19 đặc sản Ninh Bình – Cập nhật 2024

Đăng ngày 25/01/2024

Từ lâu đặc sản Ninh Bình đã nổi tiếng với rượu Lai Thành, ngọc dương tửu, cá rô Tổng Trường, nem chua Yên Mạc, nhất hưởng thiên kim (cơm cháy), rượu cần Nho Quan… Các đặc sản trên là nguồn tài nguyên du lịch có giá trị, tô điểm cho môi trường du lịch của vùng đất cố đô thêm phần hấp dẫn.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ những đặc sản Ninh Bình hấp dẫn để bạn có cơ hội nếm thử mỗi khi có dịp ghé thăm Ninh Bình.

1. Bún mọc Tố Như

Bún mọc có lẽ không còn xa lạ với mọi người, tuy nhiên ở mỗi vùng khác nhau thì món ăn này cũng được chế biến và thưởng thức theo những cách khác nhau. Các bạn mà có dịp dịp ghé thăm thị trấn Phát Diệm (huyện Kim Sơn, Ninh Bình), ngoài việc tham quan nhà thờ đá Phát Diệm thì đừng quên thưởng thức món bún mọc Tố Như.

Bún mọc Tố Như đơn giản gồm bún, mọc, nước dùng và các loại rau sống theo mùa. Điều thú vị là người ta không dùng bát to hay chan nước, bỏ mọc vào mà lại để riêng. Mỗi suất ăn là một đĩa bún, một tô nước dùng có mọc kèm đĩa rau sống.

bun-moc-to-nhu

Bún mọc Tố Như

Người làm phải rất kỳ công để có được bát bún ngon, từ khâu chọn gạo xay, sàng, lọc để khi chế biến sợi bún trắng, dẻo và săn tròn. Bên cạnh đó, việc làm mọc cũng không hề đơn giản, phải chọn loại thịt bắp, lọc hết gân mỡ rồi mới xay giã, ướp gia vị, viên đều tay thành từng viên nhỏ. Muốn mọc chín ngon thì phải thả vào nồi nước sôi chừng 7 đến 10 phút. Khi viên mọc nổi lên trên mặt nước thì phải vớt ra ngay, không được để chín quá sẽ bị dai. Mọc ngon sẽ có màu trắng hồng, trong suốt, ăn vừa miệng và rất mềm.

Ăn bún mọc Tố Như ở đâu ngon?

Mình chưa có dịp thưởng thức món bún mọc Tố Như của Ninh Bình, nếu các bạn biết quán nào ngon thì mách cho mọi người cùng biết để thưởng thức nhé ^^

2. Miến lươn Ninh Bình

Miến lươn Ninh Bình là một món ăn  nổi tiếng. Miến lươn gia truyền ở Ninh Bình có hương vị nổi bật hơn ở những vùng miền khác. Nước dùng của món ăn này được làm từ xương lươn nên các bạn có thể cảm nhận rõ vị đặc trưng. Thịt lươn lại được rim theo công thức gia truyền nên khi ăn thấy mùi thơm cùng vị béo ngọt hấp dẫn lại không hề có mùi tanh.

dac-san-ninh-binh-1

Miến lươn gia truyền ở Ninh Bình có hương vị nổi bật hơn ở những vùng miền khác.

Để tạo ra được những bát miến lươn ngon ngon thì việc chọn được những con lươn chất lượng tốt được coi là việc khó và quan trọng nhất. Người ta thường chọn lươn cốm (loại con nhỏ), béo khoẻ, còn tươi sống, lưng màu hồng nâu và bụng vàng rộm. Ngoài ra miến được chế biến từ dong đao nguyên chất, không pha tạp, có sợi nhỏ đều, trong suốt là loại miến ngon nhất và nên được sử dụng. Bên cạnh đó, các loại gia vị như riềng, mẻ, nước mắm, mắm tôm, chanh quả, lá lốt, hạt tiêu, ớt… cũng được gia giảm nhằm tạo được hương vị hài hòa nhất.

Ăn kèm miến lươn là những loại rau sống theo mùa và đặc biệt là không thể thiếu hoa chuối. Hoa chuối có vị chát, bùi và ngọt vừa phải giúp át đi mùi tanh của lươn và cũng cho bát miến có vị thanh và dịu.

Ăn miến lươn Ninh Bình ở đâu ngon?

Đã từ lâu, người ta biết đến cửa hàng miến lươn Bà Phấn – người phụ nữ vốn được mẹ chồng truyền nghề và trở nên nổi tiếng khắp vùng đất Ninh Bình từ những năm 1960. Sau này, bà truyền lại nghề cho 3 người con trai cuối. Đến nay, cả 3 nhà hàng của các con bà Phấn nằm liền nhau ở ngã tư đường Trần Hưng Đạo, thành phố Ninh Bình (một ngả ra chợ Rồng, một ngả vào Bệnh viện tỉnh).

  • Miến lươn Dũng Hương (chủ quán là con bà Phấn), đường Trần Hưng Đạo; đối diện đường rẽ vào động Thiên Hà. Quán ăn khá ngon, nếu gặp ngày đông quá thì chủ quán phục vụ hơi lâu.
  • Miến lươn Dũng Thanh: Số 999 đường Trần Hưng Đạo, chỗ Cầu Lim Ngã ba Trần Hưng Đạo – Vân Giang.

3. Rượu cần Nho Quan

Rượu cần Nho Quan, Ninh Bình là món đặc sản độc đáo của người Mường sinh sống tại vùng đất này. Điều đặc biệt là chế biến rượu cần Nho Quan không cần qua chưng cất lửa. Đơn giản, người ta dùng gạo nếp (gạo xay nứt) nấu thành cơm rồi trộn đều với men, sau đó đem ủ vào trong ang hoặc vò sành từ ba tháng trở lên là có thể uống được.

Độ ngon của rượu phụ thuộc nhiều vào chất lượng của men. Men rượu bắt buộc phải được làm từ vỏ cây mun, thêm củ giềng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định. Tiếp đên, người ta giã hỗn hợp men đó lấy nước rồi trộn lẫn với gạo nếp, đem nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ, cho ủ vào trấu đến khi phồng lên, để khô chừng 10 ngày trở lên là dùng làm rượu được.

dac-san-ninh-binh-2

Người ta thường không dùng chén để thưởng thức rượu cần mà dùng các cần rượu làm bằng thân cây trúc rỗng bên trong để hút rượu trong bình. Rượu cần mà uống càng đông người thì càng vui, nồng độ rượu khá nhẹ, có thể thưởng thức mà không cần đồ nhắm.

Mua rượu cần Nho Quan ở đâu?

Các bạn có thể tìm mua rượu cần ở thị trấn Nho Quan, Ninh Bình. Thị trấn nằm trên giao điểm quốc lộ 12B và tỉnh lộ 479, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 31km.

Rượu cần thường được để trong hũ sành, vì vậy rất dễ vỡ nếu bị va chạm mạnh. Các bạn lưu ý việc bảo quản hũ rượu trong quá trình vận chuyển nhé.

4. Rượu Lai Thành

Lai Thành là một xã thuộc vùng cực Nam của huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình), nơi đây sản xuất loại rượu nếp cái hoa vàng nổi tiếng.

Từ những hạt gạo trắng tròn, thơm ngon; mỗi năm, người Lai Thành đều trồng thứ lúa nếp truyền thống ấy trong một diện tích nhất định để thu hoạch làm rượu. Lúa nếp sau khi được gặt về thì sẽ được phơi khô, sàng sẩy kỹ rồi mới cho vào chum bảo quản dần để nấu rượu.

Để có vò rượu ngon, người ta phải làm tỉ mỉ từng công đoạn như chưng cất, lựa chọn men rượu và nguồn nước. Rượu thành phẩm có màu trong vắt, thơm mùi lúa nếp hài hòa với chất men rượu đặc trưng.

dac-san-ninh-binh-3

Nhiều người cho rằng, rượu Lai Thành càng để lâu càng ngon nên mua nhiều đề để dùng dần. Món rượu này rất thích hợp khi dùng với thịt cá vược nấu đông, gỏi cá nhệch, hải sản hấp hay một bát bún mọc Ninh Bình.

Mua rượu Lai Thành ở đâu ngon?

Các bạn có thể đến thị xã Lai Thành, huyện Kim Sơn để mua rượu chính gốc. Trụ sở xã nằm cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 33km. Xã nằm trên quốc lộ 10 đồng thời là điểm cuối của đường quốc lộ 12B (tỉnh lộ 480 cũ) nối từ Quốc lộ 1A tại Mai Sơn qua Thị trấn Yên Thịnh.

Ngoài ra, mình hay mua rượu Lai Thành ở địa chỉ số 1, ngõ 41, đường Xuân Thành, thành phố Ninh Bình. Đây là rượu được sản xuất theo phương pháp cổ truyền của Lai Thành, độ rượu mạnh nhưng không làm mất đi mùi lúa nếp đặc trưng.

5. Dê tái chanh

Dê vùng đất Ninh Bình được chăn thả trên núi, chạy nhảy nhiều nên thịt săn chắc và ít mỡ, thơm ngon hơn dê nuôi của các vùng khác. Trong số rất nhiều món được chế biến từ dê thì dê tái chanh được coi là món ăn xếp đầu bảng.

Để làm món tái chanh này, trước hết thịt dê được hấp sả đến khi chín tái thì đem ra thái mỏng. Trộn đều thịt đã thái với sả thái nhỏ, nước chanh, bột ngọt, lá chanh, gừng, ớt tươi thái nhỏ, vừng rang giã dập là được món thịt dê tái chanh.

de-tai-chanh

Dê tái chanh – Đặc sản Ninh Bình

Chế biến món ăn này không khó, nhưng lại cần phải đủ vị, đúng kiểu thì mới ngon. Thịt dê tái chanh thường ăn kèm với chuối xanh thái lát, khế chua, lá mơ, rau thơm, sả, lá sung… và đặc biệt không thể thiếu tương bần. Nếu các bạn muốn nước tương ngon hơn thì có thể cho thêm một gừng và đường vào sao cho vừa miệng. Thông thường thì tái dê được gói trong lá sung giúp dễ cầm ăn hơn và đặc biệt là gia tăng thêm hương vị.

Riêng nước tương thì người ta cho rằng chỉ tương bần Hưng Yên mới “đủ đô” với tái dê Ninh Bình. Chỉ khi chấm với tương bần này thì thực khách mới cảm nhận được hết độ ngon của món ăn đặc sản của vùng.

Ăn thịt dê tái chanh ở đâu ngon?

Thịt dê là món ăn đặc sản của Ninh Bình, vì vậy có thể dễ dàng tìm được một quán thịt dê trên các con đường ở thành phố Ninh Bình. Các bạn hãy tham khảo một số địa chỉ uy tín mà Loca giới thiệu nhé.

  • Khách sạn – Nhà hàng Đức Tuấn: Trung tâm du lịch Tam Cốc – Bích Động, Hoa Lư, Ninh Bình. Mình thấy mọi người đến du lịch Tam Cốc – Bích Động đều ăn ở nhà hàng này. Vào mùa cao điểm thì đợi phục vụ món ăn hơi lâu, nhưng nhà hàng rất sạch sẽ và mát mẻ, đồ ăn vừa miệng lại vừa đủ ăn.
  • Nhà hàng Thanh Cao: Xuân Sơn, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình
  • Nhà hàng Phú Dê: Số 1 Đông Thành, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình
  • Nhà hàng Đức Dê: Số 29 Đoàn Kết, phường Ninh Phong, Ninh Bình. Đây là một địa điểm nhậu nhẹt dành cho các quý ông. Thịt dê khá ngon và luôn tươi mới mỗi ngày.
  • Nhà hàng Hương Mai: Số 12 Trần Hưng Đạo, Tp. Ninh Bình (Gần sân vận động Ninh Bình)

6. Canh cua rau dâm bụt

Canh cua nấu lá dâm bụt là một món ngon đặc sản đã gắn liền với đời sống của người dân trong các làng quê Ninh Bình.

Lá cây dâm bụt được nghiên cứu rằng có tác dụng rất tốt cho tim, có thể chữa các bệnh mất ngủ do hồi hộp, bệnh kiết lỵ lâu ngày, chữa mẩn ngứa… Canh cua rau dâm bụt ăn giống như canh cua rau đay mùng tơi nhưng thơm, ngọt và mát hơn hẳn.

Để nấu canh này thì người ta sẽ lựa cua đồng đem ngâm nước cho sạch, bóc mai, bỏ yếm. Dùng tăm hoặc cán của một chiếc thìa nhỏ xíu lấy gạch cua trong mai cua để riêng vào một chiếc bát con. Tiếp tục rửa cua cho thật sạch, để ráo nước rồi mới giã nhỏ (cho thêm chút muối), rồi lại cho nước vào lọc để nấu canh. Rau dâm bụt thì chọn loại lá xanh, nhỏ vừa phải (có thể hái cả ngọn nhưng không nên nấu ngọn dâm bụt quá nhiều vì khi nấu sẽ tạo nhiều nhớt), rửa sạch và thái nhỏ. Có thể nấu thêm với mướp tùy khẩu vị.

dac-san-ninh-binh-4

Khi nấu canh cua, người ta chỉ để lửa vừa phải để không làm nồi canh bị sôi bùng lên khiến phần thịt cua bị nát. Khi canh sôi, vặn nhỏ lửa, cho rau dâm bụt vào đun sôi lại là được. Còn nếu nấu với mướp thì cho mướp vào trước rau dâm bụt vì mướp lâu chín hơn. Cầu kỳ hơn, người đầu bếp có thể cho thêm một chút dầu ăn, phi hành khô băm nhỏ với gạch cua rồi cho vào nồi canh đun đều. Cũng giống như canh cau rau đay, người ta sẽ ăn cùng cơm nóng và cà dầm.

Ăn canh cua rau dâm bụt ở đâu?

Canh cua rau dâm bụt là một món canh dân dã, giúp giải nhiệt mùa hè. Nếu các bạn có dịp đến Ninh Bình vào mùa hè thì các bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức món canh hấp dẫn này. Ở các nhà hàng lớn, các bạn có thể yêu cầu nhân viên chế biến món ăn này.

Mình được ăn món canh cua dâm bụt ở hai nhà hàng ở Ninh Bình, các bạn tham khảo nhé

  • Nhà hàng Ba Cửa ở thôn Trường An, Huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nhà hàng này rất độc đáo nằm bên dải núi đá của cố đô Hoa Lư và khu du lịch sinh thái Tràng An nên rất tiện lợi cho những bạn đi du lịch ở đây. Nhà hàng có không gian đẹp, tuy nhiên không được yên tĩnh lắm vào mùa cao điểm du lịch. Cơm cháy ở đây ăn khá ổn và đặc biệt là canh cua dâm bụt ngon, vừa miệng, rau nhiều nhưng hơi ít cua.
  • Nhà hàng Cung Đình ở huyện Gia Viễn, Thành phố Ninh Bình, Ninh Bình. Nhà hàng được xây dựng trong khu du lịch sinh thái vân Long nên phải nói là cực đông vào mùa du lịch, đồ ăn phục vụ chậm. Tuy nhiên món canh cua dâm bụt ở đây rất ngon, thịt cua tươi và chắc, không bị bở như cua đông lạnh. Rau dâm bụt nấu vừa chín tới nên ăn vừa miệng, rất ngọt và mát.

7. Ốc núi Ninh Bình

Ninh Bình có một thứ đặc sản độc đáo mang tên ốc núi. Đó là loài ốc hiếm, sống trong các hốc đá trên những dãy núi đá vôi tại Ninh Bình. Cái công việc “lên núi mò ốc” nghe có vẻ lạ tai nhưng chính việc đó đã đem đến cho Ninh Bình một món đặc sản độc đáo.

Ốc núi rất hiếm bởi vì chúng rất khó phát hiện. Loại ốc này có thường sinh sản và sống tập trung nhiều nhất ở các vùng Tam Điệp, Yên Mô và Nho Quan. Ốc núi thường xuất hiện trong tiết trời mùa mưa ẩm ướt, từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Thời gian còn lại trong năm thường rất khó tìm thấy do chúng thường vùi mình dưới đất, trong khe đá hay dưới các lớp lá dày.

dac-san-ninh-binh-5

Thịt ốc núi dai, giòn, ngọt rất hấp dẫn, ăn không ngấy. Với những người sành ăn loại ốc núi này thì họ thường ăn cả ruột để cảm nhận trọn vẹn được vị mát lành, thú vị từ món đặc sản dân dã này. Người ta cho rằng, thức ăn của loài ốc núi thường là những loại dược thảo mọc trên núi, vì vậy thịt ốc có chứa nhiều dưỡng chất và dược liệu quý giá.

Ốc núi Ninh Bình bán ở đâu?

Nếu có dịp đến Ninh Bình vào tầm tháng 4 đến tháng 8, các bạn có thể được thưởng thức món ốc núi dân dã của vùng. Vào thời điểm này, các hàng quán ở thị xã Tam Điệp có bán nhiều ốc núi. Mình không nhớ rõ địa điểm chính xác ở đâu, ai biết thêm thông tin thì chia sẻ giúp mình nhé.

8. Mắm tép Gia Viễn

Gia Viễn được biết đến là một huyện chiêm trũng, địa phương này có nhiều kênh rạch nên từ bao đời nay, người dân nơi đây đã có nghề riu tép và làm mắm ngon độc đáo.

Để làm được những hũ mắm tép ngon, người ta chỉ chọn tép già, thân tròn, màu xanh lam, và phải còn tươi nguyên. Sau khi rửa sạch, để ráo nước thì đem trộn đều với thính và muối rồi mới cho vào hũ sành, đậy kín nắp, để nơi thoáng mát chừng hơn một tháng là có thể dùng được.

dac-san-ninh-binh-6

Người dân nơi đây thường có thể nấu mắm tép theo nhiều cách để làm nước chấm các loại rau luộc, hoặc chưng với thịt ba chỉ ăn cùng cơm. Bát mắm tép Gia Viễn có màu đỏ sánh, vị ngọt đậm đà, mùi thơm đặc trưng cộng với vị cay nồng của hành lá… ăn với cơm nóng vào những ngày đông lạnh giá rất ngon miệng.

Mua mắm tép ngon ở đâu?

Mắm tép Trang Quyết ở huyện Gia Viễn từ lâu đã rất nổi tiếng ở Ninh Bình. Nếu các bạn có dịp đến huyện Gia Viễn thì hỏi mua mắm tép hiệu Trang Quyết nhé. Mắm ở đây có hương vị đậm đà và độ chua dịu nên dù chế biến thế nào, mắm cũng rất ngon. Địa chỉ mua mắm tép Trang Quyết: Số 68 phố Me, thị trấn Me, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Ngoài ra, các  bạn có thể tìm mua mắm của hãng Hương Thu, ăn cũng rất đảm bảo: Số 152 đường Phát Diệm, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

9. Nem chua Yên Mạc

Nem Yên Mạc được truyền lại từ khi nào thì chính những người sống lâu ở Ninh Bình cũng không rõ. Đây là một trong những đặc sản hấp dẫn của Ninh Bình và nó cũng đã có mặt tại nhiều khách sạn, nhà hàng sang trọng của tỉnh.

Hiện nay, không nhiều người còn làm được loại nem đặc biệt này giống như trước đây. Nem Yên Mạc khô và tơi (khác nem chua Thanh Hoa ở chỗ nem Thanh Hóa là một khối gắn kết, không tơi) nhưng vẫn đảm bảo được độ mềm dẻo thơm ngon.

dac-san-ninh-binh-7

Để làm nem, người ta chọn thịt ở phần đùi và mông sau hoặc phần trên dọc theo sống lưng thịt lợn thăn. Sau đó lọc kỹ thịt nạc, thái mỏng ngang thớ rồi bỏ vào cối giã cho nhuyễn. Trong nem thường có sợi bì lợn đã được thái mỏng trộn với chút bì lợn (hoặc gelatin tổng hợp) để làm chất kết dính. Gia vị cũng phải được trộn sao cho thật khéo để nem dễ lên men, khi thưởng thức thì cảm thấy vừa miệng, vị không quá gắt. Nem chua Yên Mạc thường được bọc trong lớp lá ổi cho thơm rồi mới đến lớp lá chuối dày. Càng gói chặt và kín thì nem càng nhanh chóng lên men.

Nem Yên Mạc thành phẩm với sợi nem nhỏ và tơi, màu đỏ hồng, nem có thể để được cả tuần. Khi thưởng thức, người ta thường ướp thêm gia vị kèm với lá ổi, lá sung, rau thơm… tất cả được cuộn lại với bánh đa nem rồi chấm với nước mắm ngon pha chanh tỏi ớt.

Mua nem chua Yên Mạc ở đâu ngon?

Mình hay mua nem Yên Mạc ở nhà hàng Tuấn Bình ở xóm 4, Đông Sơn, Yên Mạc, Yên Mô, Ninh Bình. Nhà hàng này từ lâu chuyên sản xuất nem Yên Mạc nên nem ở đây rất ngon và đảm bảo. Lớp lá chuối bên ngoài được gói chắc chắn, tuy nhiên hơi dày một chút. Nem tơi và bùi, gia vị được tẩm ướp rất vừa miệng. Người ra luôn bán nem tươi mới được sản xuất nên đôi khi các bạn mua về phải đợi từ 1 – 2 ngày thì ăn mới ngon.

Ngoài ra, các bạn cũng nên tham khảo thêm địa chỉ: Nem chua Yên Mạc Trung Kiên, số nhà 70, phố 11, phường Vân Giang, Ninh Bình.

10. Cá lác ngoách vùng biển Kim Sơn

Vùng quê xứ biển Kim Sơn Ninh Bình có một giống cá rất phổ biến với tên gọi địa phương là cá lác ngoách. Loài cá này ngày nay đã trở thành đặc sản quý hiếm chỉ có trong bữa cơm của người dân vùng biển, hoàn toàn chưa xuất hiện tại các hàng quán trong thành phố. Mình đến Ninh Bình chơi, do không có nhiều thời gian lưu lại nên không thể tìm được chỗ nào có bán món cá lác ngoách.

Theo mình tìm hiểu thì cá lác ngoách của vùng Kim Sơn có hai giống: Cá lác hoa sống ở bờ sông huyện Kim Sơn; còn cá lác đen chỉ có ở vùng bãi ngang của khu kinh tế mới Kim Sơn. Ở nhiều nơi, cá lác hoa còn được gọi là cá thòi lòi, loại này nếu lớn cũng chỉ bằng ngón tay, trông như khúc rễ cây, hai mắt lồi lên trên đầu. Cá lác là một loài đặc biệt có khả năng sống cả trên cạn lẫn dưới nước. Chúng thường đào hang trong bùn các bãi bồi, ven cửa sông, và bơi ra từ các hang hốc khi thủy triều xuống, đặc biệt là trong những ngày nắng đẹp trời.

dac-san-ninh-binh-8

Người dân Kim Sơn giới thiệu rằng thịt cá trắng như trứng gà bóc, chắc thịt, không xương, ruột, gan, trứng đều béo ngậy. Người ta có thể kho hay nấu riêu cá lác cũng rất tuyệt vời.

Tuy nhiên, không dễ gì mà bắt được cá lác ngoách, thông thường người ta đánh bẫy chứ không dùng lưới. Cạm bẫy được làm bằng tre, gần giống bẫy chuột. Cạm cắm ngang miệng hang nên chỉ cần cá chui ra ngoài là cạm sập xuống kẹp ngang cổ.

Nếu bạn nào có dịp ghé qua Kim Sơn, Ninh Bình và được thưởng thức món cá lác ngoách hấp dẫn này thì chia sẻ cho mọi người cùng biết với nhé.

11. Xôi trứng kiến Nho Quan

Gần đây, món trứng kiến trở thành một đặc sản rất “hot”, báo chí ca ngợi rất nhiều về công dụng của trứng kiến như tăng cường sức khỏe, giảm stress, làm đẹp da… Ở vùng Nho Quan, Ninh Bình có món xôi với trứng kiến cũng rất nổi tiếng, đây là trứng của loại kiến ngạt (hay kiến con trôn) thường làm tổ trên ngọn cây.

Hàng năm, vào độ rằm tháng 2 âm lịch là thời điểm người dân nơi đây bắt đầu mùa đánh trứng kiến. Thu hoạch trứng kiến thường vào ngày nắng ráo thì đánh trứng kiến mới bong, nếu không, trứng kiến bị bết, khó tách kiến mẹ ra khỏi trứng hơn và còn có thể bị kiến mẹ đốt.

dac-san-ninh-binh-9

Trứng kiến mang về bỏ hết kiến mẹ đi, dùng chậu nước hơi ấm, đãi nhẹ cho thật sạch, để ráo nước. Để chế biến, người ta ướp trứng kiến với bột canh rồi phi với hành khô và mỡ gà. Xôi được nấu từ gạo nếp ngon, sau đó được rắc trứng kiến đều lên trên. Hương vị độc đáo, bùi béo của trứng kiến rất thích hợp để ăn kèm với xôi.

Lưu ý: Đối với một vài người, ăn trứng kiến có thể gây ra dị ứng bởi hệ thống miễn dịch trong cơ thể có thể phản ứng với những loại protein trong trứng kiến. Đôi khi là mẩn ngứa khắp người, thậm chí có thể ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp và tiêu hóa.

Ăn xôi trứng kiến ở đâu ngon?

Trứng kiến được thu hoạch trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 âm lịch đến đầu tháng 5 âm lịch. Nếu các bạn đến Ninh Bình vào dịp này thì nhớ ghé qua thị trấn Nho Quan, huyện Nho Quan của Ninh Bình để thưởng thức món xôi trứng kiến nhé.

12. Khoai lang Hoàng Long

Khoai lang Hoàng Long là giống nhập từ Trung Quốc thí điểm tại vùng đất trũng ven sông Hoàng Long (thuộc tỉnh Ninh Bình). Ngày nay, khoai lang Hoàng Long đã trở nên phổ biến và được trồng ở nhiều nơi trên khắp miền Bắc của Việt Nam.

Khoai lang Hoàng Long có thân màu tím đỏ, lá già thì có màu xanh tím, gân lá tím, mặt dưới lá tím và lá hình tim. Đây là giống cây có thời gian sinh trưởng ngắn, thích hợp trồng tại các vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ hay trên các loại đất cát pha. Thường thì người dân sẽ trồng loại khoai lang này vào cuối tháng 9, và đặt dây kiểu dọc luống.

dac-san-ninh-binh-10

Củ khoai lang Hoàng Long có vỏ màu hồng nhạt, ruột vàng đậm như nghệ, khi chí ăn không quá bở, độ ngọt vừa phải. Tuy nhiên, do khả năng chịu hạn, rét kém, dễ bị hà nên người nông dân phải lưu tâm chăm sóc để có thể thu hoạch được những củ khoai lang thơm ngon nhất. Hiện nay, khoai lang Hoàng Long được bán ở nhiều điểm du lịch và rất được du khách nước ngoài ưa thích.

Mua khoai lang Hoàng Long vào mùa nào?

Khoai lang thường được thu hoạch vào cuối mùa thu, đầu mùa đông; nếu các bạn ghé qua Ninh Bình vào thời điểm này thì nhớ mua khoai lang về nướng ăn nhé, sẽ tuyệt lắm đấy.

13. Cá nướng rơm

Mình rất thích ăn cá nên đến đâu nh
ìn thực đơn có món cá là sẽ gọi luôn, lần mình trở về từ suối khoáng nóng Kênh Gà có ăn tối ở một nhà hàng ở Ninh Bình, thấy có món “cá nướng rơm” nghe lạ tai nên cũng gọi ra dùng thử cho biết. Cá được nướng chín tới, chấm nước mắm pha chanh tỏi ớt và ăn cùng cơm cháy rất ngon.

Món ăn này không phải được làm bằng cách đốt rơm lên rồi xiên cá vào que tre để nướng như dân gian vẫn làm. Thay vào đó, cá được úp vung gang rồi nướng rơm, ủ trấu quanh vung. Vào mùa gặt, khi mà rơm rạ nhiều thì món ăn này trở nên phổ biến hơn, nếu vào mùa hiếm rơm thì cá sẽ được nướng theo phương pháp khác, tuy vậy cá nướng rơm vẫn thơm ngon và hấp dẫn hơn là nướng bằng củi hay bếp than. Cá để nướng thường là những loại cá nước ngọt phổ biến như cá trôi, cá chép hoặc cá quả…

dac-san-ninh-binh-11

Nguyên liệu tuy dế kiếm nhưng để có được những mẻ cá vừa miệng thì cần phải chế biến một cách khéo léo. Cá sẽ được đem đi rửa sạch, bỏ ruột, bỏ đầu, nhưng không đánh vảy vì khi nướng chính lớp vảy này sẽ giúp cho cá không bị cháy, đồng thời giữ cho cá luôn sạch sẽ, không dính bụi hay tro. Cá thường được nhồi thêm vào bụng cá một ít sả băm nhỏ để tăng thêm hương vị, nếu không nhồi gì cả thì cá sẽ bảo quản được lâu hơn.

Sau khi làm sạch cá thì mang ra xóc với muối để muối ngấm quanh cá, sau đó để một lúc cho cá cứng lại rồi mới mang đi nướng. Công đoạn khó nhất của món ăn chính là nướng. Người ta chọn một góc đất khô ráo, sạch sẽ, lót một lớp rơm sạch thật dày và một lớp lá lốt để khi cá chín được sạch sẽ, thơm ngon. Để cá nướng thơm ngon và không bị cháy thì phải xếp cá gọn trong vung gang. Nhờ vung gang mà cá được chín hoàn toàn bằng nhiệt, khô ráo và không bị cháy, không dính tro mà vẫn giữ hương vị riêng.

Sau khi xếp cá xong thì phủ lên vung nhiều rơm rồi đốt lửa cháy to, đến khi lửa cháy đượm thì trải một lớp trấu dày lên trên để ủ khoảng hai giờ thì mới cời bếp ra để trở cá. Gạt nhẹ lớp than một cách chậm rãi rồi nhấc vung gang ra là thấy lớp rơm lót bên trong cháy khô vì nhiệt cao. Lúc này chỉ cần nhanh tay lật trở cá thật đều, úp vung gang lại, đốt rơm và ủ trấu thêm một thời gian nữa là cá săn chín.

Người ta thường dùng kèm cá với các loại lá gia vị như lá sung, lá mơ, các loại rau thơm theo mùa, rau mùi cùng bát nước chấm ớt cay, chút lá thì là băm nhỏ và ít hạt tiêu. Mình rất thích ăn kèm món này với cơm cháy Ninh Bình.

Ăn cá nướng rơm Ninh Bình ở đâu?

Mình được thưởng thức món cá nướng rơm tại Nhà Sàn Vân Long tại Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Nhà hàng cách suối khoáng nóng Kênh Gà khoảng 10km, mình ăn vào buổi tối nên không đông lắm. Cá nướng ở đây ăn rất ngon, cá được tẩm ướp khéo, ăn rất vừa miệng, có vị hơi cay của tiêu ớt. Nước chấm được pha rất ngon, có nhiều tỏi ớt nên ăn rất thơm và đậm đà.

14. Món cuốn tôm hành

Dường như ở đất nước hình chữ S này đâu đâu cũng có món cuốn, tuy món cuốn ở mỗi vùng miền đều có đặc điểm riêng biệt, hay thứ gia vị phù hợp với từng sở thích và phong tục mỗi nơi. Ở vùng đất Ninh Bình, mình nghe nói có món cuốn tôm hành là món cổ truyền trong mâm cỗ ngày tết của nơi đây, hay cũng có thể được làm để đãi khách quý. Mình chưa có dịp được thưởng thức món ăn này, mình viết bài chia sẻ thêm thông tin cho các bạn nhé.

Món cuốn tôm hành Ninh Bình gồm các thành phần đơn như: Tôm, thịt, trứng, hành rau răm và rau mùi. Để món cuốn ngon và đặc sắc thì khâu chọn nguyên liệu cũng quan trọng vô cùng khiến người ăn không bị ngán. Trong số các nguyên liệu đó, hành là nguyên liệu thiết yếu bởi vị thơm đặc trưng của món ăn chính là từ hương vị của củ hành, lá hành. Người ta chọn hành có độ dài vừa phải không ngắn, không dài quá, vừa miệng và đủ độ chặt. Lá hành phải dai, trần vừa đủ để khi ăn cảm nhận được vị ngọt.

Tiếp đến là chọn loại tôm đồng vừa phải không to hay bé quá; làm sao tôm phải tươi để khi chín có màu đỏ tươi. Trứng gà tráng mỏng, thịt ba chỉ luộc cắt ngắn vừa vặn kích thước của tôm.

dac-san-ninh-binh-12

Khi ăn, người ta cuốn khéo léo sắp xếp để màu xanh của rau, màu đỏ của tôm, màu trắng của thịt và màu vàng của trứng xen kẽ nhau bắt mắt. Món cuốn khi dùng được chấm với nước chấm chanh ớt. Hiện nay, một số nhà hàng có phục vụ món tôm cuốn này, nhưng thay rau mùi bằng rau xà lách, dẫu vậy, hương vị của món ăn vẫn nguyên vẹn bởi các thứ tôm, thịt, hành, trứng vẫn đầy đủ.

Nếu có dịp đến với Ninh Bình, các bạn đừng nên bỏ qua cơ hội thưởng thức món ăn này, để cảm nhận sự đặc biệt của món tôm cuốn hành nơi đây.

15. Mắm cáy Kim Sơn

Cáy là một loài cua biển sống chủ yếu ở vùng duyên hải. Mắm cáy có màu nửa như xanh, nửa như nâu rất hợp để chấm với rau luộc, đặc biệt là rau lang, có người còn nói rằng mắm ngon ăn với cơm trắng cũng thấy vừa miệng.

Cáy sau khi bắt về được ngâm nước cho sạch, để ráo nước rồi bóc hết phần yếm, sau đó bóc lớp trứng ở những con cáy cái. Trứng cáy thườn được chưng với hành khô và mỡ, ăn rất ngon và bổ dưỡng. Sau khi cáy được lột yếm, bóc trắng thì đem bỏ vào cối đá giã thật nhuyễn. Tiếp đến đem trộn muối, bóp kỹ trước khi cho vào lọ sành hay chum vại ủ kín một thời gian. Lọ mắm cáy mới giã đem để chỗ kín gió nhưng phải là nơi khô ráo, thoáng mát.

dac-san-ninh-binh-13

Chừng mươi ngày sau, khi gặp lúc trời nắng, người dân mới đem lọ mắm cáy ra sân phơi theo “công thức” ban ngày phơi nắng, ban đêm phơi sương. Mắm phơi chừng một tuần thì đem trộn thính gạo, cùng một ít men rượu thật ngon giúp khử hết mùi hôi của cáy và tạo mùi thơm quyến rũ cho nước mắm cáy sau này.

Mắm cáy Kim Sơn ăn ngon và đúng kiểu là khi chấm với ngọn rau lang luộc. Nếu bát mắm cáy mà thiếu đi vài nhánh tỏi đập dập thì coi như chưa đúng vị.

Mua mắm cáy Kim Sơn ở đâu ngon?

Mình hay mua mắm của hãng Hương Thu nên ăn quen rồi và không muốn đổi mắm khác, các bạn cũng nên tham khảo nhé. Mắm của Hương Thu ăn rất đậm đà, mùi mắm dễ chịu chứ không nồng nặc và khó ngửi như một số loại mắm khác. Hơn nữa, mình ăn không thấy vấn đề gì về tiêu hóa nên khá yên tâm.

Địa chỉ cửa hàng mắm Hương Thu: Số 152 phố Phát Diệm, thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

16. Gỏi cá nhệch Kim Sơn

Ở Việt Nam có rất nhiều món gỏi cá đặc sản thơm ngon, trong đó tiêu biểu là món gỏi nhệch ở vùng Kim Sơn, Ninh Bình.

Cá nhệch là loài cùng họ với lươn, sống ở vùng nước mặn hoặc nước lợ; chúng có thân dài màu đen cùng lớp da trơn. Có con dài hàng mét, nặng từ 300gr đến 1kg, vì da chúng rất trơn nên muốn bắt được cá nhệch phải có kỹ thuật và kinh nghiệm. Cá nhệch có thể chế biến được nhiều món như kho, rán, nấu canh chua… nhưng ngon nhất, được chuộng nhất vẫn là món gỏi.

dac-san-ninh-binh-14

Để có món gỏi ngon, sau khi bắt cá về thì phải lấy ngay nước vôi, nước tro và lá tre làm sạch chất nhờn trên da. Người ta còn mổ cá đằng sống lưng như mổ lươn để lọc xương rồi cắt phần thịt thành từng lát vừa ăn. Thịt cá tươi có màu hồng giống màu thịt cá quả (cá chuối) được trộn với thính (thính được làm bằng gạo nếp rang, giã nhỏ mới có mùi thơm và bùi)

Phần da cá được rán giòn để cuộn với gỏi còn xương cá thì được giã nhuyễn để nấu dấm (nấu chẻo). Món dấm được pha chế với gừng, tỏi, ớt, hạt tiêu và sả băm nhỏ, có thể chế biến dấm bằng cách cho thêm mẻ. Dấm phải có màu đỏ sậm, đặc sánh và dậy mùi gia vị, khi tưới dấm vào gói gỏi ăn, dấm không bị chảy ra tay.

Khâu pha chế nước chấm cũng vô cùng quan trọng. Nước chấm gỏi được làm từ nước mắm ngon pha gừng, tỏi, tiêu, ớt. Có người thích chấm gỏi với mắm tôm. Gỏi được ăn kèm với bánh đa vừng, rau dấp cá, mùi tàu, lá sung, đinh lăng, lá mơ.

Gỏi cá nhệch Kim Sơn ăn ở đâu ngon?

Mình được thưởng thức gỏi các nhệch ở nhà hàng Vũ Bảo ở thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình. Cá nhệch được chế biến tươi sống nên có thể các bạn sẽ phải đợi hơi lâu, thịt cá ăn rất ngon và chắc chứ không bị bở. Nước chấm và gia vị ướp cá vừa miệng, rau sống ăn kèm hơi ít, có thể sẽ phải gọi thêm.

17. Dê núi Ninh Bình

Dê núi là món đặc sản vô cùng nổi tiếng của Ninh Bình, vì vậy các bạn không thể nào bỏ lỡ khi đã có dịp đặt chân khám phá vùng đất cô đô. Khác với dê nuôi, dê núi cho thịt chắc, ít mỡ và ngọt thơm hơn hẳn. Hơn thế nữa, vùng núi đá vôi rộng lớn Ninh Bình có nhiều loại thảo dược, dê núi ăn vào sẽ cho thịt thơm và ngọt hơn.

dac-san-ninh-binh-15

Người ta thường chọn những con dê nặng khoảng 15 đến 20kg, nhiều nhất là 25kg. Ở mức độ phát triển này, thịt dê có vị thơm ngọt, không quá dai và cũng không quá mềm. Có đến hàng chục món ăn được chế biến từ dê núi như dê tái chanh, xào lăn, áp chảo, chiên xù, bóp thấu, hấp cách thủy, hầm rượu vang, nướng ngũ vị, dê nấu cà ri, dê sốt vang…

Thịt dê núi Ninh Bình không thể thiếu nước chấm đi kèm là tương bần. Có thể pha thêm tương với một chút đường và ớt để gia tăng hương vị. Người ta cũng ăn kèm với các loại rau sống theo mùa, đặc biệt là sung muối.

Ăn thịt dê ở đâu ngon?

Ở Ninh Bình có rất nhiều cửa hàng phục vụ thịt dê nhưng để tìm được cửa hàng ăn ngon và đúng chất thì cũng phải ăn thử nhiều lần ^^, Loca cung cấp một số nhà hàng thịt dê uy tín để các bạn tham khảo:

  • Nhà hàng Thanh Cao: Xuân Sơn, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Đây là một nhà hàng tầm trung, chuyên phục vụ thịt dê núi. Không gian quán thoáng mát, có chỗ để ô tô rộng rãi, không mất phí gửi xe. Thịt dê ở đây ăn rất tươi, đặc trưng mùi dê nhưng lại không bị hôi. Đợt mình ăn thì quán cũng khá đông nhưng được phục vụ rất nhanh và nhiệt tình.
  • Nhà hàng Phú Dê: Số 1 Đông Thành, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Nhà hàng rộng rãi và thoáng mát, ngoài ra còn có hệ thống phòng nghỉ kín đáo và lịch sự cho những ai có nhu cầu nghỉ trưa. Thịt dê ở đây chất lượng khá ổn, hơn nữa món cơm cháy ở đây cũng rất ngon.
  • Nhà hàng Đức Dê: Số 29 Đoàn Kết, phường Ninh Phong, Tp. Ninh Bình.
  • Nhà hàng Hương Mai: Số 12 Trần Hưng Đạo, Ninh Bình (Gần sân vận động Ninh Bình). Nhà hàng này có món cơm cháy thịt dê cực ngon và chất; tuy nhiên bàn ghế hơi cũ và không gian có vẻ hơi ồn ào.
  • Khách sạn – Nhà hàng Đức Tuấn: Trung tâm du lịch Tam Cốc – Bích Động, Hoa Lư, Ninh Bình. Tham quan Tam Cốc – Bích Động, các bạn nên ghé qua đây để ăn trưa. Vào mùa cao điểm du lịch thì ở đây sẽ rất đông, có thể sẽ phải đợi phục vụ hơi lâu một chút.

18. Cơm cháy Ninh Bình

Nhắc tới vùng đất Ninh Bình, thật khó có thể bỏ món cơm cháy nổi tiếng. Đây là một món ăn bình dị được làm từ đơn giản hạt gạo nếp. Tương truyền, cơm cháy được hình thành từ cuối thế kỉ 19 do chàng thanh niên tên Hoàng Thăng (người Ninh Bình) học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Trước kia, cơm cháy chỉ được chế biến và dùng tại nhà, sau này thì được mang ra bán và phục vụ khách thập phương.

Cơm cháy tuy trông có vẻ đơn giản nhưng để thực hiện thì kì công, phức tạp. Người ta phải chọn loại gạo nếp ngon, hạt to tròn, dẻo thơm đem ngâm đãi kĩ rồi đồ thành xôi. Đem xôi ép vào khuôn để tạo thành cháy rồi mới đem chiên qua dầu cho phồng, có thể rắc thêm ruốc vào để gia tăng hương vị.

Công đoạn chiên xôi rất khó, dầu để chiên phải để thật nóng nhưng không khét, như vậy cháy sẽ không bị ngấm quá nhiều dầu, khi vớt cũng cần phải nhanh tay. Muốn ruốc ngon thì thịt ướp phải đậm đà và ruốc xé phải thật tơi và ráo.

Sau này, người ta sáng tạo bằng cách chế biến cơm cháy theo phương pháp đóng gói, giúp cho món đặc sản này dễ dàng trở thành thứ quà biếu tặng người thân vô cùng tiện lợi. Các bạn có thể ăn liền hoặc chế tạo nước sốt tùy sở thích để ăn kèm với cơm cháy, sẽ thú  vị hơn rất nhiều.

dac-san-ninh-binh-16

Mách nhỏ mẹo mua chơm cháy sao cho ngon

Ở Ninh Bình nhiều sản phẩm mang nhãn tên “Cơm cháy Ninh Bình”; tuy nhiên, chất lượng hoàn toàn không được đảm bảo vì đây là các sản phẩm của các cơ sở sản xuất không tên tuổi. Nhiều gói cơm cháy mang bao bì bắt mắt nhưng người ta sẽ dùng thủ thuật để gói cơm cháy trông to hơn nhưng bên trong lại chả có bao nhiêu. Khi mua, các bạn lưu ý kiểm tra bằng cảm quan nhé, những gói cơm cháy uy tín sẽ được gói trong bao bì trong suốt, phản ánh trạng thái của sản phẩm bên trong (đừng sờ nắn mạnh quá kẻo làm vụn cơm bên trong ^^).

Ăn cơm cháy Ninh Bình ở đâu ngon?

Các bạn có thể thưởng thức món cơm cháy thơm ngon tại một số nhà hàng uy tín ở Ninh Bình

  • Nhà hàng Phú Dê: Số 1 Đông Thành, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Cơm cháy ở đây giòn và thơm mùi nếp, ruốc làm rất thơm và ngon.
  • Nhà hàng Hương Mai: Số 12 Trần Hưng Đạo, Ninh Bình (Gần sân vận động Ninh Bình).

19. Cá rô Tổng Trường

Ở Ninh Bình có một loài cá rô đặc biệt mang tên cá rô Tổng Trường, chúng thường sống ở môi trường hang động ngập nước thuộc Tổng Trường Yên, huyện Hoa Lư. Từ xưa, đây là loài cá dùng để tiến vua, nay trở thành đặc sản nổi tiếng của vùng.

Cá rô Tổng Trường có hình dáng giống cá rô đồng nhưng do sống lâu năm ở vùng đầm lầy, hang động Hoa Lư nên có một số biến dị. Da cá có màu xanh xám, phần bụng có màu sáng hơn phần lưng, với một chấm màu thẫm ở đuôi và chấm khác ở sau mang. Thịt cá rô Tổng Trường béo, dai và rất thơm ngon. Có thể chế biến cá thành các món rang, rán, nấu canh hoặc kho khô…

dac-san-ninh-binh-17

Món cá rô kho rất lành, có thể dùng nhiều bữa cho phụ nữ thai nghén, sinh nở hoặc người già đau ốm.

Món các rô rang không dùng mỡ cũng rất được ưa chuộng. Khi được om kỹ bằng ngọn lửa than hoặc củi lom rom, thịt cá rô chín mất dần nước; cả xương, thịt cá trở nên giòn, bùi, ngậy và thơm phức. Người ta thường chọn loại rô don và dùng niêu đất để rang cháy cạnh. Người ta thường thưởng thức khi cá còn nóng hổi, chấm với nước mắm gừng, ớt, chanh thì thật tuyệt vời.

Món cá rô rán cũng cần rán kỹ cháy cạnh, ăn lúc còn nóng mới cảm nhận được đầy đủ cái giòn, bùi, ngậy thơm lừng của nó.

Canh cá rô cũng không kém phần hấp dẫn. Người ta luộc cá rồi gỡ lấy xương và giã (nghiền) lọc lấy nước thì nấu canh sẽ ngọt hơn. Còn phần thịt cá thì đem xào lên cùng các gia vị gừng giã nhỏ, ướp nước mắm ngon và nấu cùng rau cải xanh là thích hợp nhất. Nước canh cải cá rô mà ăn với bánh đa thì càng tuyệt vời.

Ăn cá rô Tổng Trường ở đâu?

Các bạn có thể tham khảo một số địa chỉ mà Loca gợi ý

  • Nhà sàn Cố Đô: Thôn Yên Trạch, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình. Điểm cộng của nhà hàng là không gian thoáng đãng và kiến trúc độc đáo. Thực đơn của nhà hàng rất phong phú, món ăn vừa miệng, tuy nhiên giá cả hơi cao.
  • Nhà hàng Phú Dê: Số 1 Đông Thành, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Nhà hàng có không gian rộng rãi và thoáng mát, chuyên phục vụ thịt dê Ninh Bình. Món cá rô ở đây không phải thế mạnh của nhà hàng nhưng ăn cũng khá ổn, giá cả bình dân.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *