Tây Nguyên là một vùng đất nổi danh với những pho sử thi anh hùng, một trong những yếu tố hấp dẫn nếu các bạn dành thời gian khám phá, trải nghiệm nơi này. Không chỉ bằng âm thanh cồng chiêng, ché rượu cần bên bếp lửa mà mảnh đất Tây Nguyên này còn níu chân những ai đến đây bởi nét văn hóa đặc sắc thể hiện qua đời sống, sinh hoạt của bà con dân tộc trong vùng. Chia sẻ với các bạn chuyến du lịch Buôn Ma Thuột – Kon Tum – Gia Lai trong 5 ngày của mình.
Phụ lục
Lịch trình ngày một: Đến Buôn Ma Thuột – Thác Dray Nur
Buổi sáng: Đến Buôn Ma Thuột
Mình book vé của Vienam airlines chuyến bay lúc 7h40 ở sân bay Nội Bài, đến sân bay Buôn Ma Thuột lúc 9h20 phút, mua được vé khá rẻ, 2tr1/khứ hồi, nếu đi của Vietjet air, chịu khó ăn khuyến mãi thì lại càng tiết kiệm hơn. Một số hãng taxi ở Buôn Ma Thuột
- Taxi Mai Linh: 05003 819 819
- Taxi Tây Nguyên: 05003 838 838
- Taxi Đăk Lăk: 05003 81 81 81
Xuống sân bay mình đi taxi vào trung tâm thành phố, vì sân bay này nằm cách trung tâm chỉ chừng 10km nên các bạn cứ trả tiền theo km chứ đừng trả trọn gói sẽ đắt hơn đó.
Việc đầu tiên mình đến đây là tìm ăn bún đỏ, một món ăn đã trở thành thương hiệu của thành phố này nhưng mà người ta chỉ bán buổi chiều, không sao, ở đây còn nhiều đặc sản lắm, mình đến 43 Trần Nhật Duật ăn bánh cuốn thịt nướng, tuy phải chờ đợi hơi lâu nhưng được cái chất lượng thì miễn chê, nước chấm tuyệt hảo.
Ăn xong mình mới về khách sạn đã book trước đó. Mình ở khách sạn Công Đoàn số 9 Nguyễn Chí Thanh, 500k/phòng đôi, hơi nhỏ nhưng được cái sạch sẽ, phục vụ cũng nhiệt tình. Nhận phòng xong, mình làm một giấc đến 2 giờ chiều mới dậy để đi thác Krông Kmar.
Buổi chiều: Thác Krông Kmar
Mình ra đường Lê Hồng Phong bắt xe buýt 11 (Buôn Ma Thuột – Krông Bông), dừng ở thị trấn Krông Kmar. Từ đây đi xe ôm khoảng 15 phút là tới khu du lịch.
Có một điểm đặc biệt là thác Krông Kmar không bắt nguồn từ sông Sê-rê-pốk như hầu hết các thác ở Tây Nguyên mà trông như một dòng sông treo trên đỉnh núi. Để chinh phục thác nước này mất rất nhiều thời gian và phải hết sức cẩn thận nên mình chỉ đi quanh quẩn dưới chân thác chụp ảnh và nghỉ ngơi thôi.
Tham quan xong thì lại ra thị trấn để bắt xe buýt về thành phố cho kịp giờ.
Buổi tối: Cafe Ban Mê
Mình quyết định đi đến đường Phan Đình Giót – Lê Duẩn để ăn bún đỏ mà lúc sáng chưa ăn được. Chỗ này có rất nhiều hàng bún đỏ, mình ngồi ở một gánh hàng vỉa hè xì xụp bát bún rất bắt mắt. Cô bán hàng đon đả nói nó có màu đỏ cam là do được nhuộm bằng hạt điều, ăn lạ nhưng ngon lắm.
Ăn tối xong mình qua quán Vị Đắng ở đường Mai Hắc Đế uống cafe, không gian cafe trong này khác hẳn với ngoài Hà Nội, có cái đó rất lắng, chất lượng đồ uống thì khỏi bàn.
Ngày thứ hai: Buôn Đôn – Buôn Akô Đhông
Buổi sáng: Buôn Đôn
Mình cũng đi ra chỗ Lê Hồng Phong hôm qua bắt xe buýt đi Buôn Đôn vì khu du lịch này cách trung tâm 50km, mình thấy cách này là hợp lý nhất, xe dừng ngay cầu treo trong khu du lịch.
Ở huyện này còn một khu du lịch nữa là Bản Đôn, chỗ này có thác Bảy Nhánh và một nhà trưng bày nhưng mình không đi. Còn khu mình đi có nhiều dịch vụ hơn, thăm nhà vua voi Amakong này, nhà cổ Lào, nhà dài của đồng bào dân tộc ở đây. Cưỡi voi vượt sông Sê-rê-pốk là điều mình khoái nhất tuy nhiên giá hơi chát một chút, 300k/lượt, một con voi có thể chở được 3 khách.
Ngoài ra đến đây mà không ăn món gà nướng là một điều đáng tiếc, người ta để cả con gà kẹp vào thanh tre nướng trên bếp lửa, nhưng nó đặc biệt ở chỗ, gà ở đây được chăn thả ở đồi, rẫy của người dân tộc, mang vị ngọt, giòn không đâu sánh được, gà nướng lên cứ thế cầm tay xé rồi chấm với thứ muối đặc biệt được người ở đây pha chế, ăn kèm với cơm lam thì chẳng còn gì tuyệt hơn.
Buổi chiều: Buôn Akô Đhông
Mình ra xe về lại trung tậm thành phồ, vẫn kịp giờ để đến buôn Akô Đrông mà không quá muộn. Buôn này là buôn làng kiểu mẫu của người Ê Đê ở Buôn Ma Thuột, đường sá sạch sẽ, nhà cửa khang trang bên cạnh những ngôi nhà dài truyền thống rất đẹp.
Rời buôn, mình tranh thủ ghé qua làng cafe Trung Nguyên ở gần đó mua ít cafe xay nguyên chất về làm quà.
Buổi tối: Đi dạo
Về khách sạn vệ sinh cá nhân xong, mình ăn tối ở quán Cà Te số 158 Lê Thánh Tông vì nghe nói có món bò nhúng me đặc biệt, tuy nhiên chắc do khẩu vị mình không thích chua lắm nên ăn không hợp.
Ăn xong thì dạo quanh chợ đêm Ngã 6, ghé mấy quán ăn vặt, thịt nướng cũng thú vị.
Ngày thứ ba: Buôn Ma Thuột – Kon Tum
Buổi sáng: Chợ lớn Buôn Ma Thuột
Ăn sáng xong, mình tranh thủ đi mua ít đặc sản ở chợ Buôn Ma Thuột, tại mê mẩn món nai khô ở đây nên mua một ít về làm quà.
Sau đó mình về lại khách sạn trả phòng rồi ra bến xe liên tỉnh bắt xe đi Kon Tum, xe chạy 5 tiếng mới đến thị xã Kon Tum.
Buổi chiều: Làng Kon K’tu
Mình đến luôn làng Kon K’tu xin ở homestay vì nghe nói đây là hình thức lưu trú vô cùng thú vị. Làng Kon K’tu là ngôi làng giữ nguyên nét truyền thống, phong tục tập quán của người dân tộc Ba Na, các ngôi nhà được xây xung quanh nhà rông theo kiểu làng tròn.
Mình đặt ăn cùng với một nhóm sinh viên ở Sài Gòn ra, đặc sản cơm lam và các món rau rừng rất ngon miệng.
Buổi tối: Văn nghệ dân tộc
Ăn xong bọn mình được tham gia đốt lửa trại, sinh hoạt văn nghệ với người dân trong làng, uống rượu cần, xem những điệu múa xoang trong tiếng cồng chiêng rộn rã thật sự quá vui và ấn tượng.
Ngày thứ tư: Kon Tum – Gia Lai
Buổi sáng: Tòa giám mục Kon Tum – Chùa Bác Ái
Ăn sáng xong mình xin phép rời làng, đến thăm tòa giám mục Kon Tum gần đó. Kiến trúc của công trình này khá lạ, kết hợp giữa phong cách châu Âu và kiểu nhà rông truyền thống của người bản địa. Căn nhà truyền thống trưng bày những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Tiếp đó mình đến chùa Bác Ái, ngôi chùa được xây dựng vào những năm 30 trên một ngọn đồi, chùa được phòng “Sắc từ Bác tự ái” dười thời vua Bảo Đại.
Tham quan xong thì mình ăn trưa ở một quán gần bến xe cho tiện bắt xe về Gia Lai
Buổi chiều: Pleiku
Từ Kon Tum về Pleiku chỉ mất khoảng hơn 1h ngồi xe thôi nên tinh thần mình khá là thoải mái. Đến thành phố mình ở khách sạn Đức Long trên đường Hai Bà Trưng, giá 500k/phòng, từ phòng ốc, phục vụ, lễ tân, giá cả mình đều ưng.
Mình tranh thủ đi thăm chùa Minh Thanh ở số 14 Nguyễn Viết Xuân, đây là ngôi chùa được xây dựng theo kiểu kến trúc Đài Loan, trong khuôn viên có một toàn tháp rất lớn.
Buổi tối: Ăn và ăn và ăn
Sau khi rời chùa mình đến phở khô Hồng ở đường Nguyễn Văn Trỗi ăn. Món này ăn ngon tuyệt, thực ra mình đã bén duyên nó từ năm 2012 rồi, lần này qua lại cứ thế mà chén thôi. Món phở gồm 2 bát, một bát sợi phở giống hủ tiếu, một bát nước dùng, ăn ngon dã man con ngan.
Ăn xong chỗ này mình cứ đi dạo lòng vòng thôi, xong đến cafe cóc ở góc đường Trần Hưng Đạo – Trần Phú ngắm nghía phố phường, cảm nhận cái không khí lâu lắm rồi mới được quay lại.
Trên đường vế khách sạn, mình lại ghé góc Đinh Tiên Hoàng – Hai Bà Trưng để uống sữa đậu và ăn xôi mặn no căng.
Ngày thứ năm: Biển Hồ – Trở về
Buổi sáng: Đôi mắt Pleiku
Sau khi ăn sáng, mình thuê taxi đi hồ Tơ Nưng mà người ta quen gọi là biển hồ, hồ này cách trung tâm khoảng 10km. Biển Hồ trước đây vốn là miệng núi lửa đã ngừng hoạt động hàng triệu năm. Điểm nổi bật là con đường dẫn xuống hồ hun hút với những hàng thông ba lá ngút ngàn, không khí trong lành và mát mẻ. Chô này chỉ đi dạo là nhiều vì mình phải canh thời gian về lại khách sạn dể trả phòng và ra sân bay
Về lại trung tâm, mình lại lần mò đến phở Hồng để ăn lại món phở khô “thần thánh”. Ăn xong thì về lai khách sạn làm thủ tục trả phòng.
Buổi chiều: Về lại Hà Nội
Mình ra sân bay Pleiku để làm thủ tục lên máy bay, mang theo cảm giác lâng lâng và chút tiếc nuối vì dường như 5 ngày là quá ít ỏi.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →