Từ nhiều năm nay, ngành du lịch đã có những chương trình phát triển các loại hình du lịch mới, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Có thể nói đến một số loại hình như du lịch thăm quan chợ phiên, du lịch nghỉ dưỡng… nhưng tiêu biểu cần kể đến là du lịch các nhà tù. Trải qua nhiều năm bị đô hộ, dưới các thời, chế độ đã xây dựng nhiều nhà tù để giam giữ các chiến sĩ, những người kiên cường không chịu khuất phục.
Phụ lục
1. Nhà tù Hỏa Lò
Được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1896 nhằm giam giữ những nhà cách mạng của Việt Nam. Sau chiến thắng của Điện Biên Phủ trên không, nhà tù này trở thành nơi giam giữ phi công Mỹ nhảy dù. Nhà tù Hỏa Lò được ví như “địa ngục trần gian”, với các bức tường bằng đá thiết kế bao quanh, hệ thống dây thép gai có dòng điện cao thế chạy qua gia cố, trên các tháp canh ở bốn góc giúp quan sát nhất cử nhất động toàn bộ trại giam.
Nhà tù Hỏa Lò
Theo như thiết kế ban đầu, nhà tù Hỏa Lò giam giữ được khoảng 500 tù nhân, nhưng có những lúc nhà tù này có thể giam giữ tới gần 2.000 tù binh.
Trong nhiều năm gần đây, nhà tù Hỏa Lò đã trở thành một điểm du lịch tưởng niệm thu hút du khách trong và ngoài nước yêu thích. Hàngnăm, di tích nhà tù Hỏa Lò đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, 70% trong số đó là du khách nước ngoài.
2. Khu di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo
Đây là một hệ thống nhà tù trong khu di tích lớn nhất, lâu đời nhất và đặc biệt quan trọng của nước ta về mặt lịch sử. Trong suốt những năm đất nước ta bị đô hộ, chế độ thực dân, đế quốc đã biến nhà tù Côn Đảo thành “địa ngục trần gian” khét tiếng – nơi được biết đến với hệ thống nhà giam, chuồng cọp nhằm tra tấn làm nhụt ý chí chiến đấu của những chiến sĩ bị giam cầm tại đây.
Nhà tù Côn Đảo
Cho đến ngày hôm nay, những dấu ấn này vẫn còn rõ nét trên vùng đất Côn Đảo và mỗi ai khi nhắc hay nghe tới nơi nay cũng phải rùng mình. Nào là phòng chết điển hình, xà lim, phòng tối, khu đập đá, biệt giam… đều là những nơi tra tấn khủng khiếp.
Dẫu trải qua hơn 40 năm từ khi nhà tù này được mọi người biết đến rõ rệt và liên tưởng nơi này như một trong những nhà tù khủng khiếp thời Trung cổ. Đến năm 2013, nhà tù Công Đảo được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt cần được bảo vệ và gìn giữ.
3. Nhà tù Lao Bảo
Là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương, nhà tù Lao Bảo là nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng cộng sản mà sau này là lãnh đạo cao cấp của chính quyền như: nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Văn Cung…
Sau ngày thống nhất đất nước, nhà tù Lao Bảo được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và trở thành điểm đến thu hút du khách. Nhà tù nằm cuối đường Lê Thế nối từ quốc lộ 9 vào thuộc Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hoá. Nhà tù được xây dựng giữa một thung lũng cách phía Nam Quốc lộ 9 khoảng 2 km.
4. Nhà lao Cây Dừa
Vốn là trại giam do thực dân Pháp xây dựng để giam cầm những người Việt Nam yêu nước, nhà lao Cây Dừa còn có tên gọi là Trại giam tù binh chiến tranh Phú Quốc hay Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc. Sau này, chính quyền Sài Gòn đã xây dựng lại nhà lao Cây Dừa năm 1967 để gia tăng sự can thiệp và giam giữ các chiến sỹ yêu nước.
5. Nhà tù Phú Quốc
Đây cũng là nơi giam giữ những người cộng sản miền Nam với hàng chục nghìn tù binh từng bị giam giữ. Nhà tù Phú Quốc như một bằng chứng sống ghi dấu tội ác vô cùng dã man của chế độ thực dân, đế quốc xâm lược. Bên cạnh đó, hình ảnh nhà tù Phú Quốc như nói lên tinh thần bất khuất đấu tranh kiên cường của người cách mạng. Tù binh chiến tranh tại đây đã phải chịu nhiều những hình thức tra tấn rất dã man như đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống…
Ngày nay khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc không như quy mô vốn có của nó, tuy vẫn nằm trên khu vực của nhà lao cũ, có nhà trưng bày hiện vật xây hai tầng và khu trưng bày ngoài trời những hiện vật nguyên gốc và hầu như vẫn còn giữ nguyên vị trí… Chính những điều này đã tạo ra một nhà tù Phú Quốc thu hút những tù nhân cũ trở về thăm lại nơi mình bị giam giữ trước đây, du khách ở khắp các miền đất nước, những vị khách nước ngoài.
6. Nhà tù Sơn La
Nhà tù Sơn La do thực dân Pháp xây dựng năm 1908 để giam cầm những tù nhân thường phạm.
Nơi đây đã được biến thành địa ngục để giam cầm, đầy ải và làm mất đi ý chí đấu tranh của những người Cộng sản Việt Nam. Nhưng cũng tại đây, khí tiết của những người chiến sỹ cộng sản đã toả sáng và thắp lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng khắp núi rừng Tây Bắc, một trường học cách mạng rèn luyện nên những chiến sỹ cộng sản như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ và nhiều đồng chí khác.
Nhà tù Sơn La bên cạnh việc trở thành một di tích lịch sử nổi tiếng, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau này. Hàng năm nơi đây đón tiếp hàng trăm ngàn lượt khách là các em học sinh, sinh viên và du khách gần xa. Di tích nhà tù hiện nằm trên đồi Khau Cả, tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La.
7. Di tích nhà tù Lai Châu
Nằm ở phường Sông Đà, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, nhà tù Lai Châu được khởi công xây dựng vào năm 1901. Đến năm 1953, nhà tù được thực dân Pháp sử dụng, nơi đây đã ghi dấu tội ác của thực dân Pháp xâm lược cùng bè lũ tay sai bán nước.
Di tích nhà tù Lai Châu được bè lũ thực dân Pháp và tay sai gọi là trại giam địa đạo bởi nó nằm ngay cạnh khu nghĩa địa, mỗi khi có phạm nhân trốn trại bị bắt được thì sẽ đem ra nghĩa địa xử bắn và chôn luôn tại đây. Đặc biệt, nhà tù này chỉ có lối vào chứ không có lối ra.
Di tích hiện nay đã được tái hiện bằng sa bàn trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Điện Biên với các hiện vật còn lưu giữ được và các thông tin về một giai đoạn lịch sử thu hút mọi người đến tham quan, nghiên cứu. Thông qua những hoạt động mang tính chất giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ mai sau.
Năm 2011, nhà tù Lai Châu đã vinh dự được đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử cấp quốc gia.
8. Nhà lao Vinh
Được xây dựng năm 1804 trong vùng thành cổ Nghệ An, nhà lao Vinh từng là nơi giam giữ những người đã đứng lên chống cả triều đình phong kiến lẫn các thế lực phương Tây qua nhiều phong trào như Văn Thân, Cần Vương, và hàng loạt các cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng, các phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du…
Du khách đến nhà lao Vinh sẽ có cơ hội nhìn lại những dụng cụ tra tấn của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ yêu nước và cách mạng bị giam cầm hiện vẫn được lưu giữ tại đây.
9. Nhà lao Thừa Phủ
Nha lao Thừa Phủ tiền thân là nơi ở của đơn vị Thuỷ binh nhà Nguyễn, năm 1899, nơi này được thực dân Pháp và chính quyền tay sai biến thành nhà giam chính của Phủ Thừa Thiên (tức tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay). Đây cũng là nơi cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhiều vị giáo sư như Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng… trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đầu tháng 10 năm 1930 bị giam cầm.
Nhắc đến nhà lao Thừa Phủ, du khách đều sẽ biết tới đây là địa danh đã gắn liền với một quãng thời gian hoạt động cách mạng của đại tướng Võ Nguyên Giáp, đây là nơi du khách có thể hình dung được phần nào về ý chí bất khuất Đại tướng.
Nhà lao Thừa Phủ hiện nằm ở số 1 Lê Lai, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế.
10. Nhà đày Buôn Ma Thuột
Được xây dựng vào những năm 1930-1931, nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi đã giam giữ, đày ải những chiến sĩ yêu nước như Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chí Thanh… cùng nhiều chí sĩ yêu nước khác. Hiện nay, nhà đày toạ lạc tại số 18, đường Tán Thuật, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột.
Trải qua nhiều lần trùng tu cải tạo, nhà đày Buôn Ma Thuột hiện nay đã mở cửa đón khách tham quan các cụm trưng bày hình ảnh, hiện vật… những thứ đã góp phần tái hiện một cách chân thực, sống động những năm tháng khốc liệt của những chiến sĩ cách mạng nơi đây.
11. Nhà tù chính trị Ba Vì
Một bí ẩn mới được phát hiện trên núi Ba Vì, chính là việc tồn tại một khu nhà tù chính trị bí mật được người Pháp xây dựng kiên cố từ những năm 30 của thế kỷ trước. Nhà tù này được dựng ngay tại sườn Tây của đỉnh Tản viên, trên độ cao 1.000m và có diện tích vào khoảng 2.500m2. Nơi đây được xây dựng kiên cố đẻ giam cầm những người cộng sản yêu nước chống lại chế độ thực dân.
Khu vực nhà tù được bố trí thành 3 khu: Khu 1 là nơi ở cho cai tù; Khu 2, khu 3 là nơi giam giữ phạm nhân. Ngay cạnh mỗi khu là những chiếc cối đá lớn dùng để tra tấn phạm nhân. Phía trong nhà tù hiện vẫn lưu giữ các dấu ấn của xiềng xích, gông cùm.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →