Được ví von như Đà Lạt đất Bắc, miền núi Tam Đảo – Vĩnh Phúc đã nổi tiếng với nhiều đặc sản nức danh vì sự hòa quyện hài hòa giữa những món rau non xanh, món thịt thơm mềm, rượu cần cay ngọt tạo nên bữa ăn thật sự dân giã lại đậm đà chất riêng của địa phương. Chính vì thế mà Tam Đảo đã níu chân được rất rất nhiều khách du lịch đến thêm lần nữa.
Loca xin được điểm qua 10 đặc sản Tam Đảo – Vĩnh Phúc không thể bỏ qua cho bạn khi đến vùng đất mù sương này!
Phụ lục
1. Rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa
Rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa được một chủ cơ sở chế biến nông sản đã nghiên cứu sản xuất thành công độc đáo. Rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa theo phương pháp cổ truyền lên men được chế biến từ các nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, bảo quản trong trái dừa còn nguyên giúp loại bỏ hoàn toàn độc tố có hại cho sức khỏe.
Dừa để làm rượu phải chọn những quả dừa già ở xứ dừa Bến Tre, vì dừa ở đây có lớp cùi dừa nhiều, hàm lượng dầu nhiều và thơm, mỗi quả nặng từ 1,2 – 1,4kg. Sau đó sơ chế phần vỏ, quả dừa được tiêm vào hỗn hợp gồm nếp cái và men theo một tỷ lệ nhất định hàn kín lại rồi đem ủ cho đến khi có đủ hương cay nồng đặc trưng từ rượu và vị thơm ngọt từ nước dừa.
Khi thưởng thức rượu dừa Tiên tửu Ngọc Hoa ngọt nhẹ, đặc biệt không gây cảm giác háo nước, đau đầu, có mùi thơm mát đặc trưng của hương dừa.
Địa chỉ mua rượu dừa Tiên tửu
Công ty TNHH Nông sản Thương mại Ngọc Hoa
Địa chỉ: Yên Đồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 02113857168
2. Bánh cuốn Tam Đảo
Mùa hè ở thành phố nóng bức và ngột ngạt, gia đình Dolly thường lên Tam Đảo để tránh nóng và hít thở không khí trong lành. Nằm ở độ cao 1.400m so với mực nước biển nên buổi sáng ở Tam Đảo thật thoáng đãng và yên tĩnh, theo con đường trải bê tông Dolly ra chợ thị trấn. Chợ bán đủ thứ, nào đọt su su, các loại thuốc rễ cây, thịt rừng, cơm lam gà nướng…. sau một hồi lựa chọn, chúng tôi ghé vào hàng bánh cuốn trong chợ.
Mặc dù ở vùng cao nhưng bánh cuốn nơi đây ăn ngon không kém gì bánh cuốn ở Hà Nội, cách chế biến cũng tương tự, cũng gạo ngâm xay nhuyễn, bánh tráng mỏng, thêm chút nhân thịt băm và mộc nhĩ nhưng có khác chăng là ở nước chấm và đồ ăn kèm, nếu như ở Hà Nội Dolly thường ăn kèm với chả quế và thịt chả viên, thì ở đây bánh cuốn được ăn kèm với canh gà, trứng chiên, thịt lợn luộc… nhưng khoái nhất là ăn cùng thịt lợn đồi nướng. Đây là thứ lợn rừng được người dân chăn thả tự nhiên, thức ăn của chúng là rau củ rễ trong rừng, nên thịt săn chắc. Thịt lợn lửng nướng chín vàng thơm phức ăn kèm với đĩa bánh cuốn thật thú vị. Một món ăn bình dân nhưng lại thấm đượm hương vị núi rừng.
3. Ngọn Su su
Tam Đảo – Vĩnh Phúc có nhiều đặc sản, một trong những món được coi là tạo nên thương hiệu cho Tam Đảo là ngọn su su. Lần đầu tiên đến Tam Đảo, Dolly như choáng ngợp bởi màu xanh mướt của những giàn su su phủ kín khắp các đồi, mái nhà và cả những khuôn viên, những lối đi ven đường.
Đi dạo quanh thị trấn, đâu đâu Dolly cũng thấy các hàng rong bán ngọn su su, nghe nói mùa rau su su ở thị trấn Tam Đảo trái ngược với hầu hết mùa rau su su trên cả nước và mùa rau ở chân núi. Vào mùa hè, trời nắng nóng làm rau ở các vùng thấp lụi đi thì đó lại là mùa rau su su Tam Đảo phát triển. Vào mùa đông, thời tiết lạnh, rau ở thị trấn Tam Đảo “ngủ đông” thì rau ở chân núi lại mọc ra những chồi non mới. Bởi vậy, chỉ có vào mùa hè, chúng ta mới được thưởng thức rau su su chính hiệu. Nhưng có lẽ điều Dolly thích nhất là cây su su Tam Đảo “hưởng” nhiều sự ưu đãi của thời tiết nên không có hiện tượng mối mọt sâu bệnh phá hoại nên không cần đến bất kỳ loại thuốc độc hại nào. Một sản phẩm rau “siêu sạch”.
Nhờ những khác biệt về điều kiện khí hậu cũng như thời vụ đó, su su Tam Đảo mang đặc trưng rất riêng khó lẫn với vị của các vùng miền khác. Khi ăn, dễ dàng cảm nhận được vị ngọt mát tự nhiên, mềm nhưng lại giòn. Ngọn su su có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng: Giản dị như su su luộc chấm mắm chanh, muối vừng, chấm mắm tương… Ngon thơm hấp dẫn là ngọn su su xào tỏi.
Mua ngọn su su Tam Đảo ở đâu?
Mùa hè lên Tam Đảo tránh nóng các bạn có thể mua ngọn su su ở bất kỳ đâu hay thưởng thức món ngọn su su xào trong các quán ăn dọc thị trấn.
4. Lợn đồi nướng xiên
Thả bộ theo con đường quanh thị trấn Tam Đảo, không khó để tìm thấy các quán hàng thịt lợn đồi nướng xiên với những chảo than đỏ hồng rực lửa khói bốc lên nghi ngút mang theo hương thơm lừng nức mũi, khó ai có thể kìm lòng được.
Theo người dân ở đây, lợn đồi là loài lợn rừng, được người thiểu số ở đây săn bắt nhiều năm trước rồi họ quây chuồng thả nuôi trong rừng. Thức ăn của chúng là những rau củ rễ trong tự nhiên, hoàn toàn không ăn như lợn nhà.
Món lợn đồi nướng xiên cần chọn thịt chuẩn. Phải là những chỗ nạc ngon, thái mỏng từng miếng nhỏ, ướp gia vị đặc biệt của núi rừng sau đó nướng trên lửa than mới đạt. Các xiên thịt đỏ tươi trên vỉ được xếp trên bếp than hồng, hương khói bốc lên thơm ngát mũi.
Chỉ hơn mười phút chờ xiên thịt đã chín vàng, ăn cùng một chén nước chấm nấu bằng nước mắm, và các gia vị đi kèm. Lợn đồi nướng xiên thường ăn với bánh cuốn nóng. Những xiên thịt đã chín tuốt ra trong chén nước chấm. Khi ăn gắp từng miếng bánh cuốn chấm nước mắm gắp thêm miếng thịt nướng và cảm nhận hương vị đặc trưng của miền núi cứ như dần thấm thơm ngọt lạ lùng.
5. Dứa Tam Dương
Tam Dương là huyện có diện tích trồng dứa nhiều nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Dứa Tam Dương có rất nhiều loại như: dứa mật, dứa mỡ gà, dứa Hướng Đạo… mỗi loại đều có những đặc trưng riêng biệt như dứa mật nhiều nước và rất ngọt; dứa Hướng Đạo quả nhỏ nhưng ruột giòn ăn vừa chua vừa ngọt, loại này rất được ưa chuộng nhất là chị em phụ nữ.
Vào mùa dứa chín, bước vào vườn dứa các bạn sẽ bị choáng ngợp bởi một rừng dứa với màu xanh và vàng bắt mắt. Nhưng điều thú vị nhất có lẽ lại nằm ở cách thưởng thức dứa có một không hai. Ăn dứa Tam Dương tại vườn sẽ có hai cách ăn: cách ăn thường thấy là gọt hết cả mắt và thịt dứa bên ngoài, ăn ruột bên trong để cảm nhận vị đậm ngọt rất riêng của trái dứa mà không bị rát lưỡi; hoặc dùng lực đập cho ruột dứa nát ra lấy mật giống một kiểu dứa ép mà quả vẫn giữ nguyên, rồi khoét một lỗ nhỏ và hút mật.
Ngoài việc ăn luôn, dứa còn có thể chế biến thành nhiều món như xào, nấu canh chua hay làm mứt dứa… Để làm món mứt người ta không dùng dứa mật vì ít sơ, nấu dễ nát và quắt lại. Dứa mua về được gọt vỏ, sau đó thái vừa đủ cho vào luộc chín tới. Sau đó vớt dứa ra rồi dùng lực, đồ nặng ép cho đến khi hết nước chỉ còn lại xác dứa. Đổ đường vào chảo nấu với lượng 1kg xác dứa thì 600g đường. Nước trong xác dứa sẽ làm đường loãng ra. Tiếp tục đun đến khi đường và dứa đã quện vào nhau. Như vậy là đã có món mứt dứa thơm ngon.
Món mứt dứa có đặc điểm là giữ được trong thời gian dài mà vẫn nguyên màu sắc, hương vị. Miếng mứt dứa ăn có cảm giác dai dai, càng nhai càng ngọt, lại rôn rốt chua, rất ngon.
6. Thịt tái bò kiến đốt
Đến vùng núi Tam Đảo, có một món ăn có cái tên rất lạ tai, đó là thịt tái bò kiến đốt. Không chỉ lạ tai mà cách chế biến và các ăn cũng rất lạ.
Thịt bò vừa mới mổ xong người ta cắt miếng, đem vào rừng, sau đó chọn những ổ kiến thật to ở trên cây rồi để những miếng thịt vào cạnh tổ kiến, chọc cho lũ kiến bung ra bâu vào miếng thịt và cong đuôi đốt, thậm chí người ta có thể mang mỗi miếng thịt để vào một tổ kiến khác nhau để tạo nhiều hương vị riêng như: kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen lại có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt thì có vị thơm mùi cà cuống…
Sau một khoảng thời gian, người ta đem các miếng thịt này về dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi bắt đầu nướng. Khi miếng thịt chín tái thì gắp ra, thái thành từng miếng mỏng, bày ra đĩa theo từng loại, đặt thứ tự lên mâm để nhắm rượu. Món này thường ăn kèm với chuối xanh và rau ngổ chấm cùng với một loại tương làm từ đậu và ngô, thêm gừng băm và chút đường.
Khi ăn thì trải lá rau sống rồi gắp miếng thịt bò, một lát chuối và rau ngổ đặt lên sau đó cuốn chúng lại nhúng vào bát nước chấm và thưởng thức. Cũng không khác cách ăn bò cuốn lá cải là mấy, nhưng hương vị thì khác hẳn!
7. Nem chua Vĩnh Yên
Nem chua Vĩnh Yên là đặc sản không chỉ nổi tiếng khắp vùng Vĩnh Phúc mà còn lan cả sang các tỉnh lân cận, trong đó nem chua Bà Cai Cam làm là lừng danh nhất. Sau này người con rể được bà truyền nghề đã dọn ra phố chợ mới lấy thương hiệu là Phú Đức.
Cách làm nem chua Vĩnh Yên giống như các nơi khác nhưng do những bí truyền xưa để lại tạo cho nem ở đây có mùi vị đặc trưng rất riêng.
Thịt lợn mới mổ chọn miếng nạc đem giã nhuyễn trộn với bột thính (thính gạo, thính ngô hoặc thính đậu) theo tỷ lệ nhất định. Bì lợn đem luộc chín lạng mỏng thái miếng nhỏ, cắt ngắn chừng hai đốt ngón tay sau đó giã nhỏ trộn đều lên, có thể rắc thêm bột tiêu ớt, bột quế chi, hoa hồi… để tạo hương vị cho nem, rồi viên lại to bằng những quả sấu. Dùng lá ổi non để gói lại, bên ngoài bọc lá vông và lá chuối rồi buộc chắc chắn. Xâu trùm nem chua và treo nơi thoáng mát. Sau khoảng 1 đến 4 ngày nem có mùi thơm tức là nem đã chín.
Nem chua Vĩnh Yên được gọi là quả nem, ăn cùng với bánh đa đã nhúng nước canh cho mềm và thêm chút nguyên liệu như mùi tàu, chuối xanh, húng quế,… chấm với tương ớt.
Hiện nay nem chua Vĩnh Yên được cải tiến nhiều về mẫu mã, kích thước nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống quê hương khó quên.
8. Bánh trùng mật mía Vĩnh Tường
Lần đầu nhìn bát bánh trùng mật mía Vĩnh Tường làm tôi liên tưởng đến bát bánh trôi bánh chay trong những ngày tết Hàn thực. Nhưng thay vì những viên tròn nho nhỏ thì bánh trùng lại được nắm thành miếng to hơn và hình bầu dục nhọn hai đầu nhìn rất lạ mắt.
Bánh trùng là món ăn dân dã tuy nhiên hiện nay nó cũng rất ít người biết đến và không được bày bán như những bánh khác mà chủ yếu là người dân tự làm. Theo bạn tôi nói thì bánh trùng được làm từ gạo nếp ngâm một đêm rồi đem nghiền bột, để ráo nước, sau đó nắm bột thành nắm hình quả trám.
Mật mía làm bánh phải là mật của làng Tân An. Mật sánh đặc có màu đỏ đậm rất đẹp mắt. Hòa mật với một chút nước lọc, thêm chút nước gừng cho có mùi thơm hơn. Nước mật đem đun sôi rồi thả từng viên bánh vào. Giữ lửa nhỏ cho tới khi quan sát thấy nước mật sôi trở lại, bánh trong hơn thì múc bánh ra đĩa, rắc thêm chút vừng lên trên.
Cầm bát bánh trùng với những viên bột trắng ngập trong màu đỏ của đường, điểm xuyết vừng rang vàng thật ngon mắt. Xắn từng miếng bánh trùng dẻo thơm, nhai từ từ để cảm nhận độ dẻo, ngọt ngập chân răng. Bánh trùng là món có thể ăn no mà không ngán đấy.
9. Cá thính Lập Thạch
Vùng Lập Thạch (Vĩnh Phúc) được coi là một vùng bán sơn địa. Hàng năm luôn có một mùa nước ngập đồng chiêm đem đến sự phong phú về thủy sản cho địa phương, trong đó có cá.
Xuất phát từ mục đích muốn lưu giữ nguồn thực phẩm lâu dài nên người dân Lập Thạch đã nghĩ ra cách ướp cá với thính để giữ cá được lâu. Món cá thính Lập Thạch cũng ra đời từ đó. Cá thính (còn gọi là cá muối chua) là món ăn độc đáo mà nguyên liệu cũng rất dễ kiếm.
Cá để làm thính có rất nhiều loại như: cá mương, cá chép, cá nẹp, cá riếc, cá rô ta, rô phi, cá mè… nhưng ngon nhất phải chọn cá loại to nhiều thịt. Cá mang về rửa sạch, cắt khúc ướp muối rồi ngâm trong lọ khoảng 4 đến 8 ngày, sau đó đem cá ra ép cho hết nước muối.
Cá sau khi se lại thì đem đi ướp thính. Thính được ở đây làm từ ngô, gạo tẻ hoặc gạo nếp. Muốn cá thính thơm ngon hơn thì trong quá trình ướp thính cho thêm vài lá ổi vào. Sau một thời gian thì bỏ cá ra và cạo thính cũ, thay thính mới. Cá thính càng để lâu thì càng ngon, khi ăn có thể rán hoặc nướng rất hấp dẫn.
Trong những ngày trời se lạnh, nếu có dịp về Lập Thạch nhâm nhi chén rượu với đĩa cá thính nướng thì còn gì tuyệt vời bằng.
10. Đặc sản gà đồi – heo cắp nách
Dọc các con đường đến Tam Đảo – Vĩnh Phúc, bất cứ nhà hàng, khách sạn nào cũng có thể tìm ăn được một món đặc sản của Tam Đảo, đó là đặc sản gà đồi – heo cắp nách.
Gà đồi nơi đây thường được người dân chăn thả tự nhiên, tự tìm kiếm thức ăn trên các vạt đồi, vì thế thịt của chúng rất chắc và ngon. Gà đồi thường được chế biến thành nhiều món khác nhau như: rang muối, xáo (hầm) măng, nướng, hấp, luộc, rang hành mỡ… nhưng có một món ăn mà Dolly nghe tên đã thấy lạ đó là món gà đồi bọc đất nướng lửa củi, tuy thịt gà mất đi độ săn chắc nhưng bù lại mùi vị rất thơm và béo ngậy.
Song hành trong thực đơn ẩm thực vùng núi Tam Đảo cùng với gà đồi là những chú heo cắp nách, hay còn gọi là heo mán, heo lửng. Ăn thịt lợn “cắp nách” chẳng khác nào ăn thịt thú rừng mà không phạm pháp, bởi vì loài lợn này được người dân thả vào trong rừng từ khi mới đẻ và tự kiếm ăn để sống. Chúng ăn các loại rau củ quả tự nhiên, vì thế cân nặng chỉ khoảng chừng 6 – 8kg. Heo cắp nách có nhiều cách chế biến như: tiết canh, xào sả, hấp, nướng… dù chế biến theo phương pháp nào thì thịt của chúng cũng mềm, ngọt và thơm cả.
Có dịp về Tam Đảo, các bạn đừng bỏ qua món ăn hấp dẫn gà đối – heo cắp nách này nhé.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →