Hướng dẫn tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám – Cập nhật 2016

Đăng ngày 25/01/2024

Nếu có dịp đi du lịch Hà Nội, các bạn nên dành chút thời gian để tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi đây có nhiều điều thú vị để các bạn tìm hiểu và khám phá.

Văn Miếu được xây dựng vào tháng 10 năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám, kề sau Văn Miếu. Đây là trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con em trong Hoàng tộc và con em các vị đại thần trong triều đình về sau mới mở rộng và thu nhận cả thường dân học xuất sắc. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là tổ hợp gồm hai di tích:

  • Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết Nho giáo và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An – người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam;
  • Quốc Tử Giám – Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam.

Văn Miếu – Quốc Tử Giám trước kia là nơi dựng các tấm bia ghi tên những người đỗ tiến sĩ và thu nhận các học trò giỏi. Nay là nơi tham quan của du khách trong, ngoài nước, nơi khen tặng học sinh thi đỗ điểm cao, sinh viên giỏi xuất sắc và cũng là nơi các sĩ tử đến “cầu may” trước mỗi kỳ thi.

Danh mục chia sẻ

  • Giá vé tham quan và giờ mở cửa
  • Cách đi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám
  • Điểm tham quan
  • Lưu ý

Giá vé tham quan và giờ mở cửa Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Giá vé tham quan (Áp dụng cho cả khách trong và ngoài nước).

  • Giá vé người lớn: 30.000VNĐ
  • Giảm 50% cho: Người khuyết tật nặng; nhân dân ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa; người có công với cách mạng; học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên (xuất trình thẻ học sinh, sinh viên)
  • Miễn vé tham quan: Đối với người khuyết tật đặc biệt nặng; trẻ em dưới 15 tuổi.

Giờ mở cửa:

  • Từ 15/4 đến 15/10 mở cửa: từ 7h30 – 17h30
  • Tháng còn lại: 8h00 – 17h00

Cách đi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Từ trung tâm thành phố Hà Nội để đến tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám, các bạn có thể đi bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện công cộng (xe buýt, taxi)

Nếu đi bằng phương tiện cá nhân

Xuất phát từ Hồ Gươm, các bạn đi theo đường Lê Thái Tổ, rẽ phải vào đường Tràng Thi, đi về phía đường Cửa Nam, Nguyễn Khuyến, rồi rẽ trái vào đường Văn Miếu.

Khi di chuyển bằng phương tiện cá nhân, các bạn nhớ chú ý đường một chiều xung quanh khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhé.

Nếu di chuyển bằng xe buýt, các bạn bắt các xe sau đi qua hoặc có điểm dừng lân cận khu Văn Miếu: xe số 02, 23, 38, 25, 41.

Điểm tham quan

Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm trên diện tích 54331m² bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám và vườn Giám.

Hồ Văn (hồ Minh Đường hay hồ Giám) nằm ở đối diện cổng chính Văn Miếu bị ngăn cách bởi đường Quốc Tử Giám. Đây là một hồ nước trong, quanh bờ cây cối râm mát, giữa hồ có gò Kim Châu, trên gò xưa kia có Phán Thuỷ đường (Văn hồ đình) là nơi diễn ra các buổi bình văn thơ của Nho sĩ kinh thành xưa. Trên gò hiện còn một tấm bia dựng năm Tự Đức thứ 18 (1865) nói về việc tu sửa hồ Văn và dựng Phán Thủy đường.

Dọc theo chiều dài phía Tây của Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu vườn Giám. Nơi đây có nhà bát giác, cây cảnh, cây thế, non bộ… Khu vườn Giám hiện cũng được tôn tạo, tu sửa làm nơi dạo chơi, thư giãn cho khách tham quan và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc..

Trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám chia làm 5 khu vực rõ rệt, mỗi khu vực đều có tường ngăn cách và cổng đi lại liên hệ với nhau.

Văn Miếu Môn – Cổng dẫn vào khu thứ nhất:

Phía trước Văn Miếu Môn là tứ trụ (tượng trung cho 4 hướng Đông – Tây – Nam – Bắc) và hai tấm bia Hạ mã hai bên là mốc ranh giới chiều ngang phía trước mặt cổng. Xưa kia dù công hầu hay khanh tướng, dù võng lọng hay ngựa xe hễ đi qua Văn Miếu đều phải xuống đi bộ ít nhất từ tấm bia Hạ mã bên này sang tới tấm bia Hạ mã bên kia mới lại được lên xe lên ngựa. Tứ trụ được xây bằng gạch, hai trụ giữa xây cao hơn, phía trên có hình 2 con nghê chầu vào. Quan niệm tâm linh cho rằng nghê là linh vật có khả năng nhận ra kẻ ác hay người thiện.

Văn Miếu môn là kiến trúc cổng Tam quan hai tầng (cổng có ba cửa, cửa giữa cao to và xây 2 tầng), Tầng trên có ba chữ 文廟門 (Văn miếu môn). Phía ngoài có đôi rồng đá cách điệu thời Lê, bên trong có đôi rồng đá thời nhà Nguyễn.

Khu thứ nhất: Đại Trung Môn.

Từ cổng chính Văn Miếu Môn vào không gian thứ nhất gọi là khu Nhập đạo, theo đường thẳng tới cổng thứ hai là Đại Trung môn. Ngang hàng với Đại Trung môn có hai cửa nhỏ hai bên, bên trái có cửa Thành Đức (trở thành người có đức), bên phải có cửa Đạt Tài (trở thành người tài giỏi). Gian giữa cổng treo một tấm biển nhỏ đề 3 chữ sơn then Đại Trung môn.

Khu thứ hai: Khuê Văn Các

Qua Đại Trung môn là con đường chạy thẳng đến Khuê Văn Các – một công trình kiến trúc độc đáo xây dựng năm 1805 (triều Nguyễn), gồm hai tầng tám mái, bốn mái thượng và bốn mái hạ. Tầng dưới là bốn trụ gạch có chạm trổ hoa văn, tầng trên là kiến trúc gỗ. Bốn mặt tường bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía với ý nghĩa cửa tròn tượng trưng cho sao Khuê và những thanh gỗ chống tượng trưng cho những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ 奎文閣 (Khuê Văn Các).

Khuê Văn Các vốn là nơi xưa kia dùng để họp bình những bài văn hay của các sĩ tử đã thi trúng khoa thi hội. Ngày nay được lấy làm biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Hai bên Khuê Văn Các là hai cửa nhỏ Bí Văn và Súc Văn. Hai cửa này cùng với gác Khuê Văn đồng thời mở ra khu vực thứ hai, khu vực giếng Thiên Quang và hai vườn bia Tiến sĩ

Khu thứ ba: Giếng Thiên Quang và vườn bia Tiến sĩ.

Giếng Thiên Quang (giếng nước soi ánh sáng mặt trời) hay còn gọi là Văn Trì (ao Văn). Giếng hình vuông, quanh bờ đều xây hàng lan can tới độ ngang lưng. Một con đường nhỏ lát gạch bao quanh giếng, dẫn đến cửa Đại Thành hoặc rẽ sang 2 vườn bia đá ở 2 bên.

Vườn bia tiến sĩ với 82 tấm bia tiến sĩ của Việt Nam được dựng từ năm 1484 đến 1780, khắc các bài văn bia đề danh tiến sĩ Nho học Việt Nam.

Bia được dựng hai bên phải trái của giếng Thiên Quang, mặt bia đều quay về phía giếng. Giữa mỗi vườn bia xây một tòa đình vuông, cửa trông thẳng xuống giếng. Trên các bia trang trí hình mặt trời, mây, hoa lá, ngọn lửa hay mặt trăng, thể hiện nhân sinh quan của người đương thời.

Sang triều đại nhà Nguyễn, kinh đô được chuyển vào Phú Xuân – Huế, Văn Miếu Thăng Long không còn là văn miếu quốc gia nữa nên các bia tiến sĩ không còn được dựng tại đây. Nhà Nguyễn bắt đầu cho dựng bia tiến sĩ tại Văn Thánh Miếu Huế từ khoa thi năm 1822.

Khu thứ tư: Đại Thành môn – Khu điện thờ.

Cửa Đại Thành (Đại Thành môn – “cửa của sự thành đạt lớn lao”), điểm mở đầu cho khu vực của những kiến trúc chính.

Cũng như cửa Đại Trung, cửa Đại Thành là một kiến trúc 3 gian với hai hàng cột hiên trước sau và một hàng cột giữa. Chính giữa, giáp nóc có treo một bức hoành khắc 3 chữ 大成門 (Đại Thành Môn). Hai bên khắc những dòng chữ có nội dung thông báo về thời điểm xây dựng và trùng tu.

Cửa Đại Thành mở đầu cho khu vực chính của di tích, nơi thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, Thất thập nhị hiền v.v… và cũng là nơi giảng dạy của trường giám thời xưa.

Hai cửa nhỏ hai bên Đại Thành Môn là Kim Thanh môn (bên phải) và Ngọc Chấn môn (bên trái). Tuy nhiên, hai cửa này không mở vào thẳng khu vực chính, mà để đi qua con đường lát gạch phía sau 2 dãy Tả Vu và Hữu Vu để tiếp tục qua sang khu thứ năm là Khải Thánh, khu cuối cùng của di tích.

Khu điện thờ:

Bước qua cửa Đại Thành là tới một sân rộng lát gạch Bát Tràng: sân Đại Bái. Hai bên là hai dãy nhà, Tả Vu và Hữu Vu, trước đây thờ bài vị của 72 học trò xuất sắc của Khổng Tử và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An. Bái đường là nơi hành lễ trong các kỳ tế tự, có những bức hoành phi, câu đối ca ngợi Nho học và Khổng Tử. Đại Điện thành gồm chín gian, là nơi thờ Khổng Tử, Tứ phối (Nhan Hồi, Tư Tử, Tăng Sâm và Mạnh Tử) và bài vị của 10 vị hiền triết.

Chính trước mặt là tòa Đại Bái Đường rộng rãi nối giáp với đầu hồi của Tả Vu, Hữu Vu, tạo thành cụm kiến trúc hình chữ U.

Sau Đại Bái Đường, song song là tòa Thượng Điện kín đáo và tối hơn Đại Bái, tạo cho nơi đây một không khí thâm nghiêm, u tịch. Đây là nơi thờ những vị tổ đạo Nho. Gian chính giữa có ngai thờ Khổng Tử. Bên trái có 2 ngai thờ Tăng Tử và Mạnh Tử; bên phải có 2 ngai thờ Nhan Tử và Tử Tư. Hai gian đầu hồi thờ Thập Triết gồm những vị: Mẫu tử, Nhiễm tử, Đoan mộc tử, Trang Tử, Bốc tử, Hữu tử, Tề tử, Ngân tử, Suyền Tôn tử, Chu tử.

Khu thứ năm: Đền Khải Thánh.

Đền Khải Thánh xưa vốn là Quốc Tử Giám (nhà Thái học), trường Đại học quốc gia đầu tiên của Việt Nam gồm giảng đường, nhà tam xá cho học sinh ở, thư viện, kho để đồ tế khí. Đầu thế kỷ XIX, triều Nguyễn định đô ở Huế và cho xây dựng Văn Miếu Quốc Tử Giám Huế, nơi đây trở thành trường học của phủ Hoài Đức, sau xây điện Khải Thánh thờ cha mẹ Khổng Tử. Năm 1946, khu này bị chiến tranh phá huỷ hoàn toàn. Công trình nhà Thái học ngày nay  là hoàn toàn mới được hoàn thành vào năm 2000 nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá dân tộc. Nơi đây đặt tượng tưởng niệm ba vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.

Một số lưu ý khi tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám

  • Tôn trọng di tích, chấp hành quy định của đơn vị quản lý di tích: Không xâm hại đến di vật, cảnh quan di tích; Không xoa đầu rùa, viết, vẽ, đứng, ngồi lên bia Tiến sĩ…
  • Trang phục sạch sẽ, gọn gàng (Không mặc váy hoặc quần quá ngắn, trang phục hở hang, trang phục trong nhà); Không hút thuốc, đội nón, đội mũ trong khu vực Điện thờ, nhà trưng bày…
  • Thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự: Không có hành vi thiếu văn hóa, nói tục, gây mất trật tự an ninh; Có thái độ đúng mực khi hành lễ, mỗi người chỉ thắp một nén hương; Dâng lễ, thắp hương đúng nơi quy định.
  • Nghiêm cấm việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng để thực hiện các hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, lừa đảo…
  • Giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường: Không trèo tường, trèo cây, bẻ cành, hái hoa, giẫm lên thảm cỏ, câu cá, bơi lội, vứt rác bừa bãi.
  • Không mang vũ khí, chất nổ, chất dễ cháy vào khu di tích.
  • Để xe đúng nơi quy định, tự quản lý tư trang để tránh xảy ra mất mát.
  • Các hoạt động quay phim tại di tích chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của lãnh đạo khu di tích.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *