Cũng đã lâu rồi mình chưa lang thang phố cổ Hà Nội, lần này tranh thủ được nghỉ, quyết định “lên phố” chơi. Đâu cần phải đi xa chỉ cần loanh quan phố cổ cũng mất nguyên cả ngày rồi, cùng Dolly dành một ngày để khám phá phố cổ Hà Nội và cũng để hiểu thêm con người Hà Nội nhé.
Danh mục chia sẻ
- Cách đi đến phố cổ Hà Nội
- Hành trình khám phá phố cổ
- Một số lưu ý
- Tham khảo thêm
Cách đi đến phố cổ Hà Nội
Để đi tham quan phố cổ Hà Nội, Dolly chọn đi xe buýt 09 (Bờ Hồ – Bờ Hồ) từ đường Nguyễn Chí Thanh để đến hồ Hoàn Kiếm, sau đó đi bộ để khám phá phố cổ Hà Nội. Ngoài ra nếu không muốn đi bộ, các bạn có thể chọn các phương tiện khác như xe máy, xe đạp, xe điện, xích lô…
Xe buýt đi qua hồ Hoàn Kiếm
- Điểm dừng Bưu điện thành phố Hà Nội, đường Đinh Tiên Hoàng: có xe buýt số 08, 09, 31, 36.
- Điểm dừng ở ngã ba Lê Thái Tổ, Hàng Trống: có xe buýt số 09, 31, 36.
- Điểm dừng bãi đỗ xe bờ Hồ: xe buýt số 09, 14.
- Điểm dừng số 15 Đinh Tiên Hoàng: xe buýt số 36.
- Điểm dừng Ngân hàng nhà nước Việt Nam: xe buýt số 04, 11, 18, 23, 34 và 40.
- Điểm dừng Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội: xe buýt số 04, 08, 11, 18, 23 và 40.
Ở ngay hồ Hoàn Kiếm có bến xe điện, bạn có thể mua vé tại đây để đi tham quan phố cổ. Điểm xuất phát là nhà ga ô tô điện đường đôi Đinh Tiên Hoàng (gần đài phun nước trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục).
Mỗi ô tô điện chở được 8 người, đi trong khoảng thời gian 35 – 60 phút/chuyến. Thời gian hoạt động ban ngày từ 8h30 – 16h30, buổi tối từ 19h – 23h; thời gian xe dừng đỗ tại các điểm là 20 giây.
Nếu không đi xe điện thì các bạn có thể chọn xích lô, cũng là một trải nghiệm thú vị đó.
Dạo phố bằng xích lô vừa thong dong hóng mát vừa đủ để các bạn có thể ngắm nhìn khung cảnh xung quanh. Nhưng cần lưu ý nhé vì bây giờ ở Hà Nội cũng có nhiều xích lô nhái thương hiệu và giá lại đắt. Các bạn nên chọn những hãng có uy tín, tên công ty đầy đủ, có biển số xe rõ ràng. Ngoài ra, trước khi lên xe, bạn nên thương lượng trước với tài xế về giá cả.
Các bạn có thể sử dụng dịch vụ của xích lô Sans Souci (Xích lô “Không lo âu”) đây là hãng xích lô đã từng chở thủ tướng Czech Milos Zeman. Để tránh tình trạng gặp xe xích lô nhái, các bạn nên liên hệ trực tiếp với xích lô Sans Souci qua thông tin bên dưới:
Địa chỉ: Số 50 Ngõ Phát Lộc, Phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Tp. Hà Nội
Điện thoại: Cô Hằng 090 401 4949 – Chú Thư: 090 343 8048
Hành trình khám phá phố cổ Hà Nội
Để đi tham quan phố cổ Hà Nội, Dolly chọn hồ Hoàn Kiếm là cột mốc đầu tiên của mình, hồ Gươm là trung tâm của khu phố cổ, bao quanh hồ Gươm là các phố “Hàng”, từ đây các bạn có thể xuất phát để đi khám phá toàn bộ phố cổ Hà Nội.
7h00 sáng: Dolly bắt đầu bắt xe buýt 09 để lên bờ Hồ, sau 50 phút ngồi trên xe cũng đến nơi. Hồ Gươm buổi sáng thật trong lành, không khí mát mẻ. Rời hồ Gươm, điểm đến đầu tiên Dolly đi là nhà cổ Mã Mây, nhưng trước hết phải đi “lấp” đầy cái dạ dày đã.
Đi qua Cầu Gỗ, Dolly ghé vào quán bún thang bà Đức – 48 Cầu Gỗ để làm một bát lấy sức đi khám phá Hà Nội. Đây là hàng bún thang khá nổi tiếng và lâu đời. Một suất ở đây khá đầy đủ: trứng rán, giò thái sợi và củ cải thái mỏng, ăn kèm với thịt gà trắng mềm, nhưng hơi ít bún. Nước dùng của bún cũng tương đối đậm đà thêm vào đó một chút mắm tôm nữa thì mùi vị rất ngon.
8h15: Dolly tiếp tục đi ra phố Mã Mây, tham quan nhà cổ 87, đây là một trong số những nhà cổ còn sót lại ở thủ đô Hà Nội. Giá vé là 10.000 VNĐ/người. Trước đó Dolly có tìm hiểu thì ngôi nhà cổ này được xây dựng vào khoảng năm 1890 được làm hoàn toàn bằng gỗ, nhà kết hợp giữa không gian sống và buôn bán, ngăn cách các gian nhà là khoảng giếng trời để tạo sự thông thoáng và ánh sáng vào nhà. Ở tầng một, gian ngoài cùng là nơi buôn bán, gian tiếp theo là nơi tiếp khách và phòng làm việc, cuối cùng là bếp và công trình phụ, điểm Dolly khoái nhất ở tầng một đó là gian bếp với những vật dụng thật đơn sơ và mộc mạc nhưng cũng thật gần gũi, từ cối xay gạo bằng đá, đến chạn bát bằng gỗ, hay những chiếc nồi đồng, chậu đồng, chum đựng nước…. làm Dolly thấy nhớ những vật dụng ngày xưa ông bà nội thường dùng. Theo cầu thang lên tầng hai là khu thờ cúng tổ tiên, tiếp đến là phòng ngủ và cuối cùng là sân phơi quần áo. Ở trong căn nhà, mọi vật dụng, đồ đạc, các họa tiết hoa văn chạm khắc tinh xảo phần nào giúp Dolly hiểu thêm được cuộc sống của những gia đình khá giả ở Hà Nội xưa.
Rời nhà cổ, Dolly đi tham quan dọc theo phố Mã Mây, con phố này trước kia nổi tiếng với các sản phẩm từ mây, tre đan, còn hiện nay, nơi đây tập trung chủ yếu các công ty du lịch. Nối tiếp với phố Mã Mây là phố hàng Buồm, với các cửa hàng ăn, cửa hàng bán bánh kẹo người ra vào tấp nập. Trên phố hàng Buồm có hai địa chỉ mà Dolly ghé vào đó là đền Quan Đế và đền Bạch Mã (một trong tứ trấn Thăng Long xưa).
- Đền Quan Đế (hay còn gọi Miếu Thánh Mẫu) thuộc số nhà 28 Hàng Buồm, Hà Nội, đây là nơi thờ Quan Công, một vị tướng trung thần nước Thục thời Tam Quốc thế kỷ III sau CN. Ngoài ra buổi tối ở đền còn tổ chức biểu diễn ca trù nữa, từ 20h00 – 21h00 các ngày thứ ba, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Giá vé xem biểu diễn là 10$ đối với khách nước ngoài, và miễn phí vé xem với người Việt.
- Đền Bạch Mã nằm ở hướng chính Đông – một trong những Thăng Long tứ trấn, nổi tiếng linh thiêng ở Hà Nội. Đền được xây từ năm 866 và hoàn thiện vào năm 1010 dưới thời vua Lý Thái Tổ, có kiến trúc cổ, quy mô bề thế nơi đây còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị tiêu biểu như các bia đá ghi sự tích của đền, sự tích thần Long Đỗ, các đạo sắc phong thần, các nghi lễ cùng quá trình trùng tu tôn tạo có niên đại từ đời Lê đến đời Nguyễn.
Sau khi tham quan đền Bạch Mã, Dolly quyết định ghé vào quán chè đắng, trà chanh trên phố Chợ Gạo nghỉ ngơi để đi tiếp chợ Đồng Xuân. Gọi là chè đắng, nhưng lại không đắng tí nào, mòn chè này Dolly rất thích, trước đây Dolly và hai bạn học cùng cấp 3 thường ra quán này ăn chè và ngồi buôn dưa lê với nhau, chú chủ quán ở đây rất thú vị đó.
10h00: Dolly tiếp tục cuộc hành trình tham quan chợ Đồng Xuân, đây là một trong những chợ lớn nhất nằm trong khu phố cổ Hà Nội, được người Pháp xây dựng từ giữa năm 1889, nằm trong tổng Đồng Xuân nên chợ có tên là Đồng Xuân. Trong chợ bán rất nhiều mặt hàng đa dạng và phong phú, nhưng điều buồn nhất là chợ bán chủ yếu toàn hàng Trung Quốc, giá rẻ nếu mua hàng theo lô.
Buổi trưa
11h00: Tham quan xong chợ Đồng Xuân, Dolly ra ngõ Đồng Xuân – thiên đường ăn uống của Hà Nội để ăn trưa. Trong ngõ là một loạt các hàng quán ăn có đầy đủ các món để lựa chọn.
11h30: Dolly quyết định quay về Hồ Gươm. Thả bộ trên con đường trải dài lá vàng rơi, phố phường nhộn nhịp người đi lại, không khó để bắt gặp từng đôi bạn trẻ dắt tay nhau đi dạo phố hay nụ cười tươi rói của những đứa trẻ vẫy gọi mẹ thật đáng yêu… Hồ Gươm vào những ngày cuối thu thật đẹp, tiết trời mát mẻ, gió không quá lạnh mà cũng không oi bức như mùa hè.
Buổi chiều
Ở gần Hồ Hoàn Kiếm, có rất nhiều địa điểm Dolly ghé đến như đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc “cong cong như con tôm”, vườn hoa Lý Thái Tổ, Tràng Tiền plaza…. nhưng có một chỗ giữ chân Dolly lâu nhất có lẽ là con phố sách Đinh Lễ, với hàng ngàn, hàng vạn các loại sách khác nhau. Nhớ hồi cấp 2, Dolly và bạn sau khi tản bộ hồ Hoàn Kiếm, ăn kem Tràng Tiền thường ghé vào đây để đọc sách, được ngắm, được nhìn, hay cùng góp tiền quà sáng để mua chung một cuốn sách rồi chia nhau đọc. Bên cạnh những thắng cảnh đẹp, hồ Gươm còn nổi tiếng với món kem Tràng Tiền và kem chanh Thủy Tạ, những chiếc kem mát lạnh xua tan tiết trời oi bức của mùa hè, hay lạnh đến tê người vừa ăn vừa xuýt xoa vào những ngày đông lạnh buốt.
Đến Hồ Hoàn Kiếm nhiều lần, nhưng chưa bao giờ Dolly ngắm cảnh hồ từ trên cao cả. Lần này là một ngoại lệ, tự thưởng cho mình 1 ly Freeze Trà xanh (đồ uống yêu thích của Dolly) ở Highlands Coffee và chờ đợi thành phố lên đèn cũng là một cảm giác thật thú vị.
Buổi tối
Rời quán café, Dolly ghé vào hàng mỳ vằn thắn “thần thánh” của mình trên phố Đinh Liệt, từ hồi ăn mỳ vằn thằn ở đây cùng bạn, Dolly bị “nghiện” món này, mì ở đây ăn dai, nước dùng ngọt thơm mùi tôm và hẹ, sủi cảo ăn ngon, thơm mùi tôm, thịt.
20h00: Dolly đi khám phá chợ đêm, dù mấy lần đến chợ đêm nhưng lần nào Dolly cũng thấy hào hứng cả. Ở đây bày bán rất nhiều đồ đẹp, đa dạng nhưng phần lần đều là hàng Trung Quốc, giá cả cũng rẻ. Buổi tối ở phố cổ không chỉ hấp dẫn Dolly bởi hàng hóa bày bán ở đây mà còn thu hút bởi đồ ăn cũng như các chương trình biểu diễn ca nhạc dân tộc ở đây.
Vì mải mê “ham chơi” nên Dolly không để ý giờ hết xe buýt 09, vì vậy khi ra đến bãi đỗ xe, không còn xe nào hoạt động nữa. Dolly đành bắt taxi về, mặc dù lúc về không được thuận lợi lắm, cùng với việc lâu không lang thang đi bộ nên về đến nhà chân mỏi rã rời nhưng bù lại Dolly có những trải nghiệm thú vị, được thưởng thức những món ăn khoái khẩu, mua được rất nhiều đồ hay ho, cả những viên ô mai thơm giòn, chua ngọt nữa…
Một số lưu ý khi đi tham quan phố cổ
Mua sắm:
Giá cả chung ở phố cổ là rất đắt, có thể mặc cả nhưng nên chú ý tới thái độ của người bán hàng để mặc cả sao cho “thuận mua, vừa bán” nhé.
Không nên mặc cả mà không mua hàng ngay khi sáng sớm, người bán hàng rất kị điều này.
Hỏi giá trước khi ăn uống hay sử dụng dịch vụ ở đây nhé.
Hà Nội gần đây mới nổi tiếng bởi dịch vụ “bún mắng, cháo chửi, ốc lắm mồm”; có thể các bạn chưa hình dung ra nhưng nếu gặp phải trường hợp người bán hàng to tiếng quát mắng thực khách thì cũng không nên lấy làm ngạc nhiên và bực tức nhé, đây là một hình thức xả stress đó.
An ninh, trật tự
Tình hình an ninh chung ở Hà Nội khá ổn định nhưng các bạn vẫn nên chú ý; nhất là việc bảo quản hành lý.
Lực lượng cảnh sát có mặt ở mọi nơi và có thể sẵn sàng phục vụ bạn bất cứ lúc nào khi bạn cần; ví dụ như hỏi đường, hỏi địa chỉ và đặc biệt là giúp bạn giải quyết những rắc rối.
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →