Say xe là những cảm giác bao gồm từ lo lắng, bồn chồn, đổ mồ hôi, cho tới chóng mặt, đau đầu và nặng nhất có lẽ là nôn. Có lẽ chỉ những ai từng bị say xe mới hiểu được cảm giác này khó chịu, thậm chí kinh khủng như thế nào.
Vậy tại sao lại có hiện tượng say xe này? Làm thế nào để đối phó với nó? Những ai có nguy cơ mắc phải?…và nhiều câu hỏi khác xoay quanh vấn đề này.
Hôm nay mình sẽ giúp bạn giải đáp tất cả thắc mắc về say xe và mách bạn 11 cách chống say xe hiệu quả nhất nhé!
Mục lục bài viết
- Vì sao một số người lại bị say xe?
- Vậy những ai có nguy cơ bị say xe?
- Dấu hiệu và triệu chứng say xe?
- Vậy khi nào nên đưa người bị say xe đến bệnh viện?
- 11 cách chống say xe hiệu quả khi di chuyển đường dài
- 1. Uống thuốc chống say, chống nôn
- 2. Không nên để bụng đói khi đi tàu, xe
- 3. Chọn vị trí và tư thế ngồi phù hợp
- 4. Nhắm mắt dưỡng thần trong giây lát
- 5. Bấm huyệt mát xa giúp bạn chế say xe
- 6. Đeo khẩu trang để tránh các mùi khó chịu
- 7. Chuyển hướng sự chú ý của não bộ
- 8. Dùng vỏ cam quýt làm giảm các triệu chứng say xe
- 9. Sử dụng gừng tươi
- 10. Pha trà hoa cúc
- 11. Lá trầu không
- Một số lưu ý nhỏ khi đi tàu xe
Vì sao một số người lại bị say xe?
Thực tế thì các nhà khoa học cũng chưa rõ tại sao lại có hiện tượng này. Nếu hỏi anh Google, bạn sẽ thấy khái niệm phổ biến nhất của say tàu xe là do sự sai lệch tín hiệu giữa các giác quan.
Khi di chuyển bằng ô tô, cơ thể bạn nhận được hai luồng thông tin rất khác nhau: Mắt bạn đang nhìn thấy mọi thứ bên trong xe – dường như đều không hề chuyển động. Trong khi đó tai của bạn lại nói với não bộ rằng bạn đang di chuyển. Thực ra, ngoài nghe, tai có một chức năng quan trọng khác. Một nhóm cấu trúc nằm sâu bên trong tai, gọi là hệ thống tiền đình, bộ phận giúp bạn cảm nhận về sự cân bằng và chuyển động.
Trong đó, 3 ống nhỏ hình bán nguyệt có khả năng cảm nhận được chuyển động xoay, mỗi ống cho một chiều không gian. Và còn có hai khối mảnh như sợi tóc chứa đầy dịch lỏng. Khi bạn dịch chuyển, khối chất lỏng thay đổi và kích thích các sợi lông báo cho não bộ biết bạn đang chuyển động theo phương ngang hay dọc.
Kết hợp những điều này, cơ thể có thể cảm nhận được hướng, gia tốc và góc chuyển động. Vậy nên, khi đang ở trong ô tô, hệ thống tiền đình cảm nhận đúng về chuyển động của bạn, nhưng mắt lại không thấy như vậy (đặc biệt là khi bạn đang dán mắt vào trang sách). Sự mâu thuẫn giữa hai luồng thông tin đầu vào cho não bộ này là lý do khiến nhiều người cảm thấy bị say xe.
Cũng có thể xảy ra chuyện ngược lại. Khi ngồi trong rạp chiếu phim, mắt nghĩ rằng cơ thể đang chuyển động trong khi tai biết bạn vẫn ngồi im. Tại sao sự mâu thuẫn này lại khiến bạn buồn nôn?
Dù chưa chắc chắn nhưng các nhà khoa học cho rằng đó là do sự tiến hóa.
Như bạn biết đấy, phương tiện di chuyển nhanh và công nghệ ghi hình chỉ mới xuất hiện vài thế kỉ nay, nhưng lại xảy ra rất nhanh trong quá trình tiến hóa.
Trong lịch sử loài người, không có nhiều thứ có thể gây ra xáo trộn trong cơ thể nhanh như vậy, ngoại trừ chất độc. Bởi các chất độc là thứ không tốt cho việc duy trì sự sống, cơ thể phát ra một mệnh lệnh trực tiếp nhưng không dễ chịu để tống khứ mọi thứ mà chúng ta ăn vào và gây ra rối loạn bên trong cơ thể.
Lý thuyết này có vẻ khá thuyết phục, nhưng vẫn còn nhiều điều chưa thể giải thích được. Chẳng hạn như: tại sao phụ nữ dễ bị say xe hơn nam giới hay tại sao hành khách dễ bị say hơn tài xế.
Một giả thuyết khác cho rằng nguyên nhân có thể phần nhiều do môi trường khác lạ thay đổi đột ngột làm cho cơ thể khó duy trì được tư thế tự nhiên.
Cũng có một vài nghiên cứu cho thấy rằng ngâm mình trong nước, hay chỉ là thay đổi tư thế là đã có thể giảm đáng kể tác động của say xe rồi.
Mặc dù vậy thì trước khi các nhà khoa học tìm ra được nguyên nhân và giải pháp triệt để cho hiện tượng này thì chúng ta cần áp dụng các giải pháp tạm thời (mình sẽ nói ở phần sau bài viết này), làm giảm đáng kể cảm giác khó chịu ấy đi càng nhanh càng tốt.
Vậy những ai có nguy cơ bị say xe?
Hầu như ai cũng có khả năng bị say xe, tuy nhiên phụ nữ mang thai, trẻ em được cho là những đối tượng dễ bị say xe nhất.
Ngoài ra, những người bị say sóng khi di chuyển bằng tàu, thuyền thì cũng có thể xem như là một dạng của say xe.
Và nếu như bạn vướng phải một số yếu tố dưới đây thì xin chia buồn, chúng cũng có thể khiến bạn dễ bị say xe hơn nhiều người khác:
- Tâm lý: là tình trạng thấy tàu/xe là nỗi ám ảnh kinh hoàng, chỉ cần nhìn thấy tàu/xe là say rồi.
- Mắc bệnh huyết áp thấp: những người bị huyết áp thấp vốn dĩ hay bị các triệu chứng đau đầu, chóng mặt nên khi đi xe, huyết áp tụt nhanh hơn dẫn đến hiện tượng say xe.
- Rối loạn tiền đình: khi di chuyển, tàu/xe rung lắc làm cho các mạch máu của tai trong bị co thắt dẫn đến tăng thể tích chất nội dịch, giãn lòng ống nội dịch, khiến cho mê đạo màng tai trong bị tích thủy, gây ra rối loạn tiền đình (chóng mặt, đau đầu, buồn nôn) => say xe.
Dấu hiệu và triệu chứng say xe?
Mới đầu, người bị say xe sẽ có cảm giác lo lắng, khó chịu, thở sâu và mạnh, sau đó là đổ mồ hôi lạnh và chóng mặt.
Một số người có thể có các biểu hiện khác như da nhợt nhạt, đồng thời lượng nước bọt tiết ra nhiều hơn, kèm theo đó là triệu chứng đau đầu, mệt mỏi. Cuối cùng, khi bệnh nhân không thể kìm nén nổi nữa thì buồn nôn và “huệ ơi” sẽ là cú chốt cuối cùng.
Vậy khi nào nên đưa người bị say xe đến bệnh viện?
Trong đa số các trường hợp, người bị say xe thường không cần phải có sự can thiệp đặc biệt từ các đội ngũ y tế, trừ khi người đó bắt đầu bị mất nước do nôn mửa quá nhiều và dai dẳng. Đối với hầu hết mọi người, khi chuyển động dừng lại, các triệu chứng sẽ giảm và sau đó biến mất hoàn toàn. Tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân mà sự hồi phục có thể nhanh hay chậm, nhưng trước hết là hãy để bệnh nhân được nghỉ ngơi ở nơi thoáng đãng.
11 cách chống say xe hiệu quả khi di chuyển đường dài
Lưu ý là không phải tất cả các cách này đều có tác dụng triệt để, sẽ có những cách có hiệu quả cao hơn với người này, nhưng lại không phù hợp với người khác. Bạn hãy chọn cho mình một phương pháp thích hợp nhất để có một chuyến đi khỏe mạnh nhé.
1. Uống thuốc chống say, chống nôn
Cách này phổ biến nhất mà hầu hết ai cũng biết. Mỗi lần có kế hoạch di chuyển bằng xe đường dài, bạn nên uống thuốc chống say xe trước khi lên xe khoảng 40 phút.
Bạn nên uống với nước ấm hoặc có thể bổ sung thêm Vitamin B1 để giảm thiểu khả năng bị say xe.
Ngoài ra còn có thuốc chống nôn cũng có thể được dùng, nhưng sử dụng nó với hình thức dự phòng sẽ mang lại tác dụng tốt hơn là để chữa trị khi đã buồn nôn và nôn.
Thuốc thường dùng để dự phòng ngắn hạn việc say xe có chứa thành phần hyoscine hydrobromide ở dạng uống. Các thuốc này thường dùng 30 phút trước khi đi tàu xe, 6 tiếng sau lại dùng lần 2 nếu cần.
Cũng có thuốc hyosin tiêm dưới da dưới dạng thuốc giải phóng chậm. Thuốc này kéo dài thời gian tác dụng hơn nhưng phải tiêm vài giờ trước khi khi di chuyển.
Trên thị trường hiện nay, hầu hết các thuốc chống say xe là thuốc kháng histamin có hiệu quả kém hơn hyoscine đôi chút trong việc chống say xe. Tuy nhiên các thuốc này lại dung nạp tốt hơn, và chúng có thời gian bắt đầu tác dụng và tác dụng bao lâu là khác nhau. Vì thế, bạn nhớ phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi mua và dùng để có hiệu quả tốt nhất nhé.
Lưu ý: Không nên dùng thuốc chống say xe cho trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú và những người bị nghẽn đường dạ dày niệu.
2. Không nên để bụng đói khi đi tàu, xe
Nếu bạn cho rằng không ăn gì thì khi đi tàu, xe sẽ chẳng có gì để ói ra cả. Đây là một quan niệm hết sức sai lầm.
Thực tế, khi đói bụng, cơ thể của bạn càng mệt hơn và càng dễ bị say xe hơn. Lúc này nếu bị nôn, bạn sẽ nôn ra mật xanh, mật vàng, cả dịch vị dạ dày (là axit dạ dày, sẽ làm tổn thương phần thực quản của bạn).
Tuy nhiên, không vì thế mà bạn lại ăn quá no. Bởi khi ăn quá nhiều, dạ dày sẽ phải làm việc rất vất vả, co bóp tiêu hóa liên tục + chuyển động của tàu/xe sẽ khiến cơ thể bạn dễ bị say xe.
Lời khuyên là bạn chỉ nên ăn nhẹ một chút trước khi lên xe mà thôi. Tốt nhất, bạn nên ăn các loại bánh quy khô, bánh mì, quýt, lạc… Những loại đồ khô này khi vào cơ thể sẽ thấm hút lượng axit dư thừa trong dạ dày. Tình trạng say xe của bạn sẽ không có cơ hội xuất hiện nữa.
3. Chọn vị trí và tư thế ngồi phù hợp
* Vị trí ngồi thích hợp trên tàu, xe:
Khi lên xe, bạn nên chủ động kiếm chỗ ngồi ở phía trước và nếu gần cửa sổ thì càng tốt. Bạn có thể mở cửa sổ cho thoáng nếu thời tiết mát mẻ còn với thời tiết nóng bức thì không nên mở cửa sổ, vừa làm bạn say xe hơn lại ảnh hưởng tới các hành khách khác.
Nếu không thể ngồi được ở những hàng ghế đầu thì bạn có thể ngồi ở những hàng ghế giữa vì đây là nơi ít rung lắc, chao đảo. Các triệu chứng khó chịu vì thế mà cũng được giảm bớt.
Bạn hãy tránh tư thế ngồi cúi đầu (như đọc sách, báo, xem điện thoại…) khi tàu, xe đang di chuyển.
Tương tự với máy bay và đi thuyền, bạn cũng nên ngồi ở phía trước.
* Tư thế ngồi phù hợp làm giảm say tàu, xe:
Bạn nên ngồi thẳng, mặt hướng về phía trước và giữ đầu trong trạng thái ổn định. Nên nhìn cảnh vật phía trước, không nên nhìn cảnh vật 2 bên vì khi tàu, xe chạy nhanh, cảnh vật lướt ngang qua tầm mắt sẽ gây chóng mặt. Nếu bạn không nhìn được cảnh vật phía trước thì khi nhìn 2 bên, hãy giữ mắt nhìn ở phía đường chân trời, càng lâu càng tốt.
Không nên ngồi ngược hướng xe chạy, ngồi lệch sang 2 bên hoặc liên tục “ngọ nguậy” trên xe, di chuyển nhiều trên tàu, xe cũng sẽ gây chóng mặt.
4. Nhắm mắt dưỡng thần trong giây lát
Khi thấy có triệu chứng nôn nao thì bạn hãy lập tức nhắm mắt lại, ngồi thẳng lưng trong giây lát. Cách này sẽ giúp cắt cơn khó chịu mà bạn đang gặp phải. Chú ý nhé, mắt quá khô hoặc mỏi mắt cũng góp phần khiến cho tình trạng say xe nghiêm trọng hơn. Vậy nên hãy tra thuốc nhỏ mắt trước khi lên xe để có một đôi mắt khỏe mạnh.
Nếu không giải pháp tốt hơn, bạn nên cố gắng ngủ trong thời gian đi xe. Ngủ là cách tốt nhất để dỗ dành cơ thể bạn vượt qua cảm giác say xe một cách nhẹ nhàng nhất.
5. Bấm huyệt mát xa giúp bạn chế say xe
Có thể bạn chưa biết: Trên cơ thể chúng ta có 2 huyệt vị giúp hạn chế say xe, đó là huyệt nội quan và huyệt hợp cốc.
- Huyệt nội quan nằm ở trên điểm giữa cổ tay (huyệt Đại lăng) 2 thốn, giữa 2 khe gân mặt trong tay. Cách nếp hằn cổ tay bên tay phải 3 thốn. Để tìm được huyệt đạo này, dùng 3 ngón tay (trỏ, giữa, đeo nhẫn) của bàn tay phải lên trên cổ tay trái, bắt đầu từ dưới nếp gấp cổ tay. Huyệt nội quan sẽ nằm ở dưới ngón trỏ, nếu cảm thấy 2 gân lớn dưới ngón tay là bạn đã tìm đúng vị trí của huyệt rồi. Ấn ngón cái hoặc ngón trỏ vào huyệt nội quan trong vòng 4-5 giây. Bạn có thể làm với một bên cổ tay hoặc cả hai bên.
- Huyệt hợp cốc nằm ở khe chính giữa điểm nối của ngón tay cái và ngón trỏ. Dùng ngón cái ấn mạnh vào huyệt hợp cốc trong vòng 4-5 giây. Tương tự như trên, bạn cũng có thể làm với cả 2 bên tay.
6. Đeo khẩu trang để tránh các mùi khó chịu
Rất nhiều người bị say xe áp dụng cách này. Việc đeo khẩu trang khi ngồi trên xe sẽ tránh được các mùi khiến bạn cảm thấy khó chịu ở trên xe. Vì thế bạn sẽ không bị ảnh hưởng và phần nào tránh được cảm giác say xe.
7. Chuyển hướng sự chú ý của não bộ
Càng nghĩ nhiều về các triệu chứng bạn đang bị, càng dễ bị say xe hơn. Hãy chú ý đến việc gì đó khác thay vì nghĩ “mình đang đi xe nè, sắp tới chưa nè…” hay là “ trời ơi, chóng mặt, nó đang cuồn cuộn dâng lên đến cổ rồi…”
Nói như vậy không có nghĩa là bạn sẽ đọc sách hay lướt điện thoại, vì mọi chuyện sẽ chỉ thêm tồi tệ hơn mà thôi.
Bạn hãy nghe nhạc, hoặc nói chuyện để làm phân tán tư tưởng, không để ý đến cảm giác khó chịu mà bạn đang có. Các nhà khoa học đã phát hiện ra nghe nhạc có thể giúp bạn thoát khỏi cảm giác buồn nôn và các triệu chứng say xe khác.
8. Dùng vỏ cam quýt làm giảm các triệu chứng say xe
Mang theo một ít vỏ cam quýt tươi cuộn tròn lại nhét vào mũi hoặc để ở trong khẩu trang mà bạn đeo. Tinh dầu từ vỏ cam sẽ giải phóng, làm giảm các cảm giác nôn nao mà bạn đang chịu đựng.
Nếu không có vỏ cam thì có thể dùng vỏ chanh hoặc các trái cây họ cam quýt đều được.
Tương tự, bạn có thể mua một bộ khuếch tán tinh dầu di động để chuẩn bị cho chuyến đi của mình, mỗi lần chỉ cần nhỏ 1 vài giọt thôi.
Một số hương liệu bạn có thể sử dụng như tinh dầu cam, gừng, hoa oải hương, bạc hà (giúp làm giảm triệu chứng buồn nôn)…
9. Sử dụng gừng tươi
Bạn có thể dùng một miếng gừng tươi hoặc một miếng khoai tây tươi dán vào vùng rốn và dùng băng dính dán chặt lại khi đi xe.
Bạn cũng có thể dán ở huyệt nội quan hoặc ngậm một miếng gừng tươi trong miệng hoặc pha trà gừng cũng mang lại hiệu quả tương tự.
10. Pha trà hoa cúc
Hoa cúc là một loại thảo dược giúp làm dịu dạ dày, giảm axit và thư giãn cơ bụng. Vì thế trà hoa cúc có tác dụng tốt trong việc chống say xe dù uống nóng hay lạnh.
Bạn có thể ngâm trà hoa cúc trước chuyến đi, đựng vào bình nước du lịch và uống nóng hay lạnh tùy theo sở thích.
11. Lá trầu không
Rất ít người biết được lá trầu không là một phương thức chống say xe tuyệt vời.
Lá trầu không có tác dụng làm ấm vùng rốn. Trước khi lên xe khoảng 15 – 30 phút, bạn hãy lấy khoảng 2 – 3 lá trầu không vò nát, bọc lại bằng vải hoặc gạc và dán lại ở phần rốn. Bạn sẽ thấy triệu chứng sau tàu xe được đẩy lùi đáng kể.
Bạn cũng có thể giữ 1 – 2 lá cầm ở tay để thi thoảng ngửi, sẽ “át” mùi của xăng xe và cản gió giúp bạn không bị mệt mỏi, say xe.
Một số lưu ý nhỏ khi đi tàu xe
– Ngủ đủ giấc trước khi di chuyển đường dài để tránh tinh thần mệt mỏi, dễ khiến bạn bị say xe hơn.
– Không sử dụng nước cam trước khi lên xe vì axit trong cam sẽ làm dạ dày bị tổn thương.
– Không sử dụng các loại nước giải khát có chứa chất kích thích, nhất là đồ uống chứa cồn và cà phê vì chúng sẽ làm cho cơ thể bạn mất nước nhiều hơn.
– Tránh ngồi gần những người bị say xe hay nghe người khác nói về bệnh say xe vì nếu họ nôn, bạn cũng sẽ bị kích thích muốn nôn theo.
– Nếu không mở được cửa kính xe, bạn nên ngồi nơi có nhiều gió như phía trước xe hoặc có điều hòa vì không khí thông thoáng sẽ làm giảm triệu chứng say xe.
– Không nên ăn ngay khi đã bị nôn gì phản ứng nôn của cơ thể đang tồn tại sẽ khiến não chỉ huy tống sạch những thức ăn có trong dạ dày. Cần nghỉ ngơi một lúc, khi đã đỡ hơn, bạn mới có thể bắt đầu uống nước đường hoặc ăn thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa.
– Không hút thuốc.
Trên đây là 11 cách chống say tàu xe mới nhất và phổ biến nhất hiện nay, các bạn hãy sử dụng và phản hồi lại cho Ad ở phần comment nhé. Chúc các bạn có những chuyến đi vui vẻ và khỏe mạnh!
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!