13 đặc sản Tiền Giang – Cập nhật 2017

Đăng ngày 24/01/2024

Nếu có thời gian dạo quanh các con đường Mỹ Tho. Du khách sẽ thấy được nét dân dã, đáng mến của miền Tây sông nước hòa quyện cùng  những món ăn độc đáo. Nhờ đôi bàn tay khéo léo của người dân địa phương. Mà nơi đây đã có những món đặc sản nức tiếng: bánh bèo chờ Hàng Bông, chuối quét dừa, hủ tiếu Mỹ Tho,..

Cùng Loca điểm qua 13 đặc sản Tiền Giang không thể khiến du khách ngó lơ:

1. Mận Trung Lương

Mận Trung Lương không rõ được đem về từ đâu hay gốc xuất xứ tại Mỹ Tho. Nhưng người Mỹ Tho nếu chuộng vọng cổ thì đều ít nhiều biết đến loại đặc sản nổi tiếng này qua bài vọng cổ “Quả mận Trung Lương”.

man-trung-luong

Mận Trung Luong – Đặc sản Tiền Giang

Vào những năm 60-70 của thế kỷ XX, mận Trung Lương được trồng đại trà trên khắp vùng đất của phường 5 và các xã. Trong đó nhiều nhất ở miệt vườn Đạo Thạnh, Trung An ở khoảng ngã ba Trung Lương. Dọc theo dải đất từ ngã ba bến đò Nhà thiếc đến ngã ba Trung Lương.

Mận Trung Lương chỉ có hai loại hồng đào sọc và hồng đào đá. Loại mận hồng đào sọc thì trái tròn, hơi mô lên ở phần cuống, có những sọc trắng hồng chạy dài từ cuống đến đít quả mận. Còn loại hồng đào đá thì có màu da hồng, cứng. Cả hai loại mận này ăn đều giòn, ngọt, ít trái có vị chua.

Dù trái mận ăn không chua, nhưng khi ăn với nước mắm đường có lẫn vài lát ớt hiểm thì ngon vô cùng. Trái mận đem tách đôi, bỏ hột, cho đầy nước mắm đường vào trong rồi ăn.

Tuy nhiên, do mận Trung Lương có hiệu quả kinh tế thấp nên các vùng nội thị. Các khu vườn mận Trung Lương trong xã Đạo Thạnh năm nào cũng bị phá bỏ, thay vào đó là những vườn cây xoài, nhãn. Vì vậy, về Tiền Giang ngày nay không dễ dàng tìm được những trái mận Trung Lương một thời gắn với cái tên Mỹ Tho.

Bây giờ người ta tìm giống mận An Phước vùng Bến Tre để trồng, trái có vị ngon, ngọt, nhưng cũng khó sánh bằng mận Trung Lương thuở xưa.

2. Chả nướng chợ Gạo

Giống như các vùng đất khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Vùng chợ Gạo cũng sở hữu những món ăn ngon nổi tiếng, phổ biến hơn cả trong số đó là món chả nướng. Thường được người dân vùng này làm vào dịp giỗ chạp, lễ tết.

Chợ Gạo là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang với món chả được làm bằng thịt nạc vai heo. Thịt sau khi rửa sạch đem luộc chín tới rồi cắt thành các lát mỏng. Rồi xào với hành tím và tỏi cho dậy mùi thơm. Sau đó cho hỗn hợp thịt heo đã xào vào một cái bát lớn rồi cho trứng vịt đánh đều vào trộn chung với hành tím, tỏi.

Chả Nướng chợ Gạo – Đặc sản Tiền Giang

Để nướng chả người ta dùng đến nồi gang. Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu và dụng cụ nướng chả, người ta phết dầu ăn vào lòng nồi rồi dùng lá chuối lót kín đáy nồi. Phết thêm dầu lên trên mặt lá chuối. Nhờ lớp lá chuối khi nướng chín sẽ giúp dễ lấy chả ra khỏi khuôn. Đồng thời mùi của lá chuối quyện với mùi chả sẽ khiến món ăn trở nên thơm ngon, đặc biệt hơn.

Sau đó, đem cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi lắc đều cho các nguyên liệu trộn lẫn rồi cho lòng đỏ trứng vịt. Chả phải được nướng bằng than củi mới ngon. Chừng khoảng nửa giờ sẽ thấy chả khô ở bề mặt. Dùng đũa xăm vào chả thấy không dính vào thân đũa tức là chả đã chín. Lấy chả ra khỏi khuôn cắt từng miếng vừa miếng rồi cuộn với bánh tráng, rau thơm, xà lách, khi ăn chấm nước mắm pha chua ngọt.

Ở vùng Chợ Gạo này còn có một kiểu thưởng thức món chả nướng đặc biệt hơn. Người ta dùng bánh tráng cuốn rau sống và xà lách thành từng cuộn dài rồi cắt khúc cho vào cùng một dĩa.

Cách sắp xếp này không những tạo nên sự hấp dẫn. Bắt mắt cho món chả mà còn dễ dàng cho người ăn. Khi ăn chỉ cần gắp chả và rau đã được cuộn sẵn. Cho vào miệng là sẽ cảm nhận được vị chả thơm đậm, thịt ngọt dai cùng hương của các loại rau sống, càng nhai càng thấy ngon.

3. Cá lóc nướng trui Tiền Giang

Cá lóc nướng trui là một món ăn được không chỉ người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Mà nhiều người khác thường tìm đến thưởng thức. Đây là một đặc sản Tiền Giang – một khi bạn được ăn rồi chắc hẳn hương vị này sẽ vấn vương thực khách.

Có nhiều cách chế biến món ăn này, nhưng mỗi cách lại có hương vị riêng, độc đáo và thú vị. Cá lóc bắt về chọn ra vài con. Bẻ nhánh cây trâm bầu hay bình linh gì đó xỏ vào miệng cá tạo thành một cái xiên. Khi rơm rạ cháy hết lớp than tro, bỏ những xiên cá ra, bẻ một tàu lá chuối, lau sạch rồi gỡ cá ra.

Một cách khác là khi bắt được cá rồi, đập đầu cá cho chết. Lấy dây chuối xỏ vào mang cá, đem ngâm dưới nước khoảng vài tiếng đồng hồ. Khi cá hơi ươn là được. Móc đất sét nặn thành những miếng mỏng, hái ít rau ngò om. Loài rau vốn mọc trong vườn hay trên bờ ruộng – nhét vào họng cá. Trải lên trên miếng đất sét để con cá lên, gói tròn lại cuốn, cho rau om quấn quanh mình cá, vuốt cho đều.

Bỏ cá vào nướng đến khi bay mùi thơm là được. Cá nướng khi vừa chín tới thì bốc khói nghi ngút, thơm lừng, dầm ớt vào muối trắng.

Ở một số nơi thì người ta ăn cá lóc nướng trui với nước mắm me. Uống chén rượu đế, vài ba lá rau, gói cá vào trong, chấm miếng muối ớt… đảm bảo ngon miệng hơn bất cứ món gì, ăn mãi không quên!

4. Mắm còng xứ rẫy Gò Công

Ở Gò Công Tiền Giang, rẫy được biết đến là tên gọi chung của vùng miền đất thấp. Ven kênh rạch, hàng năm thường bị nhiễm mặn trong một thời gian khá dài. Ðiển hình như các xã dọc theo sông Trà như Ðồng Thạnh, Ðồng Sơn, Bình Phú. Hay Bình Ðông, Bình Xuân dọc theo sông Soài Rạp, Phú Ðông, Phú Tân kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Ðại của huyện Gò Công Ðông. Mỗi năm bà con tại vùng miệt nơi đây chỉ có thể canh tác được một vụ lúa mùa.

Tuy vậy, ở miệt rẫy này chính là quê hương của các loài còng: Vó, lửa, quìu hay nha… Có nhiều còng, chúng thường sinh sôi đông đúc trên các thửa ruộng quanh năm ngập nước. Trong các đám cỏ, lá dừa nước, hay dọc theo các triền kinh rạch hoặc ẩn trong những mô đất vào mùa khô bà con hay đắp lên giữa ruộng.

Còng từ các thửa ruộng đã gặt xong di chuyển vào sinh sống đen đặc dưới những gốc lúa. Những người thợ gặt thủ sẵn một cái thùng hoặc một cái bao nên cứ gặt hái đến đâu thì bắt còng bỏ vào đến đó. Còng có thể nuôi làm thức ăn cho vịt, vịt đẻ… nhưng đến xứ rẫy này thì không ai không biết đến món ăn dân dã có tên mắm còng.

Có hai loại mắm còng: một loại chế biến nguyên con như kiểu làm mắm tôm chua xứ Huế. Loại này được chế biến từ con còng lột. Mắm còng lột thường ăn với bún, thịt phay, rau sống, chuối chát hoặc gỏi đu đủ là hoàn toàn chinh phục thực khác.

Loại mắm còng thứ hai cũng chế biến từ còng nhưng các quy trình. Vật liệu thì khác và khi làm xong thì mắm còng đậm đặc như mắm ruốc. Khi ăn, thêm vào chanh, ớt, đường, gia vị… là bạn đã có được bát nước chấm tuyệt hảo ăn cùng thịt ba rọi luộc và bún.

Ðể làm mắm người ta bắt còng về rửa sạch, lột bỏ mai, yếm, ướp với muối. Cơm nguội theo tỷ lệ thích hợp sau đó đem quết, vắt nước cốt. Sau đó phơi nắng đến khi nước cốt ấy đóng keo lại như mắm ruốc là dùng được.

5. Còng gió Gò Công

Còng gió Gò Công là một loài giáp xác nhỏ, có kích thước gần bằng con ba khía, tuy nhiên chúng chạy rất nhanh nhờ những cái chân cao. Còng gió sống nhiều ở các vùng ven sông, bãi bồi và ngay dưới chân rừng ngập mặn.

Đến những bãi cát xung quanh cồn Ngang (thuộc xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông), khi thủy triều xuống sẽ có vô số còng gió chui ra khỏi hang ra phơi năng trên bãi cát; nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng động là chúng sẽ ngay lập tức chạy trốn vào hang hoặc các ngóc ngách.

Để bắt được con còng gió, người ta thường chạy đuổi từ phía trong bãi cát để dồn chúng chạy ra mé nước và chui xuống cát để trốn. Do đặc tính nước biển ở các bãi cát nơi đây vô cùng trong nên người ta chỉ cần canh những lỗ đen có cát ùn lên và thò tay xuống là sẽ bắt được còng gió ngay.

Còng gió sau khi bị bắt sẽ chết rất nhanh nên để vận chuyển đi xa được như ba khía là rất khó. Cho nên các quán ăn không thể chế biến dần chúng theo yêu cầu của các thực khách.

Còng gió có thể làm thành món rang muối, rang me, nấu chua với lá me non… chúng ăn đều ngon vì có vỏ mềm, thịt ngọt và chắc, vị hơi mặn và thơm hơn thịt cua biển, nhất là phần thịt ở phía hai càng. Đặc biệt, còng gió nếu đem đâm nhuyễn, vắt nước để nấu canh rau, nấu cháo hoặc nấu bún riêu thì sẽ thành một món ngon dân dã, đậm đà vị biển đất Gò Công.

6. Chuối quết dừa Tiền Giang

Là một món ăn dân dã nhưng lại là đặc sảnTiền Giang, chuối quết dừa Tiền Giang được chế biến từ chuối sứ qua các công đoạn chế biến không khó cho lắm.

Đầu tiên, người ta vắt nước mấy trái khế chia vào một chậu nước to, chuối đem gọt vỏ, xẻ dọc đôi bỏ vào nước ngâm cho trắng. Ngâm xong, đem rửa sạch mủ, vớt ra rửa lại nước nữa cho sạch. Tiếp đó, cho trái chuối vào nồi nấu đến khi nước sôi, mở nắp thấy ruột chuối ngả sang màu vàng và hương thơm bay ra là được. Hoặc bạn nên ăn thử một mẩu chuối nhỏ xem còn chát không là yên tâm.

Vớt những miếng chuối thơm ngát, vàng ươm ra để ráo nước; chỉ nhìn thôi cũng đã thấy hấp dẫn. Tiếp đó đem nạo thêm một trái dừa rám rồi cho chuối và dừa vào cối giã sơ qua sao cho chuối không bị nát là được.

Sau đó, pha nước mắm với chanh, tỏi ớt cùng nước dừa xiêm sao cho có vị chua mặn xen lẫn ngọt thanh là được. Rau sống các loại như đọt săng máu, đọt điều, càng cua, rau má, dấp cá, húng, ngò gai rửa sạch, để ráo.

Để món ăn chuối quết dừa thêm phần hấp dẫn, người ta có thể rắc lên mặt đĩa một ít đậu phộng rang vàng giã dập vừa phải. Cuối cùng, cho một ít rau các loại để lên miếng bánh tráng là đã được món chuối quết dừa chấm nước mắm chua ngọt.

Thưởng thức món ăn này khi ngồi trong một gian nhà lá bên bờ sông vắng lặng vào buổi trời gió mát thì mới cảm nhận được sự tuyệt vời, thanh tao của chuối quết dừa.

7. Hủ tiếu Mỹ Tho

Nếu như nói đến một hương vị đặc trưng ở miền Bắc thì có phở, đất Quảng Nam thì có mì Quảng, còn phố cổ Hội An thì có món quà quen thuộc mang tên cao lầu; còn nhắc đến vùng đất Tiền Giang thì có hủ riếu Mỹ Tho – một đặc sản của vùng đất này. Hủ tiếu được xem là một món ăn ngon miệng, có thể ăn thay cơm được và là một trong những món phổ biến ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước.

Giống như bún bò, phở hay các loại hủ tiếu khác, hủ tiếu Mỹ Tho có ba thành phần chính: sợi bánh bằng bột gạo, thịt và nước lèo. Hủ tiếu Mỹ Tho hấp dẫn ở chính những thành phần đó, không thể thiếu bất cứ một thành phần nào.

Trước kia, bánh hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu được làm từ gạo thơm Gò Cát, được trồng tại xã Mỹ Phong. Gạo Gò Cát cũng là nguyên liệu để làm bún, bánh tráng, bánh nghệ nổi tiếng nhất nhì trong vùng từ hơn nửa thế kỷ nay. Hủ tiếu ngon thường là loại bánh khô, khi nấu thì nhúng sơ qua nước sôi cho mềm và cho thêm ít mỡ hành phi sẽ giúp cho sợi bánh hơi dai, hương vị thơm béo, càng nhai càng thấy hứng thú thưởng thức hơn.

Tiếp đến là nước lèo (hay còn gọi là nước dùng); tất cả các loại hủ tiếu, phở và các món ăn có bún thì đều có nước lèo riêng biệt. Hủ tiếu ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc pha chế nước lèo, bởi một nồi nước lèo chứng tỏ tài nghệ của người đầu bếp.

Tuyệt kỹ pha chế nước lèo của những người đầu bếp trứ danh xa xưa đã định cho hủ tiếu Mỹ Tho một trong những vị trí đứng đầu cạnh các món quà trứ danh khác. Khi ăn, người ta sẽ không thể quên công lao mở đường khai sinh của những người xưa cùng lớp kế thừa đã giúp cho hủ tiếu đất Mỹ Tho có mặt ở khắp mọi nơi ngày nay.

8. Nấu mẳn Tiền Giang

Một trong những món ăn đặc trưng tiêu biểu cho nền văn hóa ẩm thực vùng đồng bằng sông Cửu Long chính là nấu mẳn. Món ăn này thể hiện rõ tính đơn sơ nhưng cũng vô cùng hào phóng của vùng đất mới. Không phải là kho, cũng không phải là canh, món này nằm giữa cả hai món đó.

Trong cuộc sống của những người lưu dân trong ngày mùa bận rộn thì món canh chua đôi khi lại trở thành quá cầu kỳ, phức tạp. Tuy nhiên, món nấu mẳn thì lại không khó khăn trong cách chế biến, từ các loại cá trắng không cần đánh vảy, chỉ cần rửa sạch là được. Gia vị tẩm ướp cũng đơn giản, gồm muối ớt, hành lá, chanh hoặc giấm… chỉ cần đáp ứng đủ các yêu cầu ngon, đủ dinh dưỡng cho cơ thể là được.

Nấu mẳn ngày nay đã khác xưa rất nhiều. Cá thác lác không để nguyên con mà đem bào thịt nhuyễn, vo viên; cá cơm cũng bằm, giã đem vo viên. Đĩa rau sống với cây chuối non và bắp chuối cắt ghém, giá đỗ sống và các loại rau thơm như húng lủi, húng cây, quế…

Ngoài ra, còn cần thêm một rổ rau dại gồm ngọn cóc kèn, ngổ đồng, kèo nèo…; một chén nước mắm trong đã dằm ớt. Khi mọi người chuẩn bị ăn thì người làm mới bắt đầu múc món ăn chính ra chiếc bát tô to và vắt vào đó mấy lát chanh tươi. Nước nấu mẳn đang trong veo sẽ chuyển sang mầu trắng sữa, vô cùng đẹp mặt; xen lẫn đó là màu xanh mát của những cọng hành lá; thưa thớt đó là vài lát ớt đỏ tươi. Khi đó, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm dậy lên nồng nàn, vị ngọt của thịt cá lẫn trong hơi muối đậm đà và hương chanh như làm dịu hẳn đi cái nóng oi bức của ngày hè.

9. Chè Sơn Qui

Dọc theo quốc lộ 50, từ Tp. HCM xuôi về đất Gò Công (Tiền Giang), đến đoạn Tân Trung – Lăng Hoàng Gia, bạn sẽ bắt gặp nhiều quán chè nằm sát hai bên đường. Đó chính là địa phận của món ăn đặc sản nổi danh lâu nay của vùng, mang tên chè Sơn Qui.

Sơn Qui là tên một địa danh do vua Tự Đức đặt, thay cho tên cũ là Gò Rùa (giồng đất cát có hình con rùa), cách nội ô thị xã Gò Công chừng 4 cây số. Trước đây, vùng đất này từng là lãnh địa của gia tộc Từ Dũ Thái hậu – vợ vua Thiệu Trị và cũng là mẹ vua Tự Đức. Đặc biệt hơn, nơi đây cũng có làng nghề đóng tủ thờ nổi danh và món mắm tôm chà (nay được gọi là mắm tôm Huế) ngon tuyệt mà Hoàng Thái hậu thường cho các thuyền buồm mang ra Huế cho vua ngự thiện.

Và từ đó đến nay, vùng nông thôn hẻo lánh của nơi này lại có món chè gia truyền gắn liền với địa danh Sơn Qui – từng là đại bản doanh của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

Chè Sơn Qui được làm rất công phu, để tạo hương vị riêng thì mỗi gia đình đều có cách thức chế biến khác nhau. Qua tìm hiểu và quan sát thực tế, thì chè Sơn Qui được pha chế bằng một số loại vật liệu cơ bản như đường cát trắng, đậu xanh. Đậu thạch trái to như đậu ngự dành cho vua ăn trước kia, nhưng lại được trồng trên vùng đất cát pha của vùng.

Ngoài ra còn có các thành tố quan trọng khác là đậu phộng rang bọc bột củ năn, trong như hột lựu…, để riêng từng thứ này. Khi dùng, cho từng loại vào với những tỉ lệ nhất định, xong rưới lên một ít nước cốt dừa. Thưởng thức nóng hay lạnh thì tùy theo sở thích của mỗi người. Khi ăn nhớ nhai chậm rãi, thỉnh thoảng có những “hạt lựu” và đậu khiến người ăn cảm thấy lạ miệng.

10. Mắm tôm chà Gò Công

Món mắm tôm đã có từ lâu, nhưng cụ thể vào thời gian năm tháng nào thì đến nay không có ai nắm rõ. Một điều chắc chắn là mắm tôm chà năm xưa đã trở thành món ăn được “tiến cung”. Nhằm phục vụ bà Từ Dũ. Nếu xét theo khoảng thời gian, mắm tôm chà phải xuất hiện ít nhất từ đầu thế kỷ 19. Khi bà được đưa về Huế hầu Hiến tổ (năm 1842) tức vua Thiệu Trị lúc chưa lên ngôi.

Để làm được một mẻ mắm tôm chà đòi hỏi phải rất công phu và tốn thời gian chuẩn bị. Nếu chọn loại tôm khác loại, hoặc cùng loại nhưng không tươi. Phơi không đủ nắng, đậy không kỹ, đồ chứa không sạch sẽ, nêm gia vị không đúng liều lượng. Chắc chắn mắm sẽ xỉn màu mắm ruốc, hương vị không thơm ngon chứ không được màu hồng nhạt đặc trưng vốn có.

Vì vậy, vùng Gò Công ngày nay tuy có đến hơn 20 lò mắm tôm chà nhưng cũng có tới 20 hương vị khác nhau.

11. Mứt dừa Tiền Giang

Mứt dừa được làm theo phương thức gia đình và có nguồn gốc xuất xứ từ Bến Tre. Có nhiều loại mứt dừa như mứt dừa mềm. Mứt dừa non hay cả mứt dừa ướp lá dứa tự nhiên, nhưng tựu chung khi thưởng thức người ăn đều cảm thấy sự mềm, béo ngậy của những mẻ mứt dừa thơm phức.

Mứt dừa được làm từ cơm dừa non theo phương thức thủ công và không chứa phẩm màu độc hại. Dừa làm mứt phải chọn những quả to, non vừa, không chọn quả quá khô vì khi làm mứt sẽ bị cứng và ăn không ngon.

Đầu tiên là lột bỏ vỏ sơ của quả dừa ra, đập gáo và tách riêng phần cơm dừa. Bỏ hết phần da vàng bao xung quanh cơm, chỉ để lại miếng dừa nguyên. Mang bào mỏng rồi đem ngâm cho đến khi nước trong lại là được. Sau đó trộn dừa với đường cho tới khi ngấm đều, bắc chảo lửa liu riu. Lúc đường bám li ti vào miếng dừa thì bỏ xuống, để nguội là dùng được. Khi nấu cần chú ý đảo đều tay để miếng dừa không bị cháy xém. Khi chín bị ngả màu không như mong muốn.

12. Nhãn Nhị Quý

Tiền Giang được biết đến là vương quốc trái cây của vùng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước. Dù bạn đến nơi đây vào bất cứ mùa nào cũng có thể được thưởng thức các loại trái cây ngon nổi tiếng. Một trong những vùng trái cây đặc sản là đất Nhị Quí thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nơi nổi tiếng với 4 loại nhãn mang những hương vị riêng, rất đặc sắc.

Ở Nhị Quý chỉ có một vài các ấp Quý Thành, Quý Chánh và Quý Lợi là tập trung trồng nhãn. Các ấp khác cũng trồng nhưng không đáng kể. Nói về chủng loại, nhãn ở đây có các loại chính như nhãn da bò, nhãn tiêu quế, nhãn xuồng cơm vàng, long nhãn. Riêng xã Nhị Quý nổi tiếng với các loại nhãn chất lượng thơm ngon, hơn hẳn các vùng miền khác. Quả nhãn to, hột nhỏ, cơm dày, vỏ mỏng. Đặc biệt, nhãn Nhị Quý còn có thể ra quả trái vụ nên có lợi thế cạnh tranh tốt.

Nhãn bắt đầu ra hoa vào khoảng tháng 4 – 5 dương lịch hàng năm. Mỗi ngọn cho ra một chùm hoa, mỗi chùm hoa lại phân nhiều nhánh nhỏ. Trên đầu mỗi nhánh thì cũng có hoa. Hoa nhãn có màu vàng nhạt.

Có lẽ vì điều này mà nhãn Nhị Quý đã sớm nổi tiếng bởi khi nhãn chín đượm thì màu vàng sẫm tươi. Nó có mùi thơm tỏa ngào ngạt. Khi bóc vỏ trái nhãn, bạn sẽ thấy cùi nhãn có màu trắng rất bắt mắt.

13. Vú sữa Lò Rèn

Tên gọi vú sữa Lò Rèn xuất phát từ việc người dân Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang ghi nhớ công ơn của ông thợ rèn, người đã có công trong việc nhân giống vú sữa ngon cho vùng đất này.

Vú sữa nơi đây quả tròn, trắng, vỏ mỏng, hột nhỏ nhưng ruột lại dày. Quả khi chín có màu phơn phớt vàng hồng, hương thơm thoảng qua nhưng lại mát dịu, ngọt thanh.
Vào những ngày trưa hè nắng nóng, người dân lại trèo lên những cây vú sữa để tìm hái trái chín. Đem xuống thì vừa vo tròn vừa bóp đều tay sao cho trái mềm dần. Rút bỏ cùi, ruột trái sẽ cho phần nước trắng đục như những dòng sữa mát lịm. Lõi ruột trắng trong mềm dịu, thịt mềm có hương vị đặc biệt.

Ngoài ra còn có một cách ăn cầu kỳ đó là gọt bỏ vỏ, thái nhỏ từ trên núm xuống. Thêm đường hoặc sữa, ca cao, đem cho vào tủ lạnh, ăn như ăn sữa chua. Hoặc trộn với đá bào để có một ly sinh tố đặc biệt mát lạnh.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *