Là một trong những thành phố sạch đẹp nhất Việt Nam có tốc độ phát triển kinh tế đến chóng mặt, Đà Nẵng luôn là điểm thu hút hàng đầu đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Tại đây có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và khu vui chơi giải trí lại có dịch vụ an ninh rất tốt nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm du lịch tại đây. Những điểm du lịch Đà Nẵng không thể bỏ qua gồm:
Mục lục bài viết
1. Cầu Rồng – Cảm hứng đặc biệt đất Đà thành
Cầu Rồng là cây cầu thứ 7 và cũng là cây cầu mới nhất bắc qua sông Hàn được thiết kế theo dáng rồng đang bay lên, đây là sự tượng trưng cho bước chuyển mình cũng như khát vọng vươn cao, khẳng định vị thế của Đà Nẵng.
Theo số liệu chính xác Hương tham khảo thì cầu Rồng dài 666m và rộng 37,5m với 6 làn xe chạy rất hiện đại. Cây cầu này bắc qua sông Hàn rút ngắn khoảng cách từ sân bay Đà Nẵng tới các đường chính trong thành phố. Hơn nữa, cầu Rồng còn được xây dựng ở cạnh bãi biển Mỹ Khê, là một trong những vị trí được cho là tuyệt đẹp của Đà Nẵng, cách cầu sông Hàn cũng nên thích hợp để buổi tối làm một tour xe máy phượt các cầu, không thì đứng trên đây ngắm nhìn toàn cảnh sông Hàn và các cầu khác như cầu quay sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý rất thích mắt.
Cầu Rồng là công trình dựa theo hình tượng rồng thời nhà Lý, nếu để ý sẽ thấy mắt rồng được thiết kế hình trái tim gắn với hệ thống đèn chiếu. Vào 9 giờ tối thứ Bảy, Chủ Nhật hay các ngày lễ, các bạn sẽ được xem phần đầu rồng phun lửa, phun nước; phần đuôi Rồng thì được thiết kế theo hình hoa sen cách điệu.
Vị trí: Cầu Rồng nằm trong trung tâm thành phố Đà Nẵng, thuộc địa phận quận Hải Châu.
2. Bảo tàng điêu khắc Chăm
Bảo tàng điêu khắc Chăm của Đà Nẵng được người Pháp xây dựng năm trong 4 năm từ 1915, là bảo tàng trưng bày hiện vật Chăm lớn nhất Việt Nam, lưu giữ những cổ vật nghệ thuật điêu khắc mô tả cảnh sinh hoạt, múa hát, chiến tranh, các họa tiết trang trí, tượng linh vật, bia kí, đài thờ của vương quốc Chăm Pa được tìm thấy ở Đà Nẵng, Quảng Nam, khu duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Những hiện vật của nền văn minh Chăm Pa ở đây còn khá nguyên vẹn.
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng sở hữu gần 2.000 hiện vật lớn nhỏ, trong đó có gần 500 hiện vật đang trưng bày bên trong nhà bảo tàng, số còn lại rải rác trong khuôn viên và đang cất giữ. Kiến trúc bảo tàng chịu nhiều ảnh hưởng của Pháp, các bạn có thể dễ dàng nhận ra kiến trúc Gothic quen thuộc ngay khi bước vào khuôn viên.
Vị trí: Bảo tàng điêu khắc Chăm tọa lạc tại ngã ba giao lộ Trưng Nữ Vương, Bạch Đằng và 2/9, đối diện với Trung tâm truyền hình Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.
3. Làng chiếu Cẩm Nê
Đến Đà Nẵng, ngoài việc tắm biển, vui chơi các bạn cũng có thể đến thăm một số làng nghề truyền thống khác để hiểu thêm về những nét văn hóa của mảnh đất Đà Nẵng. Làng chiếu Cẩm Nê là một trong số làng nghề nổi bật nhất bởi sản phẩm chiếu cói này rất gần gũi, hơn nữa lại nhiều màu sắc rất bắt mắt.
Làng Cẩm Nê nằm giữa một vùng đồng bằng do phù sa sông Cẩm Lệ bồi tạo nên. Chẳng những người quanh vùng mà cả người ở xa tận Huế, Đông Hà ngoài Quảng Trị cũng biết cái tên của làng quê nhỏ bé này. Mặc dù bây giờ vào làng không còn thấy cái không khí nhộn nhịp, âm thanh nhịp nhàng của khung dệt cũng thưa lại nhưng cảm giác về một làng nghề truyền thống đã từng dệt chiếu dâng vua với nhiều nghệ nhân từng được phong sắc vẫn rất sâu sắc.
Dù còn ít nhà còn làm chiếu nhưng chiếu ở đây vẫn rất đa dạng từ khổ chiếu đến hoa văn và loại chiếu với đủ mẫu mã từ chiếu trơn đủ khổ, cho đến chiếu hoa hết sức nghệ thuật và đẹp mắt. Chiếu Cẩm Nê nổi tiếng một phần nữa bởi độ bền, mùa hè thì mát, mùa đông thì tỏa hơi ấm, Hương cũng chẳng biết vì sao.
Vị trí: Làng chiếu Cẩm Nê thuộc địa phận xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố 14 km về phía Tây Nam.
4. Ba ngôi chùa Linh Ứng ở Đà Nẵng
Chùa Linh Ứng – Ngũ Hành Sơn
Đây là ngôi chùa Linh Ứng cổ nhất ở Đà Nẵng, có trước cả hai ngôi chùa Linh Ứng còn lại nằm ở phía Đông núi Thủy Sơn trong quần thể Ngũ Hành Sơn, cũng là ngôi chùa trải qua nhiều lần trùng tu và đổi tên trong một chặng đường dài. Chùa còn có tên là chùa Ngoài, chùa Ứng Chân, còn Linh Ứng là tên do vua Thành Thái đặt năm 1841 có nghĩa là mọi tâm nguyện đều được ứng nghiệm
Trong khuôn viên của chùa đặt bức tượng Phật trắng muốt, lưng tựa núi, hướng mặt về phía chùa nên khung cảnh ở đây rất thanh tịnh. Ở phía bên trái sau chùa là tháp Xá Lợi cao 30m, đặt thờ khoảng 200 tượng bằng đá và 40 phù điêu Phật, Bồ Tát. Từ chân núi có thể đi thang máy lên hoặc leo bộ hơn trăm bậc là đến chùa. Từ đây có thể đi tiếp lên thăm các chùa và động khác của Thủy Sơn như chùa Tam Thai, động Tàng Chơn, động Hoa Nghiêm, động Huyền Không…
Chùa Linh Ứng – Bãi Bụt
Đây là ngôi chùa Linh Ứng to nhất, mới nhất và cũng được nhiều người biết đến nhất ở Đà Nẵng nằm trên bán đảo Sơn Trà. Một điều đặc biệt của chùa Linh Ứng là cho dù đứng ở bất kỳ nơi nào trong thành phố cũng đều dễ dàng nhìn thấy tượng Phật Bà Quan Thế Âm đứng tựa lưng vào núi, mặt hướng ra biển. Vì nằm ở địa thế cao của bán đảo Sơn Trà nên ngay từ cổng chùa du khách đã có thể đưa tầm mắt hướng ra xa toàn bộ đô thị Đà Nẵng.
Trong khuôn viên của chùa có tượng Phật, tượng Phật Bà Quan Âm, Tam Tạng Vương, các vị La Hán đều rất bề thế. Điểm nhấn chính là pho tượng Phật Bà được xem là cao nhất Việt Nam với chiều cao gần 70m, đường kính tòa sen lên tới 35m tương đương với tòa nhà 30 tầng. Một trải nghiệm mà hầu như ai đến đâu cũng mong muốn là được khám phá bên trong tòa tháp 17 tầng của pho tượng. Nếu để ý, các bạn sẽ thấy trên mũ của tượng Quan Âm có pho tượng Phật Tổ cao 2m. Trong lòng tượng mỗi tầng đều đặt bệ thờ tổng cộng là 21 bức tượng Phật nhỏ hơn mang những hình dáng, vẻ mặt và tư thế khác nhau.
Chùa Linh Ứng trên đỉnh Bà Nà
Ngôi chùa này nằm trên đỉnh Bà Nà thuộc khu du lịch Bà Nà ở độ cao khoảng 1.400m, được khánh thành năm 2004. Chùa có một khoảng sân rộng được lót bằng đá, phía trước có một cây thông với 3 loại lá khác nhau khá đặc biệt. Trong chánh điện còn một cỗ trống cao gần 2,5m rất ấn tượng.
Điểm nhấn ở đây là bức tượng Phật tổ màu trắng cao 27m ngồi thiền trên đài sen cao uy nghi giữa bốn bề mây núi. Ở độ cao này các bạn có thể nhìn được bao quát bức tranh thành phố Đà Nẵng từ đường bờ biển từ chân đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, cả bãi biển Mỹ Khê và Ngũ Hành Sơn nữa, ngoài ra không khí ở đây cũng rất trong lành, mát mẻ và thanh tịnh.
5. Làng cổ Túy Loan
Làng cổ Túy Loan có cách đây 500 năm rồi, nổi tiếng với mì Quảng và bánh tráng. Đi dạo lòng vòng qua đình làng trước, đình này thờ năm vị tiên hiền làm thành hoàng làng. Đình khá nhỏ, diện tích tầm hơn trăm mét vuông nhưng khuôn viên khá rộng quay hướng ra sông, đặc biệt là ở đây có cây đa cổ thụ gây ấn tượng và cảm xúc rất khó quên với du khách thập phương.
Người ta nói muốn biết một cách chân thực nhất nếp sống và con người của một nơi thì nên đến thăm chợ của họ. Chợ Túy Loan như 1 trung tâm buôn bán vì quy tụ rất nhiều sản vật của cả một vùng. Từ tôm, cá, nước mắm của Đà Nẵng, Hội An đến tre gỗ, song mây, sản vật rừng ở miền Tây rồi hàng thủ công, chiếu nón, hàng tre đan của làng Cẩm Nê chuyển xuống, rất đa dạng và đầy đủ. Ngoài ra ở đây có nghề làm bánh tráng và mì Quảng rất lâu đời, có những lò bánh tráng đã trên 40 năm. Bánh tráng và mì ở đây có hương vị rất khác biệt, ấy là do bí quyết pha chế mà người ở đây gọi là cả nghệ thuật.
Vị trí: Làng cổ Túy Loan nằm ở phía Tây Nam cách thành phố Đà Nẵng 15km, thuộc địa phận xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
6. Bãi biển Mỹ Khê
Bãi biển Mỹ Khê là điểm đến hiếm khi bị bỏ qua nếu có ai đó muốn đến Đà Nẵng du lịch. Bãi tắm ở đây có chiều dài 900m rất nhộn nhịp, từng được tạp chí kinh tế Forbes bình chọn là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Biển Mỹ Khê có bờ cát dài và phẳng với hàng dừa dài bao quanh nhìn rất thơ mộng, nước xanh và ấm áp quanh năm, hơn nữa giao thông lại thuận tiện, mở cửa miễn phí, ánh nắng và mức sóng ở đây cũng rất phù hợp cho các hoạt động thể thao như lướt sóng, câu cá, lặn, du thuyền… đặc biệt là bờ biển rất sạch sẽ hầu như không có rác.
Không gian ở bãi biển rất rộng, chia làm 3 khu rõ rệt: Bãi tắm trung tâm công viên Phạm Văn Đồng ở ngay ngã ba đường Phạm Văn Đồng giao đường ven biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc đi Hội An, nếu rẽ phải khoảng 500m thì các bạn đến bãi T20 – T18 được hình thành sớm nhất, có nhiều cơ sở nghỉ dưỡng trước kia của quân đội, nếu rẽ trái khoảng 300m là bãi 1-2-3 hiện là bãi tắm chính của biển Mỹ Khê liền với công viên Phạm Văn Đồng đã được thành phố quy hoạch nên được đầu tư đủ các dịch vụ gửi đồ, gửi xe, tắm tráng, ăn uống giải khát, cứu hộ biển, vệ sinh môi trường… Biển Mỹ Khê thoải, thềm biển cũng dài nên các bạn tha hồ tắm, ngoài ra còn ngắm được cả Ngũ Hành Sơn và bán đào Sơn Trà đồ sộ.
Vị trí: Bãi biển Mỹ Khê thuộc phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 2km.
7. Bán đảo Sơn Trà
Bán đảo Sơn Trà là một địa điểm không thể không nhắc đến nếu các bạn có ý định đến Đà Nẵng du lịch bởi không gian và cảnh sắc thiên nhiên ngoạn mục không dễ có được, hơn nữa lại gần bãi biển Mỹ Khê nên rất tiện để kết hợp di chuyển.
Bán đảo Sơn Trà có diện tích trên 4 nghìn ha, nhiều đỉnh núi có độ cao trên 500m so với mặt nước biển, đỉnh cao nhất khoảng gần 700m. Nhìn từ xa, vùng bán đảo được phủ một màu xanh mát mắt với nhiều loại thực vật, động vật ở đây có nhiều nhất là khỉ, voọc. Nếu đứng từ đỉnh núi, các bạn có thể ngắm nhìn được bao quát bốn bề của thành phố Đà Nẵng. Hướng Nam là núi Ngũ Hành, phía Đông Nam là Cù Lao Chàm, phía Tây là phố thị sầm uất bên sông Hàn, phía Bắc là Hải Vân Sơn chạy dài ra biển.
Mặc dù đã được đưa vào quy hoạch để phát triển du lịch nhưng bán đảo Sơn Trà vẫn còn hoang sơ với nhiều bãi tắm thơ mộng nổi tiếng trải dài hàng chục km như bãi Bắc (phía Bắc bán đảo), bãi Nam và bãi Bụt (phía Nam bán đảo). Dưới các bãi biển này là các rặng san hô lớn rất đẹp, có thể lặn biển, câu cá, câu mực…
Vị trí: Sơn Trà là tên một bán đảo, một ngọn núi thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố Ðà Nẵng chừng 10km về hướng Ðông Bắc.
8. Ngũ Hành Sơn
Ngũ Hành Sơn (hay núi Non Nước), gồm 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn hợp thành., nếu đến Đà Nẵng mà không ghé qua những ngọn núi thiêng này thì sẽ là một thiếu sót thật lớn. Vì không có nhiều thời gian nên mình mới đi được Thủy Sơn, bây giờ người ta cũng chủ yếu đi ngọn núi này thôi bởi Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn nằm ở một cụm đối diện phía bên kia đường.
Nhìn vị trí Ngũ Hành Sơn ở trên bản đồ, các bạn sẽ thấy 5 ngọn núi hợp lại tựa như lòng bàn tay. Ngoài ra mỗi ngọn núi còn có một màu đá cẩm thạch khác nhau: Đá ở Thủy Sơn có màu hồng, Mộc Sơn có màu trắng, Hỏa Sơn có màu đỏ, còn Kim Sơn là màu thủy mặc và Thổ Sơn là màu nâu.
Vị trí: Ngũ Hành Sơn nằm trên một dải cát có chiều dài khoảng 2km, rộng khoảng 800m thuộc phường Hoà Hải, quận Ngũ Hảnh Sơn, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 7km về phía Đông Nam.
9. Bà Nà Hill điểm nhấn đầy tinh tế
Bà Nà được biết đến như “hòn ngọc khí hậu” của miền Trung bởi vì ở đây 1 ngày có đủ 4 ô khí hậu xuân, hạ, thu, đông luôn. Đây là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng cao cấp nhất Đông Dương thời Pháp thuộc, bây giờ thì là điểm nhấn du lịch rất ấn tượng, với mình thì Bà Nà hill mang theo cả hồn Đà Nẵng nữa.
Bà Nà đẹp nhất là tầm tháng 4 đến tháng 8 vì đây là mùa khô, đi lại sẽ đỡ vất vả hơn, chơi và chụp được nhiều ảnh đẹp hơn nữa. Đỉnh Bà Nà nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, trước đây muốn lên thì phải đi 16km đường rừng liền, giờ thì chỉ cần đi cáp treo 15 phút là tới. Cáp treo Bà Nà lập hai kỷ lục Guinness liền là: Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới, từ trong cabin có thể ngắm nhìn cảnh vật núi rừng, thác nước trong sương mờ rất thích.
Ở Bà Nà có rất điểm tham quan và các dịch vụ để các bạn chơi bời thoải mái. Sau khi xuống cáp treo , các bạn có thể ghé chùa Linh Ứng để thắp hương, ở đây có vườn Lộc Uyển và bức tượng Đức Phật cao khoảng 30m giống với chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn. Nếu thích thì mua vé tham quan hầm rượu Debay xuyên lòng núi do người Pháp xây năm 1923 đến giờ vẫn nguyên vẹn, nóng bức thì đến tắm suối Mơ với dòng thác Tóc Tiên 9 tầng mát rượi, thích các hoạt động giải trí thì có thể đến khu vui chơi Fantasy park, nếu muốn đến những chốn tâm linh thanh bình và thư thái thì có thể lên Nhà Bia, tháp Nghinh Phong Tự cao 9 tầng, cả đền bà chúa Thượng Ngàn rất linh thiêng.
10. Cầu quay sông Hàn
Nhắc đến Đà Nẵng, với mình thì biểu tượng đặc trưng nhất rõ ràng là cầu quay sông Hàn nằm giữa toàn nhà Ủy ban nhân dân thành phố và bưu điện Đà Nẵng, bắc ngang sông Hàn nối bán đảo Sơn Trà và trung tâm thành phố, ngồi trên máy bay để đáp xuống Đà Nẵng mình cũng thấy rõ được niềm tự hào này của người dân Đà Nẵng.
Cầu quay sông Hàn là cầu quay dây văng đầu tiên của Việt Nam được khánh thành năm 2000 do chính các kỹ sư và công nhân Việt Nam tự thiết kế, thi công với sự đóng góp của người dân ở đây. Mình nhìn cột tên ở đầu cầu thì chiều dài chính xác là 446,2m, chiều rộng là 10,5m gồm 11 nhịp.
Ban đêm cầu quay để phục vụ cho giao thông đường thủy, khơi thông để các tàu thuyền đi lại. Hằng ngày tầm từ 0 đến 1 giờ đêm, phần giữa của cây cầu sẽ quay 90 độ dọc theo dòng chảy của sông Hàn. Đến 4 giờ sáng thì cầu sẽ quay lại như cũ. Bây giờ thì tàu thuyền qua lại ít nên nên không phải ngày nào người ta cũng xoay cầu, đa phần là phụ thuộc vào yêu cầu của Cảng vụ Đà Nẵng để tiết kiệm chi phí.
Vị trí: Cầu quay sông Hàn thuộc địa phận đường Lê Duẩn, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
11. Đèo Hải Vân
Đèo Hải Vân có lẽ là con đèo được nhiều người mong muốn một lần được chinh phục nhất. Mỹ danh “Đệ nhất hùng quan” được vua Lê Thánh Tông đặt cách đây hơn 500 năm trong một lần vi hành khi dừng lại trên đỉnh đèo Hải Vân ngắm cảnh làm thơ, vì ngỡ ngàng trước vẻ đẹp hùng vĩ nơi đây nên gọi như vậy. Đèo Hải Vân dài 21km vốn nổi danh bởi sự hiểm trở và cũng là đỉnh núi cuối cùng của một mạch Trường Sơn đâm ngang ra biển Đông. Vì bây giờ có hầm rồi nên Hương thấy phương tiện qua lại chủ yếu là ô tô du lịch hoặc các bạn đi phượt bằng xe máy là phần nhiều.
Từ thành phố Đà Nẵng theo Quốc lộ 1, đến đoạn Nam Ô là đã thấy những cung đường ngoằn nghèo, uốn lượn như dải lụa ở phía xa nằm ngăn cách núi và biển. Cung đường trên đèo Hải Vân khá nguy hiểm với những ai không chắc tay lái vì rất nhiều khúc cua tay áo. Lên đến đỉnh đèo Hải Vân ở độ cao 500m so với mực nước biển sẽ có điểm nghỉ chân, ngắm cảnh đẹp bao quát. Từ trên đèo, nhìn về phía Nam sẽ thấy những tòa nhà cao tầng bên bờ biển xanh của Đà Nẵng hiện đại, nhìn xa hơn sẽ thấy đỉnh Sơn Trà mây phủ, còn ở phía Bắc đèo, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế thì sẽ thấy đầm Lập An và làng chài Lăng Cô rất bình yên.
Trên đỉnh đèo còn có những di tích lịch sử như cổng đá xây thời vua Minh Mạng, những lô cốt được xây từ thời Pháp thuộc. Nếu chịu khó đi lên khám phá thì các bạn sẽ chụp được những khung hình rất ấn tượng. Từ đỉnh đèo Hải Vân đi xuống là địa phận Lăng Cô của tỉnh Thừa Thiên Huế, từ đây đi xuống sẽ thấy ngay vịnh biển Lăng Cô đẹp mê ly đã được xếp hạng là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Vị trí: Đèo Hải Vân cao 500m so với mực nước biển; cắt ngang dãy núi Bạch Mã ở giữa địa phận tỉnh Thừa Thiên-Huế ở phía Bắc và thành phố Đà Nẵng ở phía Nam.
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!