56 Món ngon Hà Nội – 217 địa điểm ăn uống ngon nhất Hà Nội – Cập nhật 2017

Đăng ngày 25/01/2024

Món ngon Hà Nội có thể kể đến một danh sách dài các món như: Phở Bát Đàn, Chả Cá Lã Vọng, Bún Đậu Mắm Tôm, Bánh Cuốn Bà Hoành, … Ngoài những Món ngon Hà nội truyền thống thì những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, Hà Nội cũng có thêm các món ăn, quán ăn ngon với nhiều hương vị độc đáo của mọi miền trên đất nước.

Trong bài viết này, Loca sẽ chhia sẻ cho bạn các món ăn ngon nhất tại Hà Nội, đi kèm với nó là địa điểm và hướng dẫn chi tiết làm thế nào để bạn có thể được thưởng thức những món ngon này một cách dễ dàng nhất.

Phụ lục

Phở Hà Nội – 7 quán phở ngon nhất Hà Nội

Không “chào đời” ở thủ đô, nhưng món phở lại trở thành tinh hoa và cực nổi tiếng ở mảnh đất này. Nếu có dịp tới Hà Nội, hãy thử 1 trong các quán phở được liệt kê ở bên dưới, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận.

Phở Hà Nội

1. Phở Bát Đàn – 49 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phở Bát Đàn ngon đậm, thịt bò thái tươi rói, thơm ngậy, nước dùng ngọt vị xương hầm, đúng kiểu phở Hà Nội truyền thống. Là một trong những quán phở và ngon nhất tại Hà Nội, tuy nhiên về thái độ phụ vụ ở đây lại hơi tệ. Để có một bát phở,  bạn phải vất vả đứng xếp hàng ở quầy, sau đó tự bưng bát phở của mình và tự tìm chỗ ngồi. Tại đây, các phụ gia (chanh, ớt, muối, …) thường xuyên thiếu thốn, bạn nên tự mình đi tìm tại các bàn xung quanh. Nếu không có cũng không nên hỏi nhiều, dễ bị ăn “chửi”.

Thi thoảng vào ngày “mát zời”, mặc cho mọi người đang xếp hàng chờ đến lượt, chủ quán có thể dừng luôn, không bán với lý do đơn giản: “Mệt và cần nghỉ ngơi”. Nếu bạn lười xếp hàng, bạn có thể ngồi các quán cafe gần đó, và nhờ họ đặt phở giúp và tất nhiên chi phí có tăng lên đôi chút.

Thời gian mở cửa: 06h30 – 08h30

Kinh nghiệm: nên đi 2 người, 1 người xếp hàng mua phở, 1 người ngồi giữ chỗ.

2. Phở Lý Quốc Sư – 10 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Phở ở đây ngon, nước dùng của phở đậm đà và có nhiều loại phở bò cho khách lựa chọn từ phở tái, bò chín, hay tái nạm gầu…. tùy vào sở thích của từng người.

Thời gian mở cửa: sáng từ 06h00 tới 14h00 và buổi chiều từ 17h30 tới 22h00 hàng ngày.

Lưu ý: Phở Lý Quốc Sư có nhiều cơ sở, chất lượng không đồng đều nhau. Tại số 10 Lý Quốc Sư vẫn được đánh giá là ngon nhất.

3. Phở Thìn – 13 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Giống như Phở Bát Đàn, Phở Thìn là một trong những thương hiệu lâu đời, nổi tiếng của phở Hà Nội. Quán trông khá cũ, nhìn bàn ghế, bát đũa, thìa không sạch sẽ, vệ sinh lắm. Bát phở rất nhiều hành, nước phở thơm và ngọt, thịt gân ăn thơm và nhiều.

Thời gian mở cửa: 06h00 – 20h30.

4. Phở bò vỉa hè Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Là hàng phở vỉa hè nên bát đũa cũng hết sức đơn giản và không có thìa. Khách một tay bưng bát, một tay dùng đũa và khi muốn uống nước thì dùng miệng húp sột soạt. Phở ở đây ngon, với thịt bò chín có đủ nạm và gầu, với hành lá chẻ và nhiều hành hoa.

Thời gian mở cửa: 5h chiều mở cửa và khoảng tầm 8h tối là hết hàng.

5. Phở Sướng – 24 Ngõ Trung Yên, Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nói về tên phở Sướng, chú chủ quán cho biết, tên gọi này bắt đầu được sử dụng cách đây khoảng 30 năm. Chữ “Sướng” vốn thể hiện mong muốn của chú: ai ăn xong bát phở do mình làm ra cung phải thấy hạnh phúc vì bát phở quá ngon.

Vị phở Sướng đậm đà, ngọt thơm và điểm hạn chế là quán có diện tích khá nhỏ. Hiện tại, phở Sướng có mấy cơ sở và cơ sở chính vẫn được đánh giá là ngon nhất.

6. Phở Vui – 25 Hàng Giầy, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Khác với quán phở Sướng, cái tên phở Vui là một sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa tên quán và chủ nhân của nó. Bát phở Vui đầy đặn với màu nước dùng trong, nhiều rau thơm, hành tây. Các nguyên liệu như tủy bò và thịt gầu được chuẩn bị công phu và sạch sẽ.

Thời gian mở cửa: sáng từ 05h30 đến 11h và tối từ 04h30 đến 21h30 hàng ngày.

7. Phở Nhớ – 27A Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội

Chị chủ quán phở Nhớ cho biết, trước kia quán có tên là phở bò Nguyên Hồng vì ngày xưa, bố mẹ chị thuê mặt bằng ở đó để bán hàng mưu sinh. Sau này, cái tên phở Nhớ là do một thực khách ưu ái dành tặng cho quán, bố mẹ chị thấy hay nên đổi tên và sử dụng cho đến bây giờ.

Bát phở Nhớ giá bình dân và đầy đặn. Chị chủ quán cũng rất chú trọng vào việc chuẩn bị khâu nguyên liệu tươi ngon và đảm bảo vệ sinh.

Thời gian mở cửa: 7h – 22h

14 món bánh đặc sản Hà Nội

1. Bánh giò

Làm từ bột gạo, nhân làm từ thịt lợn, mộc nhĩ, hành… bọc trong lá chuối xanh. Bánh ăn ngay lúc nóng mới ngon.

  • Bánh giò Hồ Tây: Số 5 Thụy Khuê, Tây Hồ. Quán bánh giò khá nổi tiếng ở Hà Nội, bánh giò ở đây to, ngon, một suất đầy đủ có thêm giò chả và dưa chuột chua ngọt ăn kèm. Tuy nhiên quán bé nên nhiều khi ngồi cả ra vỉa hè nên trông không được sạch sẽ lắm.
  • Bánh giò thập cẩm cô Hoa Béo: Gần vườn hoa Lý Tự Trọng (đoạn đầu đường Thanh Niên giao Thụy Khuê)
  • Bánh giò Đông Các: Đông Các, Đống Đa. Phố này có rất nhiều quán bánh giò, bánh giò ở đây to, ăn cũng tương đối ngon.
  • Bánh giò nóng chợ Hà Đông: Chợ Hà Đông, Hà Đông. Quán nằm ở cổng phía Bà Triệu của chợ Hà Đông. Bánh giò to, chắc, nhiều nhân. Quán ở chợ nên nhìn không sạch sẽ. Ngoài bành giò, quán còn bán cả nộm bò khô ăn cũng ngon.
  • Bánh giò Ngã tư Ngô Thì Nhậm – Trần Xuân Soạn
  • Bánh giò chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy

2. Bánh cuốn

Là loại bánh được làm từ bột gạo tráng mỏng, bên trong cuộn nhân ăn kèm với nước chấm pha nhạt và nếu là bánh cuốn truyền thống thì không thể thiếu tinh dầu cà cuống pha trong nước chấm, khi ăn thường kèm thêm chả lụa

  • Bánh cuốn bà Hoành: Số 66 Tô Hiến Thành, quận Hai Bà Trưng. Quán này sạch sẽ, bánh cuốn ngon, hành khô phi giòn, thơm, nước chấm vừa miệng. Bánh cuốn ở đây ăn kèm với chả quế và thịt nướng, nhưng thích nhất là ăn bánh cuốn với thịt nướng rất ngon.
  • Bánh cuốn, bún thang Thanh Vân: Số 12 – 14 Hàng Gà, Hoàn Kiếm. Quán bánh cuốn này có ba loại nhân chính là nhân thịt băm, nhân thịt gà và nhân tôm chấm với nước chấm cà cuống. Ngoài ra còn có giò chả ăn kèm với bánh cuốn nữa. Quán bé nhưng thái độ phục vụ không được tốt lắm, giá cũng tương đối cao.
  • Bánh cuốn nóng Bà Triệu: Số 101 Bà Triệu, Hai Bà Trưng. Quán nằm trên vỉa hè Bà Triệu nên hơi chật, ngoài bánh cuốn nhân truyền thống là thịt lợn thì quán có bánh cuốn gà, tôm và bánh cuốn trứng.
  • Bánh cuốn: Số 19 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng.
  • Bánh cuốn Phượng: Số 68 Hàng Cót, Hoàn Kiếm
  • Bánh cuốn Phủ Lý: Số 37 An Trạch, Quốc Tử Giám, Đống Đa.

3. Bánh đúc

Là loại bánh dân dã của người Việt Nam có từ miền Bắc vào đến miền Nam. Có hai loại bánh đúc đó là bánh đúc lạc và bánh đúc nóng nhân thịt.

  • Bánh đúc nóng: Số 8B Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng. Quán hơi bé phải để xe ở ngoài rồi đi sâu vào bên trong ngõ. Quán này bánh đúc ngon, dẻo quánh thơm ăn cùng với nhân thịt, mùa đông ăn thì miễn chê.
  • Bánh đúc nóng: Sân khu tập thể C2 Trung Tự (đầu ngõ 46C Đặng Văn Ngữ), Đống Đa. Quán hơi khó tìm với những ai không quen khu vực này, quán ngồi ở sân, bàn ghế kê chơi chật chội. Bánh đúc ở đây ngon, nóng hổi, dẻo sánh, thịt nêm vừa miệng, giá cả hợp lý.
  • Quán bánh đúc nộm: Số 47 Châu Long, Ba Đình. Gánh hàng bé nhưng rất đông khách, chỉ mở tầm chiều, bán bánh đúc lạc, nộm bánh đúc. Nộm bánh đúc khá lạ miệng vì nó chỉ là bánh đúc thái nhỏ chan nước canh bùi, ngậy được nấu với vừng lạc xay nhỏ thêm chút giá trần, rau sống.
  • Gánh hàng rong cô Lê: Buổi sáng bán trước cửa số 66 Hàng Bạc, buổi chiều bán tại số 14 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm.
  • Bánh đúc nóng: Số 15 Yên Phụ, Tây Hồ
  • Bánh đúc nộm: Số 27 Hàng Bè, Hoàn Kiếm
  • Bánh đúc nóng: Số 35B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng

4. Bánh rán

Bánh rán là món ăn vặt không cầu kỳ, có thể bắt gặp ở bất cứ vỉa hè Hà Nội nào khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Bánh rán có hai loại là bánh rán ngọt nhân đậu xanh và bánh rán mặn nhân thịt, mộc nhĩ chấm nước mắm chua ngọt

  • Bánh rán mặn: Số 52 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm. Quán khá lâu đời ở Hà Nội. Ở đây có bán bánh gối, bánh tôm, bánh rán mặn… Bánh rán vỏ giòn, nhiều nhân, ăn vừa miệng. Giá cả hợp lý.
  • Bánh rán xếp số Lạc Long Quân: Ngõ 242 Lạc Long Quân, Tây Hồ. Bánh rán to, giòn, ngon, giá cả hợp lý.
  • Bánh rán “mi nhon”: Ô Quan Chưởng, Hoàn Kiếm.
  • Bánh rán lúc lắc Gia Trịnh: Trong ngõ 16A Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm
  • Bánh rán Doremon – Cafe Kissaten: Số 28 Quốc Tử Giám, Đống Đa
  • Bánh rán ngõ 160 Lạc Long Quân, Tây Hồ

5. Bánh bao chiên

Bánh bao chiên cũng làm bằng bột tương tự như bánh tiêu, bánh bò của Nam Bộ nhưng kích thước nhỏ hơn, hình dạng như quả bóng bàn, bên trong có nhân thịt và trứng cút.

  • Quẩy nóng, bánh bao chiên: Đường Thụy Khuê (gần trường Chu Văn An), Tây Hồ.
  • Bánh bao thủ công: Số 146 Quán Thánh, Ba Đình. Quán bánh ngồi ở vỉa hè, bán bánh bao nhân, bánh bao chay. Bánh bao tự làm nên hình thù không giống các loại bánh bao khác, vỏ bánh mềm xốp, ngon mỗi tội giá không rẻ.
  • Bánh bao chiên: Số 8 Nguyễn Trường Tộ, Ba Đình. Bánh bao chiên ở đây bột thơm, ăn ngon, nhân đầy đặn, thường khi đi một người, người ta sẽ mang ra 3 chiếc bánh bao chiên, đi hai thì mang ra sáu chiếc, nếu các bạn ăn không hết thì có thể trả lại, họ sẽ trừ tiền bánh thừa cho mình.
  • Bánh bao chiên Ngọc Thùy: Số 51 Tôn Đức Thắng, Ba Đình
  • Bánh bao chiên: Sân vận động Hàng Đẫy, Trịnh Hoài Đức, Đống Đa

6. Bánh gối

Bánh gối là có hình bán nguyệt nhỏ xinh như chiếc gối, bên trong là nhân thịt băm, miến, mộc nhĩ… Khi ăn, chấm với nước mắm chua, ngọt, cay kèm với nộm đu đủ, ít rau sống cho bớt ngấy làm món ăn càng trở nên ngon hơn và ăn không biết chán

  • Bánh gối, bánh rán mặn: Số 52 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm. Quán khá lâu đời ở Hà Nội. Ở đây có bán bánh gối, bánh tôm, bánh rán mặn… Bánh rán, bánh gối vỏ giòn, nhiều nhân, ăn vừa miệng. Giá cả hợp lý.
  • Quán bánh tôm, bánh gối: Số 25 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ở đây có hai quán bán bánh gối, bánh tôm đều ở trong ngõ, theo mình thấy thì quán ở bên phải từ đầu ngõ vào đông khách và ăn ngon hơn. Ngoài bánh gối thì quán còn phục vụ các món khác như cút lộn, nem chua rán, bánh tôm… Giá cả hợp lý.
  • Quán bánh gối chú Quân: Số 17 Hoàng Tích Trí, Đống Đa. Gánh hàng rong vỉa hè gần cổng trường Tiểu học Kim Liên, giá cũng rẻ.
  • Bánh gối Hàng Chiếu: Vỉa hè số 49 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm.
  • Bánh gối Ngọc Tú: Chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy

7. Bánh quẩy – Bánh tiêu

Được làm từ bột mỳ, pha thêm bột nở chiên qua chảo dầu nóng, bánh quẩy có hình dáng dài còn bánh tiêu có hình tròn.

  • Quán Quảy Nóng: Số 109 Tạ Quang Bửu, Bách Khoa, Hai Bà Trưng. Quán ăn quen thuộc của học sinh, sinh viên, quẩy, bánh tiêu ở đây khá ngon, giòn, nóng, giá cả phải chăng.
  • Đầu phố Hàng Đậu giao với đường Trần Nhật Duật
  • Phố Hàng Bông, đoạn gần giao với Phủ Doãn

8. Bánh tôm

Món đặc sản của Hà Nội, được biết đến nhiều nhất là bánh tôm Hồ Tây.

  • Nhà hàng bánh tôm Hồ Tây: Số 1 Thanh Niên, Yên Phụ, Tây Hồ. Đây là quán có thâm niên lâu đời ở Hà Nội, nổi tiếng từ thời bao cấp, tuy nhiên hiện nay chất lượng bánh tôm ở đây không đặc sắc như trước nữa.
  • Quán bánh tôm, há cảo chiên: vỉa hè số nhà 55 Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán vỉa hè nhưng đông khách, có thể ăn tại đây hoặc mua mang về. Ngoài bánh tôm quán còn bán cả há cảo chiên, quán mở bán từ 15h chiều cho đến khi hết hàng.
  • Bánh tôm số 25 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ở đây có hai quán bán bánh tôm, bánh gối đều ở trong ngõ, mình và bạn hay ăn ở quán bên phải từ đầu ngõ vào, quán rất đông khách, bánh tôm ở đây vỏ giòn, tôm to, nước chấm đậm đà. Ngoài ra quán còn phục vụ các món khác như cút lộn, nem chua rán, bánh gối…
  • Quán bánh tôm ở Phủ Tây Hồ, Tây Hồ

9. Bánh ngô, khoai, chuối

Bánh ngô, bánh khoai, bánh chuối là món ăn vặt phổ biến trong tiết trời se lạnh của mùa đông. Món bánh bình dị, dân dã, rẻ tiền có thể bắt gặp ở bất cứ đâu mỗi khi trời trở lạnh.

  • Bánh khoai chị Thanh: Đối diện số 260 Đội Cấn, Ba Đình
  • Bánh khoai đường Láng: Rất nhiều hàng bán ven bờ sông
  • Trước số nhà 6 phố Phùng Khoang
  • Bánh khoai đường Chiến Thắng, ngõ rẽ vào hồ Than Thở, Văn Quán, Hà Đông
  • Bánh khoai ven hồ Triều Khúc, chợ Triều Khúc, Thanh Xuân
  • Cổng đình Trung Tự (cuối phố Xã Đàn)
  • Số 162 Tôn Đức Thắng, Đống Đa

10. Bánh xèo

Bánh xèo có hình bán nguyệt bên trong là nhân tôm, thịt, giá đỗ ăn kèm với rau sống chấm cùng nước mắm chua ngọt

  • Bánh xèo nem cuốn: Số 22 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm. Quán khá nhỏ, chật chội, thường mở tầm buổi chiều. Bánh xèo ở đây ngon, vỏ mỏng, giòn. Quán đông khách nên phục vụ hơi chậm.
  • Bánh xèo Chính Thắm: Số 117 Thái Hà, Đống Đa. Quán rộng rãi, thoáng mát, đông khách. Bánh giòn, nhiều nhân nhưng hơi ngấy.
  • Bánh xèo, bún thịt nướng: Số 3 Tô Hiến Thành, Hai Bà Trưng. Bánh xèo giòn, ít thịt nhiều giá, nước chấm lạ miệng, quán nhỏ, nhân viên không nhiệt tình lắm.
  • Bánh xèo Hạnh Mai: Số 77A Đại Cồ Việt, Hai Bà Trưng. Quán khá đông khách nên phải chờ lâu. Vỏ bánh xèo hơi dầy nhưng giòn ngon, tôm to, thịt nhiều ăn cũng được. Ngoài bánh xèo, quán có món bánh chuối ăn béo ngậy, thơm mùi cốt dừa.
  • Phố nấm Bảo Quyên: Số 67 Lò Đúc, Hai Bà Trưng
  • Bánh xèo số 29 Tôn Đức Thắng, Đống Đa

11. Bánh tráng trộn

Bánh tráng trộn gồm có bánh tráng cắt nhỏ trộn với thịt bò khô, xoài thái sợi, trứng chim cút, hành phi và phồng tôm, món ăn này có vị chua, cay rất ngon.

Bánh tráng nướng cũng là món ăn quen thuộc của Sài Gòn, bánh tráng được nướng trên bếp than, bên trên là trứng, xúc xích, pho mai và còn có cái tên rất Việt “pizza Việt”.

  • Bánh tráng nướng: Số 48 Hàng Tre, Hoàn Kiếm. Quán rất đông khách nên hơi chật chội, thường mở tầm buổi chiều. Bánh tráng nướng ở đây ăn được, bánh tráng trộn thì ăn chua, cay nhưng hơi ít thịt bò khô.
  • Bánh tráng trộn Tina Trần: Số 3A15 ngõ 33 Chùa Láng, Đống Đa. Quán nằm sâu trong ngõ, không gian nhỏ nhưng sạch sẽ. Ngoài bánh tráng trộn, quán còn có cút lộn xào me, bắp xào tép, bánh tráng nướng… rẻ mà ngon, vừa miệng.
  • Bánh tráng trộn Hoa Mai: Sân chơi khu tập thể A6 Khương Thượng, Đống Đa. Không gian hơi chật, không có chỗ để xe, nhưng bánh tráng trộn, bánh tráng cuộn, bánh tráng nướng vừa rẻ vừa ngon, bánh tráng trộn còn có thêm mực khô và tôm ăn khá lạ miệng.
  • Bánh tráng trộn: Số 90A Yết Kiêu, Hai Bà Trưng.
  • Bánh tráng trộn cô Toàn: Số 86 Hàng Trống, Hoàn Kiếm.

12. Bánh tráng cuốn thịt heo

Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn đơn giản, không cầu kỳ chỉ là bánh tráng cuốn với thịt heo luộc, lát dưa chuột, giá đỗ và các loại rau sống rồi cuộn lại từ từ, chấm vào bát nước mắm nêm cay nồng. Thưởng thức món bánh tráng cuốn cùng cốc trà đá hay vại bia hơi là đã đủ một buổi tụ tập no nê mà vui vẻ.

  • Quán ngon miền Tây: Số 65C văn Cao, Liễu Giai, Ba Đình
  • Bánh tráng Trảng Bàng: Số 70 Phó Đức Chính, Trúc Bạch, Ba Đình
  • Nhà hàng Hồng Yến: Số 258 Âu Cơ, Tây Hồ
  • Nhà hàng Phương Nam: Số 2 ngõ 69 Chùa Láng, Đống Đa
  • Quán Mắm Nêm: Nguyên Hồng, Ba Đình
  • Quán Trần: Số 76 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa
  • Slow life – Bánh tráng cuốn thịt heo: Số 92 Mai Dịch, Cầu Giấy
  • Đặc sản Đà Nẵng: Số 1 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy
  • Quán Cô Bé – Bánh tráng cuốn thịt heo: Số 33 Gia Ngư, Hoàn Kiếm
  • Quán bánh tráng thịt heo: Số 30 Trúc Khê, Đống Đa/Số 106 Yết Kiêu, Hai Bà Trưng
  • Lộc quán – Bánh tráng cuốn thịt heo” Số 122 hồ Đền Lừ, Hoàng Mai
  • Quán Hoàng Bèo: Số 40 Duy Tân, Cầu Giấy

13. Bánh bột lọc

Bánh bột lọc có lớp bỏ trong suốt, bên trong là nhân tôm trộn với gia vị được gói bằng lá chuối hoặc không và hấp cách thủy

  • Bánh bột lọc cô Thường: Số 198 Thụy Khuê, Tây Hồ. Quán bé nằm trong ngõ, bánh bột lọc ở đây ăn khá lạ vì được chan nước mắm lên bánh luôn chứ không phải chấm như các quán khác, nhân đầy đặn, ăn ngập răng.
  • Bánh bột lọc chan nước Mai Hương: Số 243 Ngọc Lâm, Long Biên. Quán đông khách, có thể ăn tại chỗ hoặc mua mang về. Bánh bột lọc được chan nước mắm ăn cũng được tuy nhiên hơi ít nhân.
  • Bánh bột lọc chợ Vĩnh Hồ: B3 chợ Vĩnh Hồ, Đống Đa.
  • Bánh bột lọc quán Mai Nga: Hàm Long, Hoàn Kiếm
  • Bánh bột lọc bác Hoa: Mặt ngõ phố Hồng Mai, đối diện THPT Đoàn Kết, Hai Bà Trưng
  • Bánh bột lọc Chợ Ngã Tư Sở, Đống Đa
  • Bánh bột lọc chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy

14. Bánh trôi tàu

Bánh trôi Tàu gần giống bánh chay, nhưng nhân có thêm chút dừa nạo hoặc dừa xắt miếng vuông nhỏ, nước đường thì chỉ dùng gừng và đường không cho bột sắn dây hay bột đao. Vào tiết trời se lạnh, được bưng bát bánh trôi nóng hổi trong lòng bàn tay, húp một thìa nước bánh trôi ngọt lịm, thơm lừng đầu lưỡi, cảm giác vô cùng thích thú.

  • Bánh trôi tàu Bạch Mai: Số 250 Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Quán chỉ mở bán vào mùa đông, tầm chiều từ 15h – 19h. Bánh ở đây ăn ngon, viên bánh bé không to như những hàng khác được cái vỏ mỏng, dẻo quánh, nhân đầy đặn, nước gừng nóng ấm, cay ngọt. Giá cả hợp lý.
  • Bánh trôi tàu Hàng Cân: Số 4 Hàng Cân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán mở bán vào tầm chiều. Bánh ở đây ăn cũng ngon, vỏ bánh mềm nhưng dai, nhân nhuyễn mịn, bùi, thơm, nước gừng nóng ấm, cay nhưng ngọt đậm.

11 món bún ngon đặc trưng Hà Nội

1. Bún cá

Là món ăn đơn giản, quen thuộc trong đời sống ẩm thực của người dân Hà thành. Các bạn có thể tìm thấy món ăn bình dân này trong các ngõ phố, góc chợ, cửa hàng, bún cá ăn không bị ngấy, ngọt thanh và thường ăn kèm với rau xanh (có thể là rau cải, rau cần hoặc dọc mùng)

  • Bún cá Sâm Cây Si: Số 5 ngõ Trung Yên (đường Đinh Liệt rẽ vào), Hoàn Kiếm. Quán nằm trong ngõ khá nhỏ hơi khó tìm. Quán bán chủ yếu món bún cá ăn kèm với cá chiên, cá viên, cá cuốn thịt khá ngon, phục vụ tốt, có chỗ để xe.
  • Bún cá Hương Quỳnh: Số 463 Xã Đàn, Đống Đa. Bún cá quán này ngon, nước dùng đậm đà, cá rán giòn, bát bún đầy đặn. Ngoài bún cá, nơi đây còn bán cả bánh đa trộn cá cũng ngon không kém.
  • Bún cá biển cay Bằng: Số 103D1 Trần Huy Liệu (ngay đầu Trần Huy Liệu – Giảng Võ). Bún cá ngon, ăn kèm với rau sống, thêm chút chả cá và cá rán, ngoài bún ra thì quán còn bán bánh đa cua.

2. Bún riêu

Là món có thể ăn quanh năm, khi ăn người bán thường thêm chút mắm tôm để tăng thêm vị đậm đà và ăn kèm với rau ghém (rau diếp thái nhỏ hay cọng rau muống chẻ).

  • Bún riêu vỉa hè số 21 Nguyễn Siêu, Hoàn Kiếm. Quán bán ở vỉa hè, bát bún vừa phải, nước dùng đậm đà, giá cả bình thường.
  • Bún riêu 2F Quang Trung, Hoàn Kiếm. Quán rộng rãi, bán bún riêu và bún ốc, hoặc các bạn có thể ăn đầy đủ giò, bắp bò, ốc, đậu… bán bún đầy, nước dùng ngọt ăn kèm với rau sống. Giá cao khoảng 50k – 80k tùy theo món bạn gọi, quán có chỗ để xe. Quán mở hàng từ 6h30 đến 10h30.
  • Bún riêu Hoàng Kỳ – Tô Hiệu: Số 122B C5 Tô Hiệu, Cầu Giấy. Quán khá đông khách vào buổi trưa, bát bún đầy đủ, sợi bún to, nước dùng ngon, có chỗ để xe.
  • Quán bún riêu cô Thành trong ngõ Phất Lộc (gần 1 ngôi đình bên trong ngõ, đi phố Nguyễn Hữu Huân rẽ vào ngõ là tiện nhất, chỉ 20m là thấy), quán này chỉ bán buổi sáng.
  • Quán bún riêu cua: Số 11 ngõ 84 Trần Quang Diệu (ngõ cạnh chợ Thái Hà, sau gò Đống Đa) ngon, rẻ.
  • Bún riêu số 127 Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy. Quán đông khách, bún riêu nước ngọt, đậm đà ăn kèm rau muống chẻ.

3. Bún đậu mắm tôm

Một nét ẩm thực mang màu sắc rất riêng, đặc trưng của người Hà Nội. Hiện nay ngoài đậu rán chấm mắm tôm (hoặc nước mắm), nhiều hàng bún đậu còn ăn kèm chả cốm, thịt lợn luộc, giò tai rán giòn, dồi rán… cho thêm phần hấp dẫn.

  • Bún đậu mắm tôm: Số 55 ngõ Phất Lộc. Trong ngõ này có rất nhiều hàng bún đậu từ đầu ngõ đến cuối ngõ. Có 2 hàng mình hay ăn là số nhà 55 và 49, quán sạch sẽ, đông khách, phục vụ nhanh, bún lá và mắm tôm ở đây ngon, đậu ngậy, quán này cũng có ăn kèm chả cốm, nem rán, thịt luộc…
  • Quán Mẹt: Số 1 Trần Quý Kiên, Cầu Giấy/Số 1 ngõ 106 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy/Khu ẩm thực chân tòa KeangNam, Từ Liêm. Mình hay ăn ở Trần Quý Kiên, mắm tôm ở đây ngon, bún sợi nhỏ, một mẹt đầy đủ có chả cốm, giò bò, chân giò luộc và đặc biệt dồi rán ở đây ngon. Quán không rộng nhưng có nhiều tầng nên ngồi cũng được, có phòng có điều hòa, phục vụ ổn.
  • Bún đậu Hàng Khay: Ngõ 31 Hàng Khay, Hoàn Kiếm. Quán nằm sâu trong ngõ nhỏ nhưng càng đi sâu vào trong thì ngõ càng rộng. Trong ngõ này có 2 hàng bún đậu, mình hay ăn quán tít trong cùng, quán này rất đông khách, bún, mắm tôm ngon, giá cả khá rẻ mà lại nhiều.

4. Bún chả

Giống như phở, bún chả cũng là một trong những món đặc trưng của người Hà Nội. Bún chả có mặt ở khắp nơi thậm chí là trong các ngõ sâu hun hút. Bún chả thường ăn kèm với các loại rau sống như xà lách, tía tô, húng láng, kinh giới và đặc biệt là rau muống chẻ thành sợi nhỏ.

  • Bún chả Tuyết: Số 34 Hàng Than, Hoàn Kiếm. Quán chật chội và đông khách nhất là buổi trưa, bún chả cũng đầy đủ, chả thơm, nem rán giòn ăn cũng được, giá cả phải chăng, chỗ gửi xe xa nên nhiều khi đợi lấy xe hơi lâu.
  • Bún chả bọc lá chuối, không nước mắm: Số 23 Nguyễn Biểu, quận Ba Đình, Hà Nội. Là quán bún chả nổi tiếng từ lâu với thứ nước chấm không làm từ nước mắm mà được pha từ muối, nên nước trong và ít màu hơn nhưng bù lại chủ quán cho rất nhiều tỏi cùng cà rốt băm nhỏ. Điểm khác biệt giữa quán bún chả này với các quán khác đó chính là miếng thịt được bọc với lá chuối khi nướng, nên mùi vị thơm ngon hơn và dậy mùi hơn.
  • Bún chả que tre Hằng Nga: Ngõ Đồng Xuân, Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán nằm khuất trong ngõ Đồng Xuân – một trong những ngõ ăn uống xôm tụ nhất khu phố cổ. Nước chấm ở đây rất đặc biệt, nó được pha từ giấm sấu, giấm me nên ăn mùi vị rất lạ và thơm ngon. Mỗi suất bún chả ngõ Đồng Xuân gồm 2 que chả miếng, 2 que chả băm lá lốt, giá cả hợp lý.
  • Bún chả Đắc Kim: Số 1 Hàng Mành, Hoàn Kiếm / Số 67 Đường Thành, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là quán bún chả nổi tiếng ở phố cổ, quán nhỏ và chật nhưng có nhiều tầng và có thêm 2 chi nhánh nữa. Một suất bún chả khá nhiều thịt gồm có chả viên, chả miếng và chả lá lốt chấm nước mắm tỏi ớt, kèm theo rổ rau sống to, tuy nhiên giá cả thì rất đắt, ăn cũng bình thường. Nếu đi 2 người thì nên gọi 1 suất và gọi thêm nem cua bể (nem ở đây không đặc sắc lắm), còn đi 3 người thì các bạn nên gọi 2 suất là vừa ăn.

5. Bún bò Huế

Là một trong những đặc sản của xứ Huế rất được lòng nhiều người dân Hà Thành. Một tô bún bò Huế đúng chất gồm khá nhiều thành phần, mỗi thứ một chút, ăn vừa đủ, không thấy ngán. Vào những ngày trời lạnh, được thưởng thức một tô bún bò Huế thơm ngon nóng hổi là điều vô cùng tuyệt vời

  • Bún bò O Xuân: Số 3 Quang Trung, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm. Quán được nhiều người đánh giá là ngon, nước dùng vừa thơm mùi sả, đặc biệt là chả bò mình ăn thấy rất ngon, sợi bún to dày, giá cả thì hơi đắt.
  • Bún bò Huế: Số 106 Tô Hiệu, Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Quán rộng, tuy nhiên chỗ ngồi kê hơi sát nhau quá, vào giờ cao điểm thì phục vụ hơi chậm. Bát bún bò ở đây có nhiều mức giá khác nhau cho bạn lựa chọn, bún sợi to dày, nước dùng vừa, thơm nồng mùi sả, chả bò và thịt không ngon lắm, móng giò mềm.

6. Bún bò Nam Bộ

Không sử dụng nước dùng chế biến cầu kỳ như những loại bún khác, mà là sự mộc mạc của nước mắm chấm chua ngọt, kết hợp cùng với thịt bò mềm, rau thơm và giá trụng.

  • Bún bò Nam Bộ số 61 đường Láng, Đống Đa. Quán nằm gần hàng bún bò Huế, quán hơi bé nên ngồi cả vỉa hè, bún bò ngon, nước sốt chua ngọt vừa miệng, nhiều bún, rau thơm, lạc, hành khô ăn bùi và thơm nhưng hơi ít thịt.
  • Bún bò Nam Bộ Ánh Hòa: Số 12, ngõ 111 Khương Thượng, Đống Đa. Quán nằm trong ngõ nhỏ từ Khương Thượng đi vào, gần trường Đại học Thủy Lợi, vì nằm trong ngõ nên hơi khó tìm. Bún bò ở đây có nhiều mức giá cho bạn lựa chọn, bát bún ngon, nước sốt vừa miệng, thịt bò đậm vị. Nếu đến vào giờ cao điểm (buổi trưa, buổi tối), quán đông khách. Quán trong ngõ nhỏ nên để xe hơi khó khăn.

7. Bún bung

Là món ăn dân dã, gồm “bún” (bún rối hoặc bún lá) và “bung” là một món nước dùng để chan. Nước dùng này được nấu bằng sườn lợn, dọc mùng, mỡ nước, hành hoa, mẻ và các gia vị mắm muối.

  • Bún bung: Số 32 Cầu Gỗ, Hoàn Kiếm. Quán nhỏ nhưng đông khách nhất là buổi trưa và buổi tối, vào mùa hè nếu ăn tầm trưa và chiều thì hơi nóng, vỉa hè bé nên để ít xe. Bát bún bung chân giò ở đây khá đầy đặn, nhiều chân giò, phục vụ tương đối nhanh.
  • Bún bung, bún chả, nem rán: Số 96 Nguyễn Thái Học, Ba Đình. Quán nhỏ nên ngồi cả vỉa hè và trong ngõ, chỉ bán buổi sáng. Quán này bán bún thịt mọc dọc mùng và bún móng, nước dùng ngọt, nhiều mọc, nếu thích bạn có thể gọi riêng một bát móng, móng chặt mỏng, ăn dẻo giòn, nước chấm khá ngon.

8. Bún mọc

Là loại bún cổ truyền của làng Mọc, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội. Bát bún mọc gồm mọc (thịt xay nhuyễn viên với nấm hương), sườn khi ăn có thể thêm ít chanh chua, ít ớt cay để làm đậm đà thêm tô bún.

  • Bún dọc mùng: Số 18 Bát Đàn, Hoàn Kiếm. Con phố này không chỉ nổi tiếng với món phở mà còn có hàng bún dọc mùng khá ngon. Quán nằm ngay mặt đường nên cũng dễ tìm, khá đông khách nhất là buổi sáng, bát bún đầy đặn, nước dùng đậm đà, nhiều mọc, mọc dai thơm mùi mộc nhĩ, sườn mềm, dọc mùng ngon. Nhân viên phục vụ thân thiện.
  • Bún mọc tiết: Số 19 Nguyễn Thiện Thuật (đằng sau chợ Đồng Xuân), Hoàn Kiếm. Quán hơi bé và ồn ào, bún mọc nước dùng ngon, dễ ăn, bún mềm, mọc to, dai, măng đậm đà, ngấm vị và ngọt nước, tương ớt thì khá cay. Quán mở từ 6h sáng đến đêm.
  • Bún móng Thụy Tâm Only One: Số 307B ngõ Thái Lợi, phố Bạch Mai. Quán bé nhưng đông khách, thường mở buổi tối. Quán bán bún móng, thịt, sườn, đuôi lợn, nước dùng ngọt, sườn mềm, đuôi giòn ngon.
  • Bún mọc Thủy: Số 10C ngõ Đào Duy Từ, phố Đào Duy Từ. Quán bán buổi sáng với bún mọc, tim, sườn, thịt bò.

9. Bún ốc

Có thể ăn theo nhiều cách: bún riêu ốc nóng bỏng rát lưỡi, bún ốc nguội không vương chút dầu mỡ hay bún ốc chuối đậu thơm bùi. Nhưng dù ở biến thể nào cũng không thể thiếu món rau gia vị là tía tô, kinh giới, chuối thái sợi, rau muống chẻ… Tất cả làm nên món ăn ngon, đậm đà.

  • Quán bún ốc nguội Ô Quan Chưởng: Số 1 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm. Quán bán bún ốc nguội từ sáng đến trưa, chiều quán bán miến lươn. Lúc đầu ăn bún ốc nguội, Dolly có chút thất vọng so với những gì mình tưởng tượng, nhưng càng ăn, càng cảm nhận được vị ngon của nó. Ốc to, giòn, béo ngậy mà không tanh, nước chấm chua thanh, cay nồng ăn kèm cùng chút bún rối rất hợp vị, giá bún ốc nguội đắt hơn so với các loại bún ốc khác.
  • Bún ốc nguội cô Huê – Nhà Chung: Ngõ 17 Nhà Chung, Hoàn Kiếm. Không giống với các hàng ốc khác, bát bún ốc chỉ có ốc và rau chứ k có giò, bò, đậu… nước dùng ốc ở đây không lai tạp nên nước dùng là nước thuần ốc, ngọt thơm mùi giấm bỗng chua và cay (nếu bạn nào không ăn được cay thì nhớ nhắc cô chủ quán để giảm bớt độ cay), ốc giòn có hai loại to và nhỏ. Quán có món bún ốc và bún ốc nguội, nếu ăn bún ốc nguội thì nên ăn vào mùa hè sẽ ngon hơn. Gánh hàng nằm sâu trong ngõ nhỏ nên để xe hơi khó khăn, bán từ 6h sáng đến 14h chiều.
  • Quán bún ốc cổ Đội Cấn: Số 202 Đội Cấn, Ba Đình. Quán này tương đối nổi tiếng, không gian hơi bé nhưng đông khách, giá bún ốc nguội cũng không phải là rẻ.
  • Bún, lẩu ốc Bà Lương: Số 34 – 64 Ngõ 191 Khương Thượng, Đống Đa. Quán nằm trong ngõ Khương Thượng, quán có món lẩu ốc, bún ốc thì rẻ, chả ốc thì đắt. Bát bún ốc có nhiều loại ốc vừa và ốc nhỏ, chuối, đậu, nước dùng chua dịu vừa miệng.
  • Bún riêu ốc bà Téo: Số 104 C6 Tô Hiệu, Cầu Giấy. Quán bán cả bún riêu, bún ốc, tuy nhiên mình thấy bún riêu ở đây không ngon bằng bún ốc, bún ốc có nhiều loại vừa, nhỏ, to, nước dùng vừa miệng, quán đông khách vào buổi trưa, ớt trưng ở đây khá cay nên nếu bạn nào không ăn được cay thì nên cho ít thôi. Ngoài bún ốc, riêu thì quán còn bán cả lẩu riêu cua.
  • Bún ốc cô Béo: Số 2 Hòe Nhai, Ba Đình.

10. Bún thang

Bún thang tượng trưng cho một món quà thanh nhã, tinh tế vào bậc nhất trong những món ăn đặc sản Hà Thành.

  • Bún thang Bà Đức: Số 48 Cầu Gỗ, Quận Hoàn Kiếm/Số 59 Hàng Lược, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Là hàng bún thang khá nổi tiếng và lâu đời ở Hà Nội. Một suất ở đây khá đầy đủ: trứng rán, giò thái sợi và củ cải thái mỏng, ăn kèm với thịt gà trắng mềm, nhưng hơi ít bún. Nước dùng của bún cũng tương đối đậm đà thêm vào đó một chút mắm tôm nữa thì mùi vị rất ngon. Buổi tối quán đông nên hết chỗ sớm.
  • Bún thang số 32 Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cũng là một trong số hàng bún thang có thâm niên ở Hà Nội. Bún khá ngon, nước dùng đậm đà và đầy đủ: gà, giò, mọc, trứng, nấm, hành… Tuy nhiên quán hơi chật, vỉa hè nhỏ, thường đông khách vào buổi trưa và buổi tối.
  • Bún thang số 11 Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bát bún ở đây đầy đặn, đủ vị với thịt gà, trứng tráng, giò lụa, nấm hương, củ cải dầm… và nước dùng dậy mùi thơm của xương gà ninh, của nấm hương và tôm he nên có vị ngọt dịu và rất đậm đà.
  • Bún thang số 11 Hạ Hồi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Quán bình dân nhưng không xô bồ đông đúc như những quán khác. Quán có chỗ ngồi cả trong nhà lẫn mặt ngõ, rất thoáng đãng, mát mẻ. Bát bún cũng đầy đủ hương vị, nước dùng vừa miệng, củ cải khô không thái sợi mà để cả miếng dài, to, nhai sần sật, giòn giòn rất thú vị. Ngoài ra, quán còn bán cả bún bò, phở bò gà, nhưng có lẽ chỉ bún thang là đắt khách nhất.

11. Bún ngan

Là món ăn bình dị được ưa chuộng suốt 4 mùa của ẩm thực Hà Thành. Bún ngan gồm có bún, vài miếng thịt ngan thái lát mỏng ăn kèm ít măng tươi thêm chút hành hoa rồi chan nước dùng nóng hổi là đã có ngay một bát bún ngan thơm ngon.

  • Bún ngan, chả ngan nướng Hiền: Số 75 Hàng Bông, Hoàn Kiếm. Quán nằm trong khuôn viên trường mầm non thường mở cửa từ 19h đến 22h tối. Quán nổi bật với món chả ngan nướng (thịt ngan thái miếng rồi xiên nướng) thịt mềm chấm cùng nước chấm khá ngon, nhưng giá khá đắt.
  • Bún ngan chùa Hà: Số 3 Chùa Hà, Cầu Giấy. Bún ngan ở đây nước dùng vừa miệng, thịt ngan mềm, tiết dày.
  • Bún ngan chặt Thành Công: Khu tập thể Thành Công, gần Đình Làng Thành Công, đối diện tiệm làm tóc. Quán mở cửa vào từ 11h đến 14h, từ thứ 2 đến thứ 7 trong tuần. Quán bán bún và miến ngan, đĩa thịt ngan, ngan mềm, ngọt không bị ngấy.
  • Bún ngan Nhàn: Ngõ Trung Yên, Hoàn Kiếm.
  • Bán ngan Thái Hà: Ngõ 198 Thái Hà, Đống Đa.
  • Thế Giới Ngan: Giao giữa phố Hàm Long và Ngô Quyền.

3 món ngon từ gà

1. Chân, cánh gà rang muối

Chân gà rang muối không phải món ăn quá mới lạ, đặc biệt là với những người thường hay lê la trong các quán nhậu bởi đây là món nhắm khá phổ biến và hấp dẫn. Chân gà với lớp vỏ bên ngoài có màu vàng rộm đẹp mắt, khi cắn vào giòn tan, lớp thịt bên trong chín sâu mà vẫn chắc. Món gà giòn thơm vị ngọt của thịt, một chút mặn của muối hòa quyện trong nước chấm chua ngọt vừa miệng càng ăn lại càng thèm.

  • Chân gà rang muối Hàng Thùng: Số 14 Hàng Thùng, Hoàn Kiếm. Quán khá đông khách, chân gà rang muối ở đây ngon, da gà giòn, thịt mềm, nước chấm rất hợp khẩu vị.
  • Chân gà rang muối hải sản: Số 29 Nhà Hỏa, Hoàn Kiếm.

2. Chân gà nướng

Chân gà nướng được tẩm ướp trước khi nướng và ăn kèm với các loại rau sống. Đây là món ăn vặt được yêu thích vì khi nướng lên, những chiếc chân gà vàng rượm, có vị thơm ngon thấm đậm đà.

  • Chân gà nướng: Số 240 Bà Triệu, Hai Bà Trưng. Quán ngồi vỉa hè, chân gà ở đây tẩm ướp vừa miệng, thịt thơm, da giòn.
  • Chân gà nướng: Số 21 Ngõ Gạch, Hoàn Kiếm. Chân gà quán tẩ, ướp ngon và ngấm gia vị, nhưng thái độ phục vụ không được tốt lắm.
  • Chân gà nướng Ngã tư Trịnh Hoài Đức – Nguyễn Thái Học

3. Chân gà luộc

Chân gà luôn mà món ăn khoái khẩu của nhiều người bởi vị giòn ngon, hấp dẫn. Giữa tiết trời se lạnh, mà được cùng với bạn bè ngồi “lai rai” chân gà luộc, nhâm nhi một chút rượu nồng thì thật là tuyệt.

  • Chân gà hấp sả ớt: Số 23 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm. Chân gà tẩm ướp ngon, thấm gia vị, nước chấm vừa miệng.

3 quán chả cá nhất định phải thử

Chả cá là một món đặc sản do gia đình họ Đoàn tại số nhà 14 phố Chả Cá (trước đây là phố Hàng Sơn) giữ bí quyết kinh doanh và đặt tên cho nó. Thịt cá được lọc ra rồi tẩm ướp thật kỹ trong vòng vài tiếng đồng hồ mới đem ra nướng trên bếp than hoa hồng rực. Khi ăn đặt chảo lên bếp, cho mỡ và chờ cho đến khi nóng già thì cho chả cá đã nướng, thêm chút hành và thì là vào đảo đều. Rau chín tới ta gắp chả cá đặt lên trên bún trong bát, cho rau, rắc ít lạc rang, rưới chút mắm tôm rồi trộn ăn. Do có nhiều mỡ nên khi ăn phải kèm theo cuống hành tươi chẻ nhỏ ngâm qua dấm pha loãng.

1. Chả cá Lã Vọng – 14 Chả Cá, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Được xem là quán gốc cho món chả cá ngon nổi tiếng Hà Thành. Quán có bề dày lịch sử lâu đời, từ thời Pháp thuộc, quán rất nhỏ nên tạo sự ấm cúng, hoài cổ cho người thưởng thức. Chả cả ở đây ăn ngon, nhưng hơi ít và giá thành thì quá đắt. Thái độ phục vụ thì bình thường.

Nguồn gốc của quán: Vào những năm thời kỳ Pháp thuộc, ở số 14 Hàng Sơn có một gia đình họ Đoàn sinh sống, họ thường lấy nhà mình làm nơi cưu mang nghĩa quân Đề Thám. Chủ nhà hay làm một món chả cá rất ngon đãi khách, lâu dần thành quen, những vị khách ấy đã giúp gia đình mở một quán chuyên bán món ăn ấy, vừa để nuôi sống gia đình, vừa làm nơi tụ họp. Lâu dần, hai tiếng ‘Chả Cá’ được gọi thành tên phố. Trong nhà hàng luôn bày một ông Lã Vọng – Khương Tử Nha ngồi bó gối câu cá – biểu tượng của người tài giỏi nhưng đang phải đợi thời. Vì thế khách ăn quen gọi là Chả cá Lã Vọng, ngày nay trở thành tên nhà hàng và cũng là của món ăn.

2. Chả cá Lão Ngư 171 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội

Nhà hàng rộng rãi, sạch sẽ, dễ tìm, có chỗ đỗ xe tiện lợi nhưng hơi khó sang đường và rất đông khách. Suất chả cá ở đầy đặn, giá cả hợp lý. Cá được tẩm ướp gia vị khá là ngon, thịt cá mềm, lòng cá ăn giòn, bánh đa cũng giòn tan, thơm. Ăn kèm với mắm tôm được pha cũng rất ngon. Phục vụ nhanh, nhân viên nhiệt tình.

3. Chả Cá Anh Vũ – 116 K1 Giảng võ, Ba Đình, Hà Nội

Quán rộng rãi, sạch sẽ, phục vụ chuyên nghiệp. Chả cá ngon, rất mềm và thơm, suất ăn vừa đủ. Giá cả hợp lý.

3 món cơm ngon

1. Cơm rang

Cơm rang là một món ăn phổ biến trong ẩm thực Á Đông. Món này được chế biến bằng cách đảo cơm cùng với dầu ăn hoặc mỡ và những thực phẩm khác như thịt, trứng, xúc xích, củ quả… Có rất nhiều loại cơm rang với những thành phần khác nhau, nhưng đều có kiểu cách và hương vị riêng thơm ngon.

  • Cơm rang dưa bò Đức Hạnh: Số 38 Mã Mây, Hoàn Kiếm. Dọc phố Mã Mây có nhiều quán cơm rang dưa bò, cơm rang ở đây là cơm trắng rang ăn kèm với đĩa dưa bò xào khá ngon.
  • Cơm rang cua: Số 41 Đường Thành, Hoàn Kiếm. Quán nhỏ nên hơi chật nên hay phải ghép bàn có thể mua mang về hoặc ăn tại quán, cơm rang cua ngon, ngoài món này quán còn có món súp, xôi, chả…
  • Cơm rang gà quay: Số 29 Bà Triệu, Hàng Bài, Hoàn Kiếm
  • Cơm rang: Số 7 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng
  • Cơm đảo gà rang: Số 1 Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm.

2. Cơm tấm

Món đặc sản của người miền Nam, hạt cơm tấm nhỏ, hơi khô nhưng mềm ăn cùng miếng sườn nướng vàng, cộng thêm bì lợn, trứng ốp la, thêm dưa leo hoặc đồ chua làm nên đĩa cơm đầy màu sắc mà không kém phần hấp dẫn.

  • Tiệm cơm Vi Sài Gòn: Số 37 Lê Văn Hưu, Hoàn Kiếm. Quán nằm ở mặt tiền Lê Văn Hưu nên rất dễ tìm. Đĩa cơm trông khá bắt mắt, cơm dẻo, được rang qua nên khá thơm, ngon. Nhân viên thân thiện.
  • Cơm tấm Sườn To: Số 16 Kim Mã, Ba Đình. Quán không gian không rộng lắm, có rất nhiều món cho bạn lựa chọn như cơm sườn to, sườn xào chua ngọt… cơm dẻo, sườn to ăn khá ngon, vừa miệng.
  • Cơm tấm Sài Gòn Thủy Linh Châu: Số 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm. Quán nằm ngay mặt đường, dễ tìm, rộng, nhìn bên ngoài khá giống quán cơm bình dân nhưng giá cả không hề rẻ. Quán có bán nhiều loại như cơm sườn chả, cơm gà, sườn gà… cơm ở đây dẻo, sườn ăn ngon, nước sốt vừa miệng.

3. Cơm niêu

Là món ăn dân dã bình dị của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Hạt cơm dẻo thơm được nấu từ nồi đất phảng phất hương vị đồng quê ngay giữa chốn đô thành, ăn kèm với món cá bống kho tộ, canh cua rau mùng tơi, hay ăn cùng với cà pháo giòn tan, đậm vị mang đến cho các bạn những cảm nhận mới mẻ và thú vị. Chính vì vậy món cơm niêu đã trở thành món ăn được ưa thích và không thể thiếu trong những dịp liên hoan hay hội họp gia đình của những người sành ăn.

  • Cơm niêu Thúy Nga: Số 110B2 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa
  • Cơm niêu Hòa: Số 137 Trần Đại Nghĩa, Hai Bà Trưng

8 món bánh mì ngon Hà Nội

1. Bánh mì chảo

là món ăn được các bạn trẻ yêu thích, nhất là vào tiết trời se se lạnh. Có hai loại bánh mì chảo đó là bánh mì chảo thường và bánh mì chảo đầy đủ. Bánh mì chảo thường gồm pate nướng, trứng ốp la, khoai tây chiên giòn hoặc khoai nghiền ăn kèm bánh mì và dưa chuột chua ngọt. Bánh mì chảo đầy đủ có thêm xúc xích. Tất cả đều được dưới nước sốt chua ngọt và ngậy của bơ.

  • Cột Điện quán: Số 104 – 105b C3 tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy/Số 71 Đặng Văn Ngữ, Đống Đa. Quán mở từ sáng tới tối, quán có 3 suất chính là chảo thường, chảo đầy đủ và sốt vang, pate ở đây ăn rất ngon, mềm, thơm ăn không ngấy, nước sốt hơi ngọt. Nhân viên phục vụ nhanh, nhiệt tình.
  • Bánh mì chảo Thái Thịnh: Số 35 Thái Thịnh, Đống Đa. Quán nằm trong ngõ cũng rất dễ tìm, quán đông khách nên nhiều khi người này vừa đứng lên thì người khác vào nên không kịp dọn rác, giấy dưới đất, nhân viên thân thiện nhưng phục vụ hơi lâu. Ở đây có món bánh mì chảo và sốt vang, bánh mì chảo hơi đơn giản có trứng và pate rán, pate ăn ngon không ngấy. Nhưng so với bánh mì sốt vàng thì bánh mì sốt vang ngon hơn, thịt bò mềm, nước sốt vang ngon, ăn kèm với dưa chuột chua ngọt.
  • Bánh mì Cười: Số 103 Nam Đồng, Đống Đa. Quán nhỏ nhưng sạch sẽ, nhân viên phục vụ nhanh nhẹn, thân thiện, bánh mỳ chảo ở đây có khoai nghiền, trứng ốp, xích xích, pate, thịt, trang trí khá đẹp mắt, nước sốt vừa miệng, bánh mì giòn ngon. Giá cả hợp lý.
  • Bánh Mì Chảo B52: B15 Lương Định Của, Đống Đa. Quán nhỏ và chật chội nhưng bánh mì chảo ở đây ăn khá ngon, nước sốt không quá ngọt, một suất bánh mì chảo khá đầy đủ gồm xúc xích, trứng, pate, khoai tây nghiền ăn kèm dưa chuột, giá cả hợp lý.

2. Bánh mì sốt vang

Bánh mì ăn kèm bò sốt vang thật tuyệt, nhất là trong những ngày mưa, mát trời hay se se lạnh. Đây là một món ăn ngon và quen thuộc với mọi người.

  • Bánh mì chảo Thái Thịnh: Số 35 Thái Thịnh, Đống Đa. Quán nằm trong ngõ cũng rất dễ tìm, quán đông khách nên nhiều khi người này vừa đứng lên thì người khác vào nên không kịp dọn rác, giấy dưới đất, nhân viên thân thiện nhưng phục vụ hơi lâu. Ở đây có món bánh mì chảo và sốt vang, bánh mì chảo hơi đơn giản có trứng và pate rán, pate ăn ngon không ngấy. Nhưng so với bánh mì sốt vàng thì bánh mì sốt vang ngon hơn, thịt bò mềm, nước sốt vang ngon, ăn kèm với dưa chuột chua ngọt.
  • Bánh mì ông già: Số 1 Ngõ 40 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng.
  • Bánh mì sốt vang số 252 Hàng Bông, Hoàn Kiếm (giao với phố Đình Ngang)
  • Bánh mì sốt vang số 204 Đội Cấn, Ba Đình
  • Bánh mì sốt vang pate số 129 Đội Cấn, Ba Đình

3. Bánh mì bít tết

Thường gồm thịt bò, khoai tây, trứng chiên…ăn kèm với sa lát dưa chuột, cà chu

  • Bánh mì bít tết Đinh Liệt: Số 38 Đinh Liệt, Hoàn Kiếm. Quán nằm ngay đầu Đinh Liệt, quán nhỏ nhưng có chỗ để xe khá rộng và không được sạch sẽ cho lắm. Quán có hai món khá ngon đó là bánh mì chảo và bít tết. Bít tết mềm, ngon, nước sốt thơm mùi tỏi. Bánh mì chảo to đầy, pate ngon không ngấy nước sốt đậm vị xì dầu. Nhân viên nhiệt tình, thân thiện. Giá cả hợp lý.
  • Bít tết Ông Lợi: Số 51 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm. Quán hơi bé nhưng sạch sẽ, lịch sự. Một đĩa bít tết gồm khoai tây chiên, bít tết và nước sốt, tuy nhiên bít tết hơn dai một chút nhưng tẩm ướp vừa miệng. Giá khá đắt.
  • Bánh mì Hà Cúc: Số 6 Hòe Nhai, Ba Đình. Không gian quán hơi chật, ít chỗ ngồi, bít tết ướp vừa miệng, thịt mềm, khoai tây hơi cứng, bánh mì giòn. Giá hơi đắt.
  • Bánh mì bít tết đền Lừ: Số 31 lô 5 đền Lừ 2, Hoàng Mai. Quán trong khu đền Lừ 2 nên hơi khó tìm và chỉ bán buổi tối, không gian quán khá nhỏ và chật chội nên mùa hè hơi bí, mùa đông thì vừa. Đĩa bít tết ở đây khá đầy đặn, nước sốt hợp vị, giá cả hợp lý.
  • Bít tết Ngọc Hiếu: Số 71 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy/Số 349 Đội Cấn, Ba Đình/Số 22 Hòa Mã, Hai Bà Trưng/Số 52 Lê Ngọc Hân, Hai Bà Trưng.
  • Bít tết Chiến Hói – Nghĩa Tân: Số A12 Nghĩa Tân, Cầu Giấy
  • Quán Béo: Số 96 Nguyễn Thái Học (dưới ngã tư Lê Trực – Trịnh Hoài Đức), Ba Đình

4. Bánh mì patê – chả

Là món ăn ngon, rẻ và tiện lợi, ngoài pate, chả bánh còn được kẹp thêm các loại rau như rau mùi, dưa chuột, củ cải, cà rốt dầm, một chút xúc xích, bơ nhạt, ruốc… tùy theo khẩu vị mà cho thêm ớt.

Bánh mì pate

  • Pâté ông Cuông: Số B4 Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa. Quán nằm ở mặt đường cũng khá dễ tìm, quán nhỏ nhưng sạch sẽ. Pate ở đây ăn khá thơm béo, ngoài pate trứng chảo còn có bành mỳ cay giòn ngon, xôi niêu ngon dễ ăn. Đồ ăn ở đây lúc nào cũng nóng nên đợi hơi lâu, nhân viên nhiệt tình. Giá cả hợp lý.
  • Bánh mì Bình: Số 204 Đội Cấn, Ba Đình. Quán ngoài mặt đường nên dễ tìm, có thể mua mang về hoặc ăn luôn ở đây, pate ở đây ngon, bùi, thơm.
  • Bánh mì Phố Huế: Số 118A Phố Huế, Hai Bà Trưng. Quán bánh mì này ngon, đông khách. Ở đây có các loại bánh mì pate ruốc, bánh mì bơ muối/đường, bánh mì chả tùy theo yêu cầu của người ăn. Nhưng mình thích nhất là bánh mì pate vì pate ở đây mịn, thơm, ngon tuy nhiên ớt ở đây rất cay, nếu bạn nào không ăn được ớt thì bảo cô chủ quán cho ít thôi.

Bánh mì khác

  • Bánh mì Hương Lan: Số 513 – 515 Kim Mã, Ngọc Khánh, Ba Đình. Quán cũng tương đối đông vào giờ cao điểm, bánh mì ở đây ngon, nhiều nhân và rau.
  • Bánh mì chả: Đường Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng. Là xe đẩy nằm ở góc đường Lê Đại Hành
  • Bánh mì bò băm: Phố Chùa Láng, Đống Đa
  • Bánh mì trứng bò khô: Ngõ 4 – 6 Chùa Bộc, Đống Đa.

5. Bánh mì thịt xiên nướng

Là bánh mì nóng giòn kẹp thịt xiên nướng, món ăn đơn giản nhưng khá thú vị.

  • Thịt xiên nướng Chùa Láng: Số 67 – 69 Chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa. Quán nằm gần trường Ngoại Thương, khá đông khách, thịt xiên nướng ngon, dai không bị bở ăn kèm dưa chuột chua ngọt, trà đá miễn phí. Ăn với bánh mì cũng khá ngon. Chủ quán nhiệt tình, thân thiện. Mở cửa lúc 10h – 12h trưa và tầm chiều từ 16h – 18h.
  • Bánh mì thịt xiên nướng: Số 11 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng.
  • Quán bà Ngà: Số 31 Quang Trung, Hoàn Kiếm

6. Bánh mì que

Hình dáng thon dài như cái que giống như bánh mì cay Hải Phòng, bên trong được phết pate, tương ớt khi ăn thì giòn mềm và cay.

  • Tiệm bánh Zoka: Số 25 Nhà Chung, Hoàn Kiếm. Quán nhỏ lịch sự, nhân viên thân thiện. Ở đây có nhiều loại bánh mì cho các bạn lựa chọn như: bánh mì nhỏ Hải Phòng có pate và pate ruốc, bánh mì to có xúc xích, thịt xiên nướng… Bánh ăn ngay ở quán sẽ giòn ngon hơn là mua về nhà.
  • Bánh mì Ngố: Số 39A Thái Phiên, Hai Bà Trưng. Quán nhỏ nhưng sạch sẽ, ở đây có nhiều loại bánh mì như bánh mì Hội An, bánh mì truyền thống, bánh mì gà chọi…
  • Bánh mì que: Số 101B1 Khương Trung, Thanh Xuân
  • Bánh mì que: Số 172 Nhân Trạch, Phú Lương, Hà Đông.

7. Bánh mì que Pháp

  • Bánh mì que Pháp: Tầng 4, Tòa nhà the Garden – Mễ Trì, Nam Từ Liêm. Bánh mì ngon giòn, nóng hổi vì luôn để sẵn trong lò nướng, khi có người ăn thì bắt đầu làm, cửa hàng đông khách nên hay phải chờ.
  • Bánh mì que Pháp: Phố Thành Công, Ba Đình.
  • Bánh mì que Pháp: Số 24, ngõ 564 Gia Thụy, Gia Lâm.
  • Bánh mì que Pháp: Số 64 Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy.

8. Bánh mì Doner Kebab

Có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng rất được ưa chuộng ở Việt Nam, thường được bán ở các xe đẩy vỉa hè hoặc quán nhỏ

  • Doner Kebab Chùa Láng: Chùa Láng, Đống Đa. Có 2 quán Doner Kebab gần nhau giá rẻ mà ngon, nằm gần trường đại học Ngoại Thương.
  • Doner Kebab: Số 73 Nguyễn Chí Thanh, Ba Đình. Quán nhỏ nằm gần điểm dừng xe buýt, bánh mì Doner Kebab ở đây nhiều thịt, ngon, giá cả bình thường.
  • Doner Kebab Đức Long: Số 4 Lương Ngọc Quyến, Hoàn Kiếm / Số 57 Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm.
  • Doner Kebab gần viện Goethe, Nguyễn Thái Học, Ba Đình
  • Doner Kebab Hàng Bạc: Phố Hàng Bạc, cạnh cafe Năng, đầu ngõ Phất Lộc
  • Chuỗi Doner Kebab: Sát trường THPT Thăng Long, Ta Quang Bửu, Bách Khoa
  • Chuỗi Doner Kebab: Trên đường Trần Duy Hưng, Đống Đa.

7 món cháo ngon Hà Nội

1. Cháo trai

Không chỉ tốt cho sức khỏe, cháo trai còn là một trong những món ăn dân dã được rất nhiều người yêu thích, nhất là vào những ngày lạnh.

  • Cháo trai Hồ Tây: Số 2 Thụy Khuê, Tây Hồ. Quán hơi nhỏ, khó tìm và đông khách. Cháo trai ngon, thơm.
  • Cháo trai: Số 26 Trần Xuân Soạn, Hai Bà Trưng. Quán rộng rãi, thoáng mát dễ tìm, cháo trai ngon, nhiều trai.
  • Cháo trai: Khu ăn uống A4 Thành Công, Ba Đình.

2. Cháo sườn

Cháo sườn là món ăn quen thuộc của người dân Hà Nội. Trong những ngày mùa đông, bát cháo sườn non nóng hổi, thơm mùi hạt tiêu xay đầy hấp dẫn thường trở nên thơm ngon đặc biệt.

  • Cháo sườn – Quán trà Đài Loan 1102: Số 3B Phan Đình Phùng, Ba Đình. Quán nhỏ khá dễ tìm, cháo ở đây nấu hơi loãng nhưng vừa miệng, giá hơi cao.
  • Cháo sườn: Số 32 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm. Gánh cháo vỉa hè, ăn cũng ngon, nhưng hơi ít.

3. Cháo lòng

Cháo lòng Hà Nội thường rất sánh, bí quyết nằm ở thứ nước ninh xương béo ngậy dùng để nấu cháo. Rồi thêm miếng lòng trắng trong giòn tan, miếng dồi tiết bùi, điểm thêm dăm ba miếng thịt dải, dạ dày, gan luộc, rau sống có hành ngò, húng ớt là đã có ngay bát cháo lòng đầy ắp nóng hổi. Nhìn bát cháo còn sủi tăm khói tỏa nghi ngút khiến người ta nhìn mà ứa nước miếng

  • Cháo lòng – Tiết canh: Số 7 Lê Duẩn (cạnh đường tàu), Hoàn Kiếm.
  • Cháo lòng: Số 166 đường Bưởi, Ba Đình.
  • Cháo lòng: Phố Cửa Nam, Hoàn Kiếm
  • Cháo lòng: Cuối chợ Ngọc Hà – đoạn nối vào phố Tây Sơn.

4. Cháo gà

Bát cháo gà nóng hổi, thơm nức mùi gạo, vị ngọt mềm từ thịt gà thêm vị cay nồng từ hành, hạt tiêu ăn trong những ngày đông se lạnh thì quá tuyệt.

  • Cháo gà bà Mỹ: Số 47A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm/Số 7 Nhà Thờ, Hoàn Kiếm.
  • Cháo 37 – Cháo tim, gan, cháo gà: Số 37 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng / Số 327 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy / Số 1 Tống Duy Tân, Hoàn Kiếm

5. Cháo ếch Singapore

Cháo ếch Singapore thu hút người ăn bởi vị cay nồng rồi đến vị ngọt. Món này được chia ra làm hai phần: một bên là cháo trắng được đựng trong một chiếc bát riêng, còn thịt ếch được đặt trong một chiếc nồi đất đơn sơ.

  • Ếch Sing 22A: Hàng Chiếu, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm
  • Nhà hàng Lion City: Số 30 Nhà Chung, Hoàn Kiếm/Số 92 Lê Duẩn, Hoàn Kiếm
  • Lydia’s House: Số 176 Triệu Việt Vương, Hai Bà Trưng.
  • Vedette Cafe & Lounge: Số 27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm

6. Cháo tim gan

Cháo tim gan là món ăn rất bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất sắt, vitamin B, vitamin D, vitamin A… đặc biệt rất tốt cho trẻ em.

  • Cháo tim gan: Số 88 Hàng Trống, Hoàn Kiếm
  • Cháo tim gan: Số 39 Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng
  • Cháo tim gan 37: Số 327 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy

7. Các món cháo khác

  • Cháo bồ câu: Số 106 Ngọc Khánh, Ba Đình
  • Cháo vịt: Số 16 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm
  • Cháo niêu: Số 63 Lò Đúc, Hai Bà Trưng
  • Cháo ruốc: Ngõ 175 Xuân Thủy, Cầu Giấy
  • Cháo cá Bắc Ninh Bẩy Ngọc: Số 14, ngõ 21 Hoàng Ngọc Phách, Láng Hạ, Đống Đa
  • Cháo đậu xanh, cà muối, đậu phụ: Ngõ 218 Tây Sơn, Đống Đa
  • Cháo cá Đoan Xồm: Phố Hàng Bông, Hoàn Kiếm

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *