Bên cạnh vẻ đẹp của những thác nước trong veo mùa hè, nương rẫy bạt ngàn mùa khô, khi đến với Tây Nguyên du khách sẽ thấy được cái nhìn hoàn toàn mới với nền văn hóa, con người và đặc biệt là ẩm thực nơi này. Tây Nguyên từ lâu đã nổi tiếng với những món ăn dân dã của núi rừng hòa quyện cùng dòng nước ngọt lành, tươi mát của những con suối trong veo.
18 món ăn đặc sản Tây Nguyên sau đây đã được Loca khái quát lại và đưa đến cho du khách một hình tượng chân thật nhất, tuyệt vời nhất với ẩm thực núi rừng nơi này.
Phụ lục
- 1. Bánh cuốn thịt nướng Buôn Ma Thuột
- 2. Nhộng sâu muồng Tây Nguyên
- 3. Phở khô Gia Lai
- 4. Bún đỏ Đắk Lắk
- 5. Bơ sáp Đắk Lắk
- 6. Cà phê Buôn Ma Thuột
- 7. Rượu cần Tây Nguyên
- 8. Heo rẫy nướng Tây Nguyên
- 9. Măng nướng xào vếch bò Đắk Lắk
- 10. Cá lăng sông Sêrêpốk
- 11. Rau rừng Gia Lai
- 12. Cơm lam Tây Nguyên
- 13. Canh thụt M’nông
- 14. Cà đắng Tây Nguyên
- 15. Gỏi lá Kon Tum
- 16. Lẩu lá rừng
- 17. Gà nướng bản Đôn
- 18. Thịt nai Đắk Lắk
1. Bánh cuốn thịt nướng Buôn Ma Thuột
Nói đến Tây Nguyên, thường thì hình ảnh thường trực trong đầu mình là những ngọn thác hùng vĩ cùng những buôn làng của rất nhiều đồng bào dân tộc nhiều màu sắc văn hóa, nhưng đến đây còn có một nét độc đáo khác mà chẳng bao giờ mình ngờ tới là thế giới ẩm thực ở đây quá cuốn hút, bánh cuốn thịt nướng nghe tưởng quen mà lại khiến người khác say lòng.
Bánh cuốn có vẻ nổi tiếng nhất là bánh cuốn Thanh Trì ngoài Hà Nội không thì bánh cuốn Huế đều đặc biệt nhưng nếu đến số 43 Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Mê Thuột để thưởng thức bánh cuốn kiểu Ban Mê có một không hai này thì quả thật là hấp dẫn không kém cạnh. Công cuộc gọi món cũng rất thú vị, bạn đi bao nhiêu người thì người bán hàng sẽ đem ra mỗi loại ngần ấy đĩa. Nếu ăn hết một đĩa mà muốn gọi thêm thì phải chờ đến lượt, rất thử thách sự kiên nhẫn nhất là lúc quán đông khách.
Bánh cuốn Buôn Mê Thuột được làm rất khéo, lát bánh mỏng trắng tinh nhưng dai giòn. Việc gói và xoay vần với miếng bánh mới thật sự thú vị. Đầu tiên là trải miếng bánh ra đĩa, sau đó gắp dưa leo, xoài, dưa chua, rau thơm và thịt nướng lên bên trên rồi gói lại, người nào khéo léo thì gói được miếng bánh tròn trịa đẹp mắt, không thì gói tạm lại để thưởng thức được. Khi ăn sẽ cảm nhận được vị cay, chua, thơm bùi nên rất vừa miêng mà lại không ngán.
Là một tín đồ của bánh cuốn, bánh ướt nên mình rất chăm chỉ tìm ăn món đặc sản này của các vùng. Bánh cuốn Buôn Ma Thuột làm mình có thêm một cách ăn bánh cuốn lạ nhưng rất thú vị. Ở thành phố này mình biết có quán ở Trần Nhật Duật đã kể trên với các bạn, đây cũng là địa chỉ nổi tiếng nhất nên quán rất đông khách, nếu đến vào tầm chiều tối thì ngồi chờ cũng hơi bị vất vả nhé. Chúc các bạn ngon miệng!
2. Nhộng sâu muồng Tây Nguyên
Khi cả vùng Tây Nguyên bắt đầu bước vào mùa mưa giăng cũng là lúc mùa sâu muồng về, bám đầy trên những lá cây xanh non trên các rẫy cà phê, rẫy tiêu hay cả trên những con đường dẫn vào các buôn làng, những con sâu to tròn xanh mướt còn nằm trong kén ấy vậy mà lại là thứ đặc sản hảo hạng của vùng đất đỏ!
Thực ra đây là loài gây hại cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân, có phun thuốc trừ sâu cũng không chết nên họ mới tìm cách “sống chung với lũ” biến nó thành món ăn của mình, nghe kể lúc mới ăn thì mùi vị hơi ghê với cả không biết có mang chất độc nào không nhưng sau ăn quen thì thành ghiền.
Những con sâu muồng có màu xanh đậm, mình trơn trông giống con nhộng tằm chứ không phủ một lớp lông như các loài sâu khác, nó di chuyển bằng cách cong mình lại rồi tung đầu về phía trước rất đáng yêu, đặc biệt là chúng không gây ngứa nên mới ăn được. Nhộng sâu muồng thường có vị ngọt bùi và béo ngậy.
Nhộng được người ta bắt về làm sạch, thường thì người nào muốn cảm giác mạnh và thần kinh cũng mạnh mới ăn theo cách này được, nghẹ họ nói thì như vậy mới thấy hết cái hương vị béo ngậy của nó, không thì đem chiên rồi xào mắm hoặc đem luộc ăn sẽ thấy béo núc. Ăn sâu muồng uống rượu cần là cái thú của người Tây Nguyên mà phải là khách quý đến nhà họ mới chiêu đãi.
3. Phở khô Gia Lai
Năm 2012, tôi được biết đến món phở khô qua thông tin về những món đặc sản Việt Nam đạt kỷ lục châu Á. Thế rồi cứ băn khoăn tự hỏi, đã là phở thì sao lại khô? Mà nhìn trong hình thì nó đâu giống phở, giống sợi hủ tiếu hơn chứ? Có cả nước lèo mà sao lại ăn riêng vậy? Thế rồi mọi thắc mắc cũng có lời giải đáp khi lần đầu tiên đến Gia Lai tôi đã phải “mò” đến phở Hồng ở thành phố Pleiku để mục sở thị món phở hai tô này.
Gọi là phở hai tô vì có một tô phở trộn cùng thịt băm, hành phi, ớt xay, cà rốt, tô còn lại là nước lèo như ăn phở ngoài Bắc có thịt bò, bò viên. Mới nhìn sợi phở khô thì tôi cá ai cũng nghĩ đây là sợi hủ tiếu của miền Nam nhưng nó khác ở chỗ sợi phở này được làm từ gạo nguyên chất nên khi trần lên sẽ không bị dính sợi vào nhau hoặc là bị vón cục, sợi phở săn lại, khi đảo đều lên sẽ không bị nát và ăn hơi dai. Bát nước súp phở thì trong veo có vị thanh ngọt vì được ninh từ xương lợn và bò, điểm bằng màu xanh của hành lá, vài lát thịt bò và bò viên.
Nói sao nhỉ? Mới chỉ dừng ở 2 tô đấy thôi thì chưa đủ để món này đặc biệt đến vậy vì còn một thứ xúc tác cực kỳ quan trọng nữa là tương đen – thứ tương được lên men bằng đậu nành và đường vàng, loại tương mà chỉ có người Gia Lai làm mới đúng là number 1. Khi ăn cho tương đen vào trộn thật đều với sợi phở, ăn sẽ thấy rất đậm đà. Ăn phở khô trước rồi húp một ngụm nước lèo thì khô đâu chẳng thấy mà chỉ thấy ngọt lịm và dễ ăn vô cùng, ăn kèm với ngò gai, húng quế, xà lách lại càng thêm hương thêm vị.
Địa chỉ tham khảo:
- Phở Hồng: Đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Hội Thương, thành phố Pleiku, bán cả ngày từ 7h00 AM – 10h00 PM. Quán này là quán gia truyền, rất nổi tiếng, ăn ngon.
- Phở khô Thảo: Số 209 Phan Đình Phùng, thành phố Pleiku, bán cả ngày từ 6h00 AM – 10h30 PM.
- Phở khô bé Tư 2: Số 5 Nguyễn Du, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, bán từ 8h00 AM – 10h00 PM
Quán ăn Thanh Hà: Số 249 Phạm Văn Đồng, thành phồ Pleiku, hình như là chỉ bán buổi sáng. - Phở khô gà Ngọc Sơn: Số 15 Nguyễn Thái Học, thành phố Pleiku
- Ở Buôn Ma Thuột có quán phở khô: Số 264 Nguyễn Công Trứ, phường Tự An
4. Bún đỏ Đắk Lắk
Đến Buôn Ma Thuột mà chưa một lần nếm thử bún đỏ Đắk Lắk – món ăn là niềm tự hào của riêng người dân ở đây thì coi như chưa đi hết thành phố này. Nghe vậy nên trước khi đến đây Hương đã phải note vội vào để về còn có cái để khoe.
Bún đỏ là tên gọi theo màu của sợi bún, sợi bún ở trên này giống sợi bánh canh của người miền Trung nhưng to hơn, chắc phải cỡ chiếc đũa, ăn dai giòn. Ban đầu chúng có màu trắng tinh nhưng cho vào nồi nước dùng được nầu từ gạch cua, xương heo và nhất là cho thêm hạt điều để “nhuộm” thì chuyển sang màu đỏ rất bắt mắt.
Món này Hương thấy khá giống với bún riêu cua nhưng gạch cua được làm từ thịt cua, thịt lợn và tóp mỡ xay nhuyễn, thêm rau cải, rau cần với ít giá và không thể thiếu mấy quả trứng cút luộc.
Bún đỏ ở đây bình dị, phổ biến nhưng lại không đi đâu ăn được vào buổi sáng vì người ta chỉ bán tầm 3, 4 giờ chiều đến tận đêm, người ta nói đùa rằng muốn ăn bún đỏ cũng phải canh giờ chứ bộ. Hương rất thiện cảm vì không những ngon, đẹp mắt mà còn rẻ, rất sinh viên, tầm 15 – 20 nghìn là đủ ấm bụng. Đi ngang bất kỳ một hàng bún đỏ nào, từ các con đường lớn như Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ, đến các con đường nhỏ hơn, trong hẻm, chợ, trên vỉa hè bên đôi quang gánh hay quanh một chiếc xe đẩy đều dễ thấy cảnh người ăn tấp nập.
Bún đỏ Đắk Lắk là món chỉ tìm thấy ở thành phố Buôn Ma Thuột hơn nữa tìm ăn cũng chẳng khó. Hầu hết những những chố bán thức ăn nhanh, bún, miến, cháo, phở là kiểu gì cũng có bún đỏ, nhưng Hương thích nhất là ăn ở các gánh hàng vỉa hè, vừa xì xụp vừa ngắm người. Bún đỏ ngon và nhiều hàng nhất thì phải đi đến đường Phan Đình Giót – Lê Duẩn hay vào các chợ như chợ Tân An, chợ EaTam là chuẩn nhất.
5. Bơ sáp Đắk Lắk
Bơ là loại quả Hương cực kì mê bởi vị ngon và những tác dụng tuyệt vời của nó với cơ thể như làm đẹp này, chống lão hóa và rất tốt cho hệ tim mạch. Tuy được trồng ở nhiều vùng trên cả nước nhưng nói đến bơ xịn thì phải nhắc đến Tây Nguyên nhất là bơ sáp Đắk Lắk đã trứ danh rồi.
Mùa bơ sáp Đắk Lắk chính vụ tập trung từ khoảng tháng 5 đến tháng 8, người ta bảo bơ ở đây ngon bởi được trồng hợp với vùng đất đỏ bazan, có lớp cùi dầy, vàng và nhiều tỷ lệ bơ sáp. Nhiều người mới ăn bơ lần đầu thì sẽ thấy hơi khó ăn nhưng nếu ăn quen sẽ thấy vị ngậy và mát rất ngon miệng. Đặc biệt là quả bơ có vị thanh nên ăn không dễ ngán. Nhất là món bơ làm sinh tố thì tuyệt vời.
Ngày trước vì điều kiện vận chuyển khó khăn nên bơ sáp Tây Nguyên phần lớn được chỉ được phục vụ trong khu vực thôi, bây giờ mọi thứ phát triển rồi thì quả bơ ở đây nổi tiếng khắp nơi nên hàng “fake” cũng nhiều lắm, đâu cũng nhận mác bơ sáp Đắk Lắk. Hương rút ra được một vài bí quyết chọn bơ ngon sau vô số lần mua phải những quả về chỉ để héo, không thể chín. Mặc dù không chắc là sẽ chọn được bơ trong Tây Nguyên chuẩn nhưng Hương vẫn chia sẻ lại để các bạn tham khảo:
- Phần vỏ quả: Quả bơ chín có phần vỏ căng bóng nhưng vẫn hơi sần sùi, cầm chắc tay, loại bơ có vỏ xanh điểm lấm tấm chấm vàng thì có tỷ lệ bơ sáp cao, thịt dẻo và béo.
- Hình dạng quả: Chọn quả dài thì hạt nhỏ nhưng nhiều sơ hơn, quả tròn thì hạt to nhưng ít sơ, Hương thích quả tròn hơn, các bạn đừng nên chọn quả quá to, tròn, căng bóng.
- Chọn bơ: Các bạn nên chọn quả nào mà khi cầm lên lắc nhẹ sẽ có cảm giác hạt đang lăn bên trong ấy, nên chọn quả có cuống còn tươi.
- Khi bơ chín: Nếu bơ già thì khi hái xuống 1, 2 ngày là chín vì nó không chín cây như các loại quả khác. Khi bơ chín thì nắn nhẹ thấy trái mềm đều là được.
- Cách làm bơ chín: Lưu ý là đừng để trong thùng gạo, túi nylon hay chỗ kín, nhiều người lầm tưởng thế mới nhanh chín nhưng không phải, các bạn để bơ trong rổ cho phần cuống lên trên, để chung với 1, 2 quả chuối chín thì càng nhanh chín hơn, đặt nơi thoáng mát. Nếu 1 quả chín thì những quả còn lại cũng chín rất nhanh. Ăn quả nào thì bổ quả đấy, không nên để bơ chín vào tủ lạnh bảo quả sẽ bị mất mùi và dinh dưỡng.
6. Cà phê Buôn Ma Thuột
Một trải nghiệm Hương nghĩ sẽ thật là thiếu sót nếu đến vùng đất Ban Mê mà các bạn bỏ qua là nhâm nhi những ngụm cà phê chất lượng nhất từ chính quê hương của nó. Điểm làm Hương thấy thích thú nhất khi vào các quán café ở đây là mình đến uống họ mới rang xay và pha chế, vậy nên những giây phút ngồi đợi cũng thích thú vô cùng.
Ở thành phố Buôn Ma Thuột muốn tìm quán café thì chẳng bao giờ sợ không thấy, hầu khắp các con đường các bạn cũng đều dễ dàng bắt gặp. Được một người bạn mách, Hương ghé vào làng café Trung Nguyên ở cuối đường Lê Thánh Tông, nơi được mệnh danh là thủ phủ café trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột, đủ các thể loại café để mình chọn lựa, từ cao cấp như café chồn đến các loại café tươi, café pha sẵn đều có.
Trong không gian đậm chất phố núi, Hương quan sát thấy cách người Buôn Ma Thuột thưởng thức café cũng rất đặc biệt, thứ café mà họ nghiện là café pha bằng phin, một ly không cần đầy nhưng chất lượng thì phải được đáp ứng, nhấp từng ngụm nhỏ để thấy đủ mùi thơm, cái đắng tự nhiên nồng nàn.
Ngoài ra, còn một nơi mà Hương cũng cảm thấy thích thú nữa đó là vườn sưu tập các loại café chè, café vối, mít, robusta, robica rất đa dạng. Khu vực này được người ta dày công sưu tầm, gìn giữ qua nhiều năm, có những cây gần trăm năm tuổi với những pho tượng mộc mạc, đậm chất Tây Nguyên được xếp khéo léo đan xen.
Uống café Tây Nguyên thì cảm xúc nhất vẫn là khi thành phố lên đèn, lúc này nhiệt độ hạ xuống, người ta hẹn nhau ngồi café như là một thói quen, bạn bè gặp mặt hàn huyên, các cặp tình nhân ngồi sẻ chia, tâm tình, hay có những người ngồi một mình bận rộn với những suy nghĩ của riêng mình. Với Hương, uống café ở Buôn Ma Thuột sẽ luôn là một kỷ niệm đáng nhớ!
Một vài địa điểm uống cafe mà Hương biết:
- Làng cafe Trung Nguyên: Số 222 Lê Thánh Tông, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
- Quán Xưa và Nay: Số 63A Y Ni KSok, phường Tân Lập , Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
- Quán cà phê Vị Đắng: Số 21 Mai Hắc Đế, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
- Cà phê Dã Quỳ: Số 173 Nguyễn Công Trứ, phường Tự An, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk.
7. Rượu cần Tây Nguyên
Hình ảnh mọi người quay quần bên bếp lửa hồng trong gian nhà sàn ấm cúng và nhất là chung nhau ché rượu cần là một trong những hình ảnh gợi nhớ về Tây Nguyên rõ nét nhất với Hương. Nhắc đến đặc sản Tây Nguyên thì rượu cần là một trong những nét đẹp đầy bản sắc.
Đồng bào Tây Nguyên nhà nào cũng biết làm rượu cần hết chỉ khác bí quyết và khẩu vị của từng nhà, và điểm đặc biệt đây là bí mật chỉ truyền từ mẹ sang con gái. Và một điều nữa Hương được biết là có nhiều loại rượu cần chứ không phải chỉ có 1 loại như vẫn nghĩ, ví dụ rượu thóc thì được làm từ lúa mới xay rửa sạch, ngâm rồi trộn với men, cho vào ché bịt lá chuối độ 5, 6 hôm là được, rượu cơm lại được làm từ gạo nếp nấy lên ủ men, chừng vài ba hôm là nở tràn ché rồi, còn nhiều loại nữa như rượu kê, bobo, ngô, sắn…
Trước đây thì men rượu được làm từ các loại rễ cây lấy trên rừng nhưng bây giờ thì hầu như người ta mua men được làm sẵn về. Trộn men với nguyên liệu để làm rượu theo tỷ lệ nhất định rồi đảo đều lên với trấu để sau này khi dùng ống cần hút rượu sẽ dễ dàng hơn xong rồi mới cho vào ché rồi đạy lại bằng lá chuối thật kín. Rượu cần chỉ cần ủ trong vài ngày là dùng được còn nếu ủ càng lâu thì rượu càng có độ nồng cao và đậm đà.
Rượu Cần được uống trực tiếp từ ché, cần uống được làm từ cây trúc hay tre nhỏ đã thông ruột. Khi uống sẽ cắm cần uống vào trước rồi sau đó mới đổ thêm nước vào. Thực ra uống rượu cần là cả một nghi thức chứ không đơn giản như trên phim ảnh mình vẫn thấy. Mở ché rượu ra phải đọc lời cầu khấn sức khỏe, may mắn, người ta phải mời 1 người đến chỉ định người uống rượu, không phải ai cũng được cắm cần và không phải cứ cắm cần là hút được rượu đâu, rồi thì uống rượu cũng phải có thứ tự nữa, từ già đến trẻ, từ nữ đến nam rất bài bản, ống cần được chuyền từ tay người này sang tay người khác chứ không được để dòng chảy bị đứt đoạn. Và có một điểm nữa là người Tây Nguyên rất kỵ làm vỡ ché rượu cần nên các bạn nhớ chú ý nhé.
Theo nhiều người nhận xét thì rượu cần ngon nhất ở Tây Nguyên là của người Ba Na nấu, sau đó mới đến Ê Đê và Xơ Đăng. Rượu cần có nồng độ nhẹ, rất thơm và có màu vàng như mật, ngoài vị cay nồng thì Hương còn thấy vị ngọt rất rõ ràng. Nếu đến vào dịp lễ hội hay sinh hoạt buôn làng thì các bạn mới thấy không khí ấm áp và vui vẻ bao quanh, mọi người quây quần bên những ché rượu rất lớn trong những tiếng cồng chiêng, những điệu múa, câu hát không dứt, rất thích!
Muốn mua rượu cần, các bạn có thể đến các cửa hàng ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lăk. Đợt Hương đến buôn Ako Drong chơi thì được uống chứ không có ý định mua nên không lưu ý địa chỉ lắm. Bạn nào biết thì share lại giúp Hương nhé!
8. Heo rẫy nướng Tây Nguyên
Lần mình vào trong Đắk Lắk đi ăn cưới, đấy cũng là lần đầu tiên mình được nhìn tận mắt hẳn một con heo nướng, nhưng loại heo này đặc biệt ở chỗ nó là loại heo rẫy được bà con nuôi theo kiểu chăn thả tự nhiên nên thịt chắc và ngon hơn hẳn những loại khác.
Mình được dượng kể một điều rất thú vị về loại heo này là khi chăn thả tự nhiên như vậy thì con heo sẽ rời buôn đi, điều đó đồng nghĩa với việc người chủ của nó sẽ biết chắc rằng hơn ba tháng nữa nó sẽ trở về cùng với đàn con lai heo rừng có bờm dựng đen trũi
Heo rừng thì da dày trong khi đó heo rẫy thì da mỏng hơn, ít mỡ, thịt chắc nhưng lại mềm ngọt nên giá của nó cũng đắt hơn nhiều các loại thịt heo bày bán ngoài chợ. Heo rẫy được chế biến thành 2 món hảo hạng là heo rẫy nướng cao nguyên tức là chặt nhỏ để xiên tre, còn món heo nướng muối ớt thì dùng dao xẻo ngay tại bàn, mình gọi đây là cách “ăn sung sướng”. Hai món chế biến khác nhau nhưng gia vị tẩm ướp như nhau đều gồm củ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt, heo nướng cao nguyên thì đậm đà gia vị còn heo nướng muối ớt thì ăn ngọt thịt hơn.
Vào đây mình còn biết thêm được lý do vì sao mà con heo để lâu vẫn giữ được màu óng ả, kích thích như thế, đó là bởi người ta dùng thêm so-da hòa với mạch nha cùng nước cốt chanh phết nhiều lớp lên da lợn rồi mới đem quay trên bếp. Nếu bạn nào muốn thì thử áp dụng cách này xem thế nào nhé.
9. Măng nướng xào vếch bò Đắk Lắk
Món măng có rất nhiều biến tấu như luộc, xào, măng chua, măng khô nhưng nếu đến xã Ea Sol, huyện Ea Hleo, tỉnh Đắk Lắk thì các bạn sẽ biết đến món măng thui, măng nướng có vẻ như chưa nghe bao giờ. Măng nướng xào vếch bò là món đặc sản của riêng người Ê đê ở đây.
Thực ra vếch chính là lòng phèo của bò, vị hơi đắng không phải ai cũng ăn được vì nó khá khó nuốt và nặng mùi. Nhưng người Ê đê mặc định rằng đã là người con của dân tộc này thì phải biết ăn vếch. Ở đây người ta thường ăn vếch xào măng nướng trong bữa sáng hoặc chiều. Các món làm từ măng thì thường được nấu nhiều vào mùa mưa, măng được chọn là loại măng le rừng mọc mới chứ không ra chợ mua vì chỉ có loại măng này mới ngọt thơm và dai, không nhão.
Để làm món măng nướng xào vếch bò, đầu tiên người ta đặt cây măng nướng trên lửa to để chúng cháy hết lớp áo măng bên ngoài, rồi cho lửa liu riu lại chờ cho măng chín rồi để nguội, bóc sạch áo măng, đem rửa rồi cắt nhỏ. Dùng vếch bò đã khô cứng, vắt lấy chất dịch màu xanh đen đặc quánh bên trong ra. Tiếp đó đặt chảo lên bếp, phi thơm củ nén (một dạng củ hành) và ớt chuột đã giã nát rồi cho măng vào xào nóng.
Vì măng đã nướng chín nên người ta chỉ xào qua cho nóng là cho vếch vào xào chung, liên tục đảo đều tay để vếch không bị dính vào đáy chảo.
Món măng nướng xào vếch bò có vị đặc trưng là đắng, cay, ngọt, bùi đủ cả: Vếch bò đăng đắng, măng nướng ăn ngọt thanh, bùi bùi và không thể thiếu vị cay xè đến rát lươi của ớt. Nếu có ghé qua vùng đất này thì các bạn cứ thưởng thức một lần cho biết đặc sản rất chất của người Ê đê ở đây nhé.
10. Cá lăng sông Sêrêpốk
Dạo này có nhiều bài báo đăng tin người dân bắt được cá lăng khủng ở sông Sê-rê-pốk của tỉnh Đắk Lắk nặng đến cả chục cân làm mình lại nhớ cái thời vào đây ăn cá lăng đủ món tuy là không to như vậy nhưng cũng chất lừ. Cá lăng là loài cá nước ngọt, da trơn, có nhiều ở sông Sêrêpốk. Người ta nói đây là một món quà của tự nhiên ban cho người Tây Nguyên.
Thịt cá lăng có vị ngọt, béo và thơm nên rất dễ ăn. Một trong những món từ cá lăng mà mình bồ kết nhất là cá nướng. Đầu tiên là làm sạch cá lăng, để ráo rồi bỏ da và xương, cắt thành từng miếng ướp với nước mắm, mì chính, mẻ, nước cốt riềng, nghệ tầm mười phút để cá ngấm gia vị. Sau mới phết dầu phộng lên từng miếng rồi đem nướng trên than hồng, khéo léo lật trở để cá không bị cháy. Khi miếng cá chảy mỡ chuyển sang màu nâu cánh gián và dậy mùi thơm là được. Món này ăn kèm bún hoặc cuốn bánh tráng với một số loại rau củ khác như khế, chuối xanh, rau thơm.
Ngoài món cá lăng nướng thì còn lẩu cá lăng nấu canh chua cũng phổ biến ở vùng này, mùa hè thì thấy nhiều vì có tác dụng giải nhiệt rất tốt. Nếu các bạn muốn làm thì có thể tham khảo cách mà mình được một chú làm cho nhà hàng Phương Dung mách. Với nguyên liệu nấu lẩu gồm cá lăng, măng chua, nghệ tươi giã nhỏ, cà chua chín băm nhuyễn. Đầu tiên là làm sạch cá lăng, cắt lát rồi trụng qua nước sôi, làm thế để thịt cá săn và chắc lại. Phi thơm dầu phộng với hành băm rồi cho nghệ tươi và cà chua vào xào lấy nước màu, cho tiếp cá lăng và măng chua vào, nêm gia vị bột nêm, mì chính, nước mắm, đun nhỏ lửa để cá ngấm. Sau cùng thì đổ nước hầm xương vào nồi lẩu, đun sôi rồi tắt bếp, cho thêm ít tiêu bột, mấy lát ớt tươi, ít rau thơm, hành lá, ngò rí vào để tăng hương vị. Người ta hay ăn món này kèm bún hay ăn với cơm như một món canh rất đưa cơm.
Ngoài hai món mình kể thì cá lăng còn được chế biến thành nhiều món lắm như chả, cá lăng om chuối, cá lăng hấp, cá lăng xào tỏi hay cá lăng nấu cháo đều có những hương vị rất riêng biệt. Một vài địa chỉ ở Buôn Ma Thuột có món cá lăng mình biết:
- Nhà hàng Dakme: Số 143 Ngô Quyền, phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột
- Nhà hàng Phương Dung: Xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột
- Lẩu cá Sáu Quang: Số 247 Y Jut, thành phố Buôn Ma Thuột.
11. Rau rừng Gia Lai
Rau rừng là món ăn thường trực trong bữa cơm của người Gia Lai. Trước đây loại rau này được coi là món chống đói của bộ đội Trường Sơn, đến bây giờ thì nó lại trở thành đặc sản đãi khách của đồng bào ở đây.
Bạn nào ở vùng rừng Trà My, Quảng Nam thì thấy loại rau này hơi giống rau lủi, là những đọt lá màu xanh, nhìn cứng nhưng lại tươi non, ăn giòn ngọt, ngươi ta còn gọi rau này bằng cái tên đáng yêu là rau tàu bay. Do vài năm gần đây món này mới rộ nên bây giờ ở Gia Lai loại rau này rất phổ biến, mùa nào cũng có nhưng người dân ở đây chỉ rau ngon nhất vào đầu mùa mưa sẽ có những đọt non.
Vị giòn là đặc trưng nhất của món rau này, nấu quá lửa tý cũng không lo bị nát. Rau rừng luộc, xào tỏi, xào thịt bò hay ăn sống với bánh tráng cuốn đều ngon, nhưng phải kể đến món rau luộc chấm với mắm cua là loại mắm được làm từ cua đồng giã nát ra rồi lọc xác vắt lấy nước đem phơi nắng, nếu không kiếm được thì chấm với nước mắm kho quẹt kiểu miền Nam cũng ngon.
Những người ở Gia Lai không chỉ rau rừng là món ăn thường xuyên mà nó còn có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể như tăng sức đề kháng, giảm mỡ máu, tốt cho mắt và những người bị huyết áp cao. Các siêu thị ở Pleiku bây giờ có bán loại rau này, đến các nhà hàng ở đây cũng có.
12. Cơm lam Tây Nguyên
Lần đầu tiên Hương được ăn cơm lam là ở trên Mai Châu – Hòa Bình nên cứ nghĩ món này chỉ có ở trên vùng Tây Bắc nhưng sau này đi nhiều rồi mới biết, đây là đặc sản của những vùng rừng núi, ở các tỉnh Tây Nguyên, cơm lam cũng là một món ăn cũng cực nổi tiếng.
Theo Hương quan sát thì ống lam ở vùng Tây Nguyên to và ngắn chứ không nhỏ dài như ở Mai Châu bởi vì vỏ cơm lam được làm bằng lồ ô còn gọi là nứa ngô, một loại cây cùng họ với tre, có ống rỗng bên trong hay được đồng bào đựng để chế biến món ăn hoặc dùng để chế tạo nhạc cụ dân tộc. Thực ra món ăn này xuất hiện là do trước đây những người đàn ông ở bên Lào đi rừng mang theo gạo và những vật dụng như là dao, đá đánh lửa tận dụng những ống nứa có sẵn trong rừng mới làm thành cơm lam.
Mới đầu nhìn thấy ống cơm lam, Hương trộm nghĩ món này đơn giản nè, mình về tự làm cũng được nhưng đúng là làm thì dễ nhưng mà để ăn ngon được thì… bởi thế nên đâu phải ngẫu nhiên mà nó là đặc sản chỉ có ở một số nơi. Làm món này khá là ti mỉ, nào là lồ ô phải chọn cây non, chặt lấy giống, phạt đi đầu mặt rồi cho gạo vào. Gạo phải là loại gạo thơm được ngâm qua nước cho mềm, trước khi cho vào ống thì rắc đều muối lên, nút lại bằng lá chuối xanh rồi đem nướng trên bếp than.
Khi cơm chín thì cái vỏ ống lồ ô bên ngoài đen sì, người ta dùng dao tước cái lớp đen ấy đi để phần ngoài còn lại lớp nứa mỏng để khi ăn dễ tước như kiểu tước vỏ mía ấy. Món này ở trên chỗ Mai Châu, Hương ăn là kèm muối vừng, nhưng ở Tây Nguyên sang chảnh hơn là cơm lam gà nướng hoặc cơm lam với heo xiên nướng ăn rất đã.
Địa chỉ ăn cơm lam:
Hương ăn ở chỗ nhà dài ở Buôn Đôn, đợt đó ăn với gà sa lửa của Buôn Đôn thích lắm. Buôn Đôn nằm ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Đây cũng là một điểm du lịch đông khách. Ở ngoại thành Buôn Ma Thuột có khu du lịch sinh thái Buôn Ko-Tam cũng thấy bảo có món này ăn ngon.
Ở Gia Lai cũng có vài quán nghe đồn là ngon nhưng Hương chưa ăn:
- Cơm lam – gà nướng Dăm Doa: Đường Trương Định, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku.
- Quán gà nướng Plei Kơtêng: Quán này nằm cách Biển Hồ chừng 3km còn cách trung tâm thành phố
- Pleiku tầm 12km thuộc làng Têng, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku.
- Quán cơm lam gà nướng Bazan: Hẻm 400 đường Lê Duẩn, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku.
13. Canh thụt M’nông
Còn nhớ hồi hè năm 2013, mình vào nhà bác ở Đắk Lắk để giúp bác mình làm hàng ăn. Lần đầu tiên nghe tên canh thụt thì cứ cười bò ra. Món ăn này của người dân tộc M’nông sinh sống ở khu vực này, đây là một trong số những món mình thích nhất khi vào đây bởi cách chế biến và nguyên liệu công phu không phải ai cũng làm được.
Nếu như nấu một nồi canh thụt đúng nghĩa là phải có đầy đủ lá bép (mình nhìn thì hơi giống lá chè xanh, người ở đây thì gọi là lá bột mì chính vì ăn ngọt, nấu canh cua ăn ngon), đọt mây, cà đắng, cá suối không thì thay bằng thịt cũng được và các gia vị kèm theo như mắm, muối, ớt, mì chính và đường
Nhà bác mình thì nấu canh này trong nồi cho tiện vì bán hàng mà, nhưng truyền thống và đặc sắc là phải được nấu trong ống lồ ô có lóng dài. ống này được gọt đẽo rất khéo để khi nấu sẽ không bị trào ra ngoài. Việc này nghe đơn giản nhưng lại đòi hỏi sự tinh ý vì cái ống này cũng phải có bí quyết chọn nhé, cây mà già quá thì nấu lên sẽ bị nứt, cây non thì canh lại không ngon. Các nguyên liệu đã sơ chế được cho vào ống lồ ô và dựng ống nghiêng trên bếp lửa. Lúc nấu thì phải quay tròn cái ống để được đều lửa và dùng 1 cái que dài hơn cả ống để thụt vào bên trong để các thành phần nhuyễn đều và làm hơi thoát ra ngoài, chắc bởi hành động này nên nó mới có tên vậy.
Canh thụt khi chín sẽ đặc lại và rất dẻo, đổ ra bát hay lá chuối đều được, ăn món nay có nhiều vị: Đắng, cay, bùi, béo, những vị này mình thường xuyên thấy ở các món ăn của đồng bào trong này. Có thể khi vào đây tìm món này chuẩn chỉnh là được nấu trong ống lồ ô sẽ hơi khó vì mình thấy hầu như bây giờ người ta hay nấu bằng nồi cho nhanh. Đến vùng Đắk Lắk, Đắk Nông hãy thử ăn một lần cho biết nhé!
14. Cà đắng Tây Nguyên
Cà đắng Tây Nguyên trước đây là một loại cà dại, mọc hoang khắp các vùng rừng núi, người dân đi rẫy tiện hái về sửa soạn bữa cơm, dần dà cho đến ngày nay món này lại trở thành món ăn phổ biến mà hiếm có người Tây Nguyên nào không biết.
Cây cà đắng bây giờ được bà con trồng nhiều ở vườn nhà như một loại cây lương thực ra trái quanh năm. Cà đắng lớn hơn cà pháo, vỏ ngoài có sọc xanh trắng, ruột nhiều hạt, đặc trưng nhất là vị đắng như tên gọi. Nhiều người mới ăn sẽ thấy hơi khó nuốt nhưng bà con trong này nói ăn cà đắng sẽ giúp cơ thể không bị các bệnh về xương khớp như thống phong, thấp khớp hay đau nhức xương.
Cà đắng có thể ăn sống hay chín đều được, người Tây Nguyên thì thường nấu canh cà đắng với các loại cá khô như đầu cá trích khô hay cá cơm khô, tôm như cách nấu cà thường thấy. Ngoài ra thì còn món cà muối ăn với cơm trắng, thường được bà con làm để mang đi rẫy, không thì nướng cà hoặc om với ếch, lươn, cá đồng hoặc nấu với các loại thịt rừng.
Các món ăn làm từ cà đắng có vị đặc trưng nhất là đắng rồi, ăn miếng đầu tiên sẽ không thấy ngon nhưng nếu ăn từ từ có thể các bạn sẽ nhận thấy ngay vị ngọt sau đó, thơm và bùi. Món ăn này rất dân dã và phổ biến với người dân ở Tây Nguyên nhưng có vẻ nổi tiếng nhất ở Buôn Ma Thuột và Kon Tum, có thể thấy trong thực đơn của các nhà hàng, nếu muốn ăn các bạn có thể gọi thử nhé.
Mình biết có nhà hàng YangSin ở đường Trần Nhật Duật, thành phố Buôn Ma Thuột có món này, còn những chỗ khác thì chưa ăn, có bạn nào biết thì chia sẻ lại với mình nhé.
15. Gỏi lá Kon Tum
Đến Tây Nguyên có một món ăn làm mình rất thích thú bởi sự đa dạng và công phu về nguyên liệu không dễ gì có được đó là món gỏi lá Kon Tum, một đặc sản theo mình là rất đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên, thậm chí món này đã từng lọt top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á.
Lúc đầu mới nghe đến nguyên liệu thì mình hình dung ra là món lẩu lá rừng cũng là một đặc sản rất nổi tiếng ở Tây Nguyên nhưng không phải. Gỏi lá được chọn từ hơn 40 loại lá khác nhau, có nhiều loại khá quen như: Lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng đến các loại lá khác tưởng không ăn được như là: Lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và cũng có những loại phải tìm kiếm từ rừng Tây Nguyên mới có được. Mỗi loại đều có những tác dụng nhất định với cơ thể.
Nguyên liệu cầu kỳ là thế nhưng thứ đặc biệt và kỳ công hơn cả là nước chấm. Nhìn qua mình cứ tưởng là cháo cho nghệ vào, nhưng người ta làm nước chấm này công phu lắm. Gạo được để lên men khi có mùi thơm thì ủ với tôm khô, thịt ba chỉ rồi đem xay. Sau đó phi hành mỡ thật thơm rồi đổ hỗn hợp vào, thêm mẻ, sa tế và các gia vị khác vào đảo đều tay, đun liu riu đến khi cảm giác được mùi thơm đến độ chứ không được nếm.
Thưởng thức món này cũng phải đúng kiểu, theo hẳn một quy trình đàng hoàng: Lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn rồi mới cho những loại lá khác tùy khẩu vị của mình cuốn thành hình cái phễu rồi gắp các món ăn kèm vào đó như thịt luộc, tôm rang, cá chép trộn cùng với bột gạo nếp rang, đặc biệt là không thể thiếu hạt tiêu, muối hạt và nước chấm vào. Mỗi loại lá lại tạo một mùi vị khác nhau nên tạo nên khẩu vị rất đa dạng
Đợt đó mình đi được ăn gỏi lá rất bài bản vì được uống kèm với rượu được ngâm từ rễ cây đinh lăng, ăn xong lại làm thêm một nồi cháo cá lóc để lót dạ nữa nên rất đúng chất. Người mắc các chứng bệnh về tim mạch, đường tiêu hóa… ăn vào còn có thể chữa bệnh.
Địa chỉ tham khảo:
- Gỏi lá Hùng Vương: Số 77 Hùng Vương, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, bán từ 10 giờ sáng đến 10 rưỡi tối. Quán này của con gái ông Nhơn (người ta gọi là Bác Cả) là người sáng chế ra món này.
- Ngoài ra ở Kon Tum còn 1 vài quán ở đường Trần Cao Vân, Ở Gia Lai có mấy quán trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng (TP.Pleiku).
Nếu các bạn muốn ăn gỏi lá thì đặt trước vì món này muốn ngon thì phải tìm đủ lá và đương nhiên là phải có thời gian chuẩn bị lá nữa mà. Hôm mình đến quán cô Oanh (số 77 Hùng Vương) vì không đặt trước nên phải đợi hôm sau mới được ăn.
16. Lẩu lá rừng
Lẩu lá rừng ngày trước là món ăn chống đói thời kháng chiến của người Ê Đê, đến bây giờ thì món này lại trở thành một đặc sản mà phải may mắn các bạn mới gặp nếu đến Tây Nguyên bởi muốn có đủ những loại lá rừng để làm nên một nồi lẩu đúng chất không phải là chuyện đơn giản, đây là món ăn những cũng là kinh nghiệm đã được đúc kết lâu đời của đồng bào ở đây.
Gọi là lẩu nhưng thực ra giống món canh hơn, có khoảng hơn 10 loại lá được dùng để chế biến. Muốn có lẩu ngon thì phải biết hái lá đã, trong rừng có nhiều cây cối như thế nên chỉ có những người sành về lá rừng mới đi hái được, những người không quen thì không ai dám đi cả bởi có loại ăn được, có loại không, nhỡ may hái trúng phải lá độc thì thế nào??
Các loại lá để làm loại này không những không có độc mà còn không được kỵ nhau, hơn nữa lại có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như là lộc vừng ăn chát nhưng điều vị tốt, lá đinh lăng có tác dụng hoạt huyết, dai sức, sâm đất thì mát, giải nhiệt rất tốt, lá kim căng thì giúp ăn ngon ngủ tốt, ngoài ra còn rất nhiều lá khác như hồng ngọc, diếp cá, rau sướng, mã đề, quế, húng, thuyền đất… cũng có nhiều tác dụng như giải độc, cân bằng cơ thể.
Nước lẩu được nấu từ xương và tôm khô, ngoài các loại lá còn có mắm thịt, tôm suối và thịt lợn ba chỉ. Ăn mỗi loại lá lại có những hương vị khác nhau, chua, cay, đắng, chát, hăng, bùi đều đủ cả.
Muốn ăn lẩu lá rừng thì lý tưởng nhất vẫn là có người quen trong vùng biết làm món này không thì có một số nhà hàng ở thành phố Pleiku của Gia Lai. Mình được biết một nhà hàng tên là “Nhà Hàng Lâm Viên” ở số 100 Phan Đình Phùng, phường Tây Sơn, thành phố Pleiku, Gia Lai, các bạn có thể tham khảo.
17. Gà nướng bản Đôn
Ở Tây Nguyên có một địa danh mà Hương cá là dù ai chưa đến cũng thấy nơi ấy thân thuộc đó chính là bản Đôn. Đến đây không những được thăm “chú voi con” mà đồ ăn trong này cũng rất đặc sắc, Hương chỉ các bạn món gà nướng bản Đôn, món ăn dân dã của người dân tộc Ê Đê nơi đây nhưng với khách du lịch như chúng mình thì lại là món gà không phải lúc nào cũng được ăn ngon như thế.
Gà ở bản Đôn đặc biệt ở chỗ đây là những con gà được nuôi rất công phu, được thả vườn chính hiệu luôn, ăn cỏ non, côn trùng và lúa rẫy, gà để nướng là loại mới lớn chỉ tầm 1kg một con. Cách chế biển của người bản Đôn cũng rất riêng biệt. Sau khi làm xong thì để gà nguyên con không thì dần cho con gà bẹp lại rồi ướp với muối ớt, đặc biệt là không thể thiếu nước sả (người ta giã sả lấy nước chứ không để cả cây sả) nước sả càng nhiều thì thịt khi nướng chín lại càng ngon và phết thêm mật ong rừng lên da gà.
Để nướng gà, người ta sẽ kẹp con gà vào thanh tre rồi quay đều trên lửa than. Hương được một chị ở nhà dài mách rằng dùng thanh tre bởi khi nướng nó sẽ tiết ra nước rất thơm quyện vào thịt gà và gà nướng ngon nhất là khi nướng trên bếp có tàn than thôi chứ không để lửa cháy to. Khi lớp mật ong trên da gà hơi khô lại thì phết tiếp một lớp nữa cứ vài phút lại xoay trở một lần đến khi gà chín chuyển sang màu vàng ươm, bóng nhẫy hấp dẫn lắm.
Gà nướng bản Đôn ăn đúng bài nhất là chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả nhưng nhất thiết phải giã muối hạt với ớt rừng xanh, loại ớt này mọc hoang ngoài vườn, ăn thơm và giòn, ở nhiều nơi người ta chấm với muối é nhưng Hương chưa được ăn. Ngồi trên bếp lửa bập bùng ăn gà nướng, thêm ché rượu cần với mấy ống cơm lam nữa là một kỷ niệm thật tuyệt vời!
18. Thịt nai Đắk Lắk
Lần vừa rồi ghé qua Đắk Lắk chuyển hàng cho bà chị, mình được ăn món thịt nai là đặc sản của núi rừng Tây Nguyên, thứ thịt mà bà chị mình bảo là thịt bò thậm chí cả bê non cũng không thể đọ nổi. Món này khá phổ biển ở các tỉnh trong này nhưng ngon và chuẩn nhất phải là thịt nai Đắk Lắk.
Thịt nai tươi không nhiều gân như thịt bò, thịt ăn cũng rất mềm. Các nhà hàng ở Buôn Ma Thuột thường có thực đơn từ thịt nai đủ 7 món như kiểu bò 7 món ấy: Nai nướng này, nai xào làn, nai nhúng, giấm nai lúc lác, sườn nai rán, cháo bao tử và nai khô. Nhưng mình thích hơn cả là nai nướng, nai nhúng giấm nhất là nai khô, đây cũng là những món tiêu biểu nhất được nhiều người yêu cầu. Mình cũng có tìm hiểu một chút.
Món nai nướng được làm như sau: Đầu tiên là thái mỏng thịt nai rồi ướp mỡ nước và gia vị, cắt mấy lát gừng nướng riêng để ăn nóng cùng lúc ăn nai rất hợp. Đặc biệt là nai nướng không cần nước chấm, cũng không cần muối tiêu luôn. Ưu điểm nhất của món này là miếng thịt khi nướng chín ăn rất ngọt, mềm cộng với gừng nóng kích thích là đủ kích thích.
Nai nhúng giấm thì đậm đà hơn chứ không béo ngậy như nai nướng. Nai nhúng cũng thái thật mỏng nhưng lại ướp với sả, nước mắm ngon, ngũ vị hương và tỏi. Khi ăn thì giống như ăn lẩu, nước dùng được pha thêm giấm đun sôi sùng sục, không biết người ta pha chế thế nào nhưng nước dùng món này ăn ngon lắm. Ăn kèm với thịt nai là các loại rau sa lát, cà chua, hành tây thái khoanh, chuối xanh thái lát.
Nai khô là món mình kết nhất, đây có thể coi là đầu bảng trong các món làm từ nai. Nai khô ăn ngọt lịm nhưng không béo ngậy như nai nướng có lẽ là do cách thức chế biến và gia vị tẩm ướp khác nhau. Người ta thái thịt nai ngang thớ, dài chừng 5cm ướp kỹ với xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương. Ướp trong vòng khoảng 1 tiếng rưỡi thì lấy từng miếng nướng trên than hoa, nướng xong rồi dùng sống dao dần cho miếng thịt mềm rồi cứ thế xé ăn, cực ngon.
Lên chỗ thành phố Buôn Ma Thuột các bạn sẽ gặp khá nhiều các biển nhà hàng nai, mình ăn ở một quán ở đường Nguyễn Đình Chiểu, khá ngon. Vì không có nhiều thời gian ở đây nên không kịp đến những chỗ khác để review cho các bạn, bạn nào biết thêm quán nào ăn được thì comment giới thiệu cho các bạn khác cùng biết nhé!
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →