Hãy thử tưởng tưởng vào một buổi sáng sớm, xung quanh bạn là âm thanh ồn ào. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền, màu sắc sống động của những bè, xà lan đầy ắp những tôm cá tươi, hoa quả miệt vườn. Và bạn, đang ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ xuôi dòng Mê Kông, ngang qua khu chợ đó… Đối với khách thập phương, tham quan chợ nổi là cách tốt nhất để khám phá những điều thú vị độc đáo của miền Tây Nam Bộ. Dành chút thời gian khám phá những khu chợ trên sông nổi tiếng trong chuyến hành trình khám phá miền Tây của mình. Bạn sẽ có được một trải nghiệm thú vị về nhịp sống đời thường nơi đây.
Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang.
Địa chỉ: Cái Bè, Quận Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang
Cái Bè được biết là chợ nổi nổi tiếng nhất ở Tiền Giang cũng như là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của khu vực miền Tây. Nằm dọc theo đảo Tân Phong, Cái Bè là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh: Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long.
Chợ nổi Cái Bè là một khu chợ nổi lớn với hàng trăm tàu thuyền đầy đủ các loại mặt hàng kinh doanh. Ở đây tàu thuyền đóng vai trò như chính ngôi nhà của những chủ buôn.
Cái Bè cũng là thị trường kinh doanh trái cây lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Là trạm trung chuyển trái cây và các sản vật đi khắp mọi miền với giá rẻ bất ngờ. Tới đây, bạn có thể thưởng thức nhiều loại trái cây tươi – “trái cây miệt vườn” như: vú sữa Lò Rèn, khốm Tân Lập…v…v… Ngoài ra bạn cũng có thể khám phá một số đảo gần đây.
Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ.
Địa chỉ: Quận Cái Răng, Cần Thơ
Cũng như Cái Bè, Cái Răng là điểm đến hấp dẫn nhất của thành phố Cần Thơ.
Giống như nhiều khu chợ nổi khác, chợ nổi Cái Răng là nơi mà mọi người trao đổi hàng hóa. Nhưng bạn có thể thấy được sự khác biệt ở đây là người bán hàng – hay các chủ thuyền. Chủ buôn thường đứng lặng lẽ ở thuyền của họ chứ không rao bán, mời chào du khách các mặt hàng mà họ buôn bán. Bởi các cửa hàng hay ghe thuyền thường treo hàng hóa trên mũi thuyền hoặc cây sào dài, người ta gọi là “cây bẹo”. Nếu muốn mua một mặt hàng nào đó, bạn không cần phải hỏi người bán hàng mà chỉ cần tìm và lựa chọn ở những cây sào rồi sau đó thanh toán cho mặt hàng bạn có được.
Chợ Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc tờ mờ sáng đến khoảng 8 9 giờ sáng thì vãn. Vậy nên hãy dậy sớm vào buổi bình minh để chắc chắn rằng bạn sẽ không phải bỏ lỡ những khoảnh khắc tuyệt vời tại khu chợ nổi này Bạn có thể bắt một chiếc thuyền nhỏ, tận hưởng không khí sôi động ở nơi đây.
Chợ nổi Cà Mau – TP Cà Mau.
Địa chỉ: Phường 8, Tp. Cà Mau, Tỉnh Cà Mau.
Chợ nổi Cà Mau là một địa danh đã đi vào các bài hát truyền thống của người Việt Nam.
Nằm trên hạ lưu sông Gành Hào, cách cầu Gành Hào khoảng 200m, thuộc phường 8 trung tâm thành phố Cà Mau, chợ nổi Cà Mau vốn là chợ địa phương, nhiều nhất là các ghe từ vùng Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Cái Nước, Năm Căn đem hàng tới phục vụ nhu cầu nông sản của người dân thành phố, rồi phân phối nhỏ lẻ xuống tận các huyện vùng sâu, vùng xa.
Mỗi ngày, chợ có khoảng 200 phương tiện ghe, thuyền neo đậu, mua bán, trao đổi hàng hóa ken đặc cả một khúc sông. Phần lớn ghe có trọng tải 2-2,5 tấn, rộng 2m, dài chừng 5-7m.
Đây là nơi hội tụ rất nhiều loại trái cây và sản vật miệt vườn như đu đủ, xoài, ổi, chôm chôm, khóm thơm (dứa), dừa nước, dưa gang, khế, bí, bầu, cà chua, khoai tây… Hình thức chào mời và quảng cáo nằm trên cây bẹo, là một cây sào dài treo những thứ mà ghe có bán. Ngoài ra, chợ còn là điểm hút người dân đến ăn vặt, ăn hàng ngay trong lòng thành phố.
Nhóm họp trên sông Gành Hào suốt từ 3-4 giờ sáng đến tận chiều tối, nhưng chợ nổi Cà Mau nhộn nhịp nhất là lúc sáng sớm. Khách đi chợ thường đi xuồng, đò lướt chậm qua các ghe hàng, chọn lựa, trả giá xôn xao.
Chợ nổi Ngã Năm – Sóc Trăng.
Địa chỉ: Thị trấn Ngã Năm, Sóc Trăng
Nguồn gốc của cái tên “Ngã Năm” này bắt nguồn từ khu chợ nổi này là nút giao của 5 con sông chảy vào năm hướng: Cà Mau, Vĩnh Quới, Long Mỹ, Thanh Trì, Phụng Hiệp…
Chợ nổi Ngã Năm không được du khách biết đến nhiều như các khu chợ nổi Cái Răng, Cái Bè. Điều này giúp cho chợ nổi Ngã Năm vẫn giữ được nét hoang sơ tuyệt đẹp từ hàng trăm năm nay. Chợ nổi này cũng là nút giao giữa 5 tỉnh: Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu.
Vì là nơi giao thoa của 5 con sông và 3 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên chợ nổi Ngã Năm mở cửa cả ngày, người bán và người mua qua lại rất thường xuyên, tái hiện một bức tranh vô cùng sống động. Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia hoặc bạn đam mê chụp ảnh, khung cảnh nơi đây sẽ là nguồn cảm hứng bất tận để bạn cho ra đời những ý tưởng và sản phẩm độc đáo.
Chợ nổi Ngã Bảy (chợ nổi Phụng Hiệp) – Hậu Giang.
Địa chỉ: Ngã Bảy, Tỉnh Hậu Giang
Tên gọi khác của khu chợ nổi này là Ngã Bảy, thuộc tỉnh Hậu Giang. Khu chợ này được hình thành khoảng 20 năm nay. Nó đã dần dần trở nên nổi tiếng không chỉ ở tỉnh Hậu Giang mà còn trên cả 6 tỉnh miền Tây.
Thị xã Ngã Bảy là nơi các thương nhân gặp gỡ và trao đổi hàng hóa, và cũng là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch nước ngoài. Du khách tới đây sẽ cảm thấy bạt ngàn màu sắc của trái cây, rau, các đồ dùng sinh hoạt miền sông nước. Đặc biệt là màu đỏ tươi của chôm chôm, màu ruốc chín của măng cụt, vị thơm của sầu riêng. Mỗi thuyền chỉ bán một loại trái cây và loại trái đó sẽ được treo lên một cây sào cao tượng trưng như là để thông báo rằng: “Tôi là nhãn”, “Còn tôi là xoài”… Đặc biệt ở chợ nổ Phụng Hiệp (Ngã Bảy) còn có chợ rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà… phục vụ du khách. Bên cạnh đó là những xuồng ba lá, những ghe nhỏ xíu với đa dạng ẩm thực phương Nam.
Hàng hóa ở chợ nổi Ngã Bảy được vận chuyển đến khắp các khu vực xa xôi trên cả nước, thậm chí còn xuất khẩu ra nước ngoài. Một du khách Úc khi đến đây đã nhận xét: “Đây là một khu chợ mở tuyệt vời, một sự kết hợp hài hòa của màu sắc, âm thanh, hương vị tự nhiên, con người đậm chất Nam Bộ.”
Chợ nổi Trà Ôn
Địa chỉ: Trà Ôn, Tỉnh Vĩnh Long
Đây là chợ nổi cuối cùng trên dòng sông Hậu, trước khi nó đổ ra biển Đông. Chợ nổi Trà Ôn nằm ngã ba sông Hậu và sông Măng Thít.
Chợ nhóm họp cả ngày, nét đặc biệt của chợ nổi Trà Ôn so với các chợ nổi khác chính là việc nhóm họp chợ theo con nước. Thường thì vào buổi sáng chợ đông, nhưng đông đúc hơn vẫn là vào cao điểm của con nước lớn. Do đó du khách vẫn có thể ngắm nhìn nét đẹp của khu chợ vào các buổi trong ngày tùy theo con nước.
Đặc biệt, tại đây tất cả các loại hàng hóa nông sản đều được mua bán theo những nhóm hàng và được phân phối từ các ghe vườn theo dạng bán sỉ. Chính nét độc đáo này cũng đã tạo cho chợ nổi Trà Ôn một nét riêng có sức cuốn hút du khách, nhất là du khách nước ngoài. Và du khách tới đây không thể bỏ lỡ món ăn nổi tiếng là bún bò viên ăn kèm với rau và chuối.
Chợ nổi Phong Điền
Địa chỉ: Quận Phong Điền, Tp. Cần Thơ
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 17km, nằm ngay ngã ba sông, nơi sông Cần Thơ phân lưu khỏi sông Hậu, chợ nổi Phong Điền là trung tâm thương mại và du lịch rất nổi tiếng ở Cần Thơ. Chợ thường nhóm họp vào khoảng 4-5 giờ sáng và tan chợ lúc 8-9 giờ sáng.
Khác với chợ nổi Cái Răng chỉ buôn bán nông sản là chủ yếu, chợ nổi Phong Điền đang dạng phong phú hơn với các mặt hàng đồ gia dụng; công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa, …; dụng cụ đánh bắt như: chài, lưới,…; các sản phẩm nghề đan lát như: thúng, rổ, nong, nia, sàng…
Hiện nay, trên chợ nổi còn có các dịch vụ mới như: trạm xăng dầu nổi có sức chứa vài ngàn lít bán cho tàu ghe qua lại, tiệm sửa cân, sửa máy, tiệm may nổi phục vụ nhanh cho khách hàng… Nói chung, mặt hàng nào ở phố chợ có thì cũng đều có mặt ở chợ nổi, phục vụ cho những khách hàng mua bán trên sông.
Khách du lịch có thể kết hợp tham quan chợ nổi với mộ của nhà thơ Phan Văn Trị – nhà thơ Việt trong thời kỳ đầu kháng Pháp.
Chợ nổi Miệt Thứ – Kiên Giang.
Địa chỉ: Vĩnh Thuận – Kiên Giang
Miệt Thứ là vùng đất chạy dọc vịnh Thái Lan thuộc hai huyện An Minh và An Biên. Kéo dài đến rừng U Minh. Xưa kia, Miệt Thứ là vùng đất hoang sơ và khắc nghiệt “muỗi kêu như sao thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh” thế nhưng sức hút kỳ lạ của mảnh đất này đã kéo những con người tháng ngày sống mê mải với sông nước mênh mông, rợp trời bông tram để rồi hình thành nên một khu chợ nổi với nét độc đáo riêng.
Đến với Miệt Thứ, du khách không khỏi ngạc nhiên bởi riêng cái tên các chợ đã nghe rất ấn tượng: Thứ 1, Thứ 2, Thứ 3,…Thứ 10, Thứ 11. Mỗi thứ có một nhóm chợ, thường là ở đầu ngã ba, ngã tư sông và kênh, rạch tỏa đi nhiều hướng. Chợ nổi Miệt Thứ, được hình thành bằng những chiếc ghe lớn, như những ngôi nhà nổi, bềnh bồng trên sông nước, chở theo nhiều loại hàng hóa nhưng chủ yếu là các mặt hàng nông sản thực phẩm. Bên cạnh đó là những người buôn bán nhỏ lẻ trên các xuồng chèo, vỏ máy nhỏ… neo đậu, ngã giá mua hàng, rồi chuyên chở luồn lách vào các kênh, rạch đi phân phối tới các vùng xa.
Chợ nổi Miệt Thứ không rao mời cũng không treo hàng lủng lẳng trên mũi ghe. Khách chèo xuồng tự tìm đến mua, bán trao đổi, thuận mua vừa bán và cách ứng xử rất chan hòa. Điều đó đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Chợ nổi Miệt Thứ họp đông nhất lúc mờ sáng cho đến trưa, buổi chiều tan chợ.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!