Chùa Hương là một địa danh nổi tiếng ở miền Bắc. Đây là một khu quần thể chùa chiền nằm rải rác từ chân núi Hương Tích cho đến tận đỉnh núi trong đó chùa Hương Tích là chùa trung tâm. Để tới được chùa Hương các bạn phải đi thuyền qua dòng suối nhỏ rồi mới tiếp tục đến các đền, chùa khác. Mọi người thường đi chùa Hương vào dịp lễ hội diễn ra từ tháng 1 cho đến tháng 3 âm lịch. Nhưng nếu đi vãn cảnh, các bạn có thể đi quanh năm.
Dưới đây là một số chia sẻ cho các bạn tham khảo khi đi tham quan chùa Hương. Chúc các bạn có những trải nghiệm thú vị.
Mục lục bài viết
Danh mục chia sẻ
- Thời điểm du lịch
- Giá vé tham quan chùa Hương
- Cách đi đến chùa Hương
- Điểm tham quan
- Những điều cần lưu ý khi vãn cảnh chùa Hương
- Tham khảo thêm
Thời điểm du lịch
Hội chùa Hương diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ mùng 6 tháng 1 đến tháng 3 âm lịch, đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Đây cũng là khoảng thời gian rất đông người, dịch vụ thì chặt chém. Vì thế, nếu chỉ với ý định tham quan, thưởng ngoạn phong cảnh nơi đây, các bạn nên tránh đi các tháng lễ hội này.
Vào tháng 9 , 10, 11 là thời điểm khá lý tưởng để ghé chân chùa Hương đây là mùa hoa súng nở trên dòng suối Yến, cùng những cánh đồng lau rất thích hợp cho các bạn vãn cảnh và chụp hình. Nếu chỉ vào vãn cảnh suối Yến thì bạn không phải mua vé (có thể thỏa thuận với chủ đò), còn nếu muốn vãn cảnh chùa thì vẫn phải mua vé như ngày thường.
Giá vé tham quan chùa Hương (Giá vé cập nhật thời điểm tháng 1/2015)
- Giá vé tham quan thắng cảnh chung là: 50.000VNĐ/khách
- Thuyền đò tuyến Hương Tích (tuyến chính): 40.000VNĐ/khách nếu đi thuyền chất lượng; 35.000VNĐ/khách nếu đi đò thường
- Thuyền đò tuyến, Tuyết Sơn, Long Vân: 30.000VNĐ/khách nếu đi thuyền chất lượng, 25.000VNĐ/khách nếu đi đò thường.
Giá vé cáp treo chùa Hương
- Giá vé cáp khứ hồi: 140.000VNĐ/vé người lớn; 90.000VNĐ/vé trẻ em
- Cáp 1 chiều: 90.000VNĐ/vé người lớn; 60.000VNĐ/vé trẻ em
Lịch chạy cáp treo
- Đối với ngày thường: Sáng từ: 9h30 – 12h30 và chiều từ: 14h00 – 15h30
- Đối với ngày lễ hội diễn ra (3 tháng đầu năm): 5h30 – 18h30
Lưu ý : Giá cáp treo áp dụng cho cả người Việt Nam và khách nước ngoài.
Trẻ em là người có chiều cao dưới 1,1 m.
Trẻ em trên 1.1m tính vé như người lớn.
Cách đi đến chùa Hương
Nếu đi bằng Xe máy
Từ Hà Nội, các bạn có thể đi theo đường Nguyễn Trãi hướng về Hà Đông, đến ngã ba Ba La thì rẽ trái theo hướng Vân Đình, đi tầm 40km, đến Tế Tiêu rẽ trái rồi hỏi đường đi chùa Hương.
Lưu ý: Trên đường đi có thể có rất nhiều cảnh sát giao thông, vì vậy các bạn phải đảm bảo mang đủ giấy tờ quan trọng gồm: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm giao thông đường bộ bắt buộc; và đặc biệt chú ý trang bị gương chiếu hậu đầy đủ và đội mũ bảo hiểm cài quai cẩn thận nhé.
Nên lái xe ở tốc độ vừa phải, chú ý quan sát đường đi để đảm bảo an toàn suốt chặng đường.
Nếu đi bằng Ô tô
Cũng tương tự như đi bằng xe máy nhưng các bạn có thêm một tuyến đường nữa là quốc lộ 1A (Pháp Vân Cầu Giẽ), đến nút giao Đồng Văn thì rẽ phải vào Quốc lộ 38 chỗ có cầu vượt, sau đó chạy thêm tầm 15km theo hướng chợ Dầu thì đến chùa Hương.
Các bạn cũng chú ý mang đầy đủ giấy tờ đề phòng trường hợp bị kiểm tra hành chính, nên lái xe ở tốc độ vừa phải, chú ý quan sát đường đi để đảm bảo an toàn suốt chặng đường.
Xe buýt
Nhiều bạn sinh viên hay chọn cách đi Chùa Hương bằng xe buýt bởi tính kinh tế. Điểm đón xe buýt đi Chùa Hương là ở bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông. Tuyến 75 “Bến xe Yên Nghĩa – Chùa Hương”, thời gian chuyến sớm Hà Nội – Chùa Hương lúc 06h00 và chuyến cuối chùa Hương – Hà Nội lúc 17h30. Giá vé là 25.000VNĐ/lượt (tại thời điểm cập nhật cuối năm 2014).
Điểm tham quan
Các tuyến tham quan
Chùa Hương là một quần thể kiến trúc rải rác trong thung lũng Suối Yến do đó có 4 tuyến hành hương là tuyến Hương Tích, tuyến Tuyết Sơn, tuyến Long Vân và Thanh Sơn.
Nếu để khám phá hết các đền chùa ở đây, các bạn phải mất tới 3 ngày. Còn nếu đi trong ngày các bạn nên thăm đền Trình, chùa Thiên Trù và động Hương Tích, đây là những ngôi chùa chính và linh thiêng nhất. Bạn có thể leo núi hoặc đi cáp treo sẽ giúp các bạn di chuyển nhanh chóng hơn.
Tuyến Hương Tích: Đền Trình – Chùa Thiên Trù – Động Tiên Sơn – Chùa Giải Oan – Đền Trần Song – Động Hương Tích – Chùa Hinh Bồng.
Dù đi bằng phương tiện gì thì bạn cũng sẽ phải tới bến Đục (bến đò Yến Vĩ) để bắt đầu hành trình. Suối Yến (hay còn gọi là Yến Vĩ) là con suối nhỏ, từ con suối này, những con thuyền nhỏ ngược xuôi tấp nập để đến các đền, chùa nằm trong khu du lịch Hương Sơn.
Đầu tiên, đò sẽ dừng ở khu đền Trình (Ngũ Nhạc Linh Từ) để các bạn vào làm lễ trình diện với các vị Sơn thần, các bạn chú ý không cúng đồ mặn trong chùa nhé. Sau khi hạ lễ, xuống đò tiếp tục theo dòng suối qua hang Bà, cầu Hội và đến bến Trò (chùa Thiên Trù)
Từ bến đò Yến Vĩ đến bến Trò khoảng 1h đi đò, trong khoảng thời gian này các bạn có thể tranh thủ ăn để lấy sức cũng như giảm tải khi leo núi. Thuyền dừng tại bến Trò, các bạn xuống đò và leo lên chùa Thiên Trù mất khoảng 40 phút đi bộ. Chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) còn có tên gọi là “Bếp Trời”. Trong kháng chiến chống Pháp chùa đã bị phá huỷ. Sau năm 1954 chùa được xây dựng lại, hiện nay chùa Thiên Trù quần thể kiến trúc nguy nga, độc đáo trở thành trung tâm của thắng cảnh Hương Sơn.
Chùa Hinh Bồng chếch sau chùa Thiên Trù, trên núi cao và cũng có một động nhỏ.
Động Đại Binh đi theo một nhánh rẽ, cách chùa Thiên Trù 700m, động này trước kia là căn cứ của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp.
Chùa Tiên Sơn từ chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) rẽ phải, theo một con đường nhỏ men sườn núi lối đi vào chùa Trong, khoảng hơn 1km là tới chùa Tiên Sơn. Trong chùa có năm pho tượng đá trắng, năm người trong gia đình bà chúa Ba, là Phật Bà, bố, mẹ, chị Cả, chị Hai. Ngoài ra chùa cũng có động gọi là động Núi Tiên, thờ Phật Bà Quan Thế Âm.
Chùa Giải Oan Vẫn trên đường vào chùa Trong, rẽ tay trái là chùa Giải Oan, được dựng ở lưng chừng núi Long Tuyền thờ phụng đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong chùa có giếng Thanh Trì trong suốt không bao giờ cạn. Tương truyền đây chính là nơi đức Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện tắm, tẩy sạch bụi trần trước khi đi vào cõi Phật. Từ đó giếng này được gọi là giếng Giải Oan.
Đền Trấn Song hay đền Cửa Võng, thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, là bà Chúa Rừng, một trong các bà Mẫu.
Động Hương Tích cách chùa Giải Oan khoảng 2,5km đường núi, đây là một động đẹp nổi tiếng và đã được chúa Trịnh Sâm (thế kỷ 17) tự tay đề năm chữ Hán lên cửa động: “Nam Thiên đệ nhất đông”(Ðộng đẹp nhất trời Nam), trọng tâm của khu du lịch quốc gia Hương Sơn.
Ðường lên động có nhiều chỗ quanh co, lúc lên dốc, lúc xuống dốc. Càng gần tới động thì dốc càng cao. Khoảng giữa cổng ra vào có một nhũ đá gọi là “đụn Gạo”. Đi sâu vào trong động có một lối lên Trời và một lối xuống Địa phủ. Trong động có pho tượng Phật bà Quan Âm làm bằng đá xanh tạc thời Tây Sơn và hàng vạn nhũ đá nhấp nhô với hình dáng kỳ lạ: Bầu Sữa Mẹ (mọi người thường hay hứng nước để thoa mặt để cầu bình an), đụn Tiền, núi Cậu (để cầu con trai), núi Cô (để cầu con gái), Cây Vàng, Cây Bạc (để cầu tiền bạc),…
Tuyến Tuyết Sơn: Chùa Bảo Đài – Động Chùa Cá – Động Tuyết Sơn.
Để đến Tuyết Sơn có hai cách:
- Cách thứ nhất từ bến Đục đi bộ ra bến đò Tuyết Sơn, rồi thuê đò đi tham quan. Đây là cách đi phổ biến nhất.
- Cách thứ hai là sau khi vào chùa Thiên Trù, theo con đường nhỏ men sườn núi, rẽ trái, đi về phía Nam khoảng 4km là tới khu Tuyết Sơn.
Ðây là một quần thể đẹp thứ hai sau động Hương Tích. Suối Tuyết tuy nhỏ nhưng nước trong xanh, uốn lượn quanh co sâu vào trong dãy núi. Ðiểm dừng đầu tiên trong tuyến này là vào thắp hương, trình lễ ở đền Trình Phú Yên. Sau đó vào Bảo Ðài cổ sái để lễ phật, nghe kinh. Chùa Bảo Ðài có phong cảnh phong quang u tịch. Trong chùa có toà Cửu Long có giá trị mỹ thuật cao.
Ði tiếp là đến động Ngọc Long. Ðộng Ngọc Long không rộng lắm nhưng có những nét đẹp độc đáo. Trong động, ánh sáng mờ ảo, nhũ đá, măng đá rủ xuống trông như những ổ rồng quấn quýt. Ðẹp nhất vẫn là pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm tạc liền vào vách đá với vẻ mặt rất từ bi, nhân hậu.
Tuyến Thanh Sơn: Chùa Thanh Sơn – Động Hương Đài.
Thuyền qua đền Trình đi một lúc là đến cầu Hội, từ đây các bạn đi qua cầu để vào tham quan chùa Thanh Sơn. Sau chùa có động Hương Đài.
Tuyến Long Vân: Chùa Long Vân – Động Long Vân – Hang Sũng Sàm.
Sau khi vào đặt lễ ở đền Trình, xuống đò đi tiếp, các bạn sẽ thấy dòng suối rẽ đôi, phía phải là đường vào Hương Tích, phía trái là đi vào động và chùa Long Vân.
Chùa nằm ở trên sườn núi, một nửa lấp sau núi Ân Sơn, một nửa lộ ra giữa rừng cây xanh biếc. Chùa được xây dựng vào năm 1920. Ðộng Long Vân cũng được khai tạo vào thời gian này.
Những điều cần lưu ý khi vãn cảnh chùa Hương
Trang phục lịch sự:
Trước khi đi chùa Hương, các bạn có thể chọn cho mình những trang phục lịch sự, gọn gàng tránh trường hợp ăn mặc phản cảm nơi cửa chùa thanh tịnh. Ngoài ra, các bạn nên đi giày thể thao hoặc giày vải để thuận tiện cho việc leo núi.
Không nên đi theo cò dẫn đò:
Một trong những điểm đặc biệt ở chùa Hương là để vào chùa chính (chùa Thiên Trù), các bạn sẽ phải ngồi đò vì thế trên đường đi chùa Hương (cách chùa khoảng 20 – 30km), các bạn sẽ bắt gặp rất nhiều cò dẫn đò đi xe máy, bám theo xe để mời chào. Để tránh bị chặt chém” các bạn nên từ chối và mua vé ở quầy bán vé của ban quản lý.
Thỏa thuận trước khi lên đò:
Để tránh bị tăng tiền, cũng như nhồi nhét thêm người lên đò, các bạn nên thỏa thuận rõ ràng số tiền bồi dưỡng cũng như số lượng khách tối đa ngồi đò. Không ít trường hợp, khách đi theo đoàn (chừng 5 – 7) người, sau khi lên đò vẫn bị dồn thêm khách của đoàn khác hoặc bắt chẹt đòi bồi dưỡng thêm. Nếu các bạn đi tầm1-2 người thì nên chủ động tìm đò đi ghép.
Chủ động nước uống, đồ ăn:
Ở chùa Hương từ bến đò đến đường lên động Hương Tích có rất nhiều quán ăn, nước giải khát nhưng đồ ăn ở đây không đảm bảo vệ sinh cũng như giá cả rất đắt đỏ do phải vận chuyển hàng hóa khó khăn, vì vậy để đảm bảo sức khỏe các bạn nên chuẩn bị đồ ăn, nước uống mang theo và nhớ vứt rác đúng nơi quy định.
Cẩn trọng với thuốc nam chữa bách bệnh:
Ở đây có rất nhiều hàng bán các loại củ, các loại thuốc nam chữa bách bệnh, nhưng các bạn cẩn thận không bị lừa đấy. Đa số các bài thuốc này không rõ nguồn gốc cũng như thành phần.
Mặc cả giá trước khi mua đồ:
Trước khi mua đồ, ăn uống, thuê chiếu nghỉ hay gửi đồ, các bạn cũng nên hỏi giá kỹ để tránh trường hợp bị “chặt chém”.
Cẩn thẩn với “đặc sản”:
Chùa Hương có khá nhiều đặc sản cho du khách mang về làm quà như: rau sắng, mơ rừng, bánh củ mài, chè lam… Nhưng không phải mặt hàng nào được bày bán cũng là hàng thật như:
- Chè củ mài hoặc bánh, kẹo củ mài: Khi mua bánh kẹo đóng hộp, nên mở hộp ra để kiểm tra, tránh “hộp rỗng kêu to”.
- Mơ Hương Sơn: giờ cũng chỉ còn rất ít, dân địa phương chủ yếu để lại làm quả biếu chứ không có bán đại trà.
- Rau sắng: đây là loại rau chỉ mọc tự nhiên ở trong núi, đặc sản của Chùa Hương, dân chưa trồng được và chỉ có một mùa trong năm. Nhưng đa phần rau bán trên đường lên hoặc xuống núi đều không phải rau sắng thật, chỉ là một loại rau giống như thế thôi.
Gọi vào đường dây nóng của Ban tổ chức lễ hội để được hỗ trợ khi gặp sự cố:
Khi gặp vấn đề về sức khỏe hoặc bị ép giá, trộm cắp… các bạn cần thông báo ngay tới số “đường dây nóng” của Ban tổ chức lễ hội (Số điện thoại: 043 384 9849) hoặc trạm công an gần nhất để được hỗ trợ. Ngoài ra, tại nhiều điểm trong khu quần thể di tích và thắng cảnh Hương Sơn, lực lượng chức năng còn bố trí các chốt công an để đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách thập phương về dự lễ hội.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!