16 đặc sản Mộc Châu – Sơn La – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Mộc Châu nổi tiếng với những thảo nguyên xanh mát cùng những đàn bò sữa béo tròn, nơi tạo ra những dòng sữa ngọt ngào đầy dưỡng chất. Nếu có dịp đi qua Mộc Châu thì các bạn đừng quên mua về những sản phẩm từ sữa như sữa tươi, sữa chua, bánh sữa, kẹo sữa về làm quà cho người thân.

1. Sữa bò Mộc Châu

Điều đặc biệt là có dịp ghé thăm trang trại bò, nếu may mắn thì các bạn sẽ được thưởng thức sữa bò non – là lượt sữa đầu của bò mới sinh con, rất giàu dinh dưỡng.

Sữa tươi, nhất là sữa tươi nguyên chất có rất nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Điều thú vị là nếu các bạn được tận hưởng cảm giác của một người nông dân khi cho bò ăn, vắt sữa, đun sữa và thưởng thức ly sữa nóng vừa vắt thì các bạn sẽ có những kỷ niệm không thể quên với vùng đất Mộc Châu này. Sữa ấm uống buổi sáng rất tốt. Khi tiết trời còn se lạnh, chỉ cần cầm cốc sữa nóng trên tay, mùi thơm ngậy của sữa sẽ giúp các bạn thấy sảng khoái, tỉnh táo hơn.

Sữa chua rất tốt cho sức khỏe

Ngoài sữa tươi, sữa chua chắc chắn không thể thiếu trong danh sách những món nên thưởng thức khi bạn đến Mộc Châu. Từng ly sữa cho sẽ đem đến vị mát lạnh, chua ngọt nhưng không mất đi mùi vị thơm ngậy tự nhiên của sữa. Ngoài ra, Mộc Châu còn có nhiều sản phẩm bổ dưỡng khác từ sữa như bơ hoặc váng sữa, rất ngậy và thơm, ngon nhất là khi dùng kèm với bánh mỳ.

Một số lưu ý bảo quản sữa tươi:

Sau khi mua thì các bạn phải bảo quản trong tủ lạnh càng nhanh càng tốt. Sau khi lấy sữa ra uống thì các bạn phải đóng thật chặt nắp hộp sữa, tránh để sữa bị nhiễm khuẩn, sẽ nhanh bị hỏng và lên men chua. Thường thì các sản phẩm sữa tươi sẽ để được 3 ngày, còn sữa chua để được khoảng 1 tuần. Sau khoảng thời gian đó, hương vị và chất lượng của sữa sẽ không tốt nữa, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe.

2. Thịt trâu gác bếp Sơn La

Thịt trâu gác bếp là đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món ăn này được làm từ bắp của trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Trước đây, muốn thưởng thức thịt trâu gác bếp phải lên tận vùng cao để tìm, nay món ăn này đã trở nên phổ biến, các bạn có thể tìm mua ngay tại các cửa hàng đặc sản tại thủ đô. Nhưng có lẽ, muốn thưởng thức những thịt trâu gác bếp thơm ngon đúng vị thì phải mua của người vùng cao.

Để làm được thịt trâu gác bếp, người ta lọc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, hun bằng khói của than củi. Những miếng thịt trâu thành phẩm vẫn còn nguyên mùi khói song không hề gây khó chịu, chính cái mùi khói ấy mới làm nên hương vị thơm ngon độc đáo của món ăn. Ngoài ra, người làm dùng các loại gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén – hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc để khiến miếng thịt có hương vị đậm đà, hấp dẫn hơn.

Thưởng thức thịt trâu gác bếp kiểu hiện đại

Khi ăn, người ta xé nhỏ dọc theo thớ, ăn ngay hoặc làm đồ nhậu cùng với rượu ngô cũng rất ngon. Món ăn này được chế biến tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản nhưng vẫn để được khoảng một tháng. Người Thái thưởng thức món ăn này thay cho thức ăn mặn, trước đây họ làm để dự trữ vào mùa mưa, lũ hoặc những ngày giáp hạt, thiếu ăn. Còn ngày nay, thịt trâu gác bếp có thể trở thành món nướng hoặc ăn với lẩu tùy khẩu vị từng người.

3. Món chua Sơn La – Bắp cải cuốn nhót xanh

Trong dịp ghé qua nhà người thân ở Sơn La, mình được mời món nhót xanh cuốn cải – đặc sản độc đáo của vùng. Mới đầu mình cũng rất vất vả khi thưởng thức món ăn có đậm đà hương vị như thế này, vị chua gắt của nhót xanh, vị đắng của cải cùng sự cay nồng của chẳm chéo… có thể nói đây là một món không dễ ăn nếu được thưởng thức lần đầu. Nhưng càng ăn, mình càng cảm thấy thú vị và càng thấy ngon miệng, món này thường được dùng khai vị trước bữa ăn để kích thích vị giác.

Theo như mình được biết thì đây là một trong những món đặc trưng của người Thái ở Sơn La, nguyên liệu vườn nhà rất dễ kiếm. Đầu tiên, người ta chọn chùm nhót xanh vừa thành quả chưa lâu, để làm món ăn ngon thì quả nhót phải không quá non hay quá già, lớp phấn chỉ mới phủ trắng bề mặt. Quả nhót phải xanh, không quá mềm và chưa mọng nước thì độ chua mới thích hợp cho món cuốn.

Tiếp theo cần có bắp cải để cuốn cùng với nhót. Người ta chọn những bắp cải có lá vừa tầm, không già, không non, và vẫn còn trắng. Rau thơm ăn kèm gồm có lá tỏi, rau mùi cùng ít gừng thái lát. Quan trọng nhất là bát nước chấm chẳm chéo – sự hòa quyện của tỏi khô, (phải là tỏi Tây Bắc mới có mùi, vị cay đặc trưng), gừng, ớt, rau mùi, mắc khén, sả… tất cả giã nhuyễn, trộn chút nước mắm hoặc đôi khi chỉ là muối. Khi ăn, người ta bày tất cả nguyên liệu ra, cắt nhỏ rồi cuốn vào bắp cải, chấm vào chẳm chéo và từ từ thưởng thức.

4. Táo mèo Sơn La – đặc sản núi rừng Tây Bắc

Ở vùng Tây Bắc thường có nhiều táo mèo, loại quả có tác dụng giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp hạ mỡ máu, xuất huyết, bảo vệ gan, chống ung thư… và một số bệnh khác. Nếu các bạn đến Sơn La vào tầm tháng 9 đến tháng 10 thì các bạn sẽ mua được những trái táo mèo mới thu hoạch.

Cây táo mèo mọc tự nhiên trên các dãy núi cao từ 1500 – 2000m, đây là loại cây thân gỗ, tán rộng, mọc có khoảng cách chứ không tập trung. Cây táo mèo ra hoa vào mùa xuân và bắt đầu thu hoạch vào mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10 hàng năm. Cây mọc tự nhiên ở vùng cao như huyện Bắc Yên, huyện Mường La, huyện Thuận Châu của tỉnh Sơn La chứ không cần phải trồng trọt.

Trong Đông y, táo mèo có tên là Sơn Tra – một vị thuốc quý có thể phơi khô hoặc dùng tươi, được nhiều người ưa chuộng, có thể dùng để giải khát trong mùa hè. Với những ai khéo tay thì có thể chế biến chúng ra nhiều loại thức quà có giá trị và dễ thưởng thức như xi-rô, mứt, ô mai…

Quả táo mèo hái xuống có thể bảo quản trong điều kiện tự nhiên dài ngày. Nếu để ý kỹ thì các bạn sẽ thấy thông thường người ta ít chọn quả to, đẹp mà thường chọn quả nhỏ hay có sâu vì đó mới chính là những quả táo chín thơm và ngọt. Khi chín, ruột táo mèo có màu hồng trắng hoặc vàng trong, ngọt giòn và có mùi thơm hấp dẫn.

5. Rượu cần Sơn La

Nhắc đến ẩm thực vùng Tây Bắc, người ta không thể không nhắc đến cái tên “rượu cần”. Không giống các loại rượu thông thường, rượu cần được ủ trong một chiếc chum nhỏ dùng cho những buổi tiệc, lễ cưới, đón khách, hội múa xòe của người miền cao.

Để làm ra một chum rượu đạt chất lượng đặc trưng thì bà con nơi đây thường chọn chum gốm Mường Chanh (một sản phẩm nghề thủ công truyền thống của dân tộc Thái sinh sống ở xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn) để ủ. Không dễ để có được chum rượu cần ngon nếu không nhờ vào kinh nghiệm, tay nghề cao của người làm. Nguyên liệu dùng để làm rượu cần bao gồm gạo nếp, men lá, vỏ trấu, chum đựng.

Đầu tiên, gạo nếp đãi sạch ngâm trong một ngày rồi vớt ráo nước, trộn thêm một nửa vỏ trấu rửa sạch bỏ vào chõ xôi, lên cho chín hạt gạo, đổ ra mẹt rồi quạt hết khói cơm. Tiếp theo là rắc một lượng bột men nhất định, trộn đều bỏ vào chum sao cho vừa tới cổ chum. Dùng miếng lá chuối tươi gấp đôi vừa lọt miệng chum và tro bếp sạch thấm chút nước ốp kín mặt chum để mùi thơm của rượu được lưu giữa. Ủ rượu từ 7 – 10 hoặc 15 ngày tuỳ theo mùa, theo thời tiết là đã hoàn thành chum rượu cần.

Thưởng thức rượu cần cũng phải đúng kiểu. Trước hết là mở nắp chum rượu, đổ vào khoảng hai lít nước lọc, ủ khoảng một giờ đồng hồ, dùng ống cây trúc đục cắm sâu vào chum rượu để uống. Mỗi lần từ 5 – 6 người uống, mỗi người dùng một ống trúc để mút rượu. Rượu cần có vị ngon, ngọt nhẹ, ít say hơn các loại rượu nấu.

Đến với các bản du lịch cộng đồng ở Sơn La, các bạn có thể dễ dàng thưởng thức rượu cần. Có thể nói việc bà con xóm bản cùng nhau uống rượu cần là một nét đẹp văn hóa tại đây. Đặt một bình rượu cần bên đống lửa trại, hòa mình trong tiếng hát, nhạc điệu sập sình, cầm tay nhau múa xòe sẽ giúp bạn cảm nhận sự ấm cúng đoàn kết của bà con vùng Tây Bắc sau ngày làm việc vất vả.

6. Pa pỉnh tộp – Món cá nướng của người miền cao

Cũng trong lần đến nhà người quen ở Sơn La, mình được bác đãi món cá nướng với tên gọi rất thú vị: Pa pỉnh tộp – cá gập nướng. Không như cá nướng ở dưới đồng bằng, cá nướng ở đây thơm mùi mắc khén đặc trưng. Theo người dân kể lại, bà con dân tộc Thái có quan niệm khi đứa trẻ được sinh ra đã được người mẹ lấy đũa gắp miếng cá nướng chấm vào miệng đứa bé để chúng được hưởng miếng cá mà lớn khôn.

Để chế biến món pa pỉnh tộp, người ta cho ướp cá với khá nhiều các loại gia vị như  gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng, đặc biệt không thể thiếu mắc khén – loại hạt tiêu đặc trưng của vùng núi rừng Tây Bắc. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi chừng vài lạng là có thể chế biến được, đem mổ dọc sống lưng, để nguyên nội tạng, nhưng bỏ mật. Sau đó nhồi vào bụng cá các loại gia vị đã tẩm ướp vào cho ngấm đều rồi mới gập đôi lại, cho vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi.

Nướng cá cũng không hề đơn giản, người nướng phải làm thật khéo léo để cá chín, không ám khói mà vẫn giữ được hương vị tự nhiên của cá. Cá nướng không bị quá cháy cũng như quá khô, thịt cá dai mềm. Nhìn miếng cá chín vàng đều, tỏa mùi thơm cay của mắc khén mới hấp dẫn làm sao

7. Ngọt bùi khoai sọ mán Mộc Châu

Sở dĩ được gọi là khoai sọ mán bởi nó được trồng bởi người Dao, chỉ tại mảnh đất có người Dao sinh sống thì loại củ này mới phát triển tốt, ngon và nhiều bột. Về cơ bản, khoai sọ mán có nguồn gốc, hình thù, màu sắc không giống các loại khoai sọ khác. Theo nhiều người thì dù có ra chợ mua khoai giống về trồng cũng chẳng tạo củ; riêng người Dao ở vùng Mộc Châu mới trồng được, và chỉ người ở Chiềng Sại, Chiềng Chung… trồng khoai mới cho năng suất cao.

Khoai sọ mán không tròn, củ chỉ nhỏ như khoai bon và không có màu tím như khoai môn. Loại khoai này được liệt vào loại củ dị dạng bởi nó không có hình thù nào cố định để mà gọi tên. Các mầm củ đẻ ra lộn xộn thành những u, những mấu và to dần lên.

Có nhiều cách chế biến khoai sọ ngon. Sau khi gọt vỏ khoai sọ mán thì đem rửa sạch, thái miếng bằng bao diêm rồi bỏ vào trong nồi cơm vừa cạn nước hấp sao cho lúc cơm chín thì khoai cũng chín. Chấm miếng khoai nóng hổi với lạc vừng ăn rất ngon.

Một số người thích ăn chiên như khoai tây chiên; tuy nhiên, hấp dẫn nhất vẫn là xào qua khoai với mắm, muối, mì chính cho ngấm gia vị rồi hầm cùng xương. Khi khoai chín thì rắc thêm rau thơm: thì là, mùi tàu, hành và thưởng thức. Nhìn bát khoai sọ óng mỡ màu vàng được điểm thêm mấy cọng rau xanh thật hấp dẫn. Không chí có vậy, vị ngọt từ nước hầm xương hòa lẫn với vị bùi béo của khoai sẽ khiến những ngày đông giá lạnh trở nên ấm áp, ngọt ngào hơn.

Có thể mua khoai sọ mùa nào?

Người Tây Bắc thường thu hoạch khoai sọ vào mùa thu và mùa đông, nếu các bạn đến vào dịp này có thể tìm mua được những túi khoai sọ tươi ngon.

8. Món ngon Tây Bắc – Bê chao Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu với những thảo nguyên xanh tuyệt đẹp cùng không khí mát lành đã tạo điều kiện phát triển cho những đàn bò lấy sữa lớn nhất cả nước. Thông thường, bê cái sẽ được nuôi lớn để cho sữa, còn bê đực thì đem chế biến thành đặc sản bê chao Mộc Châu nổi tiếng. Nếu các bạn có dịp ghé qua Mộc Châu thì đừng quên thưởng thức món ăn này.

Để làm bê chao Mộc Châu ngon thì nguyên liệu chuẩn bị cần phải có là bê sữa khoảng một tuần tuổi, khi chưa ăn cỏ thì miếng thịt mới có vị thơm và mềm ngọt, bê già hơn tuổi thì sẽ không còn ngon nữa. Người ta có thể chế biến bê thành nhiều món như xào lăn, hấp sả, tái chanh tùy khẩu vị, tuy nhiên, bê chao là món ăn được chế biến đơn giản nhất mà vẫn thơm ngon, hấp dẫn. Nếu chế biến càng bớt cầu kỳ thì hương vị của món bê lại càng nguyên vẹn hơn.

Món bê chao muốn ngon thì bê phải chao trên lửa to (ngập dầu) để thịt không ngấm mỡ. Ngoài ra, món ăn còn dậy mùi thơm của gia vị, mùi cay nồng của gừng, sả và ớt. Bên cạnh đó, độ chín của thịt bê là yếu tố giúp cho món ăn ngon hơn, hấp dẫn hơn. Khi thịt bê chín tới thì gừng, sả cũng vàng ươm, dậy mùi thơm và không được khét, cháy.

Món ăn này phải thưởng thức lúc nóng mới ngon. Khi ăn, người ta trút thịt bê ra đĩa khi mỡ vẫn còn sôi trên những miếng thịt. Gắp một miếng rồi chấm vào bát tương sánh vàng, pha thêm chút gừng băm nhỏ là rất đúng điệu, ngoài ra các bạn có thể chấm vào muối chanh cũng rất ngon.

9. Lạ miệng với nộm da trâu vùng Sơn La

Thật không dễ dàng để có thể lấy được da trâu bởi trâu thường bị lọc toàn bộ da, chuyển cho các mối làm mặt trống. Người Thái ở Sơn La đã biến da trâu thành một món đặc sản không thể thiếu trong mâm cơm mỗi dịp đặc biệt, đó chính là món nộm da trâu. Rất may mắn là mình được bác đãi món này vì bác mới xin được da trâu. Mới đầu mình cũng thấy ngại khi nghe tên, nhưng khi thưởng thức rồi mới thấy cái hấp dẫn trong món ăn lạ kỳ này.

Người phụ nữ Thái không ngại khó khăn trong chuyện bếp núc, họ cẩn thận hơ da trâu qua lửa rồi ngâm với nước lã để làm mềm da trâu, nếu không da trâu sẽ rất dai và cứng, không ăn được. Khi đã đủ độ mềm thì họ dùng hết sức để thái mỏng miếng da dày đó bằng con dao thật sắc.

Thoạt nhìn, miếng da trâu đen xì, dày bịch sẽ dễ khiến các bạn cảm thấy ngán, nhưng qua vài công đoạn phức tạp thì miếng da trâu đó đã biến thành món ăn hấp dẫn. Từng miếng da trâu được thái mỏng tang, ăn giòn và rất ngon. Giống như nhiều món nộm khác của người Thái, nộm da trâu có thêm nhiều gia vị và rau thơm như lạc, mùi ta, mùi tàu, chút hạt mắc khén đặc trưng. Đặc biệt, để làm nên món nộm da trâu tuyệt vời này không thể không nhắc đến hương vị của nước măng chua, vị chua độc đáo này không thể được thay bởi chanh hay dấm thông thường. Nước măng chua phải ngâm bằng măng củ tươi, nước suối và các gia vị khác. Ngoài ra, măng cũng phải có thời gian tiết ra thứ nước chua thanh mát đúng điệu để có thể trộn nộm.

10. Món chấm miền Tây Bắc – Chẳm chéo Sơn La

Một trong những đặc sản đặc biệt của vùng Sơn La mang tên chẳm chéo – món chấm không thể thiếu trong bữa ăn bình thường cũng như bữa ăn đãi khách của người dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Nếu các bạn để ý thì hầu như món nào ở Sơn La, người ta cũng chấm với chẳm chéo.

Chẳm chéo chính là sự kết hợp của nhiều loại gia vị đặc trưng của núi rừng nên chúng có hương vị độc đáo khó bị nhầm lẫn với các loại món chấm khác. Về cơ bản, chẳm chéo được làm từ ớt khô hoặc tươi đem nướng cho thơm và giòn để lấy được vị cay đặc trưng, trong khi đó tỏi và mắc khén để lấy mùi thơm. Các thứ gia vị này đem giã chung với muối và mì chính sẽ cho bạn một bát chẳm chéo cơ bản, lạ miệng.

Từ bát chẳm chéo cơ bản, người ta có thể dễ dàng chế ra được các loại chéo khác cũng ngon miệng không kém như chéo cá (cá suối nhỏ nướng vàng, giã nhuyễn với bát chéo cơ bản, thích hợp khi dùng để chấm măng tre, măng vầu và rau luộc); chéo gan gà (gan gà hoặc gan vịt luộc chín, nướng qua cho thơm, thái chút lá chanh rồi giã với chéo cơ bản, cho nước luộc gà, vịt, đánh lên cho nhuyễn)… có vô cùng nhiều loại chéo được chế biến khác nhau. Có thể nói, chẳm chéo chính là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc, dường như có không thể thiếu trong bữa cơm thường ngày, nhất là những dịp có khách quý ghé thăm.

11. Khai vị món thịt muối chua Sơn La

Người Dao thường tiếp đãi khách đến chơi nhà bằng món thịt muối chua. Đây là sản phẩm ẩm thực truyền thống của người dân tộc Dao vùng Tây Bắc, nó thường được thưởng thức vào dịp lễ, Tết, cưới xin hay có khách quý đến nhà chơi. Nếu các bạn có qua Sơn La thì hãy ghé thăm bản làng người Dao để tìm hiểu về đời sống, nét sinh hoạt của họ và có dịp thưởng thức món ăn thú vị này.

Làm thịt muối chua không khó, nhưng phải mất nhiều thời gian, các nguyên liệu cơ bản để làm món ăn này là thịt lợn, muối tinh và cơm nguội. Lợn sau khi mổ sẽ chọn những miếng thịt cả nạc và mỡ, đem cắt thành từng miếng, dùng dao sắc khía thành từng phần (tránh làm đứt phần bì) rồi ướp muối, dùng tay chà xát mạnh cho muối ngấm sâu vào từng thớ thịt. Sau đó, dùng một lượng cơm nguội bóp đều vào từng miếng thịt để chúng sủi bọt rồi mới xếp vào chum.

Khi xếp thịt thì cần xếp đều, không để có khe hở, nếu không không khí sẽ vào làm hỏng thịt. Xếp đến gần miệng chum thì người làm phủ một lớp cơm nguội mỏng, rồi bịt kín miệng để không khí không len vào trong chum. Đặt chum thịt trên một chậu tro bếp để sau khi thịt ngấu, phần nước mỡ có thể trào ra và ngấm vào chậu tro bếp luôn. Ủ thịt muối chua cần ít nhất từ 6 tháng đến một năm thì thưởng thức mới ngon. Nghe có vẻ “sợ” nhưng đây là món ăn đặc sản của người Tây Bắc.

Khi thưởng thức, người ta dùng cật tre cắt từng miếng để thịt mỡ khỏi dính. Thịt càng ướp lâu năm càng săn lại, có độ giòn của thịt mỡ, độ dai sần sật của bì cùng hương vị thơm ngon của phần thịt nạc. Thịt chua thường được ăn kèm lá chát, lá lốt. Nếu các bạn có cơ hội đi du lịch trải nghiệm, chắc hẳn chỉ đến với các bản làng dân tộc Dao thì mới có những món ăn lạ như thịt lợn muối chua khoái khẩu.

12. Nậm pịa Sơn La – Món ngon chỉ để đãi khách quý

Nậm pịa là một món ăn rất lạ, nó được chế biến từ những nội tạng động vật như tiết bò hoặc tiết dê để đông, thêm vào đó là đuôi, dạ dày, cuống tim và chút thức ăn chưa tiêu hóa hết từ bên trong ruột non của con bò. Người Sơn La rất hiếu khách, chỉ khi có khách quý đến chơi mới mời món nậm pịa để tỏ lòng kính mến. Mình chưa có dịp thưởng thức món ăn lạ lùng này, nếu các bạn có dịp thưởng thức rồi thì cùng chia sẻ cho mọi người cùng biết nhé.

Trong tiếng Thái, “nậm” nghĩa là canh còn “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của bò, đó chính là phần thức ăn chưa được tiêu hóa hết của bò, và cũng là thành phần chủ đạo góp phần tạo nên hương vị độc đáo cho món ăn. Nậm pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La, đây là món ăn truyền thống có từ lâu đời.

Đầu tiên, người ta chọn đoạn ruột non thật ngon để lấy pịa, kế đến là ninh xương và lục phủ ngũ tạng để lấy nước, rồi họ đổ pịa vào (một số nơi còn cho thêm mật bò vào pịa nhằm tạo ra hương vị độc đáo nhất). Ruột non sau khi lấy thì buộc chặt hai đầu, cắt thành từng khúc, trộn rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu, các gia vị này đều được băm nhỏ rồi đun sôi cùng.

Người ta đun nồi pịa đến khi pịa sánh, sền sệt là được. Món ăn này thường dùng kèm với rau chuối và bạc hà. Nậm pịa múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, khi nếm thử thấy vị đắng cùng mùi hơi khó ngửi nếu các bạn chưa quen. Lần đầu tiên có thể bạn sẽ chưa dám ăn thử bởi món này khá khó ăn. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận về mùi và vị, thì bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm của các loại nguyên liệu hài hòa trong món ăn.

13. Đậm đà hương vị chè Tà Xùa xứ Sơn Lơn

Chè Tà Xùa xuất xứ từ xã Tà Xùa, cách huyện Bắc Yên, Sơn La khoảng 14km đường rừng núi cheo leo. Cây chè ở đây rất đặc biệt, có búp trắng cánh vàng, nó tạo ra một hương vị đặc trưng riêng mà không nơi nào có được. Ở độ cao trên 1.800m, cây chè khẳng khiu với lớp địa y bám đầy từ gốc đến thân, cành, làm cho lá to và dày với búp mập. Chè Tà Xùa đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững của các hộ gia đình người Mông nơi đây.

Khi pha trà, nước có màu nâu sẫm, chứ không xanh như trà Thái Nguyên. Chè Tà Xùa có hương thơm đặc trưng với vị đắng chát nhẹ và vị ngọt dường như còn đọng lại nơi đầu lưỡi khi các bạn nhấp từng ngụm trà. Vào những ngày nắng nóng, nếu các bạn được thưởng thức chén trà Tà Xùa thì dường như bao nhiêu mỏi mệt đều tiêu tan.

Chè Tà Xùa có lẽ đã gửi hương của mình nơi vùng đất này rồi, nếu đem cây chè tới trồng ở nơi khác thì không còn được hương vị đặc trưng của nó nữa. Tuy chỉ được pha trong một ấm trà nhỏ nhưng sau bốn, năm lần thêm nước, hương vị trà vẫn còn giữ nguyên, những búp trà nở bung nhưng vẫn đem đến từng chén trà đậm đà, trọn vị. Người miền cao có quan niệm chè Tà Xùa kén nước, nước suối của vùng pha chè mới ngon, nếu ở dưới xuôi thì phải là nước khoáng đun sôi mới hợp.

Nếu các bạn có dịp đến xe Tà Xùa, huyện Bắc Yên, Sơn La thì nhớ mua chút chè Tà Xùa về biếu người thân hay mang ra pha khi tiếp khách quý.

14. Đặc sản ốc đá suối Bàng miền Tây Bắc

Ốc đá suối Bàng xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa hàng năm ngoài Bắc. Khi thời tiết bắt đầu ẩm ướt thì loài ốc này thường bò ra để ăn lá cây. Các tháng còn lại thì chúng chỉ vùi mình trong những lớp lá dày đặc rụng bên dưới hoặc nằm im dưới đất, hầu như không thể thu hoạch được. Loại ốc đá đặc biệt này chỉ có ở những khu rừng rậm, nhiều cây cối, ẩm thấp.

Một trong những món chế biến từ ốc đơn giản, nhanh chóng và không cầu kỳ chính là món ốc luộc của người Sơn La. Tuy chế biến đơn giản, nhưng vị ngon ngọt của ốc đá đủ gây ấn tượng đến người ăn. Đầu tiên, ốc rửa sạch, không cần hấp cùng lá chanh hay gừng và sả, chỉ cần hấp không cũng ngon. Nước chấm thì chỉ cần cho vài lát ớt xanh đỏ là đủ, có thể chấm với chẳm chéo cũng rất ngon. Khều từng con ốc đá béo ngậy ra chấm qua tí nước chấm rồi bỏ vào miệng và từ từ thưởng thức vị giòn, vị ngọt từ thịt ốc hài hòa cùng ngũ vị của nước chấm. Đặc biệt khi thưởng thức ốc đá, các bạn nên nhai chậm và nhai kỹ mới cảm nhận được trọn vẹn vị mát lành, thơm độc đáo chất chứa bên trong.

Ngoài ốc luộc, người ta còn có thể chế biến ốc đá thành nhiều món khác như nấu canh cũng rất ngon. Ốc luộc xong, khêu thịt ốc ra nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua. Một số người cầu kỳ hơn thì có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị như lá mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Vào những ngày hè, được thưởng thức bát canh chua ốc đá là tuyệt vời nhất.

Nếu các bạn đã đến suối Bàng thăm hang Ma, thăm làng văn hóa của người Mường, thì nhớ đừng quên thưởng thức món ốc đặc sản núi đá này nhé.

15. Canh mọ của người Khơ Mú

Các món ăn dân tộc ở Sơn La nói chung và của người Khơ Mú nói riêng hầu hết nguyên liệu được lấy từ cây rừng, ao vườn, ruộng đồng do những bàn tay khéo léo của các bà nội trợ chế biến thành món ăn đặc sản thơm ngon. Trong đó, món canh mọ không thể thiếu vào ngày tết Mạz chiêng truyền thống.

Canh mọ được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô băm nhỏ trộn với hoa chuối, các loại rau thơm, ớt chỉ thiên, mắc khén, tấm gạo nếp cho vào ống tre, bương bánh tẻ, đổ nước vào đem đốt (như đốt cơm lam). Khi sôi lấy que tre vót nhọn sọc liên tục đến khi nhuyễn. Khi đổ ra bát thấy sền sệt, sánh là ăn được, người ta thường dùng xôi nếp nắm chấm quệt ăn rất thơm ngon.

Ngoài ra, người Thái cũng thường làm món mọ gà, được chế biến từ cổ, cánh, bộ lòng mề gà băm nhỏ, ngoài ra còn có các loại gia vị đặc trưng như mắc khén, ớt khô, củ sả giã nhỏ, bột gạo nếp trộn với nhau cho vào lá chuối túm lại bỏ vào chõ xôi. Khi chín, ta có một món canh đặc sánh, sền sệt, ăn với xôi hoặc cơm lam cũng rất hấp dẫn.

Bên cạnh đó, tô điểm trên mâm cỗ ngày tết của người Khơ Mú còn có đầy đủ các món ngon truyền thống như: món A cơ nẹp – món thịt lợn băm nhỏ lẫn gia vị hạt xẻn, gừng, hành, nhiều loại rau thơm, ớt tươi… tất cả đem gói lá dong, rồi nướng trên than hồng; món a lăm bót – món toàn xương sụn băm nhỏ lẫn với các loại gia vị giống món a cơ nẹp, rồi nhồi vào ống nứa, lam nướng trên than hồng; món Or cun – giống như một món súp, nấu lẫn các loại rau quả bí non, rau bon, ớt non, bì trâu, thịt chim, thịt sóc, cá, thịt nai, gạo tấm, tất cả cho vào ống nứa đem lam chín, sau đó được đem ra ăn với các loại rau thơm, rau cải non và các loại rau sống; món lạ sơ rạ – món rau gai thối được xôi chín ăn với cá nướng.

16. Ngọt bùi cơm lam Sơn La

Trong những món đặc sản vùng cao tại Sơn La, mình thích nhất là cơm lam, ăn vừa thơm vừa bùi, lại no lâu nữa. Cơm lam muốn ngon phải được chế biến từ gạo nương, nếu chọn được gạo cẩm và nếp cái hoa vàng sau khi thu hoạch thì cơm lam sẽ ngon nhất. Khi chế biến, người ta cho thêm một chút muối, gừng được ngâm ủ qua đêm vào gạo, đãi sạch rồi đổ vào ống tre, thêm chút nước và nút lại bằng lá chuối, cho lên bếp lửa đốt

Khi thưởng thức, chỉ cần khéo léo, nhẹ nhàng tách từng phần tre bó chặt vào từng cây cơm trắng nõn. Mùi thơm của gạo nếp nương mới hòa quyện cùng chút hương vị của tre, của khói bếp khiến cho món ăn này mang đậm hương vị của núi rừng. Có lẽ chính hương vị ấy khiến cho cơm lam trở nên khác biệt so với các loại cơm nếp thông thường khác.

Tùy thuộc sở thích của mỗi người mà chọn gia vị chấm cơm lam, có thể là muối vừng hay chẩm chéo (một loại nước chấm được làm từ các loại rau thơm của người dân tộc) – mình sẽ giới thiệu chẩm chéo ở bài viết sau. Cá nhân mình thấy chẩm chéo rất là độc đáo nhưng mình thích chấm với muối vừng hơn, ăn vừa thơm vừa bùi. Nếu các bạn có dịp ghé qua Sơn La thì nhớ mua chút cơm lam và muối vừng để ăn dần khi đói nhé.

Mua cơm lam Sơn La ở đâu ngon?

  • Nhà hàng 64: Tiểu khu Chiềng Di, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La (nắm trên đường quốc lộ 6, cách ngã ba thị trấn 5 – 7km)
  • Nhà hàng Thảo Nguyên: Thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
  • Nhà hàng Lộc Rừng: Tiểu khu Chiềng Di, Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
  • Nhà hàng Phong Lan: Tiểu khu 14, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
  • Nhà hàng Phương Nga: Tiểu khu 13, thị trấn Mộc Châu, tỉnh Sơn La.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *