Bến Tre là một tỉnh thuộc đồng bằng Sông Cửu Long, gần xa được biết đến với quê hương của Cách Mạng Đồng Khởi và cũng là mảnh đất của xứ Dừa. Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Mekong sở hữu nhiều kênh rạch, và những vườn dừa bạt ngàn. Tới những điểm du lịch Bến Tre bạn sẽ bất ngờ trước phong cảnh và cách sống của người dân nơi đây.
Một số điểm du lịch Bến Tre được Loca tổng hợp lại bao gồm:
Phụ lục
1. Chùa Tuyên Linh – Bến Tre
Khi kể về chùa Tuyên Linh, phần lớn người dân Minh Đức đều thể hiện niềm tự hào, bởi trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa là cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng, trước những năm Đồng Khởi trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của chế độ Mỹ – Diệm, Minh Đức vẫn là nơi có phong trào cách mạng phát triển. Những ngày khó khăn nhất của cách mạng, các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày, Tỉnh ủy Bến Tre đã từng đóng tại chùa Tuyên Linh.
Năm 1907, nhà sư Lê Khánh Hòa, pháp danh là Thích Như Trí, quê ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri về trụ trì tại chùa này. Là một cao tăng rất tinh thông Phật học, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã thuyết giảng giáo lý nhà Phật, đào tạo môn sinh, sáng lập ra Nam kỳ Phật học hội và Lưỡng Xuyên Phật học hội quy tụ nhiều cao tăng, cư sĩ Phật giáo ở Nam kỳ lúc bấy giờ.
Chùa Tuyên Linh là nơi mà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ, nhiều lần ghé lại tá túc. Thời gian cụ Phó bảng ở đây lâu nhất là từ năm 1927 đến 1929. Trong thời gian lưu trú tại chùa, cụ Phó bảng đã mở lớp dạy học, xem mạch bốc thuốc cho nhân dân trong vùng và cùng Hòa thượng Lê Khánh Hòa bàn việc dân, việc nước.
Vị trí
Chùa Tuyên Linh tọa lạc tại ấp Tân Quới Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre.
2. Nhà cổ Huỳnh Phủ – Bến Tre
Ai về thăm xứ Đại Điền, Thạnh Phú, Bến Tre sẽ không khỏi bỡ ngỡ khi đứng trước ngôi nhà cổ đẹp, bề thế của gia tộc họ Huỳnh. Dẫu trải qua hàng trăm năm với bao cuộc bể dâu, ngôi nhà vẫn còn mang trong nó nét đặc sắc của nhà cổ đồng bằng và cái lộng lẫy của gia chủ một thời sung túc.
Nhà cổ Huỳnh Phủ hay còn gọi là nhà cổ Hương Liêm là một kiến trúc nhà cổ đẹp thuộc dạng hiếm hoi hiện còn của tỉnh Bến Tre. Hương Liêm tên thật là Huỳnh Ngọc Khiêm (1843 – 1927) là tri huyện hàm, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre – một trong những người giàu vào bậc nhất, nổi tiếng ở vùng cù lao Minh và tỉnh Bến Tre lúc bấy giờ.
Nhà cổ Huỳnh Phủ hiện tại gồm ngôi nhà chính có diện tích trên 500m2 với một căn phụ bằng gạch nối liền ở góc phải. Nhìn từ bên ngoài và theo các hàng cột phía trước của ngôi nhà, ta thấy có chín gian, nhưng thực ra đây là ngôi nhà ba gian được mở rộng ra bốn phía, một kiểu nhà rất to ngày xưa và chỉ những người thật sự giàu mới có khả năng xây dựng.
Vị trí
Nhà cổ Huỳnh Phủ nằm tại xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre
3. Khám phá vẻ đẹp cồn Phụng Bến Tre
Trước đây cồn Phụng có tên là cồn Tân Vinh. Về sau, nó còn có một tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa. Nguyên do là vì ông Nguyễn Thành Nam (1909-1990) đã đến đây xây chùa Nam Quốc Phật và thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa vào đầu thế kỷ 20. Đây là một trong bốn cồn nằm trên đoạn sông Mỹ Tho được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: Long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là “long”, cồn Thới Sơn là “lân”, cồn Biện Quy là “quy”, và cồn Tân Vinh là “phụng”.
Cồn Phụng dành một phần diện tích để bảo tồn nguyên trạng những gì liên quan đến ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam: nhà bảo tàng tranh ảnh về ông, sân 9 con rồng, tháp Hòa bình… Phần lớn diện tích còn lại, cồn Phụng được bố cục theo kiểu nhà vườn Nam Bộ: Nhà ăn trên hồ và cầu tre (cầu khỉ) bắc qua “sông”.
Với những gì thiên nhiên đã ban tặng và do bàn tay con người tạo nên, cồn Phụng đã là một trong những điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước cùng nhau hội tụ về đây tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ ngơi… cùng hòa mình vào không gian sông nước miệt vườn đầy lý thú.
Vị trí
Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Mỹ Tho (một đoạn của sông Tiền) thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, Bến Tre, cách trung tâm thị xã Bến Tre 12km (đường bộ) và 25km (đường sông).
4. Lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre
Cách thành phố Bến Tre khoảng 36km, khu lăng mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu được nhân dân Bến Tre xây dựng để tưởng niệm người đã mở trường dạy học và khám chữa bệnh cho dân nghèo. Khu mộ được xây dựng từ đất của một học trò cũ do thầy chỉ dạy.
Trước cổng đền, phía trái có nhà tiếp đón các đoàn khách, các cá nhân từ mọi miền đất nước về viếng cụ. Từ cổng đền đến nhà bia có sân rộng lát đá chẻ viền cỏ xanh rất khoáng đạt, khu vực đền còn trồng nhiều cây kiểng quý, được uốn tỉa công phu. Cả khu vực thành một hệ thống liên hoàn hòa nhập với quang cảnh xanh tươi vốn có của vùng quê An Đức. Đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu (nghề dạy học, bốc thuốc và làm thơ ).
Vị trí
Lăng mộ cụ đồ Chiểu tọa lạc tại ấp 3, xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
5. Sân chim Vàm Hồ – Bến Tre
Sân chim Vàm Hồ là nơi trú ngụ của gần 500.000 con cò, vạc, và các loài chim thú hoang dại khác cùng với rừng chà là và thảm thực vật phong phú gồm các loại cây ổi, so đủa, đậu ván Vườn chim là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái.
Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ có khoảng 84 loài thuộc 35 họ và 12 bộ khác nhau; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám…; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo….; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn. Thời gian chim về cư trú sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch.
Vàm Hồ là vùng đất ngập mặn, nhiều loại cây hoang dã mọc thành rừng. Ở tầng cao có dừa nước (trước đây rất nhiều, nên nơi này còn gọi là Cù lao Lá), chà là, đước, mắm, là nơi lý tưởng cho chim ở. Ở tầng thấp có cây ô rô, cóc kèn, lau sậy… là thảm thực vật cho cò, vạc làm tổ sinh sản.
Vị trí
Sân Chim Vàm Hồ thuộc địa phận xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
6. Miệt vườn Cái Mơn – Đủ đầy hoa thơm trái ngọt Bến Tre
Từ lâu Bến Tre được biết đến không chỉ là xứ dừa mà còn nổi tiếng với những vườn cây quanh năm xanh mát. Tiêu biểu cho những làng vườn nơi đây phải kể đến miệt vườn Cái Mơn, một làng vườn thuần chất Nam Bộ bốn mùa đều tụ hội đủ cả hoa thơm và trái ngọt.
Đến đây, du khách sẽ bị cuốn hút trước những vườn chôm chôm chín đỏ, vườn dâu xanh ngắt, vườn măng cụt, bòn bon với những buồng trái trĩu quả từ gốc đến ngọn hay những liếp cam, quýt, bưởi, nhãn che khuất cả lối đi. Trái cây ở đây còn có cả xoài, chuối, cóc, ổi, mãng cầu xiêm, mít, vú sữa, hồng xiêm, lêkima, táo, đu đủ… Du khách có thể vào tận vườn tự tay hái và thưởng thức những trái chín thơm ngon, nghe chủ vườn giới thiệu và hướng dẫn cách chăm sóc từng loại cây để có được những mùa quả năng suất, chất lượng cung cấp cho thị trường cả nước.
Vị trí
Miệt vườn Cái Mơn thuộc xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →