16 bãi đá đẹp nhất của Việt Nam – Cập nhật 2024

Đăng ngày 25/01/2024

Nhiều năm qua, một trong những điểm hấp dẫn du khách khi đến nghỉ mát ở các bãi biển chính là những bãi đá biển. Những bài biển Cổ Thạch, Đá Nhảy… vốn đã hấp dẫn du khách, nay càng thu hút hơn bởi những tảng đá kỳ lạ dọc ngang trên bờ. Chúng không mang một hình thù chung, mà hoàn toàn khác biệt, kỳ lạ do chính thiên nhiên ban tặng.

Nếu bạn đã từng đến Phú Yên hay Quảng Nam, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên và tự vấn mình rằng, “những khối hình kỳ lạ đó do thiên nhiên tạo ra hay do bàn tay con người can thiệp vậy”?! Cho dù thế nào chăng nữa, việc xuất hiện của chúng đã đủ để “ghi điểm” trong mỗi du khách đã và chưa từng đến những nơi đây

1. Hồ Cốc (Vũng Tàu)

Ở vùng biển Hồ Cốc (thuộc huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tuy không có nhiều tảng đá hơn, nhưng chỉ chừng đó cũng đủ hấp dẫn du khách. Những tảng đá lớn giúp cho những bức ảnh của bạn thêm phần tự nhiên hơn, hay bạn có thể trèo lên trên những tảng đá đó để nghỉ chân sau khi đi bộ.

Khi đến Hồ Cốc, bạn hãy lắng nghe tiếng lạo xạo từ những hàng dương xanh mỗi khi gió về, tiếng bước chân lang thang giữa cát trắng, khúc hát âm ỉ của đại dương sóng vỗ và tập trung nghe tiếng lòng của đá. Chúng vốn ẩn mình dưới biển, nào ai có thể biết chúng đang vui hay đang buồn, chỉ biết mỗi khi có cơn sóng nào tràn qua thì miên man vỗ nhẹ hoặc gầm gừ gào thét. Đến Hồ Cốc dù chỉ một lần, bạn sẽ biết, nơi đây không chỉ có biển xanh sóng vỗ.

2. Bãi đá “Ông Địa” (Bình Thuận)

Trên đường đi từ Phan Thiết ra Mũi Né, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy một mỏm đá nhô ra bờ biển giữa núi Cố và núi Rạng thuộc địa phận huyện Hàm Tiến (tỉnh Bình Thuận), chúng được gọi là đá Ông Địa. Không biết cái tên này được đặt từ lúc nào, thậm chí những người già nhất sống ở vùng này cũng không trả lời được, chỉ biết rằng tên gọi này xuất phát từ hình dáng của một tảng đá trông giống hình ông Địa đang ngồi nhìn vào đất liền

Tượng ông Địa hiện nay không phải là tảng đá trước kia mà được tạo dựng lại bằng xi măng, do người dân địa phương và người tín ngưỡng làm, nơi đây còn có cả am che mưa nắng gió. Đến Bãi đá Ông Địa, bạn hãy tìm một ghềnh đá để ngồi, nhìn ngắm biển để chiêm nghiệm bản thân hay ngắm ánh trăng trên một vùng biển dịu mát.

3. Ghềnh đá Bình Châu (Vũng Tàu)

Không quá kỳ vĩ như ghềnh đá Đĩa, nhưng ghềnh đá trên bãi biển Bình Châu được thiên nhiên ban tặng một nét đẹp rất khác biệt làm say đắm những du khách đã từng đến đây. Xuôi theo con đường về Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu), nơi có suối nước nóng và chợ hải sản nổi tiếng, du khách sẽ ngỡ ngàng khi bắt gặp những bãi biển trong xanh, cát trắng trải dài như bức tranh sơn thủy khiến tâm hồn bạn lắng đọng, một cảm giác như đang tan trong biển nước bao la.

Dừng chân tại đây, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy một số mỏm đá gần bờ – nơi nhiều du khách rất thích thú khi được leo lên, chờ sóng ập vào đá, vào người. Cảm giác tuyệt vời khi đứng giữa thiên nhiên và được một thứ thiên nhiên ban tặng hòa vào mình. Nếu đứng không vững, bạn sẽ chao đảo hoặc nhảy xuống khỏi tảng đá; còn nếu đứng vững thì bạn sẽ thấy như đang được mát xa toàn thân vậy.

4. Ghềnh đá Lộ Diêu (Bình Định)

Cách cầu Bồng Sơn không xa, bạn chỉ cần men theo đường giao thông ĐT 639, vượt qua con đèo bám theo sườn đá ngoạn mục là đến được ghềnh đá Lộ Diêu. Ghềnh đá này thuộc địa phận thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Đình và là một địa danh du lịch được nhiều du khách tìm đến.

Đứng nhìn từ cao xuống, bãi biển Lộ Diêu trông không khác gì một cánh cung khổng lồ, lưng dựa núi, mặt nhìn biển và ở giữa là cánh đồng. Nhìn từ xa, những khối đa nhiều hình dạng của ghềnh đá kết đôi với cát vàng bãi Bang Bao như đã tạo nên bức tranh đá, nước kỳ vĩ, nguyên sơ nhưng đầy thơ mộng.

5. Ghềnh Hòn La (Quảng Bình)

Tuy chưa phải là một điểm du lịch nổi tiếng nhưng đảo Hòn La cũng như ghềnh đá của đảo đã là một điểm hẹn của những người đam mê câu cá trên biển tại các nghềnh đá. Vẻ đẹp của ghềnh Hòn La được phong hóa tự nhiên bám đầy rong rêu, hàu điệp…; và cũng là bãi đá nguyên thủy ven bờ tuyệt đẹp. Xét về tổng thể, ghềnh đá Hòn La mang vẻ đẹp của những khối đá vôi được sóng biển vô tình tác động tạo thành nhiều hình dáng khác nhau. Một số tảng là là trên mặt nước, có tảng đá thì lại ẩn hiện, có tảng đá lại như những con thủy quái khổng lồ.

Tuy nhiên, có một lưu ý cho du khách đó là mực nước ở ghềnh đá này có độ sâu khoảng từ 5 đến vài chục mét, phía trước là lạch nước sâu hàng trăm mét đã chia cách hai hòn đảo, mực nước ở giữa lạch này chảy rất mạnh vì vậy du khách không nên tắm tại ghềnh này.

6. Ghềnh đá ở biển Cà Ná (Ninh Thuận)

Nằm trên cung đường thiên lý Bắc – Nam, biển Cà Ná thu hút nhiều du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên xanh mây trời và xanh biển cả. Nơi đây còn được biết đến với vẻ đẹp đến kỳ lạ của những tảng đá lớn nhỏ dọc bên bờ biển. Nhiều người nói rằng, vẻ đẹp có phần gai góc đó trông như sự cá tính của một người con gái đẹp.

Từ xa nhìn về phía biển Cà Ná, du khách sẽ nhìn thấy một hòn đảo nhỏ mọc nhô lên giữa biển mang tên hòn Lao, nơi có nhiều loài chim biển sinh sống. Phía trước là biển trời bao la, phía sau là dãy núi Trường Sơn cao sừng sững, với những dãy đá núi vôi liền kề nhau.

7. Mỏm đá chim (Bình Thuận)

Nếu chỉ nghe tên, nhiều du khách có thể sẽ nghĩ rằng các tảng đá ở đây sẽ rất lớn hoặc có hình dạng của mổ loại chim nào đó. Nhưng thực tế, Mỏm Đá Chim chỉ có hai tảng đá cỡ trung gần bờ. Theo lời giải thích của người dân địa phương, sở dĩ có tên gọi là Mỏm Đá Chim là bởi ngày xưa, mỗi chiều về thường có hàng trăm con chim kéo về nghỉ qua đêm.

8. Bãi Cóc (Khánh Hòa)

Toạ lạc trong vùng vịnh Vĩnh Hy, bãi Cóc với nước trong và những tảng đá lớn nhỏ rải rác và cát vàng tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tuy vậy không nhiều du khách biết đến nó như một bãi biển đẹp để tắm mát và là nơi mua bán hải sản tươi ngon của vùng.

9. Bãi Đá Nhảy (Quảng Bình)

Dọc theo quốc lộ 1A từ thành phố Đồng Hới ngược về phương Bắc khoảng 25km, bạn sẽ ghé ngang qua bãi Đá Nhảy, bạn sẽ nhìn thấy từ xa dưới những đợt sóng kéo vào bờ, những tảng đá muôn hình vạn trạng nằm rải rác trên bờ biển như đang nhấp nhô trong làn nước biển. Đến bãi Đá Nhảy, ngoài tắm biển hay chinh phục các tảng đá nơi đây, bạn còn có cơ hội thưởng thức những giọt nước trong veo, mát lạnh của giếng Cóc – giếng nước cho nước ngọt quanh năm ẩn mình dưới một tảng đá lớn cạnh bờ biển.

Đá ở bãi biển này nằm rải rác trên bờ cùng sóng bạc. Từ trên cao nhìn xuống, bãi Đá Nhảy giống như một bức tranh thiên nhiên với muôn vàn núi đá hình thù. Tảng lớn nhìn tựa trâu nằm hay voi phục, còn những hòn đá nhỏ lại trông giống cóc nhảy trên đầu sóng. Từng phiến đá sẽ có những biến đổi màu sắc tùy thuộc vào sự lên xuống của con nước theo mùa.

10. Biển ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Đặt chân đến đảo Lý, bạn sẽ không nhìn thấy những tảng đá lớn như ở bãi Đá Nhảy, và cũng không có những viên sỏi đa màu sắc như ở bãi Cổ Thạch. Ở đây chỉ có những mảnh vôi của san hô vụn, những viên đá trắng trải dài từ bờ ra biển như nối cả những viên sỏi nhỏ dưới đáy của bãi biển tại đảo Bé. Cảnh quan này dễ khiến cho bạn khó lòng rời mắt hay bước đi mà không luyến tiếc điều gì đó.

Ở đảo Lý Sơn, có nhiều ghềnh đá gồ ghề nhô lên giữa biển trời bao la. Khi thì ẩn hiện dưới làn nước trắng xóa, khi thì nổi hẳn lên giữa những con sóng nhỏ. Ở phía Bắc cũng có một bãi biển với hàng nghìn viên đá cuội lấp lánh dưới bầu trời. Điều thú vị là bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy tận đáy và ngắm những hòn đá ngầm bên dưới bởi nước ở đây vô cùng trong.

11. Bãi Hoàng Hậu (Bình Định)

Bãi biển Hoàng Hậu nổi bật với những viên đá khổng lồ trơn mịn nhiều kích thước, khác hẳn với những viên sỏi đa màu sắc, hình dạng ở bãi đá Bảy màu. Chính chúng đã khiến cho bãi biển này trở nên mộc mạc nhưng lại ẩn chứa bên trong nét tinh tế và sang trọng. Khi ngâm mình trong làn nước mát, du khách sẽ được trải nghiệm cảm giác tắm tại bãi biển của vua chúa hay hoàng hậu thường đến trước kia. Là một bãi đá đẹp với những viên đá hình quả trứng bắt mắt, bãi Hoàng Hậu nằm trong khu di tích mộ Hàn Mạc Tử, một thi sĩ tài hoa bạc mệnh.

12. Bãi đá ngầm Bàn Than (Quảng Nam)

Mũi đá Bàn Than hay ghềnh đá Bàn Than nằm tại tỉnh Quảng Nam là một vách đá đen dựng đứng sát mép biển của bãi Bắc và bãi Nồm. Nhìn từ ngoài khơi xa, những khối đá bàn khổng lồ như một bàn tay màu đen tuyền như than. Dưới sự tác động của sóng biển, các tảng đá của Bàn Than được kiến tạo tại hai bãi và có hình dáng khác nhau. Ở bãi Nồm, các tảng đá đen hình những con thú khổng lồ, gai góc như cá voi, cá mặt quỷ, thủy quái… dường như đã in hằn lên mặt biển xanh. Còn ở bãi Bắc, các tảng đá lại tròn trịa, trông như những chú hải cẩu, rùa biển.

Bãi đá ngầm đen ấn tượng khi hòa quyện với màu xanh của nước biển đã tạo ra một không gian mênh mông, lãng mạn cho du khách thưởng thức. Với diện tích trải dài 2 km, bãi Bàn Than chính là điểm đến đặc biệt cho những ai yêu thích khám thắng cảnh hoang sơ ở Việt Nam.

13. Bãi đá Bảy Màu (Bình Thuận)

Là một địa danh nổi tiếng độc đáo nằm trên một phần bãi biển Cổ Thạch (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), bãi đá Bảy Màu được đẩy từ lòng biển trồi lên và nhô vào bở. Sở dĩ như vậy là bởi sự tác động trong một thời gian khá dài của thủy triều, các dòng hải lưu và nước biển… Đá ở bãi có nhiều hình dạng, kích thước và liên tục được đẩy trồi lên mặt biển.

Bãi đá Bảy Màu được hình thành từ hàng trăm năm nay, có chiều dài gần 1 km với hình dạng và màu sắc độc đáo của đá đã thu hút du khách bởi những màu sắc khác nhau, như: nâu, vàng, tím, xanh lam, trắng… và thậm chí là cả sự kết hợp giữa các màu sắc này lại với nhau. Sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của bãi đá, sự quyến rũ của biển cả cùng những nét đời thường của cuộc sống miền biển đã tạo nên ấn tượng khó phai trong lòng mỗi ai đã từng đặt chân tới đây.

14. Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên)

Theo các tài liệu khoa học, ghềnh Đá Đĩa được hình thành từ dung nham núi lửa phun trào cách đây gần 200 triệu năm, khi các nham thạch nóng phun trào gặp nước biển lạnh đã bị đông cứng, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lưu khiến cho các khối đá nứt dọc, xiên, ngang, vô tình tạo thành các khối đá nứt đa hình thẳng đứng hoặc xiên thoai thoải, nửa chìm nửa nổi trên biển.

Trải qua một quá trình thời gian kiến tạo, các vết nứt nói trên đã được nước biển bào mòn nhẵn nhụi xong các khối đá vẫn bám chặt bền bỉ. Từng khối đá dài với hình dáng đặc biệt cứ xếp chồng lên nhau, từ xa như một tổ ong khổng lồ được xây dựng bên bờ biển, khi đến gần thì tưởng như là những chiếc dĩa lớn xếp chồng lên nhau một cách có trật tự.

Ai khi lần đầu tiên đặt chân đến đây cũng sẽ tự hỏi tại sao những khối đá khổng lồ ấy lại xếp chồng lên nhau được như thế, phải chăng có một bàn tay đã đẽo gọt và sắp xếp tạo nên chúng. Dẫu chưa trả lời được câu hỏi đó, xong bất cứ du khách nào khi đã ghé qua ghềnh Đá Đĩa đều mang một cảm giác bất ngờ xen lẫn trầm trồ khen ngợi một thắng cảnh tuyệt đẹp của đất nước ta.

15. Bãi đá Dinh Cậu (Kiên Giang)

Đồi đá Dinh Cậu chỉ cách trung tâm thị trấn Dương Đông chừng vài trăm mét. Nằm ở bãi biển Dương Đông, mang vẻ đẹp tuyệt vời và được xem như biểu tượng của Phú Quốc. Trên ghềnh đá nổi là ngôi đền linh thiêng mà các ngư dân thường khấn vái trước khi đưa tàu ra khơi. Ðặc biệt, từ bãi đá nổi này, du khách sẽ được thưởng ngoạn phong cảnh hoàng hôn trên biển. Khu vực dinh có nhiều mỏm đá to với những hình thù tuy kỳ quái nhưng đẹp mắt. Gần kề nơi đó là một bãi cát trải dài, hay còn gọi là bãi tắm Dinh Cậu.

16. Cổng đá vòm Tò Vò, Đảo Lý Sơn

Ở Đảo Lý Sơn có một đường cong đặc biệt mà nhiều du khách hầu như chưa biết đến, đó chính là Cổng đá vòm Tò Vò. Cổng đá chính là vết tích của hoạt động núi lửa từ hàng triệu năm về trước. Người dân địa phương thường gọi vui là cổng “Thiên Đường”. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để thu hút bạn một lần đặt chân đến nơi đây để khám phá cái gọi là cổng “Thiên Đường” này phải không?

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *