Chắc hẳn mỗi khi bạn đi du lịch thì việc chụp ảnh để lưu lại những khoảnh khắc tuyệt vời của bản thân cùng những người đồng hành là điều dễ hiểu. Đặc biệt, nếu bạn là người có sở thích chụp ảnh thì việc kết hợp giữa đi du lịch và chụp ảnh chính là cách tốt nhất để tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên cùng việc thỏa mãn sở thích. Dưới đây là một số chia sẻ nhỏ để bạn không còn gặp khó khăn khi chụp ảnh ngoại cảnh nữa nhé.
Chụp ảnh ngoài trời cần lưu tâm
Chụp ảnh ngoại cảnh là chụp ảnh cho phong cảnh, cỏ cây, hoa lá, con người. Tuy nhiên, trước khi chụp ảnh, điều cần thiết về nơi bạn dự định đến sẽ như thế nào, ở đó có cái gì là đẹp, đã có nhiều người đến đó chụp hay chưa, không gian ở đó chật hay hẹp… là những gì bạn nên biết.
Ví dụ ở miền Bắc tháng 5 là bước vào mùa cấy vụ lúa, hãy tranh thủ lưu lại cảnh người nông dân trải dài trên những cánh đồng lúa vàng óng trĩu bông. Tháng 9 thì không nên về những vùng chiêm trũng Đồng Tháp chụp ảnh phong cảnh bởi thời điểm đó là mùa nước nổi, nhưng, nếu bạn tìm hiểu thì sẽ biết đó là thời điểm chụp ảnh những thửa ruộng bậc thang vùng Tây Bắc rất thích hợp. Tuy nhiên, ở miền núi thường tắt nắng khá nhanh, chỉ tầm hơn 4 giờ chiều là đã hết nắng.
Vì vậy, bạn cần tham khảo để có những nguồn thông tin về những địa điểm định đến, để đáp ứng tốt được mục đích của bản thân, tránh việc xách máy ảnh đến rồi lại phải buồn bã quay trở về.
Để có được những bức ảnh đẹp, bạn nên chọn thời điểm sáng sớm (thường rơi vào khoảng 5 – 8h) và trời chiều (khoảng từ 4 – 8h tối) để bắt tay vào công việc. Đó là những thời điểm phù hợp khi giúp bạn có nhiều cảm xúc và ánh sáng tốt cho việc bắt cảnh hay góc chụp.
Hiểu về địa điểm chụp, thời điểm chụp vẫn chưa đủ, bạn cần có kỹ năng chọn vị trí chụp ảnh. Tùy vào yêu cầu để bạn biết mình sẽ chụp hình chân dung hay hình toàn thân, lấy điểm nào làm nền hay chọn các kiểu cảnh phụ sao cho thích hợp.
Sau khi đã chọn được vị trí chụp thì bạn cần phải hiểu về việc tạo hình cho bức ảnh. Ai đó có thể thích chụp ảnh ngược sáng khi họ thấy đó là đẹp, và ngược lại. Tuy nhiên, những điều đó chỉ mang sự tương đối, đôi khi ngược hay thuận đều có thể chup, tùy yêu cầu, cách chọn và vị trí chụp của bạn. Để tránh bị hỏng ảnh, hãy thử nhiều ánh sáng khác nhau, ngược và thuận, để biết bức ảnh mình chụp liệu có thực sự đẹp hay không?!
Việc định dạng panorama (góc ảnh toàn cảnh rộng và có tỷ lệ tương ứng giữa chiều rộng và dài: 3:1). Định dạng này thường được sử dụng trong cách chụp ảnh phong cảnh; nhưng thực tế cũng tùy thời điểm có thích hợp hay không. Vì vậy, hãy coi định dạng này như một phương pháp để người chụp hiểu và nhìn được toàn cảnh của bức hình.
Chú ý rằng ảnh của bạn sẽ không được đẹp nếu không có không gian ba chiều, vì vậy hãyxử lý ảnh có mảng khối, có chỗ sáng tối hay có chỗ đậm nhạt sao cho hợp lý.
Hãy chuẩn bị kỹ càng để bạn không phải quá tốn kém về thời gian, sức lực, thời tiết. Hãy tranh thủ chụp ảnh và không nên bỏ lỡ những khoảnh khắc thích hợp để tạo nên những bức ảnh mang phong cách cá nhân của bạn.
Hãy liên tục và chọn lựa góc ảnh đẹp để không phải tiếc nuối nhé.
Chụp ảnh cần “thiên thời, địa lợi”
Nghe thì có vẻ là to tát hay khó hiểu, tuy nhiên, địa lợi ở đây chính là thiên nhiên. Ví dụ như cảnh lúa chín, cấy lúa, mùa nước nổi hay mùa hoa nở… tất cả góp phần tăng cảm xúc cho người chụp. Vậy còn thiên thời là gì? Bạn có thể hiểu đơn giản, thiên thời chính là thời tiết, gồm các yếu tố như mây, gió, bão… Trời luôn luôn nắng hay mưa cũng đều không tốt.
Bạn nên hiểu rõ các yếu tố như cây cối, núi non, sông ngòi… tuy có thay đổi xong không nhiều và không rõ rệt; còn các thông số thay đổi gồm nắng, gió, nước dâng… thì luôn không ổn định. Điều này đòi hỏi ở người chụp phải thể hiện rõ sự thay đổi đó và cách để tạo nên sắc thái khác biệt cho bức ảnh. Nếu không bạn sẽ chỉ nhận được những bức ảnh khô cứng và chắc chắn không thể hiện được bất cứ ý tứ nào của tác giả.
Với những ai đã cầm máy lâu năm thường sẽ thích thú trước những cảnh sắc thời tiết “lạ”, điều này hoàn toàn trái ngược với cảm giác lo âu của những người mới bắt đầu vào nghề. Khi bạn gặp phải thời tiết xấu nhất, bạn phải làm sao để có những bức ảnh đẹp, chủ đề chính không bị che khuất hay không rõ nét.
Ví dụ như một cơn mưa to đang kéo tới phía bạn, hãy tranh thủ chụp những khoảng ánh sáng mặt trời còn le lói ở hướng nào đó hay khi bạn chụp ảnh đèn giao thông chuyển tín hiệu xanh thì hãy tranh thủ chụp ngay những cảnh đoàn người như đứng “bất động” chờ đèn chuyển.
Một điều rõ ràng bạn cần hiểu, dù chụp một tảng đá hay cây khô thì phải làm sao để người xem cùng có cảm nhận như cảm xúc của chính bạn lúc chụp.
Cách chụp những cảnh khác nhau
Điểm đầu tiên cần nhớ trong chụp ảnh phong cảnh chính là con người trong ảnh. Khi chụp dù là có người hay không cũng không thành vấn đề, bởi bức ảnh sinh động hay không là ở chủ đề chính: Hình ảnh nói lên điều gì? Chứ không phải con người đó chuyển động hay đứng yên. Một nguyên tắc bạn hãy học thuộc: “cảnh là chính, con người là phụ, là nền cho bức ảnh”.
Theo chia sẻ của một người trong nghề, việc xuất hiện con người trong ảnh chính là những người tình cờ gặp, có thể là một điểm nhỏ hoặc trang phục đặc biệt. Tóm lại, nếu có con người trong ảnh thì con người đó phải có nét gì đó lạ và hay. Hãy tưởng tượng, khi bạn chụp ảnh mưa thì có thấp thoáng ai đó chạy vụt qua tránh mưa hay ai đó núp ở đâu đó trốn mưa…
Một kinh nghiệm quý báu được rỉ tai nhau khi chụp sương mù và mây mà bạn nên biết. Nhiều tay chụp phải ngán ngẩm khi nhìn trời sương mù hoặc lắc đầu khi ảnh chụp không thể hiện được hết ý. Tuy nhiên, đó là bởi họ chưa cầm máy chụp đúng thời điểm và chưa nắm được quy tắc thời điểm này (tức là những cảnh này sẽ diễn ra khá nhanh). Ví dụ tại Sa Pa, sương mù thường có 2 tầng mây, chỉ cần bạn nhanh tay chụp trước khi tầng mây đầu tiên tràn tới hoặc hãy chờ cho đến khi tầng mây thứ nhất xuống thì bấm, khi đó sẽ tạo ra nét tương phản cho bức ảnh.
Một kinh nghiệm chụp cảnh biển bạn cũng nên biết, đó là biển thường có núi, cát, sóng, thuyền, con người… Hãy chụp những nét lạ như khúc cây ngay giữa biển trước khi thủy triều kéo lên che phủ, hay con thuyền nhấp nhô trong con sóng tung bọt trắng xóa. Hay đơn giản, hãy tranh thủ chụp sự dữ dội của biển qua những con sóng lớn, sự dập dềnh của nước biển hay những tảng đá bị nước vỗ thẳng vào chính diện tung ra những giọt nước vô cùng đẹp.
Còn về cảnh núi thì bạn hãy hiểu núi là thể rắn và cứng. Nếu chụp ảnh quá cứng thì ảnh sẽ không đẹp, nên hãy thêm “chất liệu mềm” như nước (mây và sương). Khi núi được nước hòa quyện thì sẽ trở nên hấp dẫn hơn rất nhiều. Hãy chụp nhiều lớp núi có sương mù, ngay sau cơn mưa, hay vào cuối mùa đông gần mùa xuân thì sẽ có nhiều hơi nước.
Hy vọng những chia sẻ đó sẽ phần nào giúp bạn tự tin hơn để tạo ra những bức ảnh đẹp cho mình!
Nếu bạn thấy hay, chia sẻ ngay trên facebook nhé! →
Tôi là Mai Văn Việt, một người đam mê du lịch và chia sẻ kinh nghiệm, tôi muốn mang đến những câu chuyện chân thực, bí kíp hữu ích giúp bạn tự tin khám phá thế giới theo cách của riêng mình!