Loca xin điểm qua 14 món đặc sản Bến Tre mang đầy vẻ mộc mạc, bình dị cho thực khách ghé thăm vùng đất xứ dừa. Đảm bảo chỉ một lần được nếm trải bạn sẽ không bao giờ thôi ám ảnh về mùi vị tuyệt vời trong từng món ấy, bạn đừng nghĩ chỉ là kẹo dừa, đuông dừa không thôi nhé! Đặc sản nổi bật của Bến Tre là đây:
Phụ lục
- 1. Cháo cua đồng Bến Tre
- 2. Bánh canh bột xắt Bến Tre
- 3. Bì cuốn Bến Tre
- 4. Chuối đập Bến Tre
- 5. Rượu dừa Bến Tre
- 6. Cơm dừa tôm rang
- 7. Canh chua cá linh bông so đũa
- 8. Lẩu cháo cua đồng Bến Tre
- 9. Bánh xèo ốc gạo Phú Đa
- 10. Củ hũ dừa Bến Tre
- 11. Bánh phồng Sơn Đốc
- 12. Bánh tráng Mỹ Lồng
- 13. Kẹo dừa Bến Tre
- 14. Bánh tráng sữa Bến Tre
1. Cháo cua đồng Bến Tre
Nếu bạn đã từng về xứ ruộng mà chưa ăn cua đồng thì coi như chưa về ruộng. Bởi đơn giản, cua đồng là sản vật thiên nhiên cho những người dân miệt ruộng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Món cháo cua đồng đúng bài nhất là phải được nấu trong nồi đất, cách mà những lưu dân phương Nam từ xưa tới nay thường dùng để giữ được nguyên vẹn hương vị của món ăn hấp dẫn này.
Cua đồng bắt về đem tách vỏ lấy gạch để nấu nước dùng, còn phần cua xay nhuyễn làm riêu cua. Nhìn chung, cách làm này cũng giống cách những người ở miền Bắc hay miền Nam chế biến.
Trong nồi cháo cua đồng đặc sản xứ dừa ở Bến Tre thì không thể thiếu đi rau ăn kèm, nguyên liệu quyết định món ăn này có đạt hay không. Bên cạnh đó, người ta thường cho cá, thịt, nấm, trứng vịt lộn, tôm vào trong cháo để làm cho món ăn thêm đa dạng.
Cháo cua đồng thường được ăn cùng rau đắng. Khi chế biến chỉ cần ngắt đọt non bỏ vào nồi để vị đắng của rau cản được vị tanh của cua, cá. Vào những ngày thời tiết mát mẻ, người ta còn bưng ra một rổ rau đắng để bạn thoải mái ăn. Ngoài ra, những loại rau ăn kèm như mướp hương, mồng tơi, rau ngót, kèo nèo, bông bí hay bông thiên lý còn giúp tăng độ ngọt cho nồi cháo cua đồng của bạn.
Dọc theo đường tránh quốc lộ 60, thành phố Bến Tre, bạn có thể dễ dàng tìm đến dãy các quán ăn để thưởng thức món cháo cua đồng đặc biệt này.
2. Bánh canh bột xắt Bến Tre
Miền Tây được ưu ái gọi là xứ sở của bánh canh bột xắt, còn các vùng khác thì lại gọi là bánh canh bột gạo. Dù tên gọi là gì đi chăng nữa, nguyên liệu chính của món bánh canh này vẫn là bột gạo, chỉ tùy thuộc vào cách chế biến để có tên gọi khác nhau. Để làm ra được món bánh canh bột xắt, người nấu phải tuân thủ từng công đoạn rõ rệt thì mới mong bánh ngon được.
Sở dĩ có tên gọi là bánh canh bột xắt bởi món bánh này được làm từ bột gạo, nhào nặn theo một công thức riêng, tạo bột thành từng khối và dùng dao cắt thành sợi nên được gọi là bánh canh bột xắt (từ xắt có nghĩa là cắt).
Về cơ bản, người ta vo gạo rồi ngâm mềm trước khi đem xay thành bột nước. Tiếp đến, cho những túi bột nước đó vào túi vải sao cho thật ráo nước. Sau đó bóp bột ra mâm, rưới nước sôi thật đều tay lên trên lớp bột – được gọi là bột sú. Người làm bánh phải nhồi bột sú thật đều tay, không để quá khô nhưng cũng không được quá nhão.
Bánh canh bột xắt thường là bánh canh vịt chấm với nước mắm gừng, một số nơi khác thì cho tép non hay tôm khô vào để nước có vị ngọt đậm hơn. Còn thứ nước lèo trắng đục do bột gạo tạo nên đóng vai trò quan trọng giúp bánh canh bột xắt khó lẫn được với những loại bánh khác. Ở Sài Gòn hay một số tỉnh thành khác hiện nay cũng phổ biến món ăn này xong chưa nhiều. Khi ăn bánh canh bột xắt ở Bến Tre, bạn nhớ đừng quên gọi thêm chén rượu nếp béo ngậy.
Hàng chiều vào khoảng tầm 4h chiều đến 8h tối, bạn hãy ra ngay khu vực chợ Lạc Hồng là có thể thưởng thức món bánh canh bột xắt đặc trưng này. Hoặc ngay dưới chân cầu Cá Lóc, phường 8, Bến Tre nay cũng có bán món ăn này.
3. Bì cuốn Bến Tre
Miền Tây là quê hương, xứ sở của các món cuốn, và bì cuốn cũng là một đại diện tiêu biểu trong những món ăn tinh túy đó. Từ một món ngon dùng để ăn vặt ở miền Tây, bì cuốn ngày nay đã được đưa lên hàng đặc sản từ chính nơi đã tạo ra nó.
Bì cuốn ngon không thể thiếu các thành phần cơ bản như rau, bún; bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng bì – một hỗn hợp của thịt ba rọi với da lợn cắt nhỏ.
Thịt ba rọi tách bỏ da rồi quay đều trên chảo, nếm gia vị đến khi thịt chuyển màu vàng ngà thì vớt ra để ráo, và cắt thành các đoạn nhỏ. Phần da thì luộc riêng rồi thái mỏng thành đoạn dài chừng 5cm. Sau đó trộn hai thành phần trên với nhau, nếm gia vị thêm một lần nữa để đảm bảo vừa miệng, và phần thịt đậm đà hơn.
Để góp phần làm nên thành công của bì cuốn không thể không nhắc đến thính. Để làm thính, người ta phải dùng gạo rang cho đến khi cháy vàng rồi bỏ vào cối xay tiêu nghiền nhuyễn. Sau đó đem trộn thính với hỗn hợp thịt da ở trên sẽ khiến cho bì không bị ngấy mà vẫn dễ ăn.
Hỗn hợp nói trên phải để thấm đều gia vị trong khoảng 15 phút rồi mới chế biến món ăn. Đầu tiên, bạn trải bánh tráng nem ra, cho một chút bún, vài cọng rau cắt nhỏ, một muỗng bì chấm nước mắm tỏi ớt rồi cuốn lại và thưởng thức.
Nếu muốn thưởng thức bì cuốn đặc trưng của vùng, bạn có thể đến tiệm bì cuốn gia truyền của bà Hai ngay bên cạnh chợ Bến Tre.
4. Chuối đập Bến Tre
Là một món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa, chuối đập là món ăn khoái khẩu đại diện cho những ai thích ăn vặt hay nhiều người thường nói đây cũng chính là món ăn thể hiện nỗi nhớ nhung của những con người sống xa quê. Để thưởng thức món chuối đập không đơn giản, thường chỉ những hàng gánh rong ngoài lề đường mới bán.
Tuy nhiên, bạn cũng hoàn toàn có thể tự làm món ăn hấp dẫn này ngay tại nhà mà chỉ cần có một nải chuối và lò nướng. Chuối được chọn phải là chuối Xiêm, vỏ đang chuyển dần sang vàng, nên thường được người miền Tây gọi là “chín hường hường”.
Khi chọn chuối cần tránh lấy những quả chín quá vì khi nướng lên chuối sẽ bị nhão và không ngon. Chuối được chọn đem cắt dọc rồi bỏ lên bếp lửa than, nướng chừng 5 phút cho ráo nước thì nhấc ra, đem xuống đập dẹp (một số nơi cho chuối vào túi bóng rồi đập bẹp).
Sau đó bạn bỏ chuối lên bếp nướng tiếp, nhớ cần lật liên tục để chuối không bị khét và đến khi màu chuối từ trắng đục chuyển sang vàng ngà, sờ thấy giòn và chuối đạt độ xốp nhất định thì là lúc chuối đã được.
Tiếp đến là đun nước cốt dừa đến khi đặc quánh, thêm chút hành cắt để món ăn này không ngấy là bạn đã có ngay bát nước cốt chấm chuối đập rồi. Vào những ngày mưa lạnh, hãy tận hưởng cảm giác đứng núp dưới mái dù của quán ven đường, bóc từng miếng chuối vừa giòn trên bếp xuống rồi húp nước cốt và ăn chuối đập thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Đến Bến Tre, bạn có tìm thấy một gánh chuối đập bên bờ hồ Trúc Giang, trước cổng bệnh viện Thị Xã.
5. Rượu dừa Bến Tre
Nếu nói về tửu Việt thì có vô vàn những điều thú vị, từ những loại đại diện cho vùng núi ngàn lừng lẫy như rượu cần, rượu táo mèo, rượu ngô Nà Hang cho đến các loại rượu bình dân của vùng đồng bằng như rượu nếp than, rượu gạo… mỗi loại đều góp phần khiến cho ẩm thực Việt Nam thêm phần “ngất ngây”.
Nếu nói về rượu uống để say thì có nhiều, nhưng có một loại rượu mà khó có thể làm người ta say, nếu có thì chỉ là chất men nồng của nó dễ làm cho người ta nhung nhớ về một vùng đất của ba dải cù lao, hay thậm chí là nhớ về những con người dân dã với biết bao đặc sản khó quên.
Nhắc đến cây dừa, loại cây đã gắn bó với người dân Đồng Khởi từ bao đời nay nhưng rượu dừa thì lại mới được biết đến như một đặc sản của xứ dừa Bến Tre chỉ vài năm trở lại đây. Những con người tâm huyết với cây dừa quê hương đã không quản công sức ngày đêm, mày mò với trái dừa để tìm ra được một thứ đặc sản thu hút thực khách.
Quy trình làm rượu dừa cũng đòi hỏi sự công phu. Dừa chọn quả già, dày cơm, béo và thơm; đặc biệt lớp sùi bên ngoài được mài nhẵn cho trơn láng để tạo độ bóng đẹp, ấn tượng như bình rượu bầu. Nếp cái thì chọn loại căng tròn, hạt mẩy, trộn với men cổ truyền (loại men chuyên dùng cho rượu nếp). Sau đó, khoét một lỗ nhỏ trên đầu quả dừa, đổ hỗn hợp nếp cái, men vào theo một tỉ lệ nhất định, hàn kín và ủ trên dưới 20 ngày là dùng được. Rượu khi ủ chín thường có màu trắng ngà, vẩn đục với những chấm xác dừa bên trong. Rượu ngon là loại có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng của dừa bản xứ.
Nhấp từng ngụm rượu dừa thật khó tả, nếu mới lần đầu uống loại rượu này thì bạn sẽ cảm nhận vị cay rồi chuyển ngọt ngào ngay đó. Dù uống cho đến hết bình thì thứ cảm giác say mới chỉ là ngà ngà, ngất ngây trước một sự mê hoặc khó cưỡng. Rượu có hương men, nếp và hương dừa, tất cả những nguyên liệu đó hòa quyện để cho ra một loại rượu đặc sản.
Có thể nói, mỗi đặc sản xứ dừa đều luôn bình dị, ngọt ngào, chất phát và hiền hòa như chính những người dân quanh năm gắn bó với mảnh đất này, và rượu dừa cũng hoàn toàn giống vậy. Dù không được phiêu du như rượu cần, không cay nồng như rượu Bàu Đá, không chát xen lẫn mặn ngọt như rượu táo mèo, nhưng hương vị của rượu dừa đậm đà, uống vào chẳng phải để say men mà là để say lòng.
Trong những ngày se lạnh chỉ cần thưởng thức rượu dừa hâm nóng sẽ giúp bạn ấm lòng hơn rất nhiều. Và ngược lại, khi tiết trời oi bức, chỉ cần để rượu hơi mát lạnh rồi uống thì sẽ muôn phần thêm ngon. Điều đặc biệt, loại rượu này bất kể nam, nữ uống đều được.
Ngoài ra, có một phương pháp sản xuất rượu đại trà hơn, đó là trong quá trình chưng cất từ nước dừa. Nước dừa được lọc, ủ men, chưng lên giống như cách làm rượu nếp hay rượu gạo. Nhưng cách này sẽ làm giảm đi phần nào hương vị của dừa.
Ngày nay, khi có dịp về Bến Tre, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những mẻ rượu dừa được bày bán dọc các tuyến đường gần xa, chất chứa trong đó hương vị khó quên.
6. Cơm dừa tôm rang
Đến Bến Tre, nếu bạn muốn ăn cơm dừa thì phải gọi điện thoại đặt trước vì gần như chỉ còn mỗi nhà hàng nổi ở thị xã Bến Tre mới phục vụ món ăn khá cầu kỳ như này. Để nấu cơm dừa thường mất chừng hai tiếng đồng hồ nên nhà hàng này cũng chỉ nhận đặt làm từ 10 trái dừa trở lên!
Công đoạn đầu tiên để làm cơm dừa chính là phải chọn dùng gạo ngon, vo sạch bằng nước dừa (điểm khác biệt so với cơm ở những nơi khác), để ráo rồi cho gạo vào trái dừa, đem chưng cách thủy. Dừa xiêm được chọn, gọt sao cho có hình dáng bắt mắt rồi cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng chính miếng cắt đó làm nắp đậy nồi cơm dừa (chính là trái dừa).
Tiếp đến bạn phải cho gạo vào bên trong trái dừa rồi đổ nước dừa tươi vừa đủ vào rồi đậy nắp lại. Nấu cơm dừa khó nhất là phải canh sao cho nước dừa và gạo phải đều nhau, nhiều nước ít gạo hay ngược lại thì cơm dừa sẽ nhão hoặc cứng ngắc, làm mất đi mùi vị đặc trưng.
Cơm dừa bắt buộc phải ăn nóng mới ngon vì nếu để lâu, hạt cơm trắng sẽ bị hơi dầu thấm và ngả sang màu vàng nhạt. Cơm dừa được ăn cùng tôm rang dừa là đúng gu nhất theo như chia sẻ của những người sành ăn.
Để làm tôm dừa thì có nhiều loại tôm như tôm đất, tôm bầu, tôm lóng, tôm càng xanh … mỗi loại đều có vị ngon riêng. Chọn lọc tôm rồi nhặt chân, rửa sạch và ướp gia vị đường, muối, bột ngọt cho ngấm. Sau khi bỏ tôm lên chảo rang thì cần cho nước cốt dừa vào chảo rồi để lửa riu riu đến khi tôm ngấm nước cốt dừa và chuyển sang màu đỏ là món tôm rang dừa đã hoàn thành. Thịt tôm ngấm dừa khi ăn sẽ có mùi vị dai, giòn, đặc biệt ngon.
Nếu đã đến Bến Tre bạn hãy nán lại dùng cơm dừa, tôm rang dừa để tận hưởng trọn vẹn không gian ẩm thực tuyệt vời của vùng xứ dừa và ghi dấu những ấn tượng về vùng đất mang tên dáng đứng Bến Tre này.
7. Canh chua cá linh bông so đũa
Gấu xin chào các bạn!
Chuyến tham quan khám phá rừng Tràm Trà Sư vừa rồi để lại trong Gấu bao nhiêu ấn tượng đẹp về miền Tây sông nước, đặc biệt là món đặc sản mang tên: Canh chua cá linh bông so đũa. Nghe tên có vẻ hơi dài và khó nhớ nhưng chỉ cần được nếm thử một lần là các bạn sẽ nhớ liền.
Tại nhiều vùng khác của miền Tây đều có đặc sản cá linh như bánh phồng cá linh, gỏi cá linh… nhưng cá linh tại rừng tràm Trà Sư thơm ngon nổi tiếng bởi đây là nguồn cá tự nhiên, chỉ ăn bèo nên cho thịt rất thơm và ngọt.
Trước tiên hãy cùng Gấu tìm hiểu về thông tin của từng nguyên liệu nhé. Cá linh là một loại cá chỉ xuất hiện vào mùa nước rút; vào mùa này, cá rất béo và thơm nên được người ta đánh bắt nhiều. Cá linh khi được các ghe bầu ở trên miệt trở xuống thường vẫn còn tươi nguyên, sau đó họ đem bán cho bạn hàng ở chợ. Người ta thường chọn loại cá linh lớn, cắt ngang phía dưới mang, nặn mật ra, còn ruột thì để lại; cá phải tươi thì nấu canh mới ngon. Đặc biệt, cá linh cũng có thể bắt được ở rừng tràm, nghe đồn rằng cá ở đây ăn bèo nên cho thịt rất ngon và ngọt.
Bông so đũa là một loại hoa mà người dân miền Tây dùng làm thực phẩm. Bông so đũa đầu mùa ăn thường rất ngọt, nhưng đến cuối mùa thì lại trở đắng, có sâu, và cũng chính là lúc cá linh không còn béo núc. Thành phần dinh dưỡng và dược tính của bông so đũa cũng khá cao; tăng cường sức khỏe, kích thích tiêu hóa, hỗ trợ lưu thông tuần hoàn, kháng viêm, chống giun sán… Khi ăn có vị ngọt hơi đắng, tính mát, nếu ăn vào những ngày hè oi bức thì tuyệt vời.
Canh chua cá linh ăn một lửa thì ngon tuyệt; tuyệt đối tránh không đun lại vì loại cá này mềm nên dễ nát. Nấu canh chua cá linh thì bạn có thể dùng me hoặc chanh, còn rau nêm là rau om hoặc ngò gai… Khi nước sôi thì bỏ cá vào rồi đậy nắp lại đến khi sôi lại thì mới cho bông so đũa vào, ấn chìm bông ngập trong nước nóng.
Sau cùng, bắc nồi canh xuống rồi múc ra bát lớn. Thoạt nhìn sẽ thấy những chấm mỡ li ti của cá linh nổi lên trên mặt nước canh và khói từ bát canh bốc lên, trông thật hấp dẫn. Ăn món canh chua dù là nấu với bất cứ loại cá nào thì cũng nên ăn với nước mắm nguyên chất có lẫn một vài lát ớt đỏ là đậm đà và hấp dẫn nhất.
Gấu có mua nguyên liệu về làm thử nhưng cảm giác nó không ngon như ăn ở đó, khi nào có dịp nhất định phải trở lại tham quan rừng tràm để thưởng thức món “tuyệt phẩm” này.
Muốn ăn món này, các bạn có thể hỏi nhà hàng trong khuôn viên Rừng tràm Trà Sư; nhà hàng tại đây luôn phục vụ những món ăn dân dã miền sông nước.
8. Lẩu cháo cua đồng Bến Tre
Nhắc đến món canh cua đồng rau thì ai cũng chắc chắn đó là một món Bắc chính hiệu, nhưng nếu nói đến lẩu cháo cua đồng có xuất xứ từ món này thì có lẽ chỉ có ở thị xã Bến Tre mà thôi.
Chế biến món lẩu cháo cua đồng này không khó. Cua đồng được mua về, rửa sạch, tách bỏ mai và yếm. Gạch cua được lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị rồi để riêng. Những phần còn lại của cua thì đem xay nhuyễn, hòa nước lạnh, khuấy đều và chỉ lọc lấy nước cốt.
Nồi cháo ngon là khi gạo được nấu nhừ với đậu xanh, thêm chút nấm rơm, nếm vừa ăn rồi mới đổ nước lọc cua vào cùng, và không quên cho hành lá cắt nhỏ và gốc hành thái bản. Cuối cùng mới là lớp gạch cua phi với hành thơm phủ lên trên bề mặt bát cháo thơm nóng hổi.
Bạn có thể thưởng thức lẩu cháo cua đồng với năm loại rau là rau ngót, rau má, rau mồng tơi, rau đay, cải xanh và mướp hương. Đặc biệt, nếu có trứng vịt lộn ăn kèm thì thật hấp dẫn. Ngoài tiêu và ớt cắt khoanh, món lẩu cháo cua đồng trở nên ngon hơn nhờ có nước mắm rươi trong.
Thưởng thức lẩu cháo cua đồng không những bổ dưỡng mà còn giúp bạn tránh hạ đường huyết nên hầu như ai đến Bến Tre cũng đều tìm đến ăn thử một vài lần. Hiện nay, một số quán còn bán cả chả cua đồng và một số món khác như chân gà hấp hành, cháo gà ác, cánh gà chiên bơ… để đáp ứng khẩu vị đa dạng của thực khách.
9. Bánh xèo ốc gạo Phú Đa
Kết tinh giữa điều kiện thuận lợi của khí hậu với phù sa màu mỡ, cùng nguồn tài nguyên sinh thái phong phú đã giúp cho loài ốc gạo, một trong những sản vật quý hiếm sinh sản ở vùng nước ngọt cồn Phú Đa, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Không phải mùa nào cũng có ốc gạo, thông thường loài này thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 4 đến tháng 7 âm lịch, ốc ngon nhất và béo thì vào tháng 5.
Từ ốc gạo, người ta có thể chế biến thành hàng chục món hấp dẫn, từ luộc hấp đơn giản đến bóp gỏi, xúc bánh xèo, chiên xào đủ loại. Trong đó, bánh xèo là món thông dụng và tiêu biểu nhất.
Bánh xèo ốc gạo không khó làm, nhưng cách ngâm ốc cho sạch cát thì không hề đơn giản. Loại bột dùng để đổ bánh thường là bột gạo nguyên chất. Trong quá trình làm, người thợ cần tránh bánh bị vỡ; bàn tay nhẹ nhàng rất cẩn thận để bánh vừa giòn, vừa mềm và khi đổ xong bánh phải có hai mặt vàng ươm đều màu. Nhân ốc gạo được rải đều trong lòng bánh, thêm củ sắn (củ đậu) thái sợi và giá đỗ. Nghe thì đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ chút nào.
Ở Bến Tre, bánh xèo ốc gạo đã trở thành một món ăn được nhiều du khách lựa chọn, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho nền ẩm thực nơi đây. Nếu bạn có dịp về vùng đất này hãy thưởng thức và cảm nhận món ngon trọn vẹn nhất mang tên bánh xèo ốc gạo này.
Hàng năm vào dịp tết Đoan Ngọ, nhiều đoàn người thường đổ dồn về cồn Phú Đa chiêm ngưỡng khung cảnh cào ốc gạo và thưởng thức món bánh xèo xứ dừa đặc trưng này.
10. Củ hũ dừa Bến Tre
Nhắc đến Bến Tre, bên cạnh hình ảnh người con gái tóc dài thướt tha, thì những người sành ăn lại có dịp kể về những đặc sản được làm từ trái dừa như kẹo dừa, đuông dừa, rượu dừa…, trong đó những món được chế biến từ củ hũ dừa non cũng chiếm vị trí nổi tiếng ở xứ này.
Từ xưa, người dân địa phương đã khéo léo lột bỏ vỏ bên ngoài củ dừa để lấy phần ngon lành nhất đem chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nào là củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên… hoặc đôi khi chỉ để dùng ăn sống cũng vẫn ngon lành. Khi ăn các món được chế biến từ củ dừa, ấn tượng đầu tiên bạn cảm nhận được đó là vị ngọt, giòn khi nhai, chất tươi trong từng miếng củ hũ dừa khiến cho chúng trở nên phù hợp với nhiều người hơn.
Trước khi chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, người ta thường đem củ hũ dừa đã được cắt khúc hoặc thái lát mỏng ngâm với nước đá có hòa nước cốt chanh tươi, giúp cho củ hũ dừa giữ được độ giòn và màu trắng vốn có khi chế biến các món ăn.
Một trong những món ăn được người dân ưa chuộng nhất chính là củ hũ dừa xào tôm. Củ hũ sau khi ngâm nước đá thì nhúng sơ qua, cà rốt thái sợi, cần tây thái khúc. Chọn tôm tươi, làm sạch rồi phi thơm với tỏi. Sau đó cho tiếp cà rốt, củ hũ dừa, nước dùng và nêm thêm dầu hào, gia vị, bột nêm, đường vào xào chín thì cho cần tây vào trộn đều, rắc tiêu cho món ăn thêm phần thơm ngon, hấp dẫn hơn.
Nếu bạn đã trót thích vị ngọt mát của cù hũ dừa sống thì có thể chế biến món củ hũ dừa bóp xổi, hay gỏi củ hũ dừa tôm thịt. Đầu tiên, thái củ hũ dừa, cà rốt thành các miếng vuông rồi cho vào bát trộn đều cùng ớt tươi. Sau đó, bạn cho các gia vị nước mắm, tương ớt, giấm, hạt nêm, đường, vừng vào bát riêng và quấy tan hỗn hợp trước khi rưới vào bát củ hũ dừa, tiếp tục trộn đều tay. Củ hũ dừa bóp xổi thường ăn với cơm nóng là đúng chuẩn nhất.
Củ hũ dừa là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, hệ tiêu hóa nên bạn đừng bỏ lỡ dịp được thưởng thức những món đặc sản từ chúng mỗi khi có dịp đến xứ dừa Bến Tre này.
11. Bánh phồng Sơn Đốc
Trước đây, bánh phồng chỉ xuất hiện trong dịp lễ Tết và trở thành món quà quê mà bao thế hệ trẻ con Sơn Đốc từng mong chờ bởi chính hương vị ngọt, giòn của nó. Trải qua thời gian, từ đời này sang đời khác, bánh phồng vẫn được nhiều người ưa chuộng và từ lâu đã trở thành đặc sản truyền thống của người dân nơi đây.
Bánh phồng được làm với nguyên liệu chính từ nếp, được đồ thành xôi sau đó cho vào cối giã nhuyễn cùng với các phụ liệu khác, rồi đem cán mỏng trước khi phơi. Cũng giống như bánh tráng, bánh phồng đòi hỏi quá trình phơi rất kỳ công. Thời tiết làm sao phải phù hợp, vừa nắng đủ, nếu nắng quá bánh sẽ chai, còn nếu gặp mưa thì coi như bánh hỏng. Khi bánh vừa khô, người ta thường gỡ bánh ra, quạt cho nguội rồi mới sắp bánh.
Bánh phồng không hẳn là đặc sản riêng của Bến Tre mà còn phổ biến ở một số tỉnh khác như Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long… Nhưng bánh phồng Sơn Đốc ngon không chỉ có bí quyết riêng, hương vị dừa độc đáo mà bánh ngon còn bởi cái tình, cái nghĩa con người được thể hiện trong từng chiếc bánh, và chỉ có hương quê mới có thể tăng thêm phần trọn vẹn cho chiếc bánh.
Địa chỉ tham khảo:
- Chợ Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre.
- Lò bánh Út Nhỏ của bà Đặng Thị Anh ở ấp 2, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, Bến Tre
12. Bánh tráng Mỹ Lồng
Người dân miệt vườn Bến Tre bên cạnh niềm tự hào với những viên kẹo dừa béo ngậy, còn được biết đến là nơi làm ra loại đặc sản đặc trưng của ngày Tết ở Nam Bộ. Đó là bánh tráng ở làng Mỹ Lồng thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Dù đã có mặt từ hàng thế kỷ qua, xong những sản phẩm truyền thống đó hiện nay vẫn rất được yêu thích.
Để chiếc bánh tráng thật ngon thì việc chọn và pha bột đóng vai trò quan trọng, đó cũng là bí quyết làm nên tên tuổi bánh tráng Mỹ Lồng. Gạo được chọn là gạo thơm vừa, không quá khô. Ngoài ra, để làm bánh còn cần nhiều nguyên liệu khác như đường, muối, mè (các nguyên liệu này cũng cần định lượng cho đúng). Với những người thợ lành nghề, họ chỉ cần đong bằng mắt, bằng tay.
Bí quyết chính thống để bánh tráng ngon có lẽ nằm trong phần nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Còn theo người dân ở đây thì bánh tráng ở Mỹ Lồng khác các loại bánh vùng khác là bởi chúng được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa đậm đặc…
Hiện nay có nhiều loại bánh tráng Mỹ Lồng và đều được chế biến theo nhu cầu của người tiêu dùng khắp nơi. Nếu để ăn chơi thì không cần nướng hay có thể cuốn các loại cá thịt thì có bánh tráng cuốn, bánh tráng sữa. Tuy vậy, bánh tráng dừa là nổi tiếng nhất, chúng vừa béo vừa xốp, chỉ đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng…
Bánh tráng Mỹ Lồng thường được chế biến thủ công truyền thống mộc mạc trong gia đình ngày giỗ chạp, lễ Tết; ngày nay, món bánh này đã được nâng lên thành hàng hóa có giá trị tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. “Bánh tráng Mỹ Lồng” – cái tên dân gian nay đã trở thành thương hiệu.
13. Kẹo dừa Bến Tre
Có một loại kẹo đã có từ khá lâu và hấp dẫn bởi hương vị thơm mùi dừa, loại kẹo đặc sản đó có tên kẹo dừa. Đây là loại kẹo được chế biến từ cơm dừa và đường mạch nha. Ở Việt Nam có nhiều vùng trồng dừa nhưng Bến Tre, đặc biệt là huyện Mỏ Cày lại chính là nơi ra đời và phát triển nghệ thuật chế biến kẹo dừa, vì thế ca dao Bến Tre còn lưu truyền những câu sau:
Bến Tre nước ngọt sông dài
Nơi chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh
Kẹo Mỏ Cày vừa thơm vừa béo
Gái Mỏ Cày vừa khéo vừa ngoan…
Để làm được kẹo ngon thì việc chọn được nguyên liệu rất quan trọng. Thóc nếp dùng để nấu mạch nha phải là nếp tốt, hạt to chín đều. Để nẩy mầm thì thóc phải được tưới bằng nước mưa sạch rồi đem nấu lấy mạch nha bởi những người thợ lành nghề điêu luyện.
Dừa khô thì lựa những trái “rám vàng” mới vừa hái xuống. Vì dừa mới bắt đầu khô sẽ có hương vị đặc trưng, nước cốt có độ ngọt thanh. Còn đường nấu kẹo phải là loại đường mới, có màu vàng tươi.
Để đáp ứng sở thích của nhiều khách hàng cũng như mở rộng thị trường, người dân Bến Tre đã cải tiến thêm nhiều loại kẹo dừa, bằng việc kết hợp với các nguyên liệu khác, vì vậy kẹo dừa Bến Tre ngày nay vô cùng phong phú và đặc biệt hơn như: kẹo dừa hương sầu riêng, đậu phộng, thậm chí cả ca cao vào kẹo. Nhờ có đó, kẹo dừa Bến Tre ngày nay không những hiện hữu ở các thị trường trong nước và còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Địa chỉ tham khảo:
- Kẹo dừa Bến Tre – Thương hiệu bà Hai Tỏ (Công ty TNHH sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á): Số 379C Nguyễn Văn Tư, Tp. Bến Tre, Bến Tre.
- Công ty TNHH Vĩnh Tiến: Số 60A4 , Khu Phố 1, phường Phú Tân, Tp. Bến Tre, Bến Tre.
- Kẹo dừa Thanh Long: Số 212B Đại lộ Đồng Khởi, phường Phú Khương, Tp. Bến Tre, Bến Tre.
14. Bánh tráng sữa Bến Tre
Mỹ Lồng thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thực ra trước đây dùng để chỉ một khu chợ nhỏ mua bán trao đổi các đặc sản địa phương, nổi tiếng nhất không thể không kể đến món bánh tráng hấp dẫn được đông đảo thực khách ưa thích.
Dần dần sau đó, cứ ai đó nhắc tới bánh tráng thì người ta sẽ nghĩ ngay đến chợ Mỹ Lồng, đến thương hiệu bánh tráng Mỹ Lồng nổi tiếng khắp vùng Bến Tre, các tỉnh miền Tây cho đến cả nước là vì thế.
Bánh tráng sữa bắt nguồn từ Bến Tre, được làm chủ yếu từ các nguyên liệu gồm dừa, bột gạo, pha với bột sắn, nước, đường, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng tuân thủ theo một tỉ lệ nhất định.
Công đoạn khó khăn đầu tiên là tráng bánh. Người ta trải một tấm khăn trên nồi có sẵn nước sôi bên trong, đun nước sôi liên tục. Người làm bánh phải có kỹ thuật đổ bánh, động tác đổ bánh cũng cần khéo léo, nhanh nhẹn thì mới mong có được bánh tráng sữa vừa mềm, dẻo, vừa thơm; rồi mới rắc mè lên trên. Khi bánh chín người ta để lên tấm nan tre mỏng, phơi nắng 3-5 ngày là có thể dùng được. Khi phơi, cần chú ý, nếu nắng nhiều quá sẽ khiến bánh giòn, dễ vỡ; còn nếu ít nắng quá thì bánh bị chai sần. Bánh phơi đạt là khi cầm trên tay thì thấy mịn, không có lỗ khí lồi lõm…
Nướng bánh tráng cũng đòi hỏi kinh nghiệm và phải quen tay thì bánh mới ngon. Trước tiên là quạt than củi thật hồng rồi mới đặt bánh tráng lên nướng. Trong khi nướng, phải lật trở đều và nhanh tay bởi bánh rất nhanh chín và vàng; nếu chậm tay một chút là bánh sẽ cháy sém.
Khi ăn sẽ cảm nhận được vị bùi béo của nước cốt dừa kết hợp với độ mịn, mềm của bột gạo và bột sắn, cùng mùi thơm của sầu riêng tạo nên hương vị ấn tượng, đặc trưng cho bánh tráng sữa.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →