15 đặc sản Đà Nẵng – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Là tâm điểm của 3 di sản thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, từ lâu Đà Nẵng đã trở thành nơi du lịch lý tưởng mà bất cứ ai cũng muốn đến trong đời. Không chỉ vì cảnh vật thiên nhiên lộng lẫy, ở đây còn là thành phố đáng sống vì môi trường sạch sẽ, con người thân thiện. Và hơn hết ẩm thực nơi đây quả thật là ngon khó cưỡng, có quá nhiều món ăn tuyệt vời khi đi dọc theo các con phố.

Dưới đây là 15 món đặc sản Đà Nẵng cho bạn khám phá.

1. Bánh bột lọc

Bánh bột lọc, bánh nậm, bánh bèo là những loại bánh ăn chơi rất phổ biến ở các tỉnh miền Trung. Hầu như đi đến tỉnh nào các bạn cũng bắt gặp “bộ ba thần thánh” này. Hôm nay Bon giới thiệu cho các bạn món bánh bột lọc, loại bánh mà cứ lần nào đến Đà Nẵng chơi là lại phải ăn cho đã miệng.

Phải nói rằng làm vỏ bánh là công đoạn rất cầu kỳ. Phần vỏ được làm từ tinh bột sắn hòa đều với nước rồi thêm gia vị vừa đủ, sau đó đem đun lên; khi đun phải quấy thật đều tay và đặc biệt phải vừa đổ nước nóng vừa quấy nếu không sẽ làm cho bột nhanh chín và vón cục. Tiếp đó, người ta lấy bột đã được quấy đều ra và ủ qua đêm. Sau một đêm, lại lấy bột ra đun trên bếp lửa nhỏ, quấy đến khi nào thấy nặng tay thì thôi.

Phần nhân bánh cũng được chế biến công phu không kém; tôm phải chọn những con tôm tươi ngon và không được quá to; đem rửa sạch với nước muối, để nguyên vỏ và rút phần chỉ đen ở trong ra. Ngoài ra, phần nhân bánh còn có thêm thịt ba chỉ băm nhỏ, xào với hành hoa thơm lừng. Sau đó gói bánh lại trong lá chuối rồi đem hấp.

Ở mỗi vùng khác nhau, bánh bột lọc lại mang một dáng vẻ và hương vị khác nhau, rất riêng và rất độc đáo. Cũng như bánh bèo và bánh nậm; khi ăn bánh bột lọc phải có nước chấm đi kèm; nước chấm thường là nước mắm ngon có pha thêm chanh, tỏi, ớt. Khi ăn sẽ thấy vỏ bánh rất mềm và mát, lớp nhân tôm – thịt nổi bật là vị ngọt lần với vị nước chấm chua ngọt rất hấp dẫn.

Mỗi khi có dịp đến tham quan miền Trung, mình nghĩ các bạn nên ghé qua những hàng quán ven đường, gọi ra đĩa bánh thơm ngon để cùng thưởng thức với bạn bè, người thân để hòa vào cuộc sống của người dân ở đây, thấy cuộc hành trình của mình sẽ trở lên ý nghĩa và thi vị hơn rất nhiều..

Địa chỉ tham khảo:

  • Quán bà Bé: Số 100 Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng, điện thoại: 0511 356 1002. Quán này nổi tiếng nhất Đà Nẵng về các món bánh bèo, nậm, lọc. Mỗi loại bánh sẽ có 1 kiểu nước chấm khác nhau và đều ngon cả. Giá cũng bèo, quán rộng và sạch, có đóng gói cho mình mang đi xa nữa.
  • Quán Tâm: Số 291 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Quán này có tiếng từ lâu rồi nhưng gần đây có vè không được phản hồi tích cực lắm, bán từ sáng sớm đến trưa rồi nghỉ, đến 2 giờ chiều lại bán tiếp. Quán đông, bánh bèo được làm tại chỗ nên có vẻ đảm bảo.
  • Quán Vân: Số 13A Thanh Tịnh, quận Liên Chiểu (trước đây là số 16 Nguyễn Như Hạnh). Quán bán từ 1 rưỡi chiều đến 6h là đã hết bánh. Quán bình dân nhưng rất đông khách, giá rẻ và nước chấm cực ngon.
  • Quán bà Huê – bánh bột lọc chiên: Kiệt 75 Hùng Vương, quận Hải Châu, bán từ 4 giờ chiều đến tối. Bánh bột lọc chiên, bánh canh, chả trộn đều ngon.

2. Bánh nậm Đà Nẵng

Bánh nậm là một món ăn truyền thống và đậm chất dân dã của người miền Trung. Du lịch các tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam các bạn có thể dễ dàng bắt gặp thứ bánh này ở bất kỳ đâu; từ các khu chợ đến các hàng quán ven đường, cả trong nhà hàng cao cấp; nhưng tại mỗi nơi, món bánh nậm lại mang một hương vị đặc trưng rất riêng, không lẫn được với những nơi khác.

Bánh nậm được làm từ bột gạo nên rất dễ ăn và phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Bánh nậm phổ biến là loại bánh có nhân tôm và thịt. Vào ngày Rằm, mùng một, bánh còn được làm chay, tức là chỉ có nhân đậu xanh bên trong.

Để có được những mẻ bánh nậm ngon, người ta phải thật tỉ mỉ trong từng công đoạn chế biến. Gạo xay bột phải là loại gạo thơm và dẻo, khi xay thành bột phải mịn. Bột gạo trộn với nước theo một tỷ lệ nhất định rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Tiếp đến, người ta bắc lên bếp rồi đánh thật đều tay đến khi hỗn hợp bột quánh lại là lấy ra và để nguội. Phần nhân bánh cũng phải được chuẩn bị kỹ càng, tôm tươi được lột sạch vỏ, chà muối cho sạch rồi đem băm nhỏ. Sau đó lấy tôm xay nhuyễn với thịt rồi trộn đều với nước mắm, tiêu, hành.

Cuối cùng, người ta lấy bột và nhân ra để gói bánh; bánh được gói thành hình chữ nhật; trước khi ăn bỏ vào nồi hấp khoảng 15 phút là dùng được. Khi thưởng thức, người ta dùng kèm bánh với nước mắm pha chanh, tỏi, ớt tạo nên hương vị hấp dẫn.

Địa chỉ tham khảo:

  • Quán bà Bé: Số 100 Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng, điện thoại: 0511 356 1002. Quán này nổi tiếng nhất Đà Nẵng về các món bánh bèo, nậm, lọc. Mỗi loại bánh sẽ có 1 kiểu nước chấm khác nhau và đều ngon cả. Giá cũng bèo, quán rộng và sạch, có đóng gói cho mình mang đi xa nữa.
  • Quán Tâm: Số 291 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Quán này có tiếng từ lâu rồi nhưng gần đây có vè không được phản hồi tích cực lắm, bán từ sáng sớm đến trưa rồi nghỉ, đến 2 giờ chiều lại bán tiếp. Quán đông, bánh bèo được làm tại chỗ nên có vẻ đảm bảo.
  • Quán Vân: Số 13A Thanh Tịnh, quận Liên Chiểu (trước đây là số 16 Nguyễn Như Hạnh). Quán bán từ 1 rưỡi chiều đến 6h là đã hết bánh. Quán bình dân nhưng rất đông khách, giá rẻ và nước chấm cực ngon.
  • Bánh nậm dì Hòa: Số 70 Hà Huy Tập, quận Thanh Khê: Quán nhỏ nên hầu như chỉ mua về, bán từ 2 giờ chiều nhưng đến 5 giờ là hết rồi, bánh nậm ăn cực ngon, nhân tôm băm, thịt băm rất chất lượng.

3. Thịt bò khô Đà Nẵng

Có thể nói thịt bò khô là món đặc sản Hương tâm đắc nhất khi đến Đà Nẵng. Tuy rằng món này quá quen thuộc với người Việt mình và hầu như ở đâu cũng có nhưng lần nào vào đây Hương cũng phải mua túi lớn túi bé mang về vì nhìn những sạp bò khô đầy ắp, đủ mọi loại bò thấy kích thích lắm và đặc biệt là bò khô Đà Nẵng thực sự rất chất.

Bò khô Đà Nẵng có màu đỏ nâu sẫm, hương vị đậm đà nhưng lại rất vừa miệng, đặc biệt là từng thớ thịt rất chắc, dai nhưng không bị cứng. Để làm ra miếng khô bò thơm ngon đạt đúng tiêu chuẩn, người ta phải kiên trì và thật cẩn thận từ lựa chọn nguyên liệu đến chế biến và bảo quản. Khi chọn thịt bò, tiêu chí hàng đầu là không được chọn những con bò bị ngộp hơi mà phải là những con bò chắc thịt và chỉ dùng phần thịt đùi thì mới thơm ngon.

Quy trình chế biến bò khô nghe chừng đơn giản nhưng lại khá cầu kỳ và khắt khe, chủ yếu là làm thủ công trong đó quan trọng nhất là khâu tẩm ướp và sấy khô. Các gia vị tẩm ướp của người Đà Nẵng rất đa dạng, có thể dùng các vị thuốc Bắc như là quế, cam thảo, đinh hương, tiểu hồi, đại hồi, thảo quả, vỏ quýt cùng với các gia vị ớt tươi, gừng, hạt tiêu, hành, đường trắng, rượu nếp, tỏi… Chính vì vậy thế nên mỗi cơ sở lại có một công thức tẩm ướp khác nhau, mùi vị bò khô của mỗi thương hiệu cũng có sự khác biệt.

Ngoài món ăn vặt kinh điển là bò khô xé sợi rồi vắt chanh, quất thì còn có nộm bò khô, bánh tráng bò khô, bò khô dầm xoài dầm cóc cũng tuyệt không kém. Sợi thịt dai cùng với vị ngọt bùi, cay tê, thêm chút vị chua của chanh là món Hương có thể ăn hoài không chán.

Mua bò khô ở đây

Các bạn có thể đến chợ Hàn đường Bạch Đằng hoặc chợ Cồn đường Ông Ích Khiêm để mua. Ở đây nhiều thôi rồi, thịt bò khô chất trong các bao luôn nhìn bắt mắt vô cùng, cũng rất nhiều loại, có thể ăn thử nhưng mà điểm trừ là phải mặc cả và cứ bán vo không thấy nhãn hiệu nên không biết có đảm bảo tuyệt đối không.

Ngoài ra có các siêu thị đặc sản miền Trung cũng có nhiều, được đóng hộp, dán mác đầy đủ, Hương hay mua ở bên đặc sản Thiên Phú đường Nguyễn Tất Thành.

4. Ram cuốn cải

Hương vẫn còn nhớ lần đầu tiên đến Đà Nẵng được người bạn trong này chiêu đãi món ram cuốn cải, xong cứ ấn tượng mãi. Ram thực ra chính là chả nem ngoài Bắc nhưng cách ăn ở đây khá đặc biệt và ngon miệng. Món này là món ăn dân dã của người ở đây nên dễ bắt gặp trong các chợ hay những quán vỉa hè ở Đà Nẵng lắm.

Nhân ram tương đối giống nhân nem của miền Bắc, nghĩa là có ít miến trộn với thịt và nấm mèo, nếu làm ram chay thì nguyên liệu chính làm nhân là các loại củ thông thường là khoai môn, khoai lang, cà rốt, khoai tây… Nhân được tra gia vị xong thì được cuộn lại bởi phần vỏ thường là bánh tráng lề (ngoài Bắc gọi là bánh đa nem, bánh rế hoặc bánh tráng bò bía rồi cho vào rán giòn. Ở các quán thì người ta cuốn ram sẵn, đợi có khách đến mới chiên. Dầu được cho lượng vừa ngập cuốn ram, đun sôi dầu rồi cho các cuốn ram vào, canh lửa vừa phải, đợi đến khi vàng đều thì vớt ra đĩa. Mỗi chiếc ram chỉ dài khoảng chừng một ngón tay với lớp vỏ thơm, giòn. Bí quyết để ram được giòn lâu là vắt thêm ít chanh vào trong dầu chiên và sau khi chiên thì gắp ra cái đĩa có sẵn giấy thấm dầu.

Nói thế thì chưa đặc biệt bởi món ram cuối này được ăn kèm với cải cay – một loại rau rất hay được ăn kèm với các món cuốn ở Đà Nẵng. Người ta gọi 2 thứ này là cặp đôi hoàn hảo vì kết hợp với nhau thì vừa bớt độ ngấy của ram cũng như tăng độ ngọt, át đi độ hăng cay của cải. Cuốn bánh tráng có ram, rau cải cùng với ít rau thơm, dưa chuột thái mỏng, ít nộm đu đủ, cà rốt rồi chấm nước chấm chua ngọt đặc trưng mới thấy hết cái hương vị đặc biệt của món ăn dân dã nhưng lại rất tinh tế này.

Địa chỉ ăn ram cuốn cải:

Các quán ram cuốn cải tập trung chủ yếu ở đường Lê Duẩn đoạn gần trường tiểu học Trần Cao Vân và đường Ông Ích Khiêm đoạn gần nhà thờ, các quán ram trong khu chợ Cồn. Các quán sẽ bắt đầu bán từ khoảng 5 giờ chiều đến 10 giờ đêm, giá cả cũng rất vừa túi.

  • Ram cuốn cải Việt: Số 272 Lê Duẩn, quận Hải Châu, bán từ 6 giờ tối đến 11 giờ đêm. Quán nhỏ thôi, nằm lề đường nhưng rất đông khách, đồ ăn sạch sẽ, giá rẻ mà lại rất ngon.
  • Ram cuốn cải cô Tiến: Số 109 Ông Ích Khiêm, quận Hải Châu, bán từ 4 giờ chiều đến 9 rưỡi tối. Ở đây có cả chè chuối nướng, sinh tố.

5. Mít trộn Đà Nẵng

Hương ở ngoài Bắc nên thường chỉ ăn mít chín đã thơm lừng còn mít non thì chỉ nghe có nhút – món ăn đặc trưng của các tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh nên đến Đà Nẵng được nghe có món mít trộn cũng làm từ mít non nên lại phải tìm ăn cho bằng được. Đây là một trong những món ăn bình dị nhưng rất hấp dẫn của ẩm thực Đà Nẵng, ăn lạ miệng, hương vị ấn tượng và cũng không kém phần thơm ngon.

Người bạn Hương nói vui rằng vì cây mít ở Đà Nẵng có rất nhiều nên việc biến tấu ra những món ngon từ mít nơi đây cũng chẳng lấy gì làm lạ. Cách làm món mít trộn cũng đơn giản: Người ta lấy mít non gọt bỏ vỏ, đem luộc chín tới rồi xé thành sợi để trộn gỏi. Trong món mít trộn Đà Nẵng có một ít bì heo luộc thái mỏng, nếu muốn có thể cho thêm một ít thịt ba chỉ luộc thái nhỏ và tôm thẻ hấp hoặc luộc, bỏ vỏ để lại đuôi tôm cho đẹp mắt, có nơi còn cho thêm cả nhộng tằm cho ngậy. Gia vị cho món mít trộn là nước mắm chua ngọt pha theo phong cách của riêng người Đà Nẵng, cay nồng và cực kỳ đậm đà. Ngoài ra phải có hành tím phi vàng, lạc rang giã dập cùng một ít rau răm và húng lủi thái nhuyễn. Ăn kèm với mít trộn này là bánh tráng mè nướng giòn.

Đây là món Hương rất thèm mỗi khi nhắc đến đồ ăn Đà Nẵng, phần vì ngoài này không có, phần vì chẳng hiểu sao cái vị bùi, ngậy, dai giòn làm Hương thấy cảm phục và yêu mến thêm những con người chân chất ở đây. Đến Đà Nẵng thì đừng quên tìm ăn món này các bạn nhé.

Ăn mít trộn Đà Nẵng ở đâu?

  • Quán Nguyệt: Số 58 Lê Hữu Trác, quận Sơn Trà: Quán bán từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối, nhiều đồ ăn vặt như ốc hút, bánh tráng, chè, mít trộn, bánh căn…
  • Quán mít trộn, ốc hút: Số 34 Phạm Văn Nghị, quận Thanh Khê. Quán bàn từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối, cô chủ có vẻ không được thân thiện cho lắm, đĩa mít đầy mà giá rẻ mỗi tội hơi nhiều nước mắm, ở đây có sữa chua muối rất đặc biệt.

6. Chè xoa xoa hạt lựu

Chè xoa xoa hạt lựu có thể xem là một trong những nét độc đáo vô cùng ấn tượng trong ẩm thực của Đà Nẵng. Đây là một món ăn có phong cách chế biến lẫn hương vị rất đặc trưng, khác biệt hẳn so với món chè của các vùng miền khác.

Nguyên liệu để chế biến món chè xoa xoa hạt lựu không hiếm nhưng để tạo ra nó thì không hề đơn giản. Món chè ngon đòi hỏi ở người chế biến sự kiên nhẫn, cẩn thận và khéo léo trong từng khâu. Chè xoa xoa hạt lựu có xoa xoa, hạt lựu, sương sáo (chính là thạch đen đó), nước cốt dừa, đậu xanh nghiền và nước đường.

Xoa xoa là một loại thạch trắng được nấu từ rong biển, tảo biển không độc; ăn rất mát. Người miền Nam thường quen gọi nguyên liệu này là sương sa. Còn hạt lựu dùng chung với xoa xoa thực chất là được làm từ bột năng hay bột lọc nhưng vì bên ngoài nhìn rất giống với hạt lựu nên gọi vậy. Trông thì có vẻ đơn giản nhưng để làm thành những hạt lựu đỏ hồng thơm ngon đẹp mắt đó cũng cần khá nhiều kiên nhẫn. Muốn hạt lựu ngon, người ta dùng loại bột năng hoặc bột lọc loại tốt, pha với nước cho sệt đặc lại, thêm một chút màu thực phẩm hồng rồi lăn mỏng trên tay; bọc qua củ năng đã thái hạt lựu, sau đó thả vào nồi nước sôi để luộc. Khi bột chín sẽ tự nổi lên, lớp bột ngoài có một màu hồng trong veo để lộ phần nhân là củ năng màu trắng trông hệt như hạt lựu thật. Thạch đen chế biến đơn giản hơn vì nó được nấu từ loại lá cây mát, có màu đen và đông tự nhiên.

Chuẩn bị nguyên liệu xong xuôi, khi có người ăn thì người bán sẽ cho lần lượt ly thủy tinh cao, rồi cho đá bào nhuyễn lên trên, chan thêm nước dừa, ít nước đường vào là có thể ăn ngay được. Vị giòn và mát của xoa xoa, hạt lựu dai dai, thạch sương sáo lạnh cộng với vị bùi của đậu xanh quyện trong vị béo của nước dừa đã khiến món chè xoa xoa hạt lựu trở thành món đặc sản không thể không nhắc đến của Đà Nẵng nhất là trong những ngày nắng nóng thì đây là món giải khát tuyệt vời.

Một vài địa chỉ nổi tiếng:

  • Chè xoa xoa hạt lựu O Châm (lâu đời nhất Đà Nẵng): Số 187 Hải Phòng, quận Thanh Khê, bán từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, rất ngon. Ở đây còn nhiều loại chè, sinh tố, sữa chua, đồ ăn vặt nữa. Dọc đường Hải Phòng cũng nhiều hàng chè lắm luôn.
  • Chè xoa xoa: Số 46 Trần Bình Trọng, quận Thanh Khê, bán từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, quán nhỏ nhưng sạch sẽ.
  • Chè xoa xoa: Số 103 Phan Thanh, quận Thanh Khê, bán từ 7 giờ sáng đến 5 rưỡi chiều. Quán này bán lâu rồi, ăn cũng được.

7. Ốc hút Đà Nẵng

Hương biết đến món ốc hút trong một hoàn cảnh khá… vô duyên bởi lần đó bọn Hương thuê xe máy đi chơi Đà Nẵng buổi tối và có ý định là đi lùng kem bơ cơ bởi vì bạn bè ở ngoài Hà Nội nhắc nhiều lắm. Thế rồi chẳng hiểu thế nào đi lạc vào phố toàn thấy treo biển ốc hút với cả mít trộn, nghe lạ tai mà, thế nên mấy đứa vào ăn và cắm rễ luôn ở đó.

Ốc hút thực ra chính là món ốc xào xả ớt bọn mình hay ăn ấy, nhưng mà nó hấp dẫn Hương đến lạ bởi vì nó có cái chất rất riêng của người Đà Nẵng. Ốc để làm món ốc hút có thể dùng đủ loại từ những con ốc gạo nhỏ xíu đến những con ốc bươu to thịt nhiều béo ngậy. Món ốc xào của Đà Nẵng dù là ốc gì nhìn cũng tươi nguyên.

Giống như cách sơ chế ốc vẫn thường thấy, ốc ở đây khi được bắt về người ta ngâm với nước vo gạo có một ít ớt tươi hoặc sả đập dập để ốc nhả bớt bùn. Thời gian ngâm ốc có thể vài tiếng đến 1 đêm, tùy loại ốc và ốc to hay nhỏ, sau đó rửa qua rất nhiều lần nước cho ốc thật sạch rồi mới chế biến. Ốc sạch rồi sẽ được để ráo nước sau đó xào với xả ớt, cho thêm gia vị. Ốc xào vừa chín thì dọn lên ăn nóng, trên đĩa ốc người ta bỏ thêm ít đu đủ sợi ăn kèm. Đơn giản chỉ có thế thôi, cách chế biến nghe đơn giản, nguyên liệu cũng chẳng khó tìm, ấy thế mà cứ làm người ta chết mê chết mệt. Trong buổi tối Đà Nẵng mát trời, được ngồi chém gió với đám bạn, một bên là đĩa ốc thơm lừng, vừa ăn vừa xuýt xoa thấy đã lắm. Kinh nghiệm là nên ăn ốc muộn muộn thôi mới thấm nhé.

Địa chỉ ốc hút ở Đà Nẵng cho các bạn tham khảo:

  • Ốc hút Đĩa Bay: Có 2 quán ở đối diện sân vận động Đĩa Bay đường 2 Tháng 9 ăn đều ngon, bán từ 4 giờ chiều đến 10 giờ tối, có 2 loại là ốc bươi và ốc vặn nêm đậm đà, nước chấm pha ngon.
  • Ốc hút khu ẩm thực chợ Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn: Khu này chính là địa chỉ ăn uống ngon, bổ, rẻ của người Đà Nẵng nè, bán tầm chiều từ 1 giờ đến 6 giờ. Ốc hút, kem bơ, bánh tráng, bún mắm nhiều vô kể, rẻ bá đạo luôn mỗi tội xa trung tâm.

Mấy quán dưới này Hương chưa đi, nghe kể thôi:

  • Ốc hút bé Ly: Số 204 Hải Phòng, Tân Chính, quận Thanh Khê, nghe đồn là ngon và không quá cay, ốc ngọt béo thơm.
  • Ốc hút Kiều Kiều II: Lô B2.8 Nguyễn Văn Linh kéo dài, cách chân cầu Rồng tầm 300m, quán này nổi tiếng lắm nhưng thấy bảo là ốc bé.
  • Quán ốc hút: Đường Lê Duẩn, quận Hải Châu.
  • Quán yaourt muối, ốc hút Lan Điệp: Đường Bùi Thị Xuân, quận Sơn Trà.
  • Quán ốc Thanh: Số 28 Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê.

8. Nước mắm Nam Ô

Chuyến đi Đà Nẵng vừa rồi với công ty, Hương gặp được bác tài nhiệt tình lắm, vừa lái xe, vừa kiêm hướng dẫn viên luôn. Trên đường đi đèo Hải Vân bác ấy chỉ cho bọn mình làng Nam Ô là quê của bác ấy với cảnh đẹp và bề dày văn hóa, đặc biệt là nổi tiếng bởi nghề làm nước mắm. Nước mắm Nam Ô như là một thương hiệu luôn luôn được khẳng định của người Đà Nẵng ấy.

Bác tài bảo nước mắm Nam Ô được làm hoàn toàn thủ công và đặc biệt nhất là không sử dụng bất cứ hóa chất nào để bảo quản hay làm tăng hương vị. Việc lựa chọn nguyên liệu cũng rất tỉ mỉ và kỹ càng, các để làm nước mắm là cá cơm than, có nhiều nhất vào độ tháng 3, tháng 4 Âm lịch. Công đoạn làm nước mắm từ A đến Z mất ngót ngét 1 năm trời. Đầu tiên, người ta sơ chế cá rồi bỏ vào chum muối, đem đi phơi nắng 5 – 6 tháng rồi để vào bóng râm. Mỗi lần chuyển là phải đảo đều, lại ủ thêm khoảng 5 – 6 tháng nữa mới đem ra lọc. Lọc cỡ phải 10 lần liên tiếp, khi nào thấy màu nước đạt nhất, có màu hổ phách tự nhiên thì lại đổ vào vại sành để ủ lên hương vị tự nhiên thêm chục ngày nữa. Vậy nên, Hương cảm giác bác tài hay có thể là cả người Nam Ô nữa rất trân quý thứ hương vị quê hương không đâu có được này.

Nước mắm là thứ nước chấm, thứ gia vị không thể quen hơn trong bữa cơm hằng ngày của người Việt Nam rồi; nếu nước mắm ngon thì chỉ cần ăn với cơm trắng thôi Hương cũng cảm thấy ngon miệng. Khác với nước mắm công nghiệp sản xuất đại trà, nước mắm Nam Ô được làm thủ công bằng nhiều công sức của người dân ở đây nên cảm giác rất tinh túy. Nếu đến Đà Nẵng, các bạn mua mua về cho bà, cho mẹ nhé, với Hương, điều này thật ý nghĩa.

Địa chỉ mua nước mắm chuẩn

  • Hội làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô.
    Đại diện: Ông Lê Bốn, Chủ tịch Hội làng nghề, Điện thoại: 0905.818.843
    Địa chỉ: Tổ 31 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.
  • Siêu thị đặc sản Đại Lộc Phát: Số 11 Hoàng Hoa Thám, quận Thanh Khê.
  • Siêu thị đặc sản miền Trung: Số 61 Hải Phòng, quận Thanh Khê.

9. Bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng

Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn cực nổi tiếng của Đà Nẵng, ngoài Hà Nội, Hương cũng gặp nhiều hàng bánh tráng thịt heo Đà Nẵng lắm và dĩ nhiên là không thể chuẩn như ở quê hương của nó được. Đây là món ruột của Hương mỗi khi đến Đà Nẵng, không thể quên ăn. =))

Mới nhìn vào thì thấy chế biến món này có vẻ đơn giản, thực ra bản thân mình cũng làm được để có được vị ngon chuẩn Đà Nẵng thì không phải điều dễ dàng chút nào. Các loại nguyên liệu phải đảm bảo được độ tươi sống để giữ được hương vị đặc trưng của từng loại, đặc biệt là thịt lợn phải là loại thịt ngon nhất. Ở đây người ta chỉ chọn lợn nặng tầm 50 – 70 kg rồi lấy phần thịt mông hoặc vai sau đó đem hấp vừa chín tới để giữ nguyên vị ngọt và hương thơm của thịt.

Tiếp đến là rau sống – một nguyên liệu không thể thiếu, ăn bánh tráng cuốn thịt heo mà không có rau sống ăn kèm thì thật là vô vị. Rau thơm để ăn bánh tráng thịt heo là những loại rau mùi, rau húng rất thông dụng và dễ tìm tùy theo mùa và sở thích mỗi người. Tuy nhiên yêu cầu cao nhất là rau phải được chọn lựa và bảo quản thật khéo để luôn được tươi xanh, không bị héo úa.

Ngoài nguyên liệu được chuẩn bị kỹ thì mắm chấm mới chính là “linh hồn” của món này. Đồ ăn có ngon mà mắm nêm không chuẩn vị thì mới chỉ ăn được phần nhỏ cái ngon của món mà thôi. Loại mắm nêm này cực kì khó pha chế nhé. Mắm nêm “chuẩn” là phải có màu nâu sóng sánh và thơm mùi cá biển; khi chế biến lại phải gia giảm chút tỏi, ớt, đường, chanh sao cho vừa miệng, người Bắc mình vào ăn sẽ thấy hơi thiếu ngọt chút.

Ăn bánh tráng cuốn theo Hương cũng là cả nghệ thuật, cũng cầu kỳ lắm nhé: Đầu tiên lấy bánh tráng trải thẳng trên lòng bàn tay rồi lựa các loại rau thơm để gọn trong lòng bánh tráng, xong mới lấy bún và thịt và đặt lên trên, lưu ý là không nên lấy quá nhiều rau và bún nhé, như vậy sẽ khó cuốn và bánh bị vỡ ra trong khi cuốn không gọn đưa lên miệng. Bánh tráng cuốn xong thì chấm mắm nêm rồi cứ thể thưởng thức thôi. Hương nghĩ đây là một món ăn ghi điểm rất cao cho ẩm thực Đà Nẵng bởi dường như sắc = hương – vị đều đủ để lấy lòng cả những thực khách khó tính.

Địa chỉ ăn bánh tráng cuốn thịt heo ở Đà Nẵng:

  • Quán Mậu: Số 35 Đỗ Thúc Tịnh, quận Cẩm Lệ. Quán bán cả ngày, từ 8 giờ sáng đến 10 rưỡi tối, chỉ bán mỗi bánh tráng rất nổi tiếng, dân địa phương hay ăn. Quán nằm trong ngõ nhưng rộng rãi và sạch sẽ hơn nữa ăn ngon mà giá cả cũng bình dân.
  • Quán Trần: Số 300 Hải Phòng, quận Thanh Khê, là địa chỉ gốc, ngon nhất trong chuỗi quán bánh tráng Trần. Quán này thì nổi tiếng ở Đà Nẵng thôi rồi nhưng chủ yếu bán cho khách du lịch, người địa phương ít ăn.
  • Quán bánh tráng thịt heo Hương Đại Lộc: Số 8 Đặng Dung, quận Liên Chiểu. Quán bán cả ngày từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối. Hơi xa trung tâm thành phố nhưng bù lại thì bánh tráng ngon, rẻ và phục vụ nhiệt tình.
  • Quán bà Hường 2: Số 364 đường 2/9, quận Hải Châu, còn một địa chỉ nữa ở đường Hàm Nghi. Nói chung là cũng có tiếng ở Đà Nẵng, Hương chưa ăn. =((

10. Chả bò Đà Nẵng

Chả bò là món ăn nổi tiếng từ rất lâu của xứ Đà Quảng, không chỉ là món đặc sản ưa thích của người dân ở đây mà còn là món quà mang về siêu lý tưởng cho những ai đến thăm vùng đất miền Trung xinh đẹp này.

Chả bò Đà Nẵng được làm từ thịt bò tươi nguyên chất nên vẫn giữ được hương vị thơm ngon của thịt bò cũng như độ mềm, dai rất đặc trưng. Chả muốn ngon thì thịt bò để làm chả cũng được được chọn lựa rất khắt khe; phải là thịt phần đùi, lọc hết gân rồi mới đem đi xay nhuyễn, điểm đặc biệt là không được trộn lẫn với bất cứ loại thịt hay bột ngũ cốc nào khác. Gia vị đi kèm cũng phải đầy đủ; hành, tỏi, ớt, hạt tiêu, đường và nước mắm phải đúng liều lượng, người làm chả cũng phải trộn đều tay để gia vị thấm đều vào thịt. Lá dùng để gói là lá chuối đã được rửa sạch và luộc sơ để không bị gãy khi gói. Cả quá trình làm chả từ khâu lọc thịt đến khi luộc xong không được quá 2 giờ thì chả mới có được vị tươi ngọt tự nhiên và độ dai, thơm của thịt.Cắt khoanh chả bò Đà Nẵng ra sẽ thấy miếng chả có màu đỏ hồng rất hấp dẫn; điểm nhấn là mùi thơm nhẹ của rau thì là hòa với vị béo ngậy của thịt bò khi ăn, hơi ngọt nhưng lại rất đậm đà. Chả bò ăn kèm với dưa chua hoặc nem, được làm món khai vị trong các nhà hàng, các bữa tiệc, các bạn có thể ăn kèm với bánh mì hay cháo bò cũng đều hấp dẫn cả.

Địa chỉ mua chả bò ở Đà Nẵng:

  • Chả bò Lê Thị Hường: Số 4 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, đây là thương hiệu chả bò gia truyền rất có tiếng ở Đà Nẵng.
  • Chả bò Sài Đọi: Số 106/2 Ngô Gia Tự, quận Hải Châu.
  • Chả bà Ngọc: Số 54 Hà Huy Tập, quận Thanh Khê.
  • Chả bò Lộc: Số 4 Trần Bình Trọng, quận Thanh Khê.

11. Bún chả cá Đà Nẵng

Bún chả cá là món ăn đặc sắc của người miền Trung nên khi đến Đà Nẵng Hương không quá bất ngờ vì thấy nó cũng phổ biến như ở Nha Trang hay khu Quy Nhơn – Bình Định, nhưng hương vị ở mỗi vùng lại có nét đặc trưng ẩm thực riêng biệt, ở Đà Nẵng là tô bún đậm đà với điểm nhấn là ít mắm ruốc thơm nồng.

Ở đâu cũng vậy, để có được tô bún chả như ý cần phải biết chọn loại cá ngon: Những con cá tươi được mang về rửa sạch, bào lấy thịt rồi cho vào cối giã nhuyễn cùng các gia vị như muối, bột ngọt, đường, tiêu… theo tỉ lệ nhất định tùy vào bí quyết của người làm chả và giã cho đến khi thịt cá dẻo và tỏa mùi thơm; sau đó nặn thành từng miếng lớn, đem hấp để tạo thành chả hấp hoặc chiên vàng trong dầu nóng gọi là chả chiên.

Đặc trưng của bún chả cá Đà Nẵng chính là nước dùng được hầm từ xương lợn chứ không giống ở Nha Trang, Quy Nhơn là hầm từ xương cá và các loại cá nhỏ. Hương thấy trong bán bún có một ít bí đỏ, cà chua, dứa chín, 1 ít măng giòn nên ăn vào thấy vẫn béo ngậy mà không bị ngấy. Điểm nhấn của món này là một ít mắm ruốc được cho thêm rất dậy mùi. Người ta hòa mắm ruốc nguyên chất với nước lạnh, để cho phần cặn lắng xuống hết, chỉ lấy phần nước trong bên trên cho vào nồi nước dùng.

Công đoạn cuối cùng là bày bún ra bát tô, để chả chiên và chả hấp lên trên rồi chan nước dùng lên. Nhìn bát bún có cả sắc, hương, vị, Hương bị kích thích dã man. Bún chả cá thường ăn kèm với rau tươi sống như: Xà lách, cải mầm, giá, bắp cải thái sợi mỏng…

Ăn bún chả cá cũng cần đúng kiểu đấy nhé: Gắp một miếng bún, một miếng chả cá kèm với rau sống rồi húp một miếng nước dùng mới thấy hết được mùi thơm của bún, chả cá kết hợp với vị ngọt thanh của rau củ quả, nước dùng đậm đà cùng hành tỏi chua ngọt, ớt cay xè mới thấm hết cái ngon và khác biệt của đặc sản Đà Nẵng.

Một vài quán bún chả cá nổi tiếng Đà Nẵng

Ở Đà Nẵng món ăn này rất phổ biến, hầu như ở phố nào cũng có nhưng tập trung nhiều quán ngon nhất là đường Nguyễn Chí Thanh, Hùng Vương. Một vài quán ăn nổi tiếng:

  • Quán bún chả cá: Số 109 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu. Quán không lớn nhưng sạch sẽ, rất nổi tiếng ở Đà Nẵng, có loại nhỏ, lớn và đặc biệt, tô bún đầy đặn, nhiều chả và chả cá ăn ngọt, không bị tanh mỗi tội hơi đông, chắc vì nổi tiếng nên thế.
  • Quán bún chả cá bà Hờn: Số 113/3 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày đến tận 11 giờ đêm, quán bàn từ lâu rồi nên rất đông khách, nước dùng được nầu bằng cá nên ngọt thanh, chả cá nhiều và không nhanh bị ngán.
  • Quán bún chả cá ông Tạ: Số 113A Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày đông nhất là lúc sáng và tan tầm chiều, rộng rãi và sạch sẽ, rau mầm và giá ở đây là nhà trồng nên tương đối yên tâm, chủ quán nhiệt tình, nhân viên thân thiện, ăn xong còn được thêm sing gum miễn phí nữa.
  • Quán bún chả cá dì Gái: Số 109 Lê Đình Dương, quận Thanh Khê. Quán chỉ bán buổi sáng từ 6 giờ đến tầm trưa, giá rẻ nhưng được nhiều chả lắm, ở đây có món da heo giòn và mềm nữa.
  • Quán bún chả cá bà Phiến: Số 63 Lê Hồng Phong, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày, chả cá ngon nhưng nước dùng có lẽ hơi ngọt với người Bắc.
  • Quán bún chả cá Hoàng Anh: Số 242 Hoàng Diệu, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày, có cả bún riêu cua, buổi sáng có sữa đậu nành, đậu xanh rất ngon, nước dùng có vẻ hơi ngọt.
  • Quán bún chả cá bà Lan: Số 424 Hùng Vương, quận Thanh Khê. Quán bán từ 11h trưa đến khuya, ở đây có cả bún riêu cua, bún cá thu, cá ngừ, tô bún to đầy đặn.
  • Quán bún chả cá bà Ân: Số 193 Hùng Vương, quận Thanh Khê. Quán bán từ 6 giờ chiều đến khuya, cực nhiều chả, nước dùng có măng khô thay cho bí đỏ.

12. Gỏi cá Nam Ô

Mới nghe đến gỏi cá, Hương thấy cứ ghê ghê vì là đồ sống mà, nhưng lần đến Đà Nẵng năm vừa rồi đã làm Hương bén duyên với món gỏi cá Nam Ô, cũng hết sợ mà nhắc đến là “thòm thèm” từ dạo đó.

Có hai loại gỏi là gỏi cá khô và gỏi cá ướt với cách chế biến chỉ khác ở công đoạn cuối. Gỏi khô thì thường dùng cho người mới ăn nhưng không ngon bằng gỏi ướt. Cá để chế biến món gỏi là cá mòi, cá tớp, cá cơm…, nhưng ngon và thích hợp nhất lại là cá trích vì thịt ngọt và săn chắc. Cá trích lớn hơn ngón tay, cắt bỏ đầu, đuôi, bụng và xương, tách thân làm hai và xắt từng miếng nhỏ rồi đem ướp. Trước khi ướp, cá được ép lấy nước cho ráo và lấy nước cốt này đun sôi, nêm với vài loại gia vị như bột ngọt, ớt bột, nước mắm Nam Ô nguyên chất, khi sôi bỏ thêm ít bột năng pha nước loãng vào cho sệt lại.

Để làm gỏi ướt, người ta lấy cá ép xong cắt thành những miếng dài vừa ăn, rồi ướp ngập trong các loại củ được dùng làm gia vị như tỏi băm nhuyễn, gừng đập dập, riềng cắt sợi… Với gỏi khô cũng giống như trên, nhưng thêm một công đoạn nữa là đem những miếng cá được ướp, bỏ trên mâm có thính, lăn tròn miếng cá cho thính bám đều lên trên bề mặt. Người bạn Hương ở đây nói làm vậy để cá được khử khuẩn, thơm ngon hơn.

Rau ăn kèm với gỏi cá Nam Ô nghe nói là được hái trên đèo Hải Vân như lá cóc rừng, lành ngạnh, lá trâm, lá dừng, đinh lăng… cùng với các loại rau truyền thống như cải con, hành lá, húng, quế. Khi ăn thì trộn thêm vừng và lạc rang giã nhỏ vào nước chấm để tăng vị béo và mùi thơm nồng.

Có nhiều cách ăn gỏi cá như cuốn cá, rau rừng vào bánh tráng mỏng và chấm nước mắm, ăn thêm với bánh tráng nướng, cách này là Hương ghiền nhất luôn; không thì trộn cá với rau và nước chấm vào một tô, cứ thế đánh chén hoặc. Hay cuộn cá với nhúm rau nhỏ vào trong 1 chiếc là rau rừng lớn rồi chấm nước chấm và thưởng thức.

Muốn ăn món gỏi cá Nam Ô, thì phải tới khu vực Nam Ô mới chuẩn, nếu không các bạn có thể qua khu Nguyễn Tất Thành hay cầu Nam Ô để tìm ăn món này cũng rất đã.

Một vài địa chỉ tham khảo

  • Gỏi cá Nam Ô Thanh Hương: Số 1029 Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu; bán từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối. Gỏi cá ngon, không tanh; quán rộng rãi, sạch sẽ, sát bờ sông Cu Đê. Đồ ăn nhiều, có hải sản và món ếch xào sả ớt cũng rất đặc sắc.
  • Gỏi cá Bà Mỳ: Đường Mai Lão Bạng (bên trái, gần cuối đường Đống Đa), quận Hải Châu; bán buổi chiều tối từ 3 giờ đến 11 giờ đêm. Quán đông khách, vệ sinh, nước chấm ngon, giá bình dân.
  • Quán gỏi cá Tấn: Số 464 Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê, Đà Nẵng.
  • Quán gỏi cá Sáu Hào: Số 232 Trần Cao Vân, quận Thanh Khê; bán từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đêm, chủ quán nhiệt tình, giá cả cũng bình dân.

13. Bánh bèo Đà Nẵng

Đi vào các tỉnh miền Trung, Hương rất hay bắt gặp món bánh bèo. Cá nhân Hương thì không thích món này lắm nhưng vì nó rất phổ biến nên giới thiệu lại cho các bạn biết. Ở Đà Nẵng, bánh bèo, bánh ướt là món ăn dân dã rất quen thuộc của người dân ở đây, có thể ăn vào bất cứ lúc nào trong ngày, ăn thay bữa chính hay ăn vặt đều được cả.

Bánh bèo Đà Nẵng được phân biệt bởi hình dáng và cách ăn: Bánh bèo tai được sắp sẵn lên đĩa; bánh bèo chén thì được đúc sẵn trong bát con dẹt miệng mới rắc nhân lên. Nhân bánh bèo được làm từ tôm, thịt cá sau đó ướp gia vị và sấy khô trên than hồng cho không còn mùi tanh nên khi ăn chúng mình sẽ cảm nhận được vị bùi, béo, thơm của bánh. Có lẽ nước chấm là bí quyết tạo nên độ ngon của bánh. Nước mắm ăn kèm với bánh bèo ở Đà Nẵng được pha với tỏi bằm, ớt, nước nguội, chanh và đường, tạo vị chua ngọt dễ ăn.

Đến Đà Nẵng, các bạn có thể tìm thấy các quán bánh bèo ở bất kỳ khu chợ, con phố, ngõ hẻm nào trong thành phố. Thậm chí ngay tại khách sạn, bạn vẫn có thể thưởng thức các món ăn dân dã này, chiều chiều nghe tiếng “Bánh bèo, bánh ướt đây” của các chị gánh dạo thấy thật là dân dã, gần gũi.

Ăn bánh bèo ở đây nè!

  • Quán bà Bé: Số 100 Hoàng Văn Thụ, quận Hải Châu, Đà Nẵng, điện thoại: 0511 356 1002. Quán này nổi tiếng nhất Đà Nẵng về các món bánh bèo, nậm, lọc. Mỗi loại bánh sẽ có 1 kiểu nước chấm khác nhau và đều ngon cả. Giá cũng bèo, quán rộng và sạch, có đóng gói cho mình mang đi xa nữa.
  • Quán Tâm: Số 291 Nguyễn Chí Thanh, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Quán này có tiếng từ lâu rồi nhưng gần đây có vè không được phản hồi tích cực lắm, bán từ sáng sớm đến trưa rồi nghỉ, đến 2 giờ chiều lại bán tiếp. Quán đông, bánh bèo được làm tại chỗ nên có vẻ đảm bảo.
  • Quán Vân: Số 13A Thanh Tịnh, quận Liên Chiểu (trước đây là số 16 Nguyễn Như Hạnh). Quán bán từ 1 rưỡi chiều đến 6h là đã hết bánh. Quán bình dân nhưng rất đông khách, giá rẻ và nước chấm cực ngon.
  • Quán bánh bèo 37 Hàm Nghi, quận Hải Châu. Quán bán buổi sáng từ 6h00 – 9h30, thường thì bán cho người mang đi vì quán nhỏ, có vài ba cái bàn. Giá bánh có thể nói là rẻ nhất ở Đà Nẵng, có thể chọn nhân khô hoặc ướt tùy ý.
  • Quán bánh bèo bà Tiên: Số 164/1 Hoàng Diệu, quận Hải Châu. Quán bán cả ngày, từ 6h30 sáng – 8h30 tối, nhân bánh ngon, bà chủ quán dễ thương, nhiệt tình.

14. Tré Bà Đệ

Dân xứ Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng có một món ăn rất riêng, gọi là món ăn nhà nghèo nhưng lại được nhiều người ưa thích, đó là tré.

“Bà Đệ” là thương hiệu số 1 về tré tại Đà Nẵng và trên cả nước. Tên thật của bà là Đặng Thị Kim Liên, sinh năm 1922, tại thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế trong một gia đình thị dân nghèo cùng 1 em trai và 7 em gái. Bà lập nghề sản xuất tré, nem, chả từ năm 1956 đến 1990, rồi truyền nghề cho con gái đầu là bà Mai Thị Thu Thảo. Cơ sở tré của bà đã có được danh tiếng qua hàng chục năm.

Nếu nhìn qua tré Bà Đệ các bạn sẽ thấy giống món nem chạo ở một số nơi. Thành phần chính của tré là thịt vai, mông, ba chỉ và thêm chút da heo (điểm đặc biệt là tré Bà Đệ không dùng thịt thủ, tai, mũi heo như những nơi khác để làm). Thịt mông được rô ti cháy cạnh; thịt vai, ba chỉ, da luộc chín, thái mỏng trộn với tỏi, riềng, thính, mè, nước mắm… ủ 2 đến 3 ngày cho lên men rồi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh dùng trong 15 ngày. Tré ủ chín có mùi thơm của thịt, riềng và tỏi lên men rất hấp dẫn. Món tré ngon phải được gói bằng lá chuối có lót lá ổi (gần giống kiểu nem chua Thanh Hóa) để tăng độ thơm ngon, dậy mùi và hợp vị nữa.

Nếu muốn tăng thêm hương vị gia truyền của tré Bà Đệ, các bạn có thể cho một ít đu đủ, cà rốt thái sợi, củ kiệu… vào trong đĩa. Bóc vỏ ngoài rồi đặt tré vào giữa đĩa, sau đó xếp xen kẽ nem, chả, tương ớt, tỏi bóc vỏ, lạc rang, rau húng xung quanh miệng đĩa, bày tất cả lên mâm trông vừa ngon vừa đẹp lại mang đậm tính cổ truyền nữa.

Địa chỉ mua tré

  • Nem tré Bà Đệ: Số 81 Hải Phòng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Điện thoại: 0511 382 8067
  • Nem tré bà Cúc: Số 107 Hải Phòng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Điện thoại: 0511 389 1770
  • Nem – Chả – Tré: Số 96 Triệu Nữ Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng.

15. Bánh khô mè Cẩm Lệ

Làng Cẩm Lệ phường Khuê Trung, quận Hải Châu, Đà Nẵng có một thức đặc sản đã nức tiếng xa gần, một thứ quà ai biết đến vùng đất này cũng mong được một lần thưởng thức đó là bánh khô mè.

Như bao loại bánh truyền thống khác, bánh khô mè cũng được chế biến từ bột gạo, bột nếp. Khô mè Cẩm Lệ gồm hai loại: Khô nổ và khô mè đều có nguyên liệu chính là bột gạo nếp, chỉ khác lớp phủ bên ngoài. Bánh khô nổ được bọc bởi bột nếp, còn bánh khô mè phủ quanh là mè, nhìn quan thì giống như mè xửng Huế. Theo lời của thợ làm bánh lâu năm thì bánh khô mè là sự cải tiến của bánh khô nổ để phù hợp khẩu vị của người dân miền Nam – Bắc. Người có công lớn trong việc này là bà Liễu (tên thật là Huỳnh Thị Điểu) mà nhãn hiệu bánh khô mè “Bà Liễu” của bà bây giờ rất được ưa chuộng.

Để làm bánh khô mè Cẩm Lệ, ngoài bột gạo nếp còn có thêm đường non, mè, bột quế Trà My và gừng tươi ép lấy nước để tăng thêm vị thơm ngon. Nguyên liệu nghe có vẻ đơn giản nhưng muốn bánh đúng gu đất Quảng thì cần chế biến tỉ mỉ và phức tạp. Mè sau khi phơi khô sẽ được rang bằng than hoa đến khi vàng thơm rồi đem làm bánh. Còn gạo thì phải là gạo quê, sau khi ngâm khoảng 30 phút cho mềm rồi đem xay thành bột. Bột gạo phải được sàng cho mịn và tơi rồi mới đổ vào khuôn. Khuôn được đưa vào lò hấp từ 4 đến 5 phút để chín bột rồi được kê lên bếp than để nướng đến khi chín vàng.

Sự khác biệt của bánh khô mè với những loại bánh khác ở chỗ lớp nước đường bọc bên ngoài bánh sẽ được thắng với gừng tươi xay nhuyễn rồi mới nhúng bánh vào nên tạo ra vị thơm nồng dễ chịu. Bánh sau khi được nhúng nước đường sẽ được cho vào tô mè đã rang vàng phủ một lớp dày nhìn rất bắt mắt.
Bánh đạt yêu cầu khi bên trong ruột bánh xốp giòn, bên ngoài hơi dẻo, mè rang vàng đều mà không cháy, có mùi thơm đặc trưng. Cắn miếng khô mè và nhấp thêm ngụm trà nữa sẽ cảm nhận được vị ngọt rất thanh cùng mùi thơm tao nhã.

Địa chỉ mua bánh

  • Tại Cẩm Lệ: Bánh khô mè bà Liễu – Cơ sở sản xuất ở số 309 Ông Ích Đường hoặc lô 22 – 23 – D22, khu dân cư An Hòa, quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng. Điện thoại: 0511 384 6723 hoặc 0511 346 9198.
  • Tại Non Nước: Cơ sở Phương Minh – Số 668 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, Tp. Đà Nẵng. Điện thoại 0511 395 0070

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *