Kinh nghiệm du lịch miền Tây – Đồng bằng sông Cửu Long

Đăng ngày 25/01/2024

Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng cực nam của nước ta, hay còn được gọi bằng các tên khác như vùng đồng bằng Nam Bộ hay miền Tây Nam Bộ; còn theo cách gọi ngắn gọn của người dân địa phương thì là miền Tây, bao gồm 1 thành phố Cần Thơ (trực thuộc trung ương) và 12 tỉnh khác là Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Thông tin du lịch

Đồng bằng Sông Cửu Long là vùng đất màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Với hơn 54.000km chiều dài của hệ thống sông ngòi, kênh rạch, miền Tây Nam Bộ chứa đựng một nền văn minh văn hóa sông nước tiêu biểu mà không nơi nào ở Việt Nam có được, đáng chú ý là các khu chợ nổi trên sông vốn gắn liền với đời sống nhân dân từ thời khai hoang lập đất. Đối với người dân ở miền Tây, chợ nổi là nơi sinh hoạt, mua bán trao đổi hàng hóa của những người dân khu vực bến nước và cũng là một địa điểm du lịch văn hóa không thể bỏ lỡ nếu bạn đã đặt chân về miền Tây.

Đồng bằng sông Cửu Long có phần tiếp giáp Campuchia về phía Tây Bắc; phía Nam giáp Thái Bình Dương; phía Tây giáp vứi vịnh Thái Lan, phía Đông giáp biển Đông và phía Đông Bắc giáp vùng Đông Nam Bộ. Đây là vị trí vô cùng thuận lợi trong việc phát triển nền kinh tế biển, khai thác cũng như nuôi trồng thủy sản phục vụ cho hoạt động sản xuất, tiêu dùng trong nước và cả xuất khẩu.

Một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống giao thông ở đây là cầu. Từ xưa, người dân đã tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có trong vùng như tre, dừa, tràm, đước… để tạo thành những chiếc cầu bắc qua các bờ mương hay con rạch, đó được gọi là cầu tre, cầu dừa hoặc cầu khỉ… Cho đến những năm về sau, người Pháp mới cho xây dựng nên các cây cầu bằng xi măng (cầu đúc) hay bằng sắt (cầu sắt) như ngày nay.

Khu vực dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các ngành xuất nhập khẩu, vận tải thủy và quan trọng nhất là du lịch. Trữ lượng xuất khẩu gạo chiếm 80% của cả nước; giao thông đường thủy nắm giữ vai trò quan trọng nhất (được gọi là vùng sông nước).

Trung tâm hệ thống du lịch sinh thái nơi đây có những chuyển biến tích cực, ví dụ như du lịch vùng sông nước, miệt vườn hay đi khám phá các cù lao. Bên cạnh những hạn chế trong dịch vụ du lịch nơi đây, sự xuất hiện của du lịch bền vững đã bước đầu được hình thành với sự thành công của khu nghỉ dưỡng bền vững mang tên Mekong Lodge tại tỉnh Tiền Giang và một số địa phương khác như Bến Tre hay Vĩnh Long.

Đồng bằng sông Cửu Long là cái nôi của nền văn hoá Óc Eo, một nền văn hóa đã đạt được những thành tựu phát triển rực rỡ vào những năm đầu Công nguyên. Xã hội Óc Eo phát triển nhiều ngành nghề thủ công như gốm, luyện đồng hay nghề kim hoàn. Nền văn hoá này đã để lại nhiều kiến trúc khác nhau thể hiện rõ nét qua các vết tích nhà sàn, hệ thống kiến trúc đồ sộ bằng gạch đá lẫn lộn thể hiện trình độ kĩ thuật cao trong xây dựng.

Đồng bằng sông Cửu Long giáp với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, giáp Campuchia, cả ba mặt Đông, Nam và Tây đều có biển bao bọc. Đồng thời, vùng này cũng nằm trong khu vực có đường giao thông hàng hải và hàng không quốc tế chiếm vai trò quan trọng, giữa Nam Á, Đông Á, Châu Úc và gần các nước Thái Lan, Singapore, Indonesia…

Nằm trên nền địa hình bằng phẳng, với mạng lưới sông ngòi, kênh rạch phân bố dày đặc, đóng vai trò thuận lợi trong việc phát triển giao thông đường thủy và đường bộ. Bờ biển dài 700km cũng là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế biển, du lịch, hàng hải…

Từ lâu, vùng đồng bằng này đã hình thành và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên độc đáo, đó chính là hệ sinh thái rừng ngập nước ngọt (tiêu biểu là vườn quốc gia Tam Nông, rừng Trà Sư, vùng Đồng Tháp Mười), cho đến hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển (vườn quốc gia U Minh Thượng và U Minh Hạ), thậm chí cả hệ sinh thái nông nghiệp. Đáng chú ý, hệ sinh thái ngập mặn phổ biến tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre… chiếm vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội, giúp cân bằng môi trường sinh thái toàn khu vực.

Văn hoá ẩm thực của vùng bao gồm cách chế biến, bày biện trang trí và cả việc thưởng thức từng món ăn, thức uống, dẫu có đơn giản, đạm bạc hay thậm chí là cầu kỳ phức tạp. Văn hoá ẩm thực vùng mang những nét đặc biệt của vùng miền quê sông nước, với nguồn tài nguyên nông – lâm và thủy sản phong phú, đa dạng, dồi dào.

Người dân miền Tây rất chú ý đến chất lượng món ăn và cách thức để thay đổi khẩu vị. Ví dụ cùng là một nguyên liệu là con cá lóc, họ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cá lóc kho tộ, canh chua cá lóc, cháo cá lóc, cá lóc nướng trui, mắm cá lóc…

Vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn đã rộng lớn như vậy, xong mỗi vùng lại có những đặc sản riêng biệt. Nhiều món ăn của người dân tộc này, khi qua tay dân tộc khác lại có thể trở nên độc đáo và hấp dẫn hơn nữa.

Bản đồ các tỉnh miền Tây

Miền Tây gồm 12 tỉnh và một thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ):

 An Giang Trà Vinh Bến Tre Bạc Liêu Đồng Tháp
Sóc Trăng Cần Thơ Kiên Giang Tiền Giang Cà Mau
Long An Vĩnh Long Hậu Giang

Các điểm tham quan nổi tiếng của miền Tây

Tiền Giang: Du khách đến đây có thể lên tàu đi tham quan các cồn dọc theo dòng sông Tiền thơ mộng hay ghé thăm các khu làm kẹo dừa, nơi làng nghề phát triển dọc theo dòng sông. Các làng nghề thủ công ở đây trải dài dọc bờ sông rất thuận tiện cho việc đi bộ tham quan khu vực.

Một điều đặc biệt ở đây là cảm giác thú vị với chiếc xuồng 3 lá uốn mình theo kênh rạch chằng chịt, chốc lát lại nghe thấy một vài câu hò Nam Bộ mượt mà.

Một địa danh nổi tiếng của thành phố Cần Thơ khiến bao du khách mong mỏi tìm đến là khu vực đường Châu Văn Liêm với món cơm gà thơm ngon đặc biệt. Bên cạnh đó, du khách còn được ngồi thuyền đi tham quan Chợ Nổi Cái Răng, một hình thức buôn bán đặc trưng của người Nam Bộ. Các ghe, tàu thuyền hoạt động trên sông nước có ăn sáng, uống cà phê, thậm chí là cả thưởng thức trái cây… Chỉ mất 30 phút là bạn đã có thể di chuyển từ bến Ninh Kiều đến Chợ Nổi để được tận mắt chứng kiến quang cảnh buôn bán tấp nập với nhiều loại tàu thuyền lớn nhỏ đủ kích cỡ, bên trên mỗi bẹo được treo những thứ cần bán, ví dụ như: treo dưa thì bán dưa, treo bí bán bí…

Tỉnh Sóc Trăng không quá lớn nhưng nếu bạn mới đi lân đầu thì cẩn thận kẻo lạc đường. Đến với Chùa Bửu Sơn (tên khác là chùa Đất Sét), có cấu trúc không khác những ngôi chùa ở Việt Nam. Nhưng, chùa này có 1 nét đặc biệt là có cây nến nặng 200kg và cháy được 70 năm cùng những tượng phật trong chùa được làm bằng đất sét.

Tiếp đó, bạn có thể khởi hành tham quan chùa Mã Tộc hay còn được gọi là Chùa Dơi, để ngắm nhìn những chú dơi bay lượn, đặc biệt có những con sải cánh dài đến tận 2m.

Bạc Liêu bên cạnh địa danh nhà công tử, còn có một địa danh mà du khách nên ghé qua, đó là nhà thờ Tắc Sậy uy nghi được xây dựng năm 1925 bởi các giáo dân sống quanh vùng.

Hòn Đá Bạc lạ cụm 2 hòn đảo thuộc huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau), có nhiều cây xanh, và có dấu tích của bàn chân khổng lồ. Nơi đây cũng có tượng đài chiến sĩ bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Với phong cảnh tuyệt đẹp như khiến cho những đôi chân lữ hành phải cất bước dù quãng đường di chuyển cũng khá xa.

U Minh Thượng là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị, nay được nâng cấp thành rừng Quốc Gia. Rừng U Minh được chia là 2 khu được ngăn cách bởi dòng sông Trẹm là: U Minh Thượng (thuộc địa phận tỉnh Kiên Giang và U Minh Hạ (nằm tại đất mũi Cà Mau).. Hệ sinh thái nơi đây vô cùng phong phú, đa dạng như một kì tích của thiên nhiên ban tặng cho nơi này.

Hòn Chông là một quần thể đá vôi thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Khi đến đây, du khách sẽ cảm nhận được sự thoải mái với những con đường trải dài, xung quanh là những khu vườn dừa bao phủ bên tiếng sóng biển rì rào thật êm ái, dễ chịu.

Đảo Bà Lụa hay còn gọi là quần đảo Bình Trị thuộc địa phận vùng Kiên Lương- Kiên Giang. Phong cảnh ở nơi đây thật tuyệt vời và luôn làm xao xuyến những ai dù trót một lần đến đây thăm quan.

Hà Tiên: Địa điểm nên khởi hành tham quan chính là Lăng Mạc Cửu –được xem là 1 công trình có được thế phong thuỷ đẹp nhất Việt Nam. Chúng ta có thể tham quan khu vục yên nghỉ của đại gia đình họ Mạc – là dòng họ đã khai sinh ra xứ sở Hà Tiên.

Sau đó bạn hãy đến khu du lịch Thạch Động, được mệnh danh là 1 trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên, với một ngọn núi uy nghi và những hang động vô cùng tuyệt đẹp.

Núi Cấm cách Hà Tiên chừng 90km, vùng núi này được mệnh danh là Đà Lạt của miền Tây quả không quá. Tại đây chúng ta có thể cảm nhận được một bầu không khí khác xa với khu vực dưới chân núi, từ se lạnh trong khung cảnh yên bình đến lạ lùng.

Sau đó, bạn có thể ghé chợ biên giới Tịnh Biên, sát biên giới nước Campuchia. Nơi đây bán nhiều sản phẩm giá rẻ. Bên cạnh việc bạn có thể đứng chụp ảnh giữa ranh giới Việt- Cam.

Dọc đường đi, bạn nên tham quan Miếu Bà Chúa Xứ – ngôi miếu linh thiêng bậc nhất của Việt Nam. Xong xuôi bạn có thể chạy lên đỉnh núi Sam, thăm nơi mà Tượng Bà Chúa Xứ đã từng tọa lạc, để có thể ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời, của núi non hùng vĩ cùng những cánh đồng lúa bát ngát xa xăm.

Phương tiện chi chuyển

Phương tiện công cộng

Đường sắt: Hiện tại đường sắt khu vực miền Tây đã ngưng hoạt động nên các bạn chỉ có thể đến ga Sài Gòn rồi bắt xe đò tại bến xe miền Tây đi xuống các tỉnh miền Tây.

Đường hàng không: Có đường bay thẳng Hà Nội – Cần Thơ, Hà Nội – Phú Quốc, TP Hồ Chí Minh – Phú Quốc, Đà Nẵng – Cần Thơ (VietjetAir), Đà Nẵng – Phú Quốc (Jetstar)…

Ô tô – xe khách: 

  • Xuất phát từ TP Hồ Chí Minh:  bến xe miền Tây (395 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân) có đầy đủ các xe đi các tỉnh miền Tây, bạn cứ nhìn bảng tên tỉnh ở đầu xe để chọn tuyến hoặc vào mua vé tại phòng vé của bến xe.
  • Xuất phát từ Cần Thơ: có 2 bến xe ở đây có xe đi các tỉnh miền Tây là “bến xe Hùng Vương” hoặc “bến xe 91B – Ninh Kiều“. Tuy nhiên, khả năng 2 bến xe này sẽ được di dời vào cuối năm 2014 (hoặc đầu năm 2015) về bến xe tại đô thị Nam Cần Thơ.

Đường sông nước: Mỗi tỉnh ở miền Tây đều có hệ thống sông ngòi chằng chịt, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu gắn liền với sông nước, vì thế sẽ rất thú vị nếu các bạn cũng hòa mình vào cuộc sống nơi đây, di chuyển trên những chiếc xuống ba lá, tận hưởng cái không khí mát mẻ của vùng sông nước. Tuy nhiên, du lịch trên sông thường là khi bạn tham gia chợ nổi, đi vào các miệt vườn, không phải là phương tiện di chuyển giữa tỉnh này với tỉnh khác.

Phương tiện cá nhân: Nếu các bạn ở xa và lên kế hoạch khám phá các tỉnh miền Tây theo hình thức du lịch cá nhân (du lịch tự túc) thì xe máy là phương tiện tốt nhất và linh động nhất. Do là đồng bằng, đường khá dễ đi và một số điểm sẽ phải qua phà. Loca sẽ cập nhật sớm “kinh nghiệm đi lại ở Miền Tây” cụ thể trong các bài viết chi tiết về các điểm tham quan ở miền Tây.

Đi xe máy từ TP Hồ Chí Minh tới Kiên Giang

Từ Bến Xe miền Tây, đi thẳng theo hướng cầu Bình Điền đi Long An (hướng QL1A) -> chợ Bến Lức (gần sông Vàm Cỏ Đông) -> thẳng theo đường QL1A đến địa phận TP Tân An (Long An) thì có một bùng binh lớn, rẽ trái vào thị xã, còn thẳng thì theo QL1A (2 đường này đều giao nhau) là sắp tới Tiền Giang. Ở đây, để chắc chắn không bị lạc đường, bạn cứ đi theo hướng QL1A là tới TP Mỹ Tho (Tiền Giang). Lưu ý là khi đi xe máy qua địa phận Tiền Giang, nhớ chạy đúng làn đường và đúng tốc độ vì công an Tiền Giang bắt giao thông rất chặt. Kinh nghiệm là cứ quan sát mọi người chạy xe xung quanh, đặc biệt là xe 4 bánh.

Đoạn TP Mỹ Tho đi tiếp theo QL1A  -> Cai Lậy -> thị trấn Cái Bè (theo hướng QL1A thì đoạn này không vào thẳng vào thị trấn mà rẽ phải theo hướng ra bệnh viện đa khoa Cái Bè để đi cầu Mỹ Thuận)

Qua cầu Mỹ Thuận, dưới chân cầu có 2 lựa chọn :

  • Quẹo trái đi Vĩnh Long, qua thành phố Cần Thơ sẽ được ngắm cầu Cần Thơ nổi tiếng. Hướng này đi Rạch Giá, qua thị trấn Rồng Giềng.
  • Quẹo phải đi Đồng Tháp, đến Sa Đéc thăm làng hoa Tân Quy Đông. Hướng này hỏi đường đi Rạch Giá qua thị trấn Tân Hiệp

Lưu ý, đoạn Cần Thơ và đoạn Sa Đéc nên hỏi đường đi tiếp đến Rạch Giá.

Hoặc nếu không bạn theo hướng đi TP Châu Đốc – An Giang, tham quan rừng tràm Trà Sư, núi Sam, cửa khẩu Tịnh Biên rồi vòng về thị trấn Tri Tôn tham quan núi Cô Tô và theo hướng đi thị trấn Kiên Lương. Rẽ phải thì ra Hà Tiên mà rẽ trái thì về TP Rạch Giá – Kiên Giang.

 

Từ TP Hồ Chí Minh đi Cà Mau

Đường bộ: Cà Mau cách thành phố Cần Thơ 180km, cách TP HCM 380km. Bạn ra bến xe miền Tây (395 Kinh Dương Vương, Quận Bình Tân Tp.HCM) hoặc bến xe Cần Thơ (Bến Xe 91 – Q Ninh Kiều – TP Cần Thơ) để mua vé, điểm dừng là bến xe Cà Mau (271 Lý Thường Kiệt, TP Cà Mau), thời gian di chuyển khoảng 7 – 8 tiếng. Bạn có thể liên hệ một số hãng xe chạy tuyến Sài Gòn – Cà Mau để biết thêm giờ xuất phát và giá vé.

Đường hàng không: Hiện VietNam Airline có các chuyển bay mỗi ngày phục vụ hành khách di chuyển từ TP Hồ Chí đi Cà Mau (nằm ở phường 6, thành phố Cà Mau) và ngược lại, thời gian bay mất khoảng 45 phút. Thời gian cất cánh từ TP Hồ Chí Minh là 5h55p, thời gian cất cánh từ TP Cà Mau là 7h35p.

Từ Cà Mau đi Đất Mũi

Có 2 đường đi cực Nam của tổ quốc – mũi Cà Mau là xuất phát từ TP Cà Mau hoặc từ thị trấn Năm Căn. Cả 2 cách này đều không có đường bộ đi thẳng ra đất mũi mà phải đi tàu cao tốc hoặc thuyền vỏ của ngư dân. Một lời khuyên cho các bạn có ý định chinh phục Đất Mũi là thường thời gian muộn nhất tàu cao tốc xuất phát từ TP Cà Mau là 14h30 chiều và xuất phát từ thị trấn Năm Căn là 16h30 chiều. Trường hợp muộn hơn mà các bạn vẫn thỏa thuận được với ngư dân chở mình ra Đất Mũi (thông thường trong trường hợp này, bạn sẽ phải thuê trọn gói thuyền vỏ) thì các bạn cần lưu ý: không có khách sạn ở Đất Mũi, bạn nên mang theo lều, thời gian di chuyển từ Năm Căn ra Đất Mũi (nếu dùng thuyền vỏ) là khoảng 2h. Nếu đi vào buổi chiều, bạn sẽ có cơ hội được ngắm mặt trời lặn trên thuyền vỏ, được tận hưởng cảm giác mênh mông của vùng sông nước, ngắm nhìn cuộc sống của người dân Đất Mũi qua tiếng tành tạch những chuyến đò xuôi ngược, và cảm nhận chất hiền hậu của người dân nơi đây qua những cuộc trò chuyện hay chỉ đơn giản là những cuộc hẹn hò nhậu nhẹt thoáng qua mỗi khi họ gặp nhau trên sông. Sẽ rất may mắn và thú vị nếu bạn gặp được người lái thuyền vui vẻ, họ sẽ mời bạn về nhà trước khi họ chở bạn ra Đất Mũi vào sáng hôm sau. Còn nếu không, việc nghỉ lại ở Đất Mũi khá buồn chán và tẻ nhạt.

Loca khuyến nghị bạn nên nghỉ đêm ở thị trấn Năm Căn hoặc TP Cà Mau và sáng sớm bắt chuyến tàu cao tốc đầu tiên ra Đất Mũi.

Từ TP Cà Mau đi thị trấn Năm Căm (là thị trấn cuối cùng của chữ S Việt Nam) là khoảng 50km (theo đường bộ qua huyện Cái Nước), bạn có thể đi bằng xe máy hoặc xe khách. Nếu đi bằng xe máy, bạn gửi xe ở Năm Căn và thuê tàu cao tốc (hoặc thuyền vỏ) ra đất Mũi. Dịch vụ xe ôm ở Năm Căn cũng khá nhiều và họ kiêm luôn cả dịch vụ mối lái thuyền ra đất Mũi.

Dịch vụ ăn uống

Miền Tây nổi tiếng với vẻ đẹp hoang sơ và trù phú nên những dịch vụ phục vụ cho du lịch ở đây cũng không đa dạng và phát triển mạnh, vẫn còn đơn giản và chưa hoàn thiện.

Ăn uống

 

Người miền Tây phần đa đều thật thà, tốt bụng và giàu lòng hiếu khách, tuy nhiên cũng có những thành phần chặt chém khách du lịch, vì thế nên các bạn cần ghi nhớ: luôn hỏi giá cả trước khi ăn.

Cần Thơ:  Cần Thơ có rất nhiều quán ăn ngon và rẻ, buổi tối bạn có thể ăn tối trên du thuyền chạy dọc sông Hậu rất thú vị.

Cá sông ở Cần Thơ to, thịt chắc, lại rẻ.

Bánh cống Cần Thơ: Gọi là bánh cống (hay cóng) vì khuôn bánh là một dụng cụ đo lường có hình ống. Bánh có hình ống thấp hoặc hình tròn hơi phồng, chiên giòn ngoài, trong mềm xốp, khi ăn cắt nhỏ kèm với rau sống các loại, nước mắm pha chua ngọt, đồ chua.

Bánh xèo: Nguyên liệu để làm bánh xèo là bột gạo pha với nước cốt dừa, nghệ, tôm, thịt… Bánh xèo cuốn bánh tráng ăn kèm với các rau sống (cải bẹ xanh cay, xà lách, rau thơm tía tô, húng quế, húng lủi, dấp cá, chuối chát, khế cắt lát mỏng dài…) Tùy khẩu vị, có thể chấm bánh xèo với nước mắm hay tương bắc.

Cá lóc nướng trui: Cá lóc nướng trui (ngon nhất là nướng với rơm), món ăn đã có từ ngày khai phá đất Phương Nam – với hương vị đậm đà mà biết bao du khách khi đến Cần Thơ muốn thưởng thức.

Ốc nướng tiêu: Đến Cần Thơ không thể không thưởng thức món ốc nướng tiêu. Ốc được luộc sơ rồi cho lên nướng, vừa nướng vừa cho nước mắm, tiêu, tỏi vào trong cho đến khi nước bên trong hơi cạn xuống thì dọn ra là ăn.

Bún tôm khô – Cái Răng: Bán từ chục năm nay, bún tôm khô đã trở thành thương hiệu được nhiều người ưa thích. Địa chỉ: chợ Cái Răng, số 35/4, đường Lý Thường Kiệt, phường Lê Bình, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Mỗi ngày, quán bán từ 6 giờ tới 9-10h sáng hết hàng.

Chuột nướng chao: nghe thì ghê nhưng lại là món ăn độc đáo, dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn ở miền sông nước này. Chuột nướng chao là món nhậu mà những tay sành điệu rất thích. Bạn có thể đến các nhà hàng đặc sản ở Cần Thơ hoặc Vị Thanh, Phụng Hiệp… để thưởng thức món ăn dân dã ngon, lạ và giá cả cũng rất bình dân.

Khách sạn, nhà nghỉ

  1. Nếu muốn trải nghiệm cảm giác du lịch bụi thì nhớ mang theo lều và nên đi theo nhóm đông để thay phiên nhau nghỉ ngơi.
  2. Nhà nghỉ ở đây giá cả khá rẻ tuy nhiên chất lượng cũng còn tùy chỗ. Theo kinh nghiệm, cứ đi hỏi 8 nhà trọ sẽ tìm được 2 nhà ưng ý, vì thế cũng đừng ngại đi hỏi nhà trọ. Nhớ kiểm tra kỹ phòng nghỉ, phòng vệ sinh và các trang thiết bị cơ bản nhất (Loca sẽ có một bài viết review về các khách sạn ở một số tuyến du lịch trọng điểm của miền Tây).
  3. Tính cách con người miền Tây thường chân tình và hiếu khách nên bạn có thể xin tá túc lại trong nhà dân, trên ghe tàu hoặc tại các cù lao. Buổi tối ngồi lai rai xị rượu với một vài anh Hai, anh Ba nơi mình ở nhờ giữa mênh mông sông nước, nghe họ chuyện trò cuộc sống, làm ăn… sẽ là một trải nghiệm thật quý giá.

Cần lưu ý

Hành trang cần chuẩn bị:

Loca lưu ý một số vật dụng hết sức quan trọng và cần thiết cho bạn trong chuyến du lịch khám phá miền Tây của mình:

  1. Bạn nên mang theo ô dù, áo chống nắng, kem thoa chống muỗi, kem chống nắng.
  2. Đèn pin, bạn cần mang theo loại đèn pha sáng vì hầu hết các con đường miền Tây không có đèn đường, nhiều kênh rạch không rào chắn (một kỉ niệm vui là khi người của Loca đi xuống ra mũi Cà Mau, lúc đó là vào buổi chiều tối, anh lái thuyền lại không mang đèn pha chiếu sáng, hú hồn khi đi giữa vùng sông nước mênh mang, trời tối đen như mực và thỉnh thoảng mới có ánh đèn của người dân chài dựng nhà ven sông).
  3. Kính bảo vệ mắt khi đi trên đường.
  4. Dụng cụ sửa xe, đồ vá xe đề phòng xe hư hỏng dọc đường nếu đi bằng xe máy. Hơn thế nữa,bạn nên mang theo 1 lít xăng dự trữ, vì hầu hết các cây xăng ở đây rất hiếm và đóng cửa rất sớm.
  5. Bản đồ miền Tây, la bàn, nếu có thể thì mang máy GPS.
  6. Nước uống, thức ăn khô, dụng cụ vệ sinh và y tế dự phòng.

Ngoài ra:

  1. Các con đường có đặc điểm khá giống nhau: nhỏ và hẹp, dọc là những con kênh và sông rất sâu, ít địa điểm sửa xe vì thế phải tự trang bị những thứ như vá xe, đèn pin pha sáng. Có những đoạn đường đi vào chạy cả trăm cây số nhưng chỉ một đường thẳng và chạy hoài nên cứ trên tinh thần là chuẩn bị xăng cho đầy bình hoặc mang theo dự trữ 1 lít.
  2. Chạy đêm đường khá vắng, đôi khi có đoạn đường xấu nên xe phải có đèn pha, cả đèn trước lẫn đèn sau kẻo té xuống sông.
  3. Lái đường dài đi đêm sẽ gây nhiều ảo giác khó tả nên phải bình tĩnh và luôn cẩn thận trước mọi tình huống.
  4. Đường miền Tây bằng phẳng không đèo dốc, ngoài Quốc lộ 1A xe cộ dập dìu ra các đường khác tương đối vắng vẻ có thể thoải mái chạy xe. Có điều phải nhớ là khi thấy xuất hiện một chiếc xe thô sơ nào đó do bất cứ ai điều khiển trên đường thì phải đặc biệt chú ý đến nó và giảm tốc độ đến mức có thể vì nó có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào và không có gì báo trước cả.
  5. Nếu tiếp tục đi sâu vào các đường làng thì sẽ có những cái cầu không có lan can, gặp những cái cầu này thì bất kể nó rộng hẹp thế nào các bạn cũng nên tuân thủ nguyên tắc “một mình qua cầu”, không có gì phải gấp khi qua cầu cả, một va quẹt nhẹ nhàng trên cầu là đến 80% đưa ta xuống sông.
  6. Khi đi xe 02 bánh qua các phà nhỏ (phà không chở ô tô) sẽ có cảnh chen chúc. Chuyện này là chuyện thường ngày, không đi cũng không được vì nếu cứ lựa phà lớn mới qua sông thì hơi lâu. Mà đã đi thì phải tuyệt đối không mất bình tĩnh: dù có ra đến giữa sông mà gặp gió to cũng phải ngồi cho êm đừng quýnh quáng mà toi cả đám.
  7. Các cụ ở miền Tây có truyền cho kinh nghiệm rằng: Khi rơi xuống sông thì việc đầu tiên là phải đảm bảo giữ mình nổi được đã sau đó nương theo dòng nước trôi đi để giữ sức rồi tìm cách vào bờ sau, không cố lội vào bờ khi chưa đảm bảo rằng mình đủ sức bơi đến đích.
  8. Hỏi thăm đường đi thì phải hỏi liên tục vài người khác nhau vì nhiều người cũng không rõ nên chỉ đi bừa một hồi là tìm không ra. Vậy nên có bản đồ mang theo thì tốt, đặc biệt là máy GPS.
  9. Nên mang theo giầy, bao tay, khẩu trang, mắt kính to để che vùng mắt và có thể nhìn ban đêm do bỏi tối có nhiều bọ rầy, muỗi bay vào mất rất khó chịu. Lái xe đường dài thì uống thêm vitamin giúp mắt tỉnh táo.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *