Kinh nghiệm du lịch Ba Vì 2 ngày 1 đêm

Đăng ngày 25/01/2024

Trong những ngày hè tháng 6, tranh thủ được nghỉ phép, Dolly và bạn quyết định đi du lịch Ba Vì để tận hưởng không khí trong lành của lá phổi xanh Thủ đô Hà Nội. Dưới đây là những chia sẻ của mình trong chuyến đi vừa rồi.

Chuẩn bị cho chuyến đi

  • Phương tiện: Các bạn có thể di chuyển bằng Xe máy, ô tô hoặc xe buýt , nhưng trước khi khởi hành các bạn nhớ đổ đầy bình xăng, lắp gương và mang theo vài dụng cụ sửa chữa xe nhé. Đường lên rất dốc và nhiều khúc cua hiểm, các bạn kiểm tra phanh xe cẩn thận. Mang theo giấy tờ tùy thân (đăng ký xe, giấy chứng nhận bảo hiểm, bằng lái xe).
  • Trang phục: Chọn trang phục gọn gàng, thoải mái, giày thể thao để tiện cho việc leo núi, kính mắt và khẩu trang, có thể mang theo chiếc áo khoác mỏng vì lên độ cao 1200m không khí loãng và lạnh hơn bên dưới chân núi.
  • Đồ ăn trưa và một số vật dụng khác: Trước khi đi Dolly còn chuẩn bị thêm chút đồ ăn trưa và nước uống. Các bạn có thể mang theo khăn ướt và giấy ăn, dầu gió, quạt giấy, kem chống nắng, thuốc chống muỗi, vắt…

Thời điểm nào đi Ba Vì

Các bạn có thể đến tham quan Ba Vì bất cứ lúc nào trong năm nhưng nên đến Ba Vì vào mùa hè – từ tháng 4 đến tháng 10. Bởi lẽ, không khí mùa hè ở thành phố rất oi bức và ngột ngạt; chỉ cần đặt chân lên Ba Vì, các bạn sẽ cảm thấy như bước vào một thế giới hoàn toàn khác, không khí trong lành, mát mẻ và đặc biệt là rất yên tĩnh, nhưng tránh những ngày trời mưa nhé, đường dốc trơn trợt rất dễ ngã. Còn nếu đến vào mùa đông thì trời lạnh và nhiều sương mù sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn.

Cách đi từ Hà Nội đến Ba Vì

Có hai đường chính để đến Ba Vì, có thể đi bằng xe máy hoặc ô tô (ở đây Dolly và bạn lựa chọn đi xe máy).

  • Đường thứ nhất: Xuất phát từ Big C Thăng Long, Trần Duy Hưng, Hà Nội rồi đi theo đại lộ Thăng Long khoảng 30 km là đến cầu vượt Hòa Lạc. Tiếp tục đi thẳng vào khu vực Làng văn hóa theo biển chỉ dẫn đến xã Yên Bài là đến vùng núi Ba Vì.
  • Đường thứ hai: Đi theo đường Quốc lộ 32 lên Sơn Tây, đến cây xăng Sơn Tây thì rẽ trái đi qua khu vực viện 5 rồi đi thẳng đường lên Xuân Khanh (hoặc đường lên Đá Chông), qua khu vực Xuân Khanh đến cây xăng Tản Lĩnh là đến vùng Núi Ba Vì.

Lưu ý nhé: Từ cốt 400m trở lên cấm xe trên 30 chỗ. Nếu đoàn đông có thể di chuyển bằng xe điện.

Còn đối với các bạn đi bằng xe buýt, có thể đi các tuyến sau:

  • Từ bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), bắt chuyến 214 đi đến Xuân Khanh.
  • Từ Mỹ Đình, đi xe 71 đến bến xe Sơn Tây hoặc xe 74 đến Xuân Khanh.

Một vài thông tin về giá vé, giá dịch vụ

Tại vườn quốc gia Ba Vì

Giá vé tham quan (tại thời điểm cập nhật 26/2/2015)

  • Vé người lớn: 40.000đ/vé
  • Vé dành cho Học sinh, sinh viên, trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật: 20.000đ/vé nhưng cần có giấy tờ chứng minh.

Giá một số dịch vụ tại vườn quốc gia Ba Vì:

  • Vé chụp ảnh dịch vụ: 600.000đ.
  • Phí thuê HDV: 300.000 – 500.000đ/1 HDV.
  • Vé gửi xe máy: 3.000đ/chiếc/điểm.

Giá nhà nghỉ:

  • Loại 1: 500.000đ/phòng
  • Loại 2: 400.000đ/phòng
  • Nhà sàn 2.000.000 – 2.500.000đ/nhà.

Giá thuê đồ:

  • Lửa trại: Từ 1.000.000 – 1.500.000đ
  • Lều trại: 150.000 – 200.000đ/lều 4 người.
  • Loa đài, ánh sáng: Từ 1.000.000 – 1.500.000đ
  • Hội trường: Từ 2.000.000 – 4.000.000đ/ngày
  • Dịch vụ xe trung chuyển: 000đ/người/khứ hồi.

Tại Khoang Xanh – Suối Tiên

Giá vé tham quan

  • Giá vé vào cổng đối với người lớn là: 150.000 VNĐ/người, còn trẻ em (dưới 1.2m) là 70.000 VNĐ/người (Áp dụng chung cho cả khách Việt Nam và khách nước ngoài).
  • Giá vé Thung lũng khủng long là: 30.000 VNĐ (Áp dụng chung cho cả khách Việt Nam và khách nước ngoài).

Lưu ý: Nếu các bạn muốn tắm bùn và tắm bể khoáng thì sẽ mua vé riêng.

Một số thông tin thêm về dịch vụ tại Ba Vì

Gần vườn quốc gia có khá nhiều nhà hàng (hoặc bạn đi ngược trở ra Sơn Tây, cũng khá nhiều nhà hàng đặc sản dọc 2 bên đường). Còn nếu ở chân cổng chào Vườn quốc gia Ba Vì, đi thêm 200m nữa thì sẽ gặp nhà hàng “Lá Cọ”.  Nhà hàng này có không gian lớn, thiết kế theo kiểu nhà vườn, vừa dân dã vừa sang trọng. Đến đây bạn có thể gọi bất cứ món ăn gì là đặc sản của Ba Vì như cá Ngạnh, cá Nheo sông Đà, các món dê, lợn Lửng…

Ở Ba Vì không có nhiều khách sạn lớn, tuy nhiên nếu chỉ kiếm chỗ ngủ qua đêm thì cũng rất ok. Nếu các bạn muốn chọn một khách sạn sang trọng cho một kỳ nghỉ dài hãy chọn khách sạn Lâm Ký ở phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây tuy nhiên cách các điểm du lịch ở Ba Vì hơi xa (khoảng 12 km). Nếu các bạn muốn chọn một nơi lưu trú gần hơn thì có thể nghỉ tại khách sạn Bạch Dương nằm trên đường đi vườn quốc gia Ba Vì. Còn bạn chỉ nghỉ ngắn hạn thì có thể ở lại các khách sạn ngay trong khu du lịch như khách sạn Ao Vua, khách sạn Đầm Long, khách sạn Khoang Xanh…

Lịch trình khám phá Ba Vì 2 ngày 1 đêm

Ngày thứ nhất: Hà Nội – Ba Vì (vườn quốc gia Ba Vì).

Buổi sáng

6h00: Dolly bắt đầu xuất phát từ BigC Thăng Long theo Đại lộ Thăng Long để đến vườn quốc gia Ba Vì.

7h45: Đến cổng vườn quốc gia, mua vé rồi đi xe máy thẳng vào cốt 1100m để vào đền Thượng (cách cổng vườn quốc gia 12km). Đường đến đền Thượng nhiều khúc cua hiểm và dốc, các bạn nhớ di chuyển hết sức cẩn thận và quan sát kỹ xung quanh.


Cổng vườn quốc gia Ba Vì

Đến cốt 1100m (dưới chân núi) gửi xe đi bộ leo núi, ở đây có bảng chỉ dẫn hướng đền thờ Bác Hồ, tháp Báo Thiên (bên trái)và đền Thượng (bên phải).

Điểm đến đầu tiên là đền Thượng(Chính cung thần điện) nằm ở núi Tản Viên là nơi thờ Đức Thánh Tản Viên Sơn Tinh. Theo truyền thuyết đền được xây dựng từ thời An Dương Vương, đến thời vua Lý Nhân Tông đền Thượng được xây lại với quy mô lớn hơn nhưng đến nay đền cổ không còn mà được trùng tu dựa vào vách núi.

 

Qua sân đền chính, leo thêm hơn trăm bậc đá nữa là điểm cao nhất của đỉnh Tản Viên, đường đi cũng dốc hơn. Ở đây đặt tượng thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên, ban Mẫu địa và ban Bát tiên.

Từ đền Thượng, đỉnh Mẫu quay lại cốt 1100, nghỉ một lúc lấy sức rồi leo lên đỉnh Vua có tháp Báo Thiên và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tháp Báo Thiên gần đền thờ Bác Hồ, có 13 tầng, cao gần 27m, trên cùng là quả hồ lô lớn bằng đồng. Xung quanh tháp gồm có 88 pho tượng lớn nhỏ và 8 vị Kim cương, được quay về 8 hướng.

Sau khi tham quan xong tháp Báo Thiên, leo tiếp lên đỉnh Vua, đền thờ Bác Hồ. Đường lên đỉnh Vua nhiều đoạn cây cối rậm rạp và đường ít dốc hơn núi Tản, trên đường lên có các ghế đá hoặc nhà vọng cảnh để nghỉ chân.


Đền thờ bác Hồ trên vườn quốc gia Ba Vì

 

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được hoàn thành cuối tháng 8/1999. Ngôi đền mang phong cách kiến trúc truyền thống có 8 mái đao uốn cong ở bốn phía. Từ cửa vào là bia đá khắc bài điếu văn truy điệu Bác Hồ và mặt sau bia khắc trích văn di chúc của Bác. Trên bệ thờ đá có bức tượng Bác Hồ đúc bằng đồng trong tư thế ngồi, phía trên là bức hoành phi ghi dòng chữ nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Trên cao là cờ Tổ quốc ghép bằng đá hoa cương màu đỏ.

Buổi trưa

Sau khi tham quan xong, Dolly lấy đồ ăn ra ăn trưa, sau đó đi tìm nhà nghỉ để qua đêm ở đây. Nếu các bạn không chuẩn bị đồ ăn có thể quay về cốt 400m để ăn trưa ở nhà hàng trong khu du lịch vườn quốc gia Ba Vì.

Buổi chiều

Tham quan các điểm còn lại: nhà thờ Pháp cổ, cô nhi viện, nhà nghỉ của quan chức cao cấp Pháp, nhà tù chính trị, cốt 600m (nơi đánh dấu trận đánh của trung đoàn Ba Vì, động Ngọc Hoa, Vườn xương rồng.

Chú ý: Nếu các bạn không đi tham quan vườn quốc gia nữa thì có thể lấy xe máy (xe đạp) và đi du ngoạn khắp các làng, xóm huyện Ba Vì, thăm các khu du lịch sinh thái hay tham quan các trang trại bò sữa… Các bạn sẽ bắt gặp những trang trại bò sữa rộng mênh mông, trông rất thích mắt hay thưởng thức những cốc sữa tươi thơm ngon và những miếng bánh sữa đậm đà hay mua sữa và các sản phẩm từ sữa về làm quà cho người thân…

Ở Ba Vì có rất nhiều khu du lịch sinh thái đẹp như Thiên Sơn Suối Ngà, Khoang Xanh Suối Tiên, Đầm Long, Ao Vua…. do thời gian chỉ trong vòng một buổi chiều thì chỉ nên chọn một địa điểm để khám phá vì các khu này khá rộng, sẽ ngốn khá nhiều thời gian nếu muốn tận hưởng hết dịch vụ đấy.

Nếu lịch trình ngày hôm sau của các bạn là Khoang Xanh – Suối Tiên giống Dolly thì nên chọn Ao Vua làm điểm dừng chân trong buổi chiều này. Ở Ba Vì cũng có các làng nông nghiệp, các trang trại và làng nghề truyền thống lâu đời như các trang trại nuôi bò sữa, nuôi đà điểu, dê, thỏ; làng thảo dược của người Dao; làng nghề miến dong Minh Hồng – xã Minh Quang; nghề chè truyền thống xã Ba Trại; bún Cổ Đô, các bạn có thể hỏi đường để đến thăm.

Buổi tối

Ăn tối ở gần đó rồi đi loanh quanh khám phá không khí mát mẻ của vùng núi Ba Vì. Đặc biệt hôm đấy, Dolly còn được giao lưu cùng một nhóm các bạn trẻ khác cũng đi cắm trại ở vườn quốc gia Ba Vì nữa. Vui lắm ^^.

Cần lưu ý: Các bạn có thể ăn các món đặc sản tại nhà hàng “Lá Cọ” hoặc nhà hàng “Ao Vua”, chất lượng khá đảm bảo.

Ngày thứ hai: Khoang Xanh – Suối Tiên

Buổi sáng

Dolly dậy sớm, ăn sáng, sắp xếp hành lý để chuẩn bị làm thủ tục trả phòng và tiếp tục chuyến hành trình của mình. Điểm đến tiếp theo là khu du lịch sinh thái Khoang Xanh – Suối Tiên. Khoang Xanh cách vườn quốc gia một đoạn không xa nên chỉ cần đi khoảng nửa tiếng là đến.

Ở đây có nhiều dịch vụ để vui chơi và cảnh đẹp để thưởng ngoạn, tuy nhiên, trước khi mua hàng hay sử dụng dịch vụ phải hỏi giá và thương lượng trước đấy nhé.

Buổi chiều

16h00: Dolly lấy xe trở về Hà Nội, dọc đường đi về Hà Nội có rất nhiều cửa hàng bán đặc sản Ba Vì như: sữa bò, sữa dê và các sản phẩm làm từ sữa (bánh sữa, sữa chua…). Dolly mua 1 can sữa dê và mấy gói bánh sữa về làm quà.

Mong rằng những chia sẻ trên của Dolly sẽ giúp các bạn có những sự chuẩn bị tốt nhất cho chuyến du lịch khám phá Ba Vì sắp tới.

Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *