Đặc sản Quảng Ninh rất phong phú, có thể kể đến như: cà sáy Tiên Yên, chả mực Hạ Long, bánh gật gù, bún xào ngán, … luôn hấp dẫn biết bao nhiêu du khách phương xa khi một lần được nếm thử.
Tại bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn các đặc sản ngon và nổi tiếng nhất của Quảng Ninh.
Phụ lục
1. Bún xào Ngán
Ngán là loài động vật nhuyễn thể, có vỏ cứng, sống nơi bùn đất, người ta có thể chế biến ngán thành nhiều món ăn trong đó có món bún xào ngán.
Lần đầu tiên nhìn thấy, tôi không mấy ấn tượng lắm với món bún xào ngán này, bởi màu sắc không được bắt mắt cho lắm. Đặc biệt hơn nếu lần đầu ăn ngán, các bạn sẽ cảm thấy hơi khó ăn bởi vị nồng đặc trưng của ngán. Nhưng nếu đã ăn quen thì chắc chắn rằng đây sẽ là món ăn cực kỳ đặc biệt, không lẫn với bất cứ món ăn nào.
Bún được gỡ tơi, để sẵn trong một đĩa to sâu lòng. Ngán thì được người bán hàng dùng dao bổ tách vỏ, hứng lấy nước bên trong, gạt thịt ngán vào luôn trong bát nước. Tuy nhiên, tùy lượng ngán để cho bún nhiều hay ít. Thịt ngán lấy đủ vào bát, dùng tay đẩy sạch bùn cặn, rồi vớt ra cho lên thớt để thái nhỏ. Bát nước ngán để lắng cặn, gạn sang một cái bát khác rồi để riêng. Các loại mộc nhĩ, nấm hương đem ngâm rửa sạch, thái chỉ, nhỏ. Hành hoa cắt khúc dài chừng đốt ngón tay…
Sau đó đổ thịt ngán vào bún, cho vừa bột canh, mỳ chính rồi trộn đều. Bắc chảo lên bếp, cho dầu hoặc mỡ nóng già, đổ hành hoa vào phi thơm, cho bún ngán đã trộn đều vào xào. Xáo được một lúc thì đổ tiếp mộc nhĩ, nấm hương vào xào lẫn cùng cho tới gần chín thì rưới một ít nước ngán (đã được để riêng) vào, đảo đều tới khi mọi thứ chín hẳn thì bắc ra rắc hạt tiêu, ăn ngay khi nóng.
Cũng với cách chế biến món bún ngán xào, người ta có thể thay bún bằng miến để làm món miến ngán hấp cũng có vị ngon riêng biệt.
Ăn bún xào ngán ở đâu?
Nhà hàng Cua Vàng: tổ 9, khu 9, Bãi Cháy, Quảng Ninh.
2. Tôm hấp
Được thưởng thức nhiều loại hải sản đắt tiền nhưng chỉ duy nhất có tôm hùm – vua của các loài tôm là món ăn ai cũng thích trong mỗi chuyến đi.
Tôm hùm là một loài có vỏ cứng, đôi càng to khoẻ. Vỏ tôm hùm thường được dùng làm vật trang trí trong các khách sạn, nhà hàng… Từ tôm hùm, người ta có hai cách chế biến, đó là tôm hấp và tôm tẩm bột rán, trong đó tôi thích nhất là món tôm hấp vì khi chế biến nó vẫn giữ được hương vị đậm đà của biển.
Khi ăn tôm hấp, đầu tiên là bóc vỏ đầu tôm trước. Trong phần đầu tôm có lớp gạch màu vàng sánh ăn rất ngậy nên nếu các bạn không ăn được chất béo thì nên bỏ qua gạch tôm tránh bị lợ. Còn nếu có thể ăn chất béo được thì chắc chắn gạch tôm sẽ khiến các bạn cảm thấy rất hấp dẫn đấy.
Tôm sau khi bóc hết lớp vỏ cứng sẽ là phần thịt tôm trắng hồng, từng thớ chắc nịch, ăn kèm với hành trần, rau thơm, chấm với muối tiêu hoặc mắm ớt, nhưng ngon nhất là chấm với nước mắm Đại Yên, Cái Rồng có nêm ớt.
Tôm hấp là món ăn vừa ngon vừa bổ. Chỉ cần được chế biến, sắp đặt khéo léo trên bàn tiệc là chúng sẽ trở thành một món ăn có giá trị dinh dưỡng và giá trị thẩm mỹ cao. Vì lẽ đó, tôm hấp được xếp vào hàng đệ nhất đặc sản biển Hạ Long và giá cũng tương đối đắt.
3. Gà đồi Tiên Yên
Quảng Ninh quê tôi không chỉ là vùng đất với nhiều món hải sản tươi ngon, mà nơi đây còn có nhiều món đặc sản hấp dẫn khác, trong đó có món gà đồi Tiên Yên, chẳng thế mà người xưa có câu ngạn ngữ: “Lợn Móng Cái – Gái Đầm Hà – Gà Tiên Yên” nổi tiếng.
Gà Tiên Yên là một giống gà đồi, được nuôi thả rong, lang thang trên các triền đồi tự kiếm ăn từ các loại trùng, dế, kiến, mối… Chỉ đến khi nào chiều xuống, về vườn chúng mới bay lên ngủ trên các cành cây. Vì thế thịt gà Tiên Yên ngọt thơm một cách đặc biệt, săn chắc mà không dai; béo mà không ngậy. Một số nơi còn gọi giống gà này là “gà râu”, bởi dưới mỏ những con mái thường có túm lông dài.
Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến thành nhiều món, nhưng tôi khoái nhất là món luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc, da có màu vàng ươm và bóng nhẫy. Da chúng không chỉ vàng mọng mà còn rất dày, nhìn tưởng béo nhưng khi ăn các bạn sẽ thấy nó rất giòn và ngọt. Ăn kèm với thịt gà là món bánh gật gù (thứ bánh được làm từ bột gạo, tráng mỏng rồi cuộn lại thành từng cuộn) chấm nước chấm được pha từ mỡ gà rán hòa với nước mắm cốt, hành khô, tỏi, ớt…
Ngoài món gà đồi Tiên Yên khi đến đây, các bạn còn có dịp thưởng thức thêm nhiều món ăn đặc sắc khác như bánh gật gù và bò lúc lắc. Nếu bạn đến Tiên Yên, đừng quên tìm ăn những món ngon đặc biệt này nhé.
Địa chỉ: Thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.
4. Măng trúc Yên Tử
Yên Tử không chỉ nổi tiếng là vùng đất Phật mà nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản măng trúc, mỗi dịp lễ hội Yên Tử, tôi lại mua măng trúc về chế biến thành nhiều món khác nhau như nướng, xào với thịt dê hoặc muối với ớt tươi.
Măng trúc Yên Tử hình dáng bên ngoài thon nhỏ nhưng rất chắc. Măng mua về thái thành từng lát nhỏ hoặc cắt ra từng khúc ngắn chừng hai đốt ngón tay, bổ dọc, rửa sạch rồi xào chín với thịt dê hoặc thịt bê. Gia vị cho món ăn này chỉ cần vài cọng cần tây, hành tươi và chút hạt tiêu. Nhiều loại măng có thể chế biến được món ăn này nhưng chắc chắn không thể ngon và ngọt được như măng trúc Yên Tử.
Điều tôi khoái nhất ở món măng trúc này, chính là khi nấu chín thì loại măng này hầu như không còn mùi hăng của măng tươi, và cũng không có vị đắng như nhiều các loại măng khác. Ngoài món xào, mẹ tôi còn chế biến thành những món khác như để nguyên bẹ, nhúng vào nước sôi rồi nướng trên than hoa cho đến khi bẹ măng cháy xém, sau đó chấm với muối vừng là ăn cũng đủ thấy ngon rồi.
Tuy nhiên, măng Yên Tử, không phải mùa nào cũng có, vì vậy nhiều khi về Yên Tử nhưng chưa chắc các bạn đã được thưởng thức món đặc sản thơm ngon này.
Hướng dẫn cách chọn măng trúc tươi
Măng trúc thường nhỏ hơn các loại măng khác, chỉ to bằng ngón tay, măng rộ nhất vào tháng 2 âm lịch. Ở Yên Tử, có những hàng bán măng to hơn nhưng không phải măng trúc mà loại này là măng đắng. Khi chọn măng, các bạn nên bấm thử ở lõi măng (măng đắng thì bấm bên ngoài ngọt nhưng bên trong đắng).
5. Cá thu kho nước chè tươi
Biết tôi thích ăn cá thu kho nước chè nên cứ mỗi lần về thăm nhà, mẹ lại cặm cụi chuẩn bị nồi cá kho cho tôi. Cá thu ở Hạ Long được xếp vào nhóm cá biển đặc sản thuộc vào hàng tứ phẩm “chim, thu, nhụ, đé”, cá thu cũng có rất nhiều loại như cá thu tròn, cá thu máu và cá thu bè nhưng để kho nước chè thì cá thu tròn ngon hơn cả.
Cá thu tròn thường được bán tại các chợ Quảng Ninh nhưng có lẽ nhiều nhất là ở chợ Hạ Long, mỗi lần đi chợ với mẹ, mẹ thường chọn cá thu to khoảng 5 – 6 lạng/ con, mẹ bảo mua loại này về nấu mới ngon. Cá được mua về làm sạch, cắt thành khúc, để ráo nước. Bí quyết nấu món cá kho của mẹ còn có thêm miếng thịt ba chỉ và lớp mía chẻ xếp ở đáy nồi, sau đó xếp thịt ba chỉ bên trên, cuối cùng là xếp những miếng cá thu đã được hơ trên lửa cho nhỏ hết nước tanh, cứ thế xếp lần lượt một lớp cá một lớp thịt cho đến hết, mẹ bảo làm như vậy cái béo từ thịt mỡ ngấm vào miếng cá thu sẽ không bị khô mà càng thêm bùi, béo. Sau đó rưới thêm chút nước hàng, nước mắm và chút muối; đun đến khi nồi cá sôi bốc hơi thì đổ nước chè tươi sao cho ngập mặt cá; đậy vung đun nhỏ lửa vài tiếng hoặc đến lúc nước cạn hết, miếng cá săn lại thì mẹ nhanh tay rắc ít tiêu bột vào.
Miếng cá vừa mềm, vừa béo ngậy, mằn mặn thêm chút ngọt thơm của mía và nước chè thấm đẫm hương vị quê hương thật hấp dẫn. Bữa nào có cá thu kho nước chè là tôi lại ăn vèo mấy bát, vét đến miếng cháy cuối cùng mà vẫn thấy thòm thèm.
6. Cá ba gai
Ở Hạ Long có nhiều loại cá biển dùng để om riềng mẻ như cá ghim, cá đuối… trong đó có cá ba gai là ngon và thơm nhất. Đây là loại cá da trơn, nhiều nhớt và tanh vì thế khi chế biến, người ta thường phải cạo rửa thật sạch nhớt rồi để ráo. Gia vị dùng để nấu món cá ba gai om riềng mẻ bao gồm riềng, mẻ, mắm tôm, ớt bột hoặc hạt tiêu, bột canh và mì chính. Sau khi cá ướp xong thì để khoảng 20 phút cho ngấm gia vị rồi đặt nồi cá lên bếp đun nhỏ lửa, đến khi sôi thì trở đều miếng cá qua lại cho gia vị ngấm đều hai mặt. Nếu nồi cá bị khô thì chế thêm chút nước sôi, khi cá chín thì rắc thêm chút hành hoa thái nhỏ. Cá ba gai nên ăn nóng, có thể ăn kèm với rau thơm, bún.
Ngoài món cá om riềng mẻ, cá ba gai còn có thể kho, phơi khô hoặc nấu canh cũng rất ngon. Cá chế biến cũng rất đơn giản, cá làm sạch, tẩy mùi tanh bằng nước gừng pha với rượu trắng rồi xả nước để ráo. Cách chế biến cũng gần giống các loại cá khác như nấu riêng cá, nấu lẫn với dọc mùng, hoặc nấu với chuối xanh… sau đó thêm hành hoa và tía tô, chế đủ nước dùng để chan bún, ăn lúc nóng.
Lưu ý: Những người cao tuổi, người cao huyết áp và người thể trạng yếu khi ăn cá ba gai thì phải đặc biệt chú ý, vì cá ba gai có độ đạm rất cao.
Cá ba gai được bày bán nhiều ở chợ Hạ Long (ở đâu?), nếu muốn mua về làm quà, các bạn có thể ra đây chọn. Cá ba gai có hai loại: cá ba gai thịt trắng và ba gai thịt vàng, trong đó thịt vàng ăn ngon nhất. Để phân biệt hai loại cá này, các bạn nhớ để ý màu sắc của chúng nhé: cá thịt vàng thì da phớt trắng và có ánh vàng, còn cá thịt trắng thì da hơi sẫm màu và không có ánh vàng.
7. Sá sùng Quảng Ninh
Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại trùn biển, tên khác là sái sùng (hoặc phổ biến nhất là cách gọi sá sùng) hay sâu cát. Con sá sùng có màu nâu đỏ, nhìn qua giống như con trùn đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và đặc biệt trong ruột chứa toàn cát.
Sá sùng sinh sống trong hang sâu dưới cát, có nhiều ở vùng bờ biển huyện đảo Vân Hải, nhất là các xã Minh Châu, Quan Lạn. Theo quan niệm Đông y, sá sùng có vị ngọt, tính mát, bổ dương khí.
Trước kia, người ta sử dụng sá sùng trong chế biến các loại nước dùng làm phở, hủ tíu, bún giúp cho nồi nước có hương vị đậm đà hơn. Còn ngày nay, sá sùng rất đắt và chủ yếu xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng hải sản.
Chế biến sá sùng không đơn giản, người ta phải lộn nó ra và chà xát thật kỹ với muối cho hết cát và mùi tanh, sau đó đem rửa nhiều lần cho đến khi chúng có màu trắng hồng.
Sá sùng tươi dùng để chế biến các món như xào chua ngọt, chiên, nướng, làm gỏi bóp chanh. Sá sùng khô thì đem rang lên, đến khi chín sẽ có màu vàng, mùi thơm nồng, sá sùng càng nhai kỹ sẽ càng thấy ngọt. Đến vùng biển Quảng Ninh, nếu có điều kiện hay may mắn thấy món này thì các bạn hãy thử một lần xem sao nhé.
Mua sá sùng ở đâu?
Các bạn có thể mua sá sùng ở chợ Hạ Long hoặc ra đảo Quan Lạn.
8. Tôm khô bóc nõn
Nếu nói về giống tôm ở biển thì có rất nhiều loại, nhưng có thể để được lâu thì món tôm khô bóc nõn là món ăn ưa thích với những người “sống không gần biển” như tôi. Những con tôm khô cong, thịt dai, bùi, ngọt dùng để nấu canh bầu bí, rau ngót, mùng tơi… thì cứ gọi là trên cả tuyệt vời.
Đi tham quan chợ Hạ Long, tôi thấy tôm khô bóc nõn được bày bán nhiều và có giá khá cao. Đặc biệt hơn, nó còn trở thành một “giải pháp nhanh” cho những ai muốn chế biến nhiều món ăn mà lại bận việc, ngại đi chợ hay không có thời gian đi chợ.
Ở Quảng Ninh, có một món ăn đặc trưng mà sử dụng nón tôm khô làm nhân chính là món chả nem. Nhân tôm khô băm nhỏ trộn lẫn giúp tăng độ ngon lên nhiều. Một vài hàng quán bánh cuốn trong vùng cũng dùng nhân bánh là nõn tôm khô chao dầu. Ngoài ra, còn có món cháo trắng, húp nguội kèm với tôm khô bóc nõn rim hay rang mặn thì phải nói là kỳ thú. Đến du lịch Hạ Long, các bạn đừng quên mua chút tôm khô bóc nõn về làm quà nhé!
Cách chọn mua tôm khô bóc nõn
Khi chọn tôm khô các bạn nên chọn những con có màu đỏ tươi tự nhiên, thịt săn chắc, ngửi không có mùi tanh nồng. Nếu tôm khô có màu đỏ nhạt hoặc đỏ sẫm là tôm để lâu ngày hoặc đã được hấp chín mới bóc vỏ đem phơi. Ngoài ra, các bạn nên quan sát kỹ tôm nõn khô để tránh mua phải loại tôm lẫn nhiều cát, sạn.
9. Rươi Đông Triều
Lần đầu tiên nhìn thấy những con rươi xanh xanh, hồng hồng nhơn nhớt trông như con rết ở chợ Cột (Đông Triều), tôi thấy nó vừa sợ vừa ghê thế mà con bạn nó cứ khen là ngon lắm, nhưng khi nếm thử món chả rươi thì cảm giác sợ ban đầu đã biến mất hoàn toàn.
Nghe nói rươi thuộc bộ giun đốt, nhiều lông tơ, sống tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ, mỗi năm chỉ xuất hiện có vài ngày, thường là vào ngày 20 tháng chín và mùng 5 tháng mười âm lịch, chúng nổi lên, di chuyển theo dòng nước.
Rươi Đông Triều có thể chế biến thành nhiều món, nhưng ngon nhất là chả rươi. Những con rươi còn sống được rửa qua bằng nước lạnh, sau đó rửa lại bằng nước nóng già, cho lông rươi và rác bẩn rụng hết, rồi giội qua nước lạnh và chờ rươi ráo nước. Sau đó cho rươi cùng thịt lợn băm nhuyễn, trứng, hành, thì là, gia vị và một ít vỏ quýt vào bát để trộn đều. Khi khuấy phải đánh trứng và thịt trước, sau đó mới đánh đến rươi, khi đảo phải đánh nhẹ tay, tránh cho rươi bị vỡ sẽ mất ngon. Sau khi đánh xong, rươi được đem đi rán.
Bắc chảo lên bếp, cho mỡ vào đun nóng già rồi múc một muôi rươi đổ vào chảo láng đều. Chẳng mấy chốc, miếng rươi chín vàng ươm, thơm nức mũi. Gắp miếng chả rươi, nhìn những con dài ngoằng, còn rõ cả chân, tôi vẫn thấy ghê, nhưng sau khi con bạn quảng cáo nhiều quá. Đành nhắm mắt cắn một miếng, đúng là không sai, chả rươi ngon, bùi, béo và thơm nữa chứ.
Ngoài rươi rán, người dân nơi đây còn chế biến thành món chả rươi nướng, rươi xào củ niễng, canh rươi, mắm rươi. Đặc biệt, mắm rươi rất ngon, dùng để chấm thịt ba chỉ thì tuyệt vời. Hoặc nếu cần thì có thể chưng thứ mắm ấy lên cùng với chút hành hoa, ăn với cơm nóng thôi cũng không biết chán.
Cứ đến mùa rươi, nếu các bạn có dịp đi Quảng Ninh, hãy dừng xe lại thưởng thức một bữa ăn ở đó, chỉ là để thưởng thức chả rươi ở nhà hàng thôi là cũng đã đủ cảm thấy ẩm thực nơi đây vô cùng phong phú, độc đáo rồi.
Lưu ý khi ăn rươi
-
- Rươi cũng như một số hải sản khác có chứa histamin gây dị ứng, nếu ai có tiền sử bệnh dị ứng hải sản thì nên tránh ăn rươi. Nếu đã ngộ độc rươi một lần, thì không nên thử lần hai vì lần sau bao giờ cũng nặng và nguy hiểm hơn lần trước.
- Khi chế biến rươi, nên cho thêm chút vỏ quýt để tốt cho đường tiêu hóa.
- Nên ăn rươi còn tươi, không nên ăn rươi đã chết, vì khi rươi chết các chất đạm bị phân hủy tạo ra độc tố gây hại cho sức khỏe.
- Rươi giàu đạm có thể gây khó tiêu, chướng bụng, không có lợi cho tiêu hóa nên không tốt cho các bà bầu.
10. Rượu mơ Yên Tử
Danh thắng Yên Tử không chỉ được biết đến với phong cảnh đẹp, linh thiêng mà còn nổi tiếng với loại rượu được chế biến từ những quả mơ trồng nơi đây.
Vào tháng 3 và tháng 4, khi mơ chín rộ cây, người ta lựa những quả mơ lông mượt, chín vàng đều, mùi thơm lựng, rửa sạch, đem chế biến bằng phương pháp lên men. Tùy theo mỗi vùng mà công thức pha chế rượu mơ thành phẩm khác nhau.
Rượu mơ Yên Tử ngon có vị ngọt dịu và thơm, rất dễ uống, phù hợp với khẩu vị của nhiều lứa tuổi. Ngoài ra, rượu mơ còn có nhiều tác dụng rất tốt đối với sức khỏe như: kích thích tiêu hóa giúp ăn ngon miệng, điều trị bệnh đường ruột, giảm lo âu và an thần, chữa mất ngủ, và giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Còn gì tuyệt vời hơn khi vừa được thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ, nên thơ của chốn non thiêng Yên Tử, lại vừa được dịp thưởng thức chén rượu vàng sóng sánh với hương vị nồng ấm, men say ngây ngất.
Địa chỉ tham khảo: Nhà máy bia Thăng Long: Yên Thanh, Tp. Uông Bí, Quảng Ninh.
11. Tu hài nướng mỡ hành
Tu hài là một loại hải sản quý hiếm, nghe nói nó còn rất bổ nữa, sống nhiều ở vùng biển các tỉnh như Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa… Nhìn bề ngoài nó cũng giống như loài trai, tuy nhiên tu hài có một chiếc vòi dài bên ngoài như vòi voi, có lẽ vì như vậy nên người ta còn gọi là ốc vòi voi.
Tu hài có thể chế biến thành nhiều món như nấu cháo, luộc, hấp… tuy nhiên tôi thấy tu hài nướng mỡ hành là ngon hơn cả.
Tu hài vừa bắt về được đầu bếp đánh rửa sạch, tách vỏ lấy thịt đem rửa sạch cho hết bùn, cát, rồi ướp với các loại gia vị cho vừa ăn. Phần vỏ tu hài sau khi tách ra thì rửa sạch, ngâm qua nước sôi cho bớt vị mặn để khi thịt tu hài chín thì cho vào vỏ.
Sau khi thịt tu hài ngấm đều gia vị thì đem nướng trên bếp than hồng, trở đều tay để thịt chín đều và không bị cháy. Khi nướng chín, cho phần thịt vào lại trong vỏ, rưới mỡ hành lên và cho lại lên bếp nướng sơ qua là ăn được. Món này phải ăn nóng mới ngon, thịt tu hài giòn ngọt và thơm, ăn kèm với nước chấm muối ớt xanh rất đậm đà.
Nói không quá, nếu các bạn đã một lần thưởng thức thịt tu hài chắc chắn sẽ không quên được hương vị đặc trưng của nó và sẽ muốn được thưởng thức thêm lần nữa đấy.
Ăn tu hài nướng mỡ hành ở đâu?
-
-
- “Siêu thị ốc” khu vực chợ Cái Dầm. Các quán ở đây có rất nhiều loại hải sản cho các bạn lựa chọn. Quán rất đông khách nhất là buổi tối, giá cả hợp lý.
- Các quán ở ngã ba đường Hạ Long và Vườn Đào (gần Bưu điện). Các quán ở đây cũng có nhiều loại hải sản, tuy nhiên quán hay phục vụ khách du lịch nên giá cả không phải là rẻ.
-
12. Bánh gật gù Tiên Yên
Đến Quảng Ninh, tôi không chỉ được thưởng thức các món ăn được chế biến từ hải sản mà còn được thưởng thức loại bánh dân dã và độc đáo với cái tên kỳ lạ – bánh gật gù.
Bánh gật gù là một đặc sản có nguồn gốc từ thị trấn Tiên Yên (Quảng Ninh). Nguyên liệu làm bánh gật gù gần giống với bánh phở nên những người làm bánh phở thường làm luôn cả loại bánh này. Tuy nhiên theo cô bán hàng bật mí thì bí quyết của bánh gật gù là khi xay gạo, sẽ cho thêm một ít cơm nguội, bánh sẽ mềm và dẻo hơn.
Sau khi pha bột, người ta tiến hành tráng bánh, múc lượng bột vừa phải đổ lên khuôn dàn bột thành hình vòng tròn dày hơn bánh cuốn, mỏng hơn bánh đa, đậy nắp lại chờ khi bánh chín sẽ nở phồng lên, dùng một thanh tre lấy bánh ra cuốn thành cuộn dài.
Lúc đầu nhìn thấy đĩa bánh gật gù, tôi cứ nghĩ nó là phở cuốn, nhưng khi ăn nó khác hẳn. Bởi phở cuốn thì có nhân thịt và rau thơm cuộn lại, còn bánh gật gù thì không có nhân và chấm kèm nước chấm pha chế đặc biệt từ nước mắm ngon chưng với hành khô, ớt tươi và mỡ gà, ăn cùng thịt kho Tàu. Bánh mềm, mát, dẻo, có độ ngậy của thịt kho, đậm đà của mắm và thơm mùi hành khô.
Ăn bánh gật gù ở đâu
Bánh gật gù nổi tiếng nhất nhất là ở Tiên Yên. Tuy nhiên trên khắp các vùng của Quảng Ninh cũng đều có thể tìm được món bánh này.
Nhà bà Tuyết: Số 32 phố Hòa Bình, thị trấn Tiên Yên, Quảng Ninh (Nếu mua số lượng nhiều cần đặt trước).
13. Sam Quảng Yên
Đến Hạ Long nhiều lần nhưng tôi vẫn chưa từng ăn thử món này, chỉ thấy mọi người khen món sam Quảng Yên ngon, bổ dưỡng không kém gì các món đặc sản khác ở Hạ Long như chả mực, ngán…
Đầu tiên, để bắt được sam biển, ngư dân phải tính con nước và định ngày ra khơi. Sam thường đi theo đôi (một đực, một cái), nên đã tìm thấy sam là bắt được cả hai con một lúc, con sam cái to gấp đôi sam đực.
Sam biển là loại hải sản sống trong tự nhiên, chưa nuôi trồng được, khi đánh bắt lên bờ chỉ sống được không quá ba ngày. Là loài giáp xác, tính lạnh nên khi chế biến phải cẩn thận, khi cắt tiết sam phải cắt thành tia mới không làm mất độ chát của thịt. Toàn bộ chân, vây, mai được vứt bỏ. Riêng phần gan, ruột sam được lọc bỏ, không để dính vào phần thịt, nếu chỉ sơ ý một chút là người ăn sẽ bị dị ứng hoặc đau bụng.
Chế biển sam ngon nhất là nướng và xào chua ngọt. Để làm món nướng, cả con sam chỉ lấy được 4 miếng thịt phần cơ. Thịt sam được nướng trên than hoa đến khi vàng óng, dậy mùi thơm nhưng không cháy. Món xào chua ngọt lại đặc trưng bởi vị chua, cay, mặn ngọt đậm đà… Với những con sam cái đang trong mùa sinh sản thì món trứng sam nướng đặc biệt ưa chuộng.
Ngày nay, người ta bắt sam chủ yếu để lấy vỏ xuất khẩu sang Trung Quốc. Từ vỏ sam, người ta có thể dùng để chế tác ra đồ lưu niệm có độ tinh xảo cao.
Lưu ý: Đối với các bạn hay bị dị ứng với hải sản thì đừng ăn thử món này nhé đặc biệt là trứng sam.
Quán Sam ở Hạ Long:
-
-
- Quán sam chợ Hạ Long 1 (chéo cổng chợ, đối diện miến ngan). Quán chỉ bán tầm 17h-19h.
- Quán sam Hùng Mít: Số 128 Giếng Đồn, Tp. Hạ Long, Quảng Ninh
- Quán sam: Đường 25 tháng 4, phường Bạch Đằng, Tp. Hạ Long, Quảng Ninh
-
14. Ngán – Đặc sản biển Quảng Ninh
Con ngán Quảng Ninh thường sống sâu dưới đáy cát ở vùng nước mặn và nước lợ, nhìn bên ngoài con ngán lớn hơn con ngao và có lớp vỏ sần sùi. Theo bạn tôi nói thì ngán có nhiều vào mùa hè và mùa thu, còn mùa đông lạnh ngán nằm sâu dưới bùn rất khó bắt. Thịt ngán rất bổ dưỡng, nó có chứa đầy đủ các chất protit, gluxit, lipit và nhiều khoáng chất cũng như vitamin cần thiết cho cơ thể.
Ngán thường được chế biến thành các món như: Ngán nướng, ngán hấp ăn cùng với các loại rau thơm; cháo ngán rắc lá hành, rau răm thêm ít hạt tiêu, hành khô phi vàng lên trên; ngán xào với mì và rau cải cũng rất hấp dẫn… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tôi là món rượu ngán với màu hồng bắt mắt.
Người bán hàng chọn những con ngán tươi, béo để khi tách ra ruột phải đầy, gan phải to đỏ hồng. Sau đó đem ngán rửa sạch, dùng dao cứa nhẹ chỗ khớp nối đằng sau con ngán thành 1 rãnh sâu, sau đó dùng dao cậy nhẹ vỏ, lấy một cái bát hứng lấy phần nước và thịt. Thịt ngán phải được rửa bằng chính nước con ngán để không bị tanh và giữ được vị tươi ngon. Lấy đôi đũa sạch gắp hai lá gan ngán cho vào cốc thủy tinh. Một chai Vodka to người ta cho khoảng 6 – 8 con. Sau khi lấy gan ngán xong dùng một nắm đũa cắm xuống cốc, rồi dùng hai lòng bàn tay xoa cho đám đũa đó trộn đều tiết ngán. Sau khi đánh xong đổ tiết canh ngán vào rượu. Mặc dù không uống được rượu, nhưng khi nếm thử rượu ngán, tôi thấy rượu có mùi nồng nhưng không tanh, vị cay và ngọt xen chút vị chát của ngán.
Thỉnh thoảng khi bạn tôi về thăm nhà, tôi lại nhờ giùm mua vài cân ngán, món quà thơm thảo của vùng biển không phải lúc nào cũng có thật quý giá vô cùng.
Địa chỉ ăn ngán ở Hạ Long:
Các quán ở ngã ba đường Hạ Long và Vườn Đào (gần Bưu điện). Ở đây cũng có nhiều quán hải sản hay bán cho các khách du lịch vì vậy giá cả không hề rẻ. Nếu đến đây, các bạn nên hỏi giá cả trước khi ăn.
15. Chả mực Hạ Long
Sáng sớm, tôi và bạn theo bác gái ra chợ mua mực, đúng là vùng biển có khác, đồ hải sản ở chợ tươi lắm, loại gì cũng có lần đầu tiên tôi nhìn thấy con cá mực mai to hơn 2kg mà tươi rói, thấy chị bán hàng nói cá mực mới được đánh bắt từ biển lên. Mực sau khi mua về được bác làm sạch, để ráo nước rồi thái ngang thân sau đó cho vào cối giã tay đến khi thịt mực nhuyễn lại thêm chút gia vị. Sau đó tụi mình được nặn mực thành những viên tròn dẹt, rồi đem rán. Vừa rán, bác vừa bảo rán chả phải điều chỉnh lửa cho phù hợp, nếu nhiệt độ quá thấp chả sẽ nhanh bị tóp, nhiệt độ cao chả sẽ bị cháy và màu không đẹp. Khi chả chín, bác gắp ra đĩa, những miếng chả mực phồng to như cái bánh rán, màu hơi vàng, thơm nức mũi.
Chả mực ăn kèm với xôi trắng, chấm nước mắm nguyên chất thật là tuyệt, cắn miếng chả mực mà cảm nhận rõ mùi thơm của mực, vị ngọt béo, giòn, dai của miếng chả hòa quyện với vị dẻo thơm của hạt xôi thật hấp dẫn. Vào những ngày trời se lạnh mà làm một bát xôi chả mực thì còn gì ấm áp hơn.
Chả mực ở đâu ngon?
Ở Hạ Long, chả mực có thể mua được ở chợ và các cửa hàng như Thắng Huệ, cửa hàng Hiền Nhung… nhưng mình thích nhất là chả mực Thoan ở ki ốt số 36 – 37 chợ Hạ Long 1, Tp. Hạ Long. Chả mực ở đây giòn, dai, béo nhưng giá thì hơi đắt.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →