Nổi tiếng với những ẩm thực cung đình cao sang mỹ vị nhưng những gánh hàng rong lại cũng là một nét đẹp riêng mà không nơi nào có được cũng như không thể thiếu khi đến với Huế. Với dấu ấn ẩm thực đặc sắc đó du khách sẽ không khỏi xiêu lòng với vẻ đẹp của phong cảnh cũng như ẩm thực nơi đây.
Còn nếu trăn trở, băn khoăn không biết mua gì, ăn gì trước vườn ẩm thực này bạn hãy tham khảo 16 món đặc sản Huế sau.
Mục lục bài viết
- 1. Dâu Truồi Phú Lộc
- 2. Chè bột lọc thịt quay
- 3. Bánh nậm đậm đà vị cố đô
- 4. Bánh ram ít Huế
- 5. Nem lụi Huế
- 6. Mắm sò Lăng Cô
- 7. Chè Huế
- 8. Bánh bột lọc Huế
- 9. Bánh khoái Huế
- 10. Bánh ướt thịt nướng Kim Long
- 11. Bánh canh Nam Phổ
- 12. Mè xửng Huế
- 13. Tôm chua Huế
- 14. Bánh bèo Huế
- 15. Bún bò Huế
- 16. Cơm hến – Nét duyên của ẩm thực Huế
1. Dâu Truồi Phú Lộc
Từ Huế dọc theo Quốc lộ 1A về phía Nam khoảng 25km là đến Truồi (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) nổi tiếng với cây trái quanh năm, đặc biệt nhất là dâu tiên (hay còn gọi là dâu Truồi).
Đến đây vào khoảng tháng 5 Âm lịch, các bạn sẽ thấy những vườn dâu trong làng kĩu kịt những trái là trái từ cành, thân xuống cả gốc. Người dân ở đây mách rằng trong một chùm dâu sai quả thì quả nào có điểm son là quả ngọt nhất, chỉ cần bóc vỏ nhẹ nhàng là sẽ thấy những múi dâu trắng đục, mọng nước, hạt nhỏ có thể ăn luôn không cần phải nhả bỏ. Dâu Truồi có vị ngọt thanh, ăn nhiều càng thấy ngon chứ không hề ngán.
Quả dâu Truồi có ý nghĩa rất đặc biệt với người Phú Lộc, được dùng làm quà đi thăm người thân ở xa; học sinh thì dùng đi thăm thầy nhân kỳ nghỉ hè; là lễ vật cúng gia tiên nhân Tết Đoan Ngọ. Đặc biệt trong lễ ăn hỏi giữa nhà trai và nhà gái, gặp mùa dâu chín, quả dâu là lễ vật độc đáo của hai bên thông gia.
2. Chè bột lọc thịt quay
Hương còn nhớ lần đầu đến Huế ăn chè, đặc biệt ấn tượng với cái tên chè bột lọc thịt quay bởi mới nghe thì có vẻ không được hài hòa lắm, vừa mặn vừa ngọt thì ăn thế nào? Ăn rồi mới thấy thích thú điên đảo, kết hợp và hòa quyện đủ các vị mặn, ngọt, bùi, béo luôn, đúng là xứng danh món chè độc đáo, độc nhất vô nhị của người Huế.
Nhìn bên ngoài thì chè này không khác chè bột lọc bình thường vẫn ăn lắm nhưng cái độc đáo và khác biệt lớn nhất chính là bên trong viên bột, thay vì là một hạt đậu phộng rang thì đó là một “viên” thịt nạc heo quay.
Nguyên liệu nấu chè cũng đơn giản gồm: Bột lọc (bột năng, bột sắn), thịt đùi heo quay, đường, vừng rang giã nhuyễn và gừng non cắt sợi. Thịt heo quay thái hạt lựu, trộn đường phèn, cho vào nồi, đổ một ít nước và bắt đầu rim cho thịt ngấm đường, sau đó vớt thịt ra phơi ngoài bóng râm để thịt được trong rồi đem trộn với một ít ngũ vị hương để thịt có mùi thơm đặc trưng. Bột lọc thì nhào thật nhuyễn, mịn, vo bột thành từng viên nhỏ cỡ ngón tay cái, rồi cho nhân thịt vào giữa, xếp trên đĩa.
Tiếp đến là nấu nước đường. Đường phèn được cho vào nồi đun lửa nhỏ, khi đường ngả sang màu vàng mới đổ thêm nước lọc. Đợi cho nước đường sôi mới thả từng viên bột vào. Khi viên bột chín trong và nổi lên thì vớt bọt để nồi chè trong, cuối cùng là cho gừng vào trước khi tắt bếp.
Khi chè được rồi thì múc ra chén, rắc thêm ít vừng rang là có thể thưởng thức được ngay. Chè bột lọc thịt quay ăn nóng hay để nguội đều rất ngon. Khi ăn sẽ có cảm giác dai giòn lẫn vị ngọt thanh của đường phèn, vị béo của thịt đặc biệt không lẫn vào đâu được.
Ăn chè bột lọc thịt quay ở đâu?
Đây là món chè tự hào của Huế nên hầu như ở quán chè nào cũng có món này. Các bạn có thể ăn ở các gánh chè ngoài chợ hoặc tiệm chè ở Huế, nhưng ngon nhất là các hàng quán gần khu vực Thượng tứ, Thương Bạc, Cửa Ngăn.
Ngoài ra còn một vài địa chỉ ngon nữa, Hương cung cấp cho các bạn:
- Chè Hẻm: Số 17 Hùng Vương (gần ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Tri Phương), Tp. Huế; (quán này nổi tiếng đến mức Hương đi Huế về ai cũng hỏi có ăn chè hẻm không?). Quán bán từ sáng đến 9 giờ tối, nổi tiếng nhất là chè bắp và chè bột lọc thịt quay, giá rẻ (chỉ bằng nửa giá ở Hà Nội) phục vụ nhanh nữa.
- Chè Tý: Số 45 Trần Phú, Tp. Huế; là nơi học sinh, sinh viên ở Huế đến rất đông, ngon – bổ – rẻ và rất nhiều loại chè.
- Quán mợ Tôn Đích: Ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Trần Hưng Đạo. Bán từ 4 giờ chiều đến tối, món chè bột lọc thịt quay rất ngon.
- Chè cung đình: Số 31 Nguyễn Huệ, Tp Huế. Quán này nằm trong chuỗi các cửa hàng chè cung đình Huế (ở Hà Nội cũng có), đặc điểm của chuỗi cửa hàng này là chè quá ngọt, giá hơi đắt nhưng có bàn ghế rộng rãi.
3. Bánh nậm đậm đà vị cố đô
Bánh nậm là món bánh dân gian làm nên tên tuổi của làng ẩm thực Nam Phổ, huyện Phú Vang và là món bánh truyền thống lâu đời nhất xứ Huế. Bánh được làm từ bột gạo có nhân tôm và gói bằng lá chuối. Cùng với bánh bèo và bánh lọc, bánh nậm từ lâu đã trở thành nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đất cố đô.
Bánh nậm có nhiều loại: Bánh nậm tôm truyền thống, bánh nậm chay nhân đậu xanh dùng cho ngày rằm, mồng một. Đặc biệt hơn, có bánh nậm nhân thịt cóc dành cho trẻ còi cọc, suy dinh dưỡng, cũng ngon và hấp dẫn.Để có món bánh nậm ngon thì phải chọn gạo trắng thì bánh mới thơm, màu mới đẹp. Gạo đem ngâm, rồi xay thành bột. Bột gạo pha với nước có hòa thêm bột năng, thêm gia vị, dầu ăn và đun trên bếp. Khi nấu bột phải quẩy liên tục để bột không bị vón cục hay đọng ở đáy nồi.
Lá để gói bánh thường là lá chuối hột xanh. Lá cắt về đem phơi nắng hoặc hơ lửa cho dịu để khỏi rách rồi cắt thành từng miếng nhỏ cỡ hơn bàn tay xòe của người lớn. Nhân bánh nậm truyền thống thường làm bằng thịt lợn nạc băm nhuyễn, tôm, ruốc… Thịt tôm băm rồi đem xào với hành, tiêu cho chín sau thêm gia vị vừa ăn xào đến khi khô thì cho vào cối, giã xong lại cho vào chảo đảo đến khi tôm bông, tơi.
Khi chuẩn bị nguyên liệu xong, người ta múc bột lên lá chuối, dàn đều bột, cho nhân vào theo chiều dọc rồi gấp hai mép lá chuối lại, bẻ hai đầu, sau đó vuốt bánh để cho bột chảy đều mỏng trong khuôn lá thành hình. Bánh gói xong đem hấp, khi lớp lá bên ngoài đổi thành màu đậm thì vớt ra để nguội.
Bánh nậm thường ăn kèm với nước mắm chua ngọt thật cay hoặc nước mắm mặn có dưa cà rốt muối.
Địa chỉ ăn bánh nậm:
Bánh nậm là một món ăn truyền thống và phổ biến ở Huế, thường được bán chung với bánh lọc, nem lụi, bánh bèo, các bạn dễ dàng tìm thấy các quán ăn bình dân, gánh hàng rong hay trong các nhà hàng sang trọng. Một vài địa chỉ để các bạn tham khảo:
- Bánh bèo nậm lọc bà Đỏ: Số 7 – 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát; quán này có thương hiệu với khách du lịch nên giá đắt hơn các quán khác, bù lại thì bánh ngon, hấp tại chỗ luôn , quán rộng, nhân viên thì nhiệt tinh, quán còn bán thêm bánh nâm, bánh lọc, bánh khoái, nem lụi nữa.
- Bánh bèo bà Cư: Số 23/177 Nguyễn Huệ, Tp. Huế; khách du lịch hay ăn ở đây, khay bánh bèo khá bắt mắt nhưng giá cao, bánh làm phù hợp với khẩu vị của khách du lịch nên hương vị Huế đã bị lai nhiều
- Bánh lọc Mụ Lai: Hẻm 475 Chi Lăng, Tp.Huế; quán hơi khó tìm nên nhớ tích cực hỏi đường nhé, chất lượng bánh ở đây ăn ngon nhưng không gian hơi nhỏ, ở đây có bánh lọc cực ngon.
Lưu ý: Hầu như các quán đều bán cả ngày, từ 8 giờ sáng, nhưng buổi tối đóng cửa sớm tầm 9 giờ tối, các bạn lưu ý thời gian buổi tối đi ăn nhé.
4. Bánh ram ít Huế
Bánh ram ít là món ăn dân gian từng được truyền vào cung đình Huế, đến nay thì có mặt ở tất cả các hàng quà vặt của bất cứ con hẻm nào ở xứ Huế. Người Huế không dùng bánh này trong bữa ăn chính hàng ngày, mà chủ yếu dùng để ăn sáng hay ăn chiều. Bánh ram ít đặc trưng bởi vị dẻo của bột nếp, đậm đà của nhân tôm thịt và giòn rụm của phần bánh ram phía dưới ngon và lạ miệng.
Bánh ram ít có hai phần: Phần bánh ram và phần bánh ít. Cách làm bánh khác nhau nhưng cả hai phần bánh đều được làm từ gạo nếp. Nếp làm bánh phải là thứ nếp ngon, trắng, dẻo đã được xay nhuyễn thành bột, trộn thêm ít muối, nước ấm. Dùng tay nhào bột đến khi thành khối chắc mịn, mềm nhưng không nhão, nặn thành các viên tròn nhỏ bằng hai ngón tay.
Nhân bánh ít gồm: Tôm để nguyên con, thịt ba chỉ cắt hạt lựu nêm đường, nước mắm ngon, tiêu, hành tím băm, thêm ít dầu hoặc mỡ nước kho nhỏ lửa trong vòng 15 phút. Xoa ít dầu (mỡ) vào tay, ấn từng viên bột thành hình dẹp, lấy muỗng múc tôm thịt đặt vào giữa rồi vo tròn lại.
Sau khi làm xong bánh ít thì xếp bánh vào khay, hấp cách thủy khoảng 10 phút. đến khi thấy có độ dẻo và màu trắng ngần là được. Bánh ít chín, gắp ra để nguội, đậy bằng lá chuối để bánh không bị khô.
Khác với bánh ít, bột nhào làm bánh ram hơi cứng. Bánh ram không cần làm nhân, bánh được chiên trên chảo nhiều dầu mỡ đến khi bánh giòn và có màu vàng sậm. Đặt một cái bánh ít lên trên cái bánh ram, dùng đũa dằn cho bánh mỏng ra và ép chặt vào bánh ram.
Khi bày bánh ra đĩa, người Huế thường rắc thêm một lớp bột tôm cháy vàng cam trông rất hấp dẫn. Bánh ram ít được ăn kèm với bột tôm và nước chấm chua ngọt của người Huế nên có hương vị đặc biệt.
Ăn bánh ram ít ở đâu?
Các bạn có thể dễ dàng tìm thấy bánh ram ít trong nhà hàng, quán ăn vặt hay các gánh hàng rong trên đất Huế. Hương giới thiệu 1 vài quán cho các bạn:
- Bánh bèo nậm lọc bà Đỏ: Số 7 – 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát; quán này có thương hiệu với khách du lịch nên giá đắt hơn các quán khác, quán rộng, nhân viên thì nhiệt tinh, quán còn bán thêm bánh nậm, bánh lọc, bánh khoái, nem lụi nữa.
- Bánh bèo bà Cư: Số 23/177 Nguyễn Huệ, Tp. Huế; khách du lịch hay ăn ở đây, khay bánh bèo khá bắt mắt nhưng giá cao, bánh làm phù hợp với khẩu vị của khách du lịch nên hương vị Huế đã bị lai nhiều.
- Bánh lọc Mụ Lai: Hẻm 475 Chi Lăng, Tp.Huế; quán hơi khó tìm nên nhớ tích cực hỏi đường nhé, chất lượng bánh ở đây ăn ngon nhưng không gian hơi nhỏ, ở đây có bánh lọc cực ngon.
- Quán bánh bèo ngã ba Trương Định – Bà Huyện Thanh Quan
Lưu ý: Hầu như các quán đều bán cả ngày, từ 8 giờ sáng, nhưng buổi tối đóng cửa sớm tầm 9 giờ tối, các bạn lưu ý thời gian buổi tối đi ăn nhé.
5. Nem lụi Huế
Nem lụi là món ăn nổi tiếng lâu đời của đất cố đô nhưng nó lại phổ biến ở nhiều nơi không riêng gì Huế. Nhưng ở đây nem lụi cũng rất quen thuộc, dễ thấy ở các hàng quán vỉa hè hay đến các quán ăn sang trọng. Thỉnh thoảng cuối tuần lại cùng đám bạn rủ nhau đến quán Huế quen ăn uống thỏa thuê. Có lẽ do cô chủ là người gốc Huế nên phong vị nem lụi chính Huế không bị mất đi, những chiếc nem trông giống như đùi gà vàng ươm, thơm lừng rất hấp dẫn.
Nem lụi được chế biến khá đơn giản với thịt heo giã nhuyễn trộn với bì thái mỏng như miến, mỡ heo thái hạt lựu đem ướp với muối, tiêu, đường, thính. Sau đó lụi vào từng chiếc đũa tre nhỏ (Hương hay ăn loại lụi vào cọng sả rất thơm), nướng trên bếp than hồng, trở đều qua lại cho chín đều các mặt. Nếu được vừa tự nướng vừa ăn sẽ cảm thấy ngon miệng và ăn được nhiều hơn rất nhiều.
Nem lụi hấp dẫn nhờ thứ nước chấm được pha chế độc đáo, không phải nước chấm chua ngọt vẫn thấy mà là nước lèo được pha chế theo cách riêng của người Huế. Để làm nước chấm, người ta xay nhuyễn đậu phộng, cho thêm nước mắm rồi đun trên bếp đến khi sền sệt giống như tương. Một số nơi còn cho thêm gan heo, thịt heo băm nhuyễn để tăng thêm vị đậm đà.
Ăn nem lụi phải đúng cách thì mới thấy hết được cái ngon của món, thường thì cuốn bánh tráng (bánh đa nem) với nem lụi và các loại rau xà lách rau thơm, khế chua, chuối xanh rồi chấm. Cắn một miếng đủ cả mùi thơm của nem lụi nướng, chút cay của tiêu và ớt, vị ngọt bùi của nước chấm, vị tươi mát từ rau xanh quyện lại cảm giác rất tuyệt.
Ăn nem lụi ở đâu?
Được ăn nem lụi trên đất Huế là thích nhất, ở đây có khá nhiều quán nem lụi, thông thường không chỉ bán riêng nem lụi mà đi kèm là cả món bún thịt nướng.
- Một số quán rải rác trên đường Trương Định, Nguyễn Huệ và các con đường xung quanh, chủ yếu bán cho khách du lịch.
- Quán bún thịt nướng, nem lụi: Trước cổng chợ Đông Ba, số 2 Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa, Tp. Huế. Quán chỉ bán buổi chiều đến 7 giờ tối, nem và thịt nướng ướp gia vị ngon, to mà rẻ.
- Một số quán bánh nậm, bánh bèo cũng đều có
6. Mắm sò Lăng Cô
Biển Lăng Cô (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) không chỉ ấn tượng với vịnh biển quyến rũ mà còn nổi tiếng bởi nhiều loại hải sản tươi sống như tôm, cua, ghẹ, mực, vẹm, hàu… Đặc biệt là sò (người ở đây gọi là sặc) mà phổ biến nhất là món mắm sò Lăng Cô được rất nhiều người ở xa, dân sành ăn ưa thích và mua làm quà biếu người thân.
Sò Lăng Cô có quanh năm nhưng ngon nhất là vào tầm từ tháng 4 – 7 khi biển lặng. Bắt sò không khó nhưng để bắt được nhiều thì đòi hỏi người bắt phải kiên trì, ngâm mình trong nước mặn cả ngày, thậm chí là nước nóng của buổi chiều hoặc nước dâng cao đến ngang cổ.
Chế biến sò cũng rất công phu: Sò đem về rửa sạch vỏ, lấy mũi dao nhọn cạy miệng, chẻ vỏ. Sò chẻ xong giữ nguyên ruột đem rửa cho sạch cát rồi để ráo. Ớt bột, củ riềng cắt nhuyễn, đậu xanh rang giã mịn và muối hột cho vào thau sò trộn đều. Sau đó, đổ tất cả vào chai hoặc thẩu đậy thật kín. Khoảng 15 – 20 ngày, con sò nổi lên là mắm sò đã chín.
Mắm sò ngon nhất khi múc ra thấy mắm có màu đỏ au, nước đặc sệt và còn nguyên ruột sò. Khi ăn, cho thêm vào các gia vị như tỏi ớt, đường cát hoặc bột ngọt. Mắm sò rất thơm ngon khi ăn với cơm nóng hoặc sành ăn hơn nếu dùng làm nước chấm khi dùng rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ.
Ở Lăng Cô hiện nay, nhiều hộ gia đình có thể tự làm mắm sò, nhưng nổi tiếng làm mắm sò có tiếng thơm ngon là gia đình Mệ Cặn, với 20 năm làm mắm sò ở ngay ngã ba đường vào chợ Lăng Cô. Có dịp đến đây các bạn nhớ ghé mua một ít về làm quà nhé.
7. Chè Huế
Chè là món ăn ruột của Hương suốt cả bốn mùa. Ngoài Hà Nội nơi Hương ở thì chè có mặt ở khắp nơi, mọi con phố, mỗi loại có hương vị đặc trưng riêng. Và có một điều đặc biệt là trong menu các quán chè Hà Nội luôn có món chè Huế. Sau này còn có cả các cửa hàng chè cung đình Huế với chủ quán và phục vụ “đặc sệt” giọng Huế rất ấm áp nữa. Thế nên mỗi lần đến Huế, quên gì thì quên chứ chẳng quên việc ăn chè “chính chủ” này.
Ở Huế, chè được chế biến phong phú, đa dạng hơn nhiều, thực đơn hẳn 36 món, từ những loại chè thanh tao, sang trọng của chốn cung đình ngày xưa như: Chè hạt sen, chè nhãn bọc hạt sen, chè hạt lựu, chè thịt quay, chè môn sáp vàng, chè bông cau… đến những loại chè bình dân hơn: Chè bắp, chè trôi nước, chè kê, chè khoai sọ, chè đậu ván, chè bột lọc, chè đậu xanh, chè đậu đỏ, chè thập cẩm, chè khoai môn, chè khoai mài, chè hột é
Chè Huế có nét đặc sắc riêng về hương vị, màu sắc, độ ngọt thanh, thơm dịu, béo, bùi hòa quyện… Người Huế rất khéo tay và tỉ mỉ nên những món chè của họ được làm rất công phu, từ chọn nguyên liệu, chuẩn bị gia vị, hương liệu đến khâu chế biến đảm bảo ly chè chúng mình cầm trên tay luôn chất lượng và đẹp mắt.
Phụ gia quan trọng nhất của chè Huế là bột đao, đậu phộng rang giã nhỏ và nước dừa. Nước cốt dừa cho vào sau cùng để tăng vị béo cho ly chè, đậu phộng rang để tăng thêm độ thơm ngậy.
Trước kia, chè là món tráng miệng không thể thiếu trong các bữa ngự thiện trong cung đình triều Nguyễn, ngày nay đã thành là thứ quà được người Huế cúng dâng vào các dịp lễ, Tết, đầu tháng hay ngày rằm bởi sự tinh khiết và chạy tịnh của nó.
Ăn chè Huế ở đâu?
Ở Huế, chè rất phổ biến, từ những đường phố lớn đến những con hẻm nhỏ, dưới những bóng cây râm mát hay trên đôi quang gánh di động của các mệ, các o. Có một vài nơi đã có tiếng như:
- Chè Hẻm: Số 17 Hùng Vương (gần ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Tri Phương), Tp. Huế; (quán này nổi tiếng đến mức Hương đi Huế về ai cũng hỏi có ăn chè hẻm không?). Quán bán từ sáng đến 9 giờ tối, nổi tiếng nhất là chè bắp và chè bột lọc thịt quay, Hương ăn thì thấy hơi ngọt quá nhưng giá rẻ (chỉ bằng nửa giá ở Hà Nội) phục vụ nhanh nữa.
- Chè Tý: Số 45 Trần Phú, Tp. Huế. là nơi học sinh, sinh viên ở Huế đến rất đông, ngon – bổ – rẻ và rất nhiều loại chè.
- Chè Sao: Số 60 Phan Chu Trinh, Tp Huế, nhiều loại chè, giá rẻ mà ly đầy đặn, có món chè trái cây rất nổi tiếng.
- Quán mợ Tôn Đích: Ngã ba Đinh Tiên Hoàng – Trần Hưng Đạo. Bán từ 4 giờ chiều đến tối, món chè bột lọc thịt quay rất ngon.
- Chè sữa Nhật Hiền: Số 189 Chi Lăng, Tp Huế. Quán bán buổi chiều (từ 2 giờ chiều đến 9 giờ tối), chè ở đây rất ngon và lạ nhưng ăn nhanh ngán, có 2 loại là chè đậu xanh đánh và chè đậu đỏ hạt, cô chủ quán vui tính và tận tâm, chất lượng chè đảm bảo.
- Chè ông Lạc: Số 36 Thanh Tịnh, Vĩ Dạ, Tp Huế. Bán từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, ở đây nổi tiếng với chè đậu nành trộn chung với đậu đỏ, ngon nhưng hơi ngọt, rẻ mà đầy u.
- Chè cung đình: Số 31 Nguyễn Huệ, Tp Huế. Quán này nằm trong chuỗi các cửa hàng chè cung đình Huế (ở Hà Nội cũng có), đặc điểm của chuỗi cửa hàng này là chè quá ngọt, giá hơi đắt nhưng có bàn ghế rộng rãi.
8. Bánh bột lọc Huế
Nói đến văn hóa ẩm thực Huế, người ta thường nghĩ ngay đến ẩm thực cung đình nổi danh cả nước. Ở đây có những món “ăn chơi” không chỉ người dân bản địa mà khách du lịch nhiều nơi đều dành một sự ưu ái đặc biệt, nổi bật trong số đó phải kể đến món bánh bột lọc.
Bánh bột lọc Huế được làm từ bột sắn, tôm… nhưng cầu kỳ từ việc chọn nguyên liệu đến hấp bánh bởi vậy nên bánh bột lọc ở Huế có hương vị và cách trình bày riêng biệt, không giống các nơi khác.
Nguyên liệu chính làm bánh bột lọc Huế là bột sắn làm vỏ bánh, tôm, thịt ba rọi để làm nhân. Trước khi làm vỏ bánh, người ta thường làm nhân trước. Tôm làm nhân bánh phải tươi nguyên, rửa sạch, cắt đầu đuôi; thịt ba rọi cắt nhỏ nêm gia vị và rim khô để nguội. Trong lúc chờ nhân nguội thì làm vỏ bánh.
Nhồi bột được người Huế xem là yếu tố quyết định nên chuẩn bị rất công phu. Người ta cho bột sắn vào nồi chế thêm nước theo tỷ lệ phù hợp, thêm một ít muối và dầu ăn. Trộn hỗn hợp thật đều và bắc lên bếp, đến khi nồi bột bắt đầu đặc lại thì nhanh tay nhấc xuống, quấy đều để bột mịn và nguội hơn. Đặc biệt phải quấy bột thật kỹ, nếu không sẽ bị lợm cợm, lớp vỏ bánh bên ngoài sẽ không mịn.
Lá chuối để gói ngoài được rửa sạch rồi xé ra từng miếng, để ráo, hơ trên lửa trước khi quết dầu phộng, múc từng phần nhỏ bột đặt vào giữa lá rồi dùng tay dàn mỏng bột mới đặt nhân vào giữa, dàn bột nối các góc và mép bột lại, gấp hai mép lá chồng lên nhau, bẻ hai đầu xuống dưới. Sau đó xếp bánh vào nồi hấp cách thủy, chừng 20 phút là bánh chín.
Bánh bột lọc khi chín có lớp vỏ dai, trong veo nhìn thấy cả con tôm và thịt ba rọi rim vàng nâu, dùng với nước mắm ngon pha nước nhân tôm, hòa thêm chanh đường, ớt, sa tế.
Ngày nay bánh bột lọc rất phổ biến, không khó để thấy các hàng bán bánh ngay tại nơi các bạn ở. Nhưng thưởng thức bánh bột lọc tại quê hương của nó mới thấy hương vị riêng đặc biệt.
Ăn bánh bột lọc Huế ở đâu?
- Bánh lọc mụ Cai: Hẻm 475 Chi Lăng, Tp. Huế; bánh bột lọc ở đây ngon nổi tiếng nhất ở Huế nhưng quán nhỏ và hơi khó tìm đường.
- Bánh bèo nậm lọc bà Đỏ: Số 71 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tp. Huế. Quán này có thương hiệu với khách du lịch nên giá đắt hơn các quán khác, quán rộng, nhân viên thì nhiệt tinh, quán còn bán thêm bánh nậm, bánh bèo, bánh khoái, nem lụi nữa.
- Bánh bột lọc chiên: Đường Nguyễn Huệ, Tp. Huế: Đây là món khoái khẩu của học trò ở Huế.
- Quán Hạnh: Số 11 Phó Đức Chính, Tp. Huế; quán bán từ 8h – 22h; quán còn bán cả bánh khoái, nem lụi, bánh bèo, nậm đều rất ngon, phục vụ nhiệt tình, chu đáo, giá cả cũng rất bình dân.
9. Bánh khoái Huế
Ẩm thực Huế nói chung và các loại bánh Huế nói riêng là một nét riêng rất tiêu biểu và cá nhân Hương rất trân trọng. Nhắc đến bánh ở Huế, rất nhiều cái tên người ta có thể đọc vanh vách, ngoài nậm – bèo – lọc, bánh khoái cũng là món ăn làm Hương vô cùng thích thú. Bánh khoái được làm từ bột gạo và chiên bằng dầu ăn. Cách làm gần giống với món bánh xèo của người Nam Bộ, nhưng khi ăn có hương vị rất khác biệt.
Điều làm Hương cực ấn tượng với ẩm thực ở đây có lẽ phải nhắc đến cách mà họ chế biến món ăn, dù đó là món ăn chơi hay ăn chính người Huế cũng cực tỉ mỉ trong khâu chế biến.
Bột bánh khoái phải là loại bột gạo loại tốt, được rây kĩ, hòa với nước thành một hỗn hợp hơi lỏng, thêm chút muối và lòng đỏ trứng để khi chiên, bánh có màu vàng, nhiều dinh dưỡng và dậy mùi thơm hơn.
Nhân bánh gồm tôm to luộc chín, thịt xá xíu, chả lụa cắt lát mỏng, giá đỗ, một số nơi còn cho thêm chả viên. Người làm bánh khoái phải thật khéo, canh đúng độ lửa để đổ bột vào mới làm được vỏ bánh thành công.
Khuôn bánh khoái được làm bằng gang, hình tròn, đường kính khoảng 15cm và có cán cầm. Khi khách gọi món, người ta mới bắc khuôn lên bếp rồi đổ bánh để giữ được độ giòn, nóng. Khi khuôn đã nóng, nhanh tay cho dầu vào, múc một muỗng bột đổ nhanh vào khuôn. Tiếng bột bén mỡ xèo xèo, thơm lừng rất kích thích. Chờ đến khi bột chín vàng mới cho thêm nhân lên một nửa chiếc bánh, đổ một ít trứng gà đã đánh kĩ lên để tăng độ thơm ngon và bổ dưỡng. Sau đó dùng đũa lật phần bánh còn lại úp lên thành hình bán nguyệt, trở bánh cho vàng đều hai bên là đã có thể gắp ra đĩa.
Bánh khoái ngon hơn một phần ở nước lèo được làm theo bí quyết gia truyền của người Huế. Nước lèo của bánh khoái Huế được chế biến cầu kỳ với nhiều nguyên liệu như gan heo, thịt nạc heo băm nhuyễn, mè (vừng), lạc rang…, tương đậu nành chính gốc Huế.
Ngày xưa, bánh khoái là món ăn cung đình, theo thời gian và thời cuộc món này mới dần phổ biến như ngày nay thành món ăn đặc trưng, đặc sắc của Huế. Trong cái se se của tiết trời Huế, cắn miếng bánh khoái mới đổ còn nóng hổi, vàng rộm, giòn tan, Hương nghĩ chắc không còn gì “khoái” hơn!
Địa chỉ ăn bánh khoái:
Một vài quán Hương giới thiệu cho các bạn:
- Quán Lạc Thiện: Số 6 Đinh Tiên Hòang (gần cửa Thượng Tứ), Tp. Huế; quán mở từ 8h – 22h, được xem như quán bánh lâu đời nhất nhì ở Huế, chuyên phục vụ khách Tây và khách du lịch, người Huế ít ăn ở đây, giá hơi đắt nhưng được cái quán sạch sẽ, ngồi ngoài nhìn ra sông Hương nên rất thoáng.
- Quán Hồng Mai: Số 78 Đinh Tiên Hoàng, Tp. Huế; quán bán từ 10h – 22h; bánh ăn ngon và không bị ngán, nước lèo cũng ok, bà chủ quán và phục vụ rất nhiệt tình.
- Quán Hạnh: Số 11 Phó Đức Chính, Tp. Huế; quán bán từ 8h – 22h; quán còn bán cả nem lụi, bánh bèo, nậm, lọc đều rất ngon, phục vụ nhiệt tình, chu đáo, giá cả cũng rất bình dân.
- Quán O Lành: Chợ Chuồn, Phú Vang, Tp. Huế; quán có món bánh khoái cá kình khá đặc biệt, bán từ 17h – 23h
10. Bánh ướt thịt nướng Kim Long
Bánh ướt thịt nướng là một món ăn dân dã có nguồn gốc từ Kim Long – vùng đất nổi tiếng với rất nhiều nhà vườn đẹp của Huế. Giống như phở cuốn miền Bắc nhưng bánh cuốn bên ngoài của món này là loại bánh ướt đặc biệt mềm dai, bên trong cuốn bằng thịt nướng và rau.
Bánh ướt là loại bánh tráng được làm bằng bột gạo có pha bột lọc, đem tráng mỏng và dùng liền (nếu tráng dày và phơi khô thì gọi là bánh tráng). Chọn thịt heo ba chỉ thái mỏng, ướp tiêu, hành, nước mắm và một ít ngũ vị hương, sả… ướp sau vài giờ cho ngấm thì xếp đều lên vỉ, nướng trên lửa than đỏ hồng đến khi đủ độ chín, có màu nâu vàng, dậy mùi thơm là được.
Thịt nướng xong được rắc thêm vừng (mè rang) để tăng mùi thơm và vị hấp dẫn. Phần nhân cuốn gồm thịt nướng, rau thơm, xà lách. Phần vỏ cuối là loại bánh ướt tròn, cỡ bằng bàn tay, để vừa trên chiếc đĩa nhỏ.
Điểm nhấn của món này là nước chấm, không phải nước chấm chua cay thông thường mà bánh ướt ở đây được chấm với nước tương mè đặc trưng. Gan heo băm nhỏ, tỏi giã nhỏ, mè rang chín. Đổ vài muỗng dầu ăn vào chảo bắc lên bếp, dầu sôi cho tỏi vào phi thơm, rồi đổ tương, mè, đường… để sôi một lát cho ngấm là ăn được.
Ngày nay ở Huế có nhiều quán bánh ướt thịt nướng nhưng nổi tiếng hơn hẳn vẫn là những quán ở Kim Long, dọc đường đi thăm chùa Thiên Mụ về ghé vào ăn vài đĩa bánh ướt thịt nướng là đủ trọn vẹn cho 1 ngày rong chơi.
Địa chỉ ăn bánh ướt Kim Long
- Quán bánh ướt thịt nướng Huyền Anh – Số 207 Kim Long; quán rất nổi tiếng nên chỉ tầm 6 giờ tối đã hết hàng bán rồi, quán rộng rãi, sạch sẽ thịt ở đây ngọt và thơm, có nhiều loại rau gói kèm.
- Các quán bánh ướt trên đường Kim Long (đường đi nhà vườn, chùa Thiên Mụ): Các quán này nhỏ hơn nhưng chất lượng thì miễn bàn.
11. Bánh canh Nam Phổ
Tiếng đồn về bánh canh Nam Phổ (Phú Vang) nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, là nghề gia truyền của người dân ngôi làng nhỏ gần Vỹ Dạ, cách thành phố Huế chừng 6km về hướng Thuận An. Bánh canh Nam Phổ nổi tiếng bởi phong vị rất riêng biệt, là một trong những loại bánh hấp dẫn nhất Việt Nam.
Bánh canh ngon cũng bởi cách chế biến công phu; người ta không dùng cá để nấu mà dùng tôm cua phải thật tươi (thường mới được vớt lên từ phá Tam Giang đem bán tại các chợ đầu mối) vì thế mà nước lèo là điểm nhấn đặc biệt nhất: Có màu đỏ cam của gạch cua và tôm, sền sệt, không quá lỏng cũng không quá đặc.
Còn bột làm bánh là bột gạo tẻ nhào kỹ với ít nước cho dẻo khô rồi cho vào nồi chưng cách thủy với lửa nhỏ, khuấy đều đến khi sánh lại. Bột sau đó được cho vào một túi ni lông, có cắt một đầu nhọn để tạo hình thành từng sợi bánh vào trong nồi nước sôi. Khi sợi bánh có màu trắng đục thì vớt ra xả lại bằng nước sạch.
Nước lèo nấu bánh canh Nam Phổ được dùng từ nước luộc tôm, cua tươi nên luôn có vị ngọt rất tự nhiên. Thịt cua, tôm, thịt giò sống trộn với gia vị, nhào lại và quết thành từng miếng nhỏ. Tra gia vị vào nước lèo xong thì hòa một ít bột lọc vào nấu chín đến khi sánh lại thì cho thịt tôm, cua vào nồi, cho thêm 1 ít bột điều nữa. Sợi bánh canh được cho vào cuối cùng nấu chín rồi cho ra bát thêm chút hành lá, rau răm, hạt tiêu và không thể thiếu chút nước mắm ớt rưới lên.
Đến Huế, để ăn được đặc sản Nam Phổ thì chỉ ăn vào buổi chiều, nếu có quán bán vào buổi sáng thì dễ là “hàng nhái” bởi truyền thống của họ là buổi sáng tinh mơ đợi tôm, cua từ đầm Chuồn, đầm Sam, phá Tam Giang lên để chọn thứ tươi sống nhất và chỉ mua vừa đủ, về chế biến bán trong một buổi chiều, không để qua hôm sau và sau 17 giờ thì không bán nữa, thế nên đặc sản Nam Phổ chính hiệu mới ngon.
Thưởng thức bánh canh Nam Phổ cũng phải biết cách, không phải cứ múc cho nhiều, cho đầy là ngon. Tô để ăn bánh canh không quá to, cũng không quá nhỏ, chỉ múc lưng tô, và phải ăn nhanh bởi nếu để nguội tô bánh canh sẽ có mùi tanh rất khó chịu.
Ăn bánh canh Nam Phổ ở đâu?
- Bánh canh Nam Phổ, bánh bèo O Thu: Số 374 Chi Lăng, Tp. Huế, bán từ 3 – 6 giờ chiều, giá rẻ mà lại ngon, quán sạch sẽ.
- Bánh canh Nam Phổ: Đường Phạm Hồng Thái, Tp. Huế, bán từ 14h – 17h chiều
- Bánh canh Nam Phổ, bèo, nậm, lọc: Số 54 Nguyễn Công Trứ, Tp. Huế
Bánh canh khác:
- Bánh canh cá lóc: Đường Nguyễn Huệ và Đinh Công Tráng, Tp. Huế, bán từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm.
- Bánh canh cá lóc: Số 14 Đống Đa (gần ngã tư Lý Thường Kiệt), Tp. Huế.
- Bánh canh bò: Đường Nguyễn Huệ, Tp. Huế.
- Bánh canh cua: Đường Phạm Hồng Thái, Tp. Huế.
- Bánh canh bà Đợi: Số 71 Nguyễn Trãi, Tp. Huế.
12. Mè xửng Huế
Hương còn nhớ ngày còn nhỏ, bố mẹ đi làm ăn trong tận Sài Gòn, mỗi lần về Bắc thăm nhà cũng đều dừng lại tại ga Huế mua một ít mè xửng về làm quà. Khi lớn rồi có nhiều thời gian và điều kiện hơn, được thong dong đất Huế mua những món đặc sản chất lượng nhưng hương vị mè xửng mua vội trong ký ức cứ ám ảnh Hương mãi.
Mè xửng Huế quyến rũ bởi vị ngọt béo của đường, giòn của lạc, thơm bùi của vừng, loại ngon phải có màu vàng trong suốt, thơm hương mè, bẻ thấy mềm nhẹ nhưng không gãy.
Mè xửng chủ yếu được làm thủ công, nguyên liệu gồm lạc, vừng, đường trắng và bột gạo trong đó vừng là thứ quyết định mùi thơm, vị béo ngọt thanh. Ngoài ra người Huế còn dùng gạo ngon nghiền nhỏ để làm bột gạo với hương vị đặc trưng.
Bí quyết làm mè xửng của người Huế là ở công đoạn nhào trộn nguyên liệu và ép bánh. Đường cát nấu đến độ sôi nhất định rồi cho bột gạo vào, trộn đều và khuấy liên tục để bột không bị vón cục. Trong khi nấu đường, người thợ còn bỏ một ít nước chanh tươi vào cho kẹo thêm thơm. Cho thêm lạc sau khi bỏ lớp vỏ lụa bên ngoài. Khi hỗn hợp đường, bột gạo, lạc vừa chín tới thì nhanh tay múc kẹo ra khay cho nguội bớt, sau đó rắc nhanh lớp vừng đã rang thơm lên trên. Tiếp đó cán ép đều kẹo trong khung bằng thanh sắt tròn. Cuối cùng mới dùng máy để cắt kẹo thành những miếng vuông đều đặn, rồi bọc túi nilon.
Một buổi sáng cuối thu se lạnh, ngồi ngắm sông Hương còn vương hơi sương nhâm nhi chén trà sen, thưởng thức vài chiếc kẹo mè xửng cố đô đầy tao nhã nhớ về một thời con nít cầm miếng mè xửng chạy khoe khắp xóm với lũ bạn: “Bố mẹ tao phải đi Huế mới mua về được đấy”.
Địa chỉ mua mè xửng Huế
Một vài địa chỉ cho các bạn tham khảo nhé:
- Mè xửng Thiên Hương: Số 20 Chi Lăng, Tp. Huế. Bán cả ngày từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối, thương hiệu này rất nổi tiếng, chi nhánh để tránh mua hàng giả, kẹo dỏe, ngon, nhiều loại. Quán khá to và nhân viên đóng gói siêu nhanh, chuyên nghiệp.
- Mè xửng Thành Hưng: Số 55 Hoàng Diệu, Tp. Huế; có nhiều loại mè xửng, cũng là 1 địa chỉ có thương hiệu và chống hàng giả.
- Phố Huỳnh Thúc Kháng bên bờ sông Gia Hội với nhiều cửa hàng như: Mè xửng Nam Thuận, Hồng Thuận…
13. Tôm chua Huế
Tôm chua Huế! Một món ăn bình dị của người dân xứ Huế nhưng có “sức sát thương” đặc biệt với Hương. Vị chua thanh của tôm, cay nồng của các loại gia vị dù chỉ một lần thưởng thức cũng không thể quên nổi hương vị mộc mạc này.
Bà chủ quán “ruột” Hương hay mua mách lại tôm chua đúng “điệu” Huế nhất là phải làm từ tôm nước lợ thật tươi, to và đều nhau, bỏ đầu, rửa sạch rồi ngâm trong rượu 1 lát. Sau đó vớt ra để ráo, trộn đều với gia vị: Riềng, tỏi, ớt đỏ, măng non, xôi nếp, nước mắm trong đó riềng là gia vị đặc trưng nhất. Riềng, măng thái sợi mảnh, tỏi thì thái mỏng, ớt thái vát dài.
Tôm được ủ trong vại sành là tốt nhất, ủ trong khoảng 7 – 10 ngày và phải đặt nơi thoáng mát, cầu kỳ hơn thì thì chôn xuống đất để lên men dễ dàng. Khi chín đem trộn với ít mật ong rồi mới đóng vào lọ thuỷ tinh hoặc lọ nhựa.
Tôm chua ăn với cơm nóng rất đưa cơm. Nhưng ở Huế nổi tiếng và ngon miệng nhất phải kể đến là tôm chua ăn kèm thịt luộc, bánh tráng và các loại rau sống. Cuốn bánh tráng với xà lách, vài lát khế, dưa giá, húng quế… một miếng thịt luộc, một con tôm chua rồi chấm vào chén nước chắm thì tha hồ mà hà hít, mà thích thú.
Ngày nay, tôm chua được sản xuất từ nhiều nơi không riêng gì đất Huế, nhưng với Hương, những lọ tôm được làm từ xứ sở của nó thấm và đượm đà hơn cả.
Lưu ý nhé: Tôm chua đã mở hộp là phải ăn ngay hoặc để trong tủ lạnh không quá lâu, nếu không vị ngon tôm sẽ mất hết đó.
Mua tôm chua ở đâu?
- Tôm chua cô Phượng (Năm Ri): Chợ Đông Ba, số 2 Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa; đây là thương hiệu về mắm có tiếng ở Huế từ rất lâu rồi.
- Tôm chua bà Hường: Số 22 Phùng Hưng; bà Hường được mệnh danh là người làm mắm chua ngon nhất nhì ở xứ Huế
- Tôm chua cô Ri: Lầu E, chợ Đông Ba, số 2 Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa.
- Tôm chua Bà Duệ: chợ Đông Ba, số 2 Trần Hưng Đạo, phường Phú Hòa.
14. Bánh bèo Huế
Chào các bạn, Hương đây. Hôm nay Hương giới thiệu cho các bạn 1 đặc sản nữa của đất cố đô đó là món bánh bèo trứ danh rất quen thuộc với người dân Huế. Đến đây, các bạn sẽ thấy bánh bèo phổ biến đến mức nó xuất hiện ở mọi nơi, từ bữa cơm dân dã trong mọi gia đình đến những bữa tiệc hay liên hoan và được coi là phần không thể thiếu của ẩm thực xứ Huế.
Gọi là bánh bèo vì hình dạng bánh mỏng và tròn trịa như áng bèo, có người nói vui rằng bởi giá của nó cũng rẻ như bèo nữa. 🙂 Nguyên liệu chính để làm bánh là bột gạo nhưng phải là gạo còn thơm hương lúa mới thì bánh mới mềm, dẻo và thơm được. Gạo được vo sạch, ngâm trong nước nhiều giờ mới đem đi xay, sau đó người ta mới pha thêm 1 ít nước lọc để bột lỏng hơn, khuấy đều để không bị vón cục, dùng chút mỡ trộn cùng và đổ vào những chén nhỏ, xếp vào vỉ đem hấp chín bằng hơi.
Để tăng hương và sắc cho bánh bèo, người Huế cho thêm tôm cháy, hành lá chan thêm một ít dầu béo thực vật lên chén bánh trước khi ăn. Trong đó tôm cháy là gia vị đặc biệt nhất, làm đơn giản nhưng khá mất thời gian. Tôm tươi được làm sạch, luộc rồi bóc vỏ sau đó giã nhuyễn mới cho vào chảo đảo đều đến khi tôm mịn và khô rang.
Điểm nhấn của bánh bèo là nước chấm. Nước mắm nguyên chất được hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và được nấu từ tôm tươi nên rất ngon, vừa có vị ngọt của tôm, vị béo của mỡ, vị cay nồng của ớt hòa quyện để đánh thức vị giác của người ăn.
Bánh bèo được ăn đúng điệu khi được làm trong từng chén nhỏ, và sắp lên mẹt tre. Thú vị nhất là ngồi trong những quán nhỏ nhưng đậm chất Huế, ăn chậm, nhai kỹ để thấy hết cái ngon, cái tinh tế trong từng miếng bánh, vừa ăn vừa được nghe những câu hò Huế trong trẻo như cảm nhận được một phần tinh hoa Huế vậy.
Ăn bánh bèo Huế ở đâu?
Ở Huế nhiều nơi bán bánh bèo lắm, các bạn trên đường thôi cũng dễ dàng bắt gặp những gánh hàng bánh bèo của người Huế rất duyên dáng. Hương giới thiệu một vài quán rất nổi tiếng ở Huế:
- Bánh bèo nậm lọc bà Đỏ: Số 7 – 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Phú Cát; quán này có thương hiệu với khách du lịch nên giá đắt hơn các quán khác, bù lại thì bánh ngon, hấp tại chỗ luôn , quán rộng, nhân viên thì nhiệt tinh, quán còn bán thêm bánh nậm, bánh lọc, bánh khoái, nem lụi nữa.
- Bánh bèo bà Cư: Số 23/177 Nguyễn Huệ, Tp. Huế; khách du lịch hay ăn ở đây, khay bánh bèo khá bắt mắt nhưng giá cao, bánh làm phù hợp với khẩu vị của khách du lịch nên hương vị Huế đã bị lai nhiều
- Bánh lọc Mụ Lai: Hẻm 475 Chi Lăng, Tp.Huế; quán hơi khó tìm nên nhớ tích cực hỏi đường nhé, chất lượng bánh ở đây ăn ngon nhưng không gian hơi nhỏ, ở đây có bánh lọc cực ngon.
- Quán bánh bèo ngã ba Trương Định – Bà Huyện Thanh Quan
Lưu ý: Hầu như các quán đều bán cả ngày, từ 8 giờ sáng, nhưng buổi tối đóng cửa sớm tầm 9 giờ tối, các bạn lưu ý thời gian buổi tối đi ăn nhé.
15. Bún bò Huế
Bún bò là một món chẳng riêng gì người Huế mà từ Bắc vào Nam hầu như ai cũng đều quen thuộc. Chẳng khó để bắt gặp những hàng quán bún bò ở khắp nơi. Thậm chí ở Hà Nội, bún bò là thức ăn còn phổ biến như phở Hà Nội vậy. Nhưng để có được hương vị đặc sắc, đúng điệu nhất có lẽ chỉ người Huế làm theo công thức Huế mới có thể tròn vị.
Như bao món đặc trưng của Huế, bún bò rất cầu kỳ trong cách chế biến với nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng. Nhiều khi tô bún còn được thêm vào cả thịt bò tái, chả bò, chả cá, tiết tùy vào cách làm của người nấu.
Linh hồn của món ăn – nước lèo được hầm từ xương heo, xương bò với một vài loại củ, nước lèo phải trong, ngọt thanh và không mỡ màng. Gia vị chính yếu của bún bò Huế gồm mắm ruốc, sả, ớt cùng nước mắm. Trong đó sả là gia vị tạo hương thơm còn mắm thì phải lọc từ mắm ruốc Huế từ những lò nổi tiếng ở chợ Đông Ba mới tạo nên vị đặc trưng của món được.
Bắp bò phải mua loại bắp thịt và gân mềm dai để khi ăn vào sẽ không có cảm giác ngán. Đem luộc thịt bò trong nồi nước lèo đến khi chín vớt ra để nguội rồi xắt lát vừa ăn. Còn thịt heo phải là giống heo cỏ được nuôi bằng các loại rau, chuối trộn lẫn với cám gạo, bắp. Do đó, giò heo chỉ lớn vừa phải, vừa chắc, vừa thơm và ít mỡ.
Ăn kèm với bún bò Huế không thể thiếu đĩa rau sống các loại như rau muống bào, bắp chuối xắt ghém, giá, tía tô, húng quế… Tô bún bò mang tất cả hương vị đặc trưng theo chân người dân xứ Huế đến với mọi miền đất nước và trở thành một món ăn phổ biến và rất được ưa chuộng
Địa chỉ ăn bún bò Huế
Hương giới thiệu một số quán bún bò nổi tiếng ở Huế để các bạn có dịp đến thưởng thức:
- Quán bún bò Huế: Số 13 Lý Thường Kiệt (cạnh nhà khách Công Đoàn), Tp. Huế, quán này chủ yếu bán cho khách du lịch, người dân Huế thì ít ăn ở đây
- Bún bò Huế: Đường Nguyễn Du (nằm gần ngã ba Nguyễn Du – Chi Lăng), Tp. Huế, quán bình dân, hơi chật nhưng ăn ngon và đúng chất Huế.
- Bún bò công viên Kim Đồng: Góc đường Hà Nội và Trần Cao Vân, Tp. Huế.
- Bún bò “O Bê”: Số 11B Lý Thường Kiệt, Tp. Huế.
- Bún bò “Chè hẻm”: Kiệt (hẻm) 21 Hùng Vương, Tp. Huế quán chỉ bán buổi sáng.
- Bún bò Huế bà Phụng: Đường Nguyễn Du (nằm gần ngã ba Nguyễn Du – Chi Lăng), Tp. Huế.
- Bún bò đường Bạch Đằng (đoạn gần cầu Gia Hội, chỉ phục vụ vào buổi sáng).
- Bún bò bà Rớt trong công viên Thương Bạc, Tp. Huế chỉ bán vào buổi chiều tối sau 5h
16. Cơm hến – Nét duyên của ẩm thực Huế
Với Hương, ẩm thực Huế có một sự gọi mời tìm hiểu rất lớn, dường như đó là một thế giới ẩm thực mang nhiều tinh hoa và tinh tế nhất. Nói đến đặc sản Huế thì cơm Hến là cái tên đầu tiên Hương nghĩ đến. Sự kết hợp của nhiều nguyên liệu như bắp chuối, các loại rau thái nhỏ, hến, cơm trắng và mắm ruốc Huế dân dã nhưng ẩn chứa sự tinh tế cầu kỳ.
Hến là thành phần quan trọng nhất của món ăn này (cơm hến mà ^^) . Hến ở Huế không to như các vùng khác nhưng có vị ngọt rất ngon miệng. Hến ngâm nước gạo một thời gian để nhả hết nhớt và bùn đất, sau đó mới rửa sạch và đem luộc cho đến khi há vỏ. Vớt hến cho vào rổ, sàng lấy thịt và phần nước luộc hến sau khi đã lắng cặn.
Các nguyên liệu đi kèm cũng được chế biến rất kỹ càng. Cơm trắng sau khi nấu chín phải để nguội; các loại rau ăn kèm như xà lách, húng thơm, cải xanh… được rửa sạch, thái nhỏ; lõi chuối non, khế chua thì phải thái sợi.
Bát cơm hến là sự hòa trộn khéo léo của các nguyên liệu trên. Một ít cơm nguội, các loại rau, một ít hến, thêm đậu phộng rang vàng còn nguyên hạt, ít tóp mỡ, hành phi và một thứ không thể thiếu là mắm ruốc Huế. Sau khi cho tất cả gia vị vào, chan một ít nước dùng từ nước luộc hến, trộn đều rồi thưởng thức.
Ăn thìa cơm hến mà cảm nhận được đủ cả mùi vị: Vừa thơm, vừa có vị ngọt của hến và nước luộc cộng với vị đậm đà của mắm ruốc, bùi bùi của đậu phộng, tóp mỡ giòn tan, trên hết là vị cay xè lưỡi của ớt Huế. Có thể nói cơm hến là món ăn cay nhất trong ẩm thực Huế, vừa ăn vừa xuýt xoa, ăn đến đâu mồ hôi chảy ra đến đấy, nhưng người Huế ăn cay, với họ như vậy mới đã, mới thấm và mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của món ăn đặc biệt này.
Lưu ý nhé: Nếu bạn không ăn được cay thì nhớ nhắc chủ quán không bỏ ớt lúc gọi món luôn nhé.
Địa chỉ cơm hến Huế nổi tiếng:
Cơm hến là món ăn đặc trưng của Huế nên không khó để tìm ăn nhưng nghe đồn thì ở Huế ngon nhất là cơm hến ở đường Hàn Mạc Tử mà Hương chưa đến đó bao giờ, các bạn thử đến đó ăn xem thế nào nhé.
Cồn Hến cũng là nơi có cơm hến rất ngon nhưng phải đi hơi xa một chút (cồn Hến là một đảo nhỏ nằm trên sông Hương đoạn chảy trong thành phố).
Ngoài ra còn một số địa chỉ:
- Quán chị Nhỏ: Bán trong ngõ đường Phạm Hồng Thái, góc giao với Trương Định nhưng chị chỉ bán buổi sáng thôi đến trưa là hết rồi.
- Quán cơm hến Trương Định: Số 2 Trương Định; giá cả bình dân nên rất đông khách và chỉ bán tầm từ 6h – 12h sáng thôi, nước mắm ở đây được nhận xét khá ngon, nhân viên nhiệt tình, quán rộng, thoáng, để xe thoải mái.
Lưu ý: Đừng nghe lời tài xế taxi nhé, có thể họ sẽ đưa các bạn đến địa chỉ “sang chảnh” nào đó nhưng nhiều khi cơm không chất lượng như mấy quán trên đâu.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!