4 địa điểm du lịch Tiền Giang [2016]

Đăng ngày 25/01/2024

Đến với du lịch Tiền Giang bạn không chỉ được tận hưởng cuộc sống thôn quê dân dã, bình dị mà còn được ghé thăm những khu vườn cây sum suê trĩu quả. Nếu bạn là người yêu thích du lịch và khám phá miền sông nước, thì Tiền Giang là điểm đến lý tưởng cho bạn cùng người thân và bạn bè.

Loca xin giới thiệu đến bạn 4 địa điểm du lịch Tiền Giang nổi tiếng nhất.

1. Trại rắn Đồng Tâm – Tiền Giang

Từ lâu, trại rắn Đồng Tâm trở thành điểm tham quan độc đáo, nằm trong các tuyến du lịch về Tiền Giang. Tại đây, du khách tha hồ tận mắt ngắm nhìn, quan sát hàng trăm loại rắn khác nhau, từ những loài rắn hiền lành (rắn nước, rắn gáo…), đến các loài rắn độc (hổ ngựa, rắn hổ cạp nong, hổ mai gầm…) và những động vật quí hiếm như trăn, cá sấu, ba ba, cáo, gấu, công…


Trại rắn Đồng Tâm – Tiền Giang

Trại rắn Đồng Tâm hay còn gọi là xí nghiệp dược phẩm Quân khu 9, có diện tích khoảng 30ha, nằm bên bờ sông Tiền. Đây là một trong những trại nuôi rắn lớn nhất Việt Nam, được thành lập vào năm 1977 theo sáng kiến của Trung tá Trần Văn Được, một người có kiến thức uyên bác về rắn và say mê công việc nguy hiểm này. Mục đích của trại là nuôi rắn lấy nọc xuất khẩu, kết hợp trồng cây dược liệu. Đặc biệt, đây còn là nơi chữa trị rắn cắn cho nhân dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Vị trí

Trại rắn Đồng Tâm thuộc địa bàn ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, cách thành phố Mỹ Tho về phía Tây khoảng 9km.

2. Cù lao Thới Sơn – Viên ngọc quý nơi sông nước Tiền Giang

Cù lao Thới Sơn chơi vơi giữa bốn bề sóng nước sông Tiền. Không chỉ quanh năm trái ngọt, cây lành, phù sa màu mỡ mà Thới Sơn còn nằm trong một vùng đất có lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng. Nơi đây, vào mùa xuân năm 1785, cách nay hơn 200 năm, anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ xuất sắc lập nên chiến thắng Rạch Gầm Xoài Mút lẫm liệt phá tan 5 vạn quân Xiêm xâm lược.


Cù lao Thới Sơn

Những ngôi nhà của người dân Thới Sơn vẫn giữ được nét cổ kính, xưa cũ. Ðiểm du lịch của nhà ông Tám Cho là một tiêu biểu về kiểu nhà xưa. Ngôi nhà của ông được xây dựng với hàng cột gỗ, mỗi mái nhà có chín cây đòn tay bố trí theo thuật phong thủy: Kiên – Trừ – Mãn – Bình – Ðịnh – Chấp – Phá – Nguy – Thành.

Vị trí

Cù lao Thới Sơn hay còn gọi là cồn Thới Sơn nằm ở hạ lưu sông Tiền, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, có diện tích khoảng 1.200ha

3. Chợ nổi Cái Bè – Tiền Giang

Vẻ đẹp của Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) mang nét duyên của miền quê thuần chất miệt vườn, không cầu kỳ theo kiến trúc hiện đại. Ở đây, vườn nối tiếp vườn, sông nối tiếp sông, kênh rạch thì đan xen như mạng nhện, phương tiện giao thông hoàn toàn bằng đường thủy. Chợ Cái Bè là chợ đầu mối lớn nhất ở miền Tây Nam Bộ. Chợ diễn ra trên sông, họp suốt ngày đêm trên quy mô lớn. Hàng hóa rất đa dạng, phong phú.

Từ khi mặt trời vừa ửng đỏ ở phương Đông, khu chợ nổi đã nhộn nhịp như một thành phố nổi trên sông. Những chiếc xuồng nhỏ bán hàng rong như phở, cơm, hủ tiếu, đồ tạp hóa chạy luồn lách theo các mạn ghe, mạn tàu như những chú cá kình chạy đi tìm mồi. Những chiếc phà nhỏ chở chừng vài ba chục người đưa khách chạy qua, chạy lại như con thoi. Ghe tam bản chở chôm chôm đỏ rực, ghe chở xoài màu vàng ửng, xuồng sầu riêng thơm nồng, ghe dưa hấu xanh tươi… với giá rẻ đến bất ngờ. Khu chợ nổi Cái Bè là trạm trung chuyển trái cây và tôm cá đi khắp nơi.

Chợ nổi Cái Bè mang nét duyên của miền quê, dân dã mà không kém phần lãng mạn, và đã được chọn là một trong những tour du lịch đặc sắc. Hiện trung bình mỗi ngày, chợ nổi Cái Bè đón hàng trăm khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Vị trí

Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp gianh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre.

4. Chùa Vĩnh Tràng – Trọn vẹn kiến trúc Á – Âu

Chùa Vĩnh Tràng hay chùa Vĩnh Trường đều là một. Cái tên này có ẩn ý rằng, chùa được “Vĩnh cửu đối sơn hà, trường tồn tề thiên địa”. Chùa Vĩnh Tràng được bắt đầu xây dựng từ đầu thế kỷ 19 do ông Bùi Công Đạt thực hiện. Ban đầu, chùa chỉ là am nhỏ, vách đất, bốn bề hoang vu. Đến năm 1849, hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì. Lúc này, ngôi chùa mới được xây cất lại. Và từ đây ngôi chùa mới có tên là Vĩnh Tràng.

Vĩnh Tràng là một trong số ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Nam Bộ và cổ nhất Tây Nam Bộ. Chùa được xây cất do công trình kiến trúc của nhiều người, trong nhiều năm theo lối kiến trúc tổng hợp Á – Âu (Pháp, La Mã, Thái, Miên, Chàm) nhưng vẫn mang đậm nét lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Chùa còn bảo tồn 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung; tất cả đều được thếp vàng rực rỡ; trong đó có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng mười tám vị La Hán nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20, mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m. Chùa có 3 tượng đồng (tượng Di Đà cao 98cm, tượng Quan Âm và tượng Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19; bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thiếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng. Những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ “Hoàng kim bửu điện” được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

Vị trí

Chùa Vĩnh Tràng là một ngôi chùa nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *