Từ hải sản sang trọng đến món ăn vỉa hè, những món ăn đặc sản Bình Thuận luôn mang đến cho thực khách hương vị thơm ngon, bổ rẻ. Không chỉ đơn giản là mực một nắng, lẩu hải sản mà vùng đất này có rất rất nhiều món ăn khiến du khách mê mẩn.
Trong bài viết này Loca sẽ giới thiệu 23 món đặc sản Bình Thuận cũng như địa điểm cụ thể cho cách bạn tham khảo, hãy lưu lại làm cẩm nang cho mình và người thân khi cần thiết nhé!
Phụ lục
- 1. Ngọt ngào cốm hộc Phan Thiết
- 2. Lạ lùng món dông nướng Bình Thuận
- 3. Mát lòng trái thanh long Bình Thuận
- 4. Đặc sản nước mắm Phan Thiết
- 5. Khao khát vị chua ngọt của mứt me Phan Thiết
- 6. Ấm bụng với bánh xèo Phan Thiết
- 7. Nem chả nướng Phan Thiết
- 8. Lạ miệng với chả cuốn cá trích Phan Thiết
- 9. Giòn tan gỏi ốc giác Phan Thiết
- 10. Cá lồi xối mỡ Phan Thiết
- 11. Thơm ngon bánh căn Phan Thiết
- 12. Đặc sản mì Quảng vịt Phan Thiết
- 13. Đặc sản gỏi cá mai Phan Thiết
- 14. Độc đáo món răng mực Phan Thiết
- 15. Bánh tráng chấm mắm ruốc
- 16. Bánh tráng cuốn mắm ruốc
- 17. Ấm lòng bát bánh canh chả cá Phan Thiết
- 18. Thơm giòn bánh rế Phan Thiết
- 19. Đặc sản lẩu thả Bình Thuận
- 20. Mực một nắng Phan Thiết
- 21. Ếch òn Bình Thuận
- 22. Dai mềm bánh quai vạc Bình Thuận
- 23. Bánh hỏi lòng heo Phú Long
1. Ngọt ngào cốm hộc Phan Thiết
Cốm hộc là niềm tự hào của người dân Phan Thiết, bởi nó là món ẩm thực truyền thống không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên mỗi dịp Tết đến. Món ăn này được làm từ gạo nếp ngon rang nở bung (còn gọi là nổ, như nổ bỏng vậy) và đường sên dứa, gừng, ngoài ra còn được làm với đường cát hay đường tán.
Nguyên liệu quan trọng góp phần gia tăng hương vị cho món ăn là gừng và trái thơm (quả dứa) cho thêm phần phong phú. Gừng lột vỏ, rửa sạch để ráo nước rồi giã vừa nát. Trái thơm đem gọt vỏ, bỏ mắt, cắt từng miếng nhỏ, mỏng. Cho đường lên bếp lửa để thắng, lúc thắng đường nhớ vắt một trái chanh vào để khỏi lại đường. Khi đường sôi khoảng 2 phút, dùng đũa thử nếu thấy đường kéo lên thành dây là được. Trước khi nhắc đường xuống, cho gừng và dứa vào, đợi nguội hẳn rồi đổ vào thau nổ, trộn đều khoảng 20 đến 30 phút rồi bắt đầu công đoạn đóng cốm.
Khuôn cốm là những hộc gỗ vuông, hai bề mặt rỗng, có một miếng gỗ rời để khi đóng cốm thì người ta dùng miếng gỗ này ép nổ xuống cho cốm chặt và bằng phẳng. Trước lúc đóng cốm, một người xúc nổ vào chiếc cân, cân đúng trọng lượng rồi cho vào từng cái rổ nhỏ còn người đóng cốm cứ lấy từng rổ nổ đó mà cho vào hộc đóng. Thanh niên sẽ lo việc đóng cốm, họ dùng sức đẩy cây đòn tay dài, ấn mạnh xuống hộc cốm. Miếng cốm vuông vức một khối thành hình, được nhấn xuống, đưa ra khỏi hộc.
Hộc cốm được chuyền đến tay một người khác cạnh đó. Họ dùng một tấm thớt và một con dao đặt miếng cốm lên tấm thớt nhỏ, dùng con dao bén gọt bỏ những cốm không đều ở bốn cạnh, để hộc cốm được vuông vức bằng những động tác nhanh gọn. Sau đó là phần phơi cốm. Từng hộc để đều trong một cái nia tre lớn, phơi 1-2 lần nắng là cốm sẽ khô. Lúc phơi, cần chuẩn bị vài tấm vải mùng để phủ lên các nia, tránh bụi bặm, ruồi nhặng.
Khi cốm khô thì đến công đoạn sau cùng là bao gói. Những tờ giấy màu, giấy bóng kính, giấy hoa văn đủ màu sắc được sử dụng bao hộc cốm. Với những động tác nhanh nhẹn, đôi tay khéo léo, cắt giấy vừa vặn với hộc cốm để gói thẳng nếp. Ở hai đầu hộc, trang trí hai hoa giấy (loại hoa dán hộp quà) để bày lên bàn thờ ông bà hay trưng bán tại các sạp cho đẹp mắt. Cốm hộc là món ăn đặc trưng của người dân vùng đất Phan Thiết, là tinh hoa được truyền lại đã bao đời nay. Nó không chỉ là đặc sản ẩm thực ngày Tết mà còn là nét văn hóa riêng của mảnh đất này.
2. Lạ lùng món dông nướng Bình Thuận
Dông thuộc họ bò sát, lớn hơn thằn lằn và có chiều dài từ 20 đến 30cm. Dông cái chỉ có một màu da đất, còn dông đực lại có nhiều màu sặc sỡ. Chúng sống nhiều ở nơi có đất cát ven biển hoặc đất mềm, nên còn có tên gọi là dông cát. Con dông xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 5 âm lịch. Nếu các bạn có dịp ghé qua Bình Thuận thì đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé.
Trước đây dông sinh sống theo tự nhiên và là một món ăn không thể thiếu của người dân địa phương. Những người đầu bếp khéo léo nơi đây đã chế biến thành các món ăn như: gỏi dông, chả dông, dông rô-ti, dông hấp, dông nấu dưa hồng, cháo dông; hấp dẫn nhất có lẽ là món dông nướng, vừa đơn giản lại vừa thích hợp làm món ăn nhậu.
Mình xin giới thiệu về món dông nướng một chút; trước hết người ta chọn những con mập, có kích thước của dông trưởng thành. Tránh chọn con nhỏ vì thịt dông sẽ bở, không ngon. Có hai cách làm dông nướng: dông nướng để nguyên da và dông nướng lột da. Tuy nhiên, đa phần người dân địa phương thích ăn dông nướng để nguyên da; chỉ những thực khách còn lạ lẫm với món này mới hay chọn dông nướng sau khi đã lột sạch hết da. Mình cảm thấy dông nướng bỏ da có vẻ dễ ăn hơn là để nguyên da.
Dông được làm sạch, bỏ vào tô ướp gia vị, cho vài tép sả băm nhuyễn, bỏ muối, tiêu, hạt nêm thêm một ít nước mắm chính hiệu Phan Thiết để gia tăng hương vị rồi trộn đều, ướp chừng 30 phút là được. Để hương vị của món dông nướng thơm ngon nhất thì người ta phải nướng bằng lửa than.
Dông nướng ngon thì phải chín vàng hai mặt, thịt săn lại, khi ăn thấy mềm và có vị ngọt đậm đà. Dông nướng có thể ăn với bánh tráng nướng hoặc ăn với rau sống, bún và bánh tráng cuốn đều ngon. Chỉ cần cho dông vào bánh tráng, thêm bún, rau sống, đem cuốn lại rồi chấm nước mắm me thì không gì bằng.
Với người dân Bình Thuận, thứ ngon nhất trong con dông là mật và trứng. Mật dông có vị béo, ngọt; còn trứng thì bùi, béo nhưng không ngấy. Ngoài ra, thịt dông chứa hàm lượng đạm cao, giúp bồi bổ sức khỏe, đối với những người cơ địa dễ bị dị ứng đồ lạ thì nên lưu ý, nên thử một chút trước khi ăn và tránh ăn quá nhiều nếu cảm thấy ngon miệng.
Ăn dông ở đâu?
Các bạn có thể tìm hiểu một số địa chỉ có bán món dông như:
- Quán Xuân Vàng: Đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè Sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Đây là một quán ăn được giới thiệu nhiều khi các bạn có dịp đến Phan Thiết, quán làm dông nướng ăn khá hay bởi cách tẩm ướp gia vị độc đáo. Ngoài ra quán có cơm hải sản ăn cũng vừa miệng, các bạn có thể dùng thêm để cho chắc dạ.
- Quán Việt Nam Home: Số 125AB Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Quán không gian thoáng đãng, dông nướng ở đây ăn ngon và mềm, thơm mùi thịt nướng và gia vị đặc trưng. Tuy nhiên, vào những ngày đông khách, quán sẽ phục vụ cực kỳ lâu. Ngoài ra các món hải sản ở quán ăn cũng khá ngon với mức giá phải chăng.
3. Mát lòng trái thanh long Bình Thuận
Bình Thuận thì được mệnh danh là “vương quốc” của trái thanh long, nếu các bạn đến Bình Thuận vào mùa thanh long chín thì các bạn sẽ được thưởng thức thanh long thỏa thích, hơn thế nữa những món ăn độc đáo từ thanh long như chè thanh long, salad thanh long, bò xào thanh long, nộm thanh long…
Thanh long là thứ quả ngọt mát, mang lại nguồn lợi kinh tế cho Bình Thuận, và nó đang dần trở thành đặc sản của vùng. Thanh long trồng trên đất Bình Thuận vỏ dày, khi chín vỏ có màu đỏ tươi, căng bóng láng, đặc biệt là phần thịt quả rất chắc và ngọt, chứa nhiều dinh dưỡng. Ruột thanh long có những hạt đen nhỏ xíu như hạt mè. Gần đây, sự xuất hiện của thanh long ruột đỏ rất được ưa chuộng trên thị trường bởi màu sắc bắt mắt cùng hương vị thanh mát.
Cây thanh long trồng khoảng 8 tháng là thu hoạch được, quả có khả năng chín đến 2 – 3 lần. Khi thanh long chín lần thứ nhất, nếu không cắt đi, thì một tuần sau quả sẽ xanh trở lại. Sau đó, quả sẽ chín đỏ một lần nữa. Với những quả đã chín lần hai, lần ba thì độ ngọt sẽ nồng hơn, vỏ mỏng đi nhiều so với quả chín lần một, thịt không được chắc.
Thanh long là loại quả có giá trị dinh dưỡng cao, nó chứa một hàm lượng vitamin C, carotin, canxi, một số loại vitamin B, cùng một số chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác. Những dưỡng chất này giúp hệ thống tiêu hóa trong cơ thể con người hoạt động tốt hơn, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh. Ngoài ra, ăn thanh long rất tốt cho da và thị lực, hợp cho người có huyết áp cao, hay bệnh tiểu đường. Các bạn có ghé qua Bình Thuận thì nhớ mua chút thanh long về làm quà cho người thân.
Mùa thanh long khi nào?
Thanh long thường chín vào mùa hè, khoảng đầu tháng 5 đến tháng 10. Các bạn du lịch Bình Thuận vào mùa này có thể tìm mua được thanh long chín rất ngon. Nhiều người chỉ thích thưởng thức những trái thanh long “chín đủ 3 lần”, khi đó hương vị thanh long mới trở nên đậm đà nhất, cùng với lượng chất dinh dưỡng dồi dào. Các bạn hãy tham khảo cách lựa chọn thanh long ngon nhé:
- Vỏ: Có màu đỏ sậm và mỏng, da căng mọng thì chứng tỏ là chúng mới được thu hoạch.
- Hình dáng quả: Chọn những quả càng tròn càng tốt.
- Phần tai: Còn xanh và không được quăn queo hay khô héo, đó chứng tỏ là những quả tươi mới được thu hoạch không lâu.
- Bấm nhẹ tay vào vỏ của thanh long, nếu thấy cứng cáp thì nên mua.
4. Đặc sản nước mắm Phan Thiết
Nước mắm là một thứ gia vị, nước chấm không thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người Việt. Nhiều thương hiệu nước mắm nổi tiếng như: Nước mắm Nha Trang, nước mắm Phú Quốc, nước mắm Cát Hải và không thể thiếu tên nước mắm vùng đất Phan Thiết.
Nghề sản xuất, chế biến nước mắm tại Phan Thiết đã được hình thành cách đây hơn 200 năm. Theo “Địa chí Bình Thuận”, từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1930, nghề sản xuất nước mắm đã trở thành ngành công nghiệp độc đáo so với cả nước và là ngành công nghiệp độc nhất trong nền kinh tế địa phương. Nước mắm Phan Thiết chủ yếu được làm từ cá cơm và muối hạt. Cá cơm có nhiều loại như cá cơm sọc tiêu, cơm than, cơm đỏ, sọc phấn, phấn chì, cơm lép… nhưng cá cơm than và sọc tiêu dùng để chế nước mắm mới là ngon nhất.
Cá cơm thường xuất hiện từ tháng tư cho đến tháng tám âm lịch, thân của chúng nhỏ, con to chỉ bằng ngón tay út nhưng phân rã thành mắm nhanh nên thời gian thành nước mắm cũng ngắn. Nhiều nhà làm nước mắm lâu năm cho biết chất lượng nước mắm còn phụ thuộc vào thời gian đánh bắt cá, nhất là cá tháng tám thì thường béo mập, vì vậy nước mắm mới ngon và đạt độ đạm cao nhất.
Làm nước mắm ngon cũng là một nghệ thuật. Theo thời gian, chất nước cá ứ ra được đưa ra ngoài theo một lỗ ở đáy thùng xuống thùng hứng. Nước mắm không lấy một lần mà phải lọc đi lọc lại nhiều lần, như vậy nước mắm thành phẩm mới trong và không có cặn. Từ thùng hứng chuyển lại thùng mắm cái để nước mắm thấm qua các lớp cá rồi đi ra thùng hứng như cũ. Việc làm xoay vần như thế và mỗi ngày làm một lần. Chỉ sau khoảng năm hôm là nước “chín”, tức đã thành nước mắm
Nước mắm có thể phân loại thành: “nước bổi”, “nước đục” và “nước nhĩ”. Nước bổi là nước muối, rửa cá khi chúng còn tươi. Nước đục là nước bổi đã đi qua lớp cá đã muối, màu nước đục nhưng ngon hơn. Nước ép, hay nước nhĩ, là nước đục đưa vào thùng mắm cái, đóng lại vài ba hôm rồi cho mắm rỉ ra từng giọt, phải mất mươi hôm mới lấy hết nước. Theo mình thì nước mắm nhĩ là ngon nhất, đậm đà nhất. Nhìn bát nước mắm Phan Thiết trong veo mang màu hổ phách, toả ra mùi thơm đặc trưng trông thật hấp dẫn.
Những thương hiệu nước mắm ngon của Phan Thiết như nước mắm Mũi Né, nước mắm Liên Hương, nước mắm Con Cá Vàng… đang ngày càng tạo được sự tin cậy của người tiêu dùng. Các bạn nếu có dịp đến Phan Thiết thì đừng quên mua chút nước mắm về làm quà cho người thân, tuy nhiên nếu di chuyển bằng máy bay thì có thể sẽ không được mang trong hành lý ký gửi.
5. Khao khát vị chua ngọt của mứt me Phan Thiết
Cây me mọc rất nhiều trong Bình Thuận, đặc biệt là ở các vùng Phan Thiết và các vùng ngoại ô, những nơi có điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho cây me phát triển xanh tốt. Ngoài việc lấy thân cành làm nhà, khai thác mành chà, lấy gỗ làm thớt, lá và quả nấu canh, người dân nơi đây còn lấy quả me để làm mứt me Phan Thiết nổi tiếng. Nếu các bạn đã được thưởng thức món ăn hấp dẫn này rồi thì chắc chắn sẽ không quên được hương vị chua ngọt, thanh mát của trái me.
Để làm mứt me cũng không đòi hỏi những công đoạn quá cầu kỳ. Người làm có kinh nghiệm sẽ chọn những quả me già nhưng vỏ còn xanh, với trái thẳng, dài và dày cơm. Đem ngâm nước muối để dễ tách vỏ, rồi ngâm tiếp với nước muối trong hai ngày để loại bỏ chất chua.
Sau đó, người ta dùng mũi dao nhọn xẻ một đường dọc sống lưng me, tách từng lớp vỏ theo đường trôn ốc. Bổ dọc bụng sao cho khi lấy hạt không làm quả me bị gãy đoạn. Tiếp đó, người ta đem ngâm nước muối lần nữa để me trắng đều, rồi xăm từ trên xuống khắp hai mặt, lần lượt hết phần me đã chọn. Đun nước nóng, xả 4 – 5 lượt đến khi nào nếm bớt chua thì vớt me ra, vảy ráo nước, tiến hành rim me.
Cứ 3kg me tươi bóc vỏ thì dùng 1,5kg đường cát để rim. Phải lấy loại đường có mật cao, hạt đường sáng ánh thì màu me rim mới đẹp, vị ngọt mới thanh. Trộn me và đường để một ngày đêm cho ngấm. Lấy lớp nước đường ra đem thắng cho sệt lại, đổ vào me rồi bắc lên rim với lửa nhỏ. Đây là công đoạn quan trọng nhất, người làm phải thường xuyên ngồi bên bếp canh lửa, múc nước đường đổ liên tục lên quả me để chúng chín trước khi đường ngấm, sẽ không bị lại đường.
Khi me ngấm và có độ bóng, đem me ra phơi nắng cho ráo. Mứt me đạt chất lượng là bên ngoài trông bóng, dẻo, có độ chua ngọt vừa phải và để được lâu ngày. Các công đoạn làm mứt me không khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn của người làm. Giờ đây, mứt me vừa là món quà ăn chơi, lại vừa có thể dùng làm quà biếu cũng rất quý. Nếu các bạn ghé qua Phan Thiết, Bình Thuận thì nhớ mua chút mứt me về làm quà cho người thân nhé.
6. Ấm bụng với bánh xèo Phan Thiết
Bánh xèo Phan Thiết được xếp vào một trong số loại bánh ngon trứ danh của thành phố biển sầm uất này. Tuy bánh xèo có ở khắp mọi miền Tổ quốc, nhưng hương vị của nó ở mỗi vùng quê lại khác nhau và mang nét đặc trưng riêng của từng vùng. Nếu như miền sông nước Nam Bộ có bánh xèo bông điên điển, ở Sài Gòn có bánh xèo chảo ăn với cải bẹ xanh thì ở Phan Thiết, bánh xèo lại được chế biến với tôm, mực tươi sống.
Để có được những chiếc bánh xèo thơm ngon thì khâu chế biến khá công phu. Đầu tiên là nguyên liệu bột đòi hỏi một sự pha trộn khéo léo giữa bột gạo, bột đậu xanh, có nơi còn cho thêm nước cốt dừa cho dậy vị, thêm màu bằng bột nghệ, một vài nơi thì cho cả chút bia vào trong bột đúc. Bánh thường được đổ trên khuôn làm từ gốm của người Chăm, nắp đậy khuôn cũng mang nét văn hóa Chăm đặc trưng. Nhờ loại khuôn này, bánh xèo có độ giòn, chín vừa phải, không quá mềm hay quá khô.
Phần nhân bánh gồm tôm, mực, mỡ, thịt heo ba chỉ, giá tươi và hành lá. Nhiều người cho rằng bánh xèo của Phan Thiết nổi bật nhờ nước chấm. Nước chấm bánh xèo ở đây có một độ quánh từ đậu phộng giã nhuyễn, nước đường hòa với nước mắm của người bản xứ… tất cả làm nên một thứ nước chấm độc đáo, riêng biệt.
Bánh xèo được ăn kèm với nhiều loại rau sống theo mùa, tiêu biểu là rau diếp cá, rau húng, xà lách, cải đắng… Thông thường, bánh xèo được cho vào chén có sẵn nước chấm, cho rau sống, giá vào, đảo đều lên cho ngấm là ăn được. Cách ăn này đã phần nào thể hiện tính cách của người dân miền biển Nam Trung Bộ hiền hòa, không gượng ép, cầu kỳ mà lại rất tự nhiên, thoải mái.
Ăn bánh xèo Phan Thiết ở đâu ngon?
Mình xin giới thiệu với các bạn một vài địa chỉ ăn bánh xèo ngon ở trung tâm thành phố Phan Thiết, nếu có dịp các bạn nhớ ghé qua, nếu ai biết quán nào ngon – bổ – rẻ thì cùng mách cho mọi người nhé.
- Quán Cây Phượng: Số 49 đường Tuyên Quang, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Quán được cho rằng là quán nổi tiếng nhất Phan Thiết. Có cả bánh xèo thịt vịt, nhưng mình vẫn thích hương vị tôm mực hơn. Nước chấm ngon, không quá đậm nên các bạn có thể sẽ dùng rất nhiều nước chấm.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm quán bánh xèo Cây Xoài: Số 40 đường Tuyên Quang, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
7. Nem chả nướng Phan Thiết
Nem chả nướng tự bao giờ đã trở thành món ăn chơi của người dân Phan Thiết. Cách chế biến và cách thưởng thức món ăn này vô cùng đơn giản nhưng nó lại hấp dẫn biết bao thực khách. Nem chả nướng Phan Thiết được làm từ thịt heo tươi, giã nhuyễn, ướp thêm gia vị cho đậm đà, xiên thành que rồi nướng trên bếp than hồng cho đến khi thịt nem vàng ươm.
Ăn kèm nem chả nướng thường không thể thiếu đĩa rau sống đặc trưng với: chuối chát, khế chua, hẹ, xà lách, ngò gai, tía tô, húng thơm… Một món nữa không thể thiếu để làm nên gia vị cho món ăn này chính là nộm muối chua, gồm có cà rốt, củ cải, dưa leo, hành tím. Một thứ quan trọng là chén nước chấm sền sệt, có màu vàng được làm từ bột, nước, đậu phộng giã nhuyễn, vừng rang cùng một ít thịt xay nhuyễn.
Khi ăn, người ta dùng một miếng bánh tráng mỏng, cho các loại rau sống kèm lát nem nướng, lát chả giò, vài miếng bánh tráng chiên giòn lên trên; cuộn tròn lại và chấm vào bát nước chấm. Món nem chả nướng thích hợp trong những dịp tụ tập bạn bè hay đi du lịch cùng bạn bè. Còn gì thú vị khi có một đĩa nem nướng thơm lừng và ngồi lai rai tám chuyện với nhau.
Ăn nem chả nướng ở đâu ngon?
Mình xin giới thiệu một vài quán nem chả nướng ở khu vực trung tâm thành phố Phan Thiết cho các bạn tham khảo nhé:
- Quán bánh tráng mắm ruốc: Ngã tư Thủ Khoa Huân – Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán báng tráng mắm ruốc: Đầu đường Võ Hữu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán nem chả gần trường trung học Phan Thiết (chỉ bán vào buổi tối), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
8. Lạ miệng với chả cuốn cá trích Phan Thiết
Trong văn hóa ẩm thực Phan Thiết, chả cuốn cá trích là một món ăn tuy đơn giản nhưng lại thật sự hấp dẫn, điều đặc biệt lôi cuốn là bên trong từng cuốn chả có những con cá trích nhỏ, nguyên con, với phần xương giòn và thịt dai, ngọt ngào. Nếu các bạn có dịp đến Phan Thiết thì đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé.
Chả cuốn là tên gọi của người Phan Thiết, còn người miền Bắc thì gọi là nem cuốn, được làm từ bánh tráng (bánh đa nem) cuộn với các loại rau, củ, và một số loại thịt như thịt heo, tôm, cua… tùy khẩu vị từng vùng miền. Món nem cuốn gần như không có một công thức cố định nào, tùy từng địa phương, vùng miền, thì thức ăn gì cũng có thể làm món cuốn; nhưng ở Phan Thiết thì món chả cuốn là đặc biệt nhất bởi nó được làm từ thịt của cá trích, trứng luộc với củ sắn và bánh tráng.
Chả cuốn cá trích Phan Thiết hấp bởi vị bùi, thơm ngon của chả cá trích và trứng luộc, vị ngọt thanh đạm của sắn tươi, sự hài hòa các hương vị từ lá thơm như húng quăn, diếp cá… Nước chấm được chế biến từ đậu phộng giã nhuyễn cùng nước mắm Phan Thiết, thêm chút chua cay từ các gia vị vườn nhà, ăn rất đưa miệng.
Khi thưởng thức, bạn sẽ bị chinh phục hoàn toàn bởi món ăn bình dị, đơn giản nhưng tuyệt vời này. Nếu có dịp đến với Phan Thiết, đừng quên thưởng thức món ăn đơn giản, đậm đà hương vị xứ biển này bạn nhé.
9. Giòn tan gỏi ốc giác Phan Thiết
Gỏi ốc giác là một món ăn dân dã, bình dị nhưng đậm đà, khó quên của vùng đất Bình Thuận đầy nắng gió. Nếu các bạn có dịp đến đây thì đừng ngại thưởng thức món gỏi ốc giác giòn tan, đậm đà khó quên.
Ốc giác là loại ốc khá to, còn được biết đến với nhiều tên khác nhau như ốc gàu, ốc gáo. Thịt ốc giác gồm hai phần: Phần cùi ốc trắng trong, cứng giòn ăn như mề gà và phần ruột màu nâu nhạt, khá mềm, vị bùi, béo mà những người ăn ốc giác sành điệu thường gọi là gạch hay gan. Từ con ốc giác, người ta có thể chế biến thành các món ăn ngon như luộc, nướng, làm gỏi hay nấu cháo, hấp dẫn nhất phải kể đến là món gỏi chấm nước mắm chua ngọt của người dân Phan Thiết.
Chỉ cần các nguyên liệu đơn giản gồm thịt ốc giác luộc, thịt ba chỉ thái sợi cùng với đu đủ xanh, rau răm, hành tây, đậu phộng rang và nước chấm chua ngọt là có món ốc giác ngon miệng. Khi ăn, người ta trộn đều đĩa gỏi để mỗi đũa gắp đều có đầy đủ các nguyên liệu, tiếp đó chấm với nước mắm chua ngọt và thưởng thức.
Nước chấm ở Phan Thiết thường có vị mặn hơn nên khi khách từ các miền khác ghé quán, chủ quán thường giảm bớt vị mặn và thêm chua ngọt vào bát nước chấm cho vừa khẩu vị. Ốc giác trộn gỏi thường ăn kèm với bánh phồng tôm chiên hoặc bánh tráng mè nướng.
Ăn gỏi ốc giác ở đâu ngon?
Ở Phan Thiết có nhiều quán hải sản có phục vụ món gỏi ốc giác, các bạn có thể tham khảo một số địa chị ăn ngon như:
- Gỏi ốc giác tại khu bán hải sản ở Sở Y tế, ngay gần ga Phan Thiết, quán chỉ bán từ 3 giờ chiều đến 7 giờ tối, ngoài gỏi ốc giác rất ngon ra thì ở đây có bán nhiều loại ốc khác với giá tương đối phải chăng, các bạn cũng nên thử cho biết.
- Quán 49: Đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Quán nằm sát bờ sông nên có không gian thoáng đãng, thực đơn thì phong phú. Gỏi ốc giác ở đây ăn giòn và ngon, nước chầm và các đồ ăn kèm cũng rất vừa miệng.
- Các quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
10. Cá lồi xối mỡ Phan Thiết
Cá lồi là loài cá có nhiều ở các tỉnh miền Nam Trung Bộ, nhất là khu vực Khánh Hòa và Bình Thuận, cá lồi cho thịt mềm và ngọt nên dễ chế biến thành nhiều món như nấu canh chua, kho sả ớt, xào lăn… hấp dẫn nhất là món cá lồi xối mỡ đặc biệt thơm ngon của vùng đất Phan Thiết.
Cá lồi thường xuất hiện nhiều nhất vào khoảng tháng 7 trở đi. Để có món cá lồi xối mỡ thơm ngon đúng điệu, người làm bếp phải biết cách lựa những con cá tươi ngon và chế biến, nêm nếm gia vị sao cho thật khéo. Đầu tiên, người ta dùng dao cạo làm sạch các chất nhờn trên da cá hoặc dùng lá sả để chà cho sạch. Sau đó, mổ bụng, bỏ hết ruột, rửa cá bằng nước muối và dùng nước sạch rửa lại nhiều lần, tiếp đến cắt thành từng miếng vừa ăn rồi bỏ vào hấp cách thủy. Ngoài ra cần chú ý kiểm tra cá khi hấp để tránh tình trạng hấp lâu cá sẽ bị nát, ăn không ngon.
Mỡ heo thái hạt lựu, cho lên chảo và chiên vàng, thả hành lá thái nhuyễn vào để trộn với cá. Cá hấp chín bày ra đĩa, rưới mỡ hành, lạc rang lên trên và thưởng thức khi món ăn còn nóng.
Một cách thưởng thức khác nữa là lấy một miếng bánh tráng mỏng, cho các loại rau như xà lách, húng quế, tía tô, chuối chát, dưa leo… và ít bún tươi cùng thịt cá, cuốn tròn lại và ăn với nước chấm chua cay. Vị béo ngọt của cá hòa với hương vị thanh mát của các loại rau, vị đậm đà của nước chấm hài hòa với nhau sẽ không gây cảm giác ngấy.
Ăn cá lồi xối mỡ ở đâu ngon?
- Quán Thu Nở: Đường Võ Thị Sáu, thành phố Phan Thiết. Quán sạch sẽ và thoáng mát, có bán nhiều loại hải sản tươi ngon, trong đó có món cá lồi xối mỡ ăn rất hấp dẫn.
- Các quán ở khu vực Mũi Tàu (Bờ Kè) sát cầu Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết.
- Quán Xuân Vàng: Đường Võ Thị Sáu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
11. Thơm ngon bánh căn Phan Thiết
Là một trong những món ăn dân dã có từ lâu đời, bánh căn xứ biển Phan Thiết luôn là món quà vặt hấp dẫn dành cho người bản xứ cũng như khách du lịch đến Phan Thiết. Hơn thế nữa, bánh căn xuất hiện khá nhiều nơi với nhiều biến tấu khác nhau, nếu các bạn có dịp đến vùng đất Phan Thiết thì hãy thưởng thức món bánh căn truyền thống với hương vị giản dị mà đậm đà.
Bánh căn được làm từ bột gạo rồi đổ vào nướng trên khuôn đất, vì vậy hương vị bánh căn khác hẳn với các loại bánh chiên ngấy mỡ khác. Khi bánh chín sẽ được nạy ra, cứ hai cái bánh úp vào nhau thì ở giữa là nhân hành lá thái nhỏ.
Muốn đổ bánh căn thì người làm dùng một lò đất nung, thân tròn, đáy bầu dục gồm 3 phần: phần nắp hình tròn, gọi là khuôn bánh (ổ bánh); mặt ổ khoét 10 lỗ tròn đều nhau, trên đó đặt 10 chén đất cạn đáy, có nắp đậy; phần thân lò để chứa than hồng, có lỗ thông gió; đáy lò ngăn cách với thân lò bằng một vỉ đục lỗ để tro than rơi xuống đáy lò.
Để làm bánh căn thì chỉ cần gạo tẻ ngâm nước rồi đem xay thành bột loãng giống như bột đổ bánh bèo hay bánh xèo. Trước khi đổ bánh, người làm bỏ vào một ít lá hẹ hay hành lá thái nhỏ để cho bánh được thơm và ngon hơn. Mỗi lần đổ bột vào khuôn, người thợ dùng cây que đầu có quấn bông nhúng vào đĩa dầu phụng hoặc đĩa mỡ lợn thoa lên mặt khuôn để bánh róc khi chín, như vậy sẽ dễ bóc hơn. Bánh nên ăn ngay khi còn nóng mới ngon.
Không chỉ dừng lại ở đó, bánh căn ngon còn phụ thuộc vào nước chấm. Thông thường, người ta dùng nước cá có chế biến thêm các loại gia vị, có nơi thì dùng nước mắm pha thêm đường cát trắng nấu sôi, thêm cà chua phi dầu phụng, ớt và chanh tươi tùy khẩu vị. Bánh thường ăn kèm với rau sống, khế lát, chuối xanh thái mỏng, dưa chuột, rau răm, rau húng, giá chần, xà lách… tùy theo mùa.
Ăn bánh ăn Phan Thiết ở đâu ngon?
- Hầu như các chợ của tỉnh Bình Thuận đều có bán món này, hoặc bạn có thể ghé qua, tiện thể tham quan các chợ luôn. Một mẹo nữa là các bạn nên chọn quán nào đông khách mà vào ăn, vì thường thì khách quen sẽ chỉ chọn những quán mà theo họ là ngon.
- Quán bánh căn: Số 168 Thủ Khoa Huân, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Quán chỉ bán vào tầm chiều tối.
- Quán bánh căn: Số 8 đường Hải Thượng, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán bánh căn: Đường Ngư Ông, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán chị Hải: Đường Tôn Đức Thắng, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
12. Đặc sản mì Quảng vịt Phan Thiết
Nếu nghe đến mì Quảng thường người ta sẽ nghĩ ngay đó là đặc sản vùng Quảng Nam, nhưng ít ai biết rằng khi đến Phan Thiết thì các bạn có thêm cơ hội thưởng thức món “Mì Quảng vịt” độc đáo.
Mì Quảng là một món ăn với cách nấu đặc trưng và hương vị mang đậm chất Trung Bộ. Mì Quảng từ xứ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng) với sợ mì được làm từ bột gạo (sợi bánh to, màu trắng vàng xen kẽ) và thịt đã nêm nếm gia vị theo kiểu thưng hay xào, ít nước sốt, ăn kèm với bánh tráng nướng; mì Quảng Nha Trang thì lại hoàn toàn khác với thành phần chủ đạo là thịt luộc và nước lèo hầm từ xương, tô mì chan đầy nước, ăn với rau cắt ghém và thêm chả cá chiên.
Đối với người Phan Thiết, hương vị mì Quảng sẽ càng thơm ngon hơn nếu nấu với thịt vịt thay vì thịt heo như thông thường. Một tô mì Quảng vịt Phan Thiết nóng hổi, thơm nồng các loại gia vị và mùi vịt đặc trưng. Miếng thịt vịt mềm thơm hòa quyện với vị béo của nước dùng, chút gia vị cay, vị béo của đậu phộng… Đó là tất cả những hương vị mà các bạn có thể cảm nhận được khi thưởng thức món mỳ Quảng vịt. Nếu có dịp đến Phan Thiết, các bạn đừng quên thưởng thức một tô mì Quảng vịt độc đáo với hương vị khó quên này nhé.
Ăn mì Quảng vịt ở đâu ngon?
- Quán mì Quảng Phan Thiết: Số 129 Trần Phú, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Quán bán cả ngày nên các bạn có thể dễ dàng đến ăn bất cứ lúc nào.
- Quán mì quảng bà Phượng: Đối diện trường Tuyên Quang. Quán bà Phượng chỉ bán buổi tối.
- Quán mì quảng: Số 92 Thủ Khoa Huân, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Đây là một quán bán vào buổi tối.
- Quán mì quảng: gần trường Phan Bội Châu, quán chỉ bán vào buổi sáng.
13. Đặc sản gỏi cá mai Phan Thiết
Gỏi cá mai là một trong những món ăn đặc sản được bày bán và phục vụ tại nhiều nhà hàng, đây là một món ăn ngon và rất đơn giản, vì vậy các bạn đừng bỏ lỡ khi có dịp đến Phan Thiết nhé. Cá mai vốn là một loài cá nhỏ gần giống cá cơm, thịt trong. Cá mai không có máu nên ít mùi tanh, vì vậy khi dùng làm gỏi thì món ăn này càng thêm lạ miệng và hấp dẫn.
Cá mai được làm sạch, bỏ đầu, bóp nhẹ vào lườn cho cá tách thành hai mảnh rồi rút xương. Muốn thịt cá thêm phần săn chắc thì người ta thả vào âu nước đá lạnh. Trước khi làm món gỏi hay bún cá, người ta ướp cá với một ly nước cốt chanh hoặc giấm rồi bóp nhẹ cho ráo nước, xóc đều cá với ít gia vị, bày ra đĩa, rắc thính giã nát kèm một ít hành lá sao cho đẹp mắt, khi ăn cũng thấy ngon miệng hơn.
Gỏi cá mai nơi này khác gỏi cá mai các vùng là ở nước chấm. Điều dễ nhận thấy chính là nước chấm có nước me chua và có chuối sứ chín, cùng đậu phộng rang giã nhuyễn khiến nước chấm có độ sánh đặc, vị chua ngọt rất thanh. Đó cũng là bí quyết làm nên sự tinh túy, đặc trưng riêng của món ăn. Nếu có dịp thử gỏi cá mai Phan Thiết, các bạn sẽ ăn đến no mà miệng vẫn muốn ăn tiếp.
Ăn gỏi cá mai ở đâu ngon?
- Các quán nhậu tại khu vực bờ kè thành phố Phan Thiết thường phục vụ gỏi cá mai, nhìn chung là chất lượng các quán không có sự khác biệt, gỏi ăn được mà giá cả rất phải chăng.
- Quán Việt Hải: Bùng binh đường 19/4, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán Cây Bàng ở Mũi Né.
- Quán Xuân Vàng: Đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán 49: Số 49 đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Nhà hàng Việt Nam Home: Số 125 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
14. Độc đáo món răng mực Phan Thiết
Những năm trở lại đây, Phan Thiết có thêm những món ăn không những đậm đà hương vị biển mà còn lạ miệng và hấp dẫn, đó là thực đơn chế biến từ… răng mực. Những chiếc răng mực nhỏ xíu hòa quyện cùng vị béo của bơ, hương thơm của tỏi và mè mang đến một vị ngon độc đáo.
Răng mực là cục tròn, nhỏ xíu trên phần đầu mực thường bị nhiều người nhầm tưởng là mắt mực hay miệng mực. Trước đây, khi chế biến mực, người ta thường bỏ đi vì cho rằng không ăn được nhưng ngày nay, nó dần trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn của Phan Thiết.
Từ răng mực Phan Thiết, người ta có thể chế biến được rất nhiều món ăn khác nhau như răng mực chiên nước mắm, răng mực chiên bơ, răng mực nướng, răng mực xào bơ tỏi… Răng mực lớn thì dành để luộc, loại vừa thì ướp rồi xiên vào que để nướng hoặc xào lăn, loại nhỏ nhất cho vào nồi bột đã đầy đủ gia vị cho món chiên. Răng mực luộc ăn kèm với rau răm, đồ chua, muối tiêu có thêm vài giọt chanh để chấm, cũng có thể chấm tương ớt, tương đen, tương xí muội và có cả sa tế cho những người thích ăn cay.
Hấp dẫn nhất là món chả răng mực, chủ quán sẽ lựa những chiếc răng mực nhỏ để chế biến món này, do đó khi ăn bạn không cần phải gỡ càng ra. Ngoài ra còn rất nhiều món ăn thú vị được chế biến từ răng mực đang chờ các bạn khám phá. Dù răng mực chỉ là một món ăn bình dân nhưng rất ngon và hấp dẫn. Các bạn có thể tìm thấy ở nhiều nơi khắp thành phố Phan Thiết.
Ăn răng mực Phan Thiết ở đâu ngon?
Các bạn có thể tham khảo một số quán bán răng mực ở thành phố Phan Thiết như:
- Quán răng mực nướng gần ga Phan Thiết (quán chỉ bán vào khoảng 15h chiều đến gần tối).
- Các quán răng mực nướng trên đường Nguyễn Tất Thành (hướng ra biển Đồi Dương), trong khu vực thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán 49: Số 49 Đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
15. Bánh tráng chấm mắm ruốc
Ai đã từng sinh ra và lớn lên Phan Thiết chắc hẳn sẽ không thể nào quên được món bánh tráng chấm mắm ruốc dân dã và đậm đà. Nếu các bạn ghé qua thành phố Phan Thiết thì đừng quên thưởng thức món ăn thú vị này nhé.
Bánh tráng chấm mắm ruốc được cả người lớn, con nít, học sinh, sinh viên ưa chuộng bởi hương vị đậm đà và cách ăn cũng đơn giản, không màu mè, cầu kỳ. Để mắm ruốc thơm ngon quan trọng nhất chính là bí quyết tạo nên vị đặc biệt và chất riêng của món ăn. Mắm ruốc được làm sẵn chỉ cần múc ra vắt thêm chanh, cho thêm ớt xay vào làm cho hương vị của mắm bớt vị mặn và hấp dẫn hơn.
Bánh tráng thường để cuốn chung với rau răm, dưa leo, xoài chua, trứng cút dầm nát, bánh tráng nướng bẻ vụn và cuốn tròn lại. Khi thưởng thức, các bạn từ từ cho cuốn vào bát mắm ruốc vừa làm và tận hưởng vị thơm đặc trưng của ruốc, vị giòn, bùi của bánh tráng nướng với độ dai của bánh tráng cuốn, hòa chung vị mát lành của rau, vị chua nhẹ của xoài.
Hiện nay, món ăn này được bán nhiều ở thành phố Phan Thiết, nhiều nhất ở vùng biển Đồi Dương, dọc theo đường Nguyễn Tất Thành. Món ăn này cũng có mặt ở các gánh hàng rong khắp Phan Thiết hay ở các chợ. Nếu các bạn muốn mua mắm mang về để tự chế biến theo khẩu vị thì có thể ghé qua chợ Phan Thiết hoặc ở các quầy bán đặc sản để mua. Lưu ý là nếu di chuyển bằng máy bay thì các bạn sẽ không được mang mắm ruốc lên.
16. Bánh tráng cuốn mắm ruốc
Phan Thiết không chỉ hấp dẫn bởi những bãi biển đẹp, những đồi cát trải dài trong nắng gió, những món hải sản tươi ngon mà còn bởi một món ăn bình dị mang tên bánh tráng cuốn mắm ruốc. Nếu có dịp ghé thăm Phan Thiết thì các bạn đừng quên thưởng thức món ăn hấp dẫn này nhé.
Bánh tráng cuốn mắm ruốc khác bánh tráng nướng chấm mắm ruốc truyền thống ở Phan Thiết ở chỗ dùng loại bánh mỏng hơn, thêm nhiều nguyên liệu hơn và cách chế biến cầu kỳ hơn. Về hình dáng, món bánh cũng tương tự bánh tráng cuốn ở Nam Bộ, nhưng phần bánh tráng cuốn bên ngoài được cuộn lại từng chút một khi nướng trên than hồng.
Thành phần tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn này chính là mắm ruốc, ngoài ra còn có trứng gà hoặc trứng cút luộc, nem chua, chả lụa, mỡ hành và tương ớt. Tùy từng hàng quán và bí quyết riêng của người chủ quán mà bánh tráng sẽ có những đồ ăn kèm khác nhau như nộm chua chay, bắp cải thái sợi, bơ…
Bí quyết làm nên một cuốn bánh đẹp mắt, dễ ăn nằm ở khâu nướng và cuộn bánh khi nướng. Bánh tráng không được quá dày hay mỏng để dễ cuộn khi nướng và không bị vỡ vụn lúc thưởng thức. Để cuộn được bánh khi nướng, người ta dùng hai chiếc đũa sắt dài. Một chiếc đặt phía trong tấm bánh đã trải trên vỉ nướng, một chiếc đặt ngoài. Lúc nướng cần canh lửa kỹ sao cho bánh tráng vừa chín tới thì cuộn lại, nếu cuộn quá sớm thì bánh tráng không giòn, còn cuộn muộn thì bánh thường bị vỡ. Bánh tráng vừa nướng xong, nóng hổi và thơm phức, phải ăn ngay mới ngon và thường ăn kèm với tương ớt.
Ăn bánh tráng cuốn mắm ruốc ở đâu ngon?
Ở Phan Thiết có rất nhiều quán bánh tráng cuốn mắm ruốc, mỗi quán có một hương vị riêng, tùy theo khẩu vị của từng người. Mình xin giới thiệu một số quán bánh tráng mình đã thưởng thức khi đi du lịch Phan Thiết cho các bạn cùng tìm hiểu nhé.
- Quán bánh tráng nướng mắm ruốc: Ngã tư Thủ Khoa Huân – Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán báng tráng nướng: Góc đường Trần Hưng Đạo và ngã ba Tam Biên, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
17. Ấm lòng bát bánh canh chả cá Phan Thiết
Bánh canh chả cá là một trong những món ăn bình dị và quen thuộc với người dân Phan Thiết. Bánh hấp dẫn không chỉ bởi những miếng chả cá được chiên vàng mà còn bởi những sợi bánh canh thơm ngọt mùi lúa. Nếu các bạn có dịp ghé qua Phan Thiết thì hãy lựa món ăn hấp dẫn này làm bữa sáng để khởi đầu ngày mới đầy năng lượng.
Bánh canh chả cá Phan Thiết là sự kết hợp tuyệt vời của nước lèo (nước dùng), bánh canh, chả cá (có thể là chả hấp hay cha chiên tùy khẩu vị) và nước chấm đậm đà hương vị đặc trưng vùng miền biển. Để có được bát chả cá thơm ngon đòi hỏi người đầu bếp phải khéo léo trong khâu nấu và chế biến nước dùng. Nước lèo không sử dụng xương hầm như các loại bánh canh khác mà được nấu bằng xương và thịt của các loại cá như: cá thu ảo, cá chai, cá bốp, cá cam… Người nấu còn có thể cho một ít nấm rơm vào để tăng thêm vị ngọt, đậm đà, dậy mùi hương vị hơn cho nước.
Thứ quan trọng nhất để làm nên món bánh canh phải kể đến đó là chả cá. Các bạn có thể chọn chả cá chiên hoặc chả cá hấp, cũng có thể chọn cả hai tùy theo sở thích, cá nhân mình thích chả cá hấp bởi vị cay tê đầu lưỡi rất thú vị của nó. Ngày nay, bánh canh chả cá Phan Thiết đã được các chủ quán biến tấu nhiều hơn để phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Ngoài chả cá, các bạn còn có thể ăn bánh canh chung với giò heo, trứng cút, cá biển… và thậm chí là bánh mỳ.
Ăn bánh canh chả cá ở đâu ngon?
- Bánh canh Xíu: Đường Kim Đồng – Hẻm giữa Nhà sách Trần Quốc Toản và Cửa Hàng BiTi (vào sâu 30 mét), thời gian phục vụ từ 14h đến 22h.
- Quán Bánh canh: Đường Hải Thượng Lãn Ông, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Thời gian phục vụ tầm 16h đến 19h.
- Quán bánh canh chả cá Bà Lý: Số 566 Trần Hưng Đạo, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Quán bán từ 16h cho tới tối.
18. Thơm giòn bánh rế Phan Thiết
Là món đặc sản phổ biến được rất nhiều người ưa chuộng ở Phan Thiết, bánh rế hấp dẫn bởi hương vị thơm ngon mang đặc trưng của một miền biển đầy nắng gió.
Sở dĩ có tên là bánh rế bởi vì chiếc bánh được quấn kết như chiếc rế tre thường dùng để lót nồi ở quê. Nhìn thì thấy bánh đơn giản, nhưng để chế biến thì người làm phải hết sức khéo léo mới tạo ra những mẻ bánh ngon. Nguyên liệu chính để làm bánh rế là khoai lang hoặc khoai mì và đường trắng cùng một chút vani cho dậy mùi thơm.
Khoai lang đem gọt bỏ vỏ rồi ngâm vào nước vài giờ cho bớt nhựa. Sau đó bào khoai thành từng sợi dài chừng ngón tay. Để bánh thơm thì người ta có thể dùng một ống vani trộn vào khoai. Ngoài ra người ta cũng cần chuẩn bị sẵn đường mật để chế biến bánh. Bắc chảo có lòng sâu lên bếp than, đổ dầu dừa vào đến khi dầu sôi thì bốc một nắm khoai đã cắt nhỏ đặt vào cái vá tròn rồi đặt vào chảo dầu. Song song với đó, người làm dùng đũa xới đều những cọng khoai lên.
Khoai khi chuyển màu vàng tức là bánh đã chín và trở nên kết dính vào nhau bởi tác dụng của dầu. Sau đó, lấy đũa vớt ra ngoài, chế thêm dầu vào chảo để chiên thêm những cái khác. Sau khi đã có những cái bánh vàng ươm, người ta dùng đũa gắp bánh cho vào nồi nước đường đã nấu sền sệt. Lưu ý, cần phải lật bánh qua lại sao cho thật đều tay để đường thấm vào từng sợi khoai, rồi mới vớt bánh ra để nguội. Để bánh hấp dẫn hơn thì người làm có thể cho vừng rang lên bề mặt khi vừa vớt bánh khỏi chảo đường.
Vào những ngày tiết trời mát, được nhai những chiếc bánh rế giòn tan trong miệng thì không còn gì thích thú bằng. Đây là loại bánh mà trẻ con rất thích, còn người lớn thì thỉnh thoảng vẫn mua về làm quà mỗi khi có dịp ghé qua vùng đất Phan Thiết đầy nắng và gió.
Mua bánh rế Phan Thiết ở đâu?
Các bạn có thể tìm mua bánh rế ở chợ Phan Thiết hoặc các tiệm bán đặc sản nằm dọc sông Cà Ty và ở Mũi Né.
19. Đặc sản lẩu thả Bình Thuận
Lẩu thả là một món khoái khẩu đặc trưng của vùng đất Bình Thuận. Lẩu thả được làm bởi các nguyên liệu hải sản rất phổ biến như cá đục, cá mai, cá suốt, nhưng ngon nhất vẫn là cá mai, một trong những loài cá đặc sản của vùng biển Phan Thiết, Bình Thuận.
Muốn có lẩu thả ngon, người ta phải chọn lựa những con cá tươi, lóc thịt phi lê rồi thái thành từng lát mỏng dính, trụng và rửa bằng nước chanh tươi cho khử mùi tanh. Sau đó, thịt cá vắt sạch trộn với ớt, tỏi đã giã nhuyễn cùng với nước gừng.
Lẩu thả được trình bày như một bông hoa. Mỗi cánh hoa là một nguyên liệu của món ăn được đựng trong bẹ chuối, gồm có thịt ba rọi luộc thái sợi, trứng chiên thái sợi chỉ, khế, dưa leo, rau xanh, đặc biệt không thể thiếu bánh đa bẻ nhỏ. Tất cả các nguyên liệu khi kết hợp với nhau không chỉ hài hòa về màu sắc mà cũng rất hoàn hảo về hương vị. Lẩu thả không đơn thuần chỉ là một món ăn mà nó còn thể hiện được sự tinh tế, tâm huyết và công sức của người đầu bếp.
Nước dùng của lẩu thả được chế biến đơn giản, không cầu kỳ. Chỉ cần cho một ít cà chua và thịt gà thái hạt lựu xào với dầu ăn, nêm gia vị, sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi. Khi ăn không thể thiếu chén nước chấm được pha từ hỗn hợp me chua, ớt, đậu phộng rang, chuối sứ chín (có nhiều nơi dùng tương hột), tỏi… được xay nhuyễn rồi pha với nước mắm nguyên chất và thêm chút đường. Tất cả tạo nên một thứ nước chấm sánh mịn, thơm ngon.
Thưởng thức ăn món này có thể theo 2 cách là khô và nước. Sau khi cho mỗi thứ một ít vào chén, nếu chỉ ăn với nước mắm sẽ là lẩu thả khô, còn cho thêm nước dùng nóng hổi, vắt thêm chút chanh và vài lát ớt sẽ là món lẩu thả nước. Vị dai và bùi của cá tái chanh, hương vị thơm béo của mắm đậu phộng hay nước dùng, cảm giác giòn tan của bánh tráng mè, vị ngọt của thịt luộc, trứng chiên hòa quyện với hương vị quê hương của rau thơm, ngò gai, quế, bắp chuối, dưa leo, xoài xanh… chắc chắn sẽ khiến các bạn nhớ mãi về vùng đất này.
Ăn lẩu thả ở đâu ngon?
- Nhà hàng Seahorse Bistro : Km 11 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Nhà hàng Việt Nam Home: Số 125 A Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Nhà hàng Nia: Số 130 Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
20. Mực một nắng Phan Thiết
Khác với các loại mực khô thông thường, mực một nắng chỉ phơi duy nhất một lần nắng. Việc phơi mực cũng là “kỹ thuật” làm sao để thân ngoài con mực ráo hẳn nhưng bên trong vẫn còn tươi là đạt yêu cầu. Mực một nắng có nhiều loại, nhưng ngon nhất là mực ống và mực lá. Mực lá làm mực một nắng thì ngon hơn, thịt dày và ngọt hơn.
Mực một nắng cần nướng kỹ trên bếp than, lửa nướng vừa phải để con mực khi chín sẽ chuyển sang màu vàng, mùi thơm hấp dẫn. Nếu để lửa to quá, mực chỉ cháy vàng bên ngoài, còn bên trong lại sống, ăn như vậy vừa không ngon lại vừa không đảm bảo vệ sinh. Khi ăn, người ta xé miếng mực nướng, chấm với tương ớt và thưởng thức dần hương vị của mực hòa cùng chút cay của tương ớt.
Tại Phan Thiết, các bạn có thể dễ dàng tìm mua mực một nắng tại các quầy hàng thực phẩm, đặc sản ở chợ Phan Thiết hoặc dọc tuyến đường từ trung tâm thành phố ra Mũi Né. Giá mực một nắng thay đổi theo mùa.
Mỗi vùng biển đều có loại mực một nắng nhưng mực một nắng tại Phan Thiết được cho là ngon nhất nên nơi đây thường được khách du lịch chọn mua về làm quà biếu người thân bạn bè.
Ăn mực Phan Thiết ở đâu ngon?
- Quán Xuân Vàng : Đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán 49 : Số 49 Đường Phạm Văn Đồng (Bờ kè sông Cà Ty), thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Quán Lâm Tòng : Đường Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
- Nhà hàng Việt Nam Home : Số 125A Nguyễn Đình Chiểu, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận.
Cách lựa chọn mua mực một nắng ngon:
Những con mực tươi vừa đánh bắt lên bờ mà được đem phơi khô luôn sẽ có màu hồng tươi, sau một thời gian thì trên bề mặt nó sẽ có lớp phấn trắng. Mực càng tươi thì lớp phấn trắng này càng dày; vì thế, các bạn hãy chọn những con mực với lớp phấn trắng và lớp thịt hồng. Ngoài ra cũng nên lưu ý râu mực phải dính liền với thân mực, con mực phải đầy đủ mắt và hạch cứng. Mực để lâu hay mực bị ươn rồi mới đem phơi khô thì lớp thịt sẽ có màu đỏ thẫm, da mực bị trày xước nhiều.
21. Ếch òn Bình Thuận
Khi những cơn mưa nặng hạt mùa hạ tháng 5 bắt đầu giăng khắp xóm làng, cũng chính là lúc người dân Bình Thuận bắt đầu thu hoạch ếch òn – loài động vật lưỡng cư sống trong đồi cát hay dưới chân núi, cùng họ hàng với ếch, cóc, nhái… Nếu các bạn tham quan Bình Thuận vào thời điểm này thì đừng ngại thưởng thức món đặc sản độc đáo này nhé.
Thịt ếch òn có vị ngọt, thơm, xương mềm, giàu chất đạm và bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món khác nhau như luộc, nướng, canh chua hay làm gỏi. Tùy vào cách chế biến để các món ăn từ thịt ếch òn có hương vị đặc trưng khác biệt.
Nổi bật trong số các món ăn được chế biến từ ếch òn Bình Thuận là món nướng với hương thơm đặc trưng. Chỉ cần ngồi bên cạnh bếp lửa than nghi ngút khói thơm cũng đủ khiến bạn xiêu lòng. Ếch òn bắt về đem rửa bằng nước ấm cho sạch lớp nhầy nhớt bên ngoài, rồi đem phơi qua một ngày nắng để thịt thêm dẻo và giòn khi nướng. Khi ăn, người ta thường ăn kèm với lá cà ri rừng nhằm gia tăng hương vị.
Đến vùng đất Lương Sơn, hầu như các hàng quán lớn trong vùng đều có phục vụ món đặc sản ếch òn khô chiên xù hoặc nướng than. Tuy không bằng các món tươi, nhưng ếch òn khô lại được tiếng là không béo, xương, thịt giòn tan. Nếu chấm với nước mắm me thêm vài lát ớt nhỏ thì không còn gì tuyệt vời bằng.
22. Dai mềm bánh quai vạc Bình Thuận
Bánh quai vạc Bình Thuận là một món ăn có từ lâu đời, giờ đây, nó trở thành món đặc sản nổi tiếng của địa phương. Đây là một loại bánh đơn giản, không cầu kỳ. Người ta thường sử dụng bột mì tinh để làm vỏ bánh. Bột được nhồi cho thật dẻo, cắt từng phần nhỏ rồi dùng chai thủy tinh cán mỏng tạo thành miếng vỏ bột trong veo. Ẩn chứa trong lớp vỏ dai mềm, thơm mùi gạo là phần nhân với tôm biển rất thơm ngon.
Để làm nhân, người ta chọn những con tôm biển tươi, rửa sạch và cắt bỏ đầu. Nếu tôm loại to thì cắt làm ba, làm tư; tôm nhỏ thì để nguyên con nhưng có lẽ tôm loại nhỏ ngon hơn; thịt ba chỉ rửa sạch, thái nhỏ. Tất cả trộn chung, cho thêm ít nước mắm, muối tiêu, đường, xào chín rồi nêm gia vị vừa miệng. Sau đó gắp nhân bỏ vào giữa miếng bột đã cán mỏng, xếp đôi lại từng chiếc bánh. Cho vào nồi nước sôi đun sẵn, khi thấy bột trong là bánh chín, vớt ra rổ để ráo. Láng qua một ít dầu ăn, để bánh không bị dính vào nhau, rồi rải hành lá cắt nhỏ lên bánh, tăng thêm màu vị. Những miếng bánh ửng hồng màu tôm, xanh màu mỡ hành trông rất ngon mắt.
Khi thưởng thức, người ta gắp bánh bày lên đĩa, kèm vài lát chanh, bát hành củ, tóp mỡ phi vàng. Khi ăn cho bánh vào bát, rắc hành, tóp mỡ với nước chấm, vắt thêm tí chanh. Nước chấm bánh quai vạc là nước mắm Phan Thiết pha chế với nước cốt chanh, tỏi, đường, ớt, nêm nếm cho hợp khẩu vị từng người. Tại Bình Thuận, bánh quai vạc không chỉ được bày bán tại các chợ, các con đường lớn nhỏ mà bạn còn dễ dàng thưởng thức ở các bãi biển như Mũi Né, Hòn Rơm…
Ăn bánh quai vạc Bình Thuận ở đâu ngon?
- Gánh hàng rong bán ở biển Đồi Dương, khu bán đồ ăn ở chợ Phan Thiết.
- Quán bánh canh, bánh quai vạc Xíu: Đường Kim Đồng – Hẻm giữa Nhà sách Trần Quốc Toản và Cửa Hàng BiTi (vào sâu 30 mét). Thời gian phục vụ từ 14h đến 22h.
- Ki ốt bánh quai vạc Ánh Minh tại chợ Phan Thiết, số 1 Nguyễn Du, thành phố Phan Thiết, Bình Thuận (có hộp giấy để thuận tiện mang về).
23. Bánh hỏi lòng heo Phú Long
Bánh hỏi lòng heo Phú Long là món đặc sản dân dã có thể dễ dàng tìm thấy ở các đường phố trung tâm Phan Thiết. Tuy nhiên, nếu muốn ăn bánh hỏi lòng heo đúng chất thì các bạn nên chịu khó đến xóm Lụa – Phú Long, nay là xã Hàm Nhơn, huyện Hàm Thuận Bắc, cách Phan Thiết khoảng 7km để thưởng thức hương vị gốc của món ăn dân dã này.
Nguyên liệu chính của món ăn gồm bánh hỏi, lòng heo, bánh tráng mỏng, rau sống và không thể thiếu nước chấm. Để có được mẻ bánh hỏi hấp dẫn, người làm bánh phải chọn gạo tốt ngâm với nước lã qua đêm, sau đó vo và xả đi xả lại vài lần rồi qua các công đoạn tỉ mỉ khác để làm ra từng sợi bánh trắng tinh, thơm ngon.
Riêng đối với lòng thì khâu lựa chọn nguyên liệu tươi ngon không phải dễ dàng. Đĩa lòng phải có đủ tim, gan, cật, phèo non và nhất định không thể thiếu thịt ba chỉ. Muốn lòng và thịt ngọt ngon, có độ giòn tự nhiên thì sau khi vớt khỏi nồi nước sôi phải lập tức thả ngay vào một thau nước đá được chuẩn bị sẵn, chính cái lạnh của đá sẽ làm cho bề mặt miếng thịt se lại, giữ nước ngọt của thịt và đặc biệt làm miếng thịt, miếng lòng vừa trắng vừa giòn.
Cái ngon đậm đà của bánh hỏi lòng heo còn phải kể đến chén nước chấm. Bánh hỏi mềm, cuốn với nước chấm cốt me thơm dịu khiến món ăn trở nên hấp dẫn hơn, dường như người ta ăn hoài không biết chán. Điều đặc biệt là nước chấm không có mắm mà chỉ tỏi ớt xay nhuyễn, pha với nước cốt me, đường và một chút muối tạo nên vị chua, ngọt hài hòa.
Khi ăn, người ta cuốn bánh tráng với bánh hỏi lòng heo, kẹp rau sống ở giữa, rồi chấm vào nước chấm. Người dân Phan Thiết thường dùng món ăn này trong các bữa tiệc hay đơn giản là dùng như một món điểm tâm sáng. Các bạn sẽ dễ dàng tìm được một quán bánh hỏi lòng heo Phú Long trên các con đường ở thành phố Phan Thiết, hoặc đến đúng địa danh xóm Lụa – Phú Long, nơi món bánh hỏi được xem là món ăn gia truyền.
Ăn bánh hỏi lòng heo ở đâu?
- Quán bánh hỏi – Huyền: Thị trấn Phú Long, xã Hàm Nhơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
- Quán bánh hỏi – Quỳnh: Thị trấn Phú Long, xã Hàm Nhơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →