng gà

Bánh ướt lòng gà Đà Lạt là một món ăn đượcc lòng rất nhiều thực khách. Đến đây mới biết nó là đặc sản cực kỳ nổi tiếng của Đà Lạt, độc đáo từ tên gọi đến hương vị.

Nghe người Đà Lạt chia sẻ, bạn càng thấy phục sự khéo léo và cẩn thận của họ. Để làm ra bánh ướt thì phải tỉ mỉ từ khâu chọn gạo. Gạo tẻ làm bánh phải chọn gạo ngon và mới thì bánh mới thơm. Đầu tiên, đem ngâm gạo, xay bột, rong bột rồi trộn với bột năng, bột khoai mì và nước theo tỉ lệ nhất định để bánh có độ dai thì khi tráng mới tránh vỡ. Khi tráng bánh, người tráng cũng phải thật khéo để bánh đều.

Còn lòng và thịt gà dùng kèm với bánh ướt thì đặc biệt được chuẩn bị kỹ. Bí quyết của người làm bánh này là phải chọn loại gà vườn không quá lớn thì thịt mới chắc, không nhão hay dai. Còn lòng gà thì làm thật kỹ để không còn mùi tanh, làm sạch xong thì đem ướp qua với gia vị, hành tỏi để khi xào chín sẽ giòn thơm. Đem hấp hoặc luộc thịt gà chín tới rồi xé phay. Sau khi chuẩn bị xong gà thì cho bánh ướt nóng mới tráng vào đĩa sâu lòng thêm rau thơm, ớt thái lát rồi cho lòng gà đã xào chín và thịt gà xé lên trên, rắc thêm tiêu đặt bên một chén nước mắm tỏi vừa vị.

Bánh ướt nóng mới tráng khi ăn có vị dẻo thơm và rất mới, lòng gà béo ngậy, thịt gà vườn thì ngọt thơm quyện trong nước chấm đậm đà, thêm vào đó là vị cay nồng của ớt và rau thơm tạo nên hương vị lạ, nhẹ nhàng và rất tinh tế. Nói chung món này vượt xa sự mong đợi. Nếu đến Đà Lạt, các bạn cứ mạnh dạn ăn một lần cho biết nhé.

Địa chỉ ăn bánh ướt lòng gà

  • Quán bánh ướt lòng gà từ khu Hòa Bình gần chợ Đà Lạt rẽ vào hẻm Trương Công Định nối liền Tăng Bạt Hổ. Ăn ở quán này là chuẩn nhất, ở các nhà hàng sang trọng cũng không chuẩn vị được như thế đâu. Quán chỉ bán từ 2h chiều đến 7h tối, nước mắm chấm rất ngon, giá cả bình dân nữa.
  • Quán bánh ướt lòng gà Long – Thông Thiên Học: Nằm gần ngã 3 Thông Thiên Học và Bùi Thị Xuân, mở cửa từ 12 giờ trưa đến tầm 7 giờ tối. Ăn cũng rất ngon, lòng gà nhiều nhưng phải đến sớm, đến muộn thì không được ăn lòng gà đâu. Ở đây có cả cháo gà nữa, giá đặc biệt rẻ.

11. Chè hé Đà Lạt

Nếu không tìm hiểu nhiều thông tin trước khi đến Đà Lạt, bạn sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, có những sự bất ngờ rất là đáng yêu. Ví dụ chè hé chẳng hạn. Đầu tiên nghe thì tưởng là một loại chè nào đó của Đà Lạt nhưng đây lại là tên 1 quán chè, có tên chè hé bởi trước đây quán phục vụ chè chỉ hé cửa vì tiết trời Đà Lạt rất lạnh, hơn nữa do vị trí tọa lạc của quán nên phải khép cửa để không gian dành cho khách thêm ấm cúng.

Quán chè này đặc biệt không có biển hiệu, nằm khiêm tốn ở con dốc của đường 3/2 thành phố Đà Lạt, quán tồn tại khá lâu rồi, là nơi chốn quen thuộc của người Đà Lạt, cũng là nơi nhiều người ở xa tìm đến nếu có dịp lên đây.

Quán có khoảng 10 loại chè như chè bắp, chè chuối, chè đậu, chè trôi, chè thập cẩm… Chè được để trong những chiếc bát, cốc nhỏ xinh nên có cảm giác rất ngon miệng. Ở đây chỉ có chè thập cẩm là chè lạnh, các loại còn lại được ăn nóng. Chè thập cẩm là món được ưa chuộng nhất, gồm có nếp lá dứa trộn với mấy hạt đậu bóng rất chất lượng cùng với sương sáo man mát, sần sật, đậu xanh xay nhuyễn thêm vài sợi dừa tươi hòa với nước dừa ngọt thanh, ăn rất đã. Ngoài ra chè nóng thì chè trôi gồm một viên bánh trôi to đặt trong một cái bát nhỏ có nước dừa, vỏ bánh trắng mềm, nhân đậu xanh xay nhuyễn, không quá ngọt, nóng nhưng không nồng, không ngán. Còn chè đậu thì khá ngọt và béo, chè khoai môn thì mềm, thơm và ngọt dịu.

12. Bánh bèo chén Đà Lạt

Bánh bèo chén Đà Lạt thực ra có nguồn gốc từ bánh bèo chén của miền Trung. Không riêng gì bánh bèo mà có nhiều món ăn đã được những người di cư đến Đà Lạt sinh sống mang theo, biến tấu theo cách riêng của con người nơi đây nên nó trở nên đặc sắc và mang hương vị riêng của phố núi.

Bánh được làm từ bột gạo pha bột năng nên vỏ bánh hơi trong, ăn dai, giòn. Nhân bánh bèo Đà Lạt làm theo kiểu miền Trung. Một đĩa có khoảng 10 cái bánh nhỏ, phủ trên mặt là nước xốt thịt mằn mặn, ngọt ngọt. Rắc tí tôm chấy nhuyễn thơm thơm, thêm nhúm hành xắt khúc rải đều lên trên mặt rồi chan một muôi nước chấm chua ngọt ăn cùng với bánh phồng giòn rụm sẽ thấy vị đậm đà lưu lại thật lâu.

Trong cái se lạnh của không khí Đà Lạt, ngồi cạnh những cái xửng bánh nóng hổi, chờ những phần bánh bèo chén Đà Lạt ra lò và thưởng thức ngay thì chẳng còn gì bằng

Địa chỉ bánh bèo chén Đà Lạt

  • Bánh bèo số 4 bà Hường: Số 404 Phan Đình Phùng, phường 2, thành phố Đà Lạt. Quán này nổi tiếng nhất Đà Lạt nên rất đông khách. Đĩa bánh khá chất và đầy đặn, bánh to, tôm thịt nhiều, giá cả cũng bình dân. Quán mở cửa từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, tầm 4 giờ chiều thì cực đông. Ở đây còn có món sữa chua phô mai ăn cũng rất thích.
  • Bánh bèo số 4 Chánh Hiệu: Sô 282 Phan Đình Phùng, phương 2, thành phố Đà Lạt. Mở cửa từ 8 giờ sáng đến 10 rưỡi tối. Nước sốt tôm thịt ở đây khá ngon.
  • Quán bánh bèo cô Thân: Số 54 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 7, thành phố Đà Lạt. Quán bán từ 5 giờ đến 11 giờ sáng. Bánh ngon, chủ quán nhiệt tình, thân thiện. Ở đây còn có cả bánh ướt, bánh mỳ nữa.
  • Quán bánh bèo số 11 Nguyễn Văn Trỗi: Mở cửa từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều, đây là gánh hàng lề đường, ăn ngon nhưng với mình thì hơi cay.

13. Bánh căn Đà Lạt

Bánh căn là một món ăn không quá xa lạ với vì đến Đà Nẵng rồi Nha Trang, vào Phan Thiết, Sài Gòn, Vũng Tàu cũng đều được giới thiệu là đặc sản. Không biết nó ra đời ở đâu, nhưng khi đến Đà Lạt, món bánh mộc mạc, xinh xinh này cũng là một đặc sản rất phổ biến, nó nổi tiếng như nhiều món ngon vỉa hè của phố núi như kiểu bánh tráng nướng, xắp xắp hay nem nướng vậy.

Cách chế biến bánh căn vốn không cầu kỳ, cũng là bột gạo được đổ vào khuôn nhưng đa dạng hơn khi kết hợp với nhiều loại nhân theo khẩu vị của từng người để tạo ra sự phong phú cho loại bánh này. Nhân truyền thống là trứng cút, trứng gà ta, trứng vịt được đổ trên mặt bánh khi bột bánh đã se gần chín. Còn không dùng trứng thì mình có thể chọn nhân hải sản hoặc nhân đậu xanh đã xôi chín vàng ươm.

Bánh căn sau khi được đổ chín đem bày thành từng cặp trên đĩa, dùng kèm với chả lụa, xíu mại và nước chấm. Điều làm nên sự khác biệt giữa bánh căn của các tỉnh một phần là do nước chấm. Nước chấm của món bánh này ở đây cũng được pha chế theo phong cách của người Đà Lạt gồm nước mắm pha với mỡ hành và ớt hoặc sa tế, đôi khi sẽ được thay bằng mắm nêm, pha chế nhẹ nhàng theo đúng vị của người Đà Lạt.

Ăn bánh căn ở mỗi nơi cho mỗi cảm nhận riêng, ở bánh căn Đà Lạt là sự thanh đạm và thơm ngon rất lạ, bình dân nhưng lại rất tinh túy.

Địa chỉ ăn bánh căn

  • Quán bánh căn Đà Lạt: Số 7 Tăng Bạt Hổ. Quán mở cửa từ 9 giờ sáng đến 10 giờ tối. Quán này có tiếng ở Đà Lạt, nhưng nghe nhiều bạn phản hồi thì có vẻ không ngon lắm, giá hơi cao, quán nhỏ và chú chủ quán có vẻ hơi lạnh lùng.
  • Quán bánh căn bình dân: Đối diện 62 Phan Đình Phùng, quán này nằm trên đường đi thung lũng Vàng. Quán vỉa hè nhưng rất ngon giá cả hợp lý nhưng ớt ở đây rất cay nhé.
  • Quán bánh căn số 22 Tăng Bạt Hổ: Mở cửa buổi sáng từ 7h – 11h, chiều thì từ 15h – 20h; phục vụ nhanh, xíu mại ăn ngon.
  • Quán bánh căn số 4 Tăng Bạt Hổ: Quán bán từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối.
  • Bánh căn xíu mại cây bơ: Số 56 Tăng Bạt Hổ: Quán nằm trên dốc có cây bơ to nên gọi vậy chứ không có tên. Ở đây có 2 loại nhân trứng cút và trứng vịt; quán chỉ bán buổi sáng, tầm 6 đến 11 giờ là hết. Quán nhỏ nhưng sạch sẽ, đồ ăn rẻ, ở đây có sữa cho phô mai ngon cực kỳ.

14. Lẩu bò tiềm Yersin Đà Lạt

Thường hay nghe thấy mì việt tiềm, gà tiềm thuốc Bắc nhưng khi vào đến Đà Lạt mới biết thêm một món cũng tiềm nữa là lẩu bò tiềm trên phố Yersin. Không chỉ riêng bạn mà hầu như ai đến đây cũng bị thu hút bởi cái tên lạ tai, tha hồ tưởng tượng các kiểu. Mới nghe tên lẩu bò tiềm Yersin, bạn sẽ hình dung đây là tên một đặc sản của phố núi, nhưng mà không phải. Lẩu bò tiềm Yersin là một quán ăn nổi tiếng của thành phố Đà Lạt, nằm trên con đường Yersin, chuyên phục vụ món lẩu bò tiềm gia truyền độc đáo. Lẩu bò thì quá quen thuộc rồi, món tiềm cũng không xa lạ gì, thế nhưng lẩu bò tiềm thì thực sự lại khá là mới mẻ.

Để làm ra món ăn đặc biệt này thì điều đầu tiên là phải chọn thịt bò thật tươi ngon rồi ninh thật nhừ với thuốc Đông dược theo một công thức bí truyền, nêm nếm gia vị tinh tế cũng theo một bí quyết riêng để có thể hợp khẩu vị của hầu hết thực khách. Món này vị lạ, vừa có mùi thơm của thuốc, vừa có mùi thơm nồng của thịt bò, không hề bị lẫn mùi với nhau. Lẩu bò tiềm có tác dụng rất tốt cho sức khỏe đấy nhé, giúp giảm đau nhức, mát gan, và giúp cho dạ dày tiêu hóa dễ dàng hơn. Đến Đà Lạt, các bạn không nên bỏ qua một món ăn vừa ngon, vừa bổ này

Ở các khách sạn ở Đà Lạt cũng có lẩu bò tiềm, nhưng mà độ ngon và đặc biệt thì chắc chỉ có thể đến số 27/4A Yersin mới có được. Quán nằm ở một con hẻm nhỏ chứa được khoảng 50 người, là một địa chỉ ăn uống bình dân và đáng tin cậy. Không gian sạch sẽ, có sân để xe rộng rãi, nhân viên thì nhiệt tình. Ngoài lẩu bò tiềm, quán còn các món nhậu hến, ốc, bắp bò và đặc biệt là nhiều lạo rượu gia truyền nữa: Bổ thận, bìm bịp, nếp bắc… À, quán mở cửa từ 3 giờ chiều các bạn nhé.

15. Sú kẹp nách Đà Lạt

Sú kẹp nách là một trong những loại rau củ nổi tiếng đã tạo nên nét đặc trưng thú vị cho ẩm thực phố hoa, nó khiến nhiều người bật cười khi nghe đến cái tên lạ và hình dáng ngộ nghĩnh này.

Sú kẹp nách có nguồn gốc từ Bỉ, vốn được trồng ở Đà Lạt từ thời Pháp thuộc, đến ngày nay thì loại rau này đã trở nên phổ biến với mọi người. Sú kẹp nách có họ hàng với cải bắp nhưng có nhiều mầm rau theo hình xoắn ốc dọc thân cây. Điểm đặc biệt là trên mỗi cuống lá có một quả giống như bắp cải tí hon chỉ bằng ngón tay cái, nên khi nó xuất hiện ở Đà Lạt đã được gọi bằng cái tên sú kẹp nách thú vị như thế.

Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch sú kẹp nách khoảng chừng 3 tháng. Loại rau này chứa nhiều vitamin, chất xơ… có tác dụng chống bệnh ung thư ruột kết, rất tốt cho hệ tim mạch. Người Đà Lạt thường dùng làm salad, luộc hoặc chiên xào tùy ý. Các món ăn được làm từ sú kẹp nách thường khá ngon bởi vị ngọt, thanh mát, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe.

Nếu đến Đà Lạt, các bạn hãy tìm mua sú kẹp nách vô cùng đáng yêu này trong khu rau củ chợ Đà Lạt hoặc ở các nhà hàng, quán nướng cũng đều có đó.

16. Ngọt thơm vị mứt Đà Lạt

Đến khu đặc sản của chợ Đà Lạt, như bị lạc vào mê cung của vô vàn mứt là mứt: Mứt hoa hồng đỏ thắm, mứt khoai lang vàm rộm, mứt hồng dẻo, cà chua bi sấy khô, mứt khoai lang vàng như mật, đòa sữa xanh non… đủ màu sắc, cuốn hút kinh khủng. Chỉ nhìn các quầy hàng bán mứt cũng đủ “sướng lạ”!

Nghề làm mứt ở Đà Lạt có từ lâu lắm rồi, người ta không chỉ làm mứt bằng trái cây địa phương mà còn từ nhiều nguyên liệu khác vì thế mà mứt ở đây rất đa dạng. Mứt Đà Lạt có quanh năm và hương vị thì độc đáo không lẫn vào đâu được.

Thử nếm một miếng mứt hồng dẻo (thực chất là hồng sấy khô) ngọt thanh, dẻo, dai mà vẫn còn nguyên vị. Mứt hồng có thể được xem là loại mứt cao cấp nhất trong các dòng mứt đặc sản của Đà Lạt. Cách làm loại mứt này cũng công phu lắm nhé, nguyên liệu phải là những trái hồng thơm, chín đỏ được lựa kỹ đem sấy ở nhiệt độ cao. Mứt hồng cũng có nhiều loại nhưng ngon nhất là loại được làm từ hồng trứng ngọt thơm, khác hẳn các loại hồng khác.

Còn một loại nữa cũng phải kể đến là mứt khoai lang dẻo, khoai lang sâm vàng ươm bóng bẩy. Mứt này được làm từ khoai lang mật đặc sản của Đà Lạt nên có vị ngọt tự nhiên và độ dẻo rất vừa miệng.

Mứt hoa hồng cũng là một loại mứt rất nổi tiếng, đặc sản chỉ có ở Đà Lạt. Mứt hoa hồng không phải làm từ bông hoa hồng, mà là làm từ quả hồng hoa (Hibicus) còn có tên lãng mạn là “hoa vô thường”. Ăn có vị chua thanh, giòn dai, ăn hơi lạ, rất nhiều người mua.

Ngoài ra thì còn mứt quất trần bì được làm từ nguyên liệu là vỏ trái quất hay trái tắc nữa cũng khá hấp dẫn. Ăn có vị nồng, cay, rất tốt với người bị ho, cảm sốt. Với tiết trời se lạnh của Đà Lạt, được ăn mứt này cộng với ngụm trà nóng nữa sẽ cảm thấy rất sảng khoái.

Kể về mứt Đà Lạt thì vô vàn lắm. Mỗi loại mứt đều có một vị, một hương thơm đặc trưng khó lẫn. Sa đà vào các gian hàng mứt sặc sỡ, mỗi loại mua một ít thế mà cũng nặng trịch cả tay. Kệ, mấy khi được “lộc” này, khuân về Bắc tặng mỗi người một ít cho biết vị Đà Lạt. ^ ^

Địa chỉ mua mứt Đà Lạt

Kinh nghiệm là các bạn nên đến tận các cơ sở làm mứt để mua mứt như đường Hùng Vương (khu chùa Tàu) giá cả có thể cao hơn bên ngoài một chút hoặc đến khu phố lò mứt Phù Đổng Thiên Vương – Mai Anh Đào, khu bán mứt ở chợ Đà Lạt, hoặc các lò mứt:

  • Lò mứt Kiều Giang: Số 223 đường Mai Anh Đào, đối diện khu du lịch Đồi Mộng Mơ, điện thoại – 063 826 354
  • Lò Atisô Thanh Uyên: Số 125A Trần Quang Khải, điện thoại – 063 835 065 – 0909 501 695
  • Lò mứt – vườn dâu Phương Lan: Số 48 Phù Đổng Thiên Vương, điện thoại – 063 826 860 – 0918 313 490

17. Hồng Đà Lạt

Từ lâu hồng đã có mặt ở Đà Lạt dần trở thành một đặc sản nổi tiếng phố núi. Người dân thường thu hoạch hồng chín để bán, làm mứt hoặc sấy khô. Còn những quả hồng già đang chuyển dần sang màu vàng nhạt, người ta thường chế biến thành hồng giòn có vị ngọt, thơm, cho vào miệng nhai nghe giòn rôm rốp.

Vào mùa hồng từ tháng 7 đến tháng 11, đến thăm những khu vườn hồng ở khu vực gần Dinh III Bảo Đại, hay chạy xe khoảng 5km theo hướng Đông Nam tới đèo Mimosa sẽ thấy cả khu vườn nhuốm màu vàng, những cây hồng sai trĩu quả. Hồng được người dân hái xuống, quả bị trầy xước sẽ được bán cho các cơ sở làm hồng khô, còn những quả lành lặn sẽ được đem ủ làm hồng giòn.

Cách làm chín hồng Đà Lạt cũng rất an toàn, ngưới ta không cần dùng nước vôi để ủ hay bất cứ một loại chất bảo quản nào mà sau khi hái xuống chỉ cần cho vào túi ni lông trắng, sạch rồi cột chặt để khoảng 10 ngày là sẽ mất hẳn vị chát chỉ còn lại vị giòn ngọt vừa ăn. Hồng giòn được đóng gói cẩn thận có thể lấy ra ăn dần hay vận chuyển đi xa mà không sợ hư hỏng.

Hồng giòn không chỉ ăn ngon mà còn có rất nhiều giá trị. Phấn hồng, cuống hồng, vỏ hồng và thịt hồng đều là những vị thuốc. Trái hồng có thể trị được nhiều loại bệnh như: Chữa nấc, chữa viêm ruột, kiết lị, chữa lở môi và lưỡi, dị ứng da… Hồng giòn từ lâu đã trở thành vị khá quen thuộc trong các bài thuốc Đông y.

Mua hồng ở đâu?

Các bạn có thể lựa mua hồng giòn ngay trong các gian hàng đặc sản của chợ Đà Lạt, hay mua trực tiếp tại các cửa hàng di động dọc theo đèo Prenn, dưới chân đèo Mimosa, trước khu du lịch thác Prenn hoặc đến các phố lò mứt đường Phù Đổng Thiên Vương, Mai Anh Đào, Nguyên Tử Lực

Cách phân biệt hồng Đà Lạt và hồng Trung Quốc

Hiện nay, hồng Trung Quốc cũng được bày bán với mác hồng Đà Lạt vơi hình dáng và màu sắc bắt mắt hơn nhưng lại rất độc hại vì chủ yếu cho chín bằng thuốc kích thích. Một số cách phân biệt hồng Đà Lạt và Trung Quốc, mình giới thiệu cho các bạn:

  • Hồng Đà Lạt chỉ cần 1-2 ngày là bắt đầu chín mềm, nếu ăn không kịp sẽ bị hư rất nhanh. Còn hồng Trung Quốc mua về cả tuần vẫn không bị hư, thậm chí để rất lâu vẫn không chín.
  • Về màu sắc: Hồng Trung Quốc căng bóng, có vỏ sẫm không có vết xước, màu đẹp và to đều, ăn ngọt nhưng không thơm, hơi khô và không mọng nước. Còn hồng trứng Đà Lạt chính gốc phải có màu vàng cam, ăn vào có vị ngọt béo, ăn rất dẻo và thơm.
  • Hình dạng: Hồng Đà Lạt thì mẫu mã xấu hơn, có hình tròn, dẹt trơn giống trứng gà, phần cuống có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi cứng, không có rãnh và vỏ có màu nhạt, có vết thâm, không đều màu còn hồng Trung Quốc lại tròn đều, to dẹt hơi vuông, có khía phần cuống thâm.

18. Dâu Đà Lạt

Một trong những thú vui nhất định phải có khi đến Đà Lạt là được vào các vườn dâu tây để chiêm ngưỡng và tận mắt thấy cách sản xuất, ươm trồng và thu hái những trái dâu chín mọng, may mắn hơn còn được đánh chén tại chỗ bởi dâu tây Đà Lạt đã có thương hiệu trên cả nước rồi.

Khí hậu Đà Lạt là khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ nên rất thích hợp cho các loại cây ưa lạnh. Dâu tây được trồng quanh năm, những vườn dâu ở đây luôn được chăm sóc kĩ lưỡng. Dâu tây Đà Lạt to bằng ngón chân cái thường chín nhiều vào mùa xuân, rất thơm, hương vị chua ngọt thanh mát rất được ưa chuộng. Hơn nữa, dâu tây giàu vitamin C và là nguồn cung cấp các chất flavonoit cần thiết cho cơ thể (trong quả dâu có chứa các chất bảo vệ, chống ôxy hóa nhiều gấp 10 lần quả cà chua đó).

Quả dâu tây thường được sử dụng để làm nhiều món bổ dưỡng như rượu dâu, mứt dâu, mật dâu, cocktail, sinh tố, confiture dâu… hoặc đơn giản chỉ là chấm ăn với muối. Nhiều nhà vườn trồng dâu theo công nghệ mới là trồng thủy canh trong nhà kính để tránh chuột và sâu bệnh, tránh việc phải dùng nhiều thuốc trừ sâu nên tương đối an toàn.

Tuy nhiên có một điểm không được du khách ưng lắm, đó là có rất nhiều “cò” (tạm gọi thế) hay rủ rê mình vào những vườn dâu hoặc khi mình hỏi thì nhiệt tình dẫn đi nhưng không phải đâu, họ gạt đó. Nếu muốn vào vườn dâu thì phải mua một ít quả hoặc mứt, mà đến khi vào thì toàn vườn dâu không có quả (nản luôn). Muốn đi vườn dâu tây, các bạn có thể trực tiếp đến vườn dâu của những người dân ở đây theo địa chỉ uy tín. Một vài địa chỉ các bạn có thể tham khảo nhé:

  • Chị Nguyễn Thị Thu Thủy: Số 17 Vòng Lâm Viên, phường 8, thành phố Đà Lạt
  • Anh Nguyễn Thành Trung: Số 35 Hồ Xuân Hương, phường 9 (đường đi hồ Than Thở)
  • Anh Nguyễn Lâm Thanh: Số 46 Đa Phú
  • Vườn dâu nhà: Số 126 Thánh Mẫu
  • Tuyến đường: Mai Anh Đào, Nguyễn Tử Lực, Thánh Mẫu, Langbiang, Xô Viết Nghệ Tĩnh (ở các con đường này có rất nhiều vườn dâu, các bạn chủ động xin phép vào tham quan bởi người dân ở đây rất tốt bụng và hiền hòa nên họ sẽ không từ chối đâu).

Tham khảo thêm địa chỉ vườn dâu trồng thủy canh:

  • Vườn dâu treo Biofresh (vườn dâu chị Thủy) – Khu du lịch Hồ Than Thở, đường Hồ Xuân Hương, phường 10, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng.
  • Vườn dâu – số 35 Hồ Xuân Hương, phường 9, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng.
  • Vườn dâu anh Thanh – số 46 Đa Phú, phường 10, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng.

19. Nai nướng thác Prenn

Ở Đà Lạt có một quán nai nướng nằm trong khu rừng thông ở đoạn đầu dốc dẫn xuống thác Prenn. Nghe nói, chú chủ quán là một người quê ở Tây Nguyên từng một thời chỉ gắn bó với rừng cây muông thú cùng tài chế biến các món đặc sản rừng cực đỉnh.

Quán nằm giữa thiên nhiên tươi mát, mọi thứ mộc mạc như chính khung cảnh và con người chú chủ quán vậy. Bàn ăn đơn giản là những tấm gỗ nhẵn bóng, chân bàn được làm từ những gốc cây cưa cụt, xung quanh chỗ ngồi là những cành mai tứ quí và chậu phong lan đủ màu, có cảm giác rất thư thái.

Khách cứ đến quán là được đon đả chào mời ngay, chỉ cần giơ mấy ngón tay ra hiệu là chú chủ quán hiểu ngay họ gọi mấy suất rồi lập tức đặt luôn chai rượu đế cùng vài chiếc ly sành da lươn lên bàn, kèm theo đĩa muối tiêu, ớt tươi thái lát, lá sả… những đồ gia vị không thể thiếu để ăn với thịt nai. Chỉ một lát là những đĩa nai sống đỏ tươi đã được thái mỏng với đĩa lá lốt xanh và mấy chiếc lò đỏ rực than tàu được đưa ra mỗi người một chiếc.

Xong thì tự trải thịt nai lên lá lốt, gói lại to nhỏ tùy ý, lấy đũa gắp rồi đặt lên mặt than đợi cho màu lá chuyển vàng thì lật mặt sau và nướng tiếp. Mùi thơm của thịt nai nướng quyện với mùi lá lốt chín thơm phức làm mình thấy rất thèm thuồng. Nhấp một hớp rượu rồi gắp vội miếng nai thơm nóng mới thấy hết hương vị của đại ngàn, vị đậm ngọt của nai quyện với vị cay của ớt, mặn thơm của muối tiêu, vị hăng hăng của sả, lá lốt lẫn trong tiếng thông reo.

“Bạn mới lên Đà Lạt lần đầu, lại cũng mới một lần thưởng thức nai nướng giữa một buổi chiều se lạnh, một bên là lò than hồng ấm áp, một bên là người bạn đồng hành thân thiết, với chai rượu đế “mắt mèo” rót ra bật diêm châm vào ly, lửa xanh bốc lên phần phật, thử hỏi còn kỷ niệm nào đắt giá hơn, thú vui nào tao nhã hơn?”

20. Cháo chua của người K’ho

Đến Langbiang, ghé qua xã Lát là nơi sinh sống của rất nhiều đồng bào dân tộc K’ho. Ở đây bạn sẽ được thưởng thức món cháo chua của người K’ho, hơi giống cái rượu ở ngoài Hà Nội nhưng mùi vị đặc biệt hơn vì được làm bằng gạo nếp nương ủ lên men. Người K’ho coi cháo chua như một “tiên dược” giúp họ luôn dẻo dai và cường tráng.

Để làm cháo chua của người K’ho, người ta phải nấu gạo lên thành cháo. Khi cháo chín nhừ thì cho thêm chút muối để tạo độ mặn vừa phải, sau đó bắc khỏi bếp đợi nguội, rồi múc cháo đổ vào những trái bầu khô đã được lấy ruột từ trước, nút lại treo lên vách nứa nhà sàn. Cứ để vậy cho đến tháng ba năm sau, vào mùa phát nương, mỗi người buổi sáng lên rẫy, ngoài bình nước, mấy con cá khô, vài trái ớt, quả cà và không quên mang theo quả bầu đựng món cháo chua.

1 chú trên này kể rằng món ăn này tường truyền là do được thần linh dạy cách làm để giúp người dân chống đỡ với thiên nhiên khắc nghiệt. Cháo chua theo quan niệm của người K’ho là một món ăn bổ dưỡng. Cháo có vị chua xen vị ngọt, có mùi của men rượu. Thứ cháo này có nhiều công dụng lắm, nó vừa là thứ nước uống để giải khát, vừa chống cảm nắng, tăng sức đề kháng cơ thể. Cô chú ấy còn bật mí rằng chính cháo chua đã làm cho người dân K’ho dẻo dai, chống chịu được nắng, gió và mưa rào của vùng nam cao nguyên đầy khắc nghiệt.

Nếu có dịp đến đây tìm hiểu, tham quan vùng đồng bào dân tộc K’ho mà các bạn được người dân nơi đây mời món cháo chua thì đừng từ chối nhé. Quả thật, đây là món ăn rất độc đáo và khó quên.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *